Đất Quảng Nam “Địa linh, nhân kiệt”
Người Quảng Nam “Bất khuất, hiên ngang”
“Tề phi ngũ phụng”1 thi tràng
“Phật pháp tứ trụ” huy hoàng, lưu danh
Quảng Nam là vùng đất trung tâm, điểm giao thoa văn hóa và thời tiết, giữa hai miền Nam, Bắc, nên phải gánh chịu nặng nề những nghiệp quả của nhân sinh, và chia sẻ sâu rộng, những thịnh suy của dân tộc. Có núi Chúa – Quế Sơn, sừng sững uy nghiêm và Hàm Rồng – Trà Kiệu trầm hùng oai dũng, Quảng Nam là đất phát quan tạo anh hùng cho đất nước. Theo truyền thuyết, thầy địa lý Cao Biền khi đi xem địa lý, thấy Quảng Nam có nhiều linh huyệt, sinh nhân tài, nên đã đặt niêm ấn trên đỉnh núi Chúa (hiện nay vẫn còn, phía vách đứng, bên cạnh huyện Quế Sơn) và Hàm Rồng, Trà Kiệu, Duy Xuyên, để phá linh huyệt không cho đất Quảng có nhân tài lãnh đạo quốc gia, chống lại Tàu như thời ông cha ta.
Mất long huyệt, nên Quảng Nam chỉ còn lại những tinh anh hưng khí bất khuất, sản sinh những con người chỉ biết làm “cách mạng”, hầu xây dựng quê hương, chứ không màng đến con đường danh lợi, như: (Hoàng Diệu, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Nguyễn Duy Hiệu, Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam, Tâm Minh – Lê Đình Thám)…
Tiếp tục hưng khí tinh anh ấy, Quảng Nam vào thời phong kiến cận đại có “Ngũ phụng tề phi”, vào thập niên 60 và 70 của thế 20, cũng có nhiều nhân sĩ trí thức có tài đức cả đời lẫn đạo, mặc dầu trong Đạo cũng có nhiều chư tôn thiền đức khác đang phụng sự chúng sanh, nhưng trong bài này, chúng tôi muốn đề cập đến những vị có hành trạng và đóng góp nổi bật, được nhiều người biết đến, với tên gọi cung tán là: “Quảng Nam Tứ Trụ”, đó là 4 tăng nhân đất Quảng, xin được phép xếp theo thời gian viên tịch, từ trước đến sau và cũng có chút ý nghĩa như sau: “Vạn – Trí – Phát – Huệ”. Tất cả 4 vị này đều có chùa tại thành phố cổ Hội An và xuất thân từ chốn Tổ, đó là Tổ đình Chúc Thánh, nơi khai sáng dòng thiền Lâm Tế – Chúc Thánh với Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo, hiện đang có mặt và phát triển khắp năm châu.
* Nhân vật 1
Với sự năng động, chấp nhận dấn thân, chịu thương chịu khó, sức chịu đựng vạn năng của ngài Thích Như Vạn (1930- 1980), thế danh Trần Văn Chín, sinh năm Canh Ngọ (1930) tại Ái Nghĩa – Đại Lộc. Ngài xuất gia năm 21 tuổi tại chùa Chúc Thánh với Hòa thượng Tăng cang Thích Thiện Quả, được ban pháp danh Như Vạn, tự Giải Thọ, hiệu Trí Phước, nối pháp đời thứ 8 Lâm Tế Chúc Thánh.
Năm 1951, Ngài theo học tại Phật học đường Ấn Quang. Năm 1959, Ngài được sơn môn cử làm trụ trì Tổ đình Phước Lâm, nơi xuất thân của Tổ Ân Triêm, Tổ Vĩnh Gia và Tổ Minh Giác. Năm 1960, Ngài được Tổng hội Phật giáo Trung phần cử làm giảng sư tỉnh Quảng Nam. Phó Đại diện, kiêm Đặc ủy cư sĩ GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam, Ngài đã chịu khó, đi tận cùng các địa phương, vận động lòng người dân quê chất phác, cùng hướng về dựng xây Giáo hội.
Ngài Như Vạn đã được ngài Như Huệ hỗ trợ để trùng tu lại Tổ đình Phước Lâm như hiện nay và xây dựng Trường Bồ Đề Xuân Mỹ, góp phần ích lợi cho đời. Ngài là người hết mình với đạo và hy sinh rất nhiều cho đời.
Vào năm Thìn (1964) bão lụt, nhiều làng mạc đã bị cuốn trôi, nhiều gia đình tang thương mất mát, nhiều người lâm cảnh màn trời chiếu đất, nhiều em thiếu nhi đã mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, ngài Như Vạn đã lặn lội đi khắp nơi để cứu trợ cho các nạn nhân, vừa giúp được phần nào ổn định cuộc sống hằng ngày, vừa giúp những mảnh đời bất hạnh có nơi ăn chốn ở và tiếp tục học hành, bằng cách tập trung các em về chùa, rồi gởi vào các cô nhi viện ở Huế, Sài Gòn và có một số phát tâm xuất gia, bây giờ là tu sĩ lợi lạc cho đời.
Trong việc xây dựng Trường Bồ Đề Hội An, Trường Bồ Đề Xuân Mỹ và trùng tu chùa Phước Lâm, Ngài trực tiếp lăn lộn cùng công nhân, chỉ huy công trình với vai trò đốc công. Là người nhiệt tình trong mọi công tác Phật sự, nên rất được Tăng Ni Phật tử yêu mến.
Sau 1975, Ngài thực hiện theo chủ trương “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” của Tổ Bách Trượng và góp phần vào việc sản xuất để xây dựng quê hương. Đang lo việc canh tác thì ngài viên tịch đột ngột vào ngày 23 tháng 3 năm 1980, hưởng dương 51 tuổi.
Do lòng nhiệt thành lo cho chúng sanh đó, nên khi viên tịch ngài vẫn còn để lại những bài học khá ấn tượng, để nhắc nhỡ mọi người phải lo tu tập.
Nhờ sự nhiệt tình đóng góp và đầy tinh thần hy sinh, nên Ngài đã có được nhiều đệ tử xuất gia, có nhiều vị tham gia sinh hoạt Giáo hội, nhưng vẫn có những vị đã âm thầm tu niệm, đóng góp cho đạo và dựng xây đời. Đa số các chùa Tổ ở Hội An, đều do đệ tử của Ngài làm Trụ trì2.
* Nhân vật 2:
Với trí tuệ siêu việt, ngài Thích Long Trí (1928-1998), thế danh Lý Trường Châu, sanh năm Mậu Thìn (1928) tại làng Minh Hương – Hội An. Xuất gia năm 19 tuổi với Hòa thượng Phổ Thoại nên có pháp danh Chơn Ngọc, tự Đạo Bảo, hiệu Long Trí, nối pháp đời 7 Lâm Tế Chúc Thánh.
Trong thập niên 50, các Pháp hữu cùng khóa đều theo học các trường ở miền Nam, thì Ngài trụ tại trú xứ và theo học với bổn sư. Do thiên tính bẩm sinh, nên ngài rất có khả năng tổ chức hành chánh cũng như nghi lễ. Năm 1954, theo lời thỉnh cầu của đạo hữu Phật tử thuộc làng Cẩm Phô, ngài về trụ trì chùa Viên Giác, đồng thời làm Phó Thư ký Giáo hội Tăng già Quảng Nam Đà Nẵng. Trong các mùa Pháp nạn, ngài đều dấn thân tranh đấu cho sự tự do tôn giáo và dân chủ cho dân tộc.
Ngài nguyên Phó Nội vụ, kiêm Đặc ủy Thanh niên Tỉnh Giáo hội Phật giáo Quảng Nam, trụ trì một ngôi chùa được xếp hạng Di tích quốc gia, thuộc làng Cẩm Phô (nơi Hạnh Trung cho thêu hình cổng chùa và hai câu thơ, tặng trong dịp kỷ niệm khánh thành chùa Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ, như sau):
“Chùa làng Viên Giác Hội An,
Nhân tài lưu xuất, vinh quang đạo đời”
Ngài chú trọng vào việc xây dựng và đào tạo các Gia đình Phật tử, một thế hệ trẻ kế thừa cho việc duy trì và phát triển Phật giáo sau này.
Ngài Long Trí là một tăng sĩ đa tài:
– Ứng phó đạo tràng rất nghiêm trang, phước tướng.
– Thuyết giảng, tranh luận, rất biện tài, sâu sắc.
– Hành chánh, ngoại giao rất linh hoạt, chu toàn.
– Điều hành, lãnh đạo rất năng động, nhạy bén…
Ngài sống rất bình dị, lịch thiệp, tận tuỵ hy sinh cho công việc và binh vực, giúp đỡ hết mình đối với những khó khăn, trắc trở của từng Phật tử và từng địa phương. Khi ngài làm Chủ tịch Ủy ban tái thiết xã hội và Mặt trận Cứu đói tỉnh Quảng Nam, Ngài đã giúp đỡ được nhiều địa phương và nhiều gia đình thoát khỏi đói nghèo, qua các công tác phục vụ cộng đồng, và giúp vốn cho nhân dân, tăng gia sản xuất, chăn nuôi, phát triển nông nghiệp.
Thực hiện lợi hành, đồng sự trong tứ nhiếp pháp, Ngài đã hơn 10 năm tham gia vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sau đó, Ngài về làm trợ lý cho Hòa thượng Thích Huyền Quang.
Do tuổi cao, sức yếu, nhiều bệnh duyên, tuy được nhiều y bác sĩ điều trị, nhưng Hòa thượng cũng đã thuận thế vô thường, viên tịch vào ngày 13 tháng 9 năm 1998, hưởng thọ 71 tuổi.
Ngài là Tăng sĩ Việt Nam, nhưng có ảnh hưởng đôi nét văn hóa Phật giáo Nhật, có bản lĩnh và biết hy sinh cho đại sự, cho mọi người, nên khi viên tịch, đám tang của ngài được chúng đệ tử và các giới Phật tử tổ chức rất long trọng. Hòa thượng Thích Huyền Quang, Quyền Viện trưởng Viện Hóa đạo, gởi điếu văn phúng viếng và một bộ liễn đối ghi: GHPGVNTN thành kính điếu rằng: “Than ôi! Sen vàng gọi gió, Hỡi ôi! Hạc trắng kêu sương”. Tấm bên phải ghi: “Hạc trắng kêu sương, nhớ thuở Bổn sư Thích Tôn, Niết Bàn tịch diệt”. Tấm bên trái ghi: “Sen vàng gọi gió, Thương ngày Hòa thượng Long Trí, Tịnh độ hóa sanh”, được treo lên ở phần chính giữa, trước bàn kim đài.
Ngài viên tịch, nhưng chúng đệ tử cũng còn rất đông3, có nhiều vị triển vọng sẽ tiếp tục được hành trạng và chí nguyện của Ngài
* Nhân vật 3:
Với sự chơn chất, nghiêm trang, tướng hảo của ngài Thích Chơn Phát (1932-2016) được nhiều người quý mến, kính trọng. Hòa thượng Thích Chơn Phát, thế danh Nguyễn Nghi, sinh năm Nhâm Thân (1932), tại thôn Kim Bồng, xã Cẩm Kim, Hội An. Ngài xuất gia năm lên 10 tuổi với Hòa thượng Phổ Thoại, tại Long Tuyền, với pháp danh Chơn Phát, tự Đạo Dũng, hiệu Long Tôn, thuộc đời thứ 7 pháp phái Lâm Tế Chúc Thánh.
Vào thập niên 50-60, Ngài theo học tại Phật học đường Ấn Quang và làm giáo thọ sư tại Phật học viện Giác Sanh-Sài Gòn. Năm 1961, ngài về trụ trì chùa Long Tuyền.
Ngài là người thâm hiểu Phật pháp và tâm huyết với ngành giáo dục và việc đào tạo tăng tài nên đã tham gia hình thành cũng như làm Giám đốc Trường Bồ Đề Hội An trong thời gian đầu vào những năm 1964, 1965, 1966. Sau đó, Ngài thành lập Phật học viện Quảng Nam vào năm 1970 ngay tại khuôn viên chùa Long Tuyền. Ngài tham gia sinh hoạt với Giáo hội trong vai trò Đặc ủy Tăng sự GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam, đã làm điểm tựa vững chắc cho Tăng, Ni và hàng Phật tử quy thuận.
Ngài trụ trì chùa Long Tuyền, một thắng cảnh của Phố cổ Hội An.
Sau 1975, Ngài nhập thất, ẩn tu, sớm hôm kinh kệ, nguyện cầu cho đất nước bình yên, lòng người đối đãi tốt với nhau, tu hành tinh tấn, cho trí tuệ hiển bày và tình thương được chan hòa khắp cả. Chúng đệ tử của ngài khá đông, cũng đã có nhiều vị góp sức xây dựng Phật giáo Quảng Nam, Đà Nẵng.
* Nhân vật 4:
Ngài Thích Như Huệ (1934-2016), thế danh Phạm Huệ, sinh năm Giáp Tuất (1934) tại làng Cẩm Phô – Hội An. Ngài xuất gia từ thuở nhỏ với Hòa thượng Thiện Quả tại Tổ đình Chúc Thánh. Ngài được bổn sư ban cho pháp danh Như Huệ, tự Giải Trí, hiệu Trí Thông, nối pháp đời thứ 8 dòng Lâm Tế Chúc Thánh.
Năm 1951, Ngài cùng các Hòa thượng Chơn Phát, Như Vạn, Chơn Điền, v.v… vào học tại Phật học đường Ấn Quang. Năm 1960, Ngài cùng với Hòa thượng Như Vạn được Tổng Hội Phật giáo Trung phần bổ nhiệm làm giảng sư tỉnh Quảng Nam.
Trong mùa Pháp nạn 1963, Ngài tích cực dấn thân tranh đấu vì sự trường tồn của Đạo pháp. Năm 1964, Ngài được Viện Hóa đạo bổ nhiệm làm giảng sư chính thức Tỉnh hội Quảng Nam. Những năm 1970, ngài đảm nhận chức vụ trụ trì chùa Pháp Bảo (trụ sở Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam bấy giờ) và làm Giám đốc Trường Bồ Đề Hội An. Ngài đã làm giảng sư và tham gia điều hành Phật sự, khi chưa tròn 25 tuổi.
Với sức trẻ đầy hăng say và cống hiến, Ngài đã phục vụ khắp các miền đất nước, từ vùng cao nguyên đất đỏ, đến đồng bằng Nam bộ phì nhiêu, hay miền duyên hải yên lành, ngài đều có mặt, làm hấp dẫn biết bao nhiêu người hướng theo Phật pháp, có nhiều vị đã theo quy y làm đệ tử xuất gia, hoặc tại gia.
Ngài đã xây dựng để lại cho đạo và đời tại Hội An một số công trình hữu ích: Trường Bồ Đề (Trung tâm Văn hóa Xã hội Phật giáo Quảng Nam) cao 3 tầng với 15 phòng học (nay đổi tên thành Trường Nguyễn Duy Hiệu), giảng đường chùa Pháp Bảo Hội An, HT Thích Hạnh Niệm đã kế tục và trùng tu, xây dựng mới lại.
Từ 1963 đến sau 1975, ngài đã lãnh đạo GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam phát triển vững mạnh, từ thành thị đến thôn quê, nhiều ngôi chùa, Trường Bồ Đề, các khuôn hội được xây dựng các đoàn thể Phật tử được thành lập, sinh hoạt của Phật giáo lúc bấy giờ rất có khí thế, phát triển cùng khắp.
Sau 1975, Ngài đã đến định cư ở Úc, tham gia thành lập GHPGVNTN Úc – New Zealand, xây dựng chùa Pháp Hoa và các đạo tràng tu học khác trên khắp nước Úc.
Với đức nhẫn nhục và cuộc sống hài hòa, nhiều chịu đựng, ngài tạo được sự hòa hiệp trong Tăng già, trầm tĩnh, sáng suốt giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng, nên ngài đã được chư tôn đức khắp Úc châu bầu ngài lên làm Hội chủ GHPGVNTN hải ngoại Úc – New Zealand và viện chủ hai ngôi chùa Pháp Hoa và Pháp Âm (trước đây) tại Nam Úc. Chúng đệ tử của ngài, có những vị danh tiếng4, đang chuyên tu, hành đạo, phục vụ Giáo hội, cũng có nhiều vị ẩn tu tại nhiều địa phương, hay trụ trì nhiều ngôi chùa tại quê hương và hải ngoại.
Trong “4 nhân vật” đúng là mỗi người mỗi vẻ, mỗi vị một cơ ngơi và có quan điểm riêng, nhưng khi lo Phật sự chung cho Giáo hội và phụng sự chúng sanh thì quý ngài đoàn kết lại, hợp tác với nhau rất chặt chẽ và bền vững. Quý ngài làm việc với tinh thần “vô ngã”, đúng với “bản thể tăng già” sẵn sàng dẹp bỏ mọi dị biệt, để “hòa hợp” ngồi lại với nhau đảm nhận công việc và hy sinh hết mình cho nhau, chỉ nghĩ đến thành tựu cho đại cuộc, chứ không bao giờ lo lợi lạc cho riêng mình.
Trong 4 vị ấy, ngài Như Huệ là hài hòa nhất, luôn sát cánh với ngài Long Trí và thân tình với ngài Như Vạn, khi làm việc, thường xuyên bàn bạc, trao đổi, kết hợp với nhau, vui buồn, vinh nhục có nhau, cùng nhau chia sẻ những thăng trầm, thịnh suy của Giáo hội, để rút ra được những bài học quý giá mà áp dụng vào công việc, phụng sự tốt cho đạo, giúp ích cho đời, từ đó mọi Phật sự đều được hanh thông, với kết quả thành công tốt đẹp, nên rất thiết thân và cũng để lại cho nhau nhiều kỷ niệm.
Thuận theo luật vô thường, sinh diệt, cả bốn ngài đã lần lượt về cõi Phật, nhưng cũng đã lưu lại cho hậu thế những công trình, những hành trạng, những đạo tràng tu học tại các chùa khắp nơi trong toàn tỉnh, những đệ tử thành đạt, đặc biệt là “tinh thần đoàn kết và hy sinh vì đạo”./
Chùa Pháp Hoa – Nam Úc
(Rằm tháng sáu Canh Tý)
THÍCH VIÊN THÀNH (HẠNH TRUNG)
_Chú thích:
1. “Ngũ Phụng Tề Phi: 1/ Phạm Liệu (1872-1936), 2/ Phan Quang (1873-1939), 3/ Phạm Tuấn (1852-1917), 4/ Ngô Chuân (1873-1899), 5/ Dương Hiển Tiến (1866…?); cả năm vị đều đỗ trong khoa thi năm Mậu Tuất (1898), triều vua Thành Thái năm thứ 10, được triều đình ban cờ, biển vinh quy. Trên lá cờ có thêu 5 con chim phụng cùng bay, gọi là “Ngũ Phụng Tề Phi”.
2. Đệ tử của Ngài Như Vạn:
– TT Thích Hạnh Thiền, Trụ trì Tồ đình Vạn Đức, nguyên Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Thành phố Hội An.
– TT Thích Hạnh Hoa, kế thế Trụ trì Tổ đình Phước Lâm,
– TT Thích Hạnh Nhẫn, Trụ trì chùa Cẩm Hà, hiện là Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Thành phố Hội An.
– TT Thích Hạnh Trí, Trụ trì chùa Ân Triêm, nguyên Trưởng Ban Trị sự Quận Giáo hội Duy Xuyên.
– TT Thích Hạnh Hảo, hiện đang tu tập tại chùa Bửu Đà, Q,10, Sài Gòn.
– TT Thích Hạnh Tuấn với học vị Tiến sĩ, Trụ trì chùa Trúc Lâm Chicago, đã viên tịch.
– TT Thích Hạnh Phong đang ẩn tu tại Lâm Đồng.
– TT Thích Hạnh Minh, Trưởng ban Nghi lễ BTS PG TP Hội An, Quảng Nam.
– Ni Sư Thích Nữ Huệ Từ, Phó Ban Từ thiện Trung ương GHPGVN, và nhiều vị đang tu học khắp nơi cũng như Trụ trì các Tự viện, cũng đóng góp khá nhiều cho sự duy trì và phát triển Đạo pháp phụng sự nhân sinh, tại tỉnh nhà và khắp nơi.
3. Đệ tử của Ngài Long Trí:
– Cố Hòa thượng Thích Tâm Thanh, nguyên Viện chủ Vĩnh Minh Thiền Tự ở Đại Ninh Lâm Đồng, là một giảng sư danh tiếng của Viện Hóa đạo, trước năm 1975, HT đã từng góp phần đắc lực trong các cuộc đấu tranh, lật đổ độc tài và đòi tự do dân chủ cho đất nước vào thập niên 60 và 70.
– Hòa thượng Thích Như Điển, một cựu học sinh ưu tú của Trường Bồ Đề Hội An, được lãnh hai phần thưởng danh dự nhất: học lực và hạnh kiểm xuất sắc nhất trường, để được tuyển chọn vào cấp 3, học lớp Đệ Tam Trường Công lập Trần Quý Cáp Hội An.
HT hiện tại là tu sĩ gương mẫu ở hải ngoại, là đồng Chủ tịch HĐĐH GHPGVNTNHN tại Âu châu. HT là vị Tăng sĩ có tâm quảng đại, với cuộc sống có nghĩa tình, chung thỉ, đã tạo quỹ để hỗ trợ cho các Tăng, Ni sinh đi du học các nơi, và cấp học bổng hằng năm cho Tăng Ni sinh Quảng Nam, đào tạo được nhiều Tiến sĩ, Tăng tài, và cũng đã nhiệt tình tạo điều kiện cho những pháp hữu thời trung học, vì nghiệp chướng phải dang dở đường tu, được có cơ hội trở về con đường cao đẹp, giải thoát, giác ngộ. HT đã xây dựng và làm viện chủ hai ngôi chùa Viên Giác tại Đức Quốc và Ấn Độ, giáo dục và đào tạo được nhiều đệ tử có học, có tu đang đi khắp nơi hoằng dương chánh pháp và xây dựng đạo tràng.
– TT Thích Như Giáo: Chứng minh BTS huyện Đại Lộc, Quảng Nam, trụ trì chùa Giác Nguyên, TT Ái Nghĩa, Đại Lộc, QN.
– Cố TT. Thích Viên Như: Khai sơn chùa An Lạc, Đại Tòng Lâm.
– TT.Thích Như Tú: Tiến sĩ Phật học Ấn Độ, trụ trì chùa Viên Minh, Thụy Sĩ.
– TT Thích Như Thanh: Trụ trì chùa Kim Quang, Toronto, Canada.
– ĐĐ Thích Như Tịnh: Trụ Trì chùa Viên Giác – Hội An.
– ĐĐ Thích Như Dự: Trụ trì chùa Bửu Lâm, quận 12, TPHCM.
– Ni trưởng Thích Nữ Như Viên: Viện chủ chùa Viên Quang, Đức Quốc.
– Ni sư TN Như Bảo: Trụ trì chùa Viên Giác, huyện Hóc Môn, TPHCM.
– Ni sư TN Như Hiền: Trụ trì tịnh thất Châu Hoằng, Đại Tòng Lâm.
– Sư cô TN Như Hành: Trụ trì chùa Ngọc Châu, Điện Bàn, Quảng Nam.
4. Đệ tử của Ngài Như Huệ:
– HT Thích Hạnh Thiện, hiện an dưỡng tại chùa Bửu Đà, Q.10, TPHCM.
– HT Thích Hạnh Đức, khi làm trụ trì chùa Sơn Linh ở Bà Rịa Vũng Tàu, với gần 30 đệ tử xuất gia.
– HT Thích Hạnh Niệm hiện đang kế tục trụ trì chùa Pháp Bảo Hội An, Nguyên Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Tỉnh Giáo hội Phật giáo Quảng Nam. Sau khi về nhận nhiệm vụ Trụ trì chùa Pháp Bảo, HT đã lên kế hoạch trùng tu tôn tạo lại tiền đường chùa và xây mới lại toàn bộ ngôi giảng đường cùng Tăng đường (đã bị xuống cấp trầm trọng). Trước 1975, HT đã từng bị tù và tra tấn kinh khủng, khiến phải bị nặng tai, vì nghi ngờ có tham gia và hoạt động rải truyền đơn.
Nhờ có thực tu và chịu khó miệt mài học tập, HT đã có được khả năng giảng dạy cho tăng ni, và tham gia lãnh đạo Giáo hội, mặc dầu sức khoẻ không tốt, thích nghiên cứu và làm thơ hơn tham gia công tác Giáo hội, nay HT đã xin nghỉ đảm nhiệm chức vụ Phó BTS Tỉnh, để an nhiên tự tại thảnh thơi mà tịnh dưỡng tại chùa Pháp Bảo Hội An… Hòa thượng cũng có đào tạo được nhiều đệ tử thành đạt, ra trụ trì, các tự viện và phục vụ GH trong và ngoài nước. Tại hải ngoại có Thầy Thích Viên Tịnh ở Melbourne, Úc Châu và Thầy Thích Thông Viên ở Chicago, Mỹ Quốc).
– Thầy Thích Hạnh Dũng, hiện đang tu học tại chùa Hưng Long, Q.10, TP. HCM.
– Thầy Thích Hạnh Ngộ, hiện đang tu tại chùa Bửu Đà, Q.10, TP. HCM.
– Thầy Thích Hạnh Trung (Thị Kỉnh), nay là Viên Thành, được sư phụ bảo lãnh qua Úc năm 2004, để hầu cận và tiếp Phật sự, hiện đang tu tập tại chùa Pháp Hoa – Nam Úc.
– Thầy Thích Hạnh Quang (Thị Duyên) đang hành thiền tại Rừng Thiền Viên Không, Bà Rịa Vũng Tàu hoặc tại Thất ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Thầy Thích Hạnh Không (Thị Hạnh) (đã viên tịch tại chùa Bửu Đà, TP. HCM).
– Thầy Thích Hạnh Châu, trụ trì chùa A Di Đà, Nam Úc.
– Ni sư Thích Nữ Khiết Minh (Thị Minh) là đệ tử tại gia, sau này Ngài hướng dẫn vào chùa Tăng già theo Sư Bà Thích Nữ Tịnh Khiết, hiện Ni sư đang làm Trụ trì chùa Kim Liên Quận 4, TP. HCM, cũng mới vừa khánh thành một ngôi chùa Kiêu Đàm Di Việt Nam ở Ấn Độ và đang xây dựng một ngôi đại tháp với tầm cỡ quốc tế để thờ chư Phật và chư Tổ ni đầu tiên tại Ấn Độ.
Ni sư Thích Nữ Huệ An (Hạnh Khương), trụ trì chùa Bửu Đàm, Tân Bình, TP. HCM. – NS Thích Nữ Hạnh Tịnh, trụ trì chùa Lộc Uyển, Quận Tân Bình, TP. HCM.
– NS Thích Nữ Hạnh Ngọc, trụ trì chùa Huệ Ân, TP Quảng Ngãi.
– NS Thích Nữ Hạnh Phước, phó trụ trì TV Viên Chiếu, Long Thành, Đồng Nai.
– SC Thích Nữ Hạnh Nguyên, đang tu tập tại chùa Pháp Hoa, Adelaide, SA.
Và các đệ tử y chỉ tại Úc: – TT Thích Viên Trí, trụ trì chùa Pháp Hoa, Adelaide, SA – TT Thích Viên Tịnh, trụ trì chùa Bảo Minh, Melbourne, VIC – Đại đức Thích Thông Hiếu, trụ trì chùa Huệ Quang, Melbourne, VIC – Thầy Thích Viên Từ, Tăng chúng chùa Pháp Hoa, Adelaide, SA-Ni Sư Thích Nữ Viên Thông, trụ trì Quan Âm Ni Tự, Adelaide, SA – Ni Sư Thích Nữ Viên Đức (Hạnh Như), tu học tại Adelaide, Nam Úc – Sư cô Thích Nữ Viên Dung, tu học tại Adelaide, Nam Úc – Sư cô Thích Nữ Viên Minh, tu học tại Melbourne VIC… Ngoài ra, còn có một số vị sau một thời gian nhập thế, ‘dùng đời để thực hành Đạo và dùng Đạo để hướng dẫn đời’ cũng đã quay lại với con đường giải thoát, giác ngộ và một số vị đã tìm cách lui về ẩn tu ở một số địa phương trong và ngoài nước.