Tại Quảng Nam, trước khi Thiền phái Chúc Thánh ra đời thì nơi đây đã có nhiều vị thiền sư đến hoằng hóa như: Minh Châu – Hương Hải, Thạch Liêm – Đại Sán, Hưng Liên – Quả Hoằng, v.v… Tuy nhiên, các Ngài chỉ ở một thời gian rồi đi nên sự hoằng truyền của chư vị thiền sư cũng mau chóng phai mờ theo năm tháng. Đến cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo đến Quảng Nam hoằng pháp, lập chùa khai phái thì bắt đầu từ đây Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ra đời, hình thành và phát triển cho đến ngày nay.
Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh do Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746) khai sáng tại tổ đình Chúc Thánh, phường Tân An, thành phố Hội An. Tổ Minh Hải thuộc đời 34 dòng Lâm Tế theo kệ Tổ Vạn Phong – Thời Ủy. Khi sang Việt Nam hoằng pháp, Ngài lập chùa Chúc Thánh và biệt xuất kệ truyền thừa, đến nay đã có lịch sử trải dài hơn 300 năm và truyền thừa rộng khắp không chỉ ở các tỉnh miền Trung, miền Nam Việt Nam mà còn truyền sang hải ngoại. Bên cạnh việc chư Tăng nối tiếp xiển dương và hoằng truyền mạng mạch mà chư Tổ để lại thì chư Ni Thiền phái Chúc Thánh cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc “Kế vãng khai lai” để mạch pháp lưu truyền mãi không dứt.
Một số Danh Ni tiêu biểu của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh
1. Chư ni Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại tỉnh Quảng Nam
Từ khi Tổ Minh Hải – Pháp Bảo biệt kệ tại Quảng Nam cho đến năm 1954 thì mới có vị Tỳ kheo ni đầu tiên của dòng thiền Chúc Thánh hành đạo tại Quảng Nam. Đó là Cố Sư trưởng Thích Nữ Như Hường. Sư trưởng Như Hường, thế danh Lê Thị Trang, sinh năm 1920 tại xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Sư trưởng xuất gia với Hòa thượng Khánh Tín tại chùa Thọ Sơn, Quảng Ngãi, với pháp danh Như Hường, tự Giải Liên, hiệu Thọ Minh. Sau đó, Sư trưởng theo học tại Ni trường Diệu Đức, Huế và thọ Tỳ kheo giới năm 1949 tại giới đàn Hộ Quốc tổ chức tại chùa Bảo Quốc, Huế, do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Đường đầu. Năm 1954, Sư trưởng được cử làm phó trụ trì và đến năm 1962 chính thức trụ trì chùa Bảo Thắng. Gần 50 năm tu học và hành đạo tại chùa Bảo Thắng, Sư trưởng đã xây dựng chùa Bảo Thắng ngày một trang nghiêm, đào tạo được nhiều đệ tử hữu danh kế thừa mạng mạch cũng như góp phần không nhỏ cho sự phát triển của Phật giáo Quảng Nam. Sư trưởng viên tịch ngày 23 tháng 2 năm Canh Thìn (2000), thọ 81 tuổi. Bảo tháp lập bên trái chùa Bảo Thắng. Sư trưởng Như Hường thuộc đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 Thiền phái Chúc Thánh theo chi phái Quảng Ngãi truyền ngược ra lại Quảng Nam. Sư trưởng quy y đệ tử cho pháp danh chữ Thị và đệ tử xuất gia cho pháp tự chữ Hạnh theo như kệ của Tổ Minh Hải. Cho đến nay, đệ tử truyền thừa thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh của Ni trưởng đi hành đạo rất đông và chư vị đệ tử ni của Ni trưởng đã có những đóng góp nhất định cho Phật giáo tỉnh Quảng Nam nói riêng cũng như các tỉnh thành trong khắp cả nước nói chung.
Sau Ni trưởng Như Hường, tại Quảng Nam còn có Ni trưởng Thích Nữ Diệu Hạnh, pháp danh Thị Liễu: đệ tứ trụ trì chùa Bảo Thắng, Hội An và Ni trưởng Thích Nữ Diệu Trí, pháp danh Đồng An: Đệ nhất trụ trì chùa Diệu Quang, Tam Kỳ là những bậc tôn túc lão Ni có công hoằng truyền tông môn Chúc Thánh.
2. Chư ni Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại tỉnh Quảng Ngãi
Ni giới tại tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn đầu vẫn chưa có chư ni vị nào truyền thừa theo kệ của Thiền phái Chúc Thánh, mãi cho đến những năm đầu thế kỷ XX mới thấy xuất hiện một vị ni truyền thừa theo kệ phái Chúc Thánh đó là Sa di ni Ấn Thuận, tự Tổ Niệm, thế danh Nguyễn Hoài Cẩn, lập chùa Thọ Sơn tại núi Bà Nhưng, thôn Hội Ân, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa. Tuy nhiên, vị Ni này cũng mới ở giới pháp Sa Di nên chỉ lập am thất để tu và không được nhận đồ chúng tu tập.
Mãi đến giữa thế kỷ XX, có Ni trưởng Thích Nữ Hồng Từ, sau khi tốt nghiệp tại Ni trường Diệu Đức, Huế, thì về tại quê nhà Quảng Ngãi lập chùa Tịnh Nghiêm để hóa độ nữ lưu. Ni trưởng xuất gia với Hòa thượng Chơn Tích – Huệ Hải tại Tổ đình Quang Lộc, Quảng Ngãi. Năm Canh Thìn (1940), Ni trưởng được Hòa thượng Bổn sư cho thọ Sa di ni giới với pháp danh Như Huyền, pháp tự Giải Huệ. Năm 1952, Ni trưởng thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Thiên Bình, tỉnh Bình Định do Hòa thượng Huệ Chiếu trụ trì Tổ đình Thập Tháp làm Đường đầu, được Bổn sư phú pháp hiệu Hồng Từ, nối pháp đời thứ 41 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ni trưởng có thể được xem như vị Tỳ kheo Ni đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi.
Trong kháng chiến chống Pháp, suốt 9 năm dài, Ni trưởng đã tham gia tích cực trong Hội Phật giáo Cứu quốc Liên Khu 5 dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Huyền Quang. Cũng trong thời gian này, Ni trưởng đảm nhận trụ trì chùa Long Sơn do khuôn hội Tịnh Độ hiến cúng.
Năm 1960, ngài về lại quê nhà, tiến hành xây dựng chùa Tịnh Nghiêm để tiếp độ Ni chúng tu học. Đây là ngôi chùa Sư nữ đầu tiên tại Quảng Ngãi và Ni trưởng được cử làm lãnh đạo Ni bộ Quảng Ngãi cùng nhiều chức vụ khác như:
– Sau mùa pháp nạn năm 1963, Ni trưởng được mời giữ chức vụ Đặc ủy Xã hội kiêm Thủ quỹ Ban Đại diện GHPGVNTN Quảng Ngãi.
– Năm Giáp Thìn (1964), Ni trưởng đứng ra thành lập Trung tâm Bảo trợ Thiếu nhi và được Giáo hội đề cử làm Giám đốc.
– Năm Canh Tuất (1970), Ni trưởng xin đất lập chùa Tịnh Nghiêm 2, tại thôn La Hà, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa.
Vào ngày 29 tháng 11 năm Đinh Mão (1987), Ni trưởng viên tịch, hưởng thọ 71 tuổi đời và 36 hạ lạp.
Ni trưởng Hồng Từ là một trong những vị Ni trưởng có công rất lớn trong sự nghiệp phát triển Ni giới Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Dưới sự giáo dưỡng của Ni trưởng, ngày hôm nay hàng đệ tử đã trưởng thành và đang hành đạo trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh. Hiện tại, thế hệ thứ 3 của chư Ni truyền thừa theo bài kệ Tổ Minh Hải- Pháp Bảo có pháp danh chữ Đồng hoặc pháp tự chữ Thông cũng đang được vun bồi đạo hạnh, từng bước kế thừa chư vị Ni sư gánh vác trách nhiệm tại các chùa trong toàn tỉnh Quảng Ngãi.
3. Chư ni Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại tỉnh Bình Định
Một trong những vị Ni tiên phong trong việc truyền thừa theo kệ phái Chúc Thánh tại tỉnh Bình Định phải kể đến đó là Ni trưởng Như Ái – Tịnh Viên. Ni trưởng thế danh Võ Thị Kim Đính, sinh năm 1924, tại làng Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Năm 10 tuổi, Ni trưởng xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Chơn Giám – Trí Hải tại chùa Bích Liên, được Bổn sư cho pháp danh Như Ái. Sau đó, Ni trưởng được Bổn sư cho theo vào học tại Ni viện tỉnh Sa Đéc do Sư bà Diệu Tịnh hướng dẫn.
Năm 1942, Ni trưởng thọ Sa di giới tại chùa Hưng Khánh do Hòa thượng Chí Bảo làm Đường đầu. Đến năm 1946, Ni trưởng được thọ Tỳ kheo Ni Bồ tát giới tại giới đàn chùa Liên Tôn do chính Bổn sư làm Đường đầu. Sau khi đắc giới, Ni trưởng được ban đạo hiệu Tịnh Viên, truyền thừa đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh.
Năm 1951, Pháp sư Huyền Ý viên tịch, Ni trưởng kế thừa trụ trì chùa Liên Tôn. Năm 1954, Ni trưởng cầu pháp với Hòa thượng Huệ Chiếu, trụ trì Tổ đình Thập Tháp được ban pháp hiệu Hoằng Thâm.
Năm 1963, Ni trưởng đảm nhận trụ trì chùa Hương Quang, thị trấn Tuy Phước.
Từ năm 1965 đến năm 1975, Ni trưởng giữ chức vụ Phó Đại diện GHPGVNTN huyện Tuy Phước.
Năm 1967, Ni trưởng mở lớp tiểu học dạy con em tại địa phương và năm 1969 mở Trường Trung học tư thục Hương Quang.
Ni trưởng đã xây dựng và trùng tu các chùa: Năm 1968, xây dựng chùa Liên Tôn II tại huyện Tuy Phước. Năm 1970, trùng tu chùa Thanh Long tại thành phố Quy Nhơn. Năm 1978, trùng tu chùa Liên Tôn tại quê nhà do chiến tranh bị hư hoại.
Từ năm 1992 đến 1999, Ni trưởng là thành viên của Ni bộ tỉnh Bình Định.
Là một bậc Lão ni tôn túc, Ni trưởng được cung thỉnh vào ngôi vị Yết Ma A-xà-lê tại giới đàn Nguyên Thiều năm 1989 và giới đàn Phước Huệ năm 1994 do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định tổ chức.
Tuần hoàn theo quy luật thời gian, thân tứ đại đến ngày phân tán, Ni trưởng xả bỏ huyễn thân về nơi Tịnh cảnh vào giờ Tý ngày mồng 8 tháng Chạp năm Kỷ Mão (14/01/2000), hưởng thọ 76 tuổi, 55 hạ lạp. Bảo tháp Ni trưởng được kiến lập tại chùa Hương Quang, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước.
Ngoài ra, tại Bình Định, còn có Ni trưởng Thích Nữ Diệu Hoa, pháp danh Thị Hương, trụ trì chùa Long Quang tại thôn Xuân Quang, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ni trưởng là đệ tử của Hòa thượng Như Từ – Tâm Đạt tại Tổ đình Thiên Bình và có công rất lớn trong sự phát triển của Ni giới tỉnh Bình Định.
4. Chư ni Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại tỉnh Khánh Hòa
Sự truyền thừa của chư ni Thiền phái Chúc Thánh tại Khánh Hòa có Ni trưởng Tâm Đăng – Hạnh Viên. Ni trưởng là đệ tử xuất gia của Hòa thượng Liên Tôn – Thích Huyền Ý. Hòa thượng Huyền Ý trước khi xuất gia đã quy y với Hòa thượng Thanh Chánh – Từ Mẫn tại chùa Tịnh Lâm với pháp danh Trừng Phước. Khi xuất gia, Ngài được Hòa thượng Chơn Giám – Trí Hải, trụ trì chùa Bích Liên cho pháp danh Như Phước, tự Giải Tiềm, hiệu Huyền Ý. Vì thế, khi nhận đệ tử xuất gia, Hòa thượng cho pháp danh theo dòng quy y, tức theo kệ Tổ Liễu Quán với chữ TÂM đứng đầu. Khi cho pháp tự thì Ngài lấy tự chữ Hạnh đứng đầu theo bài kệ Tổ Minh Hải. Trường hợp Ni trưởng Tâm Đăng cũng vậy, Hòa thượng cho Ni trưởng pháp danh Tâm Đăng, tự là Hạnh Viên. Từ đó, Ni trưởng cho đệ tử xuống pháp tự chữ Thông.
Ni trưởng thế danh Bùi Thị Hải, sinh năm 1915 tại Tp. Huế. Năm 1933, Ni trưởng xuất gia và thọ giới Sa-di-ni với Hòa thượng thượng Trừng (Như) hạ Phước, hiệu Huyền Ý, tọa chủ chùa Liên Tôn, Bình Định. Được Hòa thượng ban pháp danh Tâm Đăng, tự Hạnh Viên. Năm 1939, Ni trưởng thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Bình Quang – Phan Thiết do Hòa thượng Tôn Thắng, trụ trì chùa Phổ Thiên – Đà Nẵng làm Hòa thượng Đường đầu. Năm 1942, Ni trưởng tùng Hạ tại chùa Phổ Đà – Đà Nẵng và được thọ giáo với Hòa thượng Tôn Thắng. Tại đây, Ni trưởng được Hòa thượng ban cho pháp hiệu Chơn Như.
Năm 1948, Ni trưởng mới dừng bước vân du và nhận trụ trì chùa Linh Sơn, Vĩnh Nguyên, Nha Trang, Khánh Hòa. Từ đây, Ni trưởng bắt đầu thực hiện hoài bão là kiến lập đạo tràng, hoằng dương Chánh pháp.
Năm 1951, Ni trưởng tiếp nhận và thực hiện trùng tu chùa Minh Hương tại Diên Toàn, Diên Khánh, đổi tên chùa Minh Hương thành Minh Phước và trạch cử đệ tử thứ hai là Ni sư Thông Ấn làm trụ trì để chăm lo Phật sự tại đây.
Năm 1954, Ni trưởng khởi công trùng tu chùa Linh Sơn, Vĩnh Nguyên lần thứ nhất.
Năm 1962, Ni trưởng kiến lập tịnh thất Linh Sơn tại đồi núi Cầu Đá để hằng năm nhập thất Kiết Đông, cũng vào năm này Ni trưởng được bầu làm Chánh Thư ký Ban Kiến thiết sáng lập Ni Viện Diệu Quang.
Năm 1963, Ni trưởng tích cực tham gia cuộc tranh đấu bất bạo động chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm. Ni trưởng đã phát nguyện thiêu thân để bảo vệ Chánh pháp nhưng mẹ già và huynh đệ khuyên can, do đó Ni trưởng phát nguyện chặt tiếp ngón tay áp út để cầu nguyện cho đạo pháp trường tồn.
Năm 1964, do việc phát nguyện thiêu thân vì đạo pháp vào năm Pháp nạn 1963 không toại, Ni trưởng lại phát nguyện chích lưỡi lấy máu để viết “Tâm Kinh Bát Nhã và Phẩm Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa” tại chùa Hoa Nghiêm, Sài Gòn. Cũng vào năm này, Ni trưởng kiến lập chùa Tịnh Đức tại đồi Trại Thủy, Mã Vòng, Nha Trang, làm nơi cư trú cho Ni chúng đang theo học văn hóa tại các trường Trung học Bồ Đề, Nữ Trung học Nha Trang… và trạch cử trưởng tử là Ni sư Thông Huyền (Thông Thoại) làm trụ trì.
Năm Bính Ngọ (1966), Ni trưởng làm Ủy viên Ni bộ Bắc tông, kiêm Trưởng Ban Ni bộ Bắc tông GHPGVNTN tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1968, Ni trưởng khởi công trùng tu bảo điện chùa Linh Sơn và xây dựng Trường Trung-Tiểu học Bồ Đề Linh Sơn, đồng thời mở Cô-Ký Nhi viện tại chùa Linh Sơn. Vào năm này, Ni trưởng làm Đệ nhị Tôn chứng Ni tại Đại giới đàn Phước Huệ tổ chức tại chùa Hải Đức, tại Ni Viện Diệu Quang, Nha Trang truyền giới cho giới tử Ni.
Năm 1972, trước cảnh chiến tranh tàn khốc tại Cổ thành Quảng Trị, Ni trưởng quá đau lòng nhưng chẳng biết làm sao nên phát nguyện chặt ngón út tay trái để cúng dường cầu nguyện cho đất nước thái bình, nhân dân an lạc.
Ngày 19 tháng 2 năm 1973, Ni trưởng được thỉnh làm Giáo thọ A-xà-lê truyền giới Sa-di-ni tại Tiểu Giới đàn chùa Linh Phong, Đà Lạt. Cũng vào năm này, Ni trưởng được thỉnh làm Phó Ban Kiến đàn tại Đại giới đàn Phước Huệ – Phật học viện Hải Đức, Nha Trang. Tại đàn giới chùa Linh Sơn, Ni trưởng làm Đệ nhất Tôn chứng Ni tại Đại giới đàn này.
Kể từ lúc 78 tuổi đến 86 tuổi (1993-2001), Ni trưởng luôn được thỉnh mời làm Phó Ban Kiến đàn và là Hòa thượng Đàn đầu Ni tại Đại giới đàn Trí Thủ I, Trí Thủ II, Trí Thủ III được tổ chức tại chùa Long Sơn, Nha Trang, truyền giới tại Ni Viện Diệu Quang.
Ngoài ra, trong suốt quá trình hành đạo, Ni trưởng đã mở nhiều Tiểu Giới đàn và làm Đàn đầu Hòa thượng truyền thọ giới Thức-xoa-ma-na và Sa-di-ni tại các chùa trong và ngoài tỉnh.
Song song với các Phật sự chung trong Giáo hội và kiến lập, mở mang tu bổ đạo tràng từ lúc hành đạo đến nay, Ni trưởng đã liên tục thu nhận và đào tạo nhiều thế hệ Ni chúng, trong đó có nhiều vị đã thành tài đang phục vụ trong các cơ sở Giáo hội, chăm lo Phật sự tại khắp mọi miền đất nước.
Như trái đã chín muồi, như cuộc hành trình đã đến đích, Ni trưởng viên tịch vào lúc 15 giờ 30 phút ngày mùng 5 tháng 10 năm Ất Dậu (ngày 06 tháng 11 năm 2005) tại chùa Linh Sơn, thành phố Nha Trang, trụ thế 91 tuổi, hạ lạp 66 năm.
Với 91 năm mang hạnh nguyện sống giữa Ta bà, 66 năm tùy duyên hóa độ, Ni trưởng nêu cao gương uy mãnh chốn rừng thiền, công hạnh của Ni trưởng mãi lưu lại chốn nhân gian một tấm gương đạo đức và làm rạng danh Ni giới.
5. Chư ni Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại TP. Hồ Chí Minh
Tại miền Nam, một trong những sự đóng góp rất lớn của chư Ni truyền theo pháp kệ của Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo, đó là chư ni “Dòng họ Tịnh” có nghĩa là các vị Ni trưởng, Ni sư là đệ tử của Hòa thượng Thích Hành Trụ tại chùa Đông Hưng-Thủ Thiêm. Hòa thượng phú pháp cho đệ tử Ni với pháp hiệu chữ TỊNH đứng đầu nên gọi là chư Ni dòng họ Tịnh và đa phần đệ tử Ni của Hòa thượng Thích Hành Trụ phát triển tông phong tại Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nơi đây, chúng tôi chỉ ghi một số vị Ni trưởng tiêu biểu như sau:
– Ni trưởng Đồng Chánh- Thông Huệ – Tịnh Như1 (1923-1986):
Ni trưởng thế danh Đỗ Thị Bạch Tuyết, pháp danh Đồng Chánh, tự Thông Huệ, hiệu Tịnh Như, sinh ngày 19 tháng 2 năm Quý Hợi (1923) tại làng Tam Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ni trưởng là đệ tử quy y thế độ với Sư tổ Chánh Quả (chùa Kim Huê-Sa Đéc) thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Sau này Ni trưởng cầu chánh pháp nhãn tạng với Hòa thượng Thích Hành Trụ (chùa Đông Hưng-Thủ Thiêm) thuộc dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 10.
Trong thời gian hành đạo, Ni trưởng đã có rất nhiều đóng góp như: kiến tạo chùa Từ Nguyên, thị xã Sa Đéc; năm 1947, Ni trưởng được Hòa thượng Thành Đạo giao trụ trì chùa Sắc tứ Linh Thứu; năm 1956, Ni trưởng đảm nhiệm chức vụ Nghi lễ trong Ban Quản trị Ni bộ Trung ương; Từ 1956 đến 1958, Ni trưởng mở lớp Sơ đẳng Gia giáo Phật học tại chùa Sắc tứ Linh Thứu. Suốt khóa học bốn năm, Ni trưởng làm Giám đốc kiêm Giáo thọ sư, chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo lớp Ni kế thừa ở miền Tây Nam bộ, đồng thời từng bước trùng tu Tam Bảo Sắc tứ Linh Thứu.
Từ 1960 đến 1962, chiến tranh ác liệt, người dân ly loạn di tản ra Mỹ Tho và Ni trưởng khai sáng Linh Thứu Ni Viện.
Từ 1970 đến 1972, Ni trưởng trùng tu Đại hùng Bảo điện, kiến tạo hoa viên Cực Lạc và xây dựng cổng tam quan Linh Thứu Ni viện.
Từ 1975 đến 1985, Ni trưởng thường tham gia các khóa học của Ni chúng trên cương vị Giáo thọ sư. Mặc dù thời gian này sức khoẻ kém mòn, thân lại mang bệnh, nhưng vì tương lai Ni chúng, vì sự nghiệp phò trì mạng mạch đạo pháp nên Ni trưởng vẫn chuyên tâm lo Phật sự không một phút nghỉ ngơi.
Năm 1986 sau một cơn bệnh, Ni trưởng đã viên tịch vào giờ Ngọ ngày mùng 2 tháng 9 năm Mậu Dần dưới sự hộ niệm của tứ chúng, trụ thế 62 năm, 40 năm hạ lạp. Môn nhân đệ tử xây tháp phụng thờ tại Tổ đình Sắc tứ Linh Thứu2.
– Ni trưởng Đồng Độ – Thông Chúng – Tịnh Khiết (1920-1986)
Ni trưởng thế danh Tống Thị Tiếp, sinh năm Canh Thân (1920) tại miền Bắc Việt Nam. Năm lên 7 tuổi, Ni trưởng theo chú là Hòa thượng Thanh Tiêu xuất gia tu học và thọ giới Sa di ni tại chùa Cổ Loan. Năm 17 tuổi, Ni trưởng được Bổn sư gởi vào Nam tu học. Ni trưởng đã cầu pháp y chỉ với Hòa thượng Thích Hành Trụ tại chùa Tăng Già Kim Liên. Năm Bính Tuất (1946), Ni trưởng đắc pháp với Hòa thượng Thích Hành Trụ và được Hòa thượng ban cho pháp danh Đồng Độ, tự Thông Chúng, hiệu Tịnh Khiết, nối pháp đời 43 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 10 pháp phái Chúc Thánh.
Trong suốt quá trình hành đạo, Ni trưởng là tấm gương mẫu mực để chư ni noi theo. Vào năm 1963, Ni trưởng tái thiết lại chùa Kim Liên, Hòa thượng Hành Trụ giao; năm 1968, Ni trưởng mở trường tiểu học để giúp đỡ dân nghèo quanh vùng; 1970, Ni trưởng mở Ký Nhi Viện để nuôi trẻ em nghèo khốn khó; năm 1975, Ni trưởng hướng dẫn Ni chúng đi sản xuất tại Đại Tòng Lâm với nông trại Kim Liên, về sau phát triển thành Thiền viện Huệ Chiếu.
Vào ngày 13 tháng 12 năm Bính Dần (1986), Ni trưởng viên tịch tại chùa Kim Liên, thọ 66 tuổi và 40 hạ lạp3.
– Ni trưởng Đồng Chánh – Thông Nghĩa – Tịnh Giác (1909-1995)
Ni trưởng thế danh là Đinh Thị Theo, pháp danh Đồng Chánh, tự Thông Nghĩa, hiệu Tịnh Giác, sinh năm Kỷ Dậu (1909) tại tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1945, Ni trưởng chính thức xuất gia tại chùa Tăng Già (nay là chùa Kim Liên, Quận 4, TP. HCM) được Hòa thượng Thích Hành Trụ tiếp nhận làm đệ tử. Với chí nguyện hoằng pháp lợi sanh, sau khi lãnh thọ giới pháp, Ni trưởng đã đi ra hành đạo và nhận chùa Phước Lâm tại thị trấn Thủ Đức. Đến năm 1954, Ni trưởng đã lập nên ngôi Ni viện Vạn Hạnh từ một ngôi tịnh thất nhỏ và nơi đây đã trở thành nơi tu tập của ni chúng và tín đồ Phật tử. Đồng thời, trong thời gian giáo hóa, Ni trưởng lại tiếp tục nhận thêm ngôi chùa Vạn Phước ở Bình Trị Đông, quận 6, TP. Hồ Chí Minh, để Ni chúng có nơi cư trú an tâm tu học.
Trong suốt thời gian hoằng hóa, Ni trưởng đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau. Và trong các mùa an cư kiết hạ, Ni trưởng là chỗ dựa tinh thần cho chư ni với vai trò là thiền chủ, hóa chủ và cố vấn cho ni chúng quận Thủ Đức.
Thời gian trôi qua, theo định luật vô thường của vũ trụ, Ni trưởng đã viên tịch vào lúc 4 giờ 50 ngày mùng 6 tháng 3 năm Ất Hợi (ngày 5 tháng 4 năm 1995), trụ thế 87 năm, 45 hạ lạp4.
– Ni trưởng Đồng Như – Thông Tâm – Tịnh Hạnh (1927-2018)
Ni trưởng có thế danh là Nguyễn Thị Chơn, sinh năm 1927, tại Cần Đước, Long An. Năm 20 tuổi, duyên lành hội đủ, Ni trưởng được HT. Thích Hành Trụ cho xuất gia tại chùa Tăng Già (nay là chùa Kim Liên) và ban pháp danh Đồng Như, tự Thông Tâm, hiệu Tịnh Hạnh.
Năm 1950, Ni trưởng được nhập chúng tu tập tại Ni trường Diệu Đức (TP. Huế). Năm 1953, Ni trưởng được thọ Cụ túc và Bồ-tát giới tại Đại giới đàn Ni viện Diệu Đức (Huế).
Năm 2009, Phân ban Ni giới Trung ương được thành lập, Ni trưởng được suy cử đảm nhiệm Phó Trưởng ban, kiêm Giám luật Phân ban Ni giới Trung ương cho đến ngày viên tịch.
Suốt cuộc đời tu tập và hành đạo, Ni trưởng là tấm gương sáng về giới đức viên minh cho chư Ni hậu học. Ni trưởng đã được mời làm Giới sư nhiều Đại giới đàn trong và ngoài nước, đảm nhiệm Hòa thượng đàn đầu đàn Tỳ-kheo-Ni tại một số Đại giới đàn do BTS GHPGVN các tỉnh: Đồng Nai, Quảng Ngãi, Long An, Cần Thơ, Cà Mau,… tổ chức.
Sau một thời gian bệnh duyên, Ni trưởng đã an nhiên thị tịch vào lúc 1 giờ 30, ngày 5/1/2018 (nhằm ngày 19/11/Đinh Dậu) tại chùa Bồ Đề. Trụ thế: 92 năm. Hạ lạp: 68 năm5.
6. Chư ni Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại tỉnh Bình Dương
Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh truyền thừa vào tỉnh Bình Dương khoảng đầu thế kỷ XIX và những ngôi chùa đầu tiên theo thuộc Thiền phái Chúc Thánh, như Hội Khánh, Thiên Tôn. Và điểm đặc biệt của Thiền phái Chúc Thánh tại tỉnh Bình Dương là chỉ truyền kệ theo pháp danh mà không có bài kệ truyền pháp tự.
Đối với Ni giới tỉnh Bình Dương, sự truyền thừa của Thiền phái Chúc Thánh phải kể đến đó là Ni trưởng Thị Nguyên – Như Thái (1922-2010). Ni trưởng thế danh Nguyễn Thị Bo, sinh ngày 28 tháng 12 năm 1922, tại thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, là đệ tử đắc pháp với Hòa thượng Như Tâm – Thọ Thiện, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 42, thế hệ thứ 9 Thiền phái Chúc Thánh.
Sớm giác ngộ con đường giải thoát, vào năm 1942, Ni trưởng đã phát nguyện xuất gia với Hòa thượng Như Tâm – Thọ Thiện, trụ trì chùa Thiên Chơn ở An Thạnh. Ni trưởng đã lần lượt lãnh thọ giới pháp Sa di ni năm 1946, Thức xoa ma na năm 1947 và Tỳ kheo ni năm 1948.
Trong thời gian tu học, Ni trưởng là một trong những vị có tâm nghiên cứu đắc lực, nhất là kinh Kim Cang, Duy Thức, bộ Phật học phổ thông.
Trong quá trình hoằng hóa, Ni trưởng đảm nhận trụ trì chùa Bửu Hưng với lịch sử hơn 300 năm và tiếp độ tăng chúng hơn 10 vị.
Năm 1960, Ni trưởng đảm nhận trụ trì chùa Long Hưng ở làng Bến Gỗ, huyện Long Thành.
Năm 1976, Ni trưởng trụ trì chùa Thiên Chơn và tiếp tục con đường tiếp tăng độ chúng.
Trong công tác Phật sự tại tỉnh hội, Ni trưởng đều được chư tôn đức lãnh đạo giáo hội mời vào hàng Yết ma a xà lê để trao truyền giới pháp cho hàng trăm giới tử ni.
Kể từ năm 2000 cho đến khi viên tịch, Ni trưởng đảm nhiệm nhiều chức vị như: Ban Chứng minh, kiêm Giám luật hạ trường; Ủy viên Ban Trị sự tỉnh hội; Phó Phân ban ni giới tỉnh Bình Dương…
Kết luận
Tính từ khi Tổ Minh Hải – Pháp Bảo khai tông lập giáo, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã có trên 300 năm hình thành và phát triển. Trong khoảng 200 năm đầu, sự hoằng pháp đều do chư Tăng đảm nhiệm, hình bóng chư Ni rất là mờ nhạt. Có chăng, cũng chỉ là những bà vãi ở trong các tự viện lo sự ẩm thực của chư Tăng, hoặc lập một am thất nhỏ trong tùng lâm lặng lẽ ẩn tu. Đây cũng là hệ quả tất yếu ảnh hưởng bởi tư tưởng “Tống Nho” trọng nam khinh nữ. Đến đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh xã hội phát triển, nhân quyền được tôn trọng, sự bình đẳng nam nữ mới được đặt ra dù đã có từ thời Phật Thích Ca hành đạo. Ngoài xã hội, người nữ đã dần xuất hiện trên các diễn đàn, trong đạo thì Ni giới dần phát triển, chư Ni đã đảm nhiệm trụ trì các tự viện, được thu nhận đồ chúng tu tập, được đăng đàn thuyết pháp, v.v… Giữa thế kỷ XX, Ni giới ngày càng phát triển, Ni bộ Bắc tông Trung và Nam phần thành lập, chư Ni tham gia các công tác Phật sự, lập chùa, xây Ký nhi viện, trường Bồ Đề, v.v… tạo nên một hệ thống Ni bộ chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.
Trong sự phát triển của Ni giới Việt Nam có sự đóng góp rất lớn của các thế hệ Ni chúng thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Chư vị Ni trưởng: Thích Nữ Như Hường, Thích Nữ Diệu Hạnh, Thích Nữ Hồng Từ, Thích Nữ Tịnh Viên, Thích Nữ Diệu Hoa, Thích Nữ Hạnh Viên, Thích Nữ Tịnh Hạnh, Thích Nữ Tịnh Khiết, Thích Nữ Tịnh Chánh, Thích Nữ Như Hoa, v.v… là những bậc Ni lưu ưu tú làm rạng danh Kiều Mẫu và tông môn Chúc Thánh. Ngày hôm nay, chư Ni dòng thiền Chúc Thánh phát triển rất sâu rộng, đang cùng với chư Ni các thiền phái khác xây dựng Ni giới Việt Nam nói riêng và ngôi nhà Phật giáo Việt Nam nói chung, ngày càng lớn mạnh để đáp ứng nhu cầu tu học của tín đồ Phật tử trong và ngoài nước. Tất cả sự hành hoạt ấy cũng không ngoài mục đích báo Phật ân đức, nối truyền mạng mạch tông môn làm cho chánh pháp luôn hiện hữu trong đời Ngũ trược này.
THÍCH NỮ TRUNG PHÚC
Học viên khóa 2 Cao học
tại HVPGVN Thành phố Hồ Chí Minh
_Chú thích:
1. Trong cuốn “Hành trạng chư Ni Việt Nam” để đạo hiệu Ni trưởng là Thích Nữ Thông Huệ. Nhưng ở đây, chúng tôi dùng đạo hiệu Ni trưởng là Tịnh Như để đồng nhất chư vị Ni trưởng trong dòng họ Tịnh.
2. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa thiền phái lâm tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông, tr. 460-461.
3. Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, tr. 462.
4. Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, tr. 463-464.
5. https://quangduc.com/a61858/ni-truong-thich-nu-tinh-hanh-vien-tich
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng trong, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
2. Thích Như Nguyệt (2007), Hành trạng chư Ni Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo.
3. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb Phương Đông.
4. Thích nữ Từ Thảo ( 2017), Lược sử Ni giới và hành trạng chư ni Phật giáo Việt Nam, Nxb. Văn Hóa Văn Nghệ TP. HCM.
5. https://quangduc.com/a61858/ni-truong-thich-nu-tinh-hanh-vien-tich