Hoà thượng Thích Chơn Phát và Phật học viện Quảng Nam (Nhà giáo Phạm Sáu – Pháp danh Như Thích)

         Hòa thượng Thích Chơn Phát luôn thực hành lục độ, giới luật tinh nghiêm, thân khẩu giáo vẹn toàn, rất khiêm ưu là gương mẫu cho những người con Phật.

         Công cuộc chấn hưng Phật giáo từ những năm 1932- 1951 ở miền Trung đã có ảnh hưởng rất lớn đến các tăng sĩ không chỉ trong thời kỳ này mà dư âm vẫn còn vang vọng mãi đến những năm thập niên 70 của thế kỷ XX. Các hoạt động do phong trào chấn hưng Phật giáo khuyến khích nghiên cứu kinh điển, thay đổi về cách thức đào tạo những vị tăng giỏi về Phật pháp, tinh nghiêm về giới luật và đủ sức để hoằng dương Phật pháp trong thời đại mới.

         Năm 1952, Giáo hội Tăng già Quảng Nam – Đà Nẵng được thành lập sau kỳ Đại hội Phật giáo diễn ra tại chùa Từ Đàm, Huế (1951). Ngoài việc xây dựng tổ chức Phật giáo còn có việc đào tạo tăng tài cũng có những đổi thay. Trước đó, thường là do các sơn môn hoặc Pháp phái Tổ đình dạy dỗ. Ngày nay, việc học khác trước, các tăng ni sinh được tập trung học tập theo trường lớp hẳn hoi. Ở Huế có Trường Phật học Báo Quốc, ở Đà Nẵng có Đà Thành Phật học viện, sau đó là Phật học viện Phổ Đà (thành lập năm 1960), đến lúc này ở Quảng Nam vẫn còn đào tạo theo sơn môn. Trước thực trạng đó, một mối ưu tư, trăn trở lớn của những tăng sĩ Quảng Nam có tâm huyết đã hưởng ứng, ủng hộ phong trào chấn hưng Phật giáo, trong đó có Hòa thượng Thích Chơn Phát.

         Vài nét về tiểu sử Hòa Thượng Thích Chơn Phát

         Hòa thượng thế danh là Nguyễn Nghi, sinh ngày 13/10/1931 (Tân Mùi), tại làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An. Xuất thân trong một gia tộc nhiều đời quy kính Tam bảo. Ông nội của ngài là một vị bán thế xuất gia, hiệu là Trí Tịnh, pháp danh Chương Bằng. Ngài Chương Bằng soạn khoa nghi các khóa lễ và nghi lễ cầu an, cầu siêu. Cha và chú của ngài, năm 1887 được ông nội đưa đến chùa Chúc Thánh (Hội An) tác lễ với Tổ Chương Đạo – Quảng Viên xin xuất gia tu học. Cha ngài được Tổ ban cho pháp danh Ấn Hoa, tự Tổ Đường, nhưng tu học được một thời gian, theo quan niệm thế tục lúc bấy giờ vì chữ hiếu, cha của ngài đành phải quay về phụng dưỡng mẹ cha và thực hiện bổn phận “môn đăng định tính”.

         Năm 1938 (Mậu Dần), mới 6 tuổi, song thân qua đời. Ngài mồ côi cha mẹ quá sớm, đây là nỗi bi thương, thiệt thòi nhất trong cuộc đời ngài. Nhưng đó lại là một may mắn lớn, ngài được chú ruột là Hòa thượng Phổ Thoại, trụ trì chùa Long Tuyền, đem về cho thế phát xuất gia, ban cho ngài pháp danh Chơn Phát.

         Năm 1950, ngài nhập chúng Phước Lâm, Thầy trú trì đề cử Tri sự để lo việc chùa và việc chúng. Cũng trong năm này, ngài về lại chùa Long Tuyền, Hòa thượng Phổ Thoại truyền giới Sa di và ban pháp tự là Đạo Dũng.

         Năm 1951, tròn 20 tuổi, bổn sư cho ngài nhập chúng Chúc Thánh dưới sự dạy dỗ của Tăng cang Thích Thiện Quả, ngài làm thị giả cho Hòa thượng Tăng cang. Trong năm này, Đại hội Phật giáo toàn quốc diễn ra tại Huế, ngài tháp tùng phái đoàn sơn môn Tăng già Quảng Nam có mặt tại Đại hội. Sau khi Đại hội hoàn mãn, thành công tốt đẹp, đoàn sơn môn Tăng già Quảng Nam tham quan các tự viện tại Huế trong đó có Trường Phật học Báo Quốc, nơi đây đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng ngài.

         1954: Bổn sư sức khỏe ngày càng yếu kém, ngài về lại Long Tuyền để hầu thầy. Trong năm này, Bổn sư phú pháp hiệu cho ngài là Long Tôn. Cũng trong năm đó, Bổn sư viên tịch.

         1955: Hòa thượng Thích Chơn Phát cùng với Hòa thượng Thích Như Vạn, Hòa thượng Thích Như Huệ được Hòa thượng Thích Trí Hữu ở Sài Gòn bảo trợ quý ngài vào học tại Phật học đường Nam Việt, chùa Ấn Quang (Sài Gòn).

         1960: Tốt nghiệp Phật học đường Nam Việt và theo cam kết sau khi tốt nghiệp phải tham gia Phật sự tại Phật học đường Nam Việt dưới sự phân công của Ban Giám đốc Học viện. Ngài được bổ nhiệm là Giảng sư của Phật học viện Nam Việt, giảng dạy tại các chùa Vạn Thọ, Giác Nguyên, Phổ Quang và dạy giáo lý tại các Niệm Phật đường Ngã Tư Bảy Hiền và Phú Thọ Hòa.

         9/1/1957: Ngài thọ Cụ túc giới tại Giới đàn Hải Đức – Nha Trang, do Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đàn đầu truyền giới.

         1961: Ngài thọ Bồ tát giới tại chùa Ấn Quang và sau đó về Hội An, Quảng Nam, hành đạo khi đệ nhị trụ trì chùa Long Tuyền là Hòa thượng Chơn Quả – Đương Như đã già yếu.

         Từ khi là trụ trì chùa Long Tuyền, đến mùa an cư, ngài tập chúng an cư kiết hạ tại đây. Từ cành lá Long Tuyền lan tỏa ra cả cây đại thụ của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Hằng năm, đến mùa an cư, chư tăng tập trung, nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới, Định, Huệ và bồi dưỡng nâng cao, tích lũy kiến thức Phật pháp cho bản thân mỗi tăng chúng để hoằng dương chánh pháp. Việc an cư kiết hạ tập trung này là một điểm mới của Phật giáo Quảng Nam. Trước đó, đến mùa an cư thì chùa, tự viện nào an cư ở nơi đó, thiếu tập trung, chưa tạo được sức mạnh lục hòa cộng trụ. An cư kiết hạ tập trung đã trở thành nền móng cho Phật sự này. Sau năm 1975, do hoàn cảnh khách quan nên việc an cư tập trung không được duy trì. Năm 1980, sau khi Hòa thượng Thích Như Vạn viên tịch, Hòa thượng Thích Long Trí thấy cần phải tập hợp, củng cố Tăng đoàn Quảng Nam, Hòa thượng đề xuất phục hồi khóa an cư tập trung, đề xuất này được chư Tăng Ni đồng thuận, tán thưởng. Từ đó đến nay, Phật sự an cư kiết hạ của Quảng Nam đi vào nề nếp.

         1962: Ngài được đề cử và nhận nhiệm vụ là Trị sự phó Giáo hội Tăng già Quảng Nam, kiêm giảng sư của tỉnh Giáo hội. Ngài và quý thầy trong “Tứ trụ Quảng Nam” (Thích Như Vạn, Thích Long Trí, Thích Chơn Phát, Thích Như Huệ) Phật giáo Quảng Nam đã ưu ái, quý kính đặt câu vè: “Vạn Trí Phát Huệ”, nói lên con đường đạt đạo (Duy tuệ thị nghiệp). Các ngài đã có mặt khắp các chùa trong tỉnh Quảng Nam, đặc biệt, thầy Chơn Phát không biết đi xe đạp nên ba thầy phải luân phiên thay nhau chở, tinh thần hành đạo của quý Ngài trong thời buổi khó khăn là thế.

         1963: Ngài là Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Quảng Nam, Phật giáo lâm vào Pháp nạn do việc kỳ thị tôn giáo của gia đình trị, Ủy ban tranh đấu cho sự trường tồn của Phật giáo ra đời tại Quảng Nam, ngài cùng với các bậc tôn túc Phật giáo Quảng Nam đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo bằng cách tuyệt thực nhiều ngày tại tỉnh đường Quảng Nam.

         1964: GHPGVNTN được thành lập, ngài được cử giữ chức Đặc ủy Tăng sự.

         1965: Một nhân duyên với Giáo dục, Trường Trung học Bồ Đề Hội An được thành lập, ngài được mời giữ chức Giám đốc.

         1966: Ngài được cử giữ chức Chánh đại diện GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam.

         1970: GHPGVNTN tỉnh Quảng Nam nhất trí mở trường Phật học tại Quảng Nam. Giáo hội cử Hòa thượng Thích Như Huệ lúc đó là Đặc uỷ Văn hóa Giáo dục lập tờ trình gửi cho Tổng vụ Văn hóa Giáo dục GHPGVNTN Trung ương xin phép mở Phật học viện. Được sự chấp thuận của Tổng vụ, Ban Đại diện Phật giáo Quảng Nam họp bàn việc chọn địa điểm thành lập trường và cử Ban Giám đốc. Địa điểm đặt tại chùa Long Tuyền. Hòa thượng Thích Chơn Phát chịu trách nhiệm vận động, xây dựng cơ sở vật chất sau đó chiêu sinh, mở lớp Trung đẳng đặc biệt để đào tạo Tăng tài cho Giáo hội. Trong lúc này, Tổng vụ bổ nhiệm ngài làm Giám đốc Phật học viện Quảng Nam.

         Năm 1971: Mở lớp Trung đẳng đặc biệt.

         Năm 1973: Mở lớp Trung đẳng Phật học Phổ thông cấp I.

         Tháng 4 năm 1975: Thời cuộc thay đổi, ngài nghỉ tất cả các chức vụ của Giáo hội, tập trung hành trì pháp môn Tịnh độ và lao tác nông thiền theo như Thanh quy của Tổ Bách Trượng. Với Hòa thượng: “Phật sự cần ta đến, Phật sự thành ta đi, chẳng ngại gian lao, không nài khó nhọc” (Hòa thượng Thích Thiện Hoa) và thể hiện tinh thần “Bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến”.

         Năm 1985: Khai đàn truyền giới Cụ túc tại chùa Long Tuyền, ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng.

         Ngoài ra, ngài còn truyền giới cho những thiện nam tín nữ phát nguyện quy y Tam bảo và thọ năm giới; ngài còn mở các khóa Bát quan trai giới cho cư sĩ tại chùa Long Tuyền vào ngày mồng một hằng tháng và đã biên soạn, dịch thuật một số tác phẩm về Phật học chủ yếu lưu hành nội bộ.

         Trong thời gian trụ trì chùa Long Tuyền, ngài đã trùng tu, kiến thiết nhiều hạng mục nhất là Đại trùng tu Chánh điện, đặc biệt để xiển dương pháp môn Tịnh độ, ngài kể, nhiều lần trì trụng Kinh A Di Đà, trước mặt ngài hiện ra bảo tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, hào quang chói sáng, nhiều màu sắc trông rất thanh tịnh, thiêng liêng, rất đẹp, vì vậy ngài cho tôn trí bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa trên nóc Chánh điện và đã trở thành đặc trưng của ngôi cổ tự này.

         Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam được thành lập, ngài được cung thỉnh làm Chứng minh Ban Trị sự cho đến ngày viên tịch.

         Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 2001-2007, ngài và các vị hòa thượng khác được cung thỉnh vào Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

         Sau này, biết thân không an như xưa, ngài đã giao tất cả Phật sự của chùa cho đệ tử và ngài tiếp tục miên mật hành trì pháp môn Tịnh độ.

         Ngày 22 tháng 4 năm Bính Thân (2016), không bệnh duyên nhưng ngài biết tứ đại không còn hòa hợp, ngài nhóm đệ tử dặn dò rồi an nhiên thị tịch. Ngài đã được 60 hạ lạp (Tấn đàn Cụ túc năm Bính Thân (1957) viên tịch Bính Thân! Vậy là Ngài đã công viên, quả mãn với 75 năm xuất gia, 60 năm phụng sự đạo pháp, thanh thản về cõi chân như tịch diệt.

         Để trở thành sứ giả Như Lai, ngài từ một đồng chân xuất gia, thọ giới, được hội đủ nhân duyên theo học tại Phật học viện Nam Việt đặt tại chùa Ấn Quang 5 năm, được đào tạo chính quy, nền nếp. Sau này, ngài trở về Quảng Nam, được cung thỉnh vào các chức vụ của Giáo hội đây là cơ hội để ngài đặt nền móng cho các Phật sự: An cư kiết hạ hằng năm tại Quảng Nam, xây dựng, quản lý và phát triển Phật học viện Quảng Nam; ngài còn là một giảng sư đức độ uy tín trong Phật tử các giới tại đất Quảng. Hòa thượng Thích Chơn Phát giới hạnh luôn trang nghiêm, thân giáo, khẩu giáo của ngài luôn khiêm ưu. Ngài trở thành mẫu mực mà bất kỳ ai đã dấn thân làm sứ giả Như Lai đều phải thực hiện, thể hiện.

         Với Phật học viện Quảng Nam

         Ngày 23/9/1971, quyết định của Tổng vụ do Hòa thượng Thích Minh Châu ấn ký cho thành lập Phật học viện với danh hiệu: Phật học viện Quảng Nam, trụ sở tại chùa Long Tuyền; bổ nhiệm Đại đức Thích Chơn Phát giữ chức vụ Giám viện.

         Các chức vụ khác trong Ban Giám đốc Phật học viện do Giám viện cử sẽ được hợp thức hóa sau.

         Quyết định ngày 27/9/1971 của Tổng vụ Văn hóa Giáo dục do Hòa thượng Thích Minh Châu ấn ký, cử Đại đức Thích Như Vạn giữ chức vụ Phó Giám viện.

         Thành phần Ban Giám đốc:

                 Đại đức Thích Phát Kiên: Giám luật

                 Đại đức Thích Như Huệ: Giám học

                 Đại đức Thích Chánh Thiện: Giám sự

                 Đại đức Thích Như Luận: Quản chúng

                 Đại đức Thích Minh Trí: Thủ bổn

                 Đại đức Thích Như Hoàn: Thư ký

                 Đạo hữu Phạm Ngọc Châu (Tâm Khai): Phó Thư ký

         Ngày 20/10/1971, là ngày khánh thành và khai giảng Phật học viện Quảng Nam. Thành phần tham dự lễ: Hòa thượng Thích Minh Châu, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa Giáo dục. Quý thầy trong Ban đại diện, trong các Ban ngành của Giáo hội Phật giáo VNTN Quảng Nam, Ban Giám đốc Học viện, Ban giảng huấn, Trụ trì các chùa có Tăng Ni sinh theo học, đạo hữu Phật tử gần xa.

         Để Phật học viện duy trì hoạt động và phát triển, Giám đốc mời các đạo hữu, Phật tử, thân hào nhân sĩ nhiệt tâm với đạo pháp dự họp và thành lập Ban Bảo trợ Phật học viện. Cuộc họp đã thống nhất biểu quyết bầu Ban bảo trợ gồm Trưởng, phó ban, Tổng và Phó Tổng Thư ký, Tổng và Phó Tổng Thủ quỹ. Ban Kiểm soát gồm có 4 vị đều là cư sĩ và Ban Cổ động gồm có 7 vị đều là cư sĩ. Trong Ban Bảo trợ họp thống nhất cử Ban Thường vụ Ban Bảo trợ gồm 3 vị.

         Ban Giảng huấn Phật học viện: Đại đức Thích Chơn Phát, Thích Như Huệ, Thích Như Vạn, Thích Long Trí, Ni sư Thích Nữ Như Hường, Thích Nữ Diệu Hạnh, Thích Nữ Từ Hạnh, Giáo sư Phạm Phú Hưu, Giáo sư Phan Khôi, Giáo sư Võ Văn Mai.

         Sĩ số Tăng Ni sinh: 50. Trong đó có:

                 – Tăng sinh 32 vị (1/2 nội trú, còn lại ngoại trú)

                 – Ni sinh: 18 (100% nội trú)

                 Học lực (thế học) phải có trình độ từ lớp 9 (Đệ Tứ) đến lớp 12 (Đệ Nhất)

         Cơ sở học tập:

                 Tăng sinh: Học tại Phật học viện Quảng Nam.

                 Ni sinh: Học tại chùa Sư nữ Bảo Thắng.

         Sau khi học 2 năm, Học viên tổ chức thi tốt nghiệp theo đúng quy chế. Kết quả, 100% Tăng ni sinh tốt nghiệp.

         Đây là kết quả đáng mừng. Phật học viện Quảng Nam mới hình thành và đi vào hoạt động nên Giáo hội, Ban Giám đốc Học viện, Ban Giảng huấn, Tăng ni sinh đầu tư về mọi mặt: Ban giảng huấn nhiệt tâm, nghiên cứu, sưu tầm tài liệu và phương pháp giảng dạy giúp tăng ni sinh hình thành và nắm vững kiến thức nội điển và các nội dung khác mà chương trình đã quy định. Tăng ni sinh nỗ lực học tập, phát huy sự suy nghĩ, độc lập sáng tạo, những thắc mắc, hoài nghi đều trao đổi với Ban giảng huấn và đều đã được giải thích cặn kẽ, đảm bảo về mặt kiến thức và thực hành, giúp tăng ni sinh yên tâm, quyết tâm học hỏi.

         Mùa vàng, mùa bội thu đầu tiên sau khi được gieo hạt, chăm sóc nâng niu, đến ngày thu hoạch, kết quả thật là hoan hỷ. Tổng vụ Văn hóa Giáo dục, Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo, các vị trú trì các chùa có tăng ni sinh dự học, Ban Giám đốc học viện, Ban Giảng huấn, các cư sĩ trong Ban Bảo trợ, những cư sĩ phát tâm cúng dường góp phần cho sự hoạt động của học viện và toàn thể Phật tử Quảng Nam thêm tin tưởng. Đây là tiền đề tốt đẹp góp phần cho việc chuẩn bị tổ chức, dạy học khóa tiếp theo. Khóa sau (1973-1974) đã được Tổng vụ Văn hóa Giáo dục chấp thuận với tên: Khóa Trung đẳng Phật pháp Phổ thông cấp I.

         Được sự thống nhất của Tổng vụ Văn hóa Giáo dục về việc mở lớp Trung đẳng Phật pháp Phổ thông cấp I, đồng thời Tổng vụ cho chuyển 12 Tăng sinh đã học chương trình sơ đẳng tại Phật học viện Linh Sơn, Nha Trang, về nhập học chương trình Trung đẳng Phật pháp phổ thông cấp I tại Phật học viện Quảng Nam.

         Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Ban Giám đốc thấy cần phải kiện toàn tổ chức. Ban giám đốc đã có văn bản gửi Tổng vụ đề nghị một số chức danh và đã được Tổng vụ chấp thuận như sau:

         Năm 1973: Về Ban Giám đốc các chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc không thay đổi. Giám luật: Đại đức Thích Chơn Điền. Giám sự: Đại đức Thích Giải Trọng. Quản chúng: Đại đức Thích Như Nhiệm. Đạo hữu Hồ Minh Đức, Phó Thư ký.

         Năm 1974: Về nhân sự: Ban Giám đốc bổ sung Đại đức Thích Đồng Nghĩa thay cho Đại đức Thích Minh Trí viên tịch. Về chức danh thư ký: Đại đức Thích Như Nhiệm (kiêm).

         Ban Giảng huấn: Đại đức Thích Chơn Phát, Thích Như Huệ, Thích Giải Trọng, Thích Hạnh Đức.

         Ban kinh tế tự túc, gồm: Trưởng ban: Đại đức Thích Hạnh Trực, Phó Trưởng ban: Đại đức Thích Giải Trọng và đạo hữu Huỳnh Hoành. Thư ký: Đại đức Thích Hạnh Trí. Thủ bổn: Đại đức Thích Đồng Nghĩa. Ban viên có 7 đại đức và 1 cư sĩ.

         Ban Kinh tế tự túc đã lập xưởng sản xuất đèn sáp (đèn cầy), đây là một trong những hoạt động của Ban Kinh tế tự túc.

         Số lượng Tăng sinh: 35 vị.

         Trình độ học lực thế học của tăng sinh từ lớp 6 đến lớp 9 nên Học viện liên kết với Trường Trung học Bồ Đề Hội An kết hợp dạy học nâng cao học lực giúp tăng sinh tiếp thu tốt nội điển.

         Khai giảng và học tập gần được 2 năm, đến năm 1975 do hoàn cảnh khách quan nên Học viện Phật giáo Quảng Nam ngừng hoạt động. Từ khi Học viện được thành lập và đã đào tạo khóa I được trọn vẹn, khóa II chỉ mới học gần 2 năm, chưa được đầy đủ chương trình. Nhưng những tăng sinh học tại Phật học viện Quảng Nam trong cả 2 khóa, sau này phát huy tác dụng:

         Hòa thượng Thích Hạnh Lạc và Hòa thượng Thích Trí Thắng là Trưởng và Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi.

         Hòa thượng Thích Giải Trọng: Trưởng Ban Nghi lễ Giáo hội Phật giáo Quảng Nam, Ủy viên Ban nghi lễ Trung ương Giáo hội.

         Thượng tọa Thích Đồng Nguyện là Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam.

         Thượng tọa Thích Nguyên Minh, trú trì chùa Kim Sơn, thành phố Nha Trang.

         Hòa thượng Thích Như Phẩm, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp cơ bản Giáo hội Phật giáo Quảng Nam.

         Thượng tọa Thích Giải Quảng, Thư ký Giáo hội Phật giáo Quảng Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Điện Bàn.

         Ni sư Thích Nữ Hạnh Chơn: Nguyên Trưởng Phân ban Ni giới Giáo hội Phật giáo Quảng Nam,…

         Tuy Phật học viện Quảng Nam chỉ tồn tại trong khoảng thời gian không dài, nhưng ý nghĩa và tác dụng của việc hình thành, giảng dạy của Phật học viện thật to lớn, sức lan tỏa rất mạnh. Những năm tháng đó, toàn miền Nam, GHPGVNTN có: 27 Phật học viện, trong đó có 23 Phật học viện dành cho Tăng và 4 Phật học viện dành cho Ni. Sau này, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi vào hoạt động, hiện nay gần như các tỉnh thành nào cũng có Trường Trung cấp Phật học do Giáo hội các tỉnh/ thành xây dựng, giúp Tăng Ni sinh nắm chắc nội điển và các ngoại điển khác để có thể học chương trình cao hơn, nhằm đáp ứng Phật sự hoằng pháp, lợi sanh và mỗi vị chọn cho mình một pháp môn để tu tập, hành trì hướng đến sự giác ngộ, giải thoát.

         Phật học viện Quảng Nam là dấu son trong lịch sử truyền thừa Phật giáo đất Quảng. Sức sống của Phật học viện Quảng Nam vẫn âm vang, đồng vọng cho đến nay. Tuy không còn tồn tại trên danh nghĩa, nhưng nó đã đi vào tâm khảm của những người con Phật nơi đây. Một thế hệ tăng tài xuất thân từ ngôi trường này tuy chưa thật nhiều, nhưng đã để lại dấu ấn khó phai trong công việc hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh.

         Nhìn chung, Hòa thượng Thích Chơn Phát luôn thực hành lục độ, giới luật tinh nghiêm, thân khẩu giáo vẹn toàn, rất khiêm ưu là gương mẫu cho những người con Phật. Pháp môn Tịnh độ được ngài hành trì thật miên mật và xiển dương đến với những Phật tử vùng Quảng Nam chưa mưa đà thấm đã được nhiều Phật tử phát tâm thực hiện. Đối với sự trường tồn của đạo pháp, ngài luôn ưu tư trong việc đào tạo tăng tài, có thể nói đây là tâm nguyện trong đời hành đạo của ngài. Phật học viện Quảng Nam ra đời và duy trì phát triển trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, kinh tế khó khăn, nhân tâm bị chi phối, nhưng đã để lại một cột mốc vững chãi trong Phật sự đào tạo Tăng tài ở đất Quảng. Đây là một trong những đóng góp rất có ý nghĩa của sứ mệnh truyền thừa mạng mạch Phật pháp, đó cũng chính là: “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” của ngài./

Nhà giáo PHẠM SÁU
(Pháp danh NHƯ THÍCH)

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

– Ban TTTT Giáo hội Phật giáo Hội An:
+ Tiểu sử Hòa thượng Thích Chơn Phát.
+ Tiểu sử Hòa thượng Thích Giải Trọng.

– Dương Thanh Mừng: Phong trào chấn hưng Phật giáo, Luận án Tiến sĩ Sử học (xem trên internet)

– Thích Như Tịnh:
+ Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, NXB Tôn giáo, HN 2008.
+ Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009.

– Các văn bản về Trường Phật học Quảng Nam, lưu trữ tại chùa Long Tuyền, Hội An.

– Thực tế điền dã tại các chùa: Bảo Thắng, Long Tuyền, Viên Giác ở Hội An.