Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại thành phố Hải Phòng (ThS.Thọ Khả)

          Thiền phái Lâm Tế du nhập vào Việt Nam từ khá sớm, khoảng thế kỷ XIII do thiền sư Thiên Phong từ Trung Hoa sang Việt Nam. Tuy thời kỳ này, Thiền phái Lâm Tế chưa đủ mạnh để hình thành và phát triển thành một dòng thiền tại Việt Nam, nhưng cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến màu sắc tu tập của những vị sư Việt Nam đương thời như Thiền sư Đại Đăng, Thiền sư Tiêu Dao và đặc biệt là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Theo “Việt Nam Phật giáo Sử luận” trích dẫn ta được biết Thiền sư Thiên Phong từ Chương Tuyên (Trung Hoa) đến thuộc dòng thiền Lâm Tế – Nghĩa Huyền. Tuy nhiên, sắc tu của Thiền Lâm Tế khi đó chưa được thể hiện rõ ràng trên bản đồ Phật giáo dân tộc, mà phải đến thế kỷ XVII, theo bước chân các vị thiền sư Trung Hoa về phương Nam, thiền phái này mới thực sự xây dựng được tông phong sơn môn, và phát triển thành một hệ phái tu tập độc lập bên cạnh những truyền thống tu tập trước đó của người dân An Nam.

          Ở Đàng Ngoài, ta thấy dấu ấn của ngài Viên Văn – Chuyết Chuyết (đời 72 Thiền Ấn – Hoa), đời 34 Thiền Lâm Tế (Ngài Minh Hành là tổ 35). Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết tên đời là Lý Thiên Tộ, sinh năm 1590 tại Tiệm Sơn, quận Thanh Sơn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Năm 1630, Hòa thượng đã cùng một số đệ tử trong đó có ngài Minh Hành – Tại Tại xuống thuyền vào Đàng Trong Đại Việt (Việt Nam). Đến năm 1633, Tổ ra Thăng Long, trấn tích tại chùa Khán Sơn, Hà Nội một thời gian. Cuối cùng, đến hành đạo lâu dài tại chùa Vạn Phúc (Phật Tích), Bắc Ninh. Sau khi hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông), pháp danh Diệu Viên, hiệu Pháp Tánh, tu bổ chùa Ninh Phúc (Bút Tháp), Bắc Ninh xong, cung thỉnh Tổ sang trụ trì, còn Minh Hành – Tại Tại trụ trì chùa Vạn Phúc (Phật Tích). Tông phong Lâm Tế được xây dựng và phát triển ở Đàng Ngoài từ đây.

          Ở Đàng Trong đến đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), năm 1677, Thiền sư Nguyên Thiều – Thọ Tôn (húy Siêu Bạch – Hoán Bích) dòng Lâm Tế – Nghĩa Huyền, đời thứ 33, sinh năm Mậu Tý (1648), xuất gia năm 19 tuổi (1666), đệ tử ngài Bổn Quả – Khoáng Viên (Hành Quả – Khoáng Viên), khai sơn chùa Báo Tư – Trung Quốc, theo thuyền buôn cùng một số đệ tử đến phủ Qui Ninh (Qui Nhơn) và lập cước nơi đây để hoằng đạo. Đầu tiên, vào năm 1678, ngài cho xây dựng chùa Thập Tháp Di Đà, công trình đến năm 1683 hoàn thành. Tổ cử hành lễ khánh thành, được vua Lê Hy Tông ban Bảng vàng Sắc tứ: “Thập Tháp Di Đà tự”. Sau một thời gian hành đạo tại chùa Thập Tháp Di Đà, Tổ vân du hóa đạo các tỉnh cực Bắc (Thuận Hóa), trùng tu chùa Hà Thành (chùa Hà Trung) cửa biển Tư Dung nay là Tư Hiền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Sau đó, Tổ trùng tu chùa Vĩnh Ân, đổi tên thành chùa Quốc Ân (TP. Huế)…

          Ngài Minh Hải – Pháp Bảo là đời thứ 34 Lâm Tế chính tông tại Trung Quốc. Ngài là một trong những vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam có công khai sơn ra Tổ đình Chúc Thánh tại Hội An và sau này trở thành dòng tu có nhiều đóng góp cho Phật giáo Việt Nam. Ngài đã xuất bài kệ truyền thừa khai sáng tông phong Lâm Tế Chúc Thánh.

          Từ đây, lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam có một dòng thiền mới xuất hiện mà sử sách gọi là dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Đến nay, hệ phái Thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã truyền đến 12-13 đời, không chỉ ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam mà còn mở rộng ra hải ngoại đến một số quốc gia ở các châu lục trên thế giới.

          Từ Sơ Tổ Chúc Thánh truyền đăng tục diệm đến đời thứ 9 là Tổ Đông Hưng. Ngài pháp danh Thị An, pháp tự Hành Trụ, pháp hiệu Phước Bình. Ngài thế danh là Lê An, sinh năm 1904, tại làng Phương Lưu, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ngài xuất gia năm 12 tuổi tại chùa làng, đến năm 19 tuổi được Hòa thượng Giải Tường, chùa Phước Sơn, thế độ làm đệ tử và tu học tại đây. Năm 22 tuổi, ngài thụ giới cụ túc. Năm 1984, ngài xả bỏ báo thân, quá mãn sa bà, trụ thế 80 năm, hạ lạp 59 năm. Ngài là một trong những vị cao tăng thạc đức của Phật giáo Việt Nam hiện đại. Sinh thời, ngài luôn chú trọng vào việc hạnh trì luật tạng và giáo dục đào tạo tăng tài, hoằng dương chính pháp nhãn tạng thông qua việc phiên dịch, ấn hành nhiều kinh luật phổ biến: Sa di luật giải, Quy Sơn cảnh sách, Tứ phần giới bản Như Thích, Phạm Võng Bồ tát giới, Tỳ kheo giới kinh, Kinh A Di Đà sớ sao, Sơ đẳng Phật học giáo khoa thư… Ngài tiếp độ đồ chúng tu tập khá đông, gồm cả tăng và ni, và một trong những đệ tử ni xuất chúng của ngài là cố Sư bà Tịnh Nguyệt, cũng là người có công truyền thừa tông phong Lâm Tế Chúc Thánh ra miền Bắc.

          Thời kỳ hình thành

          Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh được truyền ra Hải Phòng từ khoảng những năm 1950 do Sư bà thượng Đồng hạ Viên, tự Thông Chiếu, hiệu Tịnh Nguyệt, trụ trì chùa Hải Ninh là đệ tử nối pháp của Tổ Đông Hưng – ngài thượng Thị hạ An.

          Năm 1943, sư bà bước vào chốn thiền môn xuất gia tu học tại Phật học đường Tăng Già Khánh Hội – Sài Gòn. Là đệ tử của Sư tổ Hành Trụ – Phước Bình, nối pháp đời thứ 10 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sơn môn Đông Hưng. Với chí nguyện xuất gia tu học của bậc nữ tu trượng phu, ni trưởng luôn tinh tấn tu tập, trau dồi tuệ giác phụng sự đạo pháp. Năm 1947, bên cạnh sự tu học chỉ dạy của hòa thượng bổn sư, ni trưởng còn xin phép hòa thượng ra Huế cầu học.

          Với ý nguyện xuất gia nghiêm trì tinh chuyên Luật học, năm 1950, sư bà ra miền Bắc học Luật tạng với Tổ sư Tuệ Tạng (Tổ Cồn) tại chùa Vọng Cung – Nam Định. Cũng tại đây, Sư nhận người đệ tử xuất gia đầu tiên và đặt pháp danh là Thích Chúc Tâm, tự Giác Hạnh, hiệu Nguyệt Thiên. Do chiến tranh, đất nước bị chia cắt hai miền Nam Bắc, nên sư bà cùng bào huynh (Thượng tọa Thích Khánh Nghiêm) đã ở lại miền Bắc phụng sự Phật pháp tại các chùa Vân Hồ (Hà Nội), Linh Đường (Hà Nội), Quảng Luận (Hải Phòng), Phổ Chiếu (Hải Phòng). Đến 4/6/1964, sư bà nhận lời thỉnh cầu của Hội Đồng Thiện về trụ trì chùa Hải Ninh – Đồng Thiện, thuộc xã Vĩnh Niệm, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng và sinh hoạt trong Giáo hội Phật giáo tại thành phố Hải Phòng, tham gia các khóa an cư kết hạ tại chùa Dư Hàng và chùa Trữ Khê.

          Tại ngôi già lam Hải Ninh – Đồng Thiện, sư bà đã tiếp độ thêm bốn vị đệ tử Thích Chúc Tín, Thích Chúc Tiến, Thích Chúc Tư, và Thích Chúc Tuệ. Từ đây, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh sơn môn Đông Hưng được hình thành và phát triển ở miền Bắc.

          Năm 1975, khi đất nước thống nhất, giang sơn về một dải, hai miền Nam Bắc không còn sự chia cắt, sư bà đã giao quyền trụ trì chùa Hải Ninh lại cho trưởng tử và trở về Sài Gòn.

          25 năm hoằng dương Phật pháp tại miền Bắc nói chung và 11 năm tại Tổ đình Hải Ninh – Đồng Thiện nói riêng, sư bà đã đem sở học, sở tu của mình dẫn dắt, tiếp độ đồ chúng xuất gia và tại gia. Từ một ngôi già lam nhỏ, lịch sử hình thành chưa được bao lâu, Hải Ninh – Đồng Thiện đã trở thành nơi tu học quen thuộc của ni chúng và Phật tử Hải Phòng. Dưới sự dạy dỗ, chỉ bảo, hướng đạo của sư bà, bao lớp ni chúng đã được thành tựu đạo nghiệp. Đệ tử nối pháp của sư bà sau này đều xứng danh những trưởng nữ của Như Lai, kế đăng tục diệm, làm rạng rỡ tông phong, trở thành những vị thượng thủ trong hàng ni chúng ở Hải Phòng đương đại, có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp hoằng dương Phật Pháp nơi đây.

          Thời kỳ phát triển

          70 năm trôi qua, lịch sử xã hội đã có nhiều đổi thay, sơn môn Lâm Tế Chúc Thánh tại thành phố Hải Phòng cũng đang ngày một kiện toàn và phát triển. Dẫu biết rằng, chư Phật ba đời thị hiện đều xiển dương pháp môn vi diệu trên tinh thần bình đẳng không phân biệt, song do một số điều kiện đặc thù, hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Hải Phòng cho đến nay mới chỉ được hình thành và phát triển về bên ni tăng, âu đó cũng là một phần nhỏ còn khuyết thiếu. Tổ đình Hải Ninh – Đồng Thiện từ lâu đã là một trong những ngôi tổ đình Ni chúng lớn ở Hải Phòng và cũng là tổ đình duy nhất của hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh tại miền Bắc.

          Từ năm 1952, sư bà thượng Đồng hạ Viên nhận người đệ tử nối pháp đầu tiên cố ni trưởng pháp danh Chúc Tâm, tự Giác Hạnh, hiệu Nguyệt Thiên – trưởng sơn môn Lâm Tế Chúc Thánh Tổ đình Hải Ninh thuộc sơn môn Lâm Tế Chúc Thánh chùa Đông Hưng. Hơn 20 năm, cho đến khi sư bà Tinh Nguyệt trở về Sài Gòn, cố Ni trưởng luôn là người đệ tử hầu cận thị giả sư bà, và sau này, cố Ni trưởng trở thành người kế đăng được sư bà trao cho trụ trì chùa Hải Ninh. Khi nhận trọng trách trụ trì chùa Hải Ninh tiếp tục sự nghiệp mở rộng tông môn thiêng liêng cao cả từ sư phụ, cố Ni trưởng bên cạnh việc thường xuyên trau dồi ba môn học vô lậu Giới – Định – Tuệ, ngài luôn tích cực tham gia các công tác Phật sự của giáo hội, hoằng dương đạo pháp. Đệ tử nối pháp của ni trưởng có 14 người đều đã tham gia học và tốt nghiệp tại các học viện Phật giáo tại TP. Hồ Chí Minh khóa 1, tại Hà Nội khóa 2, 3, 4 và hiện nay đang trụ trì 14 ngôi chùa, trong đó có 6 vị đã được tấn phong ni sư. Tiếp bước theo thế hệ tiền bối, các pháp tôn của ni trưởng sau khi hoàn thành các khóa học cơ bản về Phật giáo, cũng tiếp tục theo học các trường đại học của giáo hội và của thế tục trong và ngoài nước. Pháp tôn của ni trưởng gồm có 11 vị, sau khi tốt nghiệp cử nhân Phật học, hiện cũng đang trụ trì tại các chùa ở Hải Phòng.

          Năm 1964, Sư bà Tịnh Nguyệt nhận người đệ tử thứ hai là cố Ni sư Thích Chúc Tín, tự Giác Hành, hiệu Nguyệt Anh. Cố Ni sư trụ trì chùa Phổ Minh nằm trên đường Lê Lợi, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, tp Hải Phòng. Sinh thời, cố Ni sư súc dưỡng và tiếp độ 12 đệ tử nối pháp và đều đã được giáo hội tấn phong ni sư. Quý ni sư đều tham cứu Phật học ở các Phật học viện Việt Nam cả hai miền Bắc Nam tại các khóa 1, 2, 3. Trong đó có ni sư Thánh Kiên nhận học vị Tiến sĩ triết học sau khi bảo vệ thành công Luận án tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Pháp tôn của cố ni sư gồm 43 vị đã tốt nghiệp và đang theo học tại các Học viện Phật giáo trong và ngoài nước, hiện cũng đang trụ trì tại các chùa ở Hải Phòng.

          Cũng năm 1964, Sư bà Tịnh Nguyệt nhận người đệ tử thứ ba là cố ni sư Thích Chúc Tiến, tự Giác Đức, hiệu Nguyệt Quang. Cố Ni sư trụ trì chùa Nguyệt Quang, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, tp Hải Phòng. Sinh thời, cố Ni sư tiếp độ 9 người đệ tử nối pháp và 8 pháp tôn. Hiện, các vị này cũng trụ trì tại các chùa ở thành phố Hải Phòng.

          Năm 1969, Sư bà nhận người đệ tử thứ tư là Ni trưởng Thích Chúc Tư, tự Giác Chính, hiệu Nguyệt Đán. Ni trưởng hiện là Viện chủ chùa Linh Quang, tọa lạc trên phố Phạm Tử Nghi, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng. Ni trưởng tiếp độ 5 đệ tử và 3 pháp tôn, hiện cũng đang trụ trì tại các chùa ở Hải phòng.

          Năm 1970, Sư bà nhận vị đề tử thứ năm và cũng là vị đệ tử cuối cùng ở miền Bắc là Ni trưởng Thích Chúc Tuệ, tự Giác Trí, hiệu Nguyệt Minh. Sau 30 mươi năm trùng hưng Tam bảo, hoằng dương Phật pháp tại chùa Quan Âm – Pháp quốc, Ni trưởng trở lại cố hương, hiện nay đang là Viện chủ Tổ đình Hải Ninh. Kế đăng chư tổ, Ni trưởng thường xuyên tô bồi giới đức, sam phương tầm học các bậc cao tăng trong nước và hải ngoại. Ngay từ khi thành lập Học viện Phật giáo Việt Nam, không ngại tuổi cao, Ni trưởng vẫn siêng cần cầu học, tham gia thi tuyển và là một trong những ni sinh ưu tú tại khóa 1.

          Sau 70 năm hình thành và phát triển ở miền Bắc, hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh sơn môn Tổ đình Hải Ninh thuộc nhánh sơn môn Đông Hưng, đã phát triển số chúng ni tăng là 120 vị ni trưởng, ni sư, sư cô, trụ trì và kiêm nhiệm trụ trì hơn 110 chùa. Đây cũng là tổ chức sơn môn ni tăng lớn và có nhiều đóng góp đối với sự phát triển Phật giáo Hải Phòng.

          Tuy là một sơn môn có đồ chúng tu học đông như vậy, nhưng phải đến ngày 10/9 năm Giáp Ngọ tức ngày 01/12/2014, Ni trưởng Thích Chúc Tâm – trưởng sơn môn và chư huynh đệ cùng các bậc tiền bối mới quyết định thành lập tổ chức Sơn môn Lâm Tế Chúc Thánh Tổ đình Hải Ninh tại Hải Phòng dưới sự chứng minh của Thượng tọa Thích Đồng Bổn – đại diện cho Sơn môn Lâm Tế Chúc Thánh Đông Hưng. Việc thành lập tổ chức sơn môn, tuy bước đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng sự kiện đó là một dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của ni chúng sơn môn, đồng thời cũng đáp lại niềm khát ngưỡng của con cháu muốn hiểu rõ về cội nguồn tông môn hệ phái. Sơn môn được thành lập với một ban điều hành quy mô và tương đối hoàn bị gồm: 1 ban chứng minh, 1 ban điều hành và 12 phân ban chuyên trách: Tiểu ban Thư ký, tiểu ban Tăng sự kiêm Giáo dục ni tăng, tiểu ban Hoằng pháp kiêm hướng dẫn Phật tử, tiểu ban Nghi lễ, tiểu ban Văn hóa, tiểu ban Truyền thông, tiểu ban Tài chính, tiểu ban Tri khách, tiểu ban Kiểm soát, tiểu ban Trực nguyệt, tiểu ban Phòng trà, tiểu ban Thị giả. Các tiểu ban chuyên trách được phân bổ từng chức năng riêng biệt trong tổ chức giúp cho sơn môn của hệ phái hoạt động một cách quy củ và hoàn bị. Trong lịch sử Phật giáo Hải Phòng kể từ khi GHPGVN được thành lập đến nay, có lẽ đây là một tổ chức sơn môn Ni tăng quy mô cả về chất và lượng. Việc thành lập tổ chức sơn môn đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Hải Phòng nói riêng và miền Bắc nói chung.

          Tông phong

          Tiếp bước truyền thống tu học của Sư bà thượng Đồng hạ Viên, hàng hậu học trong sơn môn luôn được sự hướng dẫn và dìu dắt của các bậc tiền bối thường xuyên chuyên cần trau dồi ba môn học vô lậu, và đặc biệt tinh chuyên vào việc hành trì giới luật và hoằng dương luật học. Ni chúng tại chùa Hải Ninh nói riêng và các chùa trong sơn môn đều tinh cần trì luật cũng như hoằng dương luật học. Đây cũng là một trong những tổ đình có lịch sử nề nếp hành trì giới luật tại miền Bắc.

          Cố Ni trưởng Chúc Tâm – người kế đăng trụ trì chùa Hải Ninh, cũng là trưởng tử của Sư bà Tịnh Nguyệt, thuở bình sinh nổi tiếng là bậc nữ lưu phạm hạnh, giữ gìn uy nghi. Ngoài sự chỉ dạy của thầy nghiệp sư, cố Ni trưởng còn sam phương cầu học luật tạng từ những bậc cao tăng tiền bối như Tổ Cồn – Tuệ Tạng, Hòa thượng Tố Liên, Hòa thượng Trí Hải… Sau khi nhận trọng trách cao cả từ sư phụ trụ pháp vương gia – trì Như Lai tạng, cố Ni trưởng luôn đau đáu cho sự nghiệp giáo dục hàng hậu côn. Ni trưởng nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường Trung – Cao đẳng Phật học Hải Phòng, hơn 30 năm giảng dạy Luật học cơ bản trong trường. Hằng năm, tại ngôi giảng đường của tổ đình, ni trưởng mở các khóa bồi dưỡng luật học bổ trợ thêm cho các ni sinh trong sơn môn ngoài giờ học chính khóa trên các trường Phật học. Con cháu trong sơn môn, từ lâu đã có truyền thống khi chuẩn bị làm lễ thế phát hay thời gian còn làm hình đồng, sa di hướng về chốn tổ để cố Ni trưởng dạy dỗ, chỉ bảo uy nghi, phép tắc, giới luật sơ cơ. Nhờ sự chỉ bảo bất từ lao quyện của cố Ni trưởng, hàng hậu côn sơn môn sau này đều là những nữ tu biết giữ gìn giới đức, pháp thể trang nghiêm, tịnh hạnh, thường được đại chúng tiến cử vào ngôi chánh duy na bên bản bộ trong các trường Hạ an cư. Các thế hệ ni tăng trẻ của sơn môn, khi được sự cho phép của sư tổ, của thầy nghiệp sư tham gia vào các khóa học cơ bản, trung cấp, cao cấp Phật học đều trở thành những ni sinh mẫu mực, siêng tu luật học, cần cù học hỏi thầy bạn, tha thiết mong cầu tăng trưởng trí tuệ, tăng trưởng giới đức.

          Sau khi thành lập tổ chức sơn môn, cố Ni trưởng Chúc Tâm cùng ban điều hành sơn môn đã hoàn bị một bộ Nội quy sơn môn bổ sung những điều thiết thực phù hợp với thực tại phát triển của cuộc sống tăng già. Bộ Nội quy sơn môn gồm 9 chương với 24 điều. Bộ nội quy một mặt vừa cụ thể hóa trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của mỗi cá nhân trong tổ chức sơn môn, mặt khác cũng là sợi dây gắn kết các thành viên, củng cố tình pháp lữ đồng tu, đồng thời cũng góp phần định hướng cho các hoạt động Phật sự của sơn môn. Bản nội quy ra đời cũng là đáp ứng nguyện vọng của chư ni trong tổ chức sơn môn, trên tinh thần nghiêm chỉnh phụng hành giáo luật Phật chế, Hiến chương và Nội quy Tăng sự GHPGVN, Hiến pháp và pháp luật nhà nước, góp phần trang nghiêm giáo hội xây dựng đất nước thanh bình thịnh vượng.

          Bên cạnh đó, cố Ni trưởng cùng các quý thầy trong sơn môn cũng thường xuyên chăm lo đến công tác đào tạo hoằng pháp, bởi chư ni trẻ trong sơn môn khá đông, lại được đào tạo chính quy ở các trường Phật học. Hiểu được thế hệ này còn chưa phát huy hết khả năng hoằng pháp nhằm chuyển hóa những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống, cố Ni trưởng chùa Hải Ninh cùng với ban điều hành, ban văn hóa của sơn môn đã đề ra những hoạt động mang tính định hướng cho các vị ni trẻ là mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng hoằng pháp cho hàng hậu học. Với mục đích đem ánh sáng trí tuệ của đức Phật, của chư vị Tổ sư nối kết mạng mạch Phật pháp và nhất là việc ni tăng trẻ với công tác hoằng pháp đưa đạo vào đời. Không quản tuổi cao sức yếu, thời tiết khắc nghiệt, cố Ni trưởng cùng các quý ni trưởng, ni sư trong sơn môn vẫn chăm lo đào tạo tăng ni tài đức cho đạo pháp và nhất là cho ni chúng trong sơn môn – những người giữ trọng trách tiếp nối ngọn đèn chính pháp làm tròn nhiệm vụ kế vãng – khai lai. Từ sự vận động của thực tiễn cuộc sống, hơn bao giờ hết, quý vị chư tôn thiền đức ni trong sơn môn thấu hiểu sự khuyết thiếu, lơ là trong đời sống hành trì và tu tập của ni tăng trẻ, nên quý ngài thường xuyên sách tấn hàng hậu học, tạo điều kiện giáo dưỡng minh và hạnh cho từng cá nhân, đặc biệt là việc trau dồi nội minh được đặt lên hàng đầu. Chính bởi vậy, khóa học về hoằng pháp khai giảng được xác định là một công tác tư tưởng nhằm định hướng đúng lúc cho các giảng sinh. Đó cũng là một trong những hoạt động quan trọng xây dựng sự bền vững và lớn mạnh của tăng đoàn sơn môn, pháp phái.

          Kế thừa truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, quý ni trưởng, ni sư trong ban điều hành của sơn môn, luôn khắc cốt ghi tâm ơn phúc điền của liệt vị tổ sư tiền bối. Ngoài việc tổ chức các ngày húy kỵ hằng năm để tưởng nhớ công lao sâu dày của chư tiền tổ, quý ngài còn tổ chức cho hàng hậu côn trong sơn môn chuyến hành hương về phương Nam để tìm hiểu về nguồn cội tông phong pháp phái của mình. Tháng 10/2015 là chuyến về nguồn đầu tiên của con cháu trong sơn môn kể từ khi thành lập. Chuyến đi đầu tiên đó, ban điều hành trong sơn môn đã tổ chức cho toàn thể thành viên thân lâm về đỉnh lễ Tổ sư thượng Hạnh hạ Trụ và các vị tiền bối khai sáng tại Tổ đình Đông Hưng cũng như các tự viện, chùa, già lam thuộc sơn môn tổ đình. Chuyến đi tuy thời gian không nhiều, chỉ ba ngày, song cũng đủ để con cháu trong sơn môn bước đầu hiểu phần nào về nguồn cội pháp phái tu tập của mình. Đồng thời, chuyến đi cũng tạo những sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong sơn môn vượt qua mọi khoảng cách về không gian địa lý. Chuyến đi đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người, đặc biệt tự đáy lòng, ai cũng bội phần cảm phục tấm lòng nữ nhân trượng phu của Sư bà thượng Đồng hạ Viên. Dù điều kiện xã hội đương thời còn vô vàn khó khăn, chiến tranh xảy ra liên miên, nhưng tấm thân nữ nhi nhỏ bé kia lại ẩn chứa một tuệ giác và ý chí kiên cường, ngài đã vượt chặng đường thiên lý đem Phật pháp tông phong Lâm Tế Chúc Thánh đến với mảnh đất miền Bắc xa xôi. Từ đây, hệ phái Lâm Tế Chúc Thánh mới có điều kiện phát triển và được bổ sung thêm vào bản đồ Phật giáo miền Bắc với lịch sử trên 2.000 năm.

          Kết luận

          Lịch sử phát triển của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại miền Bắc nói chung và Hải Phòng nói riêng, tuy chưa thực sự là một chặng đường dài, song trên mỗi đoạn đường ngắn đó sơn môn của thiền phái này cũng đủ nhân duyên để đóng góp đôi chút sức lực vào sự nghiệp phát triển chung của đạo pháp và dân tộc trong đó cũng có một số thành tựu nhất định. Đó cũng chính là tiền đề làm động lực cho hàng hậu côn nối tiếp thầy tổ không ngừng tô bồi cho sự nghiệp phát triển chung của Phật giáo Việt Nam.

          Qua Hội thảo “Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh: Lịch sử hình thành và phát triển”, chúng tôi xin phác họa đôi nét sơ lược về dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại thành phố Hải Phòng, để bổ sung cho bức tranh tổng quan Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Việt Nam. Như những gì đã trình bày, chúng ta thấy Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh được truyền ra Hải Phòng mới khoảng từ giữa thế kỷ XX, song đến nay về cơ bản đã phát triển trở thành một dòng tu có tổ chức sơn môn tương đối hoàn chỉnh, xây dựng được một tông phong yếu chỉ tu tập rõ ràng, ít nhiều cũng có một số thành tựu nhất định. Đồng thời, tổ chức sơn môn này cũng đề xuất kịp thời những kế hoạch hoằng dương Phật pháp phù hợp tương ứng với xu thế phát triển của thực tại xã hội./

ThS. THỌ KHẢ