Hoà thượng Khánh Anh (1895-1961) – Bậc Cao Tăng làm rạng danh Thiền phái Chúc Thánh (Thích Thiện Tài)

          Đầu thế kỷ XX, một số tăng sĩ từ Quảng Nam, Quảng Ngãi vào Nam hành đạo. Tại Vĩnh Long, HT. Khánh Anh cùng với 5 huynh đệ dòng chữ Khánh, bao gồm: Khánh Ngọc, Khánh Quỳnh, Khánh Thuyên, Khánh Miên và Yên (con trai Khánh Miên) từ Quảng Ngãi đã chọn nơi đây làm nơi dừng chân trên bước đường hoằng hóa. Lúc ấy, có ông phú hộ vùng Bình Minh cất một ngôi chùa lấy tên là chùa Đông Phước, vài vị Khánh trong số này đã đến đó công quả xây chùa rồi trụ trì ở đó, như: Khánh Ngọc, Khánh Quỳnh , Khánh Miên; còn Khánh Thuyên và Yên thì sau đó sang Bến Tre; Khánh Anh được mời trụ trì chùa Long An, rồi đến Phước Hậu. Trong số các vị huynh đệ cùng vào Nam, HT. Khánh Anh có phần nổi bật hơn cả với những đóng góp lớn lao cho đạo pháp, mà tiêu biểu là sự nghiệp giáo dục, trước tác, dịch thuật và vai trò lãnh đạo các hội Phật giáo.

          HT. Khánh Anh, pháp danh Chơn Quý, pháp tự Đạo Trân, pháp hiệu Khánh Anh, nối pháp đời 40 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh, là một vị danh tăng đã làm rạng danh tông môn bằng hành trạng của mình.

          Sơ lược thân thế và sự nghiệp của Hòa thượng Khánh Anh

          * Làm rõ vấn đề về pháp danh của HT. Khánh Anh: Trong Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, cho biết: “Hòa thượng thế danh Võ Hóa, pháp danh Chơn Húy, pháp hiệu Khánh Anh, Ngài sinh năm Ất Mùi (1895) tại xã Phổ Nhì, tổng Lại Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì cho biết: “Ông tên Võ Hóa, sinh năm 1895 tại làng Phổ Nhì, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 22 tuổi ông xuất gia ở chùa Quang Lộc và được pháp danh là Chân Húy”. Các thông tin về thân thế của HT. Khánh Anh trong hai tài liệu này là giống nhau, đều ghi nhận rằng Hòa thượng có pháp danh là Chơn Húy (Chữ 真 cũng đọc là Chân), pháp hiệu Khánh Anh. Thế nhưng, trong quá trình thu thập tài liệu về HT. Khánh Anh, chúng tôi phát hiện ra có sự sai khác trên bài vị của Hòa thượng được tôn thờ tại Chùa Phước Hậu1, trên bài vị ghi “Phụng vị Từ Lâm Tế Chánh Tông tứ thập thế Phước Hậu đường thượng húy thượng Chơn hạ Quý hiệu Khánh Anh hòa thượng liên tọa”. Như vậy, bài vị cho biết pháp danh của Hòa thượng là Chơn Quý (真璝) chứ không phải Chơn Húy. Chữ “Quý” (璝) trên bài vị là chữ Quý (貴) có thêm bộ ngọc (玉) bên trái.

          Vì sao có sự sai khác này? Để giải đáp, chúng ta cần tham khảo thêm các tài liệu khác, nhất là những tài liệu được viết sớm hơn hai tài liệu kể trên. Trước hết, tiểu sử của HT. Khánh Anh được khắc trên bia đá Tháp Đa Bảo2 ở chùa Phước Hậu cũng ghi “Tổ sanh năm Ất Vì (1895) tại xã Phổ Nhì, tổng Lại Đức, tỉnh Quảng Ngãi, Trung Việt, tên đời là Võ Hóa, xuất gia năm 22 tuổi, pháp danh Chơn Húy, pháp hiệu Khánh Anh, hưởng thọ 66 tuổi, viên tịch ngày 30 tháng Giêng năm Tân Sửu (1961) tại chùa Long An”. Như vậy, tiểu sử khắc ở Tháp Đa Bảo cũng ghi là Chơn Húy chứ không phải Chơn Quý. Tháp được người sau xây dựng sau khi hòa thượng mất, do vậy vẫn có khả năng đó là sự sai sót của người sau. Chúng ta thử tiếp tục tìm đến tài liệu khác có thể đáng tin hơn, quyển Tháp Đa Bảo và tiểu sử năm vị tổ được in và phát hành nhân lễ nhập tháp năm 1968 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất soạn, đoạn đầu hoàn toàn giống với tiểu sử khắc trên tháp Đa Bảo, đoạn sau viết thêm: “… năm 21 tuổi (1916) Tổ quy y thọ giới tại chùa Cảnh Tiên, pháp danh là Chơn Húy…”. Và như vậy, cho đến lúc này, duy chỉ có bài vị tôn thờ tại chùa Phước Hậu là ghi nhận pháp hiệu Chơn Quý, các tài liệu khác đều ghi Chơn Húy. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa thể đi đến kết luận pháp danh đúng của Hòa thượng là Chơn Húy hay Chơn Quý, bởi vì tất cả các căn cứ trên đều được ghi chép bởi môn đồ đệ tử sau khi hòa thượng qua đời. Do vậy, căn cứ khả tín nhất chỉ có thể là do chính Hòa thượng xác nhận mà thôi.

          Tìm đến bộ Khánh Anh văn sao do chính HT. Khánh Anh soạn trong giai đoạn nhập thất tại chùa Phước Hậu, trong đó các tập 1, 2, 3 lần lượt được nhà in Thạnh Mậu xuất bản. Trong 3 tập này, về thân thế của mình được Hòa thượng ghi chép trong tập thứ 2 , từ các trang 59 đến trang 64. Trong đó, Mục số 1, Hạ Thực Phước Điền (Điệp quy y) ghi: “Cảnh Tiên tự trụ trì húy Ấn Tịnh, thượng Kim hạ Liên, hiệu Hoằng Thanh giáo thụ truyền giái. Tuế thứ Bình Thìn niên (1916), tứ ngoạt, sơ bát nhựt, cấp quy y giái. Hữu điệp cấp phú: Tín nhân Vũ Bổng, pháp danh Chân Quý, thâu chấp”. Trong mục số 2, phần Lâm Tế Gia Phổ (Điệp thế độ) có đoạn ghi: “Kim cứ Đại Nam quấc, Quảng Nghĩa tỉnh, Tư Nghĩa phủ, Mộ Đức huyện, Lại Đức tổng Thi Phổ Nhị phái xã, Lương Nông ấp. Vũ Bổng, nguyên sanh Ất Vị niên (Thành Thái bát niên, 1895), ngũ ngoạt…kim đầu vu: Cảnh Tiên tự, thủ lễ Tôn Sư, thế độ đệ tử pháp danh Chân Quý tự Đạo Trân,… Hữu phái cấp phú đệ tử pháp danh Chân Quý tự Đạo Trân pháp chiếu. Tuế thứ Đinh Tỵ niên (Duy Tân thập nhứt niên 1917) tứ ngoạt, sơ bát nhựt”. Mục số 3, Hộ Giái Điệp, phần cuối có đoạn ghi: “… Hữu điệp cấp phú: thụ tam Đàn cụ túc giái, pháp danh Chân Quý, tự Đạo Trân thâu chấp”. Mục số 4, Phú Pháp Từ Quyến (Điệp pháp quyến) cũng ghi: “… Pháp phú vu: Đệ tứ thập thế, húy Chân Quý, tự Đạo Trân, hiệu Khánh Anh Đại Sư…”. Như vậy, trong tập 2 Khánh Anh Văn Sao, chính Hòa thượng đã nhiều lần nhắc đến pháp danh của mình là Chơn Quý, được ghi bằng chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, ở Khánh Anh Văn Sao, tập 4, là tập bản thảo được Hòa thượng viết tay, tập này được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, phần đầu của tập này có tên Thân thế lược dẫn, Hòa thượng chép bằng chữ Hán: “Nguyên song thân: Phụ Võ Đằng, y nghiệp, mẫu Nguyễn Thị Tĩnh; sinh ngu tại Lâm Môn xứ, Lương Nông ấp, Thi Phổ Nhị phái xã, Lại Đức Tổng, Mộ Đức huyện, Tư Nghĩa phủ, Quảng Nghĩa tỉnh; thị tổ quán gia hương chi sở xuất thân dã. Nghiêm từ an danh Vũ Bổng, dân tịch danh Vũ Hóa; tùng Nho học ư Phan Đạm tiên sinh, tứ tự Vũ Duy Dương… Huệ Pháp, Diệu Ngộ nhị cữu hướng dẫn xuất gia thọ phái ư Cảnh Tiên tự: Pháp danh Chân Quý, pháp tự Đạo Trân, nhi thủ lễ tôn sư Hoằng Thanh giáo thọ vi thế độ bổn sư hỷ…”3. Như vậy đã rõ, pháp danh Chơn Quý của Hòa thượng được chính tay ông viết là 真璝. Cuối cùng, một căn cứ chắc chắn nhất được tìm thấy, đó chính là trên “Điệp pháp quyến” và “ Phái quy y” của HT. Khánh Anh còn lưu lại tại chùa Phước Hậu đều ghi pháp danh là Chơn Quý do HT. Hoằng Thanh là bổn sư đặt cho. Đến đây có thể kết luận về pháp danh chính xác của HT. Khánh Anh là Chân Quý/ Chơn Quý, các tài liệu ghi chép về sau có sự nhầm lẫn, sự nhầm lẫn này có thể xuất phát từ âm đọc gần giống nhau giữ “Húy” và “Quý” theo cách phát âm của người Nam Bộ, sự nhầm lẫn này xuất hiện từ rất sớm sau khi Hòa thượng mất không bao lâu, các tài liệu về sau chỉ sao chép mà không có sự đối chiếu cẩn thận.

          Ngang qua các nguồn tư liệu gốc quý giá đã trích dẫn một phần ở trên, có thể tóm lược thân thế và sự nghiệp của HT. Khánh Anh như sau:

          * Thân thế: Phụ thân của Hòa thượng tên là Vũ Đằng, sống bằng nghề Đông y, mẫu thân là Nguyễn Thị Tĩnh. Song thân Hòa thượng quê cũng tại Quảng Ngãi, nhà tương đối nghèo. Tên của Hòa thượng lúc nhỏ do cha mẹ đặt là Vũ Bổng, tên trong giấy tờ là Vũ Hóa (Vũ cũng đọc là Võ, Nam Bộ quen đọc là Vũ thành Võ), khi học Nho với thầy đồ Phan Đạm lại được thầy đặt cho tên tự là Vũ Duy Dương. Hòa thượng có hai người cậu cũng là người xuất gia, là những vị pháp sư và giảng sư chốn thiền môn.

          * Học hành: Thuở nhỏ nhà nghèo, vừa chăn trâu vừa mang theo quyển Khang Hy tự điển, nằm trên lưng trâu mà vẽ chữ. Nhờ vậy, sau này Hòa thượng biết rất nhiều chữ Hán cổ, nhà in Thạnh Mậu nhiều lần gặp chữ viết mà không có trong bản chữ để in, phải nhờ Hòa thượng viết lại chữ dễ hơn mới in được. Trong Khánh Anh văn sao, tập 1, phần Kỷ niệm Hòa thượng Hoằng Tịnh, qua những ghi chép của HT. Khánh Anh cho ta thấy Hòa thượng học Nho từ nhỏ với cha, lớn lên học Nho với thầy Phan Đạm, học bùa chú Pháp sự với ông ngoại, là một ông thầy cúng. Năm 22 tuổi, xuất gia tại chùa Cảnh Tiên rồi sang chùa Quang Lộc học Tỳ ni nhật dụng thiết yếu tập, Si di, Oai nghi, Cảnh sách chú giải với người cậu ruột đang làm giám tự của chùa là ngài Diệu Ngộ, rồi lại tháp tùng để học với người cậu ruột khác là ngài Huệ Pháp đang giảng Quy nguyên trực chỉ quanh các chùa Hưng Thịnh, Phổ Quang. Chỉ 3 năm theo các cậu học hành, năm 1920, khi HT. Hoằng Tịnh mở giới đàn, chú sa-di Chân Quý – Đạo Trân đã được chấm giải thủ khoa của hàng sa-di trong đợt khảo thí thọ Đại giới. Năm 1925, khi bà Lê Thị Ngỡi ở Bến Tre cúng 3.000 đồng để HT. Hoằng Tịnh mở trường hương, thầy Khánh Anh đang ở chùa Quang Lộc đã đến dự thính một bộ Kinh Pháp Hoa. Sẵn có căn bản Hán học vững chắc, Ngài thâm nhập kinh tạng rất mau chóng.

          * Xuất gia và thọ giới: Hòa thượng Khánh Anh quy y Phật Pháp vào ngày mùng 8 tháng 4 (ngày Phật đản) năm Bính Thìn (1916) lúc 21 tuổi, tại chùa Cảnh Tiên, tỉnh Quảng Ngãi. Bổn sư của Hòa thượng là giáo thọ của Phật giáo Quảng Ngãi, pháp danh Ấn Tịnh, pháp tự Kim Liên, pháp hiệu Hoằng Thanh. Hòa thượng Hoằng Thanh thuộc đời thứ 39 dòng Lâm Tế và là đời thứ 6 của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh, được đặt cho pháp danh là Chân Quý. Sau đó, cũng tại chùa Cảnh Tiên, ngày mùng 8 tháng 4 năm sau (Đinh Tỵ-1917), Ngài xuất gia và được bổn sư ban cho pháp tự là Đạo Trân. Năm 26 tuổi ta, nhằm ngày rằm tháng 3 năm Canh Thân (Duy Tân thập tứ niên – 1920), HT. Khánh Anh thọ giới Tỳ- khưu tại chùa Sắc tứ Phước Quang sau khi vị bổn sư Hoằng Thanh mất. Hòa thượng Tăng cang Hoằng Tịnh, trụ trì chùa Sắc tứ Phước Quang tỉnh Quảng Ngãi làm Đường đầu. Năm sau, 1921, được ban pháp hiệu là Khánh Anh, nối pháp đời 40 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh. Khi tròn 30 tuổi, Ngài đã trở thành một giảng sư Phật học nổi tiếng.

          Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh do Tổ sư Minh Hải khai sáng từ cuối thế kỷ XVII, Tổ sư từ Trung Quốc sang Việt Nam trong phái đoàn truyền giới do Hòa thượng Thạch Liêm dẫn đầu, sau khi giới đàn được hoàn mãn, ngài Thạch Liêm trở về Trung Quốc, các vị ở lại chia nhau hoằng pháp khắp nơi. Ngài Minh Hải vào Quảng Nam khai sơn chùa Chúc Thánh, xuất kệ truyền thừa, khai mở dòng thiền Chúc Thánh.

          * Vào Nam hành đạo: Trong Khánh Anh văn sao, tập 1, phần Kỷ niệm về chùa Giác Hoa (nay thuộc tỉnh Bạc Liêu), có viết: “Năm Đinh Mão (1927) Bà Hai Ngó khai gia giáo một năm, tứ sự cúng dường cho học chúng. Rước Hòa thượng Chí Thành, chùa Phi Lai, Châu Đốc về chứng minh; Hòa thượng Chân Niệm, chùa Trung Khánh, Ninh Chữ, Phan Rang làm pháp sư; Hòa thượng Vạn Ân chùa Hương Sơn và Yết Ma Vạn Pháp chùa Kim Quang, đều ở tỉnh Phú An làm giảng giáo. Bấy giờ tôi làm chính thư ký và trợ giáo tại trường. Xứ Nam Việt, trường Nữ học này ra đời trước nhứt”. Cũng trong tập 1, phần Kỷ niệm về Hòa thượng Chí Thành, chùa Phi Lai, Châu Đốc, cũng nhắc đến: “Năm được 67 tuổi (Đinh Mão-1927), Tổ Ngài xuống chứng minh trường gia giáo, chùa Giác Hoa, tỉnh Sóc Trăng. Trường ấy di Bà Hai Ngó làm thí chủ một năm”. Như vậy, năm 32 tuổi (1927), HT. Khánh Anh chính thức vào với vai trò “chính thư ký” và “trợ giáo” của Trường Giác Hoa ở Sóc Trăng (nay thuộc Bạc Liêu), trước khi xuống Sóc Trăng, HT. Khánh Anh có ghé qua chùa Đông Hậu (sau này đổi tên thành Phước Hậu) một thời gian ngắn.

          Năm 1928, trong Khánh Anh văn sao, phần Kỷ niệm HT. Chí Thành, chép: “Qua năm sau (Mậu Thìn, 1928), tôi được theo Hòa thượng Chân Niệm lên chùa Phi Lai để thăm tổ”. Còn trong Lễ nhập tháp đức Thượng thủ giáo hội tăng già toàn quốc và Bia tưởng niệm HT. Khánh Anh tại Tháp Đa Bảo ở chùa Phước Hậu, thì đều ghi “Năm 1928, dạy Phật pháp tại chùa Hiền Long, tỉnh Vĩnh Long”.

          Năm 1931, Hòa thượng nhận trụ trì chùa Long An (tức chùa Đồng Đế) quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), tại đây có rất nhiều tăng ni tín đồ đến cầu học.

          Sang năm 1933, Ngài nhận chức Pháp sư giảng dạy cho Liên đoàn học xã tại chùa Thiên Phước ở Trà Ôn 3 tháng, chùa Rạch Miễu ở Mỹ Tho 3 tháng.

          Năm 1935, HT. Khánh Anh nhận chức Đốc giáo tại Phật học đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh), hợp tác cùng HT. Khánh Hòa, HT. Huệ Quang, HT. Pháp Hải, xây dựng trung tâm đào tạo thế hệ tăng tài tiếp nối cho Phật giáo Việt Nam. Cũng trong năm này, Hòa thượng bắt đầu viết nhiều bài đăng báo Phật giáo, trong đó nhiều nhất là trên Duy tâm Phật học để cổ xúy việc chấn hưng Phật giáo nước nhà cho kịp với Trung Hoa, Nhật Bản…

          Năm 1940, Ngài được mời làm Pháp sư dạy trường Hương chùa Thiên Phước ở Tân Hương (Tân An) 3 tháng.

          Qua năm sau, 1941, Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ sư cho Trường Kỳ giới đàn chùa Linh Phong ở Tân Hiệp (Mỹ Tho) 3 tháng.

          Năm 1942, Phật học đường Lưỡng Xuyên tạm nghỉ mấy tháng vì thiếu tài chính, Hòa thượng về trụ trì chùa Phước Hậu cũng ở quận Trà Ôn (nay thuộc xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) mở lớp dạy Phật pháp cho tăng ni và cư sĩ tín đồ. Cũng năm này, Thượng tọa Khánh Anh được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn tổ chức tại chùa Phước Hậu. Chùa Phước Hậu ban đầu có tên là chùa Đông Hậu theo tên của làng Đông Hậu, đến năm 1910, HT. Hoằng Chỉnh ở chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) được mời vào trụ trì đã đổi tên chùa thành Phước Hậu.

          Năm 1943, Thượng tọa Chơn Quý – Khánh Anh được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu cho giới đàn chùa Lưỡng Xuyên (Trà Vinh).

          Đến năm 1945, Ngài được HT. Huệ Quang mời về dạy trường gia giáo tăng ni tại chùa Long Hòa ở quận Tiểu Cần (Trà Vinh). Cũng trong năm này, Ngài về nhập thất tại Phước Hậu ở Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ.

          Từ 1946, sau Cách mạng Tháng Tám, cả nước bước vào thời kỳ kháng chiến, tình hình chính trị xã hội bất ổn, Hòa thượng lui về nhập thất tại chùa Phước Hậu, dành thời gian nghiên cứu, soạn thảo, phiên dịch rất nhiều kinh sách, trong đó đáng chú ý nhất là cho xuất bản bộ 3 tập Khánh Anh văn sao.

          Đầu năm 1955, Hội Phật học Nam Việt ở Sài Gòn cung thỉnh Hòa thượng vào Ban chứng minh đạo sư của hội. Năm 1956, HT. Huệ Quang nhân dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần thứ 4 tại Népal, rồi viên tịch tại New Delhi. Ngày 31-3-1957, Ngài được toàn thể tăng ni suy tôn lên ngôi Pháp chủ Giáo hội Tăng già Nam Việt kế tục HT. Huệ Quang. Trụ sở giáo hội đặt tại chùa Ấn Quang (Chợ Lớn), nên Hòa thượng thường trú tại đó để lãnh đạo tinh thần cho toàn thể tăng ni và cư sĩ Phật giáo miền Nam.

          Ngày 10/9/1959, cũng tại chùa Ấn Quang, Đại hội Giáo hội Tăng già toàn quốc kỳ II đã long trọng suy tôn HT. Khánh Anh lên ngôi vị Thượng thủ để lãnh đạo Giáo hội Tăng già toàn quốc, giữ vận mệnh Phật giáo Việt Nam. Từ ngày làm Thượng thủ kiêm Pháp chủ, Hòa thượng vẫn thường lưu trú ở chùa Ấn Quang để điều hành lãnh đạo Phật sự và tiếp tục sự nghiệp phiên dịch, trước tác của mình, cho đến lúc Ngài viên tịch, nhiều bản thảo vẫn còn chưa viết xong.

          Ngày 16/3/1961, sau khi thăm chùa cũ Long An (Đồng Đế) lễ tổ xong, chuẩn bị trở về Phước Hậu, nhận biết tình trạng sức khỏe của mình, Hòa thượng gọi các đệ tử dặn dò sự tu học và hành đạo. Dặn dò xong, Hòa thượng viên tịch, thọ 66 tuổi đời và 45 tuổi hạ. Sau khi Ngài viên tịch, Giáo hội Tăng già Toàn Quốc và Giáo hội Tăng già Nam Việt đã đưa kim quan Tổ về chùa Ấn Quang cử hành trọng thể lễ mai táng tại khu An Dưỡng Địa (nay thuộc chùa Huệ Nghiêm, huyện Bình Chánh, TPHCM ). Đến ngày 25/3/1967, Giáo hội Phật giáo Thống nhứt long trọng cử hành lễ trà tì, rước linh cốt Hòa thượng về Ấn Quang và được tôn thờ tại các chùa như sau:

          1. Chùa Ấn Quang (Trụ sở Giáo hội Tăng già Toàn quốc)

          2. Chùa Long Phước (Trụ sở Hội Lưỡng Xuyên Phật học)

          3. Tháp Đa Bảo, chùa Phước Hậu, Trà Ôn

          4. Chùa Từ Nghiêm (Trụ sở Ni bộ Bắc tông)

          5. Chùa Long Phước (Trụ sở Giáo hội tỉnh Vĩnh Long).

          Hòa thượng Khánh Anh đã dành trọn cuộc đời cho đạo pháp và dân tộc, một lòng hy sinh cho chánh pháp và mưu cầu hạnh phúc cho chúng sinh. Mặc dù tuổi già sức yếu, Ngài vẫn đảm đương gánh vác nhiều trọng trách nặng nề, nhiều khó khăn của thời cuộc, xứng đáng với sự tôn kính của tăng ni và tín đồ, là tấm gương sáng cho tăng ni noi theo và tiếp nối.

          Các tác phẩm trước tác và dịch thuật của Hòa thượng Khánh Anh

          Giai đoạn 7 năm thoái ẩn (1947-1954) ở chùa Phước Hậu, chính là lúc HT. Khánh Anh dành nhiều thời gian cho việc dịch thuật và trước tác. Không những vậy, kể cả giai đoạn lãnh đạo Giáo hội Tăng già Nam Việt và Giáo hội Tăng già Toàn quốc, dù tuổi già và công việc bận rộn, Hòa thượng vẫn dành nhiều thời gian vào việc phiên dịch kinh sách.

          Các tác phẩm trích dịch gồm có: Hoa Nghiêm nguyên nhân luận, Nhị khóa hiệp giải, 25 bài thuyết pháp của Thái Hư đại sư, Phật giáo vấn đáp, Tại gia cư sĩ luật, Phật hóa gia đình, Duy thức triết học, Quy nguyên trực chỉ, Tỳ ni chú giải, Sa di chú giải, Cảnh sách chú giải, Kinh Di Lặc há sinh thành Phật, Long Hoa tam hội nguyện tương phùng, v.v. Các tác phẩm dịch của Hòa thượng đều thực sự là những tác phẩm rất cần thiết cho Phật giáo đồ lúc bấy giờ, dành cho đủ mọi trình độ từ sơ cơ cho đến những triết lý uyên áo trong Phật giáo, từ hàng cư sĩ tại gia cho đến hàng xuất gia sa-di, tỳ khưu. Ví dụ như quyển “Phật giáo vấn đáp” được Hòa thượng dịch từ nguyên bản của một hội nghiên cứu Phật học bên Trung Hoa, hình thức của sách là lối hỏi-đáp rất đơn giản và dễ hiểu, đối tượng hướng đến của sách này là cư sĩ. Những câu hỏi được đưa ra thuộc đủ mọi khía cạnh về Phật giáo, như “- Sao gọi là Tam Bảo? – Phật ấy là sao? – Pháp là thứ gì? Chi ấy là Tăng?”. Quyển “25 bài thuyết pháp của Thái Hư đại sư” do Hòa thượng trích dịch các bài giảng của Thái Hư đại sư, mục đích dịch quyển này là “Chúng tôi mong rằng: Phật pháp xứ người đã cách mạng; Thiền môn nước ta cũng phải cải lương, vì tùy duyên hóa độ, để thích hợp với trào lưu…”. Nhị khóa hiệp giải là tác phẩm giải thích về những tư tưởng Phật học trong 2 thời khóa đọc tụng hằng ngày trong hầu hết các chùa Phật giáo Bắc tông Việt Nam. HT. Khánh Anh giải thích tên gọi của sách như sau: “Nhị khóa: Hai thời khóa tụng – Hiệp giải: Nhập chung để giải”. Dịch phẩm này ra đời thật đúng lúc, là sách “gối đầu” cho người xuất gia. Từ đó đến nay, tác phẩm này vẫn được dùng làm giáo trình giảng dạy ở các trường Phật học.

          Riêng bộ Khánh Anh văn sao (3 tập), là tác phẩm nổi bật nhất, có nhiều giá trị tư liệu, có cấu trúc nội dung như sau:

          * Tập thứ nhất, Hòa thượng đặt tên là Phần “Kỷ-niệm”, nhà in Thạnh Mậu xuất bản năm 1952. Nội dung tập này chứa rất nhiều ảnh và tư liệu, thư từ về các hòa thượng, các chùa, các hoạt động Phật sự nổi bật ở khắp Nam bộ, từ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, cho đến Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Trà Vinh… trong đó có rất nhiều đoạn HT. Khánh Anh viết về chính mình và những sự kiện có liên quan đến ngài. Như lời kêu gọi của Hòa thượng đóng góp sửa chùa Phước Hậu, phần cuối kể về các vị tổ của pháp phái Chúc Thánh ở Quảng Ngãi, v.v.

          * Tập thứ hai, được đặt tên Phần “Trích dịch”, nhà in Thạnh Mậu xuất bản năm 1953, tác giả dành để biên dịch những bài giáo lý, lịch sử và sự truyền thừa các tông phái và những câu chuyện lưu truyền trong nhà Phật. Một số bài viết trong này như: Ngũ gia tông phái ký, Phật tổ chánh truyền nhứt chi, Các Thánh A-la-hán hộ pháp Phật Thích Ca, Chư thiện thần hộ giái, Ác quỷ giái, Trời quy y tam bảo, Tiên quy y Hòa thượng, Thần quy y Hòa thượng, Quan đế quy y Hòa thượng, Đông Nhạc Đế quy y Hòa thượng, Yêu quy y Hòa thượng, Người sang niệm Phật vãng sanh, Người hèn niệm Phật vãng sanh, Người cùi niệm Phật hết bệnh vãng sanh, Người lác niệm Phật hết bệnh vãng sanh, Người cúm niệm Phật, Người ác niệm Phật, v.v.

          * Tập thứ ba, có tên Phần “Giảng-diễn”, nhà in Thạnh Mậu xuất bản năm 1953, tập này ghi lại những bài giảng của Hòa thượng trong quá trình giảng dạy và hoằng pháp ở các nơi. Một số bài trong đó như: Gan anh hùng trổ mặt từ bi, Bài giảng quy giái, Thánh-phàm sanh tử khác nhau, Luân hồi-pháp luân-bửu phiệt, Lục đạo vô thần…

          * Tập thứ 4, ở trên là 3 tập trong bộ Khánh Anh Văn Sao do chính Hòa thượng biên tập đã được lần lượt xuất bản. Ngoài ra, còn một tập bổ sung, mới chỉ ở dạng bản thảo, tập này bao gồm các bài phê bình, thư từ, liễn đối, phục nguyện… được chính tay Hòa thượng viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Một số phần trong tập này như: Thân thế lược dẫn, Liễn đối môn, Phục nguyện môn, Chúc thọ chương, Vịnh toàn cảnh Chùa Tân Hòa, Thi từ môn, Thư thăm cha và bà con, Vịnh cảnh chùa Phước Hậu, Lòng phái Chùa Chúc Thánh, Thiên Đồng pháp phái, Bốn mươi lăm bài thi bát cú, Lòng phái chùa Bảo An diễn ca, Bài chúc thọ cho nhà thầy, Phái quy y diễn ca, v.v.

          Phần “Liễn đối”: Hòa thượng đã để lại 206 câu đối, trong đó có 3 câu đối cho nhà thờ tổ tiên, còn lại Ngài làm tặng cho các tự viện, riêng chùa Phước Hậu có đến 118 câu đối, hiện nay tại chùa Phước Hậu còn treo 10 câu đối, ví dụ câu đối sau đây tại chùa Phước Hậu:

          Phước địa kiến pháp tràng, đả đảo thần quyền trừ oán tặc;

          Hậu cơ doanh bảo điện, chấn hưng Phật lực định tâm vương.

          Chính Hòa thượng dịch câu đối này của mình như sau:

          Phước lớn nêu cờ phước khắp nơi, trừ mê tín, dẹp quân thù, mượn quyền Thượng đế;

          Hậu dày đúc nên chùa mỗi xứ, vững giác thành, yên tu sĩ, học phép tâm vương.

          Phần phục nguyện: Ngài đặt rất nhiều bài phục nguyện, với nội dung phong phú và ý nghĩa thâm sâu. Có thể liệt kê như sau:

                    1. Ở Lưỡng Xuyên Phật học hội Trà Vinh (7 bài)

                    2. Trường hạ Thiên Phước

                    3. Ở đàn chay Vu Lan, Trương Hoằng Lâu (4 bài)

                    4. Đặt cho Diệu Kim, phục nguyện chúc thọ (4 bài)

                    5. Trai tuần Hòa thượng chùa Long Phước (1 bài)

                    6. Trai đàn Vu Lan chùa Phật Quang (1 bài)

                    7. Sắc tứ Tân Hòa tự (1 bài)

                    8. Ở Long Hòa tự, huyện Tiểu Cần (1 bài)

                    9. Lễ siêu độ cho trận vong, tử nạn (4 bài)

                   10. Lễ truyền quy giới (1 bài).

          Các bài viết trên tạp chí Phật học

          Những đóng góp rõ nét về mặt tư tưởng của HT. Khánh Anh đối với phong trào chấn hưng Phật giáo có lẽ chính là ở những bài viết trên tạp chí Phật học, nhất là với tạp chí Duy Tâm. Hòa thượng là một cây bút khỏe và đều đặn trên mỗi số tạp chí, những bài viết mang những tư tưởng rất mới so với nền Phật học lúc bây giờ, xứng đáng với vị trí Chủ bút được giao.

          Tạp chí Duy Tâm Phật học là cơ quan phát ngôn của Hội Lưỡng Xuyên Phật học, do Hòa thượng Huệ Quang (Nguyễn Văn Ân) làm Chủ nhiệm, bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe làm Quản lý, Hòa thượng Khánh Anh làm Chủ bút, với sự cộng tác của các cây bút thường xuyên như: Trần Huỳnh, Thích Mật Thể, Huệ Giải, Như Trung, Ấn Tịnh, Thái Không, Ngô Trung Tín, Trần Văn Giác, Tâm Điền, v.v. Tạp chí xuất bản mỗi tháng một số, liên tục từ 1935 đến năm 1945. Mỗi số có các mục thường xuyên như: Thông luận, Biện minh, Diễn đàn, Chư kinh giảng nghĩa, Khai thị pháp môn, Phật học nghiên cứu, Phật học thông tín, Chấn hưng Phật giáo, Phật hóa hữu duyên, Pháp uyển, Tự điển, Đáp ký, Sự tích, Bản kê, Pháp uyển, Văn uyển, Từ khả, v.v.

          Về tôn chỉ mục đích của tờ Duy Tâm như trong bài “Chí hướng Duy Tâm Phật học” đăng trên số đầu tiên, ra tháng 10/1935, đã nêu rõ: “Tổ thành tập “Duy Tâm” là quyết đem cái giáo lý cao thượng của Phật Đà mà bày tỏ cho những người học Phật biết được cái mục đích học Phật của mình, không phải theo đuổi cái sở học của tiểu thừa cạn hẹp mà cần tìm đến chỗ cao sâu của pháo đại thừa học hỏi, để biết đường cứu khổ độ mê và phải thật hành hết thảy những lời Phật dạy… Duy Tâm ra đời để cứu rỗi cái đời đảo điên thống khổ, cái trí thức lu mờ, sửa đổi hết thảy những phong tục xấu xa, kiểu chánh các điều thành kiến dở dang của xã hội; mưu sao cho nhơn loại yên vui, cõi đời bình tĩnh, từ chốn quê mùa, đến nơi khai hóa, được biết lý huyền diệu cao sâu của Phật pháp”. Tạp chí Duy Tâm Phật học có tiếng vang rất lớn đối với phong trào chấn hưng Phật giáo những năm 1930-1945, cùng với Từ Bi Âm là hai tạp chí có sức ảnh hưởng nhất trên văn đàn báo chí Phật giáo thời bấy giờ. Một số bài viết đến nay vẫn còn giá trị, một số khác có tính tham khảo về mặt tư liệu lịch sử. Duy Tâm số 53-54 là số cuối cùng ra ngày 6 tháng 7 năm 1943 thì đình bản vì không có giấy in.

          Hòa thượng Khánh Anh là cây bút chủ lực của Duy Tâm Phật học ngay từ những số đầu tiên. Ban đầu, Duy Tâm ra đều đặn mỗi tháng một số, ra vào ngày mùng 1 của tháng; nhưng càng về sau có khi cách vài tháng mới ra một số, có khi 2-3 số in chung một quyển. Các bài viết của HT. Khánh Anh khá đều đặn, hầu như mỗi số báo đều có bài, có khi 2 bài trong cùng một số báo. Các bài viết của HT. Khánh Anh là những chủ đề Phật học lý thú, với lối biện giải đơn giản dễ hiểu nên được đông đảo độc giả đón nhận. HT. Khánh Anh dùng nhiều bút danh: có khi đề Khánh Anh, lúc đề Võ Khánh Anh, Thích Khánh Anh, có lúc lại dùng bút danh Cố Đạo Trân (Đạo Trân là pháp tự của Hòa thượng). Dưới đây là liệt kê chưa đầy đủ các bài viết đăng trên tạp chí Duy Tâm của HT. Khánh Anh từ số 1 đến số 52 (1935-1943, thiếu số 45 và các số giai đoạn 1944-1945):

                    1. “Kết quả cuộc thi chọn sĩ tử và lễ khai trường Thích học đường của Hội Lưỡng Xuyên Phật học (Trà Vinh)”, Duy Tâm Phật học, số 2, 1-11-1935.

                    2. “Luận về Tài thí và Pháp thí”, Duy Tâm Phật học, số 4, 1-1-1936.

                    3. “Luận về Tài thí và Pháp thí” (tiếp theo và hết), Duy Tâm Phật học, số 5, 1-2-1936.

                    4. “Bài giảng của Pháp sư Võ Khánh Anh giảng tại Hội Lưỡng Xuyên Phật học ngày Rằm tháng mười Annam năm Ất Hợi”, Duy Tâm Phật học, số 5, 1-2-1936.

                    5. “Bài giảng của Pháp sư Võ Khánh Anh giảng tại Hội Lưỡng Xuyên Phật học ngày Rằm tháng mười Annam năm Ất Hợi” (tiếp theo và hết ), Duy Tâm Phật học, số 6, 1-3-1936.

                    6. “Cùng ông Mai Văn Linh”, Duy Tâm Phật học, số 7, 1-4-1936.

                    7. “Bồ tát và Sám hối”, Duy Tâm Phật học, số 8, 1-5-1936.

                    8. “Biểu chánh toàn thể “Phật-Pháp-Tăng””, Duy Tâm Phật học, số 9, 1-6-1936.

                    9. “Biểu chánh toàn thể “Phật-Pháp-Tăng”” (tiếp theo), Duy Tâm Phật học, số 10, 1-7-1936.

                    10. “Biểu chánh toàn thể “Phật-Pháp-Tăng”” (tiếp theo), Duy Tâm Phật học, số 11, 1-8-1936.

                    11. “Trừ lục căn”, Duy Tâm Phật học, số 12, 1-9-1936

                    12. “Biểu chánh toàn thể “Phật-Pháp-Tăng”” (tiếp theo), Duy Tâm Phật học, số 12, 1-9-1936.

                    13. “Ngày lễ trung-nguyên có chánh đáng không?”, Duy Tâm Phật học, số 13, 1-10-1936.

                    14. “Biểu chánh toàn thể “Phật-Pháp-Tăng”” (tiếp theo), Duy Tâm Phật học, số 13, 1-10-1936.

                    15. “Ngày lễ trung-nguyên có chánh đáng không?”, Duy Tâm Phật học, số 14, 1-11-1936.

                    16. “Biểu chánh toàn thể “Phật-Pháp-Tăng”” (tiếp theo), Duy Tâm Phật học, số 14, 1-11-1936.

                    17. “Biểu chánh toàn thể “Phật-Pháp-Tăng”” (tiếp theo), Duy Tâm Phật học, số 15, 1-12-1936.

                    18. “Người học Phật phải biết việc cần yếu nên làm”, Duy Tâm Phật học, số 15, 1-12-1936.

                    19. “Bảo chánh toàn thể “Phật-Pháp-Tăng”” (kết), Duy Tâm Phật học, số 16, 1-1-193.

                    20. “Cảm tưởng và đối biện”, Duy Tâm Phật học, số 16, 1-1-1937.

                    21. “Ngày trừ tịch”, Duy Tâm Phật học, số 17, 1-2-1937.

                    22. “Vấn đề danh-lợi”, Duy Tâm Phật học, số 17, 1-2-1937.

                    23. “Cắt nghĩa hai chữ Lưỡng Xuyên”, Duy Tâm Phật học, số 18, 1-3-1937.

                    24. “Tân thức Phật hóa”, Duy Tâm Phật học, số 19, 1-4-1937.

                    25. “Tân thức Phật hóa” (tiếp theo và hết), Duy Tâm Phật học, số 20, 1-5-1937.

                    26. “Thân trung hữu (Vấn đề Tử-quỷ)”, Duy Tâm Phật học, số 20, 1-5-1937.

                    27. “Thuyết tự do”, Duy Tâm Phật học, số 21, 1-6-1937.

                    28. “Quảng cứu quốc giảng”, Duy Tâm Phật học, số 21, 1-6-1937.

                    29. “Thuyết tự do” (tiếp theo), Duy Tâm Phật học, số 22, 1-7-1937.

                    30. “Thuyết tự do” (tiếp theo và hết), Duy Tâm Phật học, số 23, 1-8-1937.

                    31. “Lục đạo vô thần”, Duy Tâm Phật học, số 25, 1-10-1937.

                    32. “Lục đạo vô thần” (tiếp theo và hết), Duy Tâm Phật học, số 26, 1-11-1937.

                    33.“Xét định vấn đề nhơn sanh”, Duy Tâm Phật học, số 33, 10-1938.

                    34. “Xét định vấn đề nhơn sanh”(tiếp theo), Duy Tâm Phật học, số 35, 1+2-1939.

                    35. “Xét định vấn đề nhơn sanh”(tiếp theo), Duy Tâm Phật học, số 36, 4-1939.

                    36. “Xét định vấn đề nhơn sanh” (tiếp theo và hết), Duy Tâm Phật học, số 37, 5+6-1939.

                    37. “Danh nghĩa của Thể, lượng tăng-dà”, Duy Tâm Phật học, số 38, 7-1939.

                    38. “Thế giới vạn vật: Tiến hóa hay thối hóa?”, Duy Tâm Phật học, số 39, 8-1939.

                    39. “Thể, lượng tăng-dà” (tiếp theo), Duy Tâm Phật học, số 40, 6-1940.

                    40. “Noi gương đại hiếu”, Duy Tâm Phật học, số 43, 1941.

          Kết luận

          Hòa thượng Khánh Anh là một trong ba cây trụ cột đầu tiên của nền chấn hưng Phật giáo Nam Bộ diễn ra vào đầu thế kỷ XX. Bằng sự kiên trì và nỗ lực không ngừng từ nhỏ, từ một cậu bé nhà nghèo nhưng hiếu học đã trở thành một trang tài hoa vào tuổi thanh niên, một tăng sĩ có trình độ Phật học uyên thâm vào tuổi trung niên, và trở thành một lãnh đạo tinh thần cao nhất của Phật giáo lúc lão niên. Khánh Anh là người đã âm thầm cống hiến hết sức mình cho phong trào chấn hưng Phật giáo mà đỉnh cao là thời gian ở Hội Lưỡng Xuyên Phật học, vừa giữ vai trò Đốc học, vừa giữ vai trò chủ bút của tạp chí Duy Tâm Phật học. HT. Khánh Anh đã dành tâm huyết cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng tài trên nhiều phương diện: Trực tiếp giảng dạy, viết sách báo, phiên dịch kinh điển, làm chứng minh sư các đại giới đàn, v.v., là người đã phát triển và mở rộng những tư tưởng và luận điểm mới mẻ cho Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ, là người thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho tăng ni. Cuộc đời và hành trạng của HT. Khánh Anh là bài học về thân giáo để tăng ni noi theo.

THÍCH THIỆN TÀI

 

 

_Chú thích:

1. Ngày nay, chùa Phước Hậu nằm trên Quốc lộ 54, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, Vĩnh Long.

2. Tháp Đa Bảo là nơi tôn thờ 5 vị tổ có công đối với phong trào chấn hưng Phật giáo: Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Pháp Hải, Quảng Đức. Tháp được xây dựng vào năm 1966, lễ nhập tháp cử hành vào tháng 12/1968.

3. 原 雙 親 父 武 勝 醫 業 母 阮 氏 靜 生 愚 在 林 門 處 良 農 邑 施 普 弍 派 社 賴 德 總 慕 德 縣 思 義 府 廣 義 省 是 祖 貫 家 鄉 之 所 出 身 也。嚴 慈安 名 武 俸 民 籍 名 武 化 從 儒 學 於 潘 淡 先 生 賜 字 武 維 揚。…慧 法 妙 悟 二 舅 向 引 出 家 受 派 於 境 僊 寺 法 名 眞 璝 字 道 珍 而 首 禮 尊 師 弘 清 教 授 爲 剃 度 本 師 矣。

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Khánh Anh (1952), Khánh Anh văn sao-Tập nhứt-Phần”Kỷ niệm”, Nhà in Thạnh Mậu, Sài Gòn.
2. Thích Khánh Anh (1953), Khánh Anh văn sao-Tập nhì-Phần “Trích dịch”, Nhà in Thạnh Mậu, Sài Gòn.
3. Thích Khánh Anh , Khánh Anh văn sao-Tập bốn (Bản thảo)
4. Thích Khánh Anh (2015), Nhị khóa hiệp giải, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội.
5. Thích Khánh Anh (1996), Phật giáo vấn đáp, Thành hội Phật giáo TPHCM ấn hành.
6. Thích Đồng Bổn (chủ biên) (1996), Tiểu sử danh tăng Việt Nam, tập 1, Thành hội Phật giáo TPHCM ấn hành.
7. Nguyễn Đại Đồng (2008), Lược khảo báo chí Phật giáo Việt Nam 1929- 2008, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội.
8. Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc (1961), Lễ nhập tháp đức Thượng thủ Giáo hội Tăng già Toàn quốc (16-03-1961), Sài Gòn.
9. Thích Thiện Hoa (1968), Tháp Đa Bảo và tiểu sử năm vị tổ-Lễ nhập tháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ấn hành, Sài Gòn.
10. Duy Tâm (1935), “Chí hướng Duy Tâm Phật Học”, Duy Tâm Phật học, số 1, tr. 3-5
11. Thích Hạnh Thành (2016), Biên niên sử Thiền Tông Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
12. Thích Như Tịnh (2009), Biểu đồ truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông.
13. Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông.