Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo, người khai sinh Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, là đệ tử của ngài nào thì hiện tại chưa có sử liệu nào xác định được, nhưng các nhà nghiên cứu sử học nhất trí với nhau rằng: Ngài chính là đệ tử cầu pháp của ngài Nguyên Thiều – Siêu Bạch.
Ngài Nguyên Thiều – Siêu Bạch thuộc dòng thiền Lâm Tế – Nghĩa Huyền ở Trung Quốc, đời thứ 34. Pháp danh của ngài được đặt theo hai dòng kệ: theo dòng kệ Vạn Phong – Thời Ủy thì ngài là đời thứ 12 với pháp danh Siêu Bạch.
Tổ Đạo Giới Định Tông Phương Quảng Chứng Viên Thông
Hành Siêu Minh Thiệt Tế Liễu Đạt Ngộ Chơn Không
(Bài kệ này có 40 từ)
Với dòng kệ Đạo Mân – Mộc Trần thì ngài là đời thứ 3 với pháp danh là Nguyên Thiều.
Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên
Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên
(Bài kệ này có 28 từ)
Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo về truyền thừa ngài thuộc chữ Minh đời thứ 34 ở dòng kệ Vạn Phong – Thời Ủy; ngang hàng chữ Thành đời thứ 4 của dòng kệ Đạo Mân Mộc Trần và là Sơ tổ của thiền phái với pháp danh Minh Hải, pháp tự Pháp Bảo, nối pháp đời thứ nhất của dòng kệ Chúc Thánh tại Việt Nam.
Ngài Minh Hải – Pháp Bảo đã tu hành, đạt phong cách tự tại, không còn phải vướng bận với không gian là Trung Hoa hay Việt Nam, không còn phải vướng bận với thời gian là trú xứ ở địa phương nào bao lâu, nên khi đến đất Hội An trong khi chờ thời tiết thuận lợi để trở về Trung Hoa, ngài cám cảnh nhân duyên với vùng đất này và xin với Tổ Nguyên Thiều – Siêu Bạch dừng chân lại vùng đất này để hoằng hóa.
Và tại đất nước Việt Nam, ngài đã khai sinh Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh với bài kệ truyền pháp gồm 40 từ. Ngài cũng đã khai sơn ngôi chùa Tổ đình mang hiệu là Chúc Thánh, cũng là tên của thiền phái. Sau đây, căn cứ vào bài kệ truỳền pháp của ngài, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa để phổ biến tông phong.
Phiên âm Việt Hán bài kệ:
Minh thiệt pháp toàn chương, Ấn chân như thị đồng.
Chúc thánh thọ thiên cửu, Kỳ quốc tộ địa trường.
Đắc chánh luật vi tông, Tổ đạo giải hành thông.
Giác hoa bồ đề thọ, Sung mãn nhân thiên trung.
Dịch Việt:
Quang minh của chánh Pháp thiệt rực sáng,
In vào thể tánh chân như vốn tương đồng.
Chúc bậc lãnh đạo nhân dân đời sống dài lâu,
Cầu cho đất nước núi sông mãi mãi trường tồn.
Chứng quả thánh ắt phải lấy giới luật làm tôn chỉ,
Pháp tu của Tổ là Hiểu và Hành đều thông suốt.
Có như vậy thì quả vị Hoa Giác ngộ và Cây Bồ đề,
Sẽ sinh sôi đầy dẫy trong khắp cõi trời người.
Phân tích ý nghĩa bài kệ
Tổ cho chúng ta biết pháp mà Tổ đã chứng là pháp Minh Thiệt. Pháp Minh Thiệt đó đã rực sáng hoàn toàn. Thiệt là chỉ cho Thể của pháp. Minh chỉ cho Tướng của pháp. Toàn chương, có nghĩa là rực sáng chỉ cho Dụng của pháp. Đem pháp mà Tổ chứng được, in vào tánh chân như thì đồng với nhau. Tánh chân như là Bản Giác. Pháp Minh Thiệt là Thỉ Giác. Thỉ giác đã hiệp với Bản giác tức là sự tu chứng viên mãn.
Quang minh của chánh Pháp thiệt rực sáng,
In vào thể tánh chân như vốn tương đồng.
Như thế, bằng 2 câu đầu, Tổ cho chúng ta biết rằng Tổ đã tu chứng quả vị xuất thế và Tổ đặt tên cho pháp xuất thế ấy là là Pháp Minh Thiệt. Hai câu kế:
Chúc bậc lãnh đạo nhân dân đời sống dài lâu,
Cầu cho đất nước núi sông mãi mãi trường tồn.
Đây là sự nhập thế của Tổ, tức là tinh thần Hộ Quốc An Dân là cốt lõi của Phật giáo, và thiền phái của ngài với mục đích tối thượng là làm lợi cho Đạo pháp và hữu ích cho cuộc Đời. Hai câu tiếp theo:
Chứng quả thánh ắt phải lấy giới luật làm tôn chỉ,
Pháp tu của Tổ là Hiểu và Hành đều thông suốt.
Đây là nghĩa tri hành hợp nhất, thông suốt giáo pháp và thực hành giáo pháp làm nhân, để có được kết quả giải thoát không xa. Trong hai câu cuối:
Có như vậy thì quả vị Hoa Giác ngộ và Cây Bồ đề,
Sẽ sinh sôi đầy dẫy trong khắp cõi trời người.
Kết luận
Chúng ta là con cháu của Tổ, là những kẻ hậu bối được nhân duyên truyền thừa theo phổ hệ của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, thì hãy luôn dặn lòng mình nhớ về chốn Tổ cội nguồn, chuyên cần khắc cốt ghi tâm những nghĩa lý thâm sâu của Tổ đã truyền đạt lại qua bài kệ truyền pháp tâm yếu ấy.
Để có được như vậy, chúng ta cần phải nêu cao tinh thần Lục Hòa, đoàn kết trong sơn môn pháp phái, thực tu thực học rèn luyện nội lực tự thân, thì mới gọi là báo ân Tổ đức trong muôn một, và còn có bổn phận nối tiếp việc hoằng hóa truyền thừa thiền phái chúng ta qua bài kệ truyền pháp ấy, để tông phong của Tổ được phát triển xa rộng và dài lâu trên đất nước này.
Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông; Tam thập tam thế, Khai sơn Chúc Thánh pháp phái, thượng Minh hạ Hải, húy Pháp Bảo Tổ sư đường thượng, Liên tòa chứng giám.
HÒA THƯỢNG THÍCH NHƯ PHẨM
Trụ trì Tổ đình Long Tuyền – Hội An