1. Khái niệm Ngoại giao văn hóa
Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử; là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên xã hội. Như vậy, văn hóa phản ánh những lề lối, tổ chức sinh hoạt trong sự phát triển tinh thần, đạo đức, nghệ thuật sống trong những hài hòa chung giữa con người và xã hội, những điều này hoàn toàn phù hợp với chức năng của tôn giáo. Vì thế, văn hóa chính là nền tảng thực thi của tôn giáo hướng đến chân trời văn minh nhân bản; là những thành tựu của lao động và tư duy, những tinh hoa của con người thể hiện thành vật thể hay những giá trị tinh thần phi vật thể, tất cả đem lại cái đẹp, cái thiện, cái chân lý phổ quát trong quá trình tiến hóa của loài người.
Khi người tu mang lý tưởng cứu đời, truyền bá Chánh pháp, chuyển tải văn hóa tâm linh đều thực hiện đúng với khả năng và tầm vóc hiện có của tôn giáo để khai triển giáo lý thật sâu rộng, thích ứng phù hợp được với toàn diện đời sống, nơi gặp nhau của mọi nền tôn giáo, mọi trào lưu tư tưởng tinh hoa của nền văn minh nhân loại còn đang tồn tại trong dung hợp khai phóng.
Trong thời đại toàn cầu hóa và với sự nổi trội của xu hướng “đối thoại thay cho đối đầu”, ngoại giao văn hóa được xem là một trong 3 trụ cột chính của hoạt động ngoại giao, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, bởi vì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước; là một trong những nhân tố then chốt tạo nên sức mạnh mềm của một quốc gia. Vì thế, với tư cách là một trụ cột, ngoại giao văn hóa thời gian qua đã có những đóng góp thiết thực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Do đó, ngoại giao văn hóa là hoạt động ngoại giao gắn liền với văn hóa; sử dụng văn hóa như là đối tượng và phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại của một quốc gia, tạo hình ảnh tốt đẹp, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ của quốc gia trên thế giới. Đồng thời, đó là sự giao lưu những tư tưởng, trao đổi thông tin, nghệ thuật, lối sống, hệ giá trị, truyền thống, tín ngưỡng và các phương diện khác của văn hóa nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau; hoặc là quá trình hoạt động đối ngoại chủ động, trong đó các thiết chế, hệ giá trị và bản sắc văn hóa độc đáo của một dân tộc được quảng bá ở cấp độ song phương và đa phương.
Như vậy, có thể khái quát: “Ngoại giao văn hóa là một hình thức ngoại giao thông qua công cụ văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm đạt được các mục tiêu lợi ích cơ bản của quốc gia là phát triển, an ninh và ảnh hưởng”1. Nhìn chung, nội dung của ngoại giao văn hóa được thể hiện qua nhiều loại hình hoạt động văn hóa cụ thể khác nhau. Ở hội thảo này, chúng tôi muốn minh chứng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh qua những đóng góp của chư tăng môn phái tại hải ngoại qua việc giữ gìn và truyền bá văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung và những đặc trưng của Thiền phái Chúc Thánh nói riêng.
2/ Chư Tăng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại hải ngoại
2.1 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh
Tính đến nay, dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã trải qua hơn 300 năm lịch sử hình thành và phát triển, các thế hệ Tăng nhân của dòng thiền Chúc Thánh đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Đạo pháp và Dân tộc.
Tổ Minh Hải lập Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh và xuất kệ biệt truyền riêng cho đệ tử kế thế. Các thiền sư thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã đem ý chỉ của Tổ truyền bá khắp mọi nơi và góp vào lịch sử Phật giáo Việt Nam những trang sử vàng son châu ngọc. Ngày nay, Thiền phái Chúc Thánh có mặt khắp các tỉnh miền Trung và Nam Việt Nam, thậm chí còn phát triển mạnh tại các nước Âu – Mỹ.
Đây là một trong những thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại. Cùng với sự phát triển của Thiền môn, là những cảnh quan tôn giáo chùa, miếu, am, tháp được xây dựng theo triết lý Thiền, rộng khắp trong không gian Chúc Thánh, đáp ứng cho việc tu thiền và sinh hoạt lễ hội của tín đồ trong nước cũng như nước ngoài. Như vậy, trên cơ sở lý luận này, có thể xác định hướng nghiên cứu giá trị ngoại giao văn hóa của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Đó là sự kế thừa tư tưởng triết học, sinh thái văn hóa cả về vật chất và tinh thần, cách thức tổ chức, nghi thức tu tập, lễ hội Phật giáo, v.v. của thiền phái và được chư Tăng thiền phái vận dụng truyền bá giá trị này ở phương Tây.
2.2 Chư Tăng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại hải ngoại
Vào những thập niên 70 – 80 của thế kỷ trước, một số lượng lớn người Việt ra đi định cư ở nước ngoài. Theo dòng chảy định cư đó, con cháu Tổ Minh Hải – Pháp Bảo cũng có mặt khắp các châu lục để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tu tập, giữ gìn văn hóa giữa xứ người.
Tại châu Âu, có ba ngôi chùa chính truyền thừa theo dòng Lâm Tế Chúc Thánh: Chùa Linh Sơn tại Pháp do Hòa thượng Thích Huyền Vi2 khai sáng, chùa Viên Giác tại Đức do Hòa thượng Thích Như Điển3 khai sáng và chùa Khuông Việt tại Na Uy do Hòa thượng Thích Trí Minh4 kế thừa trùng kiến.
Tại châu Mỹ, số lượng Tăng – Ni thiền phái hành đạo với số lượng nhiều. Tại tiểu bang Texas có Hòa thượng Thích Chơn Điền5 lập chùa Quan Âm; tại tiểu bang California có Hòa thượng Thích Thanh An6 lập An Tường tự viện tại thành phố Oakland;
Hòa thượng Thích Hạnh Đạo7 lập chùa Phổ Đà, thành phố Santa Ana; Hòa thượng Thích Huyền Dung8 lập Phật Quang thiền viện tại Santa Ana; Thượng tọa Thích Pháp Châu9 lập chùa Việt Nam tại thành phố Garden Grove; Thượng tọa Thích Minh Dung10 lập chùa Quang Thiện tại thành phố Ontario. Tại bang Atlanta có Thượng tọa Thích Hạnh Đạt11 lập tu viện Kinh Cang; tại Virginia có Thượng tọa Thích Đồng Điển12 lập chùa Đông Hưng; tại tiểu bang Chicago có Thượng tọa Thích Hạnh Tuấn13, trú trì chùa Trúc Lâm; tại Washington D.C có Thượng tọa Thích Đồng Trung14 làm chùa Dược Sư tại Seatle, v.v và nhiều tự viện trực thuộc Giáo hội Phật giáo Linh Sơn trên thế giới.
Tại châu Úc, có Hòa thượng Thích Huyền Tôn15, khai sáng chùa Bảo Vương tại Victoria; Hòa thượng Thích Như Huệ16, khai sáng chùa Pháp Hoa tại Adelaide; Hòa thượng Thích Bảo Lạc17, khai sáng chùa Pháp Bảo và tịnh thất Đa Bảo tại Sydney; Thượng tọa Thích Phước Nhơn khai sáng chùa Phổ Quang; Thượng tọa Thích Quảng Ba18 khai sáng tu viện Vạn Hạnh và Nguyên Thiều; Thượng tọa Thích Như Định khai sáng chùa Thiên Ấn; Thượng tọa Thích An Thiên khai sáng chùa Minh Giác.
3. Đẩy mạnh hơn nữa sứ mệnh hoằng Pháp hải ngoại của chư Tăng Thiền phái Chúc Thánh
3.1 Tính cấp thiết của sứ mệnh
Thời kỳ hội nhập cộng đồng quốc tế, sự sinh hoạt của con người thời đại hiện nay, đã và đang thay đổi với một tốc độ chóng mặt. Khoa học càng phát triển, nhu cầu quyền lợi vật chất càng tăng, kinh tế một số các quốc gia đang lâm vào tình trạng khủng hoảng, kéo theo một chuỗi của nạn thất nghiệp, khủng hoảng môi trường sinh thái, những tệ nạn xã hội và tội ác lại gia tăng.
Vì thế, để giải quyết vấn đề đó, con người phải thực thi tinh thần nhân đạo, nêu cao đời sống luân lý, đạo đức vì lợi ích toàn cầu và vì hạnh phúc con người. Trong chiều hướng này, Phật giáo không chỉ góp phần cải tạo về mặt xã hội mà còn đóng góp về mặt đời sống tinh thần. Việc tiếp nối truyền thống lịch đại Tổ sư, xiển dương lời Phật, ngày nay đang mở rộng đến các quốc gia, tạo nên một sự khả quan, một niềm khích lệ lớn, một diện mạo mới của Phật giáo cùng với một hướng nhìn tích cực, thích nghi với mọi hoàn cảnh hơn.
Do đó, hoằng pháp tại hải ngoại với sứ mệnh khẳng định truyền thống lịch sử, giá trị nhân bản của Phật giáo, một tôn giáo hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Đồng thời, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, văn hóa truyền thống và lịch sử, văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam đến với kiều bào cũng như bạn bè quốc tế.
3.2 Đẩy mạnh hơn nữa sứ mệnh ngoại giao văn hóa tâm linh
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa tâm linh càng trở nên quan trọng trong mối liên hệ với ý nghĩa là sức mạnh mềm trong Phật giáo. Văn hóa tâm linh có sức thâm nhập mạnh nên phải chú ý nhiều đến các chủ đề văn hóa, như đa dạng văn hóa, tiếp biến và đối thoại giữa các nền văn hóa – văn minh. Cho nên, việc sử dụng văn hóa như là đối tượng và phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại quốc gia, tạo hình ảnh tốt đẹp, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ, đồng thời, thiết lập, phát triển và duy trì quan hệ với những quốc gia khác bằng phương tiện văn hóa, nghệ thuật và giáo dục. Đây cũng là quá trình hoạt động đối ngoại chủ động, nhằm quảng bá các hệ giá trị và bản sắc văn hóa, qua đó nâng cao sức mạnh mềm, tạo vị thế cho quốc gia đó.
Trong thời gian qua, chư Tăng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã có những đóng góp thiết thực cho sứ mệnh truyền bá chánh pháp, đẩy mạnh văn hóa tâm linh. Sau khi định cư nước ngoài, chư Tăng đã lèo lái con thuyền chánh pháp để hoàn thành sứ mạng “Thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, đáng kể nổi bật về các phương diện: Khai sáng Giáo hệ Linh Sơn, phát triển các chi nhánh khắp năm châu, làm sống lại tinh thần Linh Sơn Pháp hội như thời đức Phật còn tại thế; đào tạo tầng lớp Như Lai Sứ giả truyền bá chánh pháp; là thành viên của các tổ chức Phật giáo thế giới và đảm nhiệm những chức vụ quan trọng. Tổ chức lễ quy y cho người Việt Nam trở thành Phật tử và không ít người Đức cũng đã tìm đến với đạo Phật; sáng lập Hội Sinh viên và Kiều bào Phật tử Việt Nam; xây dựng chùa làm trung tâm văn hóa có tầm cỡ của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại cho mọi người về chùa lễ Phật và học Phật cũng như tham gia các đại lễ, tham gia các khóa Thiền Tịnh, học hỏi, thực tập giáo lý của đạo Phật hằng năm; học chữ Việt và giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Sáng tác các tác phẩm và dịch phẩm Phật giáo từ các tiếng Việt, Anh, Hán, Nhật và Đức ngữ để phổ biến văn hóa và giáo lý. Thành lập các phái đoàn Hoằng pháp Âu, Mỹ, Úc đi khắp các châu lục để giảng pháp cho các Phật tử Việt Nam, Hoa Kỳ, Mexico, v.v… tại các quốc gia ở châu Âu cũng như Hoa Kỳ và Canada.
Trên đây là điểm sơ qua những đóng góp thiết thực của chư Tăng thiền phái đã và đang đóng góp cho sứ mệnh truyền bá chánh pháp, ngoại giao văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam, cũng như văn hóa Việt Nam cho người Việt và giới thiệu cho người bản xứ. Để đẩy mạnh sứ mệnh này trong tương lai, cần xây dựng khung phát triển để thúc đẩy hơn nữa sứ mệnh này, cần một là, đào tạo thế hệ kế thừa để truyền bá giáo pháp, có học, có tu, nắm vững giáo lý thực nghiệm; nắm vững đường lối tu học, truyền thống tâm linh Phật giáo Việt Nam nói chung, của thiền phái nói riêng; có tầm nhìn chiến lược; đồng tâm, đoàn kết; có ngôn ngữ, tư duy khoa học, phương pháp phù hợp với kiều bào cũng như cộng đồng Phật giáo bản xứ để truyền bá chánh pháp, xây dựng tịnh độ nhân gian, góp phần giải quyết các vấn nạn toàn cầu, phát triển xã hội bền vững.
Hai là, tiếp thu có chọn lọc. Đây là sứ mệnh mang văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam ra truyền bá cho kiều bào cũng như cộng đồng Phật tử các nước, hướng tới việc nâng cao sự hiểu biết đúng đắn, khuyến khích việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và truyền thống dân tộc. Bên cạnh việc truyền bá văn hóa tâm linh Phật giáo còn tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, tư tưởng nhân văn, giá trị đạo đức, tri thức, khoa học tiên tiến trên thế giới và cả văn hóa tâm linh các truyền thống Phật giáo các nước để làm phong phú, hiện đại và giàu đẹp nền văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung và của thiền phái nói riêng.
4. Kết luận
Như vậy, những năm đầu thế kỷ XXI, sứ mệnh ngoại giao văn hóa tâm linh đặc biệt chú trọng vì khả năng giải quyết những thách thức lớn – sự bất bình đẳng, nghèo đói và xung đột – của thời đại theo hướng bền vững, dựa trên sự tôn trọng con người, tôn trọng văn hóa và lối sống của nhau. Do đó, các nguyên tắc của ngoại giao văn hóa bao gồm: Thừa nhận, thấu hiểu, đối thoại – nghĩa là thừa nhận các giá trị văn hóa của nhau, chia sẻ và cùng đối thoại vì các mục đích chung.
Do đó, trên nền tảng những điều kiện thuận lợi của Thiền phái Chúc Thánh từ quốc nội đến quốc ngoại, cần nhận định đường lối để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của Thiền phái, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa sứ mệnh ngoại giao văn hóa tâm linh Phật giáo, giữ vị trí nền tảng tinh thần của hoạt động hoằng pháp tại hải ngoại của chư Tăng thiền phái, qua việc xây dựng chùa, lập trung tâm giữ gìn và truyền bá giáo lý, văn hóa, thực hiện nghi lễ, thuyết pháp, trao đổi học thuật, đào tạo thế hệ kế thừa, tiếp thu và làm giàu văn hóa tâm linh, v.v. nhằm mang thông điệp hòa bình, an lạc giải thoát của đức Thế Tôn hướng đến một nếp sống hạnh phúc. Đồng thời, tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước, quảng bá văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam nói chung và thiền phái nói riêng, nhằm tạo ra uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Phật giáo Việt Nam với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
ĐẠI ĐỨC TIẾN SĨ THÍCH THANH TÂM
Ủy viên Ban Hoằng pháp TW GHPGVN
_Chú thích:
1. Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
2. Ngài thế danh Lê Văn Huyền, pháp danh Như Kế, pháp tự Giải Đạo, pháp hiệu Huyền Vi, thế hệ thứ 8 dòng thiền Chúc Thánh. Ngài đệ tử Hòa thượng Trí Thắng, trú trì chùa Thiên Hưng, làng Vân Sơn, Tháp Chàm, Ninh Thuận.
3. Hòa thượng Thích Như Điển, thế danh Lê Cường, pháp tự Giải Minh, pháp hiệu Trí Tâm, sinh ngày 28 tháng 6 năm 1949, tại xã Xuyên Mỹ, quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Ngài là đệ tử Hòa thượng Thích Long Trí, chùa Viên Giác, Hội An (thế hệ thứ 8 dòng thiền Chúc Thánh); sau nhập chúng tu tập tại Tổ đình Phước Lâm, dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Thích Như Vạn.
4. Hòa thượng Thích Trí Minh, pháp danh Đồng Tâm, tự Thông Tịnh, thế hệ thứ 10 pháp phái Chúc Thánh; xuất gia với Hòa thượng Thích Thị Châu, chùa Linh Sơn, xã Nhớ Phú, Quy Nhơn.
5. Đời thứ 7 pháp phái Chúc Thánh; đệ tử Hòa thượng Phổ Toại, chùa Long Tuyền Hội An.
6. Đời thứ 10 pháp phái Chúc Thánh; đệ tử Hòa thượng Thích Trí Hữu, chùa Linh Ứng, Non Nước, Đà Nẵng.
7. Đời thứ 9 pháp phái Chúc Thánh; đệ tử Hòa thượng Thích Trí Minh, chùa Pháp Bảo, Hội An, Quảng Nam
8. Đời thứ 9 pháp phái Chúc Thánh; đệ tử Hòa thượng Thích Trí Hải, chùa Bích Liên, Bình Định.
9. Đời thứ 11 pháp phái Chúc Thánh; đệ tử Hòa thượng Thích Thông Bửu, chùa Quán Thế Âm, Sài Gòn
10. Đệ tử Hòa thượng Thích Huyền Quang, Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định.
11. Đời thứ 9 pháp phái Chúc Thánh; đệ tử Hòa thượng Thích Thọ Giác, Quảng Ngãi.
12. Đời thứ 10 pháp phái Chúc Thánh; đệ tử Hòa thượng Thích Hành Trụ, chùa Đông Hưng, Sài Gòn.
13. Đời thứ 9 pháp phái Chúc Thánh; đệ tử Hòa thượng Thích Như Vạn, chùa Phước Lâm, Hội An.
14. Đời thứ 10 pháp phái Chúc Thánh; đệ tử Hòa thượng Thích Hưng Từ, chùa Pháp Hội, Bình Thuận.
15. Đời thứ 8 pháp phái Chúc Thánh; đệ tử Hòa thượng Chơn Trung – Diệu Quang chùa Viên Giác, Bình Sơn, Quảng Ngãi
16. Đời thứ 8 pháp phái Chúc Thánh; đệ tử Hòa thượng Chơn Chứng – Thiện Quả, Tổ đình Chúc Thánh, Hội An.
17. Đời thứ 10 pháp phái Chúc Thánh; đệ tử Hòa thượng Thích Trí Hữu, chùa Linh Ứng, Non Nước, Đà Nẵng.
18. Xuất gia với Hòa thượng Thị Phong – Bửu Quang, chùa Hưng Long, Bình Định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp chủ biên (2013), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM.
2. Thích Thanh Tâm (2019), Ngoại giao văn hóa qua đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 tại Việt Nam, bản thảo
3. Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản.
4. Thích Giải Nghiêm, Tìm hiểu sự hình thành và phát triển Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam, https://www.chuabuuchau.com.vn/ luan-van-hoi-thao/tim-hieu-su-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-thien-phai-lam-te-chuc-thanh-tai-quang-nam-thich-giai-nghiem_1111.html
5. Đinh Kiều Nga, Bản sắc văn hóa Việt Nam qua Di sản văn hóa tôn giáo, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/3589/Ban_sac_ Van_hoa_Viet_Nam_qua_Di_san_van_hoa_ton_giao_Phan_I_
6. Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa Thiền phái Chúc Thánh, http:// hoavouu.com/images/file/9xUXfvQW0wgQALtq/lich-su-truyen-thua-thien-phai-chuc-thanh-thich-nhu-tinh.pdf