Môn phái Lâm Tế Chúc Thánh trong sự phát triển Phật giáo Việt Nam thời cần hiện đại – Những đóng góp và hạn chế (TS.Thích Hạnh Chơn)

          Lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam từ Trung vào Nam giai đoạn cận hiện đại từ thế kỷ XVII đến nay không thể không đề cập đến sự đóng góp của môn phái Lâm Tế Chúc Thánh. Khởi đầu từ vị Tổ sư khai sáng chùa Chúc Thánh ở Hội An, Quảng Nam, Môn phái Chúc Thánh không ngừng phát triển chủ yếu theo hướng Nam tiến cho đến nay. Nhiều tỉnh thành có sự hiện diện của các chùa do chư Tăng thuộc môn phái khai sơn hay các chùa được trụ trì bởi Tăng hay Ni mang pháp danh theo dòng kệ của Tổ. Từ đó, tín đồ tu học cũng không ngừng tăng trưởng phản ánh sự phát triển của Phật giáo. Qua tham luận này, chúng tôi xin được sơ lược về sự hình thành và phát triển của môn phái, sự đóng góp và những hạn chế của môn phái Lâm Tế Chúc Thánh. Chúng tôi cũng mạo muội đưa ra vài đề xuất xem như là sự tham khảo với mục đích mong muốn môn phái ngày càng vững mạnh về mặt tổ chức.

          Tổ Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746) sang Việt Nam cùng Hội đồng thập sư do Hòa thượng Thạch Liêm làm Hòa thượng đường đầu vào năm 1695. Sau khi Đại giới đàn hoàn mãn, Tổ cùng một số pháp hữu như Minh Hoằng – Tử Dung, Minh Lượng – Thành Đẳng… ở lại Việt Nam lập chùa hoằng pháp độ chúng cả người Hoa lẫn người Việt, cả xuất gia và tại gia. Tổ Minh Hải – Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh và biệt xuất một bài kệ truyền pháp dùng đặt tên cho các đệ tử.

          Trong thời gian hành đạo tại chùa Chúc Thánh, Tổ đã độ (thu nhận và giáo hóa) nhiều đệ tử xuất chúng có khả năng hoằng pháp và phát triển môn phái. Tài liệu sử ghi lại các đệ tử trực tiếp của Tổ đã đóng góp lớn cho sự phát triển môn phái như: Ngài Thiệt Dinh, Thiệt Diệu, Thiệt Thọ, Thiệt Đạo, Thiệt Mẫn, Thiệt Gia… hoằng hóa tại Quảng Nam, các Ngài Thiệt Uý, Thiệt Uyên… hoằng hóa tại Quảng Ngãi, các Ngài Thiệt Đăng, Thiệt Thuận… hoằng hóa tại Bình Định. Đến đời thứ 3 có ngài Pháp Chuyên hoằng hóa tại Phú Yên. Từ đời thứ 4 trở đi thì môn phái đã phát triển vào Nam như ngài Toàn Tánh khai sơn chùa Hội Khánh tại Bình Dương, Hòa thượng Chơn Trừng khai sơn chùa Pháp Hoa, Phú Nhuận… Đến nay, môn phái đã truyền xuống tới đời thứ 12-13 với số chùa và số Tăng Ni trực thuộc môn phái khá nhiều và khá đông.

          Sự đóng góp của môn phái Chúc Thánh

          Sau khi môn phái Lâm Tế Chúc Thánh được hình thành, Tổ Minh Hải – Pháp Bảo và các thế hệ kế thừa đã cống hiến công sức phát triển môn phái. Chúng tôi nêu 3 lĩnh vực chính:

          Phát triển cơ sở

          Các cơ sở tự viện thuộc môn phái không ngừng gia tăng. Từ cơ sở đầu tiên là Tổ đình Chúc Thánh, các tự viện khác lần lượt được thành lập ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên cho đến các tỉnh miền Nam. Sự phát triển đó mang tính tự nhiên khi chư Tăng thuộc môn phái vân du hoằng hóa ở các vùng đất mới. Để có nơi cư trú hoằng pháp và độ chúng, chư Tăng phải tạo dựng am thất rồi phát triển thành chùa. Tất nhiên, để lập được các chùa như thế, chư Tăng phải có đức độ, tài năng, phước báu… để cảm hóa những người hữu duyên cúng dường tài vật, đất đai… mà thành lập chùa. Đến thế kỷ XX và XXI, các thế hệ đời thứ 8 trở về sau vì hoàn cảnh xã hội đã vân du các châu lục như Mỹ, Âu, Úc… và thành lập được các chùa ở các xứ ấy1.

          Đào tạo Tăng tài

Chư Tăng Ni là nhân tố cốt lõi duy trì và phát triển Môn phái Lâm Tế Chúc Thánh cũng như Phật giáo nói chung. Các vị Tổ sư đã đào tạo được các thế hệ Tăng tài đức. Chính họ là những người vân du hoằng hóa và sáng lập các tự viện để từ đó tiếp tục đào tạo các thế hệ kế thừa. Có thể nói, không phải tông phái hay môn phái nào cũng thành công trong việc kế thừa mang tính lâu dài. Ở Trung Hoa, lịch sử ghi nhận có 10 tông phái được hình thành và phát triển nhưng đến nay thì khoảng 1/3 trong số đó còn tồn tại. Cũng vậy, có nhiều Tổ sư xuất kệ lập tông phái nhưng để phát triển lâu dài đòi hỏi phải có đủ nhân duyên, đó là những người kế thừa. Môn phái Lâm Tế Chúc Thánh là một trong số đó, ít nhất cho đến hiện tại. Tổ Minh Hải – Pháp Bảo khi xuất kệ có đủ duyên lành nên có nhiều đệ tử tài đức kế thừa theo dòng kệ. Tiếp đến, các thế hệ thứ 2, thứ 3 cho đến thế hệ hiện tại từ thứ 7 cho đến thứ 12, có nhiều vị tài đức kế nghiệp thầy Tổ, tiếp tăng độ chúng để duy trì và phát triển môn phái. Sự thành tựu ấy cho thấy các thế Tăng Ni thuộc môn phái có nhiều vị tài đức và có duyên lành trong sự nghiệp tiếp tăng độ chúng.

          Phát triển tín đồ

          Phật giáo phát triển tín đồ thường đi liền với sự hiện diện của chư Tăng. Tăng là những người đại diện cho Tam bảo giúp tín đồ quy y trở thành Phật tử hay ít nhất có tín tâm đối với Tam bảo. Trong hoàn cảnh Việt Nam, phần lớn các chùa đều do Tăng Ni tham gia trực tiếp hay gián tiếp xây dựng và quản lý để hướng dẫn tín đồ tu học. Có chùa, có Tăng Ni thì tín đồ có nơi nương tựa để quay về đời sống tâm linh qua các hình thức tín ngưỡng hay tu học. Tuy không có đánh giá cụ thể về sự tu học của tín đồ, nhưng ít nhất tín đồ khi đến với đạo Phật qua sự hướng dẫn tu học của Tăng Ni thì họ có sự an ủi về tình cảm tôn giáo để tiến cao hơn là làm việc thiện, chuyển hóa tâm để có sự an lạc cho bản thân và gia đình. Hệ thống chùa và Tăng Ni thuộc Môn phái Lâm Tế Chúc Thánh nhiều và đông thì số lượng tín đồ sẽ có cơ hội tăng lên. Đó cũng là một sự đóng góp của môn phái Chúc Thánh cho Phật giáo.

          Những hạn chế

          Tìm hiểu về một môn phái lớn có chiều dài lịch hơn 300 năm thì những đóng góp to lớn của môn phái cho Phật giáo là tất yếu. Tuy nhiên, sự hạn chế của môn phái cũng không phải là ít. Về thành tựu thì tác phẩm “Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh” của tác giả Thích Như Tịnh nêu khá nhiều. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ khát quát ba lĩnh vực chính mà môn phái Chúc Thánh đã đóng góp cho sự phát Phật giáo Việt Nam. Về mặt hạn chế, tác phẩm trên cũng có nêu vài điểm, chúng tôi xin được đưa thêm một số điểm khác với mục đích mong rằng môn phái củng cố để sinh hoạt môn phái chặt chẽ hơn.

          Thứ nhất, môn phái Lâm Tế Chúc Thánh chưa phải là Tăng đoàn hay Giáo hội thống nhất. Nếu so sánh với hệ phái Khất sĩ thì chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Hệ phái Khất sĩ lập các giáo đoàn để quản lý và hỗ trợ chư Tăng Ni thuộc hệ phái. Trong khi đó, đọc lịch sử Phật giáo Việt Nam viết về môn phái và từ thực tế phát triển môn phái, chúng tôi thấy rằng sau khi Tổ Minh Hải độ chúng xuất gia thì các đệ tử tùy nguyện độ sanh và tùy khả năng mỗi người mà phát nguyện hoằng hóa các nơi. Các thế hệ kế thừa về sau cũng tương tự như vậy. Môn phái chưa phải là trung tâm điều phối, trợ giúp Tăng Ni vân du hoằng hóa. Sự hoằng hóa của các thế hệ là sự phát triển tự nhiên, tự nguyện và tự phát.

          Thứ hai, môn phái Lâm Tế Chúc Thánh cũng như các môn phái khác tồn tại ở Việt Nam không có đường lối tu riêng nào khác ngoại trừ kế thừa chư Tổ người Hoa tu theo đường lối kết hợp Thiền-Tịnh-Mật mà Tịnh độ nổi trội hơn hết. Sở dĩ chúng tôi không dùng từ Thiền phái mà dùng từ môn phái vì thực tế Tăng Ni thuộc môn phái chỉ kế thừa tên của bài kệ truyền pháp của Tổ chứ không kế thừa yếu tố thiền nào riêng biệt để gọi là Thiền phái. Cũng như các môn phái khác, Tăng Ni thuộc môn phái Chúc Thánh cũng theo nghi thức chư Tổ người Hoa truyền qua bao gồm thực hành hai thời khóa tụng khuya, chiều và tụng một số kinh quen thuộc như Di Đà, Phổ Môn, Hồng Danh, Mông Sơn, Dược Sư… Trong các nghi thức ấy có yếu tố Tịnh độ tức niệm danh hiệu chư Phật, Thiền tức quán nội dung pháp về vô thường, vô ngã… và Mật là các bài chú như đại bi, thập chú… Phương pháp thiền nào để Tăng Ni thuộc môn phái thực hành thì hoàn toàn không rõ. Điều này khác với các trường phái thiền tại các nước Nam truyền, tại Trung Hoa hay tại Việt Nam như trường phái thiền của Thiền sư Nhất Hạnh và Thiền sư Thanh Từ.

          Thứ ba, môn phái chưa tạo được sự gắn kết Tăng Ni trong môn phái. Sau khi môn phái hình thành và phát triển các địa phương khác, chư Tăng Ni thuộc môn phái tùy duyên hoằng hóa tạo tự độ chúng. Việc gắn kết với chốn Tổ, với các trung tâm thuộc các tỉnh nếu có thì chỉ mang tính tự nguyện và diễn ra vào các ngày lễ, giỗ. Việc sinh hoạt chung như Bố tát, An cư, Tự tứ… của chư Tăng môn phái Chúc Thánh chưa thực hiện được. Do đó, môn phái Chúc Thánh không nắm được số lượng Tăng Ni, chùa sinh hoạt theo môn phái tại các tỉnh thành. Điều đó cũng dễ hiểu, vì môn phái không có Ban điều hành qua thời gian khá dài và khi có Ban điều hành cũng chưa cho thấy hiệu quả trong việc gắn kết Tăng Ni. Các nguyên nhân chính làm cho sự gắn kết chưa tốt là sự hoạt động của Ban điều hành còn hạn chế, chư Tăng Ni thuộc môn phái không quan tâm đến môn phái và hoàn cảnh khách quan của xã hội bao gồm kinh tế, chính trị…

          Thứ tư, các tổ đình lớn thuộc môn phái Chúc Thánh nhiều giai đoạn không có các thế hệ kế thừa tương xứng để phát triển. Nguyên nhân là phái không có thẩm quyền đề cử nhân sự cho các tổ đình. Nếu các thế hệ đệ tử tại tổ đình lớn có đủ tài đức thì tổ đình được duy trì và phát triển. Ngược lại, hoạt động của tổ đình mang tính cầm chừng. Các tổ đình như Chúc Thánh ở Quảng Nam, Thiên Ấn ở Quảng Ngãi, Sơn Long ở Bình Định… chưa quy tụ được Tăng Ni thuộc môn phái tại địa phương về sinh hoạt chung cũng vì chưa có tiếng nói chung của môn phái.

          Những đề xuất

          Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời vào năm 1981, thống nhất các hệ phái, môn phái trong cả nước để quản lý hành chánh Giáo hội. Trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo tu chỉnh năm 2017, chương V, điều 19, mục 6 ghi: “Ban Trị sự tỉnh quyết định bổ nhiệm trụ trì các cơ sở do Giáo hội quản lý phải tham khảo ý kiến với hệ phái, môn phái (sơn môn)…”. Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (2017-2022), chương V, điều 18, cũng có đề cập vai trò của hệ phái, môn phái đối với các tự viện trực thuộc.

          Như vậy, môn phái có vai trò quan trọng trong việc quản lý Tăng Ni và tự viện dưới sự quản lý chung của Giáo hội. Phật giáo Việt Nam đi theo mô hình Tổ sư với tên gọi là Thiền phái hay Môn phái có sự truyền thừa theo dòng kệ. Đây là một lợi thế để Môn phái Chúc Thánh nhìn nhận Tăng Ni thuộc môn phái của mình với các thế hệ theo dòng kệ.

          Trên cơ sở Ban điều hành môn phái Lâm Tế Chúc Thánh được thành lập năm 1992, Môn phái Chúc Thánh cần đánh giá việc thực hiện các nội quy của môn phái để định hướng tương lai cho môn phái2. Tại các tỉnh thành có tự viện, Tăng Ni thuộc Môn phái thì Ban điều hành phải thành lập Ban liên lạc để vận động Tăng Ni sinh hoạt theo nội quy môn phái. Khi các Tăng Ni tại các tự viện thuộc môn phái sinh hoạt cùng với Tổ chức môn phái thì môn phái phải có trách nhiệm giúp đỡ và quản lý.

          Trước nhất, Ban liên lạc tại các tỉnh thành thống kê các tự viện thuộc môn phái và vận động họ cùng sinh hoạt trong môn phái (nói vận động vì thực tế Giáo hội còn chưa quản lý được các Tăng Ni). Khi các tự viện tham gia môn phái thì Ban liên lạc cần có các quy định sinh hoạt chung hằng tháng, hằng năm như bố tát, kỵ giỗ, lễ và họp môn phái hằng năm.

          Kế đến, các Ban liên lạc các tỉnh báo cáo sự sinh hoạt và số liệu Tăng Ni, tự viện về cho Ban điều hành để Ban điều hành cập nhật thông tin hằng năm. Dựa trên cơ sở đó, Ban điều hành định hướng sinh hoạt cho môn phái vào mỗi định kỳ 4 năm, nhân ngày họp mặt toàn môn phái.

          Tiếp theo, Ban điều hành và Ban liên lạc phải nắm tình hình sinh hoạt của Tăng Ni thuộc môn phái tại các tự viện để trợ giúp về tu học như trao học bổng…, trợ giúp về pháp lý hành chánh như xây dựng chùa, bổ nhiệm…

          Thứ tư, Ban điều hành và Ban liên lạc phải thống nhất chọn mỗi tỉnh thành có đông Tăng Ni, tự viện một trụ sở để Ban liên lạc sinh hoạt nội bộ và liên kết các tỉnh thành với nhau. Trụ sở có thể là một tổ đình hay một tự viện có đủ điều kiện vật chất cho Tăng Ni thuộc môn phái tại địa phương về sinh hoạt.

          Thứ năm, các ban của môn phái hoạt động hiệu quả sẽ tạo uy tín cho Giáo hội và các cơ quan nhà nước. Từ đó, môn phái có thể đóng góp tiếng nói của mình trong việc giải quyết các vấn đề Tăng sự. Để đạt được mục đích đó, Môn phái Chúc Thánh cần có chư tôn đức lãnh đạo uy tín và nhân sự am hiểu luật, hành chánh để tư vấn pháp lý hiệu quả.

          Thứ sáu là sinh hoạt gắn kết giữa các tự viện trong Môn phái Chúc Thánh tại các địa phương. Khi môn phái có sự quan tâm Tăng Ni và tự viện để tạo điều kiện cho họ cũng như có những quy định trách nhiệm thì Tăng Ni sẽ tham gia các sinh hoạt chung của môn phái như Bố tát, An cư… nhất là họp hằng năm của môn phái.

          Thứ bảy, tất cả Tăng Ni thuộc môn phái Chúc Thánh nên thống nhất sử dụng pháp danh hoặc pháp tự ghi trong Giấy chứng nhận Tăng Ni và xưng gọi hằng ngày. Pháp hiệu nên sử dụng vào dịp lễ nghi hơn là dùng thường nhật. Nếu chư tôn đức trong môn phái thống nhất thì sẽ giúp cho môn phái dễ hơn trong sự tra cứu thống kê. Ví dụ, Hòa thượng Thích Như…, Thích Thị… thì môn phái nhận biết ngay trong khi dùng pháp hiệu như Hòa thượng Thích Trí…, Thích Liễu… thì phải mất thời gian tra cứu.

          Cuối cùng là vấn đề tài chánh sinh hoạt. Ban điều hành cần tạo nguồn tài chánh thông qua việc cúng dường, sự đóng góp của các thành viên… để có nguồn tài chánh cho các hoạt động như viếng thăm, chúc mừng lễ… Đây là vấn đề tế nhị thường làm nản lòng các tự viện vì họ chỉ thấy đóng góp mà không thấy sự quan tâm từ môn phái nên họ không muốn tham gia sinh hoạt.

          Lời kết

          Phật giáo ngay từ đầu có đặc điểm nổi bật là sinh hoạt theo tập thể gọi là Tăng đoàn. Từ Tăng đoàn ban đầu do đức Phật lãnh đạo cho đến các Tăng đoàn ngày nay được biết qua các tên như Thiền phái, Môn phái, Giáo hội đều phải dựa trên nền tảng Luật Phật chế để sinh hoạt. Khi mà Giáo hội thiên về quản lý hành chánh thì môn phái cần phát huy quản lý Tăng Ni, tự viện trên phương diện sinh hoạt tập thể như thời đức Phật để đóng góp vai trò của môn phái trong ngôi nhà chung của Phật giáo. Sự kết hợp giữa Giáo hội và môn phái đã là cho sự sinh hoạt của chư Tăng miền Bắc rất chặt chẽ. Đó là chư Tăng Ni nếu không sinh hoạt tập thể, không An cư tập trung thì xem như sinh hoạt tách biệt Tăng đoàn và bị chế tài.

          Môn phái Lâm Tế Chúc Thánh đã được truyền thừa hơn 300 năm tại Việt Nam và có nhiều đóng góp to lớn cho Phật giáo. Để Môn phái Chúc Thánh tiếp tục phát triển, thiết nghĩ chư tôn đức môn phái phải có động thái làm cho Tăng Ni thuộc môn phái sinh hoạt tập thể như thời đức Phật. Bên cạnh đó, các Môn phái cũng có tiếng nói để Giáo hội phải đi theo mô hình Tăng đoàn thời đức Phật.

          Khi nào, Tăng Ni có sinh hoạt tập thể mà căn bản là An cư và Bố tát thì môn phái, Giáo hội mới xét việc tấn phong giáo phẩm, hay cho nhận đệ tử. Nếu làm được như thế thì giáo phẩm sẽ có giá trị. Đây là mô hình đức Phật dạy và các nước Nam truyền làm rất tốt. Mong rằng môn phái và Giáo hội lưu tâm để từng bước thực hiện./.

TS. THÍCH HẠNH CHƠN

 

 

_Chú thích:

1. Xem Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, bản pdf.

2. Thích Như Tịnh, sđd, tr. 135.