Phật giáo toàn cầu hóa
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 500 triệu tín đồ Phật giáo, tương đương 7% dân số toàn cầu. Như vậy, về phương diện thống kê, Phật giáo hiện có số lượng tín đồ xếp vào hàng thứ tư trên thế giới – sau Kitô giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo. Đại đa số Phật tử vẫn sống ở châu Á, đặc biệt là ở các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á. Ở các khu vực khác số người theo đạo Phật cũng càng ngày càng đông. Bắt đầu từ những năm 1960, tiến trình toàn cầu hóa đã giữ một vai trò quyết định quan trọng. Ta có thể liệt kê hàng loạt những phát triển khác nhau mở màn cho một thời kỳ toàn cầu hóa Phật giáo như sau:
– Các phương tiện giao thông vận chuyển phát triển và sự kiện nhiều quốc gia Tây phương mở cửa đón nhận làn sóng nhập cư đã dẫn đến hệ quả là những di dân gốc Phật giáo từ châu Á đi đến định cư ở các nước Tây phương. Trong quá trình nhập cư và định cư, họ đã thành lập các trung tâm để cầu nguyện và những hiệp hội để quan hệ với nhau trên vùng đất mới. Điều này góp phần vào việc đa dạng hóa các cảnh quan tôn giáo của các xã hội Tây phương gốc Kitô giáo trước đây.
– Thêm vào đó, càng ngày càng nhiều người Tây phương tỏ ra rất yêu thích Phật giáo. Lúc đầu, chỉ có một nhóm nhỏ những nhà trí thức thuộc tầng lớp trung lưu ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Những người này do tò mò đã tìm hiểu, khám phá rồi truyền bá Phật giáo. Sau Thế chiến thứ II, việc giảng dạy Phật giáo trong các môi trường rộng lớn hơn cho dân chúng càng được quan tâm nhiều hơn. Sự hợp nhất giữa một giáo lý gốc châu Á với nếp tư duy Tây phương đã bắt đầu bén rễ. Và cũng từ đó, một số hình thức mới của Phật giáo cũng bắt đầu xuất hiện. Các phương pháp Thiền định, các bài tập Chánh niệm áp dụng vào đời sống đã trở thành phổ biến, ngay cả trong giới các tu sĩ Cơ Đốc giáo. Một vài trung tâm của nhóm này bây giờ vẫn tồn tại và người ta gọi là các nhóm “Phật Tử Tây Phương”.
– Du lịch toàn cầu phát triển, thoải mái mà lại rẻ tiền hơn. Điều ấy giúp các giảng sư Phật giáo mang các Tông phái Phật giáo truyền thống của mình đi truyền bá khắp nơi trên thế giới. Nhiều Đại Giới Đàn quy tụ các Giới tử và chư Giới sư ở khắp nơi, có khi cách xa nhau cả hàng ngàn cây số. Các cuộc Hội nghị Phật giáo Quốc tế đã quy tụ nhiều chuyên gia và tham dự viên từ lĩnh vực nghiên cứu đến thực hành để thảo luận thường xuyên các đề tài về Phật giáo. Phật tử có thể đi khắp nơi để tham dự các khóa Thiền ở những quốc gia Phật giáo hoặc các chuyến hành hương Phật tích đang trở nên phổ biến đối với khách du lịch.
– Trong thời đại thương mại hóa toàn cầu, trên thị trường đã xuất hiện nhiều mặt hàng hoặc về Phật giáo hoặc được lấy cảm hứng từ Phật giáo. Có thể ví dụ như các bức tượng Phật, các đệm ngồi thiền hoặc chuông, mõ, tràng hạt… ngày càng nhiều ở các cửa hàng. Một mặt, đây là những nhu cầu cần thiết của các trung tâm và nhóm Phật tử. Nhưng mặt khác, các thiết bị này giờ đây lại trở thành một thiết bị phổ biến trong ngành trang trí nội thất, và các trung tâm về chăm sóc sức khỏe. Nhiều người từ các quốc gia Phật giáo đi du lịch đến châu Âu đã rất ngạc nhiên về số lượng tượng Phật được nhìn thấy trong các mảnh vườn tư nhân, trong các cửa tiệm hoặc các nhà hàng ăn ở Đức.
– Điểm cuối cùng và không kém phần quan trọng là sự kiện Toàn cầu hóa Phật giáo đã tăng lên nhanh chóng do việc phát triển cực nhanh các hệ thống điện toán. Trong ngôn ngữ ở cả Âu Châu bây giờ đã có đầy đủ các nguồn tài liệu sách báo, những bài tham luận và tài liệu về kinh nghiệm hành trì Phật pháp. Trên Internet, người ta cũng tìm đọc dễ dàng các bản Kinh Phật đã phiên dịch hay bản đối chiếu với nguyên bản. Các bài thuyết pháp của những giảng sư, đạo sư tiếng tăm cũng có thể tìm thấy dễ dàng trên mạng Youtube. Phật tử và những người quan tâm đến Phật giáo có thể trao đổi ý kiến với nhau trực tiếp trên các mạng xã hội hay những diễn đàn thảo luận liên quan. Ngành điện ảnh cũng góp mặt. Các bộ phim điện ảnh như Đức Phật Tý Hon, Bảy năm Tây Tạng hay Kundun, góp phần làm nguồn giải trí cho khán giả quốc tế và đã gặt hái được hàng triệu dollar doanh thu.
Phật giáo Việt Nam cũng góp mặt toàn cầu hóa
Giống như các truyền thống dân tộc và giáo lý khác, Phật giáo Việt Nam cũng đã tỏa rộng ra trên địa bàn thế giới. Quá trình này bắt đầu vào những năm 1970 do hiệu quả của các đợt di dân. Nhóm lớn nhất của người Việt đi nước ngoài để đến các nước phương Tây là sau 1975. Các quốc gia Hoa Kỳ, Úc, Pháp và Đức trở thành các nước chủ nhà cho các gia đình Việt Nam. Những người Việt Nam khác đi đến các nước khối xã hội chủ nghĩa trước đây là những công nhân hợp tác lao động ở Đông Đức, Liên Xô hoặc Tiệp Khắc vào những năm 1980. Sau khi bức màn sắt sụp đổ, họ ở lại và thành lập các cộng đồng người Việt. Còn vài nhóm người Việt khác nữa là những người di cư sang các nước phương Tây vì mục đích đi du học, đi đoàn tụ gia đình, hoặc nhóm trẻ mồ côi chiến tranh được nhận làm con nuôi. Ngoài ra, có một số nhỏ khác là những người nhập cư bất hợp pháp để hy vọng tìm kiếm một vận may trong những quốc gia được xem là thịnh vượng. Hiện nay, trên khắp mọi châu lục, người ta đều gặp các cộng đồng của người di cư gốc Việt Nam. Lớn nhất trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài có thể kể như ở tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp và Đức.
Biểu đồ: Con số những người gốc Việt Nam ở các nước phương Tây
Như vậy, cùng với những cuộc di dân toàn cầu này, Phật giáo Việt Nam cũng đã góp mặt toàn cầu hóa. Hiện nay, có thể tìm thấy các ngôi chùa hoặc các Niệm Phật đường của Phật giáo Việt Nam tại San Jose, California (Hoa Kỳ), cũng như tại Perth, Úc hoặc tại Hamburg, Hannover… ở miền Bắc nước Đức.
Tiếp theo đây, chúng tôi xin phác thảo thêm vài nét lịch sử của Tông phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Cộng hòa Liên bang Đức. Quá trình lịch sử ấy gắn liền với tên tuổi của một nhân vật, đó là Hòa thượng Thích Như Điển. Trong suốt 40 năm qua, Hòa thượng là trung tâm điểm của sự kiện phát triển này. Nhờ những nỗ lực của Hòa thượng Như Điển mà Tông phái Lâm Tế Chúc Thánh của Phật giáo Việt Nam đã bén rễ ở Đức và trở thành một trong những truyền thống Phật giáo lớn mạnh nhất hiện nay của nước Đức. Hòa thượng đã kiến lập ngôi chùa đầu tiên của dòng Lâm Tế Chúc Thánh tại thành phố Hannover miền Bắc nước Đức, đó là chùa Viên Giác. Tiếp theo đó đã có hàng chục cơ sở tự viện Phật giáo khác, do các Tăng Ni người Việt khác xây dựng nên hoặc được đề cử đến lãnh đạo tinh thần. Những ngôi già lam này vẫn giữ nếp sinh hoạt, đời sống tự viện giống y hệt như ngôi chùa Viên Giác đầu tiên trên xứ sở này.
Hòa thượng Thích Như Điển – Người tiên phong của Phật giáo Việt Nam tại Đức
Hòa thượng Thích Như Điển, sinh ngày 28 tháng 6 năm 1949, tại làng Xuyên Mỹ, quận Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Thầy là con út trong tám người con của một gia đình nông dân theo Phật giáo. Bây giờ, ta có thể khẳng định rằng, tỉnh Quảng Nam đã từng là một trung tâm truyền bá của Phật giáo Việt Nam nói chung và đặc biệt là môn phái Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng trong suốt nhiều thế kỷ. Vào ngày 15 tháng 4 năm 1964, Thầy Như Điển đã theo gương người anh trai thứ 7 của mình và được cha mẹ cho phép, đạp xe đến chùa Viên Giác ở Hội An để xin xuất gia. Tại đây, và sau đó, tại chùa Phước Lâm (nghĩa là: Khu rừng Công đức), Thầy bắt đầu nếp sống tăng lữ. Theo lời Thầy kể lại, trong thời gian học tiểu học ở trường làng, Thầy không phải là học sinh khá, nhưng chính nhờ nếp sống Thiền môn đã giúp Thầy khai thông trí tuệ. Thầy theo học trường trung học ở Hội An, được xem là học sinh giỏi nhất của nhà trường. Sau đó, Thầy đã thi đậu tú tài.
Nhìn lại quá trình này, Thầy kể rằng thành tích học tập của mình có được như thế là nhờ nhiều năm thực hành lối sống thanh tịnh Thiền môn, nhờ việc học thuộc lòng các thời công phu và các bộ luật. Rồi qua các thời công phu, ngồi thiền mà người trẻ thực tập nhiếp tâm không bị phân tán bởi thế giới bên ngoài, đức tính ấy giúp người trẻ ứng dụng vào việc học, biết chú tâm hơn.
Du học tại Nhật Bản
Sau khi tốt nghiệp bậc trung học, các tu sĩ Phật giáo đều mong ước có cơ hội nhận được học bổng du học. Thầy Thích Như Điển cũng thế. Mùa xuân năm 1972, Thầy đã được phép đi du học ở Nhật Bản. Cuộc sống mới ở Nhật Bản là một thách thức lớn đối với mọi sinh viên Việt Nam. Nơi xứ lạ này, mọi sinh hoạt phí và học phí đều rất đắt đỏ, thêm vào đó tiếng Nhật cũng rất khó. Trong cuốn sách hồi ký, xuất bản năm 2002 và tái bản năm 2019 mang tên “Cảm Tạ Xứ Đức – Danke schön Deutschland”, Thầy Như Điển đã mô tả tình huống ấy như sau: “Thật tình mà nói trước khi sang Nhật du học các sinh viên thiếu rất nhiều nguồn thông tin. Ngay cả trường hợp chúng tôi là những sinh viên tăng đang còn hăng say, mới bước chân vào ngưỡng cửa đại học, cũng chẳng biết tại Nhật đời sống của Tăng Ni ra sao, ăn uống như thế nào, trú ngụ ở đâu? Học hành trường sở ra sao? v.v. và v.v… tất cả đều mù tịt”.
Đến Nhật, trước tiên Thầy Như Điển sống tạm cùng phòng với một tăng sĩ đã đến trước. Thầy đã ghi tên học hai khóa tiếng Nhật cùng một lúc để tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc. Thời gian giữa năm 1973 và 1977, Thầy được nhận vào ở tại chùa Bổn Lập (Honryuji) tại thành phố Bát Vương Tử (Hachioji). Ở đây, Thầy đã đảm nhận một số công việc chùa trong vai trò như một tu sĩ Nhật. Cơ hội này, một mặt giúp Thầy tiếp xúc với truyền thống Phật giáo Nhật Bản, thực tập tiếng Nhật; nhưng chính cũng là để tiết kiệm tiền nhà và chi phí ăn uống. Vào các kỳ nghỉ hè, Thầy cũng đã đi làm thêm ở ngoài để có thể trang trải các khoản học phí của nhà trường. Sau đó, Thầy thi đậu vào Trường Đại học Teikyo, phân khoa Giáo dục. Vượt qua bao nhiêu khó khăn thử thách, nhờ vào lòng kiên trì và chăm chỉ, vào ngày 25.3.1977, Thầy đã tốt nghiệp đại học với hạng “á khoa”, tức hạng nhì.
Đi đến nước Đức
Vào thời điểm đó tình hình chính trị xã hội ở Việt Nam có nhiều xáo trộn, Thầy Như Điển có liên lạc với một người bạn cũ đang theo học ngành y khoa tại Đức. Người bạn này đã mời Thầy đến Đức thăm. Đáp lời mời ấy, Thầy lên đường đi đến Đức lần đầu tiên vào năm 1977. Giai đoạn này đa số người Việt ở Đức lúc đó là những du học sinh. Họ đã thuyết phục vị tu sĩ trẻ ấy ở lại Đức để xây dựng một đạo tràng Phật giáo. Thầy Như Điển là một mẫu người không bỏ lỡ cơ hội hay trì hoãn trong mọi công việc. Thầy cũng không bao giờ làm việc gì nửa vời, nên khi vừa chấp nhận lời đề nghị này, Thầy đã ghi tên học ngay một khóa tiếng Đức tại Đại học Kiel. Sau đó, tháng 3 năm 1978, Thầy nộp đơn và được Đại học Hannover chấp thuận cho vào học ngành Giáo dục. Tại đây, Thầy mướn một căn hộ nhỏ để ở và thành lập Niệm Phật đường Viên Giác. Đây chính là ngôi già lam đầu tiên của Phật giáo Việt Nam tại xứ Đức. Vào cuối năm 1978, Hội Sinh viên và Kiều bào Phật tử tại Cộng hòa Liên bang Đức cũng đã được ra đời. Năm 1979, Thầy cho xuất bản ấn bản đầu tiên của Báo Viên Giác. Càng ngày càng có nhiều người Phật tử Việt Nam lui tới chùa, nên vào năm 1981, Thầy thuê một cơ sở là một nhà máy kim loại cũ và dời Niệm Phật đường Viên Giác về đây để chùa được rộng rãi hơn. Địa điểm này nằm kế bên ngôi chùa Viên Giác hiện nay.
Tiếp theo đó, số người Việt xa xứ ngày càng đông. Đầu tiên, chính quyền Cộng hòa Liên bang Đức đã đồng ý thu nhận 1.000 người Việt Nam. Sau đó, con số này tăng lên dần đến 40.000 người. Cho đến những năm 1980, những người gốc quốc tịch Việt Nam có thể được chính phủ Đức dễ dàng công nhận tỵ nạn với lý do nhân đạo hay chính trị. Ngoài ra, còn có những người Việt Nam đến Đức đoàn tụ gia đình hay người tự nộp đơn xin định cư. Chính Hòa thượng Như Điển (từ Nhật đến) cũng đã nộp đơn xin định cư và được chấp thuận.
Đoạn đường mười năm đầu tiên
Ngay trong vòng mười năm đầu tiên ấy, lần lượt những ngôi Niệm Phật đường khác tại nước Đức bắt đầu xuất hiện. Năm 1984, vị nữ tu sĩ Phật giáo, bấy giờ là Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm đến Hamburg và thành lập chùa Bảo Quang tại đây. Thành phố cảng Hamburg là nơi quy tụ đông đúc người Việt Nam, nên nhu cầu thành lập một ngôi già lam rất là bức thiết. Năm 1985, ở tỉnh München, trước sự tham dự của chính trị gia đảng CSU, Tiến sĩ Peter Gauweiler và 150 khách khác, ngôi Niệm Phật đường Tâm Giác đã được khánh thành nhưng phải chờ đợi lâu lắm mới có một vị tu sĩ đến đảm nhận chức vụ trụ trì do tình trạng khan hiếm tu sĩ ở hải ngoại. Ở Berlin, từ những ngày đầu, Hòa thượng Thích Như Điển cũng thường lui tới thăm viếng các sinh viên và những người Việt Nam tại đây. Phật tử ở Berlin đã quan hệ thường xuyên với ngôi Phật đường nổi tiếng của người Đức ở Berlin-Frohnau là “Hiệp hội Phật giáo ở Berlin – Buddhistischen Gesellschaft Berlin e.V.”. Vào năm 1981, Chi hội Phật tử Berlin được thành lập, rồi từ năm 1983, họ bắt đầu vận động thành lập ngôi Niệm Phật đường Phật giáo Việt Nam tại địa phương này. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1987, ngôi Niệm Phật đường Linh Thứu tại Berlin mới được thành hình. Các địa phương khác như Bremen, Hannover, Frankfurt, Nürnberg- Fürth-Erlangen, Wiesbaden, Barntrup, Norddeich,… đã thành lập các Chi hội Phật tử và các đội văn nghệ để có thể thường xuyên sinh hoạt văn hóa, tôn giáo. Có nơi chỉ hoạt động được vài năm rồi tạm ngưng. Nhưng cũng có rất nhiều địa phương, sau một thời gian ngắn sinh hoạt họ đứng ra vận động thành lập nên các ngôi Tịnh thất hay Niệm Phật đường tại các địa phương này.
Phật giáo Việt Nam sau khi nước Đức thống nhất
Cùng với sự kiện bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989 và nước Đức thống nhất vào năm 1990, một nhóm người Việt Nam khác được thành hình. Đó là nhóm 60.000 người Việt Nam gốc là những khách thợ từ Việt Nam đến Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR). Việc quan hệ sinh hoạt trong giai đoạn đầu của hai nhóm người Việt Nam này đã có những khó khăn. Một bên là nhóm người từ miền Nam Việt Nam đã sống từ mấy năm nay ở Tây Đức, nhóm kia là những công nhân khách thợ Đông Đức. Điều đáng tiếc là đã có một nhóm rất nhỏ những người Việt Nam nhập cư bất hợp pháp qua cửa ngõ các nước khối chủ nghĩa xã hội khác, khi đến Đức họ đã làm các hành động phi pháp hay phạm pháp trong suốt những năm 1990. May thay là tình trạng ấy, kể cả các mâu thuẫn trong cộng đồng người Việt, sau một thời gian ngắn đã không còn nữa.
Năm 1989 cũng là năm ngôi chùa Viên Giác bắt đầu xây dựng ở vị trí hiện nay. Tháng 12 năm 1991, chùa dọn về địa điểm mới này. Rồi một năm rưỡi sau đó, vào tháng 8 năm 1993, chùa Viên Giác được chính thức khánh thành với sự tham dự của nhiều đại tăng tôn túc và quan khách đến từ khắp nơi trên toàn thế giới. Chi phí xây dựng chùa Viên Giác tổng cộng là 9 triệu Đức Mã, hoàn toàn do các Phật tử cúng dường hay vay mượn hội thiện (mượn không lấy tiền lời). Ngoài ra, còn có không biết bao nhiêu những ngày, giờ công của không biết bao nhiêu Phật tử công quả đã đóng góp vào công trình xây dựng ngôi già lam to lớn nhất tại nước Đức này. Tòa nhà chính của chùa Viên Giác gồm có 2 tầng với diện tích là 815m2, các khu vực phụ mang diện tích 666m2. Ngôi Chánh điện có diện tích 450m2, có khả năng dung chứa số lượng 400 người. Ngoài ra, còn có một nhà bếp lớn, một hội trường, một phòng Tổ đường và Thiền đường, một thư viện và nhiều phòng ốc khác.
Năm 2003, sau khi xây dựng đã khá hoàn chỉnh, Thầy Như Điển trao nhiệm vụ trụ trì ngôi già lam này lại cho người đệ tử lớn, lúc đó là Đại đức Thích Hạnh Tấn. Trong dịp này, Trưởng Môn phái Lâm Tế Chúc Thánh là cố Hòa thượng Thích Bảo An (lúc đó đã 90 tuổi, viên tịch 2011) đã dẫn đầu một phái đoàn chư tôn đức giáo phẩm môn phái từ Bình Định đến viếng chùa Viên Giác Hannover. Hòa thượng Thích Bảo An đã đặt những nghệ nhân khắc hai tấm hoành phi tuyệt đẹp. Rồi sau đó, Ngài đích thân mang hai pháp bảo này đến Viên Giác để tặng. Xin nói thêm, ở thời điểm ấy, Đại Lão Hòa thượng Thích Bảo An là một đại tăng có giáo phẩm cao nhất của Lâm Tế Chúc Thánh đang sống tại Bình Định, nơi ngày xưa vào năm Đinh Tỵ 1677, Tổ Nguyên Thiều do tránh loạn Mãn Châu chạy đến Việt Nam đầu tiên đặt chân đến. Nơi đây, Ngài đã khai sáng dòng thiền Lâm Tế ở Việt Nam. Hai tấm hoành phi này hiện đang treo trang trọng trên hai cánh cửa ra vào của Tổ đường chùa Viên Giác Hannover.
Chúc Thánh Dư Hương có nghĩa là hương thừa của dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Ở đây, ý nói sự tiếp nối của Lâm Tế Chúc Thánh từ thuở Ngài Minh Hải mang dòng Thiền Lâm Tế đến đất Việt Nam để rồi hôm nay phổ biến ra đến hải ngọai nói chung và Viên Giác nước Đức nói riêng.
Chi Vinh Bổn Cố có nghĩa là “Cành tốt, gốc chắc”. Gốc chắc là gốc từ Hội An, Quảng Nam, do Tổ Minh Hải khai sơn phá thạch hơn 300 năm trước. Cành tốt là ý nói tông Lâm Tế Chúc Thánh đã đâm cành xanh tốt, vươn xa đến Đức Quốc, hàng con cháu Lâm Tế Chúc Thánh đã làm rạng rỡ sơn môn.
Ngay sau khi dọn đến, đã có nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế của Phật giáo được diễn ra tại đây, như:
– Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã đến viếng chùa Viên Giác nhiều lần, lần đầu tiên vào ngày 18 tháng 6 năm 1995 và lần gần đây nhất là vào ngày 20 tháng 9 năm 2013.
– Đại hội Ban Chấp hành Hội đồng Tăng già Thế giới (WBSC) đã nhóm họp tại đây vào năm 1991 với sự tham dự của 70 đại biểu Tăng già có tầm vóc cao và ảnh hưởng lớn của 16 quốc gia trên thế giới.
– Năm 1995, Đại hội Phật giáo hải ngoại lần thứ nhất cũng đã được long trọng tổ chức tại đây.
Phật giáo Việt Nam tại nước Đức hiện nay
Như vậy, bắt đầu từ thành phố Hannover, Phật giáo Việt Nam đã dần dần lan rộng đến các thành phố khác tại nước Đức. Bên cạnh ngôi chùa trung ương là chùa Viên Giác, các ngôi già lam khác dần dần mọc lên khắp nơi; như ở Hamburg, Berlin, München, Frankfurt, Aachen, Nürnberg, Mönchengladbach v.v… Sau khi lui về ngôi vị phương trượng, Hòa thượng Thích Như Điển đã thành lập thêm Tu viện Viên Đức ở Ravensburg miền Nam nước Đức. Trong một ngôi làng nhỏ tên Schmiedeberg thuộc tiểu bang Sachsen, Thượng tọa Thích Hạnh Tấn (một trong những vị đệ tử xuất gia đầu tiên của Hòa thượng và trụ trì chùa Viên Giác các năm 2003-2007) đã thành lập Tu viện Vô Lượng Thọ Amitayus chuyên tu miên mật. Các cơ quan truyền thông truyền hình Đức cũng rất thường xuyên đưa tin về các hoạt động Phật sự của những ngôi chùa hay tự viện này trong khắp nước Đức.
Ngày nay, Phật giáo Việt Nam đã là một tổ chức Phật giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại nước Đức. Khác với phương pháp tu tập “Tiếp hiện” do Thiền sư Nhất Hạnh chủ xướng, Hòa thượng Như Điển là đệ tử đời thứ 8 của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh và thực hành pháp tu như truyền thống từ các ngôi tự viện Tịnh độ tông ở quê hương Việt Nam. Hầu hết, các ngôi chùa Việt Nam khác ở nước Đức cũng vậy, cũng hành trì tu tập như truyền thống các chùa ở Việt Nam xưa nay.
Ngoài ra, Phật giáo Việt Nam ở Đức cũng có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức hội đoàn Phật giáo bản xứ, vẫn thường xuyên cộng tác với các hoạt động Phật sự tại địa phương, điển hình như việc cùng tham gia tổ chức Lễ hội Vesak Quốc tế. Phật giáo Việt Nam tại Đức đã được thành hình và là một phần không thể tách rời quang cảnh chung của Cộng đồng Phật giáo ở CHLB Đức.
Những thành quả của Hòa thượng Thích Như Điển đã mang một ý nghĩa lớn cho Cộng đồng Phật giáo Việt Nam nói riêng và Cộng đồng Phật giáo Âu châu nói chung. Trước tiên là việc hình thành ngôi chùa Viên Giác và mấy mươi ngôi già lam, tự viện ở khắp cùng nước Đức. Đó là những nguồn năng lượng tạo nên một sinh lực dồi dào mới cho Phật giáo ở Đức. Tiếp theo là số lượng to lớn tác phẩm sách báo mà Hòa thượng đã sáng tác, dịch thuật và công việc miệt mài du hành thuyết pháp độ sanh của Thầy cho hàng vạn Phật tử Việt Nam tại Đức cũng như trên toàn thế giới.
Tầm ảnh hưởng của Hòa thượng Như Điển cũng đã tạo tiếng vang sâu rộng trên địa bàn Phật giáo thế giới. Qua ảnh hưởng ấy mà chính Thủ tướng và Hội đồng Chính phủ nước Sri Lanka cũng như Hội đồng Tăng già Sri Lanka đã quyết định trao tặng Hòa thượng (cùng với Cố Hòa thượng Minh Tâm) “Giải thưởng Danh dự dành cho các nhà hoạt động tích cực truyền bá Phật pháp tại hải ngoại” vào tháng 7 năm 2011. Hai Hòa thượng còn nhận “Quạt Quốc Sư” truyền thống của Chính phủ Sri Lanka.
Và không ai khác hơn, chính một bậc tăng tài Phật giáo Việt Nam nổi tiếng thế giới là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, vào mùa thu năm 2014, trước một hội chúng đông người tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu EIAB ở Walbröl nước Đức (nhân chuyến viếng thăm trong khóa tu mùa hè) đã xác nhận rằng: “Hòa thượng Như Điển chính là người đầu tiên đặt nền móng gầy dựng nên Phật giáo Việt Nam tại nước Đức. Chùa Viên Giác tại Hannover cũng là ngôi chùa được thành lập đầu tiên tại Đức; nên tất cả chùa Việt Nam tại đây đều nên quy hướng về chùa Viên Giác và ngay cả chùa ở EIAB tại Walbröl nầy cũng như thế”. Sau đó, Thiền sư đã dạy tất cả các tăng ni sinh của Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu đang hiện diện hôm ấy ra đảnh lễ tri ân Hòa thượng Thích Như Điển.
Gần đây nhất, Đại hội lần thứ 10 Hội đồng Tăng già Thế giới (WBSC) nhóm họp từ 10 đến 15.11.2018 tại Malaysia đã cung thỉnh Hòa thượng Thích Như Điển vào vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Tăng già Thế giới.
Dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những truyền thống Phật giáo hàng đầu ở Đức hiện nay. Đa số thành viên là Phật tử người Việt Nam, người ta ít thấy Phật tử Đức lui tới tu tập tại các đạo tràng này. Hiện nay, cũng không còn thấy Tăng, Ni người Đức xuất gia ở các tự viện thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Tuy vậy, Phật tử Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các nhóm Phật giáo khác tại bản xứ. Ngay trong khuôn viên chùa Viên Giác có nhóm Phật tử người Đức theo truyền thống Tây Tạng sinh hoạt thường xuyên, nhưng họ chỉ mượn dài hạn cơ sở và tu tập biệt lập theo giáo trình riêng.
So sánh giữa hai nhóm Phật tử người Đức và Phật tử gốc Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng, mặc dù cùng là Phật tử, cùng trong một bối cảnh Phật giáo toàn cầu hóa hiện nay vẫn có những điểm khác biệt như sau đây. Đó là:
– Về mặt quản lý sinh hoạt, cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Đức theo nguyên tắc truyền thống là Pháp DĀNA, nghĩa là cúng dường tài vật lực hay công sức công quả… và hoàn toàn tự nguyện. Phật tử Việt Nam cúng dường không chỉ cho các tự viện ở địa phương mình mà các chùa khác trên thế giới. Các đạo tràng của người Đức sinh hoạt lệ thuộc vào hội phí hay thu lệ phí cho các chương trình sinh hoạt, tu tập.
– Phật giáo Việt Nam tại Đức dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng Thích Như Điển rất chú trọng đến việc bảo tồn truyền thống. Mọi nghi thức lễ bái cúng kiếng đều là nghi thức gốc từ Việt Nam. Các thời pháp thường thuyết bằng tiếng Việt (ngoại trừ các khóa tu cho giới trẻ sinh ra ở hải ngoại). Điều đó không có nghĩa là các giảng sư không nói được tiếng Đức. Có rất nhiều đệ tử xuất gia của Thầy Như Điển, và kể cả Thầy cũng có khả năng nói thông thạo nhiều ngoại ngữ. Họ cũng đã tốt nghiệp các đại học ở Đức hoặc các nước phương Tây. Một Tăng sĩ có trình độ học vấn cao là điều rất cần thiết, nhưng cũng cần thiết không kém khi họ biết học hỏi và duy trì truyền thống trước những biến chuyển dồn dập của các trào lưu tư tưởng.
– Trong phạm trù nhân khẩu học cũng có sự khác biệt. Các thế hệ Phật tử tiếp theo của cộng đồng Phật tử Việt Nam chính là những con cháu của các Phật tử hiện nay, hoặc đôi khi là những người trẻ gốc Việt Nam mới nhập cư vào Đức. Cộng đồng Phật tử người Đức thì chủ yếu là những người đã cải đạo từ truyền thống Cơ Đốc. Do vậy, có nhiều đạo tràng Phật giáo Đức đang bị trì trệ và lão hóa do thiếu các thế hệ trẻ tiếp theo, không giống như các đạo tràng có gốc là những người di cư.
– Yếu tố thẩm thấu văn hóa cũng là một yếu tố quyết định khác. Trong các sinh hoạt hằng ngày của những gia đình Phật tử người Việt mọi nếp nghĩ, ngôn ngữ đều thấm nhuần sắc thái Phật giáo – hay có âm hưởng giáo lý Phật giáo. Từ những câu chuyện hằng ngày cho đến thơ nhạc, chuyện cổ tích… đều mang nét đặc thù văn hóa Phật giáo, được trao truyền từ ông bà cha mẹ đến hàng con cháu. Phật tử người Đức thì sau khi đã tìm hiểu về giáo lý Phật giáo họ mới tìm đến Phật giáo. Do vậy, tâm hồn vẫn còn mang đậm nét nguồn gốc văn hóa Tây phương của họ.
– Và điểm cuối cùng, trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, hầu như tất cả các cộng đồng Phật giáo đều do chư tôn đức tăng ni lãnh đạo. Tăng ni được Phật tử Việt Nam rất kính trọng. Trong khi các cộng đồng Phật giáo người Đức thường do các cư sĩ Phật tử phụ trách. Các bậc phụ huynh trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam cũng thường khuyến khích con cháu mình phát tâm xuất gia để làm hạt giống duy trì tổ chức Tăng già trong tương lai. Chính khi một đoàn thể Tăng già tồn tại và phát triển thì Phật pháp mới có cơ hội duy trì và phát triển trong những thế hệ tiếp nối trong tương lai.
Đức Quốc, tháng 8/2020
OLAF BEUCHLING(1)
VĂN CÔNG TUẤN(2)
_Chú thích:
1. Tiến sĩ Olaf Beuchling, pháp danh Thiện Trí, nhà Nghiên cứu về Văn hóa và Giáo dục, là Giáo sư giảng dạy ở các Đại học tại Cộng hòa Liên bang Đức và Tây Ban Nha. Ông đã viết một số sách và nhiều bài báo chủ đề Phật giáo và về việc hội nhập của Cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
2. Kỹ sư Văn Công Tuấn, pháp danh Nguyên Đạo, chuyên viên Khoa học và Kỹ thuật Y khoa Đại học CAU Kiel; hiện là Trưởng ban Điện toán của ngành Radiologie & Neuroradiologie trực thuộc Uniklinikum Schleswig-Holstein Kiel, Đức. Đã xuất bản 4 tác phẩm về Phật giáo và Môi trường bằng tiếng Việt và Đức.
Hai tác giả từng hợp tác nghiên cứu về PGVN tại Đức. Họ đã cùng viết chung tác phẩm song ngữ Đức Việt: Xuôi dòng Cửu Long đậu bến Elbe. Nếp Chùa Việt trên đất khách / Vom Mekong an die Elbe. Buddhistisches Klosterleben in der vietnamesischen Diaspora. Nhà xuất bản Abera Verlag Hamburg (2013), là tài liệu nghiên cứu tham khảo cho nhiều đại học ở Đức.