Đóng góp của Hoà thượng Thiện Quả cho công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Quảng Nam – Đà Nẵng (TS.Dương Thanh Mừng)

          Bước sang đầu thế kỷ XX, trước sự khủng hoảng và suy yếu của Phật giáo Việt Nam, các tăng ni, Phật tử, các nhà trí thức cùng những người mến mộ đạo Phật, bằng nhiều phương cách đã tích cực đứng ra vận động chấn hưng, cải cách. Việc làm rõ hành trạng, số phận cùng những đóng góp của các nhân vật hữu công trong phong trào không những sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn tiến trình chấn hưng Phật giáo Việt Nam, mà qua đó, nó còn góp phần tri ân, tôn vinh các cá nhân, tổ chức đã có nhiều cống hiến cho sự trưởng thành và lớn mạnh của tôn giáo này. Với mong muốn đó, chúng tôi xin được đi vào phân tích và trình bày thêm về những đóng góp của Hòa thượng Thiện Quả – một trong những nhân vật Phật giáo tiêu biểu, đã có nhiều cống hiến quan trọng cho công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Quảng Nam – Đà Nẵng trong nửa đầu thế kỷ XX.

          1. Một số nét khái quát về cuộc đời của Hòa thượng Thiện Quả

          Hòa thượng Thiện Quả, tục danh là Dương Văn Y, sinh ngày 23/12/1881, tại xã Bình An, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ của Ngài là cụ Dương Thi An, pháp danh Chương Thái, hiệu Quảng Liên và thân mẫu là cụ Đỗ Thị Toại. Bước ngoặt đánh dấu cuộc đời Phật tử của Ngài bắt đầu từ năm 1891, tại chùa Hội Phước, xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, Phủ Điện Bàn (nay thuộc xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam). Ngài chính thức xuất gia tu học với Hòa thượng Như Lý – Hoằng Khâm2. Với chí nguyện giác ngộ truyền thừa của đức Phật để mang ánh sáng từ bi, trí huệ đến môn sinh, Ngài không ngừng tinh tấn tu học nên chỉ sau 4 năm đã nắm vững hai thời công phu cũng như các luật nghi của người mới nhập đạo. Thấy Ngài sáng dạ, tương lai có thể trở thành một bậc long tượng của Phật pháp nên vào năm 1895, Hòa thượng Hoằng Khâm đưa Ngài về Tổ đình Chúc Thánh để tu học. Ngài được Tổ Ấn Bính – Phổ Bảo thu nhận làm đệ tử và ban cho pháp danh Chơn Chứng, pháp tự Đạo Tâm, nối pháp dòng Lâm Tế đời thứ 40 và cũng là thế hệ thứ 7 pháp phái Chúc Thánh.

          Sau hai năm tu học tại đây, Ngài tiếp tục ra chùa Tam Thai (1897, Đà Nẵng) học tập kinh luật với các Hòa thượng Phước Trí, Từ Nhẫn,… thêm 4 năm. Sự tu học của Ngài tiến bộ vượt bậc nên đến năm 1901, Ngài được Bổn sư cho thọ Sa di giới tại Giới đàn chùa Từ Quang, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Sau khi thọ giới, Ngài xin Bổn sư ở lại Phú Yên tham cứu giáo lý với các vị tôn túc như Hòa thượng Pháp Tạng, Pháp Hỉ… Đến năm 1910, Ngài thọ Đại giới tại Đại giới đàn chùa Phước Lâm (Hội An) do Tổ Vĩnh Gia làm Đàn đầu Hòa thượng và được ban pháp hiệu Thiện Quả. Ngày 26/2/1918, Ngài được bản tỉnh chư sơn Quảng Nam công cử giữ chức trụ trì Tổ đình Chúc Thánh. Với khả năng tham thiền và thuyết giảng Phật pháp, cộng với đạo hạnh tinh nghiêm, Ngài đã quy tụ được đông đảo các môn đồ heo học tại Tổ đình Chúc Thánh. Tiếng tăm của Tổ đình Chúc Thánh cũng do thế mà ngày càng được củng cố và phát huy xa gần.

          Ngày 8/9/1920, triều đình nhà Nguyễn ban biển nghạch Sắc tứ cho Tổ đình Chúc Thánh. Theo Võ Vinh Quang, những ngôi chùa được vua phụng ban sắc tứ, tức là những ngôi chùa rất được triều đình nhà Nguyễn ưu ái. Và biển ngạch tên chùa được phụng ban sắc tứ sẽ góp phần khẳng định vị thế của ngôi chùa ấy3. Do đó, có thể nói rằng, ngoài công lao của các vị tổ sư đã dày công gây dựng tổ đình và Thiền phái Chúc Thánh, thì Hòa thượng Thiện Quả cũng đã có vai trò rất lớn trong việc nâng tầm tổ đình này lên một tầm cao mới, với đầy đủ tính chính danh của nó.

          Năm 1924, Hòa thượng Thiện Quả được chư sơn Huế cung thỉnh làm Đệ nhất Tôn chứng tại Giới đàn chùa Từ Hiếu do Hòa thượng Tâm Tịnh làm Đàn đầu. Đây cũng là khoảng thời gian mà chư vị hòa thượng như Giác Tiên, Giác Nhiên (Huế), Phổ Thoại, Quảng Hưng (Quảng Nam), Quốc sư Phước Huệ (Bình Định),… tích cực trong công tác vận động đào tạo tăng tài để khơi dậy tinh thần chấn hưng đạo pháp đến các tăng ni, Phật tử miền Trung. Do đó, Hòa thượng Thiện Quả đã sớm có cơ duyên tiếp xúc với các tư tưởng mới này để tìm hiểu và làm rõ hơn ước nguyện chấn hưng Phật giáo của mình tại Quảng Nam – Đà Nẵng. Đến năm 1928, Ngài được cung thỉnh làm Đệ nhất Tôn chứng Sư tại Đại giới đàn tại chùa Từ Vân, Đà Nẵng. Năm sau, Ngài đứng ra trùng tu lại Phương trượng chùa Chúc Thánh4.

          Ghi nhận những đóng góp của Ngài đối với Phật giáo vùng đất xứ Quảng, ngày 8/7/1933, Hòa thượng Thiện Quả được triều đình nhà Nguyễn sắc phong Tăng cang chùa Chúc Thánh và ban cho giới đao, độ điệp. Năm 1934, Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ tại giới đàn chùa Thạch Sơn, Quảng Ngãi. Và đến ngày 17/4/1936, Ngài tiếp tục được triều đình sắc phong Tăng cang Tam Thai – Linh Ứng nhị tự. Tiếng tăm và đạo hạnh ngày một vang xa, không những tại vùng đất miền Trung mà cả miền Nam và miền Bắc đều biết đến Ngài. Ngoài những hoạt động chấn hưng tại Quảng Nam – Đà Nẵng, từ giữa thập niên 30, của thế kỷ XX, Ngài còn được mời tham gia tán trợ cho các tổ chức Phật học ở Huế và ở miền Nam, như việc tham gia cộng tác, cố vấn cho tờ Duy Tâm Phật học – Cơ quan ngôn luận của Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1936); hay tham gia cố vấn đạo hạnh, đào tạo tăng tài cho Tỉnh Hội Phật học Đà Nẵng (1938); hay năm 1940, Ngài được Hòa thượng Huệ Chấn cũng như Sơn môn Chúc Thánh tại Gia Định cung thỉnh vào chứng minh trường Kỳ mở tại chùa Hưng Long…

          Sau những cống hiến cho Đạo pháp, ngày 6/7/1962, Ngài lâm bệnh và viên tịch, thế thọ 82 tuổi. Bảo tháp của Ngài được môn đồ an trí bên cạnh tháp Tổ Minh Hải trong khuôn viên Tổ đình Chúc Thánh.

          2. Đóng góp của Hòa thượng Thiện Quả trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Quảng Nam – Đà Nẵng

          Theo Hòa thượng Thiện Quả, nguyên nhân dẫn đến thực trạng khủng hoảng và suy yếu của Phật giáo Việt Nam nói chung và ở Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng bắt nguồn từ các vấn đề như tăng đồ thất học, tăng đoàn rời rạc, thiếu sự đồng nhất về mặt chính kiến trong chủ trương cũng như cách thức tu tập và sinh hoạt của tăng già. Cụ thể: “Một tôn giáo lưu hành khắp một nước mà không có người thay mặt cho giáo hội đứng ra gánh vác lấy phần trách nhiệm của giáo hội trong toàn quốc thì cái tôn giáo ấy ắt phải suy tàn loạn lạc… Chí như Phật giáo nước ta ngày nay suy tàn, tăng đồ trụy lạc, là do nơi không có người chủ quyền. Nên ai cũng muốn chiếm lấy độc quyền, mạnh ai nấy làm không ai giúp đỡ cho ai cả”5. Ở một phương diện sâu xa hơn, Hòa thượng Thiện Quả cũng đã tìm thấy căn nguyên sự suy yếu của Phật giáo còn bắt nguồn từ việc các triều đại phong kiến Việt Nam sau Lý – Trần không còn sử dụng tôn giáo này làm hệ tư tưởng chủ đạo cho việc cai trị đất nước: “Nước Việt Nam ta từ đời Lê đến Nguyễn, đạo Nho thịnh hành thông đồng với chính trị, còn đạo Phật tựa hồ như một đạo để phụ thuộc vậy thôi, vì thế mà Phật giáo nước ta ngày nay không người chủ quyền và không có thế lực gì cả; do những lẽ kể trên đây nên Phật pháp suy tàn, tăng đồ trụy lạc, chốn tòng lâm ngày nay không có cổ phong trật tự, không nhứt thống được. Đã không có người chủ trương lại thêm thất học, vì vậy mà thành ra ai cũng muốn chiếm độc quyền, mạnh ai nấy làm, thầy nào trò nấy, ai được nấy nhờ, ai mất nấy chịu, không ai giúp đỡ cho ai, hình như một việc tư của cá nhân… Nguyên nhân không thống nhất ấy nên mới chia ra phái này đảng nọ, rồi chê bai, kích bác nhau, thành ra một trường ngôn luận, bút chiến để làm trò cười cho kẻ ngoại đạo, nhắc đến càng thêm đau đớn”6.

          Nhằm khắc phục những khó khăn lẫn những hạn chế mà Phật giáo Việt Nam đang gặp phải, Hòa thượng Thiện Quả đã hướng hoạt động chấn hưng Phật giáo tại Quảng Nam – Đà Nẵng đến hai mục tiêu cơ bản là đào tạo tăng tài và xây dựng mô hình tổ chức giáo hội.

          Như đã nêu trên, sau khi tiếp xúc được ý nguyện chấn hưng Phật giáo của các bậc cao tăng đang quy tụ ở Huế, Hòa thượng Thiện Quả đã chủ động đứng ra vận động chư thiện tín góp công xây dựng Phật học đường, đồng thời, kêu gọi các tăng ni, Phật tử theo học. Ban đầu, Ngài cùng với Hòa thượng Phổ Thoại kiến thiết việc thành lập Bản tỉnh Chư sơn hội (1921). Mục đích là chỉnh huấn cách thức tu học, sinh hoạt cho thống nhất trong tăng chúng, sau là quy tụ các bậc tăng già có giới hạnh tinh nghiêm tham gia công tác đào tạo tăng tài. Tổ chức này hoạt động được hai năm thì giải thể bởi những khó khăn về kinh phí và một phần vì sự ngăn trở của thực dân Pháp. Tiếp đến, vào ngày 24/8/1927, Hòa thượng Quảng Hưng đã cùng nhóm họp với chư vị Hòa thượng Thiện Quả, Phổ Thoại, Chơn Bổn, Phước Trí, để bàn định việc xây dựng Phật học đường tại chùa Từ Vân. Trên cơ sở thống nhất ý kiến, Hòa thượng Quảng Hưng đã để đơn lên Chính phủ Nam triều cùng chính quyền thuộc địa và được chấp thuận vào ngày 19/11 cùng năm. Để có đủ kinh sách cho các học tăng theo học, năm 1928, Hòa thượng Quảng Hưng đã vào Sài Gòn xin được sao lục bộ Đại tạng kinh do Chư đoàn Việt cư sĩ ở Trà Vinh cúng tặng cho Phật học thư xã của Hội Nam Kỳ Phật giáo7; Hòa thượng Thiện Quả và các chư vị hòa thượng khác vận động tài chính, học tăng và nhất là các trẻ em các gia đình nghèo khó theo học. Cũng giống như Bản tỉnh Chư sơn hội, Phật học đường này cũng nhanh chóng tan rã bởi những khó khăn về tài chính và nhất là sự thiếu nhiệt thành của nhiều tăng ni, Phật tử đương thời.

          Không nản chí với những khó khăn ban đầu đó, Hòa thượng Thiện Quả vẫn tích cực tìm kiếm một con đường mới để tiếp tục thực hiện chí nguyện chấn hưng của mình. Năm 1932, Hội An Nam Phật học thành lập ở Huế, đánh dấu sự khởi đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung. Với những hình thức và nội dung hoạt động đầy mới mẻ, mang tính khoa học, tổ chức này nhanh chóng thu hút sự quan tâm, tán trợ của Ngài. Do đó, ngay sau khi đọc được bản Điều lệ và Quy tắc hoạt động của Hội An Nam Phật học, Ngài đã cùng với Hòa thượng Phổ Thoại tích cực kêu gọi chư tăng ni Quảng Nam – Đà Nẵng tham gia chấn hưng Phật giáo. Để công tác chấn hưng thực sự có những kết quả viên mãn, Hòa thượng Thiện Quả cùng chư vị trong ban vận động đều nhận thấy sự cần thiết của việc thành lập một tổ chức Phật học làm nòng cốt cho quá trình triển khai các hoạt động trong phong trào. Tháng 7/1933, nhân chuyến ra Huế nhận sắc phong, Hòa thượng Thiện Quả cùng môn đệ của mình là Hòa thượng Trí Nhãn đã tiếp xúc với Ban Trị sự Hội An Nam Phật học để bàn định việc thành lập chi nhánh tại Quảng Nam. Trên cơ sở đó, cuối năm 1933, chi nhánh An Nam Phật học Hội đã được thành lập ở Quảng Nam. Hòa thượng Thiện Quả, Phổ Thoại được cung thỉnh vào Chứng minh Đạo sư cho Tỉnh hội8. Ban Danh dự có M. Garel – Chánh Công sứ tỉnh Quảng Nam – Hội trưởng, Hội phó là L. Saigne – Phó Công sứ tỉnh, các Hội viên Danh dự như: D. Dupin, Reynaud, Denick…

          Thời gian đầu, do chưa quen với những đổi mới trong cách thức vận hành của phong trào chấn hưng nên một số tăng ni, Phật tử đã chối từ việc tham gia cải cách. Từ sau khi Hội Đà Thành Phật học thành lập (1935) và tiếp đó là chi nhánh của Hội An Nam Phật học thành lập ở Đà Nẵng (1936), các hoạt động chấn hưng Phật giáo mới thực sự khởi sắc mạnh mẽ. Nhiều tăng ni, Phật tử tại Quảng Nam – Đà Nẵng đã tích cực tham gia các hoạt động Phật sự do các tỉnh Hội tổ chức. Chính do vậy nên phạm vi hoạt động của phong trào ngày càng được nhân rộng, cơ cấu tổ chức của các Tỉnh hội ngày càng đón nhận được sự tham gia giúp sức từ nhiều vị chư tôn cũng như các nhà trí thức. Ngày 25/12/1938, thông qua kỳ nhóm họp hội đồng thường niên, các hội viên Tỉnh hội Quảng Nam đã bầu ra cơ cấu tổ chức mới như sau: Về phía Ban Chứng minh, Tỉnh hội tiếp tục cung thỉnh Hòa thượng Thiện Quả và Phổ Thoại làm Chứng minh Đạo Sư. Ban Trị sự gồm: Hội trưởng Trịnh Văn Đăng, Hội phó Phạm Nhạn, Cố vấn Đạo hạnh Hòa thượng Phổ Trí, Cố vấn Trị sự Lê Văn Hồ, Thư kí Thái Phương cùng Phó là Nguyễn Hữu Công, Thủ quỹ Trầm Duy Trinh cùng Phó là Trần Xuân Vịnh, Kiểm soát là Trần Đình Cư, Lý Xuân Sanh, Nguyễn Nhu, Đào Văn Ca. Cùng với việc củng cố cơ cấu tổ chức, Tỉnh hội Quảng Nam còn thiết đặt các tiểu ban để chăm lo các hoạt động Phật sự tại các Chi hội, Khuôn hội; thành lập các Phật học đường cấp Sơ đẳng, Trung đẳng phục vụ cho hoạt động đào tạo tăng tài, tổ chức các cuộc đàm thoại nhằm nâng cao kiến thức Phật pháp cho toàn thể hội viên; sưu tầm hệ thống kinh sách đồng thời tiến hành Việt hóa để phục vụ cho quá trình tu học… Đến ngày 8/12/1940, thông qua đại hội đồng thường niên, cơ cấu tổ chức của Tỉnh hội mới thực sự được củng cố và kiện toàn theo đúng cách thức của Hội An Nam Phật học. Cụ thể, về phía Ban Trị sự: Hội trưởng Nguyễn Quang Hùng, Hội phó Phạm Phú Dõng, Thư kí Tôn Thất Lang cùng phó là Trần Đình Thấu, Thủ quỹ Trần Xuân Vịnh cùng phó là Trầm Duy Trinh, Kiểm soát là Lý Xuân Sanh, Trần Đình Cư, Phạm Nhạn, Lê Đình Khôi, Lý Ngọc Trân, Thái Phương. Ban Danh dự với sự tham gia của M. Fugier Garel – Chánh Công sứ tỉnh Quảng Nam – Hội trưởng, Hội phó là Léon Saigne – Phó Công sứ tỉnh, các Hội viên Danh dự là: Docteur Dupin – Chủ tòa Y viện Quảng Nam, Reynaud – Chủ tòa Liêm phóng, Denick – Chủ tòa Kiểm soát. Ban Chứng minh Đạo sư gồm: Hòa thượng Thiện Quả. Ban Cố vấn gồm: Cố vấn Đạo hạnh: Hòa thượng Phổ Trí, Cố vấn Chính trị: Lê Văn Hồ, Trần Khắc Cần, Nguyễn Đức Ý, Chiêu Quảng Tín (sau bổ sung thêm: Dương Đình Lễ, Trần Bá Quát, Đoàn Công Bá, Trịnh Văn Đăng)9.

          Trong quá trình tham gia các hoạt động Phật sự tại Quảng Nam cũng như Đà Nẵng, với tư cách là Chứng minh Đạo sư, cố vấn và chăm lo các hoạt động của Hội, Hòa thượng Thiện Quả đã thực sự trở thành ngọn cờ tinh thần quan trọng, tập hợp đông đảo các tăng ni, Phật tử, các nhà trí thức tham gia nhiệt thành cho công cuộc chấn hưng Phật giáo.

          Đầu tiên phải kể đến là công tác giáo dục và đào tạo tăng tài, với khả năng và đức hạnh của mình, Hòa thượng Thiện Quả đã quy tụ được đông đảo các tăng ni, thiện tín tham học tại Phật học đường Chúc Thánh. Ngoài Tổ đình Chúc Thánh, Hòa thượng Thiện Quả còn tham gia đào tạo học tăng tại các Phật học đường ở Đà Nẵng như: Phổ Hiền, Phước Lâm, Phổ Thiên (sau đổi thành Phổ Đà), Từ Vân… Cùng với công tác đào tạo, bản thân Ngài cũng luôn đi tiên phong trong vấn đề tu học, giáo dục và giáo dưỡng nhân cách để các tín đồ, thiện tín noi theo. Các vị đệ tử dưới sự dạy dỗ, hướng dẫn của Ngài đã trưởng thành và có nhiều đóng góp cho nền Phật giáo nước nhà như: Cố Hòa thượng Thích Trí Giác: Trụ trì chùa Phước Lâm – Tam Thai. Cố Hòa thượng Thích Trí Nhãn: Trụ trì Tổ đình Chúc Thánh. Cố Hòa thượng Thích Trí Minh: Trụ trì chùa Pháp Bảo. Cố Hòa thượng Thích Như Vạn: Trụ trì chùa Phước Lâm. Cố Hòa thượng Thích Trí Nghiêm: Trụ trì chùa Bửu Đà, Sài Gòn. Cố Hòa thượng Thích Như Huệ: Khai sơn chùa Pháp Hoa, Nam Úc…

          Một trong những nội dung tiếp theo phản ánh rõ nét tâm tư nguyện vọng chấn hưng đạo Pháp của Ngài là Bản chương trình Luận về vấn đề chấn hưng Phật giáo do ngài dày công xây dựng. Bản chương trình này được Ngài công bố trên Tạp chí Duy Tâm Phật học, số 5, 7, năm 1936. Cụ thể:

          – Về mặt tổ chức, theo Hòa thượng Thiện Quả, muốn chấn hưng Phật giáo nên thể theo cách thức tổ chức của Công giáo hoặc Phật giáo ở Cao Miên [Thực ra là Viện Nghiên cứu Phật giáo Tiểu thừa tại bản xứ (Institut Indigène d’Études du Bouddhisme du Petit Véhicule, 1930), tổ chức này cũng được xây dựng dựa theo phong cách Tây phương] mà thực hiện thì sự kết quả mới được hoàn mỹ. Bắt đầu từ việc xin phép Chính phủ Nam triều thành lập một Hội Nghiên cứu Phật học, dựng Thích học đường (Phật học đường) để huấn luyện nhân tài, hoằng dương Phật pháp đến xuất bản Phật học Tạp chí để làm cơ quan truyền bá cho Phật giáo. Tiếp đến, các Hội Phật giáo trong ba kỳ sẽ hợp nhau lại rồi cùng nhau chọn những người chân tu, thực học, có đủ đạo hạnh, công cử mỗi tỉnh một đại biểu để hình thành nên Ban Chứng minh Đạo sư.

          – Về phía Ban Trị sự, Ban này sẽ chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình trước Hội quán Trung ương và được phân thành 3 tiểu ban. Cụ thể: Tiểu ban Phật giáo tông sẽ có 1 vị Thống giáo Đại lão Hòa thượng, 4 vị Chưởng giáo Đệ nhất Hòa thượng, mỗi tỉnh một vị Tổng giáo Hòa thượng. Trách nhiệm của vị Thống giáo là chăm lo công việc chung của Hội trong toàn quốc. Còn ở ba kỳ Bắc, Trung, Nam và xứ Cao Miên, mỗi một vùng sẽ bầu ra một vị Chưởng giáo chăm lo các công việc chung trong toàn vùng. Ở mỗi tỉnh sẽ bầu ra một vị Tổng giáo, dưới các huyện, xã thì tùy theo số lượng chùa ở từng địa phương mà cử chức Giám tự và Giáo thọ, một người hay nhiều người thì tùy theo số nhiều ít mà chia ra. Tiểu ban Phật Luật tông sẽ gồm một vị Chưởng Luật sư, 4 vị Biện Luật sư, mỗi tỉnh một vị Tuyên Luật sư. Trách nhiệm của Tiểu ban này là chăm lo giới luật, lễ nghĩa và vị Trưởng Luật sư sẽ được giao toàn quyền giám sát giới hạnh tăng chúng trong cả nước cũng như chịu trách nhiệm giải trình hằng năm trước Hội. Còn ở Trung, Nam, Bắc và Cao Miên, mỗi xứ sẽ cử một vị Biện Luật sư để điều tra giới hạnh của tăng đồ. Ở mỗi tỉnh cũng sẽ bầu ra một vị Tuyên Luật sư để chuyên giảng về môn luật cho tăng đồ. Tiểu ban Phật học Giáo dục tông sẽ có 1 vị Giám đốc Học sư, 4 vị Đốc Học sư, mỗi tỉnh một vị Giám Học sư. Vị Giám đốc Học sư có trách nhiệm phải chăm lo các hoạt động giáo dục trong toàn quốc, từ sơ cấp đến trung cấp và cao cấp. Ở Trung, Nam, Bắc và Cao Miên, vị Đốc Học sư sẽ có trách nhiệm sắp đặt, xem xét các trường Phật học và chăm lo các lớp trung học. Ở mỗi tỉnh, vị Giám Học sư sẽ chăm lo các lớp sơ học… Khi đã chỉnh đốn được ngôi thứ rồi thì Giáo hội phải lấy ý kiến phần đông mà lập một bản Điều lệ, Quy tắc phổ thông cho thích hợp với chân lý của Phật và sao lưu để ban bố cho các tăng ni, Phật tử trong toàn quốc. Rồi bắt đầu từ đó, các cấp, các ban cho đến các chùa, các hội viên trong toàn Hội thể theo bản Điều lệ và Quy tắc đó mà lần lượt tiến hành. Theo Hòa thượng Thiện Quả, có làm được như vậy thì mới thích hợp với cái tôn chỉ tự giác, giác tha, mới chỉnh đốn tăng già và sau thì khai hóa cho đời, chớ mình chưa tự độ mà độ người sao được10.

          – Về tài chính, nếu chùa nào không đủ điều kiện về kinh phí và tài lực để tham gia thì cố gắng giúp sức cho Hội có một cổ phần 5$, còn chùa nào có đủ điều kiện thì ủng hộ cho Hội năm ba hay là nhiều cổ phần càng tốt. Ngoài ra, bổn đạo ở các chùa thì thầy nào khuyên trò nấy, tùy hỉ kẻ ít người nhiều mà tham gia ủng hộ cho Hội. Làm như vậy có kém nửa cũng được ước chừng hai chục ngàn đồng. Trong số tiền đó, đề ra 10.000$ mua ruộng đất, ruộng đất ấy một năm hoa lợi ít ra cũng được 2.000$. Trong 2.000$ để 1.000$ chi phí về việc Hội và học phí11. Những đóng góp cơ bản ban đầu này là vô cùng cần thiết cho sự sống còn của Hội, cũng như công cuộc chấn hưng Phật giáo. Bởi theo cách mà Ngài nhìn nhận và đánh giá về thực trạng đời sống xã hội đương thời thì: “Đương lúc đạo tâm bế tắc, ý kiến bất đồng, lại là một thời kì quốc dân đương ở trong cái vòng kinh tế khuẩn bách, thời thế rộn ràng này, nào đói rách, nào bệnh hoạn, nào gia tư, nào thuế vụ chạy ngược xuôi, những điều cần thiết cho sự sống của con người trong lúc hiện thời đây còn không đủ thay, có đâu mà lo lắng đóng tiền vào Hội, mua Phật học Tạp chí; ngoài ra một đôi người có nhiệt tâm với Phật pháp, ráng nhịn nhục để chung lo việc tài thí thì cũng chưa chắc là được lâu dài viên mãn, vì theo điều lệ của mấy Hội Phật giáo trong nước ta, những tiền ngoại cấp không có định kì hạn là mấy năm. Còn về phần nhà chùa thì nhờ bổn đạo mà bổn đạo nghèo thì thầy làm sao giàu cho được. Nào nhang dầu, nào ăn uống, những món tiền chi phí hằng năm, mấy chùa có thế lực thì còn khá, còn chùa không thế lực thì họ lo phận sự trong chùa cũng chưa đủ huống chi tiền ngoại cấp của Hội; mà có được đi nữa cũng trong một ít chùa đó thôi, như vậy thì các Hội lấy chi mà làm cơ sở cho vững vàng được”12.

          – Về giáo dục và đào tạo tăng tài, chương trình đào tạo sẽ được phân làm ba cấp là sơ học, trung học và cao học. Phải có Nam học đường, Nữ học đường và các học sinh theo học sẽ không phân biệt tăng đồ hay tín đồ. Cấp sơ học và trung học phải đóng học phí, còn cấp cao học không phải đóng.

          Đối với các nam học tăng, nếu quy tụ đủ 20 người sẽ tiến hành mở lớp. Trong đó, 10 học tăng nam sẽ chuyên về Phật học và học cho đến khi đủ điều kiện cấp bằng tốt nghiệp. 10 học sinh còn lại sẽ học các cấp sơ học và trung học, sau khi tốt nghiệp, số học sinh này sẽ chuyển sang nghiên cứu y học và khi đủ điều kiện Hội sẽ cấp bằng tốt nghiệp về bên y. Khi các học sinh khóa đầu tiên ra trường thì Hội sẽ lấy số tiền dự định mỗi năm 1.000$ trên kia đem ra lập nhà in: một là cho Hội đỡ tiền thuê mướn nhân công, hai là Hội sẽ nhận thêm các phần việc bên ngoài để có thêm kinh phí hoạt động. Lại lập Y viện cho học sinh đã tốt nghiệp bên y ra giúp việc. Làm như vậy thì học sinh được thông rõ đạo lý, được nghề nghiệp, được có việc làm, vì y học cũng là một phương tiện để cứu đời, cứu người. Đối với nữ học tăng cũng để một phần chuyên về Phật học và học đến khi tốt nghiệp Phật học, còn một phần tín đồ nữ học lấy bằng sơ học và trung học. Số nữ học tăng sau khi tốt nghiệp trung học có thể chuyên về y học hoặc chuyên về nữ công gia chánh và học cho đến khi đủ điều kiện để cấp bằng nữ công tốt nghiệp. Làm như vậy thì các nữ học tăng cũng sẽ nắm vững được đạo lý, được trọn công dung ngôn hạnh và trở thành những người phụ nữ có đủ chức nghiệp. Trong Y viện, tăng thì chữa bệnh bên nam, còn ni thì chữa bệnh bên nữ. Còn về phần các tăng ni sinh sau khi đậu bằng Phật học tốt nghiệp rồi thì Hội phái đi các chùa giảng đạo (tức trở thành các giảng sư cho Hội), chùa nào có đủ thế lực nên dựng trường học, còn chùa nào không đủ thế lực, không thể dựng được trường thì Hội phái người đến thuyết pháp một năm ít nữa là ba kỳ, làm như vậy đến khi Phật học lan rộng ra, có được nhân tài rồi thì các hội Phật giáo trong ba kỳ hiệp nhau xin phép chính phủ bảo hộ và Chính phủ Nam triều được công cử một người cầm quyền trong giáo hội và chỉnh đốn tòng lâm cho có cổ phong trật tự13. Theo Hòa thượng Thiện Quả, “như vậy mới gọi là một việc phổ tế lưỡng lợi mà Hội lại có đủ tài chính làm cơ sở chứ giữa thời kì kinh tế này mà người ta cứ trông ở sức ngoại hộ thì làm sao mà cho có cơ sở vững vàng được”. Hòa thượng giải thích thêm: “Người ta đương ở trong cái cảnh ngộ cơ hàn túng thiếu có tiền đâu mà đóng tiền học phí và tiền ngoại cấp, không phân kì hạn, đóng trót cả đời; còn học sinh đến lúc ra trường thì chỉ biết đạo lý mà thôi chứ không có hưởng được một phần lợi ích gì của Hội, trong cái kiếp sống của con người lúc hiện thời thì tôi định chắc rằng họ không thể làm được”14.

          Nhìn từ chương trình nêu trên có thể nhận thấy rằng, sự khủng hoảng suy yếu của Phật giáo Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX nói chung, Quảng Nam – Đà Nẵng nói riêng, đã đặt ra cho Hòa thượng Thiện Quả nhiều ưu tư, lo lắng. Và rồi, với tinh thần và trách nhiệm một người con của đức Phật, Ngài đã quyết chí chấn hưng đạo Phật. Chương trình chấn hưng Phật giáo do Ngài dày công xây dựng đã nhắm đến và đúng với 2 mục tiêu cơ bản nhất mà công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam cần phải thực hiện là đào tạo tăng tài và xây dựng mô hình tổ chức giáo hội để quy tụ và thống nhất tăng chúng trong cả nước dưới một mái nhà chung. Điều đặc biệt quan trọng hơn nữa là việc Ngài luôn đề cao vai trò giáo dục trong sự hình thành nhân cách, đức hạnh cho con người cũng như việc gắn liền giáo dục, đào tạo với vấn đề thực nghiệp, giữa học với hành… Những thành tựu mà phong trào chấn hưng đã góp phần cho sự trưởng thành và lớn mạnh của Phật giáo Việt Nam như hiện nay quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Các học tăng trưởng thành từ công cuộc chấn hưng Phật giáo đã trở thành những đấng thạch trụ tinh anh, là rường cột cho Phật giáo Việt Nam qua nhiều thập kỷ như: Hòa thượng Trí Thủ, Tịnh Khiết, Thiện Minh, Nhất Hạnh… Tuy nhiên, chương trình nêu trên cũng gặp phải những hạn chế nhất định, như việc xác định một cách cụ thể các nội dung trong chương trình đào tạo, việc chuyên biệt hóa chức năng của hệ thống tổ chức ở các cấp địa phương, hay là vấn đề chỉnh lý phương pháp và cách thức tu tập sinh hoạt của tăng già sẽ được đặt ra như thế nào?… Mặc dù có những hạn chế như vậy, song những hoạt động của Hòa thượng Thiện Quả trên đây đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Quảng Nam – Đà Nẵng cũng như cả nước tiến lên phía trước và tạo nên một phong trào sâu rộng mạnh mẽ trong lòng quần chúng Phật tử cũng như những người mến mộ đạo Phật đương thời. Đánh giá về những đóng góp của Ngài, Hòa thượng Thích Chơn Phát – một trong những học trò xuất sắc của Ngài đã viết: “Trong phong trào chấn hưng nước nhà, riêng tại Quảng Nam, Ngài đã cùng với Hòa thượng Phổ Thoại lãnh đạo tăng tín đồ cố xoay lại nền đạo giáo vốn đã bị suy đồi do thực dân Pháp tạo nên. Điều ấy chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng, sự huy hoàng của Phật giáo hiện nay, phần lớn nhờ công đức của Ngài đã tạo dựng”15.

TS. DƯƠNG THANH MỪNG
Học Viện Chính trị Khu vực III, Đà Nẵng

 

 

_Chú thích:

1. Xin được lưu ý rằng, ở miền Nam cũng có ngài Thiện Quả (1855-1933), pháp danh là Quảng Chánh và tục danh là Nguyễn Văn Quới, xuất gia lúc 55 tuổi với Hòa thượng Tập Tường, chùa Linh Sơn, núi Bà Kheng, hạt Siem Reap, Campuchia. Sau đó, ông chuyển về tu tập và hành trì Phật pháp tại chùa Kim Chương, Nam Vang. Ông là người rất nhiệt thành ủng hộ Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học trong công cuộc chấn hưng Phật giáo và là Hội viên thường hộ của tổ chức này. Ngôi chùa Kim Chương là một Chi nhánh của Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học và sau đó là Trụ sở của Hội Phật học An Nam tại Campuchia. Chính nhờ vai trò của tổ chức này mà Phật giáo Nam Tông Kinh đã du nhập vào Việt Nam.

2. Xem thêm: Thích Chơn Phát (1970), Sử liệu danh tăng, tự viện, thắng cảnh Quảng Nam, Phật học viện Quảng Nam ấn hành, tr. 11-12.

3. Võ Vinh Quang (2016), “Bàn thêm về sắc tứ 敕賜 và hai chữ “Sắc tứ” trong văn bia sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích Thiền sư Pháp kí minh”, Huế Xưa & Nay, số 137, tr. 70-77.

4. Thích Như Tịnh (2008), Hành trạng chư tôn thiền đức xứ Quảng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 97-104.

5. Thiện Quả (1936), “Đôi lời cùng ông phó nhì Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học”, Tiếng Chuông Sớm, số 16, tr. 13.

6. Thiện Quả (1936), “Luận về vấn đề chấn hưng Phật học ở nước ta”, Duy Tâm Phật học, số 5, tr. 284-288.

7. Để hiểu rõ hơn về sự ra đời của Hội Nam Kỳ Phật giáo ở thời điểm này, xin xem thêm Dương Thanh Mừng (2018), “Đóng góp của Hòa thượng Khánh Hòa với sự hình thành nền giáo dục tân học Phật giáo Việt Nam”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3.

8. Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, sđd, tr. 92.

9. Hội An Nam Phật học (1940), “Tin tức”, Nguyệt san Viên Âm, số 43, tr.28.

10. Thiện Quả (1936), “Luận về vấn đề chấn hưng Phật học ở nước ta”, Duy Tâm Phật học, số 7, tr. 409-411.

11. Thiện Quả (1936), “Luận về vấn đề chấn hưng Phật học ở nước ta”, Duy Tâm Phật học, số 5, tr. 284-288.

12. Thiện Quả (1936), “Luận về vấn đề chấn hưng Phật học ở nước ta”, Duy Tâm Phật học, số 5, tr. 284-288.

13. Thiện Quả (1936), “Luận về vấn đề chấn hưng Phật học ở nước ta”, Duy Tâm Phật học, số 7, tr. 409-411.

14. Thiện Quả (1936), “Luận về vấn đề chấn hưng Phật học ở nước ta”, Duy Tâm Phật học, số 7, tr. 409-411.

15. Sử liệu danh tăng, tự viện, thắng cảnh Quảng Nam, Tlđd, tr. 11-12.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hội An Nam Phật học (1940), “Tin tức”, Nguyệt san Viên Âm, số 43, tr. 28.

2. Trang Quảng Hưng (1927), “Việc chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ”, báo Đông Pháp, số ra ngày 17/12/1927.

3. Dương Thanh Mừng (2018), “Đóng góp của Hòa thượng Khánh Hòa với sự hình thành nền giáo dục tân học Phật giáo Việt Nam”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3.

4. Thích Chơn Phát (1970), Sử liệu danh tăng, tự viện, thắng cảnh Quảng Nam, Phật học viện Quảng Nam ấn hành, tr. 11-12.

5. Võ Vinh Quang (2016), “Bàn thêm về sắc tứ 敕賜 và hai chữ “Sắc tứ” trong văn bia sắc tứ Hà Trung tự Hoán bích Thiền sư Pháp kí minh”, Huế Xưa & Nay, số 137, tr. 70-77.

6. Thiện Quả (1936), “Đôi lời cùng ông phó nhì Hội trưởng Hội Nam Kì nghiên cứu Phật học”, Tiếng Chuông Sớm, số 16, tr. 13.

7. Thiện Quả (1936), “Luận về vấn đề chấn hưng Phật học ở nước ta”, Duy Tâm Phật học, số 5, tr. 284-288.

8. Thiện Quả (1936), “Luận về vấn đề chấn hưng Phật học ở nước ta”, Duy Tâm Phật học, số 7, tr. 409-411.

9. Thích Như Tịnh (2008), Hành trạng chư tôn thiền đức xứ Quảng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.