Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh do Ngài Minh Hải – Đắc Trí – Pháp Bảo (1670-1746) khai sơn, lập đạo, xuất kệ truyền thừa vào thế kỷ XVIII tại vùng đất phố Hội xưa (nay là thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) thuộc miền Trung Việt Nam. Đây là một trong số ít những dòng thiền được khai sinh ngay trên lãnh thổ Việt Nam cùng một số dòng thiền tiêu biểu khác như: Bút Tháp, Trúc Lâm, Long Động, Thiên Thai… Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ngày một khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Phật giáo và dân tộc tại Việt Nam trên con đường xiển dương Phật pháp, phổ độ chúng sinh, lan tỏa ánh sáng đuốc tuệ, trí tuệ, đạo đức, từ bi, tình thương yêu vô bờ bến của chư Phật đến với chúng sinh ở khắp mọi miền của Tổ quốc, ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Do đó, nghiên cứu, tìm hiểu quá trình hình thành, phát triển và những đóng góp quan trọng của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cho sự phát triển của Phật giáo và dân tộc tại Việt Nam là hết sức cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Khái quát chung về vùng đất Quảng Nam và quá trình hình thành Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh
Sau công cuộc ngoại giao hòa bình – ngoại giao hôn nhân do đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông khởi xướng, mở ra con đường Nam tiến (tức mở rộng lãnh thổ về phía Nam) đã sáp nhập 2 vùng đất mới là châu Ô, Rí (còn gọi là Lý) (tức vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay) thuộc Chiêm Thành vào lãnh thổ Đại Việt, dưới ánh sáng trí tuệ, đạo đức, từ bi của Phật pháp. Đó là sự kiện năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông sau 2 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thắng lợi vào các năm 1285 và 1287-1288 đã trực tiếp du ngoạn, hoằng truyền Phật pháp tới vùng đất xa xôi phía Nam Đại Việt là châu Bố Chính (tức Quảng Bình ngày nay). Từ Bố Chính, Người sang thăm đất nước Chiêm Thành, hoằng dương Phật pháp. Tại Chiêm Thành, Người được vua Chiêm khi đó là Chế Mân và người dân Chiêm Thành đón tiếp hết sức nồng hậu. Sự kiện này, được Trần Chí Chính xác thực trong lời đề từ cho bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ như sau: “Có lúc ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía Nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều đó, hết sức kính trọng thỉnh mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè nghi trượng, thân hành tiễn ngài về nước và đem đất hai châu làm lễ cúng dâng cho ngài. Ấy là Thần Châu, Hóa Châu nay vậy”1. Đó là sự kiện năm Bính Ngọ, Hưng Long năm thứ 14 (1306), tháng 6, vua Chiêm Thành là Chế Mân dâng hai châu Ô, Rí, làm sính lễ xin cưới Huyền Trân công chúa là em gái của vua Trần Anh Tông, con gái của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Tiếp đó, vào thời nhà Hồ, do thất bại trong các cuộc chiến tranh với Đại Việt khi đó là Đại Ngu, vua Chiêm dâng thêm đất Chiêm Động và Cổ Lũy (tức vùng đất Quảng Nam ngày nay) cho Đại Việt. Nhà Hồ gọi đất đó là Hóa Châu, chia thành 4 châu nhỏ hơn là Thăng Châu, Hóa Châu, Tư Châu và Nghĩa Châu và đặt An Phủ Sứ cai trị. Năm 1471, sau khi chiếm vùng đất phía Nam Thuận Hóa cho đến đèo Cù Mông, vua Lê Thánh Tông lập thêm đơn vị hành chính thứ 13 – Thừa Tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Như vậy, vùng đất Quảng Nam chính thức sáp nhập và trở thành một phần lãnh thổ quan trọng của Đại Việt ở phía Nam. Quảng Nam nghĩa là mở rộng về phía Nam hay phương Nam, vùng đất đầu sóng ngọn gió gắn liền với công cuộc Nam tiến, mở rộng lãnh thổ về phương Nam của dân tộc Đại Việt. Quảng Nam là biên giới phía Nam của Đại Việt, một vùng đất mà mỗi khi nghe nhắc đến thì người dân tại các đạo thừa tuyên Thanh Hóa, Nghệ An thường than thở:
“Dậm chân xuống đất kêu trời
Chồng tôi vô Quảng biết đời nào ra”
Tháng 10 năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông phong tước Đoan quận công, cử vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Đến năm 1570, ông được nhà vua cho kiêm lãnh trấn thủ vùng đất Quảng Nam. Từ đây, Quảng Nam có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng trong công cuộc Nam tiến “Nam tiến, Bắc cự”, mở rộng cương vực lãnh thổ, xây dựng giang sơn riêng của nhà Nguyễn ở phía Nam. Nói về tầm quan trọng của vùng đất Thuận Quảng, chúa Tiên Nguyễn Hoàng căn dặn chúa Nguyễn Phúc Nguyên như sau: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có Hoành Sơn (Núi Đèo Ngang) và Linh Giang (Sông Gianh) hiểm trở, phía Nam có Hải Vân Sơn (Núi Hải Vân) và Thạch Bi Sơn (Núi Thạch Bi) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời” [4, tr.37].
Dưới thời các chúa Nguyễn, lãnh thổ biên giới quốc gia Đại Việt không ngừng mở rộng về phía Nam; xây dựng xứ Đàng Trong thành một vương quốc riêng đối trọng với nhà nước của vua Lê, chúa Trịnh ở phía Bắc. Hai xứ Thuận – Quảng trở thành một vùng đất trù phú như miêu tả trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: “Nguyễn Hoàng vỗ trị mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa, thường ban ân huệ, dùng phép công bằng, chấn chỉnh khuyên răn tướng sĩ bản bộ, cấm chấp kẻ hung ác, dân hai trấn đều cảm lòng mến đức, thay đổi phong tục, chợ không nói thách, dân không làm giặc, cổng ngoài không phải đóng. Thuyền buôn nước ngoài thường tới, trao đổi phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, người người gắng sức. Do vậy mà họ Mạc không dám dòm ngó. Trong cõi an cư lạc nghiệp” [3, tr.161]. Cùng với đó, các chúa Nguyễn là những người sùng mộ đạo Phật, chủ trương dựa vào Phật để cố kết nhân tâm, thu phục lòng người, kết nối cộng đồng, xây dựng chính quyền riêng biệt và mô hình quản trị quốc gia mới tại phía Nam. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng cho sự ra đời của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Việt Nam.
Năm Ất Hợi (1695), theo lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Chu, Thiền sư Minh Hải – Đắc Trí – Pháp Bảo đời thứ 34 của dòng thiền Lâm Tế (sinh thời, ngài có tên thế tục là Lương Thế Ân, sinh năm Canh Tuất (1670) tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Năm Mậu Ngọ (1678), Ngài xuất gia tại chùa Báo Tư thuộc tỉnh Phước Kiến khi vừa lên 9 tuổi. Sau một thời gian tu học, Ngài thọ giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu là Pháp Bảo) cùng với các Ngài Minh Lượng – Thành Đẳng, Minh Vật – Nhất Tri, Minh Hoằng – Tử Dung, v.v… trong hội đồng thập sư do Hòa thượng Thạch Liêm làm trưởng đoàn sang Đàng Trong truyền giới. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển của Phật giáo tại Việt Nam
Ngày mồng 1 tháng 4 năm Ất Hợi (1695), một đại giới đàn có quy mô lớn do Thạch Liêm Thiền sư làm Đàn đầu Hòa thượng được lập, thực hiện truyền các giới Sa Di, Tỳ Kheo và Bồ Tát cho khoảng 1.400 giới tử, trong đó nhiều người là bá quan, văn võ, đại thần, con cháu hoàng thân quốc thích. Tại giới đàn này, chúa Nguyễn Phúc Chu được đặt pháp danh là Hưng Long, pháp hiệu Thiên Túng Đạo Nhân. Sau khi giới đàn thành tựu viên mãn, Ngài Thạch Liêm cùng phái đoàn trở về Quảng Đông; trong khi đó, Ngài Minh Hải – Pháp Bảo cùng với các Ngài Minh Hoằng – Tử Dung, Minh Lượng – Thành Đẳng tiếp tục ở lại Đàng Trong thực hiện sứ mệnh hoằng dương Phật pháp.
Trong thời gian đầu ở lại Đàng Trong, Ngài Minh Hải – Pháp Bảo lập một thảo am nhỏ, đơn sơ, mộc mạc tại Hội An để tu tập, truyền bá Phật pháp cho nhân dân quanh vùng. Sau một thời gian, ngài cùng nhân dân trong vùng xây dựng ngôi chùa đầu tiên trang nghiêm, thành kính mang tên Chúc Thánh. Năm Bính Dần (1746), trước khi viên tịch, Ngài gọi chúng đệ tử đến căn dặn và truyền thừa bài kệ pháp danh, pháp tự. Bài Pháp kệ đã trở thành tôn chỉ hành đạo của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh qua các thế hệ.
“Truyền pháp danh kệ:
Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường
Truyền pháp tự kệ:
Đắc Chánh Luật Vi Tông
Tổ Đạo Giải Hạnh Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhân Thiên Trung”
Đóng góp của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đối với sự phát triển của Phật giáo và dân tộc
l* Đối với Phật giáo
Một là, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh góp phần quan trọng trong việc truyền bá, xiển dương, lan tỏa ánh sáng từ bi, trí tuệ, đạo đức của Phật giáo tới chúng sinh ở trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tôn chỉ này được thể hiện ngay tên Chúc Thánh khi Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo khai sơn, xuất kệ truyền thừa, sáng lập dòng thiền mang tên ngôi chùa đầu tiên là Chúc Thánh nghĩa là chúc cho Thánh đạo, ánh sáng đạo đức, trí tuệ, từ bi của Đức Thế Tôn – Bậc Chuyển Luân Thánh Vương, Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Bậc Thế Gian Giải… lan tỏa khắp thế gian.
Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ngày một mở rộng, phát triển lớn mạnh không chỉ tại Việt Nam mà còn tại các quốc gia phát triển khác như: Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Na Uy, Đan Mạch, Italia, Ấn Độ, Nhật Bản… Hàng trăm ngôi chùa, tổ đình, đạo tràng, tu viện do chư tăng, ni của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tạo dựng, trở thành nơi tu học, đào tạo tăng tài, truyền bá Phật pháp. Tiêu biểu như: Tổ đình Chúc Thánh, Tổ đình Vạn Đức, Tổ đình Phước Lâm, Tổ đình Cổ Lâm, Tổ đình Viên Thông, Tổ đình Phước Huệ, Tổ đình Thiên Ấn, Tổ đình Viên Quang, Tổ đình Sơn Long, Tổ đình Thiên Hòa, Tổ đình Từ Quang, Tổ đình Phước Sơn, Tổ đình Hội Phước, Tổ đình Linh Sơn, Tổ đình Thiên Lâm, Tổ đình Thiên Hưng, Tổ đình Tập Phước, Tổ đình Đông Hưng, Tổ đình Hưng Long, Tổ đình Quán Thế Âm, Tổ đình Hội Khánh, Tổ đình Phước Hậu, chùa Viên Ý (Italia), chùa Viên Âm, chùa Viên Giác, chùa Tam Bảo (Đức), chùa Vạn Hạnh (Đan Mạch), Niệm Phật đường Thảo Đường (Nga), chùa Linh Sơn (Pháp); chùa Pháp Âm, chùa Pháp Bảo, chùa Minh Giác, chùa Thiên Ấn, chùa Phổ Quang (Úc), chùa Quan Âm; An Tường Tự viện, chùa Phổ Đà, chùa Đông Hưng (Mỹ), chùa Khuông Việt (Na Uy); Trung tâm tu học Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ)…
Hai là, trải qua nhiều thế hệ truyền thừa, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh góp phần quan trọng trong việc đào tạo thế hệ tăng tài tận tâm, tận lực phụng sự, xiển dương Phật pháp. Tiêu biểu như Hòa thượng Thiệt Dinh – Ân Triêm, Hòa thượng Pháp Kiêm – Minh Giác, Hòa thượng Toàn Nhâm – Quán Thông, Hòa thượng Chương Tư – Huệ Quảng, Hòa thượng Chương Quảng – Mật Hạnh, Hòa thượng Ấn Bổn – Vĩnh Gia, Hòa thượng Ấn Lan – Từ Trí, Hòa thượng Chơn Pháp – Phước Trí, Hòa thượng Chơn Kim – Pháp Lâm, Hòa thượng Thiệt Úy – Khánh Vân, Hòa thượng Pháp Ấn – Quảng Độ, Hòa thượng Toàn Chiếu – Bảo Ấn, Hòa thượng Thiệt Đăng – Bửu Quang, Hòa thượng Toàn Định – Bảo Tạng, Hòa thượng Toàn Ý – Phổ Huệ, Hòa thượng Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm, Hòa thượng Toàn Nhật – Quang Đài, Hòa thượng Toàn Thể – Linh Nguyên, Hòa thượng Pháp Thân – Đạo Minh, Hòa thượng Như Điền – Huệ Chấn, Hòa thượng Chơn Trừng – Hưng Duyên, Hòa thượng Toàn Tánh – Chánh Đức, Hòa thượng Chương Đắc – Trí Tập, Hòa thượng Ấn Trí – Hoằng Chỉnh, Hòa thượng Đồng trí – Bảo Huệ, Hòa thượng Quảng Đức, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Hành Trụ…
Ba là, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển của Phật giáo tại miền Trung, miền Nam Việt Nam. Trước khi Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh xuất hiện, tại Việt Nam đã hình thành một số dòng Thiền Phật giáo có lịch sử hình thành, phát triển khá sớm, đạt được những thành tựu to lớn và có đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam như: Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Lâm Tế, Trúc Lâm… Trong đó, Thiền phái Trúc Lâm – một dòng thiền đậm chất thuần Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng, trên cơ sở thống nhất các dòng thiền trước đó, phát triển hết sức mạnh mẽ tại miền Bắc Việt Nam. Tại miền Trung và Nam Việt Nam do đặc điểm hoàn cảnh lịch sử, chính trị, xã hội, chiến tranh chi phối, nên Phật giáo phát triển khá muộn gắn liền với công cuộc Nam tiến của người Việt khoảng thế kỷ XVI-XVII, sau sự kiện chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613) vào trấn thủ Thuận Hóa nhằm tạo dựng vương triều, cơ đồ riêng biệt tại phía Nam đối trọng lại vương triều vua Lê, chúa Trịnh ở phía Bắc. Do đó, sự ra đời của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh vào thế kỷ XVII tại miền Trung Việt Nam là cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần làm phong phú, đa dạng, sinh động cho bức tranh Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo tại khu vực miền Trung và Nam Việt Nam thời kỳ cận, hiện đại.
Bốn là, dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh có khác so với các dòng thiền ở Việt Nam là việc truyền pháp danh và pháp tự. Qua bài kệ truyền thừa của Tổ sư Minh Hải – Đắc Trí – Pháp Bảo có pháp danh bắt đầu bằng chữ Minh và pháp tự bắt đầu bằng chữ Đắc. Tiếp nối ngài Minh Hải, hàng đệ tử của Ngài được truyền thừa theo thứ tự có pháp danh chữ Thiệt và pháp tự chữ Chánh như: Thiệt Đăng – Chánh Trí, Thiệt Diệu – Chánh Hiền, Thiệt Dinh – Chánh Hiển, v.v… Tuy nhiên, cùng thời với Ngài Minh Hải, có rất nhiều vị thiền sư thuộc thế hệ thứ 34 dòng thiền Lâm Tế với pháp danh bắt đầu cũng bằng chữ Minh theo bài kệ của ngài Vạn Phong – Thời Ủy cũng truyền thừa cho các hàng đệ tử pháp danh chữ Thiệt theo câu kệ: “Hành Siêu Minh Thiệt Tế”. Song chỉ có dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh của ngài Minh Hải – Pháp Bảo là có pháp tự bằng chữ Chánh đứng đầu. Đây là một trong những điểm đặc sắc của dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh so với các thiền phái khác nói chung và Thiền phái Lâm Tế nói riêng tại Việt Nam.
Mặt khác, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh chủ trương kết hợp Thiền-Tịnh song tu nhằm đem lại sự lợi lạc, an lành cho hành giả và tha nhân. Chủ trương lấy giới luật làm gốc – tức hành trì, tu tập theo giới luật theo lời giáo huấn của Đức Thế Tôn trước khi nhập đại niết bàn. Trước khi lâm chung, Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo cũng không quên căn dặn các chúng đệ tử “Sau khi ta diệt độ, các con hãy lấy giới luật làm Thầy”. Vâng mệnh lời giáo huấn, răn dạy của Ngài, các thế hệ đệ tử của dòng Thiền Chúc Thánh luôn chủ trương coi trọng và đề cao giới luật trong tu học, hành trì Phật pháp. Đây cũng là một điểm hết sức đặc sắc của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh so với các dòng thiền khác tại Việt Nam. Tinh thần này được thể hiện chi tiết trong cuốn Sa-môn Pháp Chuyên – Luật Truyền – Diệu Nghiêm Thiền Sư Xuất Thế Nhân Do Tích Chí qua bài thuật về Thiền sư Pháp Chuyên, đời thứ 36 của dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh: “Ngài ngày ăn một bữa, xa lìa tài sắc, không màng đến chuyện thế sự, thường xem kinh luật, tinh tấn cầu đạo, tụng chú Đại Bi một tạng, đảnh lễ Tam Thiên, Vạn Phật, Hồng Danh mỗi loại năm lần, đem thiện căn này cầu cho tội chướng tiêu trừ, sớm thành Phật đạo”2.
Năm là, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh góp phần quan trọng trong việc làm giàu thêm bản sắc truyền thống Phật giáo Việt Nam thời kỳ cận, hiện đại. Đó là truyền thống nhân nghĩa, từ bi, hỷ xả, thương yêu cứu vớt chúng sinh ra khỏi trầm luân đau khổ, gần gũi, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân lao động, hòa nhập vào đời sống chốn nhân gian để vui buồn cùng những người dân lương thiện, hồn hậu, chất phác, thật thà, gần gũi với cuộc sống của người dân chốn thôn quê. Điều này được thể hiện thông qua tên một số ngôi chùa như: ngôi chùa Tổ đầu tiên của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tên dân gian là chùa Lúa, chùa Phước Lâm là chùa Khoai, chùa Vạn Đức là chùa Cây Cau…. Dân gian tại Bình Định còn lưu truyền câu ca: “Phổ Bảo nhiều bánh, Hưng Khánh nhiều nhang, Phổ Quang nhiều lúa”. Đó là truyền thống nhập thế hộ quốc an dân, Phật pháp đồng hành cùng dân tộc, truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống nhân đạo, nhân văn, nhân nghĩa, đại hùng, đại lực, đại trí, đại từ bi của đạo Phật được chư tăng qua các thế hệ của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh củng cố, bảo vệ, duy trì và phát triển.
Sáu là, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh góp phần quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu, hình ảnh và nâng cao tầm vóc, vị thế của Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế như vừa kể ở trên.
* Đối với dân tộc
Một là, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh góp phần quan trọng trong việc mở rộng cương vực lãnh thổ Đại Việt (Việt Nam) về phía Nam. Dường như có sự sắp đặt của lịch sử khi Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh xuất hiện tại miền Trung Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều, Trịnh – Nguyễn phân tranh, Đàng Trong – Đàng Ngoài diễn ra hết khốc liệt; chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong chủ trương “Nam tiến, Bắc cự” nghĩa là mở rộng lãnh thổ và tầm ảnh hưởng về phía Nam thành lập một chính quyền, nhà nước và quốc gia riêng biệt nhằm đối trọng lại với chính quyền vua Lê, chúa Trinh ở phía Bắc. Trên bước đường Nam tiến đó, các chúa Nguyễn chủ trương dựa vào Phật giáo thực hiện chính sách an dân trị quốc, làm chỗ dựa tinh thần cho thể chế chính trị, xã hội Đàng Trong. Điều này được thể hiện rất rõ qua tên gọi đậm chất Phật giáo của các chúa Nguyễn như: Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn; Bồ Tát, Thiên Túng Đạo nhân Nguyễn Phúc Chu, Vân Truyền Đạo nhân Nguyễn Phúc Thụ, Từ Tế Đạo nhân Nguyễn Phúc Khoát.
Bởi lẽ, trên con đường xây dựng mô hình quản trị quốc gia mới trên một vùng lãnh thổ mới ở phía Nam, các chúa Nguyễn đã chọn Phật giáo làm bệ đỡ tinh thần cùng với Nho giáo tham gia vào việc quản trị quốc gia, quản lý và điều tiết xã hội, như nhận định của LiTaNa trong tác phẩm Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, như sau: “Trong tình hình mới này, các nhà lãnh đạo họ Nguyễn cảm thấy cần phải đưa ra một cái gì đó khác với tín ngưỡng của người Chăm để củng cố các di dân người Việt về mặt tinh thần và tâm lý. Không thể sử dụng Khổng giáo vì những khẳng định cơ bản của Khổng giáo trực tiếp mâu thuẫn với vị trí của họ Nguyễn bị coi là một chế độ ly khai và nổi loạn đối với triều đình. Tuy nhiên, họ Nguyễn lại không dám đi quá xa và không dám tìm ra một giải pháp hoàn toàn khác biệt với truyền thống của người Việt ở phía Bắc. Trong những hoàn cảnh đó, Phật giáo Đại thừa đã cung cấp một giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ Nguyễn. Phật giáo, một mặt đẩy mạnh bản sắc dân tộc của người Việt và mặt khác làm lắng đọng các mối lo âu của người di dân mà không đặt lại vấn đề về tính hợp pháp của những người cai trị” [2, tr.194]. Và trên đường mở rộng lãnh thổ, chinh phục vùng đất phương Nam đầy nhọc nhằn, gian khổ, nhưng cũng vô cùng vẻ vang, hào hùng ấy, các thế hệ chư tăng của Phật giáo nói chung và Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng có vị trị và vai trò hết sức quan trọng.
Hai là, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh góp phần quan trọng trong việc phát triển thương cảng Hội An nói riêng và vùng đất Quảng Nam nói chung. Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ra đời tại Hội An, nơi có thương cảng Hội An tập trung rất đông thương nhân người Việt và người ngoại quốc, rời xa quê hương, gia đình, Tổ quốc, sống bằng nghề kinh doanh, buôn bán nơi phố thị có khi được, khi mất, khi thăng, khi trầm. Do đó, nhu cầu thành lập các trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tâm linh cho cộng đồng cư dân tại nơi đây là vô cùng cần thiết. Và sự ra đời các ngôi chùa của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Hội An cũng như trên khắp Quảng Nam góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Hội An, đưa thương cảng Hội An trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế nối liền các nước phương Đông với các nước phương Tây. Nói về sự phát triển của thương cảng Hội An, trong sách Hải Ngoại Kỷ Sự có đoạn viết: “Nhân dân đông đúc, cá tôm rau quả tập hợp mua bán suốt ngày. Thuốc Bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người mua vào mua ở đây” [5, tr.154].
Ba là, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh góp phần trong giao thoa, tiếp biến, hội nhập và phát triển văn hóa tại miền Trung, miền Nam Việt Nam. Như chúng ta đã biết, vùng đất thuộc miền Trung (từ Quảng Bình, Quảng Trị) và miền Nam Việt Nam trước khi được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt (Việt Nam) thông qua nhiều con đường và biện pháp khác nhau đã từng thuộc lãnh thổ quản lý của vương quốc cổ Lâm Ấp sau là Chămpa (Chiêm Thành) và Phù Nam sau là Chân Lạp. Do đó, đây là những vùng lãnh thổ hêt sức đa dân tộc, đa văn hóa, nơi gặp gỡ, giao lưu, tiếp xúc của nhiều tộc người và luồng văn hóa khác nhau như: Việt, Chăm, Khmer, cư dân Nam Á và cư dân Malay – Đa đảo bản địa, người Hoa đến đây khai khẩn đất đai, tạo dựng xóm làng, xây dựng cuộc sống mới, người ngoại quốc từ khắp nơi trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan… đến đây buôn bán, làm ăn, sinh sống, sinh cơ, lập nghiệp. Do đó yêu cầu dung hòa các mối quan hệ xã hội, cố kết cộng đồng, kết nối các nhóm cư dân với sự đa dạng, phong phú về chủng tộc, văn hóa là vô cùng cần thiết. Và không gì khác, Phật giáo với tư tưởng từ, bi, hỷ, xả, vô ngã vị tha, bình đẳng, nhân văn, thương yêu con người, “Mỗi người mỗi nước mỗi non. Khi đến cửa Phật như con một nhà” đáp ứng được yêu cầu khách quan đó của lịch sử. Trên con đường dung hòa, giao thoa, kết nối các giá trị và các nền văn hóa ấy có sự đóng góp công sức không nhỏ của chư tăng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh qua các thế hệ.
Cùng với đó, trên mặt trận xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, đã xuất hiện nhiều chư tăng của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, như: Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm, Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Bích Liên – Trí Hải, Hòa thượng Liên Tôn – Huyền Ý… Trong đó, tiêu biểu hơn cả là Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm và Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài hai ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Phật giáo Việt Nam thời cận đại. Học giả Lê Mạnh Thát cho rằng: “Toàn Nhật là một trong những nhà văn, nhà thơ lớn của lịch sử văn học dân tộc ta. Nói Toàn Nhật là một nhà thơ, nhà văn lớn của lịch sử văn học dân tộc, bởi trong kho tàng văn học cổ điển Việt Nam chưa bao giờ có một nhà thơ, nhà văn để lại một số lượng lớn tác phẩm bằng tiếng quốc âm như Toàn Nhật. Chỉ với số lượng đó thôi, nó đã biểu thị không những sức sống dào dạt của dân tộc đang dâng lên, thể hiện qua tiếng nói nhân dân và kết tinh thành những tác phẩm, mà còn chứng tỏ sức sống ấy đã được giải phóng từ cuộc cách mạng vĩ đại của Tây Sơn để nhà thơ có thể nói lên tiếng nói trung thực của mình” [6, tr.10-11].
Bốn là, với tinh thần nhập thế tích cực, “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”, “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”… Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc và thời đại, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh góp phần quan trọng trong công cuộc nhập thế, hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc và thời đại. Đây cũng chính là tôn chỉ, tuyên ngôn hành đạo của chư tăng các thế hệ Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Điều này được thể hiện trước hết ở ngay tên gọi của thiền phái là Chúc Thánh ngoài nghĩa là chúc cho đạo pháp, chánh pháp, ánh sáng từ bi, đạo đức, trí tuệ của Phật pháp, của Đức Thế Tôn soi sáng khắp nhân gian, Chúc Thánh cũng có nghĩa là chúc cho sự trị vì giang sơn, xã tắc của đức minh quân, minh vương được sáng suốt, bền vững, dài lâu, trường tồn cùng đạo pháp và dân tộc như tâm nguyện lúc sinh thời của của Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo:
“Chúc thánh thọ thiên cửu
Kỳ quốc tộ địa trường”
Trong mọi hoàn cảnh lịch sử, phát huy tinh thần “Đại Hùng, Đại Lực, Đại Trí, Đại Từ Bi” các thế hệ chư tăng của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc hộ quốc an dân, bảo vệ Tổ quốc, non sông, tiêu biểu như Hòa thượng Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác, đệ tử thế hệ thứ 3 của dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã có công lao to lớn lãnh đạo nhân dân dẹp giặc Đá Vách (nay thuộc tỉnh Quảng Ngãi). Sau đó, ngài từ bỏ tất cả quyền bính, chức tước, trở về tu học, truyền bá, xiển dương Phật pháp, phát nguyện quét chợ Hội An trong suốt 20 năm. Nói về công đức của Thiền sư, trong biểu tôn xưng có đoạn viết: “Phật là giác giả, Hòa thượng có tính thông tuệ, tự cho con đường tình duyên danh lợi đã 20 năm nay như đem dao cắt đứt hẳn, coi giống cát sông bọt nổi. Lại đem mình ở nơi thị tỉnh chịu đựng bụi trần nhọc lòng khổ chí để giữ vững tâm niệm nhập đạo mà thành tựu tấm thân chứng đạo” [7, tr.169].
Đặc biệt, không thể không nhắc đến tinh thần và ý chí đấu tranh cho đạo pháp và dân tộc của Hòa thượng, Bồ tát Thích Quảng Đức thế hệ thứ 9 của dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh trong Pháp nạn năm 1963. Hình ảnh hòa thượng tự thiêu như bó đuốc sống cháy rừng rực giữa trung tâm thành phố Sài Gòn đã làm chấn động thế giới. Tổng thống Mỹ John Kennedy đã phải thốt lên khi xem bức ảnh bó đuốc sống về Hòa thượng Thích Quảng Đức: “Trong lịch sử, chưa có một bức hình nào trên báo đã tạo được nhiều xúc động cùng khắp cả thế giới như bức hình này”3. Tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của Hòa thượng, Bồ tát Thích Quảng Đức đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành biểu tượng cao đẹp cho tinh thần tranh đấu, bảo vệ Phật pháp không chỉ của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh mà còn của Phật giáo Việt Nam. Nó sẽ mãi trường tồn theo năm tháng cùng dân tộc và thời đại.
Năm là, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh góp phần quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người và Phật giáoViệt Nam với bạn bè quốc tế. Những ngôi chùa, tổ đình, đạo tràng của cộng đồng người Việt, trong đó có Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh có mặt ở châu Á, châu Âu, châu Úc, châu Mỹ thực sự không chỉ là những trung tâm tu học, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng mà còn là những trung văn hóa, kết nối, lan tỏa các giá trị văn hóa; quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Kết luận
Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, từ ngôi chùa, Tổ đình đầu tiên mang tên Chúc Thánh, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không ngừng mở rộng, phát triển lớn mạnh ra khắp miền Trung, miền Nam Việt Nam, châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương. Với tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”, “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”, các thế hệ chư tăng của Thiền phái Chúc Thánh đã có những đóng góp quan cho sự phát triển của Phật giáo và dân tộc. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng cho Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tiếp tục phát triển, đồng hành và có những đóng góp, cống hiến quan trọng hơn nữa cho sự phát triển của Phật giáo và dân tộc trong hiện tại và tương lai.
ThS. ĐINH VĂN LUÂN
Trường Đại học Phòng Cháy Chữa cháy
ThS. ĐÀO VĂN TRƯỞNG
Trường Đại học Tây Bắc
_Chú thích:
1. https://thuvienhoasen.org/p59a12914/phan-i-nghien-cuu-ve-tran-nhan-tong-chuong-vi-thuong-hoang-tran-nhan-tong-xuat-gia
2. https://hoavouu.com/a40952/lich-su-truyen-thua-thien-phai-chuc-thanh
3. http://www.chuabuuchau.com.vn/chuong/-phong-trao-dau-tranh-cua-phat-giao-mien-nam-viet-nam-1963—nhin-tu-ho-so-luu-tru-bo-ngoai-giao-mi-pgs.ts.-truong-van-chung_39263.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Lang, 1994, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập I, Nxb Văn Học, Hà Nội.
[2] Litana, 1994, Xứ Đàng Trong, Nxb Trẻ, TP.Hồ Chí Minh.
[3] Ngô Sĩ Liên, 1985, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[4] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 1962, Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Tập I, Nhà xuất bản Sử học.
[5] Thích Đại Sán, 1963, Hải Ngoại Kỷ Sự, Viện Đại học Huế.
[6] Lê Mạnh Thát, 2005, Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, Tập 1, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
[7] Nguyễn Q. Thắng, 2001, Quảng Nam đất nước và nhân vật, Nxb Văn hóa thông tin.
[8]http://www.chuabuuchau.com.vn/chuong/-phong-trao-dau-tranh-cua-phat-giao-mien-nam-viet-nam-1963—nhin-tu-ho-so-luu-tru-bo-ngoai-giao-mi-pgs.ts.-truong-van-chung_39263.html truy cập ngày 20/8/2020.
[9]https://thuvienhoasen.org/a34233/thu-moi-viet-bai-hoi-thao-khoa-hoc-thien-phai-lam-te-chuc-thanh-lich-su-hinh-thanh-va-phat-trien-truy cập ngày 20/8/2020.
[10]https://hoavouu.com/a40952/lich-su-truyen-thua-thien-phai-chuc-thanh,truy cập ngày 20/8/2020.