Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ra đời ở miền Trung Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Sơ Tổ Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746) và Tổ đình Chúc Thánh (Hội An). Trải mấy trăm năm cùng những thăng trầm của lịch sử, dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh với tính cởi mở, gần gũi đã hòa quyện cùng các tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam và trở thành một trong ba dòng thiền thuộc Thiền phái Lâm Tế có sự phát triển mạnh mẽ, được truyền thừa sâu rộng trong sinh hoạt tu hành của Phật giáo Việt Nam.
Bối cảnh lịch sử và sự ra đời của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh
Khi vào trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng không chỉ có mục đích đơn thuần là tìm một chỗ dung thân tránh sự hãm hại của người anh rể Trịnh Kiểm, mà còn có ý đồ về lâu dài xây dựng cho mình một giang sơn riêng. Vì thế, chúa nhà Nguyễn buộc phải tìm một hệ tư tưởng khác với Nho giáo, hiện đang thống trị ở phía Bắc, để xây dựng một đời sống văn hóa riêng ở Đàng Trong vốn là một vùng đất đã có một quá trình tích tụ văn hóa, tín ngưỡng dân gian khá đậm đặc. Nho giáo với những nguyên tắc về tam cương ngũ 723
thường và những quy định khắt khe của những đạo lý có thể khiến người ta tuân thủ nhưng không tâm phục, không thể trở thành bệ đỡ về mặt tinh thần. Vậy nên để cố kết lòng người, chúa Nguyễn khi ấy không thể dùng Nho giáo mà phải tìm đến một ý thức hệ không xa lạ với tín ngưỡng của người Chăm thì mới thu phục được lòng người ở vùng đất mới. Chẳng thế mà dù xuất thân là một vị quan của nhà Lê được đào tạo trong cửa Khổng sân Trình, nhưng Nguyễn Hoàng đã lựa chọn Phật giáo để hưng khởi đại nghiệp. Bởi lẽ, Phật giáo với tinh thần từ bi giải thoát một mặt vừa cần thiết cho những người phải thường xuyên đối diện với khó khăn nguy hiểm nơi xứ lạ quê người “đẩy mạnh được bản sắc dân tộc của người Việt, mặt khác làm lắng đọng các mối lo âu của người di dân mà không đặt lại vấn đề về tính hợp pháp của những người cai trị”1; mặt khác Phật giáo Đại thừa phương Bắc vốn đã hòa quyện với tín ngưỡng bản địa, phụng thờ nhiều vị thần, nên lại có sự gần gũi với tín ngưỡng của cư dân Đàng Trong đã dễ dàng tạo nên sợi dây tinh thần liên kết lòng người. Phật giáo Đại thừa với vai trò hộ quốc an dân, thu phục lòng người đã đáp ứng được những yêu cầu đó của chúa Nguyễn.
Việc chúa Nguyễn Hoàng chọn đạo Phật làm chỗ dựa tinh thần cho sự nghiệp lập quốc và rốt ráo xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo để thể hiện sự sùng kính trong sinh hoạt tín ngưỡng của mình đã tạo ra một môi trường tốt đẹp để các bậc cao Tăng tìm đến hoằng dương chánh pháp, trong đó có nhiều cao Tăng vốn là các thiền sư dòng Lâm Tế từ Trung Hoa sang và nổi bật nhất chính là Thiền sư Siêu Bạch Nguyên Thiều2. Ngài được các chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Trăn, Nguyễn Phúc Chu) vô cùng tin tưởng coi như quốc sư. Sau gần 20 năm đến Việt Nam truyền đạo và khai sơn nhiều ngôi chùa lớn, thể theo lời thỉnh cầu của chúa Nguyễn Phúc Chu, Thiền sư Nguyên Thiều đã quay về Trung Hoa mời các danh tăng sang An Nam truyền giới và ngài đã mời được rất nhiều cao Tăng tên tuổi sau này đã trở thành những người khai sơn nhiều ngôi chùa lớn cũng như khai sinh ra các dòng thiền mới ở vùng Thuận – Quảng3. Trong đó, có Thiền sư Minh Hải – Bảo Pháp, là đời thứ 34 của Thiền phái Lâm Tế và là Tổ khai sinh ra Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.
Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo (1670-1746), có tên thật là Lương Thế Ân, sinh vào giờ Tuất, ngày 28 tháng 6 năm Canh Tuất (1670) tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Thân phụ của ngài là Lương Đôn Hậu, thân mẫu là Trần Thục Thận. Ngài xuất gia khi vừa lên 9 tuổi tại chùa Báo Tư tỉnh Phúc Kiến (Trung quốc) vào năm Mậu Ngọ (1678). Năm 20 tuổi, ngài được đăng đàn thọ giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo.
Năm Ất Hợi (1695), thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo cùng với các Thiền sư Minh Vật – Nhất Tri, Minh Hoằng – Tử Dung, Minh Lượng – Thành Đẳng, v.v… đến Đàng Trong truyền giới. Chỉ hai năm sau (1697) Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo đã khai sơn Tổ đình Chúc Thánh tại xã Cẩm Phô (nay là thị xã Hội An). Tương truyền khi ấy chùa Chúc Thánh chỉ là một thảo am để tu hành, vài năm sau được mở rộng thành trường dạy đạo, đào tạo Tăng chúng. Đức độ của Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo có ảnh hưởng đến đông đảo người dân phố Hội, số người đến quy y rất đông. Sau đó, với mong muốn sự truyền thừa có quy củ lâu dài nên Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo đã xuất kệ lập nên môn phái Lâm Tế Chúc Thánh. Ngài đã đào tạo được một thế hệ truyền thừa xuất chúng, các đệ tử sau này đã nhiều lần quyên góp xây dựng chùa Chúc Thánh thành Tổ đình khang trang như ngày nay4.
Những dấu ấn của dòng thiền nội sinh trên nền bản sắc văn hóa Việt Nam
Khi nghiên cứu về sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam, các nhà nghiên cứu đều khẳng định một quá trình du nhập, tiếp biến, bản địa hóa Phật giáo trở thành Phật giáo dân gian của người Việt. Sự ra đời và tồn tại đến nay của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trên đất Việt khi ấy cũng không nằm ngoài xu hướng hòa quyện cùng các tín ngưỡng dân gian của các bộ phận cư dân vốn luôn có nhu cầu đa dạng về tín ngưỡng.
Trở lại với bối cảnh ra đời của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh có thể thấy, thế kỷ XVII là lúc mà cư dân Đàng Trong đang khao khát có nhiều “mảnh đất” để gửi gắm niềm tin, để cầu nguyện và được xoa dịu bởi nhiều thế lực thần thánh. Những vị thần trong tín ngưỡng cổ truyền của người dân bản địa chưa thể giải quyết hết mọi ham muốn, đòi hỏi của người dân, nhất là những di dân từ phía Bắc đến thì các tín ngưỡng đó chưa thể làm họ hoàn toàn an tâm trong cuộc sống. Trong khi đó Ki tô giáo lại bị ghẻ lạnh và kỳ thị đến khắc nghiệt. Vì vậy, Phật giáo với tinh thần nâng đỡ những thân phận nghèo hèn, cho họ sự tự tin, rằng con người đều bình đẳng, sự khổ cực rồi sẽ qua đi và tương lai an lành rồi sẽ đến đã trở thành một sự lựa chọn không thể tốt hơn để khỏa lấp sự trống thiếu và tìm lại sự cân bằng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân chúng. Người dân tiếp nhận đạo Phật một cách hoàn toàn tự nhiên và không hề bị áp đặt bởi triều đình phong kiến. Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ra đời ngay trong bối cảnh ấy và là dòng thiền nội sinh hình thành trên chính mảnh đất của người Việt, nên đã được cư dân nơi đây sẵn sàng đón nhận như những suối nguồn tư tưởng, đạo đức, tâm linh chảy vào cánh đồng tinh thần khô hạn.
Đặc biệt, trong quá trình ra phát triển, mở rộng môn phái dòng thiền này vừa tích hợp, vừa hòa quyện với nhiều nét văn hóa của cả ba miền Bắc – Trung – Nam, và trở thành một dòng thiền ghi đậm các dấu ấn văn hóa dân gian của người Việt. Chính vì vậy chỉ trong thời gian ngắn, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã phát triển vượt lên tất cả và bao phủ hầu hết khu vực Nam Trung Bộ rồi mở rộng vào Nam Bộ. Riêng ở vùng Thuận – Quảng, đến cuối thế kỷ XVIII, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã hình thành được 3 trung tâm hoằng pháp có sự liên hệ mật thiết và hỗ tương cho nhau là: trung tâm Hội An nằm ở phía Đông với các Tổ đình Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm; trung tâm Ngũ Hành Sơn nằm ở phía Bắc với 2 ngôi quốc tự Tam Thai và Linh Ứng; trung tâm Đại Lộc nằm ở phía Tây với Tổ đình Cổ Lâm. Còn ở khắp các làng quê, chùa dân gian từng bước được xây dựng để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của dân chúng. Tuy kiến trúc và thờ tự có phần đơn giản nhưng phản chiếu đầy đủ tiến trình phát triển của xã hội và đồng thời cho thấy một khía cạnh khác của Phật giáo trên vùng đất mới, trong đó có hòa quyện giữa việc phụng sự nhà Phật với thờ phụng thần linh, gửi hậu, tiền hiền, hậu hiền… Sự phát triển của hệ thống các chùa dân gian theo dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh một mặt cho thấy mức độ quan tâm của làng xã đối với Phật giáo, sự quan trọng của chùa dân gian chốn thôn dã; mặt khác lại cho thấy rõ hơn tính gần gũi và mang tinh thần Phật giáo dân gian của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.
Tính cởi mở, bình dân, gần gũi không gò bó theo những giới luật khắt khe đã được thể hiện ngay từ bài kệ của Sơ Tổ Minh Hải – Pháp Bảo khi khai sinh dòng phái mới: Minh Thiệt Pháp Toàn Chương/ Ấn Chân Như Thị Đồng Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu/ KỳQuốc Tộ Địa Trường/ Đắc Chánh Luật Vi Tông/ Tổ Đạo Giải Hành Thông/ Giác Hoa Bồ Đề Thọ/ Sung Mãn Nhân Thiên Trung. Bài kệ về mặt tư tưởng không mang chở giá trị gì lớn lao, chủ yếu quán triệt phương pháp hành trì tu đạo để đạt được sự giác ngộ. Đó là phải nhận thức đúng, đầy đủ mọi sự vật hiện tượng trong thế giới (pháp) thì chân lý tối thượng (chân như) sẽ xuất hiện. Muốn vậy, thực thi giới luật là một yêu cầu tiên quyết (Đắc chánh luật vi tông); đồng thời người Phật tử phải vừa tham cứu kinh sách phải vừa thực hành chứng ngộ trong thực tiễn (Tổ đạo giải hành thông). Tinh thần nhập thế và chăm lo Phật sự mà Tổ Minh Hải – Pháp Bảo truyền lại đã được các thế hệ kế thừa xuất chúng và phát huy tối đa. Các thiền sư về sau vừa gánh vác sự nghiệp xiển dương chánh pháp vừa phát triển Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, vừa dấn thân nhập thế, tiêu biểu như: Hòa thượng Minh Giác (1747-1830), đại biểu cho tinh thần tu chứng khai phóng và nhập thế với 20 năm quét chợ tu hành tại Hội An, được người dân, tín đồ Phật giáo rất mực ngưỡng mộ xem là vị Phật tử xuất thế5; Hòa thượng Vĩnh Gia (1840-1918), hiện thân của một thiền tăng nghiêm cẩn suốt đời dấn thân lo Phật sự6…
Các nghiên cứu về Phật giáo sau này, trong đó có cả các ghi chép của người nước ngoài khi tiếp xúc với Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn, hay cuộc đời các thiền tăng ở các chùa Chúc Thánh, Phước Lâm đều chỉ ra rằng, những vị thiền sư nơi đây một mặt là người rất chăm chú tu trì giới luật, am tường kinh nghĩa đạo Phật, lấy tham thiền và cầu nguyện làm pháp tu để giải thoát; mặt khác, dường như họ đã thấu đạt chân lý vô thường, vô ngã, đoạn trừ được các vọng hoặc, giả tướng nên không câu nệ giáo lý, sống an nhiên tự tại giữa đời trần cùng với tín hữu nhân quần và tích cực lo việc trần thế. Nhiều thiền sư của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh vào thời nhà Nguyễn là những bậc cao tăng tôn quý, được triều đình ân trọng, tưởng thưởng công đức, nhưng không vì thế mà trở nên xa lánh đời tục, ngược lại họ nhập thế, cứu rỗi tha nhân. Họ luôn gần gũi với nhân gian và giản tiện lạ thường.
Do những ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử dân tộc, quá trình phát triển về sau của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cũng có những sắc thái riêng song vẫn luôn giữ gìn được mạch nguồn truyền thống của một dòng Phật giáo nội sinh của dân tộc. Đó là một dòng thiền không thiên về kinh nghĩa, không quá quan tâm đến những vấn đề mang tính triết học cao viễn mà gần gũi, giản đơn hướng đến sự bình dân. Đó cũng chính là biểu hiện của Phật giáo dân tộc vừa đa dạng cả về truyền thừa và pháp môn tu hành; vừa hỗn dung, tiếp biến, hòa quyện sâu sắc của nhiều tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa khác nhau. Tinh thần của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã giúp nâng đỡ con người về mặt tinh thần; đặt ra mục tiêu và đồng thời cũng là phương tiện để con người tiến đến sự hoàn thiện, xây dựng xã hội an lạc. Chính vì vậy mà, theo thời gian, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh luôn có sự phát triển vượt bậc; ngay cả khi sau này vào những thời điểm Phật giáo bị triều đình ngăn trở hay thực dân xâm lược, đàn áp thì Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh vẫn đứng vững trên nền móng văn hóa dân gian người Việt để vượt qua mọi sóng gió, từ đó góp phần quan trọng trong việc phát triển sơn môn và tham gia vào các quá trình chấn hưng Phật giáo về sau. Có thể khẳng định, từ khi ra đời đến nay Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã có sự gắn bó chặt chẽ với vận mệnh dân tộc Việt Nam, nhiều vị cao tăng của Chúc Thánh đã nhập thế tham gia tích cực vào các phong trào yêu nước chống thực dân, phục hưng đất nước và trở thành một dòng thiền rất thịnh hành ngày nay.
Tóm lại, nếu hiểu bản sắc dân tộc (National identity) phải là một phức hệ tâm linh của toàn thể cộng đồng dân tộc dựa trên những định hướng giá trị và được biểu hiện ra thông qua những đặc trưng, những biểu tượng và phương thức ứng xử văn hóa của cộng đồng dân tộc ấy7, th́ sự ra đời của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đă vừa tạo ra được bản sắc lại vừa tích hợp được các bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam trong đó. Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh chính là một ḍng thiền nội sinh mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Sự ra đời của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trong thời điểm lịch sử của nó đă tạo ra một chỗ dựa tâm linh để giúp con người nơi ấy/khi đó yên tâm hơn trong cuộc sống đời thường muôn vàn khó khăn, giúp ổn định nhân tâm; đồng thời tạo ra nền tảng tinh thần quan trọng, góp phần đáp ứng và thỏa măn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của mọi người trong xă hội, khi mà các ḍng tư tưởng, các tín ngưỡng tôn giáo khác không thể thỏa măn được, hoặc ít có cơ hội thâm nhập sâu vào quần chúng nhân dân. Với tinh thần bác ái, vị tha, yêu thương tất thảy mọi sinh linh, sống không chỉ v́ ta, cho ta mà cho tất thảy chúng sinh, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ra đời, ḥa quyện vào tinh thần con người Việt Nam, ḥa quyện cùng truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, mang đầy đủ các giá trị của văn hóa dân gian, đậm chất nhân văn của người Việt, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn hướng thiện và hướng thượng./.
ThS. NGUYỄN THỊ TÔ HOÀI
Viện Nghiên cứu Văn hóa,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
_Chú thích:
1. Li TaNa: Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế- Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Bản dịch của Nguyễn Nghị, Nxb Trẻ, 1999, tr. 194, 195.
2. Là thiền sư thuộc đời thứ 33 Thiền phái Lâm Tế, đến Quy Nhơn vào năm Đinh Tỵ (1677), lập chùa Di Đà Thập Tháp và truyền đạo ở vùng này; sau đó ra Phú Xuân lập chùa Vĩnh Ân và xây tháp Phổ Đồng, tức là Tổ đình Quốc Ân (Huế).
3. Xin xem thêm: Thích Huệ Thông, Lược sử Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Nxb. Văn hóa văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2019, tr. 22 – 23.
4. Theo văn bia chùa Chúc Thánh lập các năm 1901, 1915, chỉ trong khoảng hơn nửa thế kỷ, chùa đã được tôn tạo 6 lần, đó là vào các năm Ất Tị (1845), Kỉ Dậu (1849), Quý Tị (1893); Ất Mùi (1895), Tân Sửu (1901) và Tân Hợi (1911).
5. Văn bia Kế hòa thượng thuật do Thiền sư Vĩnh Gia lập đầu thế kỷ XX ghi lại việc Hòa thượng Minh Giác kế thế như sau: Sư tính thông tuệ trời sinh, lấy 20 năm tình duyên danh lợi một dao cắt đứt xem như cát sông bọt bèo, lại đem thân vào chốn thị thành bụi bặm, huyên náo, lao tâm khổ chí, cầu lấy sự kiên định vững vàng trong tâm niệm để thành tựu tấm thân chứng đạo. Ngài chẳng những tự khai giác mình mà còn khai giác cho tất thảy những người có tình, giống như thức tỉnh sau cơn mộng vậy.
6. Văn bia Kinh binh Tả tam vệ Chưởng vệ do Lê Viết Nghiêm soạn năm Mậu Ngọ, triều Khải Định (1918) có ghi về Thiền sư Vĩnh Gia như sau: Ngài sinh thời lấy việc cứu tinh giáo luật thiền môn kiêm tham học tịnh thổ làm việc chính mỗi ngày để giáo hóa chúng nhân đệ tử, lúc về già được hầu cạnh Như Lai.
7. Xin xem thêm: Phạm Hồng Tung, Tính thống nhất và đa dạng văn hóa: Giáo dục về vấn đề bản sắc dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, in trong: Nguyễn Văn Kim, Phạm Hồng Tung (2019), Lịch sử và văn hóa, Tiếp cận đa chiều, liên ngành, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 802-822.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục, (Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc dịch và hiệu đính), Nxb Thuận Hóa, Huế.
- Lê Cung (2012), Chính sách của triều Nguyễn đối với Phật giáo và sự mâu thuẫn của nó đối với hiện thực, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3.
- Nguyễn Văn Kim, Phạm Hồng Tung (2019), Lịch sử và văn hóa, Tiếp cận đa chiều, liên ngành, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Li TaNa (1999), Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế- Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Bản dịch của Nguyễn Nghị, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, Tập 1, Nxb Thuận Hóa, Huế.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 2, 3, 4, 5, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế.
- Thích Đại Sán (2016), Hải ngoại kí sự (Hải Tiên Nguyễn Duy Bột và Nguyễn Phương dịch), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
- Thích Huệ Thông (2019), Lược sử Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Nxb. Văn hóa văn nghệ tp.Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Tài Thư (1989), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Trần Quốc Vượng (2005), Vài nét về Phật giáo dân gian Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Phật giáo số