Người đầu tiên của Thiền phái Chúc Thánh nghiên cứu về Biến Văn Đôn Hoàng (Vu Gia)

          “Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên” là công trình nghiên cứu có giá trị. TT-TS Thích Đồng Văn là người đầu tiên của Thiền phái Chúc Thánh nghiên cứu về Biến văn Đôn Hoàng và là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về đề tài này.

          TT-TS Thích Đồng Văn, thế danh Nguyễn Thành Danh, sinh năm 1966, tại Sài Gòn, thọ Tỳ kheo giới năm 1988 tại chùa Ấn Quang (TPHCM), hiện trụ trì chùa Viên Giác (quận Tân Bình – TPHCM). Thầy là thế hệ thứ 10 Thiền phái Chúc Thánh. Nhiều năm, cứ gần Tết, tôi và PGS-TS Trịnh Sâm, nguyên Trưởng Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM, thường đến “thăm” thầy với chủ ý kiếm mấy gói trà “xịn” về uống Tết và ít nhang trầm về thắp cho thơm nhà.

          Biền văn và Biến văn

          Khi TT-TS Thích Đồng Văn ký tặng cuốn sách “Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên”, tôi cầm cuốn sách mà không biết “Biến văn Đôn Hoàng” là cái gì. Sức đọc của tôi không tệ, nhưng với cụm từ “Biến văn Đôn Hoàng” quả thật lạ lẫm. PGS-TS Trịnh Sâm cho hay cuốn sách “Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên”, thoát thai từ Luận án Tiến sĩ mà thầy Đồng Văn bảo vệ thành công tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM năm 2005.

          Hỏi thêm mới biết Luận án Tiến sĩ của thầy do PGS Trần Xuân Đề hướng dẫn với đề tài: “Biến văn đời Đường và ảnh hưởng của biến văn trong Văn học Trung Quốc”. Đọc tên đề tài luận án, tôi cứ mơ mơ hồ hồ. Nói tới văn học thời Đường, lứa học trò chúng tôi biết về thơ Đường, về biền văn tức là văn biền ngẫu, chứ không biết về biến văn. Nếu không phải đề tài luận án tiến sĩ, thì tôi nghĩ, người viết bỏ lộn dấu (biền văn thành biến văn). Với óc hiếu tri, về nhà, tôi vội tra cứu văn học thời Đường có khác với những gì mình biết lâu nay và biến văn trong văn học là cái chi chi?

          Thời đại kỹ thuật số này, chỉ cần biết đại khái vấn đề gì đó thì không khó lắm. Và một cái nhấp chuột, cho tôi nhìn được tổng quan Văn học thời Đường:

          “Văn học thời Đường với thể loại thơ ca cực kỳ phát triển. Người thời Thanh biên soạn “Toàn Đường thư” (全唐詩) thu thập ghi chép nhiều đến trên 2.200 nhà thơ sáng tác đến khoảng 48.900 bài thơ, song đó chưa phải là đã đầy dủ. Đầu thời Đường đã có “Sơ Đường tứ kiệt”, tức là 4 vị thi nhân kiệt xuất: Vương Bột, Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân và Lạc Tân Vương. Đến thời Thịnh Đường thì lại có các thi nhân thuộc phái điền viên như Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên; phái biên tái như Sầm Tham, Vương Xương Linh. Và đặc biệt thành công nhất là “thi tiên” Lý Bạch và “thi thánh” Đỗ Phủ, danh tiếng đến tận ngày nay. Thơ của Lý Bạch nhẹ nhàng bồng bềnh tự nhiên không bó buộc, lại có sắc thái chủ nghĩa lãng mạn đầy sung mãn. Mà thơ của Đỗ Phủ thì thể hiện tậm trạng về chủ nghĩa hiện thực. Thời kỳ Trung Đường, nổi tiếng nhất có thể kể đến Bạch Cư Dị, khác ở chỗ thơ của ông dễ hiểu. Ngoài ra cũng có những nhà thơ khác như Hàn Dũ, Nguyên Chẩn, Liễu Tông Nguyên, Lưu Vũ Tích, Lý Hạ. Thời Vãn Đường thì có hai thi nhân Lý Thương Ẩn và Đỗ Mục là xuất chúng, được gọi là “tiểu Lý Đỗ”. Sau này các đời nhà Tống, Minh, Thanh tuy cũng xuất hiện những nhà thơ kiệt xuất, nhưng về tổng thể khó sánh bằng thi nhân thời Đường. Thơ văn nhà Đường đã đạt đến đỉnh cao tột cùng mà sau này không thời nào vượt tới được.

          Trên phương diện tản văn, từ thời Lục triều đến đương thời, văn đàn rất thịnh hành lối hình thức biền văn, văn biền ngẫu giảng cứu về thanh vận, đối ngữ, điển cố, từ ngữ đẹp đẽ hoa lệ, với câu bốn chữ và sáu chữ chiếm chủ yếu. Thời Đường Sơ tản văn rất phổ biến, với các tác phẩm của “Sơ Đường tứ kiệt” (Vương, Dương, Lư và Lạc), nhưng chủng văn kiểu đó vào thời nhà Đường lại có hình thức cương hóa, nội dung trống rỗng, cho nên đến những năm Thiên Bảo thời Đường Huyền Tông, chủ trương phục cổ văn lại hưng khởi. Vận động cổ văn trên danh nghĩa là chủ trương phục hồi lại tản văn thời Tiên Tần và Lưỡng Hán, còn thực tế thì muốn văn chương có nhiều nội dung hơn, nội dung chủ trương là “Văn dĩ tải đạo” (dùng văn chương truyền tải đạo lý). Hàn Dũ là người đầu tiên trong Đường Tống bát đại gia chủ trương tả được cái khí thế mênh mông của tản văn và lại có những tư tưởng rất thâm sâu. Sau khi Hàn Dũ mất, vận động cổ văn dần dà suy thoái, song đến thời Đường mạt thì biền văn lại hưng khởi.

          Thể loại truyền kỳ của Trung Quốc thuộc hình thức tiểu thuyết cổ điển, xuất hiện từ đời nhà Tùy, hưng thịnh ở thời Đường. Các tác phẩm truyền kỳ bao quát như: “Liễu nghị truyện” (柳毅傳), “Oanh oanh truyện” (鶯鶯傳), “Nam Kha thái thú truyện” (南柯太守傳), “Chẩm trung ký” (枕中記), “Trường hận truyện” (長恨傳). Các loại truyền kỳ về sau đều cải biên thành hý kịch và tiểu thuyết Bạch thoại. Thể loại biến văn cũng có địa vị trọng yếu trong văn học sử nhà Đường. Biến văn xuất phát từ khi tăng lữ Phật giáo tuyên truyền kinh đạo Phật pháp. Biến văn đã được dùng trong lúc xướng giảng kinh văn Phật của các tăng lữ và dần dần có xu hướng nhập sâu vào văn học. Biến văn càng lưu truyền vào càng về sau càng rất có ảnh hưởng”1.

          Thì ra, biến văn có liên quan đến Phật giáo. Và tại sao lại là biến văn Đôn Hoàng mà không phải biến văn X, Y, Z… nào đó?

          Biến văn Đôn Hoàng là gì?

          Theo Tự điển Phật học online, thì Biến văn Đôn Hoàng là “Biến văn tìm được trong động đá ở Đôn Hoàng bên Trung Quốc. Từ năm Quang Tự 25 (1899) đời Thanh, sau khi kho sách cất giấu trong động đá Đôn Hoàng được phát hiện và được học giả các nước chỉnh lý, tìm hiểu một cách có hệ thống thì phong trào nghiên cứu Đôn Hoàng học dần dần được hình thành. Trong số các sách này, có một loại bản viết tay thuộc tác phẩm văn học phổ thông, gọi là Biến văn, được nhóm các ông Vương Trọng Dân thu gom vào Đôn Hoàng Biến Văn Tập gồm 78 thiên. Biến là thay đổi, nghĩa là đem các tích truyện trong kinh điển Phật hoặc nội dung sử truyện mà biên soạn lại, nhằm thú vị hóa, sinh động hóa và thông tục hóa. Đây là các thoại bản còn lại dưới hình thức Tục giảng được lưu hành ở đời Đường và khoảng thời Ngũ đại. Nếu phân loại thì trong số 78 thiên, phần lớn là Biến văn giảng kinh lấy các truyện cổ Phật giáo làm chủ đề; sau đó là Biến văn giảng sử lấy sử thoại, sử truyện làm chủ đề. Ngoài ra, có một thiên Biến văn về Đạo giáo. Sau khi Phật giáo truyền sang Trung Quốc, một số lớn kinh điển được phiên dịch; bấy giờ, một số tín đồ Phật giáo muốn phổ cập hóa Phật pháp, nên khi giảng kinh, cố gắng thay đổi, biên soạn các truyện cổ bằng thể tài phổ thông, thậm chí phối với âm nhạc, ngâm vịnh có tính cách thông tục cho dễ hiểu. Loại pháp hội giảng kinh này gọi là Tục giảng thịnh hành ở đời Đường và đời Ngũ đại. Vị tăng chuyên môn giảng kinh trong pháp hội này được gọi là Tục giảng tăng; những bản thảo của vị tăng này để lại gọi là Giảng kinh văn, cũng là một loại Biến văn. Thông thường, Giảng kinh văn là giảng trọn một bộ kinh, còn Giảng kinh biến văn thì chỉ lấy truyện cổ làm chính. Ngoài ra, các bức Biến tướng đồ (tranh Biến tướng) miêu tả nội dung truyện cổ trong các kinh bằng hội họa cũng đã xuất hiện để phối hợp với Giảng kinh biến văn. Các Biến văn giảng kinh nổi tiếng hơn cả thì có: Bát tướng biến, Hàng ma biến văn, A di đà kinh biến văn, Diệu pháp liên hoa kinh biến văn, Mục liên duyên khởi, Thái tử thành đạo kinh, Bát tướng áp tọa văn, Địa ngục biến, Lô sơn, Viễn công thoại, v.v… Biến văn giảng sử thì có: Ngũ Tử Tư biến văn, Hán tướng Vương Lăng biến, Thuấn Tử biến, Án Tử phú, Tróc Quí Bá truyện văn, Biến văn Trương Nghĩa Triều, v.v… Thể tài Biến văn giảng kinh phổ thông, thì có các loại: Áp tọa văn, Biến văn, Giảng kinh văn, Ngâm, Kí, Thoại, v.v… Nhờ sự phổ cập của Biến văn giảng kinh mà gây nên cái hứng khởi của Biến văn giảng sử. Ngoài ra, hình thức Xướng thuyết được sử dụng trong Biến văn giảng kinh đã có ảnh hưởng rất lớn đối với lịch sử văn học Trung Quốc. Các thoại bản đời Tống, Nguyên của các ông tổ khai sáng tiểu thuyết bạch thoại Trung Quốc đã bắt nguồn từ các Biến văn giảng kinh, giảng sử. [X. Đôn Hoàng giảng kinh biến văn nghiên cứu; Đôn Hoàng biến văn xã hội phong tục sự vật khảo (La Tông Đào); Giảng sử tính chi biến văn nghiên cứu (Tạ Hải Bình); Đôn hoàng biến văn thuật luận (Khưu Trấn Kinh); Đôn hoàng biến văn vựng lục (Chu Thiệu Lương)]. (xt. Tục giảng, Biến văn)”2.

          Một Từ điển Phật học khác cho biết thêm: “Đôn Hoàng: Thành phố thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc, có rất nhiều hang động nổi tiếng, được xem là vùng hang động chứa nhiều di tích Phật giáo lớn nhất thế giới. Những động cổ nhất được xây dựng từ thế kỷ V. Ngày nay, người ta tìm thấy 492 động, nằm trên 5 vùng cao thấp khác nhau, dài khoảng 1 km. Hang động chứa toàn tranh tạc trên tường, với một diện tích tranh khoảng 45.000 m2, và khoảng 2.400 tượng. Đặc biệt, trong động số 16, người ta đã khám phá hàng ngàn kinh, luận, được cuốn tròn. Đó là những tư liệu vô giá của công trình nghiên cứu đạo Phật trong vùng Trung Á và Trung Quốc ngày nay.

          Các tranh thường minh họa các kinh, các vị Phật hay cuộc đời thường. Các bức tranh trước thế kỷ VI trình bày cuộc đời của Phật Thích Ca. Kể từ đời Đường, người ta trình bày các thế giới Cực lạc. Các tranh tượng khác phần lớn diễn tả Di Lặc, minh họa các kinh Đại phương quãng Phật hoa nghiêm, Diệu pháp liên hoa, Duy ma cật sở thuyết. Các Phật, Bồ tát được tạc tượng nhiều nhất là Quán Thế Âm, Địa Tạng, La hán cũng như một số thiên nhân khác.

          Năm 1990, một nông dân vô tình khám phá ra động Mạc Kao, động này dẫn đến động 16. Trong động 16, người ta tìm thấy 40.000 văn bản (kinh sách, tài liệu, tranh tượng, kể các các đề tài thuộc về đạo Lão, đạo Khổng) cũng như nhiều pháp khí mà tăng ni ngày xưa đã cất giấu khi bị ngoại xâm. Người nông dân nọ không biết giá trị của các thứ đó, đã bán đi một phần lớn. Năm 1907, đoàn khảo sát đầu tiên của phương Tây do Sir Aurel Stein dẫn đầu đã mua đi 150 bứa họa trên lụa, 500 tranh vẽ và 6.500 cuộn bản kinh. Năm 1908, một nhà Ấn Độ học là Paul Pelliot đem từ Đôn Hoàng 6.000 cuộn kinh về nước. Sau đó là người Anh và người Nhật. Ngày nay, phần lớn các di sản văn hóa đó đều nằm trong các viện bảo tàng phương Tây.

          Các hang động có chính diện hình vuông hay chữ nhật. Các hang xây đời Đông Tấn (thế kỷ IV-V) thường đơn giản, chỉ có các tượng Phật. Các hang thời đại sau thường có nhiều phòng. Phần lớn các tượng đều đặt trên đế hay dựa vào vách đá. Các hang dưới thời nhà Tống được xây dựng công phu nhất, gồm các trình bày tiền thân đức Phật hay các cảnh của Tịnh độ.

          Các hình ảnh, tranh tượng khắc họa trong thời Đông Tấn còn mang nhiều ảnh hưởng của Ấn Độ với mũi cao, áo mỏng. Sáu đó, các hình tượng huyền thoại Trung Quốc cũng được đưa vào tranh. Đến thời nhà Tùy (581-618), bên cạnh tượng Phật và Bồ tát, lần đầu tiên tượng của A-nan-đà được trình bày và cũng trong thời gian này, ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Quốc bắt đầu chiếm ưu thế.

          Trong đời Đường, các hình tượng sống động và gần gũi hơn, nhất là trang phục của các tượng được trình bày rất kỹ. Trong thời kỳ này, nhiều tượng Phật vĩ đại ra đời, tượng lớn nhất cao hơn 33 m. Các tranh trên tường minh họa các cảnh trong kinh, các vị Bồ tát. Các vị này cũng là những hình tượng được truyền bá rộng rãi thời bấy giờ”3.

          Một công trình nghiên cứu có giá trị

          Là tác gia với cả chục công trình nghiên cứu văn học và tác giả cuốn sách “Làm thế nào để viết luận văn, luận án, biên khảo?” (tái bản nhiều lần), tôi thấy đề tài “Biến văn đời Đường và ảnh hưởng của biến văn trong Văn học Trung Quốc”, quả thật khó, nếu nghiên cứu sinh không thông thạo Trung văn, kể cả Hán văn, nhất là không chịu khó bỏ công, bỏ của đến thư viện những trường đại học lớn ở Trung Quốc, hoặc Đài Loan và không có chút yêu cầu cao là phải “ngửi chút không khí” ở Đôn Hoàng, thì khó có thể hoàn thành tốt luận án tiến sĩ này. Nhưng nhìn kết quả ngay trước mắt, tôi hiểu thêm rằng trời đất bao la, không có gì là không thể.

          Trong Lời tự thuật khi xuất bản cuốn sách “6 Truyện – Thơ Nôm đầu thế kỷ XX”, Thích Đồng Văn viết: “Đầu thu 2002, tôi và anh Hoàng Long (Nghiên cứu sinh Đại học Sư phạm TPHCM) nhận được học bổng đến nghiên cứu tại Trường Đại học Bắc Kinh”4. Túc duyên tốt như thế, không hoàn thành tốt luận án tiến sĩ về đề tài “Biến văn đời Đường và ảnh hưởng của biến văn trong Văn học Trung Quốc”, mới là chuyện lạ. Và đó cũng là cơ duyên mà không phải ai cũng có được.

          Qua tiểu mục “Thạch động Đôn Hoàng và Biến văn Đôn Hoàng”, tôi thấy tác giả “Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên” có phong phú hơn so với định nghĩa của 2 cuốn Từ điển Phật giáo được dẫn ở trên. Nếu Từ điển Phật học cho biết khi phát hiện động Mạc Kao, động này dẫn đến động 16 được tìm ra trước đó, có nhiều kinh sách Phật giáo cũng như một ít văn bản có đề tài liên quan đến Đạo giáo, Khổng giáo, pháp khí của các tăng ni… là do người ta “cất giấu khi bị ngoại xâm”, thì qua nghiên cứu của mình, Thích Đồng Văn cho người đọc biết cụ thể hơn: “Theo đa số học giả, việc đóng ngách hang có buồng kép xảy ra vào đầu thời Bắc Tống, lúc Tây Hạ xâm phạm vùng Đôn Hoàng. Hòa thượng giữ động đem rất nhiều văn hiến cất giấu vào trong buồng đá rồi ngụy trang bên ngoài. Thời gian đóng cửa hang có thể là vào năm Cảnh Hựu thứ 2 triều vua Tống Nhân Tông, tức năm Quảng Vận thứ 2 nhà Tây Hạ (năm 1035)”5.

          Phần lịch sử nghiên cứu vấn đề, Đồng Văn viết khá tốt, giúp người đọc biết thêm được một số tác phẩm liên quan đến việc nghiên cứu Biến văn Đôn Hoàng, và thế nào là “Biến văn”. Theo tác giả, tên gọi “Biến văn”, hiện vẫn còn tranh cãi, nhưng “Gần đây, giới học thuật thường nghiên về ý kiến cho rằng “Biến văn” có quan hệ với một loại khác, đó là một loại tranh vẽ được gọi là “Biến tướng”. “Biến” trong “Biến văn” tức là “biến” trong “Biến tướng”, đại để có nghĩa là “biến hóa”, “biến hiện”, “biến dị”… “Biến tướng” là tranh truyện tương tự như tranh liên hoàn. “Biến văn” vốn là lời thuyết minh bằng văn tự của “Biến tướng”. Sau này, “Biến văn” thoát ly “Biến tướng” thành một loại đề tài văn học thông tục. Trong mục “Biến văn”, chương 6, Trung Quốc tục văn học sử, ông Trịnh Chấn Đạt có nói rằng: Cũng giống như “Biến tướng”, cái gọi là “biến” trong “Biến văn” hẳn là chỉ cái ý “biến canh” (biến cải, biến đổi) bản văn của kinh Phật mà trở thành tục giảng. “Biến tướng” có nghĩa là “đồ tướng” (tranh vẽ hình tướng) của kinh Phật”6.

          Qua nghiên cứu của mình, Đồng Văn cho rằng: “Biến văn là hình thức văn học trong đó văn vần và văn xuôi xen kẽ nhau, phần văn vần trong Biến văn có ý nghĩa quan trọng. Văn vần không chỉ có tác dụng thể hiện tình cảm, gây dựng không khí mà có khi còn tham gia vào quá trình kể chuyện, kết hợp với văn xuôi tạo nên bước chuyển tiếp tình tiết trước sau. Điều đó đòi hỏi về mặt cách luật của văn vần cũng mang đặc trưng thời đại rất rõ nét”7.

          Đọc đoạn này của Đồng Văn, tôi nhớ lại hầu như các kinh Phật đều như thế. Điển hình, Pháp Bảo đàn kinh, có những đoạn văn xuôi và văn vần xen kẽ nhau:

          … “Thế rồi nửa đêm, Tú Thượng tọa thắp đuốc viết kệ lên vách tường ở chính giữa khu hành lang phía Nam, không để ai hay biết. Kệ rằng:

                                        “Thân là cây bồ đề

                                        Tâm như đài gương sáng

                                        Luôn siêng năng lau chùi

                                        Đừng để cho bụi bám”.

          Sau khi viết xong bài kệ, Thượng tọa Thần Tú quay về phòng nằm, không hề có ai trông thấy”8. Đọc tiếp một hồi, chúng ta lại thấy:… “Đồng tử bèn dắt Huệ Năng ra dưới hàng hiên phía Nam. Huệ Năng bèn đảnh lễ bài kệ ấy. Bởi vì không biết chữ, cho nên tôi nhờ một người đọc hộ. Vừa nghe xong, Huệ Năng tôi đã thấu triệt đại ý của bài kệ. Rồi lại nhờ một người biết viết, viết hộ lên vách tường phía Tây, để tôi có cơ hội trình bổn tâm mình. Nếu như không biết bổn tâm, có học pháp cũng vô ích, biết tâm thấy tánh mới giác ngộ được đại ý của Phật pháp. Bài kệ của Huệ Năng tôi như sau:

 

                                        Bồ đề vốn không cây

                                        Gương sáng cũng không đài

                                        Phật tánh thường thanh tịnh

                                        Chỗ nào để nhuốm bụi?

 

Lại một bài kệ nữa rằng:

                                        Tâm là cây bồ đề

                                        Thân là đài gương sáng

                                        Gương sáng vốn thanh tịnh

                                        Chỗ nào để nhuốm bụi?

 

          Các đồ chúng trong viện thấy Huệ Năng tôi làm bài kệ ấy đều lấy làm kinh ngạc, trong khi đó tôi lại trở về phòng giã gạo”9, v.v.

          Ảnh hưởng của Biến văn trong văn học Trung Quốc, Đồng Văn chỉ ra mấy loại: Văn vần lặp lại nội dung phần văn xuôi; Văn vần lời mới; Văn vần tường thuật sự kiện… Và qua mỗi loại, tác giả đều có trích dẫn tác phẩm chứng minh và khẳng định: “Hầu như mọi tác phẩm Biến văn đều có thơ bảy chữ và thể thơ này chiếm phần nhiều trong tác phẩm. Xin dẫn vài ví dụ:

          Thử thị cao hoàng bát cửu niên, tự tòng mỗi mỗi sự vương tiền, bảo kiếm lợi bạt trường ly sao, điêu cung mỗi mỗi hoán tam huyền. Lăng ngữ: “Đại vương kim dạ xuất, Sơ gia quân hiệu tổng tu phiên. Tuyển giản chư thần khứ bất đắc, tướng quân quán giáp tốc phan an” (Hán tướng Vương Lăng biến).

          Ngã kim dục nghĩ hạ diêm phù, nhữ đẳng tốc tu giản nhất quốc. Biến khán hạ phương chư thế giới, hà xứ kham ngô thác sinh phúc. (Bát tướng biến)”10.

          Theo Đồng Văn, ngoài thơ 7 chữ (thất ngôn), trong Biến văn cũng không thiếu thể thơ 5 chữ (ngũ ngôn). Chẳng hạn: “Ức tích từ loan điện, tương tướng xuất nhạn môn. Đồng hành phục đồng tẩm, song mã phúc song bôn… (Vương Chiêu Quân Biến văn), hoặc “Bất thị thiên vi nghiệt, đô duyên tự tác tai. Kiều dung hà xứ khứ, xú lậu thử thời lai… (Phá ma Biến văn)”11.

          Trong Biến văn cũng có thể thơ 6 chữ và có câu thơ nhiều hơn 7 chữ, nhưng không chiếm vị trí chủ yếu. Từ thực tế nghiên cứu, Đồng Văn cho biết: “Biến văn là một thể loại văn học ra đời ở thời Đường. Hành trình của nó kéo dài từ thế kỷ V cho tới thế kỷ X. Nguồn gốc của nó là kinh Phật và ban đầu, công dụng của nó là nhằm mục đích truyền bá đạo Phật từ Ấn Độ vào Trung Quốc nên ở thời gian khởi thủy này, nội dung và giá trị văn học của nó còn sơ lược chủ yếu là nội dung tôn giáo và phụ thuộc vào tôn giáo. Thế nhưng về sau, khi thể loại này được lưu hành trong dân gian và được tắm mình trong không khí hiện thực, chịu những tác động của hiện thực và nhu cầu thưởng thức của công chúng thì nội dung tôn giáo phai nhạt dần và được thay thế bằng các sự tích lịch sử, các tư tưởng đạo lý nhân dân. Từ đó, nó trở thành một thể loại văn học đặc biệt bởi sự hội nhập độc đáo của tư tưởng Phật giáo và tư tưởng thông tục dân gian”12.

          Nhìn chung, “Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên” là công trình nghiên cứu có giá trị. TT-TS Thích Đồng Văn là người đầu tiên của Thiền phái Chúc Thánh nghiên cứu về Biến văn Đôn Hoàng và là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu về đề tài này.

          Với đời, người trần thế thường nói con cái là tương lai của cha mẹ, và cha mẹ là quá khứ của con cái. Nếu cha mẹ nhìn về tương lai thấy đầy sắc màu tươi sáng là vui, con cái quay đầu nhìn lại quá khứ chẳng thấy gì phải buồn là hạnh phúc. Với đạo, tôi nghĩ không khác mấy. Và qua hơn 300 năm kể từ ngày Ngài Minh Hải – Pháp Bảo xuất kệ truyền pháp, các đệ tử nối đời của Ngài đã làm cho tông môn ngày càng hưng thịnh, và họ cũng tự hào về Sơ Tổ của mình, ngày càng cố gắng thực hiện lời dạy của Ngài: “Tổ đạo giải hanh thông/ Giác hoa bồ đề thọ/ Sung mãn nhân thiên trung – Hiểu và hành sánh ngang/ Cây giác ngộ hoa nở/ Trời người hương ngập tràn)”./.

VU GIA

 

 

_Chú thích:

1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nhà_Đường

2. https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat-hoc-online/don-hoang-bien-van-k33668.html

3. Ban Biên dịch Đạo Uyển, Từ điển Phật học, NXB Tôn giáo, H, 2016, trang 210-211.

4. GS. Nhan Bảo – TS. Thích Đồng Văn, 6 Truyện – Thơ Nôm đầu thế kỷ XX, NXB Tổng hợp TPHCM, 2006, trang 5.

5. Đồng Văn, Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên, NXB Hồng Đức, H, 2013, trang 17-18.

6. Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên, sđd, trang 20-21.

7. Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên, sđd, trang 139.

8. https://thienphatgiao.org/kinh-phap-bao-dan/4/

9. https://thienphatgiao.org/kinh-phap-bao-dan/4/

10. Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên, sđd, trang 144.

11. Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên, sđd, trang 144-145.

12. Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên, sđd, trang 308.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1- Ban Biên dịch Đạo Uyển, Từ điển Phật giáo, NXB Tôn giáo, H, 2016.

2- Đồng Văn, Biến văn Đôn Hoàng – Thạch động không ngủ yên, NXB Hồng Đức, H, 2013.

3- GS. Nhan Bảo – TS. Thích Đồng Văn, 6 Truyện – Thơ Nôm đầu thế kỷ XX, NXB Tổng hợp TPHCM, 2006.

4- Pháp Bảo Đàn kinh, https://thienphatgiao.org/kinh-phap-bao-dan/4/

5- Tự điển Phật học online, https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat-hoc-online/don-hoang-bien-van-k33668.html