Người xuất gia vẫn là con người đang sống ở cõi Ta bà này, và phàm, hễ có tướng, tức là hư vọng, nên có những chuyện ngoài việc cần dám nghĩ, còn cần dám làm mới có thành tựu, chứ nếu chỉ có nghĩ thì mãi mãi chỉ là mộng tưởng.
Đã hơn 300 năm kể từ ngày Ngài Minh Hải – Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh tại Cẩm Phô, Hội An, sau đó xuất kệ truyền thừa dòng phái Chúc Thánh tại Quảng Nam, thì Phật giáo Việt Nam có thêm một thiền phái mới và Phật giáo Quảng Nam nói riêng, Phật giáo Đàng Trong nói chung, từng bước phát triển mạnh cho đến ngày nay.
Thú vị với bài kệ truyền pháp
Bài kệ truyền pháp của Ngài Minh Hải – Pháp Bảo, có 40 từ:
“Minh thực pháp toàn chương
Ấn chân như thị đồng
Chúc Thánh thọ thiên cửu
Kỳ Quốc tộ địa trường
Đắc chính luật vi tuyên
Tổ đạo hạnh giải thông
Giác hoa bồ đề thọ
Sung mãn nhân thiên trung
Dịch:
Hiểu thấu đạo chân thực
Ấn Chân Như hiện tiền
Cầu Thánh quân tuổi thọ
Chúc đất nước vững bền
Giới luật nêu trước tiên
Giải và Hạnh nối liền
Hoa nở cây giác ngộ
Hương thơm lừng nhân thiên”1.
Các vị Tổ dòng Chúc Thánh dùng 4 câu đầu để đặt pháp danh cho đệ tử, và dùng 4 câu sau để đặt pháp tự cho các vị tăng ni. Cụ thể, như:
1- Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo.
2- Thiệt Dinh, tự Chánh Hiền, hiệu Ân Triêm.
3- Pháp Chuyên, tự Luật Truyền, hiệu Diệu Nghiêm.
…, v.v…
Và Ngài Minh Hải – Pháp Bảo trở thành Sơ Tổ Thiền phái Chúc Thánh, nay truyền thừa đến khoảng 12-13 đời.
Trong bài kệ có câu: “Chúc Thánh thọ thiên cửu/ Kỳ Quốc tộ địa trường”, Thiền sư Nhất Hạnh dịch: “Cầu Thánh quân tuổi thọ/ Chúc đất nước vững bền”. Điều này, cho thấy Ngài Minh Hải – Pháp Bảo chọn nơi này là quê hương, và đạo không rời xa trần thế, đúng với tinh thần bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng: “Phật pháp tại thế gian/ Bất ly thế gian giác/ Ly thế mịch bồ đề/ Kháp như cầu thố giác” (Phật pháp ở thế gian/ Không thể rời thế gian mà giác ngộ/ Rời thế gian mà giác ngộ/ Giống như tìm sừng thỏ). Với Ngài, đất nước có người lãnh đạo sáng suốt (thánh quân), thì đất nước mới vững bền, và được như thế thì đời – đạo mới viên dung.
Vậy thời Ngài Minh Hải – Pháp Bảo đến Đại Việt thật sự có thánh quân không?
Xin thưa, thời Ngài đến Đại Việt là thời Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) lãnh đạo xứ Đàng Trong. Và thời ấy, “phía Nam, đất đai được khẩn hoang đến tận biên giới Chân Lạp. Trong nước việc nội trị, võ bị, giáo dục được phát triển có quy mô. (…) Năm 1702, ở biển phía Nam có giặc biển người Anh đến cướp phá, chiếm cứ đảo Côn Lôn. Đồ đảng hơn 200 người và 8 chiến thuyền, xây dựng sào huyệt kiên cố. Chúa sai Chương dinh Trấn Biên Trương Phúc Phan tìm cách trừ khử bọn cướp. Sau nhờ mộ được 15 người Chà Và (người Mã Lai) làm kế nội ứng, đốt tan được sào huyệt của giặc, tịch thu của cải đem về.
Tháng 8 năm 1708, Mạc Cửu người Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, trước đó đến khai thác vùng đất Hà Tiên, dâng thư lên triều đình xin đem đất Hà Tiên quy thuộc miền Nam. Chúa nhận lời và phong cho Mạc Cửu làm làm Thống binh trấn giữ đất Hà Tiên.
Tháng 12 năm 1709, Chúa cho đúc Quốc bảo. Ấn khắc chữ: “Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo”, để dùng và truyền đời này sang đời khác”2.
Đó là về mặt đời, còn về mặt đạo, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu “là một Phật tử thuần thành, hết lòng vì Phật pháp. Ông đã quy y thọ Bồ tát giới với tổ Thạch Liêm nên có pháp danh Hưng Long và hiệu là Thiên Túng đạo nhân. Ông đã hộ trì Tam bảo với nhiều hình thức: cung thỉnh và hộ đàn chư Tăng mở giới đàn tại chùa Thiền Lâm, đúc Đại hồng chung cúng chùa Thiên Mụ vào ngày mồng 8 tháng 4 năm Canh Dần (1710)”3, v.v.
Đại đức Thích Như Tịnh, cho rằng “đứng ở lập trường thế tục pháp, thì “Chúc Thánh” có nghĩa là chúc cho thánh thượng, chúc cho minh quân, chúc cho cái đạo trị thế của minh vương đó tồn tại mãi”4… Do vậy, Thiền sư Nhất Hạnh dịch câu kệ truyền pháp: “Chúc Thánh thọ thiên cửu” là “Cầu thánh quân tuổi thọ”, không chỉ đúng mà còn khá hay với thực tế con người và đất nước Đại Việt (xứ Đàng Trong) lúc bấy giờ dưới mắt nhìn và ước nguyện của Ngài Minh Hải – Pháp Bảo.
Nhưng theo Đại đức Thích Như Tịnh, từ “Thánh” trong “Chúc Thánh” cũng có thể giúp chúng ta nghĩ với ý nghĩa sâu xa hơn trên lập trường Phật đạo: “Thứ nhất, Thánh chỉ cho Đức Phật, bởi Đức Phật còn được tôn xưng là Thánh nhân xuất thế, Thánh trung Thánh hay Thánh trung Vương (Thánh của các bậc Thánh, vua trong các dòng Thánh). Thứ hai, Thánh có nghĩa là Thánh đạo, là Phật pháp; là đạo Từ bi, Trí tuệ, Giải thoát; là Thánh pháp xuất thế”5. Do đó, câu “Chúc Thánh thọ thiên cửu” trong bài kệ truyền pháp của Ngài Minh Hải – Pháp Bảo, có thể hiểu là “cầu nguyện cho Phật pháp trường tồn, nguyện cầu cho Thánh đạo miên viễn đến ngàn sau. Nếu không hiểu một cách rốt ráo như vậy thì ta giải thích những từ ngữ: Thánh đế, Thánh hạnh, Thánh chủng, Thánh quả, Thánh trí v.v… như thế nào? Ta giải thích từ ngữ “Bát Thánh đạo” (còn gọi Bát Chánh đạo) như thế nào đây? Chẳng lẽ cũng là Tám con đường của nhà vua?!”6. Và Đại đức Thích Như Tịnh dịch câu “Chúc Thánh thọ thiên cửu” là “Nguyện Phật đạo vững bền”7, khá thú vị.
Có nên gọi Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh?
Như chúng ta đã biết sau ngày Lục Tổ Huệ Năng quãy dép về Tây, trong các đệ tử đời sau đắc pháp theo dòng thiền của ngài có 5 vị khai tông lập phái, gọi là “Ngũ gia tông phái”: Quy Ngưỡng tông, Lâm Tế tông, Tào Động tông, Vân Môn tông, Pháp Nhãn tông. Nhưng hơn ngàn năm trước, có 2 vị thiền sư trong Lâm Tế tông xuất kệ, khai tông, nên lịch sử Phật giáo Trung Hoa gọi là “Ngũ gia thất tông”.
Theo trang mạng vi.wikipedia.org, thì “Ngũ gia thất tông (zh. 五家七宗, ja. goke-shishishū) là 5 nhà và 7 tông của Thiền tông Trung Quốc. Ngũ gia gồm có:
1. Quy Ngưỡng tông, do hai Thiền sư khai lập là Quy Sơn Linh Hựu (771-853) và môn đệ Ngưỡng Sơn Hiệu Tịch Thiền sư (807-883 hoặc 813/814-890-891);
2. Lâm Tế tông, do Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-866) khai sáng;
3. Tào Động tông, do hai Thiền sư khai sáng, đó là Động Sơn Lương Giới (807-869) và Tào Sơn Bản Tịch (840-901);
4. Vân Môn tông, được Thiền sư Vân Môn Văn Yển (864-949), môn đệ của Tuyết Phong Nghĩa Tồn thành lập;
5. Pháp Nhãn tông, do Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích (885-958) thành lập (trước đó tông này cũng được gọi là Huyền Sa tông, gọi theo tên của Thiền sư Huyền Sa Sư Bị, thầy của Thiền sư La-hán Quế Sâm, sư phụ của Đại Pháp Nhãn).
Nếu kể cả 2 nhánh của Lâm Tế tông được thành lập sau Thiền sư Thạch Sương Sở Viên (Từ Minh) thì có tất cả là 7 tông:
1. Dương Kì phái, được Thiền sư Dương Kì Phương Hội (992- 1049) thành lập;
2. Hoàng Long phái, được Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam (1002-1069) sáng lập”8.
Nếu như chúng ta gọi Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, thì 2 phái mà tổ khai tông xuất thân từ tông Lâm Tế được nêu trên, nên gọi Lâm Tế Dương Kỳ phái và Lâm Tế Hoàng Long phái. Và như vậy, Phật giáo Trung Quốc chỉ có 5 tông chứ không phải 7 tông như cách phân biệt hơn ngàn năm qua.
Trong thực tế, Ngài Minh Hải – Pháp Bảo cũng chỉ còn chút gốc rễ với dòng Lâm Tế, vì ngài thọ giới theo dòng kệ “TỔ ĐẠO GIỚI ĐỊNH TÔNG/ PHƯƠNG QUẢNG CHỨNG VIÊN THÔNG/ HẠNH SIÊU MINH THIỆT TẾ/ LIỄU ĐẠT NGỘ CHƠN KHÔNG”9… của Thiền sư Tuyết Phong Tổ Định (đời thứ 22 Thiền phái Lâm Tế, xuất kệ truyền thừa dòng phái mới gồm 20 từ, và Ngài Minh Hải – Pháp Bảo là đời thứ 13 của dòng kệ này).
Phải chăng “Uống nước nhớ nguồn”?
Nhiều người cho rằng gọi Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là “Uống nước nhớ nguồn”. Tôi cho rằng nói như thế là chưa đúng, thậm chí không đúng, bởi “nhớ nguồn” kiểu này là “nhớ nguồn” nửa vời. Nếu thực sự “nhớ nguồn”, thì phải nhớ từ vị Tổ thứ nhất: Ma Ha Ca Diếp. Còn nếu “nhớ nguồn” theo Phật giáo Trung Hoa, không nhất thiết phải “nhớ nguồn” từ 28 vị Tổ Thiên Trúc, thì phải “nhớ nguồn” từ vị Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa Bồ Đề Đạt Ma (đời thứ 29 kể từ Ma Ha Ca Diếp), chứ Ngài Lâm Tế – Nghĩa Huyền là đời thứ 11 của Thiền tông Trung Hoa, không phải người khai sáng Thiền tông Trung Hoa.
Vì thế, tôi nghĩ các vị lãnh đạo Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh hiện nay, nên mạnh dạn tách 2 từ “Lâm Tế” ra khỏi cụm từ “Lâm Tế Chúc Thánh”, chỉ còn cụm từ “Thiền phái Chúc Thánh”, nghe “chính danh” hơn, dẫu cụm từ “Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh” chưa đến mức như lời Khổng Tử: “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành” (Nếu danh không chính thì lời nói không thuận lý; lời nói không thuận thì sự việc không thành).
Trong cuốn sách Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh của Thích Như Tịnh, ở Chương I, Chánh truyền trực hệ Thích Ca Mâu Ni Phật, ghi vị Tổ thứ nhất: Tôn giả Ma Ha Ca Diếp đến vị “Tổ Thứ 71. Đời 34 Tông Lâm Tế – Sơ Tổ Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh” là người đọc nắm được cơ bản lịch sử truyền thừa của Phật giáo, nhưng nên chỉ ghi: “Sơ Tổ Thiền phái Chúc Thánh” sẽ hay hơn và được nhiều sự đồng thuận hơn. Nếu ghi “Sơ Tổ Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh”, thì Phật giáo Trung Hoa, cũng như Phật giáo các nước, khi viết về Tôn giả Bồ Đề Đạt Ma, phải ghi thế nào? Gọi hoặc viết “Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa” như lâu nay sách vở đã ghi, đủ chưa? Chưa đủ, nếu so với cách viết của ta về Ngài Minh Hải – Pháp Bảo là “Sơ Tổ Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh”.
Hội thảo này là dịp để những người con Phật, những đệ tử truyền thừa của dòng phái Chúc Thánh tề tựu về tưởng niệm công đức của những vị Tổ đã hoằng dương chánh pháp, đưa dòng phái Chúc Thánh đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện ước nguyện của Ngài Minh Hải – Pháp Bảo: “Cầu Thánh quân tuổi thọ/ Chúc đất nước vững bền”. Và cũng là dịp để chúng tôi được bày tỏ suy nghĩ của mình.
Ở đời, chẳng có gì là thiên thu bách thế, hết cực tất suy và cũng nhờ cái suy này mà người đương thời nghĩ ra những cải biến để phù hợp với cuộc sống, đưa sự việc tiến tới những bước mới, mở ra những con đường mới, không những giữ được truyền thừa mà còn phát huy được truyền thừa theo hướng canh tân, phù hợp với lớp người mới không chấp nhận những gì nhân thế cho là đã lỗi thời. Do vậy, nếu không có những bước đổi mới của những người có nhiệt tâm, nhiệt huyết thì mạng mạch truyền thừa dễ dàng dứt gãy.
Qua ý kiến đề xuất này, chắc có người nói: Chúc Thánh cũng tốt; Lâm Tế Chúc Thánh cũng hay, bởi người xuất gia, tứ đại giai không, nhất trần bất nhiễm, thì còn thị phi gì mà nói nữa. Nhưng với tôi, người xuất gia vẫn là con người đang sống ở cõi Ta bà này, và phàm, hễ có tướng, tức là hư vọng, nên có những chuyện ngoài việc cần dám nghĩ, còn cần dám làm mới có thành tựu, chứ nếu chỉ có nghĩ thì mãi mãi chỉ là mộng tưởng. Người xưa nói: “Nhân hữu bi hoan ly hợp, nguyệt hữu âm tình viên khuyết” (Người có vui buồn ly hợp, trăng có mờ tỏ đầy vơi). Nhân sinh đều có khuyết điểm, nhưng không thể làm như không thấy, không biết. Nếu ai cứ khư khư giữ suy nghĩ như vậy thì vĩnh viễn không cách nào trở nên viên mãn.
Từ suy nghĩ ấy, tôi cho rằng những cuốn sách viết về lịch sử truyền thừa của tông môn pháp phái nào, chỉ cần in đủ “Chánh truyền trực hệ” như ở trang 9-10 của cuốn Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Đến đời thứ 28: Tôn giả Bồ Đề Đạt Ma – Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa, chúng ta in đậm, người đọc nhìn qua sẽ biết đến đời này được “dọn ra riêng”. Sau đời Lục Tổ Huệ Năng, đến đời thứ 38 theo “Chánh truyền trực hệ”, ghi thêm: Đời thứ 11 Thiền tông Trung Hoa và in đậm: Khai tổ tông Lâm Tế – Thiền sư Lâm Tế – Nghĩa Huyền. Đến đời thứ 71 – Đời thứ 34 Tông Lâm Tế: Sơ Tổ Thiền phái Chúc Thánh – Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo, giúp lớp hậu bối nhìn qua là nhanh chóng biết ngay “trực hệ” của từng dòng thiền. Nói chung, cách viết này, giống như Sơ đồ Gia phả các dòng tộc ở trần thế, chứ không phải gì mới. Và với dòng phái Chúc Thánh, nên gọi Thiền phái Chúc Thánh vừa gọn vừa đầy đủ, chứ không có nửa vời như cách gọi lâu nay, bởi Ngài đã “quyết định dọn ra riêng” bằng cách xuất kệ truyền thừa dòng thiền cho riêng mình những hơn 300 năm rồi, và lớp con cháu ngày một phát triển với tương lai tươi sáng như lịch sử đã chứng minh, đâu cần phải nương nhờ vào hình bóng nào./.
PGS – TS TRỊNH SÂM
Trường ĐH Sư phạm TPHCM
_Chú thích:
1. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận I, II, III, NXB Văn học, H, 2011, trang 594.
2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Phúc_Chu
3. Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009, trang 113.
4. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 112.
5. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 112-113.
6. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 113.
7. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 114.
8. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ngũ_gia_thất_tông
9. Tỳ kheo Thích Xương Tâm, Thế thứ truyền thừa các tông phái Phật giáo, NXB Tôn giáo, H, 2019, trang 14.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1- https://vi.wikipedia.org/wiki/Ngũ_gia_thất_tông
2- https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn_Phúc_Chu
3- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận I, II, III, NXB Văn học, H, 2011.
4- Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009.
5- Tỳ kheo Thích Xương Tâm, Thế thứ truyền thừa các tông phái Phật giáo, NXB Tôn giáo, H, 2019.