Người xuất gia cũng còn là công dân của một nước, và ai cũng muốn “vận nước lâu dài” để có điều kiện “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, nên tác giả Hứa Sử truyện vãn, cho Đổng Vân cởi áo cà sa khoác chiến bào dẹp giặc cứu nước.
Thời gian đi qua, không ít thiền sư Thiền phái Chúc Thánh góp phần làm giàu kho tàng văn học Phật giáo và văn học Hán – Nôm của dân tộc. Cụ thể, Thiền sư Pháp Chuyên – Diệu Nghiêm đã chú giải và trước tác trên 20 tác phẩm về kinh, luật, luận rất có giá trị như: Tam bảo biện hoặc luận, Hoằng giới đại học chi thư, Tam giáo pháp số, v.v. Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài với những sáng tác thơ văn cũng như bình giảng kinh điển bằng chữ Nôm, như: Hứa Sử truyện vãn, Tham thiền vãn, v.v.
Truyện này nhơn quả rõ ràng
Từ xa xưa, chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ dùng những bài kệ, tức là những bài văn vần để giảng giải một đoạn kinh Phật, hay một bài văn vần của vị cao tăng để lại cho chúng đệ tử trước khi viên tịch. Nhưng khi đạo Phật đến Việt Nam, thì nhiều vị cao tăng đã chuyển hóa lời kinh tiếng kệ, những Phật thoại,… sang văn vần nôm na dễ hiểu nhằm mục đích đưa đạo Phật vào cuộc sống. Những cao tăng có năng lực sáng tác thì làm nên những tác phẩm thơ Nôm, giải thích Phật đạo bằng tín ngưỡng dân gian, diễn tả những huyền nhiệm của sự tu hành và vai trò của những sứ giả Như Lai,… trên tinh thần “vì lợi ích cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người” như lời Phật dạy. Và tác phẩm Hứa Sử truyện vãn của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài (thế hệ thứ 4 Thiền phái Chúc Thánh) là như thế.
Hứa sử truyện vãn được Võ Văn Liễng dịch năm 1930 theo bản chữ Nôm ở Chùa Giác Viên (Gia Định), Bửu Sơn pháp sư – Yết ma Chùa Phước Long (Tân Hựu Đông, Sa Đéc) chứng minh và giảo chánh, Trí Thanh Hòa thượng Chùa Sắc tứ Tam Bảo (Làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá) chứng minh, Đệ tử Vương Thị Ở (Làng Vĩnh Phước, Rạch Giá) ấn tống 500 cuốn.
Trong lời Tựa, Võ Văn Liễng “thấy quyển Hứa Sử này, có nhiều chỗ đáng làm gương cho đoàn hậu tấn, vì tuy là một quyển nôm na, mà Thế (thế đề) Đạo (đạo đề) đôi đề gồm đủ, gương đời nêu: hiếu, nghĩa, trung, trinh; nền đạo tạc: từ, bi, hỉ, xả, chẳng những là xiển dương cái chánh Pháp của Phật mà thôi, lại cũng là một quyển để tài bồi cái thuần phong mỹ tục cho xã hội đó”.
Lý do vào truyện, tác giả cho biết: “Tiết vừa Đông mãn Xuân qua/ Gió thanh phất phất, khí hòa hây hây/ Thiều quang hơi ấm xum vầy/ Vật, người hớn hở, cỏ cây tươi nhuần”. Tác giả “Lo thương Phật pháp sanh sơ/ Nôm na mấy vận, u ơ vài lời/ Thấy vãn Hứa Sử truyền đời/ Xem câu đạt trước kính lời Tổ xưa/ Nhiều nơi cảm thiết chẳng vừa/ Bỗng rơi lụy ngọc như mưa khôn cầm”. Tác giả giới thiệu: “Truyện này nhơn quả rõ ràng/ Nếu ngồi lãng vậy sao an tấm lòng/ Chẳng đặng đừng gắng công sang bổ/ Lo đền ơn Phật Tổ phải đang/ Truyện kinh sự lý rõ ràng/ Một câu hiểu đặng, ngàn vàng khôn so”. Tác giả cho người đọc biết thêm: “Đạo này rất đỗi nhiệm mầu/ Khuyên lành răn dữ chẳng đâu hơn rày/ Dầu ai tín kính đạo này/ Hẳn là tiền kiếp đã dày thiện căn/ Hoặc người hủy báng lung lăng/ Số là đời trước Phật, Tăng chẳng gần”…
Qua Hứa Sử truyện vãn, người đọc thấy tác giả muốn đưa vào đấy hầu hết những vấn đề căn bản của sự việc tu hành: Tu ở thành thị hay lâm tuyền, chốn nào có lợi cho sự tu, người tu? Trong khi tu tập có thể gặp những ma chướng, phiền nào, đàm tiếu, thái độ của người tu hành phải như thế nào? Thầy dạy đạo của mình lỡ sa đà, vướng vào vòng tục lụy, thái độ mình là đệ tử hành sử sao cho phải đạo? Nước nhà có loạn, mình có tài an bang, nên cầm quân dẹp giặc chăng, nếu cầm quân thì phải làm sao giới hạn sự sát sanh đến tối thiểu?, v.v. Truyện đơn giản, dễ hiểu, mang nặng tinh thần Phật giáo dân gian.
Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh
Đọc qua 85 trang tác phẩm Hứa Sử truyện vãn, người đọc có thể nhìn ra Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài muốn “chuyển hóa” lời dạy của Tổ Minh Hải – Pháp Bảo qua bài kệ truyền pháp qua bản dịch của Thích Như Tịnh: “Nguyện Phật đạo bền vững/ Cầu vận nước lâu dài/ Giới luật làm nền tảng/ Hiểu và hành sánh ngang/ Cây giác ngộ hoa nở/ Trời người hương ngập tràn”1, bởi tư tưởng chính trong tác phẩm muốn người đời làm lành lánh dữ; nếu người nào làm lành thì sẽ được lên cõi Trời, cõi Phật, còn làm ác sẽ bị trị tội ở địa ngục sau khi chết. Và tu hành không chỉ có vào chùa mới là đi tu. Hứa Sử truyện vãn cho người đọc biết tu có hai cách: tu phước như vợ chồng Đào thị, đến chùa làm Phật sự, kính thầy, tạo thiện duyên, không cần biết kinh kệ, chỉ chuyên cần niệm A Di Đà Phật là đủ, và tu huệ như Đổng Vân, như Hứa Sử, cắt ái lìa gia, bỏ hết quyền chức trong đời mà vào chùa, sống đời sư sãi, đọc kinh sách Phật để tìm hiểu sâu hơn. Những người tu huệ, nếu đào sâu, hiểu được những lời Phật dạy thì sẽ nhìn được đạo quả.
Nhưng người xuất gia cũng còn là công dân của một nước, và ai cũng muốn “vận nước lâu dài” để có điều kiện “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, nên tác giả Hứa Sử truyện vãn, cho Đổng Vân cởi áo cà sa khoác chiến bào dẹp giặc cứu nước. Ông đã ra hịch vỗ về ba quân và hứa tha địch trước khi ra trận. Ông không trang bị quân mình bằng tư tưởng thù hận mà bằng tư tưởng cần phải giúp nước, ra ân trước, ra oai sau: “Trước ra văn đức vỗ lòng/ Bằng nó cứng cổ, sãi dùng gia binh”. Khi thắng trận, ông đối xử với những kẻ thua trận bằng tình thương, bảo đảm giúp họ trở về nước an toàn, giữ lời hứa… Đây cũng là tinh thần hòa hiếu, bao dung của ông cha ta từ ngàn xưa: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo). Chuyện Đổng Vân cởi áo cà sa đi đánh giặc giúp nước, tôi thấy có phần giống với chuyện thật của Thiền sư Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác (thế hệ thứ 3 Thiền phái Chúc Thánh), được dân gian gọi là Tổ “Bình Man Tảo Thị”.
Qua tác phẩm Hứa Sử truyện vãn, chúng ta thấy tác giả có ảnh hưởng ít nhiều tư tưởng Nho gia: “Năm hằng chẳng giữ, theo về súc sanh”. Năm hằng là “ngũ thường”: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trong cụm từ “tam cương ngũ thường”. Theo Nho gia, “Năm hằng” là năm điều phải hằng có trong khi ở đời.
Việc Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài có ảnh hưởng tư tưởng đạo Nho cũng không lấy gì làm lạ. Trong tác phẩm Tam giáo nguyên lưu ký, Ngài cho biết: “Ta xưa cũng dự Nho gia/ Mười hai tuổi học đến ba mươi rày (…) Sau ta đầu học phép Thiền/ Thuở ba mươi tuổi vậy liền xuất gia”2.
Qua tác phẩm Hứa Sử truyện vãn, cho người đọc biết đi tu cũng phải có cơ duyên, nếu gặp phải thầy bá láp bá xàm không lấy “Giới luật làm nền tảng” thì chẳng ích lợi chi: “Không duyên gặp thầy vô minh/ Những ông trá huyễn tu hành, ăn chơi/ Chẳng biết điều chi dạy người/ Cứ môn lạy Phật, hôm mai hương đèn/ Vào làm bổn đạo cầu duyên/ Những ông làm vậy mình nên ích gì”.
Tác phẩm Hứa Sử truyện vãn có hai phần. Phần đầu là cuộc đời tu hành của Hứa Sử từ lúc nhỏ đến khi siêu hóa để có được thần thông đi cứu bạn, cứu song thân. Phần thứ hai là đoạn Hứa Sử, lúc nầy đã ở vai trò của bậc Thanh Văn, xuống trần đưa sách nói về sự luân hồi và giải thoát cho người đời để họ biết lẽ tu hành. Kết quả là độ được nhiều người trong đó có trường hợp của Đổng Vân.
Kết thúc truyện: “Chúng sanh khiết ngộ chơn như/ Nhứt thiết tế chứng vô dư nát bàn”.
Nhìn chung, tác phẩm Hứa Sử truyện vãn, chính là minh họa lời Phật dạy: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Trước tiên, tu sĩ cầu thành đạt sự giác ngộ và giải thoát; sau đó, đem kinh nghiệm tu tập giác ngộ và giải thoát của mình để cứu giúp chúng sanh. Vì thế, có hai việc mà một tu sĩ Phật giáo cần phải làm là tự giác và giác tha. Và Đổng Vân đã làm tròn hai nhiệm vụ đó.
Mấy mẩu chuyện khó tin nhưng có thật
Nhìn lại, hơn 300 năm qua, Tăng nhân dòng Chúc Thánh luôn luôn lấy “Giới luật làm nền tảng”, thực hiện lập trường quan điểm hành đạo của Tăng già Việt Nam: “Hộ quốc an dân”, với mong muốn “Chúc đất nước vững bền” như một câu trong bài kệ truyền pháp của Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo. Và từ đó đến nay, Thiền phái Chúc Thánh đã truyền được khoảng 12-13 đời.
Tôn chỉ hành đạo của Thiền phái Chúc Thánh kể từ ngày Tổ sư Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh cho đến bây giờ vẫn không thay đổi. Nhập thế tích cực cứu đời nhưng vẫn thong dong tự tại trước mọi lợi danh. Tùy duyên hành đạo và bất biến giữ đạo luôn được áp dụng tùy từng hoàn cảnh cụ thể theo tinh thần “Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật”.
Kể từ khi cắm tích trượng trên đất Hội An, xuất kệ truyền pháp, đến nay chúng ta dễ dàng nhận ra rằng, từng bước dòng Thiền Chúc Thánh đậm chất Việt Nam. Tuy rằng, Tổ khai tông Minh Hải – Pháp Bảo là người Trung Hoa, nhưng qua bài kệ của ngài, ta thấy tấm lòng của ngài đối với đất nước Đại Việt. Bài kệ này được Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch Nôm: “Khơi sáng pháp chân thật/ Tánh chân như là đồng/ Cầu Thánh quân muôn tuổi/ Chúc đất nước vững bền/ Giới luật nêu trước tiên/ Giải và hành nói liền/ Hoa nở cây giác ngộ/ Hương thơm lừng nhân thiên”3. Kế thừa Tổ Minh Hải là Thiền sư Thiệt Dinh – Ân Triêm. Ngài là người Việt Nam đầu tiên đắc pháp với Tổ Minh Hải. Theo phổ hệ truyền thừa, Tổ sư Minh Hải có trên 10 vị đệ tử truyền pháp, nhưng xuất sắc nhất là Thiền sư Ân Triêm. Từ Tổ Ân Triêm, Thiền phái Chúc Thánh lan rộng khắp các tỉnh thành. Đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần các chi nhánh của Thiền phái Chúc Thánh đều xuất phát từ hệ của ngài Thiệt Dinh – Ân Triêm. Điều này cho thấy sự truyền thừa của Thiền phái Chúc Thánh đã Việt hóa dòng Thiền Lâm Tế từ đời thứ 3 kể từ Sơ Tổ Phật giáo xứ Đàng Trong Nguyên Thiều – Siêu Bạch. Và chỉ sau vài ba đời, Thiền phái Chúc Thánh có mặt khắp xứ Đàng Trong. Nhiều Thiền sư, nhiều sự linh ứng được dân gian truyền tụng đến tận bây giờ. Nhiều chuyện kể cứ như hoang đường, nhưng nhiều chuyện kể mà người nghe muốn không tin không được.
Chuyện kể rằng, có lần, một đạo hữu trong phố Hội An có con trẻ bị người cõi âm nhập. Vị ấy ra chùa Chúc Thánh thỉnh Hòa thượng Thiện Quả (1881-1962) vào chữa trị. Hòa thượng trụ trì chùa Chúc Thánh không thích việc chữa trị tà ma như tín ngưỡng dân gian đã và đang tin như thế, nhưng vì cảm tình bổn đạo, nên ngài hứa sẽ vào cầu an.
Chạng vạng hôm đó, ngài cùng với đệ tử Trí Nhãn khăn đãy vào phố. Khi đến gần Miếu Ông Cọp (Xưa nay, Miếu Ông Cọp ở Hội An được nhân dân tin là rất linh thiêng. Hiện nay đã được đầu tư trùng tu, và là một trong những điểm tham quan của Phố cổ), ngài thấy có người đội nón cời ngồi chắn giữa đường. Hòa thượng hỏi:
– Ai ngồi giữa đường đó?
Người ấy trả lời:
– Là tôi.
– Tôi là ai?
– Là ma đây.
– Vậy ngồi đây làm gì?
Ma trả lời:
– Thưa hòa thượng, tôi vốn là cô hồn vất vưởng không nơi nương tựa, đói khát thường xuyên. Nay, tôi bắt thằng bé trong phố để nhà nó cúng cho tôi ăn. Nếu ngài vào thì làm sao tôi có cái ăn.
Hòa thượng khuyên:
– Thôi, đừng làm chuyện ác đức đó, hãy tha cho thằng bé rồi về chùa tôi nghe kinh kệ, ngày ngày được hưởng hương hoa.
Nghe vậy, ma chắp tay cúi lạy và biến mất. Hòa thượng vào nhà đạo hữu tụng thời kinh Phổ Môn cầu an, và đứa bé khỏi bệnh.
Hòa thượng Thích Thiện Quả là bậc danh tăng xứ Quảng. Ngày rằm tháng bảy hằng năm, phần lớn các chùa đều chẩn tế âm linh cô hồn để cầu âm siêu dương thịnh. Riêng tại chùa Chúc Thánh, ngài không chủ trương như vậy. Hồi còn trụ thế, mỗi năm vào chiều rằm tháng bảy, ngài cùng đại chúng đem khoa Du Già lên chánh điện tụng đọc để cầu siêu thôi, chứ không làm rình rang như các chùa khác. Sự khiêm cung của ngài như ngọn đèn chánh pháp. Ngày ấy, sau giới đàn Từ Vân năm 1928 thì Quảng Nam gần như không mở giới đàn. Thỉnh thoảng, Hòa thượng Đương Như, trụ trì chùa Long Tuyền xuống đàm đạo và khẩn khoản xin ngài mở giới đàn tại chùa Chúc Thánh và tôn ngài lên ngôi Đường đầu hòa thượng. Nhưng lần nào, ngài cũng từ chối và nói: “Tôi đã nhiều lần được thỉnh làm tôn chứng, giáo thọ ở các đàn giới, thấy giới tử lạy lục cầu xin thọ giới mà hổ thẹn. Mình giới đức không bao nhiêu mà để người ta lạy nhiều, tổn phước lắm”.
Chuyện linh hiển tương tự như thế chưa dừng lại ở đây. Đến chùa Linh Sơn thuộc dòng truyền thừa Thiền phái Chúc Thánh, tọa lạc tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi cũng nghe được câu chuyện kể khá thú vị.
Chuyện kể rằng hồi năm 1944, quân Nhật trú đóng trong vùng bị quân Đồng Minh ném bom và có một quả bom hạng nặng rơi trúng nóc chùa Linh Sơn. Qua trận mưa bom, mọi người hết sức ngạc nhiên khi thấy quả bom trên nóc chùa Linh Sơn chẳng những không nổ mà cũng chẳng rơi xuống đất. Những người chứng kiến đều lấy làm lạ. Nếu quả bom này mà phát nổ thì chùa ắt phải bị san bằng, còn không phát nổ thì với trọng lượng ấy cùng lực thả từ trên máy bay xuống không thủng nóc chùa cũng phải lăn theo mái chùa rơi xuống đất, chứ đâu lại có thể nằm gọn trên nóc không cần dây chằng, chẳng có vật cản ngăn như vậy được. Đây chính là chuyện lạ xưa nay chưa hề có, và cũng chưa xa lắm nên nhiều người ở huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa còn nhớ, thậm chí nhiều người chứng kiến chuyện hi hữu ấy vẫn còn sống.
Sau trận bom, được tin báo của nhân dân trong vùng, quân đội Nhật cho người tới lấy quả bom mang đi. Những người lớn tuổi đinh ninh rằng các vị thần giữ chùa làm cho trái bom tịt ngòi và giữ lại trên nóc để không gây nguy hiểm cho dân lành. Chuyện xảy ra giữa ban ngày, ai tin cũng được mà không tin cũng được, nhưng có muốn cãi cũng chẳng biết sao mà cãi.
Chùa Chúc Thánh cũng như một số chùa cổ khác ở Hội An luôn được các đời trụ trì quan tâm tu bổ để có được như ngày hôm nay. Năm 1992, nhân dịp khánh thành Bảo tháp Tổ sư Minh Hải, tông phái Chúc Thánh được chính thức thành lập. Đây là nhu cầu thiết yếu để duy trì truyền thống và sự phát triển tông môn. Chư tăng ni thuộc tông phái khắp các tỉnh thành trong cả nước đều vân tập về Tổ đình Chúc Thánh để tổ chức thành lập tông phái và đặt trụ sở chính tại Tổ đình Chúc Thánh (Hội An). Tại hội nghị này, Thiền phái Chúc Thánh quy định 3 năm một lần vào ngày giỗ Tổ Minh Hải, tức ngày mồng 7 tháng 11 các năm thuộc chi Dần, Tỵ, Thân, Hợi, tăng ni các nơi tổ chức “Về nguồn” để họp bàn tổng kết đánh giá những thành tựu, ưu khuyết của môn phái; qua đó, vạch ra chương trình sinh hoạt trong những năm tới. Thông lệ này được thực hiện một cách đều đặn từ ngày đó đến nay, và lịch sử truyền thừa của Thiền phái Chúc Thánh sẽ có những dấu son mới song hành cùng lịch sử dân tộc./.
KHÁNH VÂN
_Chú thích:
1. Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009, trang 114.
2. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, trang 345.
3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận I, II, III, NXB Văn học, H, 2011, trang 594.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận I, II, III, NXB Văn học, H, 2011.
2- Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009.
3- Võ Văn Liễng (dịch), Hứa Sử truyện vãn: Quốc âm văn, 1930.