Hoà thượng Bích Liên với mảng thi ca viết bằng chữ Nôm (HT.Thích Huệ Minh)

          Sách Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 3, chương XXVII: Thiền sư Khánh Hòa và công cuộc vận động ở Nam Kỳ, mục: Các Thiền sư Bích Liên và Liên Tôn, Nguyễn Lang cho biết: “Bích Liên và Liên Tôn phát xuất tại Bình Định. Chính Khánh Hòa đã khám phá được hai vị này khi ông ra thuyết pháp tại Giới đàn Tổ đình Long Khánh ở Quy Nhơn vào năm 1928. Nhận thấy thực tài của hai người, ông bèn kết làm thân hữu và mời họ vào Nam hoạt động. Bích Liên đã làm Chủ bút Từ Bi Âm, trong khi Liên Tôn làm Phó Chủ bút…” và đã giới thiệu tóm tắt về Hòa thượng Bích Liên (1876-1950) như sau:

          “Thiền sư Bích Liên tên là Nguyễn Trọng Khải, sinh năm 1876. Khi nhận làm Chủ bút Từ Bi Âm, ông đã 57 tuổi. Năm 31 tuổi, ông đậu Tú tài Nho học, và năm 34 tuổi ông lại đậu Tú tài Nho học một lần nữa. Ông xuất gia năm 1919, tại chùa Thạch Sơn ở Quảng Ngãi, pháp danh là Chơn Giám, tự là Đạo Quang, hiệu là Trí Hải, còn Bích Liên chỉ là tên ngôi chùa do ông khai sáng và trụ trì sau khi ông xuất gia. Năm 45 tuổi, ông đắc pháp với Hòa thượng Hoằng Thạc chùa Thạch Sơn, chuyên về Tịnh Độ Tông. Ông đã sáng tác các sách sau đây bằng chữ Hán: Liên Tông Thập Niệm Yếu Lãm, Tịnh Độ Huyền Cảnh, Tây Song Ký, Tích Lạc Văn. Ông cũng sáng tác nhiều bằng chữ Nôm. Quy Sơn Cảnh Sách và Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi, là 2 tác phẩm dịch Nôm nổi tiếng hơn cả trong số này. Văn Nôm của ông rất chỉnh. Ta hãy đọc một đoạn trong Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi… Trong các Tập san Từ Bi Âm và Tam Bảo, Bích Liên còn viết nhiều bài Phật pháp bằng thơ lục bát. Năm 1938, ông được mời về làm Giáo sư tại Phật học đường Long Khánh ở Quy Nhơn. Ông mất tại chùa Bích Liên năm 1950, thọ 74 tuổi”. (Nguyễn Lang, Sđd, Nxb Lá Bối, Paris, 1985, trang 55-56).

          Tham khảo thêm những trang viết nơi mục: “Hòa thượng Bích Liên – Thích Trí Hải (1876-1950)” của sách Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam Thế kỷ XX, Tập 1, do Thích Đồng Bổn chủ biên (Thành Hội Phật giáo Thành phố HCM ấn hành, 1995, trang 213-218), cùng những trang viết nơi mục: “Hòa thượng Chơn Giám – Đạo Quang – Trí Hải (1876-1950): Chùa Bích Liên”, trong sách Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, do Đại đức Thích Như Tịnh biên soạn (Nxb Phương Đông, 2009, trang 294-296), chúng tôi có thể ghi nhận tổng quát về Hòa thượng Bích Liên (1876-1950) như sau: Hòa thượng Bích Liên là một trong số chư vị Danh Tăng tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam tiền bán thế kỷ XX, người Bình Định, thuộc Thiền phái Lâm Tế – Chúc Thánh, đã có những đóng góp rất đáng kể cho Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời kỳ 1929-1945, nhất là về phần sáng tác thơ văn, v.v…

          Trước hết, chúng ta cũng nên nhận biết qua về hiện trạng các tác phẩm còn ở dạng bản thảo (Hán, Nôm) của Hòa thượng Bích Liên đã được chép thành tập. Sau đây là những ghi nhận nêu dẫn của nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch (1939-2017) nơi bài viết: “Bích Liên, Thơ và Liễn chữ Hán”, in trong sách Tấc Lòng: “Tác phẩm của Hòa thượng Bích Liên (1876-1950) đã được Giáo sư Lê Mạnh Thát liệt kê trong Tập 1, Bộ Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam, Nxb TPHCM, 2001, trang 23, như sau:

          Bích Liên – Trí Hải (1876-1950): (1) Mông Sơn Thí Thực Diễn Âm (Nôm). (2) Tịnh Độ Huyền Cảnh (Hán). (3) Tọa Thiền Chỉ Quán Hợp Biên (Hán). (4) Vô Lượng Thọ Kinh Diễn Âm (Nôm). (5) Liên Tông Thập Niệm Pháp Môn Yếu Lãm (Hán). (6) Tịnh Nghiệp Văn Yếu Nghĩa (Hán). (7) Trùng Du Thập Tháp Tự (Hán). (8) Kinh Văn Diễn Âm Tập (Nôm). (9) Quy Sơn Đại Viên Thiền Sư Cảnh Sách (Nôm). (10) Thăng Tòa Thuyết Pháp Tiên Thân Pháp Ngữ Quốc Âm Văn (Nôm). (11) Chứng Đạo Ca (Hán). (12) Tây Song Ký (Hán).

          “Trên đây là bản thảo các tác phẩm của Hòa thượng Bích Liên được GS Lê Mạnh Thát mượn của vị sư trụ trì chùa Bích Liên, mà cũng là cháu nội của HT Bích Liên, là Thượng tọa Huyền Ấn. Đối chiếu với bản Danh Mục Tác Phẩm của HT Bích Liên mà tôi (Đặng Quý Địch) hiện có thì còn thiếu quyển Tích Lạc Văn. Quyển này hiện cũng không có tại chùa Bích Liên. Phải chăng nó đã bị mất trong thời gian GS Lê Mạnh Thát bị cách ly khỏi tủ sách Phật học và Văn học Phật giáo của mình? Riêng tác phẩm Mông Sơn Thí Thực Diễn Âm, tức Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi Diễn Nôm, đã được tôi (Đặng Quý Địch) phiên âm chú giải, rồi đưa trọn vào phần III của sách Văn tế ở Bình Định, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2008, từ trang 220 đến trang 259…” (Nxb Hội Nhà văn, 2013, trang 215-216).

          Như vậy, ngoại trừ các tác phẩm được viết bằng chữ Nôm như Vô Lượng Thọ Kinh Diễn Âm, Kinh Văn Diễn Âm Tập, Quy Sơn Đại Viên Thiền Sư Cảnh Sách, Thăng Tòa Thuyết Pháp… cần có sự phiên âm, chú thích để giới thiệu, phần tác phẩm còn lại của HT Bích Liên (mảng thi ca viết bằng chữ Nôm) gồm thơ vịnh cảnh, Những bài diễn ca về Sám, Nguyện, Văn tế, Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi… đều đã được phiên âm, chú thích, sẽ được chúng tôi lần lượt giới thiệu như sau đây. (Để giảm bớt số lượng trang viết, nên nơi một số bài Diễn ca,… chúng tôi chỉ xin trích một vài đoạn tiêu biểu).

          1. Thơ Vịnh Chùa Ông Núi (Chùa Linh Phong)

                    Cảnh chùa Ông Núi, cảnh cheo leo

                    Toàn cuộc trời xây khéo đủ điều

                    Khóa động lão tiều ngồi ngõ xuống

                    Ven thềm con nước chảy quanh theo.

                    Đầu gành khủng khỉnh cây mong lội

                    Kẹt đá xôn xao sóng muốn trèo

                    Năm bảy nhà Sư nhàn lắm thế

                    Khoanh tay ngồi nhắc chuyện tiền triều.

          (Dẫn theo sách Chuyện Cũ Nhà Sư Bình Định của Đặng Quý Địch.
Nxb Văn hóa Dân tộc, 2011, trang 357)

 

          2. Sám Khể Thủ Nghĩa Diễn Ca

          (Bài này gồm 106 câu. Chúng tôi xin nêu 24 câu đầu)

                    Xây (xoay, quay) mặt phương Tây cúi lạy Thầy

                    Lạy Thầy tiếp dẫn chúng sinh này

                    Con nay phát nguyện sinh về đó

                    Xin hỡi thương cùng dắt díu đây.

                    Chúng con đệ tử khắp vì

                    Bốn ơn ba cõi cả thì chúng sinh.

                    Cầu trên các Phật viên thành

                    Nhất thừa vô thượng đạo lành cho ra.

                    Vậy nên chuyên niệm Di Đà

                    Hồng danh vạn đức đặng mà cầu sinh.

                    Lại vì nghiệp nặng phước khinh

                    Chướng đầy đã lắm, huệ đành còn lưng.

                    Lạ thay lòng nhiễm dễ hừng

                    Khốn thay tịnh đức một phần khó nên.

                    Hôm nay trước Phật thưa lên

                    Cúi đầu kính lạy gắng bền vóc năm.

                    Tỏ bày trong một chơn tâm

                    Thật lòng sám hối lỗi lầm những bao.

                    Rằng con với chúng nao nao

                    Tâm mê bổn tịnh kiếp nào đến nay.

                    Buông lòng tham với sân si

                    Nhuộm trong ba nghiệp đã dày uế tanh.

                    Biết bao nhiêu chứa tội tình

                    Biết bao nhiêu buộc nơi mình nghiệp oan…

                    (Dẫn theo: 55 Bài Sám Văn Kết Tập, Tuyển tập 5,
Thích Đồng Bổn sưu tầm, biên soạn.
Nxb Tôn Giáo, 2001, trang 54 -69)

 

          3. Sám Nhất Tâm Nghĩa Diễn Ca

          (Bài này gồm 32 câu. Chúng tôi xin nêu 8 câu đầu)

                    Một lòng quyết trở về Lạc quốc

                    Đem mình nương Đức Phật Di Đà

                    Xin cầu đèn tịnh soi qua

                    Nhớ lời từ thệ dắt ta với cùng.

                    Tôi nay chánh giữ một lòng

                    Xưng danh hiệu Phật mà trông một bề.

                    Thiết tha vì đạo Bồ đề

                    Nên chi niệm Phật cầu về Tây phương…

                                                                    (Sđd, trang 128)

 

          4. Sám Thập Phương Nghĩa Diễn Ca

                    Mười phương cả Phật ba đời

                    Di Đà thứ nhất tột vời quang minh.

                    Phân làm chín phẩm độ sinh

                    Oai thần đức Thánh minh minh khôn cùng.

                    Tôi nay rộng phát một lòng

                    Quy y sám hối ba vòng nghiệp khiên.

                    Hễ phàm có mấy phước duyên

                    Hết lòng hồi hướng mà chuyên làm lành.

                    Nguyện người niệm Phật với mình

                    Lúc nào cảm ứng quang minh cho tường.

                    Lâm chung nguyện cảnh Tây phương

                    Hiện ra trước mặt rõ ràng chẳng sai.

                    Kiến văn tinh tiến cả hai

                    Đồng về cõi Phật trong đài liên hoa.

                    Thấy Phật sinh tử liễu qua

                    Như Phật độ hết những là chúng sinh.

                                                            (Sđd, trang 132-133)

 

          5. Tán Khô Lâu Diễn Âm

                    Hôm qua đồng vắng ngoạn du

                    Thấy liền Đại đức khô lâu một vùng.

                    Bốn phương gai góc bịt bùng

                    Mồ hoang cỏ mọc mấy trùng xanh xanh.

                    Rầu rầu âm khí lạnh tanh

                    Lá sen thổi ngọn gió quanh đưa sầu.

                    Khô lâu ơi hỡi khô lâu

                    Quê người ở chốn giang đầu thiu thiu.

                    Nằm phơi ngọn gió đìu hiu

                    Cỏ giăng nệm đất trăng khêu đèn trời.

                    Phiêu phiêu khí lạnh đòi nơi

                    Anh em lai vãng có người nào đâu!

                    Khô lâu ơi hỡi khô lâu

                    Ấp người quân tử ở đâu bên đàng.

                    Nhà ai vong trước một chàng

                    Mưa tuôn gió thổi tuyết sương khác nào.

                    Đau thay gan ruột như bào

                    Chang chang hột lụy như trào dòng châu.

                    Khô lâu ơi hỡi khô lâu

                    Đôi khuôn con mắt thấy âu chốn này.

                    Xiết than người thế ra chi

                    Kiếp phù sinh gởi tháng ngày bao lăm.

                    Ác vàng thỏ bạc xăm xăm

                    Bóng quang âm thoắt trăm năm mấy hồi.

                    Dần dà chi nữa người ôi

                    Sớm lìa biển khổ cho rồi kiếp ma.

                    Hôm nay thiện tín trai gia

                    Nghi diên mở hội gọi là Minh Dương.

                    Lò vàng vừa bén mùi hương

                    Đạo tràng mời khắp mười phương cô hồn.

                    Bao nhiêu tội chứng để dồn

                    Bây giờ tiêu hết chi còn nữa đâu.

                    Ơn trên phước lợi thấm mầu

                    Mau mau dời gót lên chầu Tây phương.

                                        (Dẫn theo sách Văn Tế ở Bình Định.
                                        Đặng Quý Địch sưu tầm – chú giải.
                              Nxb Văn hóa Dân tộc, 2008, trang 231-232)

 

          6. Bài Ca Tống Táng (Bài Ca Đưa Linh)

          (Bài này gồm 96 câu. Chúng tôi xin nêu dẫn 16 câu đầu và 8 câu cuối)

                    Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán

                    Kiếp phù sinh tụ tán mấy lăm hồi.

                    Người đời có biết chăng ôi!

                    Thân này tuy có, có rồi hườn không.

                    Chiêm bao khéo khuấy lạ lùng

                    Mơ màng trong một giấc nồng mà chi.

                    Làm cho buồn bã thế ni

                    Hôm qua còn đó, bữa nay mất rồi.

                    Khi nào đứng đứng ngồi ngồi

                    Bây giờ thiêm thiếp như chồi cây khô.

                    Khi nào du lịch giang hồ

                    Bây giờ nhắm mắt mà vô quan tài.

                    Khi nào lược giắt trâm cài

                    Bây giờ gởi xác ra ngoài đồng hoang.

                    Khi nào trau ngọc chuốc vàng

                    Bây giờ thấy dạng thấy hình là đâu.

                                        …

                    Tu hành còn đợi kiếp mô

                    Nguồn tình biển ái có khô bao giờ.

                    Lựa là phải ngộ thiền cơ

                    Mà đem trí tuệ để mờ đi đâu!

                    Mấy lời hộ niệm trước sau

                    Nguyện cho thành Phật mau mau nữa mà.

                    Phân thân ra khỏi Ta Bà

                    Từ bi tiếp độ những là chúng sinh.

                                                  (Sđd, trang 260-263)

 

          7. Văn Tế Thầy

Than ôi! Đèn Thiền xao gió, Trăng Giới lờ mây.

Nét bước Tượng vương nơi cửa Pháp, mơ màng trước mắt;

Tiếng kêu sư tử lối rừng chiên, vắng vẻ bên tai.

Dễ chẳng hay sắc tướng trò chơi, đất cửu hữu vẫn chán thân ngũ uẩn;

Ngặt vì nỗi Sư đồ nghĩa nặng, trời Tứ không còn khóc cảnh song lâm.

Cái vô thường là thứ chi chi, bức tang hải vẽ vời coi cũng ghét;

Tuồng hữu cảm lắm điều tức tức, bóng Đẩu sơn trông thấy nghĩ mà thương.

Đức hạnh của Thầy tôi: Gương tánh trong ngần, sóng tình lặng bặt.

Sớm lìa cửa tục, xuất gia từ lúc tuổi còn xanh;

Sâu tỏ màu Thiền, nhập thất vừa khi đầu mới bạc.

Buộc ràng sáu ngựa, chơi nhởi ba xe;

Trăm nết vuông tròn, một niềm trong sạch.

Mảnh chơn tướng không lờ nước thủy; Điểm không hoa chẳng dính bụi trần.

Vậy tôi mừng cho bổn phận tôi: May đặng gặp Thầy, theo mà học Phật.

Trừ tội chướng một dao xuống tóc, Phú phước điền ba lớp truyền y.

Đạo đức say sưa, Thầy trò hủ hỉ.

Lý kinh nghĩa luật, giọng pháp âm hằng bữa lọt vào tai;

Miệng nạt tay bê, cảnh Lâm Tế lắm khi chường trước mắt.

Đức của Thầy như thế, Danh của Thầy như thế! Cũng ngỡ rằng:

Cái gót tùy duyên chưa vội trở, Bánh xe cửu trụ hãy còn ngừng. Nào hay đâu: Gậy tích xa bay, Đường huyền sớm tách.

Chiếc dép hữu hình rơi lại đó; Con thuyền vô để ngự đi đâu!

Hay là chơi Đâu Suất thiên cung? Hay là về Liên Trì Lạc quốc?

Chắc cũng có nhạc trời hầu hạ, xe ngựa rước ren;

Chắc cũng có bảo cái tràng phan, kim lâu ngọc các.

Do bởi xứ trần tục chẳng nghe chẳng thấy, lẽ đâu đuốc quang minh còn lạc còn lầm!

Chín phẩm sen vàng, Thầy khóa hạc chơi miền thất bảo;

Một vành trăng bạc, Trò ngẩn ngơ vừa lúc tan đông.

Cảnh ấy tình này, Sầu dài tưởng ngắn. Ôi thôi!

Tấm áo cà sa sương lạnh ngắt; Cành hoa Bát nhã gió buồn thiu.

Khi nào Thầy thăng tòa, trò niệm chùy, lắm lúc sum vầy nơi pháp hội;

Bây giờ, trò Ta Bà, Thầy Cực Lạc, xiết bao sùi sụt nỗi ly tư.

Thôi thôi: Sữa pháp mất rồi, lòng con đói mãi!

Biết cậy ai ngày la đêm nhắc? Biết nương ai sớm dắt tối dìu?

Biết hỏi ai mở trí nguyên thần? Biết nhờ ai nuôi thân huệ mạng?

Lơ láo một mình nơi cố thổ, đau đớn buồn vì sự mất cha!

Đi về ngàn dặm lối tha hương, thơ thẩn nghĩ mong chừng gặp mẹ.

Nay thì: Xe linh hầu đẩy, lễ bạc xin đưa.

 Nhang ngũ phần ba cây; Nước bát công một chén.

Cơm Hương Tích dám khoe mùi thượng vị; Rau Tào Khê kính hiến dạ thâm tình.

Trên đài sen ngước mặt dâng lên; Dưới chiếu cỏ cúi đầu lạy xuống.

Xin Thầy chứng giám cho chút lòng con.

Một bức ai vãn, Hòa nam bái bạch.

                                                  (Sđd, trang 126-130)

 

          8. Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi Diễn Nôm

(Bài này chỉ xin trích dẫn đoạn đầu)

(Năm Mậu Ngọ: 1918, tháng đầu mùa hạ. Kẻ sĩ ở am Bích Liên là Trí Hải kính cẩn diễn nghĩa. Sư chùa Vĩnh Khánh ở cạnh sông thôn Cẩm Văn là Chí Tâm kính cẩn chép)

Dấu người thập loại biết là đâu, Hồn phách mơ màng trải mấy thâu.

Cồn biển nghênh ngang bầu thế giới, Những mồ vô chủ thấy mà đau.

Tịch mịch dạ canh thâm, Hoa đàn bá Phạm âm.

Cô hồn văn triệu thỉnh, Bộ bộ tốc lai lâm…

– Nhất tâm triệu thỉnh

Ác vàng tên ruổi, Thỏ bạc thoi dong.

Ôm lòng đau cốt nhục nỗi xa trông, Sững mắt nhắm anh hùng còn đâu đó.

Lò bảo đỉnh màu hương nhen mới tỏ, Giọng Thiền lưu rày ngỏ với vong linh.

Nghe lời triệu thỉnh rành rành, Hồn chơi trong cõi u minh xin về.

Nhất tâm triệu thỉnh: Màu non lờ lợt, Giọng nước thầm thì.

Xuân đi rồi hoa hỡi còn đây, Người tới đó chim rày đã dạn.

Vài lượt thắp hơi trầm bay tứ tản, Đôi phen mời linh sảng ở đâu đây.

Vong linh hồn hỡi có hay, Nghe lời triệu thỉnh kíp day cõi trần.

Nhất tâm triệu thỉnh: Biển trần lênh láng, Sóng nghiệp lao xao.

Người mê mang trong giấc chiêm bao, Mấy tỉnh đặng phân hào nơi lẽ diệu.

Sống chẳng niệm Di Đà Phật hiệu, Uổng một vòng chơi nẻo nhân gian.

Ba phen hương đốt bảo đàn, Ba lần triệu thỉnh suối vàng hồn linh.

Xin vâng Tam bảo phép lành, Nương lời bí mật đêm thanh trở về.

Về đây hưởng thọ hương huê, Cam lồ pháp thực ê hề thiếu chi.

(1) Trước thỉnh kẻ hoàng vương đế bá, Triều đại xưa trải quá biết bao!

Đền đài chín lớp ở cao, Non sông muôn dặm chen vào một tay.

Thuyền chiến phút đổi thay vương khí, Xe loan còn rủ rỉ oan thanh.

Đỗ quyên kêu suốt tàn canh, Máu hồng nhuộm mãi trên cành đào hoa.

Trước sau vương bá những là, Hồn hương xin chứng tiệc hoa sẵn sàng.

(2) Lại thỉnh kẻ đăng đàn bái tướng, Dựng ngọn cờ bao thưởng hầu quan.

Ngàn cân lực cử đỉnh vàng, Thân trưởng thành dựng trăm ngàn dặm khởi.

Trướng hùm lạnh uổng đời hãn mã, Khói lang tàn nào gã phàn long.

Ngựa nhà chiến tướng vắng không, Hoa hèn cỏ nội mấy giòng buồn thiu.

Anh hùng tướng soái bao nhiêu, Pháp diên xin chứng ít nhiều phải chăng.

(3) Lại thỉnh kẻ ngũ lăng tài tuấn, Phẩm hiền lương bách quận danh thần.

Ba năm quan tiết trong ngần, Lòng son một tấm trung quân rõ ràng.

Nhà châu huyện xa làng phụ mẫu, Xóm nước trời theo dấu thần tiên.

Chênh chênh biển hoạn sóng nghiêng, Mờ mờ hồn bướm ly miền dương quan.

Văn thần xiết kể muôn ngàn, Chốn này xin chứng pháp đàn cho xong.

(4) Lại thỉnh kẻ tao ông mặc khách, Lối cửa huỳnh nhà bạch vào ra.

Rừng văn nhẹ bước thăm hoa, Ngang cung bút chiến, chơi tòa cấc vi.

Tan lửa đốm tiếc dày công học, Mòn đĩa nghiên uổng nhọc chí bền.

Lụa hồng bảy thước đề tên, Đất vàng một cụm lấp nền văn chương.

Văn nhân biết mấy nhiêu lường, Hồn hoa xin chứng tiệc hương mấy phần.

(5) Lại thỉnh kẻ xuất trần phi tích, Thượng sĩ kia với khách Cao Tăng.

Trai tinh ngũ giới đạo hằng, Gái Tỳ khưu lại đủ ngằn nết tu.

Làng hoa trúc vào câu mật đế, Nhà cổ nô vắng kệ khổ không.

Kinh song trăng thảm lạnh lùng, Nhà Thiền leo lét đèn chong canh dài.

Thiền lưu này những ai ai, Chân hồn xin hãy chứng lai Pháp đàn…

                    (Văn Tế ở Bình Định. Đặng Quý Địch sưu tầm – chú giải.
                                       Nxb Văn hóa Dân tộc, 2008, trang 220-229)

 

          9. Bái Bạch Diễn Âm

Từng nghe đạo cả, Kính thuật lời quê.

Cõi giang sơn thủy lục ê hề, Nỗi hồn phách tử vong ngao ngán.

Trên đến bậc vương hầu tướng tướng, Dưới tới người sĩ cổ nông công.

Nào kẻ ti, nào kẻ tôn; Nào là nam, nào là nữ.

Hoặc có kẻ buộc mình trong linh ngữ, Hoặc có người sẩy bước chốn sa trường.

Hoặc sa hào sa mương, Hoặc trúng thang trúng thuốc.

Đau ngang dây buộc, Sản nạn huyết bồn.

Hoặc mắc binh ôn, Hoặc xuông búa sấm.

Thép vua giảo trảm, Trù ẻo vong thân.

Loài ấy nhiều nhiều đã quá chừng, Lời muốn kể kể sao cho xiết.

Kìa nương dựa mả mỗ đà mất biệt, Nào tự đường nơi chỗ có chi chi.

Bơ vơ bên bãi dưới cây, Lạc loài đầu gành mé biển.

Khổ nhiều nỗi gió mưa xao xuyến, Biết mấy thu lạnh nóng đổi thay.

Chẵn bốn mùa nào kẻ lạt chay, mãn tám tiết vắng người đơm quải.

Rầu rầu rĩ rĩ, cõi u minh biết mấy xuân thu.

Mịt mịt mù mù, đường xuất ly bôn trông ngày tháng.

Hội Vô Già may vừa gặp quãng, Nương theo công bí mật hôm nay.

Này hà sa phất tử là ai, Rày gặp lúc tiêu điều cõi Thánh.

Nọ lũy thế oan thân mấy kẻ, Lại nhờ ơn giải thoát nợ trần.

Ớ cô hồn ơi!

Ngôi Liên đài quanh quất bên thân

Miền Tịnh độ chán chường trước mặt.

Ngón tay búng chẳng phiền nhọc sức

Đã chứng vào trong bực vô sinh.

Lòng hỏi lòng, lòng vốn hư minh

Ý thẩm thấu ngôi Quan Âm Phật.

                                                            (Sđd, trang 229-231)

 

          10. Nhập Tiểu Mông Sơn Pháp Diễn Âm

Nguồn chơn trong vắt, Tánh tội vẫn là không.

Biển khổ rộng thênh, Sóng càn theo đuổi mãi.

Do nghiệp cảm chúng rày mang phải, Khiến trầm luân kiếp nọ đọa đày.

Địa ngục đà thọ báo đắng cay, Ngạ quỷ lại chuyển sinh đói khát.

Đã chẳng có ngày giải thoát, Ắt là không ngõ siêu thăng.

Ví chẳng nhờ từ nguyện đức kim thân, Dễ mở đặng đảo huyền dây ác thú.

Chân thuyên ấy niệm đôi câu chú, Thế ra trên đại tiệc cam lồ.

Bảo cự kia thắp một ngọn đèn, Soi sáng khắp trong đường minh giới.

Nào những mấy dòng mê cả thảy, Khiến đều vào Cực lạc phương Tây.

Bữa đạo tràng nay, Khắp thỉnh vào diên thí thực.

Đem công đức ấy, Trở về nơi núi Thiết vi.

Diện Nhiên Đại sĩ một tay, Thống lĩnh cả ba mươi sáu bộ.

Chúng ngạ quỷ Hằng hà sa số, Biết bao nhiêu vô lượng vô biên.

Cúi xin tự kiếp bỏ liền, Cho đến ngày nay tái thế.

Tiêu nghiệp chướng chẳng còn chút để, Rửa tội khiên phút đã sạch rồi.

Chảo nóng dầu sôi, Biến làm vũng liên trì bát đức.

Lò hừng lửa cháy, Hóa nên tòa hương cái thất trân.

Kia mũi gươm trần, Kiếm thọ lộn ra ngọc thọ.

Nọ con dao sắc, Đao sơn đổi lại bảo sơn.

Khắp nơi phô chật thiết sảng, Hiện pháp tọa Bồ đề ra đó.

Vời chỗ đựng đầy đồng trấp, Rải đề hồ cam lộ vào đây.

Gặp người trai chủ xưa nay, Với những đấy hết đòi hết hỏi.

Nhóm kiếp oan gia thuở trước, Cùng nhau thôi vấn thôi vương.

Dạ hưng từ ngục chủ yêu thương, Lòng trì thiện minh quan bảo hộ.

Thân phụ mẫu đa sinh kim cổ, Nay tức thời nhập Thánh siêu phàm.

Nợ nhân thân lũy thế hết còn, Rày đã dư thừa ân giải miễn.

Cõi thiên thượng ngũ suy chẳng hiện, Miền nhân gian tứ tướng có chi.

Tu la đà bỏ cả sân si, Địa ngục lại hết điều khổ não.

Hồn ngạ quỷ nhộn nhàng sáu đạo, Hứng gió thanh khỏi chốn lửa nồng.

Giống hàm sinh chật ních mười loài, Lên bờ giác lách nơi đường tối.

Khắp xin cả hữu tình một nỗi, Quốc độ này cùng các quốc độ nọ.

Và những vô lượng thế giới nào, Cùng với đấy đều nên Phật đạo.

Tứ ân khắp báo, Tam hữu đều nhờ.

Người trong pháp giới cùng bao giờ, Ai ai cũng đồng viên chủng trí.

                                                                                          (Sđd, trang 238-240)

 

          11. Trao Văn Diễn Âm

(Bài này chỉ xin trích dẫn đoạn đầu)

Hôm nay cúng thí trai đàn, Dài nhân duyên gặp A Nan cơ lành.

Quan Âm cứu khổ đã đành, Hiện làm Tiêu Diện quỷ hình lạ thay!

Niệm câu Mô Phật từ bi, Tuyên lời bí mật đức dày công cao.

Độ người thập loại nào nào, Mùi cam lộ ấy hưởng vào một phen.

(1) Trước đây triều đại còn truyền, Lên ngôi đế chủ sẵn quyền tôn vinh.

Hầu vương huân thích vang danh, Cây vàng lá ngọc tập tành tiếng sang.

Trong cung Tể chấp đại quan, Kìa trang thể nữ nọ hàng tần phi.

Điềm Hoa Tư đã dứt đi, Vị cam lộ hưởng tiệc ni bĩ bàng.

(2) Hàng quốc sĩ, bậc triều thần, Dọc ngang trong cõi hồng trần trở xông.

Chăn dân bố hóa giữa vòng. Nào hay chưa toại tấm lòng trung lương.

Đau lòng nỗi chúa thôi thương, Phải khi trích giáng xa đường phiên bang.

Hồn còn trìu mến giang san, Tiệc cam lồ hỡi vội vàng dời chân.

(3) Người võ sĩ kẻ nhung thần, Một tay thống lĩnh ba quân nhộn nhàng.

Bâng khuâng trong trận mũi vàng, Trống rầm rộ đất, chiêng vang rền trời.

Đánh Nam dẹp Bắc bời bời, Chiến trường phút sẩy chân người vào trong.

Tấm thân vì nước mà vong, Tiệc cam lồ chứng hội đồng đêm thanh.

(4) Những người học cổ cùng kinh, Thức văn chương khéo như hình gấm thêu.

Bóng quang hột tuyết dòm theo, Chí trong cửa sổ ngặt nghèo biết bao.

Tà đà mang vận làm sao, Bảng vàng chẳng thấy lúc nào đề tên.

Hương hồn uất uất u linh, Mùi cam lồ đã sẵn dành tiệc xuân.

(5) Những người cát ái từ thân, Cửa không sớm đã chen lần vào trong.

Tầm Thầy hỏi đạo Thiền Tông, Chút vì muốn thoát khỏi vòng tử sinh.

Trải bao lạnh nóng xoay quanh, Sự vô thường đã tới mình nào hay.

Hồi quang soi chút bóng day, Vị cam lồ hưởng đêm nay đủ đầy…

                                                                                          (Sđd, trang 233-238)

          Trong khi chờ đợi bộ Bích Liên toàn tập có thể sẽ được ấn hành trong tương lai, như tâm nguyện của nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch (1939-2017) – người đã có nhiều quan tâm đến sự nghiệp văn học của Hòa thượng Bích Liên (1876-1950), đã bày tỏ, thì ở đây có thể xem là một sự giới thiệu tạm đủ về số lượng mảng thi ca viết bằng chữ Nôm của Hòa thượng Bích Liên vậy.

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2020

HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ MINH
Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương GHPG Việt Nam
Viện chủ chùa Giác Uyển, Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Việt Nam Phật giáo sử luận III của Nguyễn Lang, Nxb Lá Bối. Paris. 1985.

2. Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam Thế kỷ XX, Tập 1, Thích Đồng Bổn chủ biên, Thành Hội Phật giáo TP. HCM ấn hành, 1995.

3. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Thích Như Tịnh, Nxb Phương Đông, 2009.

4. 55 Bài Sám Văn Kết Tập (Tuyển tập 5), Thích Đồng Bổn sưu tầm, biên soạn, Nxb Tôn Giáo, 2001.

5. Chuyện cũ nhà sư Bình Định, Đặng Quý Địch biên soạn, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2011.

6. Văn Tế ở Bình Định, Đặng Quý Địch sưu tầm – chú giải, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2008.

7. Tấc lòng, Tạp bút của Đặng Quý Địch, Nxb Hội Nhà văn, 2013.