Sáng tác của Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài dưới góc nhìn Văn hoá vùng – Từ thể loại đến hình tượng (Thích Chấn Đạo)

          Thiền sư Toàn Nhật, sinh năm 1757 ở vùng Thuận Quảng. Năm Giáp Dần 1794, Toàn Nhật xuất gia với Thiền sư Pháp Chuyên – Luật Truyền – Diệu Nghiêm thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh tại Phú Yên. Viên tịch vào năm 1834. Thiền sư Toàn Nhật là một thiền sư nổi tiếng đối với Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo xứ Thuận Quảng nói riêng. Đồng thời, thiền sư còn là một tác gia văn học lớn với số lượng tác phẩm đồ sộ.

          Sáng tác của Toàn Nhật thiền sư chủ yếu được viết bằng chữ Nôm, trừ một tiểu luận Sa Di oai nghi tăng chú giảo ngụy tư tiểu thiên và 3 bài bạt, 14 bài thơ viết bằng chữ Hán. Theo thống kê của tác giả Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, thì sáng tác của Thiền sư Toàn Nhật gồm có 20 tác phẩm, 30 bài thơ Nôm và 14 bài thơ chữ Hán. Với số lượng tác phẩm như thế, chúng ta có thể thấy được phần nào sự nghiệp sáng tác của Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài. Lê Mạnh Thát nhận xét rằng “Toàn Nhật là một trong những nhà văn, nhà thơ lớn của lịch sử văn học dân tộc ta”1.

          Thiền sư Toàn Nhật sinh ra và lớn lên ở vùng Phú Yên, thuộc đất Thuận Quảng, Đàng Trong. Thuận Quảng là vùng đất mới, là địa bàn đứng chân của Đàng Trong. Thành phần cư dân ban đầu đa dạng gồm người Chăm bản xứ, Thủy xá, Hỏa xá, người Việt di dân theo chân chúa Nguyễn, người Minh Hương… chính sự chung đụng này đã tạo nên sự bao dung cùng sinh tồn. Hơn nữa, thiên nhiên của vùng đất mới rộng rãi, ít nhiều được thiên nhiên ưu đãi đã tạo nên sự phóng khoáng trong tính cách của người dân vùng đất mới. Đồng thời, chính thiên nhiên, địa lý đã tạo nên một con người cá nhân mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, chống lại những nghịch cảnh để đạt ước mơ.

          Phú Yên còn là vùng đất của sự tranh giành địa giới giữa người Việt – Chăm, giữa Tây Sơn – Gia Long. Thiền sư Toàn Nhật sống vắt qua hai thế kỷ XVIII – XIX, là người chứng kiến những biến động lớn của thời cuộc. Đó là sự thịnh suy của tập đoàn phong kiến chúa Nguyễn, cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn và cuộc chiến của Nguyễn Ánh để rồi lên ngôi xưng Vua vào năm 1802. Những sự kiện lịch sử đã ảnh hưởng nhiều đến cảm quan của Thiền sư Toàn Nhật và trở thành dấu ấn trong tư tưởng, sáng tác của thiền sư. Với những đặc điểm của vùng đất mới, cư dân mới đã hun đúc nên tính cách con người thời đại nói chung và bản thân Thiền sư Toàn Nhật nói riêng. Cũng vì vậy mà sáng tác của Thiền sư Toàn Nhật từ thể loại đến hình tượng đều mang đặc điểm vùng văn hóa rõ rệt.

          Từ sự lựa chọn thể loại văn học trong sáng tác của Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài

          Sự lựa chọn thể loại Vãn

          Giai đoạn sau thế kỷ XVII, đất nước bước vào một giai đoạn lịch sử đầy biến thiên. Chiến tranh Đàng Trong – Đàng Ngoài liên tục gần hai thế kỷ, thêm cuộc nổi dậy của Tây Sơn khiến cho đất nước không một ngày bình ổn. Sống trong sự biến động đó, quần chúng nhân dân không còn thời gian để nghĩ đến việc cảm nhận văn học cao sang mà chỉ tiếp nhận những tác phẩm gần gũi, dễ hiểu, dễ thuộc. Huống hồ, những giáo lý Phật đà hết sức thâm viễn, khó mà chuyển tải đến tầng lớp quần chúng nhân dân nên Toàn Nhật thiền sư đã lấy chất liệu dân gian để sáng tác và truyền bá tư tưởng của mình.

          Trong văn học Đàng Trong, thể loại này là sự lựa chọn tiêu biểu và tạo nên sự khác biệt so với vùng văn học Đàng Ngoài, bởi vai trò, vị trí của thể loại trong tổng thể văn học vùng này. Thể vãn không phải là thể loại mới nhưng có tính chất của một thể loại gần dân gian, thiên về hình thức trình diễn. Nếu như thể vãn ở Đàng Ngoài chỉ là một dấu cộng thêm của các tác giả thì vè, vãn ở Đàng Trong lại xuất phát từ phương thức tư duy nghệ thuật. Từ thực tiễn nhu cầu thẩm mỹ, văn học Đàng Trong tồn tại trên/trong trục trình diễn. Phật giáo Thuận Quảng – Đàng Trong đi theo hướng đó để truyền giảng tư tưởng một cách uyển chuyển.

          Thiền sư Toàn Nhật đã sống trong giai đoạn mà nền văn học nước nhà có nhiều biến đổi. Sức sáng tạo văn học của dân tộc không còn bị gò ép ở trong cửa Khổng sân Trình mà nó lan tỏa vào mọi ngõ ngách, tầng lớp. Sự nở rộ của thể loại văn học dân tộc truyện Nôm, Hát nói, Ngâm khúc – viết bằng chữ Nôm, sử dụng thể thơ lục bát, song thất lục bát giúp cho văn học mang tính chất gần gũi với cuộc sống đời thường của quần chúng nhân dân. Có nhiều tác phẩm nổi tiếng, để lại ảnh hưởng sâu đậm được viết bằng thể thơ dân tộc và ngôn ngữ dân tộc. Tầng lớp bình dân có thể ngâm ca thuộc lòng và tạo được một sự rung cảm nhất định.

          Đặc điểm của thể loại vãn là dùng để ca ngâm, phù hợp cho việc vừa lao động sản xuất vừa có thể ca ngâm để giải trí. Thể thơ lục bát, song thất lục bát là thể thơ dân tộc, có nhạc điệu dễ ca và dễ ngâm khiến cho tác phẩm dễ đi vào lòng người, đọc lên dễ thuộc. Đặc điểm của chữ Nôm là chữ ghi lại lời ăn tiếng nói đời thường hằng ngày, có thể diễn tả phong phú và đa dạng các sắc thái tâm lý, tình cảm. Từ đó, thiền sư có thể chuyển tải giáo lý nhà Phật một cách thuận tiện, diễn đạt ý nghĩa giáo pháp Phật Đà một cách dễ dàng, chi tiết, không vòng vo, mỹ ngữ.

          Thiền sư Toàn Nhật đã để lại một khối lượng lớn tác phẩm thuộc thể loại Vãn, gồm: Hứa Sử truyện vãn, Tam giáo nguyên lưu ký (Thích ca Phật vãn), Bát Nhã đạo quốc âm vãn, Tham thiền vãn, Thiền cơ yếu ngữ vãn, Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành vãn, Hoán tỉnh trần tâm khuyến tu tịnh độ vãn, Xuất gia vãn… góp phần lớn trong thể loại văn học dân tộc.

          Đặc điểm thể vãn trong sáng tác của Thiền sư Toàn Nhật

          Về mặt hình thức thể loại, Vãn của Thiền sư Toàn Nhật được sáng tác bằng thể thơ lục bát và song thất lục bát, ngoài ra còn được viết bằng thể thơ cổ phong. Đặc biệt, Thiền sư Toàn Nhật còn đan xen những bài kệ tứ tuyệt trong một vài truyện vãn như trong Tam giáo nguyên lưu ký, Tham thiền vãn, Xuất gia vãn.

          Về mặt ngôn ngữ, tất cả những bài vãn của thiền sư đều được viết bằng chữ Nôm.

          Vãn của Thiền sư Toàn Nhật trước hết mang tính ca ngợi, tán dương Phật pháp, đề cập đến cuộc sống tu hành như các truyện vãn: Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành vãn, Tham thiền vãn, Thiền cơ yếu ngữ vãn, Hoán tỉnh trần tâm khuyến tu tịnh độ vãn, Xuất gia vãn.

          Tác giả là một thiền sư, là một “tín hành” cửa Phật nên điều đầu tiên đó là sự ca ngợi về giáo pháp của Phật Tổ:

 “Cho nên Phật Tổ Như Lai

Tấm lòng lân mẫn ra đời cứu dân

Uy linh khiếp phục ma quân

Đạo cao ba cõi ơn nhuần muôn phương

Vị lai quá khứ soi tường

Địa phủ đã thấy thiên đường lại thông

Quang minh phước huệ vô cùng

Nhiều đường phương tiện một lòng từ bi”.

[Tam giáo nguyên lưu ký, c.427-434]

 

          Thấy rõ được điều tất yếu của cuộc sống, của sự tu hành:

“Nên hư các sự bởi mình

Việc trong tội phước dữ lành chóng cân

Nhân nào quả ấy ta phân

Đạo chẳng ân cần phước lộc đặng đâu

Làm người cho biết lo sâu

Khó giàu sang hèn đạo đức khó lơi”.

[Hứa Sử truyện vãn, c.981-986]

          Thể Vãn trong sáng tác của Thiền sư Toàn Nhật đều mang tính chất luận đề. Những luận đề nêu lên hoàn toàn mới mẻ, mang một tính thời đại sâu xa, thể hiện rõ nét bản lĩnh tư duy của nhân dân ta trước những vấn đề trọng đại của đất nước. Chẳng hạn trong Hứa Sử truyện vãn, Toàn Nhật đã nêu lên những luận đề mà Lê Mạnh Thát cho rằng rất quan trọng và mới mẻ, gồm: 1) Đập tan chủ nghĩa tôn quân chuyên chế và cực đoan, phá vỡ cái trật tự phong kiến quân sư phụ hàng ngàn năm đè lên đầu lên cổ nhân dân; 2) Đề cao lao động, bởi lao động sẽ đưa con người đến chân lý và xây dựng một đời sống tình cảm trong sáng và phong phú, làm cơ sở cho đạo đức con người; 3) Nêu cao chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu, “luận đề này tương đối mới mẻ, bởi vì trong lịch sử văn học cổ điển nước ta chưa bao giờ chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu thực tiễn được bàn cãi một cách thẳng thắn trong liên hệ với lý thuyết tình thương và vấn đề vi phạm đến quyền sống của người khác”2.

          Ngôn ngữ được Thiền sư Toàn Nhật sử dụng mang tính chất ngôn ngữ bình dân. Mục đích truyền bá tư tưởng của Toàn Nhật thiền sư đó là muốn cho “muôn họ Phật đài đều lên”, cho nên ngôn ngữ được sử dụng cần phải làm sao cho dễ hiểu, dễ thấm vào lòng người dân lao động. “Có thể nói, ngôn ngữ của Toàn Nhật đã khai sáng cho một loại ngôn ngữ mới của văn học Việt Nam. Thứ ngôn ngữ đó thoát thai từ nhân dân để phục vụ lại nhân dân. Nó không là thứ ngôn ngữ trau chuốt, yểu điệu, vay mượn và rập khuôn theo ngôn ngữ nước ngoài”3.

          Đóng góp của thể vãn trong sáng tác của Thiền sư Toàn Nhật với nền văn học Việt Nam

          Thiền sư Toàn Nhật trước hết là một nhà tu hành, một thiền sư có ảnh hưởng lớn đối với Phật giáo Việt Nam. Ngài đã tiếp nối truyền thống tư tưởng đạo Phật và nâng tầm tư tưởng ấy đi sâu vào đời sống của nhân dân. Đồng thời, thiền sư là một nhà thơ, nhà văn với số lượng tác phẩm lớn đóng góp vào nền văn học Việt Nam. Riêng thể loại vãn đã có 8 truyện được gọi chính danh với dung lượng đồ sộ, gồm: Hứa Sử truyện vãn viết theo thể lục bát gồm 4.486 câu; Tam giáo nguyên lưu ký viết theo thể lục bát gồm 1.210 câu và 11 bài kệ thất ngôn; Bát Nhã ngộ đạo vãn viết theo thể cổ phong xen lục bát gồm 324 và câu 2 bài kệ; Xuất gia tối lạc tỉnh thế tu hành vãn viết theo thể song thất lục bát gồm 208 câu; Tham thiền vãn viết theo thể song thất lục bát gồm 190 câu và 2 bài kệ; Thiền cơ yếu ngữ vãn viết theo thể song thất lục bát gồm 168 câu; Hoán tỉnh trần tâm khuyến tu tịnh độ vãn viết theo thể lục bát gồm 104 câu; Xuất gia vãn viết theo thể lục bát gồm 92 câu và 3 bài kệ.

          Với số lượng tác phẩm và dung lượng của từng tác phẩm, có thể nói rằng, bút lực của thiền sư rất dồi dào. Những truyện vãn trên của Thiền sư Toàn Nhật so với Ngọa Long cương vãn (136 câu), Tư Dung vãn (336 câu) của Đào Duy Từ; Ai tư vãn (164 câu) của Ngọc Hân công chúa thì biết sự chênh lệch như thế nào. Với thể loại vãn này, thiền sư đã đóng góp rất lớn trong việc nâng số lượng tác phẩm sáng tác theo thể loại vãn, góp phần khẳng định thể loại văn học dân tộc. Thể vãn trong sáng tác của Thiền sư Toàn Nhật đã tiếp nối dòng chảy của nền văn học dân tộc và đã tạo nên nguồn mạch dồi dào cho sự hoàn thiện thể loại vãn nói riêng, thể loại Ngâm khúc, truyện Nôm nói chung về sau này.

          Việc xây dựng hình tượng văn học

          Trong số tác phẩm của Thiền sư Toàn Nhật, nhân vật Đổng Vân trong Hứa Sử truyện vãn trở thành hình tượng văn học tiêu biểu của nền văn học Phật giáo Việt Nam.

          Đổng Vân – từ nhà Nho hành đạo đến tu sĩ Phật giáo

          Toàn Nhật – Quang Đài đã miêu tả nhân vật Đổng Vân rất cụ thể. Đổng Vân làm quan dưới triều Việt Vương với chức Chủ trấn quận Hòa Nam. Ông là người có tài, lập nhiều công trạng, tiếng tăm lừng lẫy:

“Nay ông giúp nước cứu đời

Trong triều công cả giữa trời oai vang”4.

          Ước mơ của kẻ làm trai thời bấy giờ là có được công danh sự nghiệp vừa để vinh thân phì da, vừa để thỏa chí tang bồng. Con đường Nho học chính là con đường thực hiện giấc mơ đó. Công danh của Đổng Vân được mọi người khen ngợi và ước ao:

“Làm quan vui sướng muôn phần

Gia môn truyền nối tôn thân đều nhờ

Người đời lòng ước như mơ

Mấy ai phước đặng tiếng tơ phong bài”5.

          Thế mà đang ở đỉnh cao của danh vọng, quyền lực, Đổng Vân đã rẽ sang một con đường khác. Khi dân chúng bảo nhau rằng ở núi Thanh Tuyền có đức La hán Thanh Sơn ứng hiện, dạy cho con người sự giác ngộ thì ông đã đích thân tìm đến. Sau khi nghe được câu chuyện tu hành đạt giác ngộ, giải thoát của vợ chồng Đào Thị – Châu ông và Hứa Sử, Đổng Vân liền tin nhận và xin xuất gia. La hán khuyên rằng:

“Ngươi còn bận mắc lưới đời

Tu hành sao đặng hỏi lời cao xa

Việc xuất gia xưa nay rất khó

Liệu trong lòng làm có nên chăng”6.

          Đổng Vân đã quyết tâm xuất gia không phải vì bị thất sủng hay bất mãn triều chính mà bởi ông giác ngộ việc tu Phật chính là tu tâm, nhận chân được giá trị tu hành. Ông đã sớm biết rằng:

“Ông Phật người trời vốn tánh như ta

Phật cùng chúng sanh chẳng xa

Giác thời rằng Phật mê là chúng sanh”7.

          Từ một vị quan lớn của triều đình, Đổng Vân có ý định xuất gia đã làm mọi người sửng sốt, can ngăn. Vợ con, thân hữu đều dùng hết lý lẽ cương thường, nhân nghĩa để khuyên nhủ, nhưng Đổng Vân vẫn quyết một lòng xuất gia. Ông khẳng định rằng, lựa chọn con đường tu Phật là hoàn toàn đúng đắn:

“Ta từng xử đoán cho dân

Ắt thời biết lựa việc hơn mà làm”8.

          Sợ mọi người ngăn trở cho nên trong đêm tối, lúc mọi người đang ngủ say, Đổng Vân đã trốn nhà xuất gia. Toàn Nhật miêu tả rằng, người vợ Quế Xuân sợ chồng trốn nên khi ngủ đã “Bắt đôi chéo áo cột thì chặt khư”9 nhưng Đổng Vân vẫn cởi bỏ áo và “Tức thì lén bước lặng tinh/ Thoát ra vừa khỏi cửa dinh băng ngàn”10. Sau khi tỉnh giấc, cả gia quyến khóc than, Quế Xuân bồng con chạy theo để tìm đến nỗi đói khát giữa núi non. Những chi tiết này càng khẳng định sự quyết tâm của Đổng Vân một lòng xuất gia học đạo.

          Con đường từ một Nho sĩ đến một Tăng sĩ không phải đợi tới Toàn Nhật mới có. Trong thực tiễn lịch sử, các nhà Nho tìm đến Phật giáo và xuất gia không phải là ít. Con đường này trở thành quan niệm xuất xử của thời đại. Cuối đời các vị vua thời Trần, thời Lý truyền ngôi vua để xuất gia tu Phật, trở thành những vị Tổ sư hay các vị quan lại trở thành những thiền sư nổi tiếng như Hải Lượng Ngô Thì Nhậm, Minh Châu – Hương Hải… Toàn Nhật đã xây dựng nhân vật Đổng Vân xuất gia bằng niềm tin tuyệt đối ở sự giác ngộ giáo pháp Phật Đà. Nhân vật Đổng Vân từ bỏ địa vị sang giàu, quyền thế để xuất gia, chuyên cần tu học chính là sự khẳng định giá trị của Phật giáo, khẳng định con đường xuất gia chân chính, phá vỡ quan niệm sai lầm của thế gian về việc xuất gia.

          Đổng Vân – từ xuất thế đến nhập thế

          Toàn Nhật xây dựng nhân vật Đổng Vân không dừng lại ở việc tu hành mà đã tiến thêm một bước đó là dấn thân nhập thế. Con đường tu học Phật giáo là con đường phụng sự, dấn thân, hành Bồ tát đạo chứ không phải là con đường yếm ly. Con đường này là truyền thống của Phật giáo. Nhân vật Đổng Vân đã dấn thân một cách tích cực.

          Khi nghe tin Đổng Vân xuất gia tu Phật, giặc Triệu Tân liền gây chiến, uy hiếp triều đình. Trong tình thế ấy, quan quân không thể chống lại thế giặc, vua sai các quan thần lên núi tìm Đổng Vân nhưng đều bị từ chối, cuối cùng vua đích thân đến chùa tìm gặp Đổng Vân, xin ông xuống núi để cầm quân đánh giặc. Nhà vua bộc bạch rằng:

“Xin ông phương tiện ra tay

Chống đàn xã tắc khỏi ngày khuynh nguy

Đạo là cứu độ từ bi

Nước nghèo dân chết bỏ đi nỡ nào”11.

          Đích thân nhà vua đến tìm và phân tích nhân nghĩa, trách nhiệm của một con dân đã khiến Đổng Vân phân vân. Bởi:

“Bằng nay vì nghĩa quân vương

Việc binh ắt có tranh cường chém đâm

Thời phạm giới cấm lỗi lầm

Nếu việc mình làm, tội ắt mình mang

Như giữ pháp Phật cho toàn

Thời lại bỏ nghĩa quân vương chẳng đành”12.

          Toàn Nhật đặt nhân vật vào sự lựa chọn, một bên là nghiêm trì giới luật nhà Phật để tu hành và một bên là ân vua nghĩa nước.

          Nếu vì nước vì dân thì bị phạm vào giới luật của nhà Phật, ngược lại thì dân chúng sẽ lầm than. Toàn Nhật đã đưa ra vấn đề hết sức nhạy cảm để rồi sau đó đã giải quyết bằng tư tưởng Đại thừa – Bồ tát hạnh. Thiền sư Toàn Nhật để nhân vật Mật Hạnh, thầy của Đổng Vân phân tích:

“Chúng ta vì tưởng bốn ân tu hành

Gặp cơn ác đảng tung hoành

Dễ ta dâu khá nỡ đành ngồi coi

Vả chăng quyền xảo thích trung

Bồ tát đa hạnh thiệt trong đạo này

Làm sao mà đặng lợi người

Giúp nước cứu đời cũng một việc tu”13.

          Chính lời phân tích của Mật Hạnh giúp cho Đổng Vân tỏ ngộ cốt tủy của việc tu hành là đền trả bốn ân. Và việc đánh giặc là để “Trước là giúp chúa sau thì cứu dân”14.

          Phật giáo đề cao chữ Tâm, nên tu Phật chính là tu tâm. Đây chính là mấu chốt để người tu Phật có thể dấn thân hành đạo. Trong các tác phẩm khác, Toàn Nhật đã nêu lên tầm quan trọng của tâm:

“Sự ở lòng tỏ thông thì được

Phật hiện tiền phải kiếm đâu xa

Nên hư cũng ở lòng ta

Chẳng chánh thì tà chẳng ngộ thì mê”15.

          Trong Thơ bà vãi: “Đành hay Phật vốn ở lòng, lòng buồn bực Phật không ở đó”16.

          Đổng Vân quyết định xuống núi, cầm quân đánh giặc. Khi nghe tin Đổng Vân trở lại làm chủ tướng đã khiến quân giặc quy hàng và rút lui. Lẽ ra triều đình sẽ trừng phạt bọn giặc Triệu Tân xâm lăng, nhưng Đổng Vân đã xin Vua tha tội, lại ban xe ngựa cho trở về nước. Đây có thể xem là hành động cao cả về đức hiếu sinh, thấm đượm tinh thần rộng lượng từ bi của một người anh hùng, của một Phật tử chân chính.

          Lập được công lớn, đất nước thanh bình, nhân dân an ổn, Đổng Vân được vua ban thưởng nhưng không nhận, chỉ xin về lại chùa để tiếp tục tu hành. Một chi tiết đáng nói ở đây là Đổng Vân đã khuyến hóa được vua Việt Vương. Vua đã truyền ngôi cho Thái tử, cùng quan quân theo Đổng Vân lên núi tu hành.

          Việc xây dựng nhân vật Đổng Vân dấn thân, lãnh đạo quân dân chống giặc ngoại xâm chính là một bước đổi mới của Toàn Nhật. Thiền sư đã vượt ra khỏi những giới hạn tu hành để nêu cao tinh thần dấn thân, thực hiện tinh thần Đại thừa, hành Bồ tát hạnh. Lê Mạnh Thát cho rằng: “Trong lịch sử văn học cổ điển nước ta, chưa bao giờ chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu thực tiễn được bàn cãi một cách thẳng thắn trong liên hệ với lý thuyết tình thương và vấn đề vi phạm đến quyền sống của người khác”17. Chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quyền tự do, quyền sống và quyền ấm no hạnh phúc của quần chúng nhân dân là việc làm cao cả, thể hiện tinh thần từ bi rộng lớn của Phật giáo.

          Đổng Vân – sự kết tinh của thời đại

          Kể từ sau đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, chính quyền Đàng Trong rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Trương Phúc Loan lộng quyền, vơ vét của cải, đời sống nhân dân lâm vào cảnh bi đát, lại xảy ra mâu thuẫn xã hội rất gay gắt, dẫn đến một cuộc khủng hoảng tôn giáo khá nghiêm trọng. Với sự truyền đạo tràn lan của Giáo sĩ phương Tây, đồng thời những hiện tượng thiên nhiên kỳ dị xảy ra như “cửa biển bị cát lấp nghẹt, núi nứt làm hai làm cho lòng đất rúng động, một đàn chuột trùng trùng điệp kéo ra cắn phá mùa màng”18, chưa kể các sấm vĩ trù báo dòng chúa Nguyễn sắp hết thống trị… đã gây nên nhiều tranh cãi. Bên ủng hộ Thiên Chúa giáo tìm cách đẩy lùi sự ảnh hưởng của Phật giáo; bên ủng hộ Phật và Nho giáo lại tìm cách nêu tội và trục xuất các cố đạo. Trương Phúc Loan đã mạt sát Phật giáo rằng: “Thầy chùa là bọn ngu dốt, trốn sưu lậu thuế, lười biếng, phần nhiều đáng tội treo đầu”19. Về phía Phật giáo đã có những tác phẩm phản biện sâu sắc, trong đó Tam bảo biện hoặc luận của Thiền sư Diệu Nghiêm Luật Truyền đáng quan tâm nhất. Một bộ phận Nho sĩ khinh chê Phật giáo, nhất nhất đề cao Nho giáo và cho rằng, đất nước thanh bình thịnh trị là nhờ Nho giáo, nhờ đạo lý Thánh hiền. Thiền sư Diệu Nghiêm – Luật Truyền đã phản bác lại rằng: “Như Tây dương ngoại quốc, bất học Nho đạo, hà cố vạn sự hoa hảo cụ bị da? (Như các nước phương Tây, không học đạo Nho, sao mọi việc lại đầy đủ đẹp đẽ như vậy?)20. Có thể thấy các mâu thuẫn xã hội lúc bấy giờ: 1) Ở vị trí của một Nho sĩ, họ thường xuyên đả phá, chê bai những người tu Phật, tu tiên; 2) Thực tế đương thời, tầng lớp thống trị (xuất thân cửa Nho) lạm dụng chức quyền, bắt dọa, khinh dể người dân. 3) Giới Tăng sĩ, ngoài những trí thức, xuất gia chân chính, số còn lại đã biến Phật giáo trở thành một tôn giáo, gắn kết với tín ngưỡng dân gian tạo ra những điều mê tín dị đoan.

          Đứng trước mâu thuẫn đó buộc Thiền sư Toàn Nhật phải tìm cách để giải quyết một cách ổn thỏa. Trong những tác phẩm của mình, Toàn Nhật đã dung hòa tư tưởng Tam giáo, khẳng định vai trò của từng giáo trong đời sống. Lê Mạnh Thát nhận xét rằng: “Trên cơ sở giải quyết một cách ổn thỏa sự chống đối đấu tranh nhau giữa những hệ tư tưởng vào thời đại mình, Toàn Nhật đã có một số quan điểm để nhận định và phê phán những tệ nạn của xã hội hiện hành. Ông đứng trên quan điểm Phật giáo để lên án bọn phù thủy bóng chàng. Ông cũng đứng trên quan điểm Nho giáo để chỉ trích những tên quan lại sâu dân mọt nước”21. Trong tình hình xã hội lúc bấy giờ đã đặt người Phật tử trước trách nhiệm hộ quốc an dân. Nhân vật Đổng Vân chính là hình tượng lý tưởng và cũng là khuôn mẫu của người tu Phật. Tu Phật là để giải thoát, nhưng khi cần thiết vẫn ra tay cứu giúp đất nước; dù là kẻ thù nhưng khi họ đầu hàng vẫn mở rộng lòng từ bi, tha tội và để họ trở về quê hương. Qua nhân vật Đổng Vân, Thiền sư Toàn Nhật đã giải quyết sự nghi ngờ và chê bai của Nho gia, Đạo gia. Những người tu Phật chân chính sẽ cứu mình và cứu đời, không phải là bọn bóng chàng mê tín dị đoan. Thiền sư Toàn Nhật khẳng định Phật giáo nhập thế rất tích cực, nhưng cũng giải thoát tích cực.

          Khi nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII, Lê Mạnh Thát đã có sự chú ý đặc biệt về Thiền sư Toàn Nhật. Ông đã nhận xét: “Thế giới quan của Toàn Nhật đang còn nằm trong vòng ảnh hưởng của chủ trương “cư Nho mộ Thích” do chúa Nguyễn Phúc Chu đề ra. Sinh ra và lớn lên trong một thời đại đầy bão táp cách mạng và những khủng hoảng xã hội nhiều mặt, bản thân Toàn Nhật đã chứng kiến và sống qua nhiều cuộc đấu tranh do những mâu thuẫn không thể giải quyết được đẻ ra, trong đó có cuộc đấu tranh giữa hệ ý thức Nho giáo và hệ ý thức Phật giáo. Vì vậy, người Phật giáo thời đại Toàn Nhật phải giải quyết các mâu thuẫn của hai hệ ý thức ấy để thực hiện chủ trương “cư Nho mộ Thích” một cách hiệu quả trong đời sống của mình, đồng thời góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng của đất nước một cách có lợi nhất”22. Thiền sư Toàn Nhật đã giải quyết được mâu thuẫn của Tam giáo, đồng thời cũng là tạo ra được cách nhìn nhận thực tế hơn về thực tiễn cuộc sống khi mà xã hội thời Toàn Nhật không chỉ là tồn tại tư tưởng Tam giáo mà còn tư tưởng của phương Tây. Phải khẳng định rằng việc dung hòa tư tưởng “không phải chỉ là một nỗ lực xóa nhòa và trốn tránh mâu thuẫn, trái lại, nó điển hình cho một khả năng tiếp nhận những tinh hoa đến từ nhiều phương trời khác nhau qua yêu cầu và bản lĩnh của dân tộc ta, cụ thể là chủ trương ‘cư Nho mộ Thích’”23. Chủ trương ‘cư Nho mộ Thích’ là chủ trương dung hòa tư tưởng. Bởi lẽ những người này là những trí thức hiểu biết và sống theo không chỉ với đạo lý thánh hiền mà còn biết và sống với triết lý Phật gia. Rốt cuộc, con đường tu Phật chính là con đường vì lợi lạc cho chúng sanh.

          4. Kết luận

          Con người Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài là sự hun đúc của thời đại, là sự tổng hợp tính chất vùng miền của hai trăm năm kể từ khi chúa Nguyễn dựng nghiệp tại Đàng Trong. Con người ấy là biểu hiện của tính cách phóng khoáng, gan dạ, là lòng trắc ẩn thương yêu và giúp đỡ chúng sanh của nhân dân Đàng Trong.

          Từ tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt, hình ảnh đức vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng như đôi dép rách, hay các thế hệ Thiền sư cao Tăng nhập thế khác đã được hình tượng hóa thành nhân vật văn học. Một ông Sãi ở chùa chờ thời cơ phục vụ đến một Đổng Vân quyết chí tu hành nhưng luôn sẵn lòng dấn thân cứu nước. Có thể nói rằng, Đổng Vân chính là hình tượng văn học tiêu biểu minh chứng cho tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Nếu xem Đào Duy Từ là người mở đầu cho việc xây dựng hình tượng người anh hùng thời loạn trong văn học Việt Nam, thì Thiền sư Toàn Nhật chính là người xây dựng hình tượng thiền Tăng dấn thân nhập thế tích cực của văn học Phật giáo Việt Nam.

          Xuất phát từ người anh hùng thời loạn tìm chọn minh quân để phò trợ, đến ông Sãi ở chùa sẵn lòng ôn luyện kinh luân chờ ngày phục vụ và cuối cùng hoàn thiện một thiền Tăng xuất thân từ cửa Khổng đến với Phật, sẵn sàng dấn thân cứu nước cứu dân, để rồi sau này xuất hiện nhiều hình tượng anh hùng khác xả thân vì nghĩa, mà tiêu biểu là hình tượng người anh hùng Lục Vân Tiên sẵn sàng cứu người của Nguyễn Đình Chiểu. Để có được những hình tượng văn học tiêu biểu đó, thì chỉ có thể vùng đất mới, con người mới với đặc tính vùng, tính cách khoáng đạt mới hun đúc nên được những nhân vật như thế. Tất cả đã tổng hợp thành một khí chất rất riêng của văn học nơi vùng đất mới./

THÍCH CHẤN ĐẠO
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế

 

 

_Chú thích:

1. Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập 1- 2, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr. 10-11.
2. Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập 1, sđd, tr. 70.
3. Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập 1, sđ d, tr. 84.
4. Hứa Sử truyện vãn, c.2907-2908.
5. Hứa Sử truyện vãn, c.2761-2764.
6. Hứa Sử truyện vãn, c.2629-2632.
7. Hứa Sử truyện vãn, c.2800-2802.
8. Hứa Sử truyện vãn, c.3084-3085.
9. Hứa Sử truyện vãn, c.3128.
10. Hứa Sử truyện vãn, c.3133-3134.
11. Hứa Sử truyện vãn, c.3673-3676.
12. Hứa Sử truyện vãn, c.3659-3664.
13. Hứa Sử truyện vãn, c.3695-3706.
14. Hứa Sử truyện vãn, c.3712
15. Thiền cơ yếu ngữ vãn, c.155-158.
16. Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập 2, sđd, tr. 252.
17. Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập 1, sđd, tr. 79.
18. Nguyễn Cư Trinh (1969), Sãi Vãi, Lê Ngọc Trụ – Phạm Văn Luật sao lục và chú thích, Nhà sách Khai Trí xuất bản, tr. 28.
19. Sãi Vãi, sđd, tr. 29.
20. Pháp Chuyên Diệu Nghiêm, Tam Bảo biện hoặc luận (三 寳辯惑論), Bản chữ Hán lưu tại Trung tâm Huệ Quang, tờ 22a.
21. Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập 1, sđd, tr. 83.
22. Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập 1, sđd, tr. 80.
23. Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập 1, sđd, tr. 82.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Văn Nguyên – Hà Minh Đức (1971), Các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức thơ ca trong văn học Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Kiều Thu Hoạch (2011), Truyện Nôm – nguồn gốc và bản chất thể loại, Nxb Văn hóa – Thông tin.
3. Đinh Thị Khang (2016), Văn học Trung đại Việt Nam – thể loại, con người, ngôn ngữ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Nguyễn Cư Trinh (1969), Sãi Vãi, Lê Ngọc Trụ – Phạm Văn Luật sao lục và chú thích, Nhà sách Khai Trí xuất bản,
5. Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tập 1- 2, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
6. Đào Thị Thu Thủy, “Về thể loại ngâm khúc”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2 năm 2005.
7. Nguyễn Cẩm Thúy, Nguyễn Phạm Hùng (1997), Văn thơ Nôm thời Tây Sơn, Nxb Khoa học xã hội.
8. Trần Ngọc Vương (chủ biên) (2015), Văn học Việt Nam thế kỷ X đến thế kỷ XIX – những vấn đề lý luận và lịch sử, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.