Người đầu tiên của Thiền phái Chúc Thánh biên soạn Tiểu sử Danh Tăng (ThS.Lưu Bá Tòng)

          Đến nay, chúng ta đã có nhiều bộ lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nhưng để làm nên lịch sử Phật giáo Việt Nam là do Phật tử Việt Nam. Không có Phật tử Việt Nam thì không có lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nhưng cả ngàn năm qua chưa có công trình nào thuật lại thân thế và sự nghiệp những người con Phật làm nên lịch sử Phật giáo Việt Nam. Mãi đến đầu năm 1995, bước đầu, Tỳ kheo Thích Đồng Bổn ghi chép thân thế, sự nghiệp của 100 vị Danh Tăng Việt Nam và 4 cư sĩ tiêu biểu, đã viên tịch ở thế kỷ XX này. Theo Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, “Đây là tác phẩm viết về “Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam” lần đầu tiên được ra mắt độc giả”1. Đến năm 2017, Tỳ kheo Thích Đồng Bổn đã biên soạn được 3 tập “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”, gần 3.000 trang khổ lớn (16×24 cm), trong đó có 109 vị danh tăng đã sống vắt qua 2 thế kỷ (XIX-XX), 308 vị danh tăng sinh vào thế kỷ XX, và 11 cư sĩ. Đây là những người góp phần chính cho lịch sử Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ XX, đã giã từ cõi Ta bà.

          Tất cả chúng sinh vốn dĩ là Phật

          Tỳ kheo Thích Đồng Bổn, thế danh Nguyễn Thành Nam, sinh năm 1957, thế hệ thứ 10 của Thiền phái Chúc Thánh.

          Phần lớn Phật tử tại gia, kể cả xuất gia đều nghe nói đến Tổ Bồ Đề, Tổ Phi Lai, Tổ Trung Hậu, Tổ Bằng Sở… nhưng hành trạng của các Ngài ra sao, không mấy ai biết tường tận. Và “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX” giúp người đọc hiểu cơ bản bước đường hành đạo của các Ngài.

          Ở “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”, tôi thú vị nhất là phần Phụ lục. Phần này viết về những cư sĩ đã có những đóng góp tích cực xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Theo Bách khoa toàn thư mở, “Cư sĩ (zh. 居士, sa. gṛhapati, kulapati, pi. gahapati) là tên dịch nghĩa, cũng được gọi là Trưởng giả (zh. 長者), Gia chủ (zh. 家主), Gia trưởng (zh. 家長), dịch âm Hán-Việt là Ca-la-việt (zh. 迦羅越), Già-la-việt (zh. 伽羅越). Danh từ này có hai nghĩa:

          1. Người dòng họ giàu sang;
          2. Người tại gia mộ đạo (Phật).

          Phần lớn, từ Cư sĩ được hiểu dưới nghĩa thứ hai và đồng nghĩa với Cận sự nam (zh. 近事男, sa., pi. upāsaka), Cận sự nữ (zh. 近事女, sa., pi. upāsikā). Cư sĩ là một danh từ chỉ người theo đạo Phật nhưng vẫn giữ đời sống thế gian, đã quy y Tam bảo và giữ Năm giới.

          Theo Phật giáo Nguyên thủy thì cư sĩ đạo Phật thông thường còn rất lâu mới đạt Niết bàn, vì họ không chịu từ bỏ dục lạc thế gian. Tuy nhiên, nếu họ giữ hạnh bố thí (sa., pi. dāna) thì phúc đức (sa. puṇya) có thể giúp họ tái sinh làm tăng sĩ và nhờ đó tu học đến cấp bậc A-la-hán và đạt Niết bàn. Phật giáo Nguyên thủy xem cư sĩ là người phụng sự đạo pháp bằng cách cúng dường thực phẩm, quần áo, là người lo lắng cho đời sống của tăng, ni. Đại thừa xem cư sĩ có vai trò quan trọng hơn, quan niệm rằng cư sĩ cũng có khả năng thành Phật như tất cả những ai. Nhiều Bồ tát trong Đại thừa ẩn dưới đời sống của một cư sĩ tại gia thông thường. Ví dụ tiêu biểu có lẽ là cư sĩ Duy-ma-cật trong bộ kinh Duy-ma-cật sở thuyết”2.

          Khung cảnh của kinh Duy-ma-cật sở thuyết thuật lại hoàn cảnh Duy-ma-cật đang lâm bệnh tại nhà. Tư tưởng chủ đạo của kinh này là “bệnh của ông được hiểu như một sự khéo léo trong lúc áp dụng phương tiện (sa. upāyakauśalya) dạy người. Phật cử nhiều đại đệ tử đi đến nhà ông hỏi thăm nhưng tất cả đều khước từ. Cách hiểu sai lầm của họ về giáo lý đã được Duy-ma-cật chỉnh lại và vì thế họ hổ thẹn, không dám đại diện Phật đến hỏi thăm”3. Chương III của kinh này nói rõ hơn: “10 đại đệ tử: Xá-lợi-phất, Ma-ha Mục-kiền-liên, Ma-ha-ca-diếp, Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na, Ca-chiên-diên, Ana-luật, Ưu-ba-li, La-hầu-la và A-nan-đà đến thăm và hỏi bệnh Duy-ma-cật. Tuy nhiên, tất cả những vị này đều từ chối đi thăm với lý do là đã bàn luận với ông và hổ thẹn vì không đủ khả năng đối đầu tài biện luận của vị cư sĩ này. Và cũng như vậy, bốn vị Bồ tát Di-lặc (sa. maitreya), Quang Nghiêm (sa. prabhāvyūha), Trì Thế (sa. jagatindhara) và Tô-đạt-đa (sa. sudatta) đều khước từ đi thăm”4.

          Cư sĩ có trí huệ như thế làm cho những người con Phật tại gia thật sự tự hào và noi gương học Phật, bởi “Sau đó, Phật phó chúc pháp vô thượng chính đẳng chính giác cho Bồ tát Di-lặc và cuối cùng, A-nan-đà được Phật yêu cầu thụ trì và truyền bá kinh này rộng rãi”5. Do vậy, “Đại thừa xem cư sĩ có vai trò quan trọng hơn, quan niệm rằng cư sĩ cũng có khả năng thành Phật như tất cả những ai”, không sai.

          Kinh Hoa Nghiêm viết: “Tất cả chúng sinh vốn dĩ là Phật”. Kinh Phạm Võng cũng viết: “Ngươi là Phật sẽ thành/ Ta là Phật đã thành”. Vì thế, qua “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”, tôi chú ý đến phần Phụ lục – phần viết về cư sĩ.

          Người du nhập và phát triển Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam

          Trong “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”, T.1, Tỳ kheo Thích Đồng Bổn có viết tiểu sử 4 vị cư sĩ, trong đó có 3 vị đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo, như: Cư sĩ Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha (1902-1954), Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám (1897-1969), Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền (1905-1973), và một số tác phẩm viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam có nhắc đến, nên không mấy xa lạ đối với tôi. Nhưng về Cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu đối với tôi rất lạ và phải tìm đọc.

          “Cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu sinh ngày 01/10/1896 tại làng Tân An, tổng Định Bảo, tỉnh Cần Thơ, con của ông Nguyễn Quang Diệu và bà Mai Thị Đường.

          Từ nhỏ ông học chữ Nho, sau chuyển sang học chương trình Pháp – Việt trong 5 năm tại Cần Thơ.

          Năm 1911, ông thi đậu học bổng Trường Trung học Mỹ Tho, sau đó lên Sài Gòn học Trường Chasseloup Laubat, thi đậu bằng Thành Chung năm 1915. Rồi ông học Trường Công Chánh Hà Nội và thi đậu bằng Cao học Kỹ thuật Công chánh Hà Nội năm 1918. Năm 1919, ông sang làm việc tại Campuchia, năm 1925 về làm Sở Hỏa Xa Sài Gòn, năm 1944 làm Giám đốc Hỏa Xa miền Nam.

          Lúc nhỏ, ông quy y theo phái Cao Đài Tiên Thiên. Sau đó, ông chuyển qua nghiên cứu Tin Lành – Da Tô giáo.

          Cuối năm 1930, nhân đọc quyển La Sagesse du Bouddha (Tuệ giác của Phật) và hiểu được giá trị đích thực của đạo Phật, từ đó ông ôm ấp ý nguyện truyền bá giáo pháp Nguyên thủy. Lúc đầu, ông tập hợp được các bạn đồng học gồm cư sĩ Cầm, Núi, Nhật, Hương cùng nhau thực hành thiền định.

          Năm 1935, khi gặp lại người bạn là Bác sĩ Thú Y Lê Văn Giảng, ông đem quyển kinh Phật bằng chữ Pháp giới thiệu và khuyên về Campuchia tầm sư học đạo. Sau đó, người bạn xuất gia là Hòa thượng Hộ Tông, người sáng lập Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam.

          Năm 1938, khi đi tìm đất cất chùa ở vùng ngoại ô Sài Gòn – Chợ Lớn, ông gặp được ông Bùi Ngươn Hứa hiến phần đất ở Gò Dưa – Thủ Đức để lập nên chùa Bửu Quang, ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nam tông Việt Nam.

          Năm 1939, ông đã thỉnh Ngài Hộ Tông, Ngài Thiện Luật, Ngài Huệ Nghiêm và một nhà sư người Campuchia về Việt Nam hoằng dương giáo pháp. Cũng trong năm 1939 này, ông đã thỉnh Đức vua Sãi Campuchia Chuôn Nath và 30 vị Tỳ kheo Campuchia về làm Lễ Kiết Giới Sìmà tại chùa Bửu Quang.

          Năm 1940, ông bán nhà lấy nửa số tiền cất lại chùa Bửu Quang bằng ngói gạch và một cốc lầu gồm ba căn cũng bằng gạch ngói, phân nửa tiền còn lại ông mua ruộng để lo chi phí ẩm thực cho chùa.

          Năm 1948, ông khởi công xây dựng chùa Kỳ Viên tại Bàn Cờ (Sài Gòn) và thỉnh chư Tăng đến thuyết pháp, Pháp sư Thông Kham từ Lào đã được thỉnh về thuyết pháp tại chùa Kỳ Viên này. Ngài Naradà ở Tích Lan đã đến ngôi chùa này để mở đạo tràng giảng giáo lý.

          Ngày 14/5/1957, ông đứng ra thành lập Tổng Hội Phật giáo Nguyên thủy dành cho cư sĩ hoạt động. Ngày 18/12/1957, ông cùng với các Cao tăng Nam tông thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam.

          Bên cạnh Phật sự quan trọng trên, ông còn lưu tâm trước thuật, phiên dịch một số kinh sách phục vụ công cuộc hoằng truyền Phật đạo, như sau:

 

          1. Tại sao theo phái Tiểu Thừa?

          2. Chọn đường tu Phật.

          3. Trên đường hoằng pháp của Đức Phật.

          4. Con đường giải thoát.

          5. Pháp vô ngã.

          6. Thiền định.

          7. Luân lý và xã hội Phật giáo.

          8. Niệm tâm từ.

          9. Thành kiến ngã chấp.

 

          Năm 1961, ông đứng ra vận động quyên góp tài chính để xây cất Thích Ca Phật Đài (Vũng Tàu).

          Ngoài ra, ông đã tham dự Hội nghị kết tập Tam Tạng lần thứ 6 tại Miến Điện, tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới tại Thái Lan và Ấn Độ năm 1964, và ông cũng đã sang Tích Lan và Singapore để thăm viếng các Hội Phật giáo.

          Tuổi cao sức yếu và một số sở nguyện hộ pháp đã viên thành. Cư sĩ về cõi Phật ngày mùng 2 tháng 5 năm 1979, tức ngày mùng 7 tháng 4 năm Kỷ Mùi, hưởng thọ 83 tuổi đời, hơn 40 năm là Cư sĩ hộ pháp.

          Là bậc tiên phong kỳ vĩ trong lịch sử cộng đồng cư sĩ Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu đã để lại một sự nghiệp lớn lao là du nhập và phát triển Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam”6.

          Với hành trạng như thế, Cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu đáng được hậu thế tôn vinh, và nên chăng hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam kết hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo về vị cư sĩ tiền bối hữu công này.

          Vẫn còn nhiều cư sĩ đáng tôn vinh như thế và hơn thế

          “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”, T.2, cũng có 4 cư sĩ: Cư sĩ Tuệ Nhuận – Văn Quang Thùy, Cư sĩ Hoàng Tai – Đoàn Trung Còn, Cư sĩ Trúc Thiên – Trần Đức Tiếu và GS Nguyễn Đăng Thục. Trong 4 vị này, có 2 vị xa lạ với tôi. Đó là Cư sĩ Tuệ Nhuận – Văn Quang Thùy và Cư sĩ Trúc Thiên – Trần Đức Tiếu.

          Với Cư sĩ Tuệ Nhuận – Văn Quang Thùy (1887-1967), “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”, T.2, cho biết: “Hòa cùng nhiệt tình và nguyện vọng của đồng đạo Nam, Trung; các Hòa thượng Trí Hải, Mật Ứng, và Tâm Bảo cùng với nhà văn Sở Cuồng Lê Dư triệu tập một cuộc họp tại chùa Quán Sứ ở Hà Nội, có sự tham dự của chư tôn đức trong hàng giáo phẩm và các vị trí thức tên tuổi ở thủ đô, như các ông: Nguyễn Hữu Kha, Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Cung Đình Bính, Trần Văn Giáp, Văn Quang Thùy, Nguyễn Can Mộng, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, v.v… Hội nghị đồng ý thành lập một tổ chức đặt tên là “Bắc Kỳ Phật giáo hội” do ông Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng. Cư sĩ Văn Quang Thùy và ông Nguyễn Văn Minh được cử làm Phó Thư ký.

          Từ đó, ông dành nhiều thời gian ngoài giờ công vụ, hoạt động cho phong trào chấn hưng Phật giáo trên miền Bắc. Ngoài việc tham gia giảng dạy giáo lý ở các trường Gia giáo của các chùa và các Phật học đường của Hội, ông còn đi giảng kinh cho đồng bào Phật tử tại chùa Quán Sứ, chùa Hòe Nhai và các chùa nhỏ quanh vùng Hà Nội. Chẳng những ở Hà Nội, mà các chùa ở tỉnh xa như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng cũng thường mời ông đến giảng pháp, ông đều vui vẻ đáp ứng”7.

          Là Phật tử tại gia, có tấm lòng với đạo Phật và tích cực tham gia Phật sự như thế không phải là không xứng đáng tôn vinh, nhưng nghĩ tới các vị cư sĩ khác được dẫn ở trên, như: Sở Cuồng Lê Dư, Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Cung Đình Bính, Trần Văn Giáp, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, v.v… chắc không thiếu người đáng tôn vinh như thế và hơn thế.

          Hoặc Cư sĩ Trúc Thiên – Trần Đức Tiếu (1920-1972), “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”, T.2, viết: “Năm Ất Hợi (1935) ông đã hoàn tất chương trình trung học một cách xuất sắc, được giới cầm quyền lúc bấy giờ chú ý, muốn đào tạo ông trở nên người có đủ đầy kiến thức tân học mai sau phục vụ cho chính họ. Vì thế một kế hoạch lớn, lâu dài được vạch ra để thực hiện bằng cách trao một học bổng tại nước Pháp cho ông. Tuy ông cũng có phần muốn nương nhân duyên đó để tiến thân, vì so với thanh niên thời ấy chuyện du học là một vinh hạnh, tự hào rất lớn, có điều kiện tiếp cận nền văn minh xứ người; nhưng điều đó không lớn hơn tinh thần dân tộc cao đẹp mà truyền thống gia đình và hình ảnh các phong trào yêu nước đang diễn ra khắp mọi nơi, cộng vào cảnh đàn áp của thực dân bản địa… đã góp phần không nhỏ để ông đi đến quyết định dứt khoát: từ chối niềm vinh hạnh đó”8.

          Chuyện này, ma ma Phật Phật, nói có cũng được, nói không có cũng được, vì chẳng có chứng cứ gì. Và một khi đã có quyết tâm “từ chối niềm vinh hạnh đó”, thì tại sao “Từ năm Canh Dần (1950), tài năng của ông được biết đến không chỉ riêng về nghiên cứu, sáng tác thơ văn Phật học; mà cả trên lãnh vực kiến thức pháp luật của ông cũng được trọng thị, do vậy ông được mời làm việc một thời gian dài ở Bộ Tư pháp chính quyền Sài Gòn”9? Bởi vào năm 1950, miền Nam Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi bàn tay thống trị của người Pháp. Theo Bách khoa toàn thư mở, “Cuối tháng 6 năm 1949, về danh nghĩa, Việt Nam chính thức thống nhất dưới sự quản lý của Quốc gia Việt Nam (thực tế nhiều vùng Việt Nam nằm dưới sự quản lý của Việt Nam Dân chủ cộng hòa). Pháp chuyển giao những chức năng hành chính cho Quốc gia Việt Nam một cách chậm chạp. Tính đến đầu năm 1950, có 35 quốc gia công nhận Quốc gia Việt Nam.

          Từ tháng 6 cho đến tháng 10 năm 1950, Quốc gia Việt Nam và Pháp họp tại Pau (Pháp) để bàn về việc chuyển giao các chức năng quản lý xuất nhập cảnh, quan hệ ngoại giao, ngoại thương, hải quan và tài chính cho Quốc gia Việt Nam. Tài chính là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất bao gồm việc kiểm soát lợi nhuận từ hoạt động ngoại hối. Kết quả tất cả các chức năng trên đã được Pháp chuyển giao cho Quốc gia Việt Nam”10.

          “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”, T.3, viết về 3 cư sĩ tiêu biểu: Cư sĩ Hoàng Xuân Hãn, Cư sĩ Nghiêm Xuân Hồng và Cư sĩ Võ Đình Cường. Riêng về Cư sĩ Hoàng Xuân Hãn là một trí thức lớn của dân tộc, đưa vào danh sách “Cư sĩ tiêu biểu” của thế kỷ XX là làm sang cho giới cư sĩ Việt Nam, chẳng can hệ gì, nhưng nếu thêm nhiều cư sĩ khác, cụ thể là những cư sĩ tham gia trong Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở 3 miền Trung – Nam – Bắc, hồi tiền bán thế kỷ XX, thì tập sách sẽ viên mãn hơn.

*******

          Nhìn chung, 3 tập “Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX”, là sự đóng góp không nhỏ của Tỳ kheo Thích Đồng Bổn trong thời đại người người cần thông tin, nhất là những Danh Tăng Việt Nam và những cư sĩ tiêu biểu. Và mừng cho Thiền phái Chúc Thánh đã có lớp hậu bối như Tỳ kheo Thích Đồng Bổn để lại dấu ấn rõ nét trong lòng người đọc, dẫu đó là Phật tử tại gia hay Phật tử xuất gia. Có biết rõ về hành trạng của chư Tổ mới có kế hoạch học tập theo chư Tổ, phấn đấu tu tập hơn nữa để ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày một rạng rỡ, huy hoàng./

ThS. LƯU BÁ TÒNG

 

 

_Chú thích:

1. Thích Đồng Bổn, Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, T.1, NXB Tôn giáo, H, 2017, trang 9.
2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Cư_sĩ
3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Duy-ma-cật_sở_thuyết_kinh
4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Duy-ma-cật_sở_thuyết_kinh
5. https://vi.wikipedia.org/wiki/Duy-ma-cật_sở_thuyết_kinh
6. Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, T.1, sđd, trang 927-929.
7. Thích Đồng Bổn, Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, T.2, NXB Tôn giáo, H, 2017, trang 896-097.
8. Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, T.2, sđd, trang 913-914.
9. Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, T.2, sđd, trang 915.
10. https://vi.wikipedia.org/wiki/Quốc_gia_Việt_Nam

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1- https://vi.wikipedia.org/wiki/Cư_sĩ.
2- https://vi.wikipedia.org/wiki/Duy-ma-cật_sở_thuyết_kinh.
3- https://vi.wikipedia.org/wiki/Quốc_gia_Việt_Nam.
4- Thích Đồng Bổn, Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, T.1, NXB Tôn giáo, H, 2017.
5- Thích Đồng Bổn, Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, T.2, NXB Tôn giáo, H, 2017.
6- Thích Đồng Bổn, Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, T.3, NXB Tôn giáo, H, 2017.