Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX sinh hoạt trong bầu không khí u uất và ảm đạm. Tăng già rời rạc, tăng đồ thất học, Phật tử sa đà vào mê tín dị đoan,… Trước thực trạng Phật giáo nước nhà như vậy, nhiều bậc cao tăng có tâm huyết với Phật giáo không khỏi xót xa. Ở miền nam, trên tờ Đông Pháp thời báo, số 529, ra ngày 5 tháng 1 năm 1927, Nguyễn Mục Tiên đã viết bài kêu gọi “Nên chấn hưng Phật giáo ở nước nhà”. Song, bài viết này chỉ là lời kêu gọi chung chung nên chưa được mọi người chú ý. Còn hoạt động cụ thể phải từ các Hòa thượng Tâm Thông, chùa Trường Thọ (Gò Vấp), Hòa thượng Từ Phong, chùa Giác Hải (Chợ Gạo), Hòa thượng Từ Vân, chùa Hội Khánh (Thủ Dầu Một),… và đặc biệt là Hòa thượng Khánh Hòa, chùa Tuyên Linh (Bến Tre) và “Nhà sư trẻ” Thiện Chiếu có những hành động tích cực cổ vũ chấn hưng Phật giáo nước nhà.
Trong không khí u ám chung của Phật giáo Việt Nam thời kỳ này, thì Phật giáo miền Trung cũng mang những nét ảm đạm riêng, tăng đồ không thông hiểu giáo lý, không rõ giới luật, háo danh hòa thượng, yết ma, giáo thọ,… Phật tử sa vào mê tín dị đoan… “Môn đình biệt lập dẫn đến tăng ni, Phật tử mang tư tưởng chia rẽ, tín hướng nhiều đường, tăng già không còn giữ được tính chất lục hòa. Tính lục hòa mất sẽ không có người đứng ra gánh vác trách nhiệm cho công cuộc chấn hưng; không có người chăm lo đến công tác đào tạo nhân tài phục vụ sự nghiệp hoằng dương chánh pháp; không có người tập hợp lực lượng để diệt trừ thiên ma… Do vậy, cần phải xây dựng và củng cố lại hệ thống tổ chức Phật giáo. Đây là điều kiện thiết yếu đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Phật giáo trước bối cảnh mới của thời đại”1.
Trước thực trạng Phật giáo miền Trung như vậy. Ngay từ thập niên 20 của thế kỷ XX, các vị cao tăng như Hòa thượng Tuệ Pháp, Hòa thượng Tâm Tịnh,… đã có những hoạt động thiết thực như mở các đạo tràng nhằm mục đích giảng giáo lý đạo Phật cho các tăng ni, Phật tử ở chùa Thiên Hưng (Huế),… Tiếp nối các cao tăng ở Huế, Quốc sư Phước Huệ, chùa Thập Tháp Di Đà (Bình Định) từ năm 1927 đã mở các lớp giảng dạy giáo lý Phật pháp. Nhìn chung, các đạo tràng ở Huế và các lớp học ở Bình Định đã thu hút nhiều tín đồ, Phật tử tham gia học tập. Ở Đà Nẵng, thời kỳ này tiêu biểu nhất là Hòa thượng Trang Quảng Hưng, chùa Từ Vân (Đà Nẵng). Ông “sớm có tư tưởng canh tân, cổ xúy cho việc học tập và phiên dịch kinh điển Phật giáo sang chữ Quốc ngữ, ngày 17/12/1927, Hòa thượng Quảng Hưng đã đệ đơn xin phép Đốc lý và Tổng đốc Quảng Nam cho phép thành lập trường học tại chùa Từ Vân, Đà Nẵng”2.
Tư tưởng canh tân Phật giáo của Hòa thượng Trang Quảng Hưng
Theo Hành trạng chư thiền đức xứ Quảng của Thích Như Tịnh cho biết, Hòa thượng Trang Quảng Hưng (1893-1946) là con trưởng trong gia đình Phật tử thuần thành ở làng Cẩm Phổ, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thành phố Hội An). Năm 1905, 13 tuổi, ngài xuất gia làm đệ tử Hòa thượng Tăng cang Phước Trí tại chùa Tam Thai và được ban pháp danh Như Tiến. Năm 1906, ngài được Bổn sư cho thụ giới Sa di tại giới đàn chùa Từ Quang (Phú Yên). Năm 1909, ngài được thân hào làng Hải Châu (Đà Nẵng) thỉnh làm Tri sự chùa Sắc tứ Phước Hải. Năm 1910, 18 tuổi, ngài được đăng đàn thọ Đại giới với Hòa thượng Vĩnh Gia tại chùa Phước Lâm (Hội An). Sau đó, ngài được Bổn sư ban pháp tự là Giải Ninh, nối pháp đời 41 tông Lâm Tế, thuộc phổ hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Năm 1913, ngài cầu pháp với Hòa thượng Chơn Nhẫn – Phước Điền, chùa Ngự Kiến Vĩnh An (Quảng Nam) và được ban pháp hiệu Quảng Hưng.
Từ đây, ngài thường được chư tôn thiền đức mời làm Thư ký giới đàn, Chủ trì đại lễ trai đàn, Đệ nhị tôn chứng sư, Chánh chủ kỳ, Tuyên luật sư,… Năm 1922, ngài kiến lập bảo tháp của Hòa thượng Phước Điền và hưng công xây dựng chùa Từ Vân,… Đạo hạnh của ngài ngày càng vang xa và có ảnh hưởng lớn đến chư tôn đức và chính quyền bảo hộ. Năm 1933, ngài được triều đình Sắc tứ Tăng Cang, ban giới đao độ điệp. Năm 1946, ngài viên tịch, bảo tháp tôn thờ tại chùa Pháp Bảo (Phan Thiết).
Hành trạng của ngài là một trong những Tăng sĩ tiêu biểu nhất của Phật giáo miền Trung trước và trong phong trào chấn hưng Phật giáo cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đúng như nhận xét của Thích Như Tịnh khi nghiên cứu về ngài như sau: “Hòa thượng là người mang tư tưởng canh tân, cổ súy việc học và phiên dịch kinh điển sang chữ quốc ngữ. Điều này đã được Hòa thượng khẳng định qua việc trả lời phỏng vấn tờ báo Đông Pháp, số 455 ra ngày 17.12.1927 như sau:
1. Làm trường học tại chùa, rước thầy giáo đến dạy các đạo nhỏ, trước phải học hai buổi công phu, hôm khuya, và bốn cuốn luật của nhà chùa. Sự học này toàn bằng chữ Quốc ngữ cả.
2. Nuôi kẻ nghèo khổ ăn học cho biết hai thứ chữ Tàu và chữ Quốc ngữ.
3. Dịch kinh Phật ra Quốc ngữ. Trước đây phải tìm kiếm các thơ ca truyện giảng trong nhà Phật của các bậc tiền bối để lại, đem dịch ra quốc văn, cho bá tánh biết tích lớp mà tu hành. Sau sẽ thỉnh các vị cao Tăng bác học để dịch Đại Tạng chư kinh, để truyền bá cho kẻ hữu tâm, rõ nghĩa “Từ bi vô thượng” của đức Phật Như Lai3.
Ngoài ra, Hòa thượng Trang Quảng Hưng còn tổ chức san khắc Luật Sa di trường hàng, các tác phẩm của Hòa thượng Toàn Nhật – Quang Đài,… Theo chúng tôi, khi đọc tác phẩm Luật ông thầy chùa và Tịnh Độ khuyến tu càng thấy rõ hơn tư tưởng canh tân Phật giáo của ngài.
Tác phẩm Luật ông thầy chùa bao gồm 04 quyển: 1. Tì ni, 2. Sa di, 3. Oai nghi, 4. Kỉnh sách do ngài tân soạn vào năm 1928, xuất bản năm 1930 do Hàn Định Phong nguyện in, IPM. Tiếng Dân – Huế. Nội dung chủ yếu của tác phẩm này như sau:
Trong phần Phép làm thầy Sa – di: Có ba hạng , từ 7 tuổi đến 13 tuổi, công việc là chăm sóc vườn chùa, “ngó chim giữ quạ, coi ngó kẻ tới người lui”, gọi là Xu Ô Sa Di; Từ 14 tuổi đến 19 tuổi gọi là Ứng pháp Sa Di, công việc là “ứng phú đạo tràng giảng diễn Phật sự tùy theo diên cơ giáo hóa”,… Từ 19 tuổi đến 70 tuổi gọi là Thầy Tùy biện Sa Di là “thầy đó học hành ít thông kinh luật, công việc thầy ấy hoặc Chấp Lao công vụ nhà chùa mỗi sự Thuyền môn xưng chịu làm phước quả. Theo trong Thuyền Lâm không có lên chức chi cả”. Từ 20 tuổi chịu đủ giới luật tinh nghiêm, hoặc người xuất gia muộn nhưng không biết giữ đủ giới không tuy đã nên bậc Tỳ kheo nhưng cũng chỉ bằng hạng Sa di, vì các giới luật khác chưa đủ.
Trong phần Tỳ Ni nhật dụng yếu lược đã giới thiệu rất kỹ các phép tắc thường dùng như: Sớm mai thức dậy; Ở trong nhà bước chân ra; Bước đi tránh hại chúng sinh; Đại tiểu tiện; Rửa sạch, Rửa mặt, Uống nước,…
Trong phần Sa di luật nghi yếu lược, ngài dẫn lại của Đại sư Châu Hoằng, chùa Vân Thê trước tác, đã nêu rõ Sa di là người “dứt ác làm lành”, luật nghi chính là mười giới luật (luật nghi giả thập giới luật4) đã giảng kỹ về mười giới luật, chẳng hạn người xuất gia 5 năm đầu chuyên học giới luật, 5 năm sau mới cho học pháp tham thiền,… Do đó, Sa di trước hết phải chịu 10 giới rồi mới đăng đàn thọ giới Cụ túc.
Trong phần Hạ thiên oai nghi môn: Quy định khi Sa di đủ tuổi 20 muốn thọ giới Cụ túc nếu không biết đủ “việc” của một Sa di thì không được. Bởi trong “đời mạt pháp tình người nhiều sanh nhiều trễ nải, nghe nhiều thời nhàm”,…
Trong Quy Sơn Đại Viên thiền sư kỉnh sách: Viết về Sa di nếp lành, tính siêng, oai nghi rờ rỡ trau lòng mình, lấy 10 lời răn làm gốc.
Theo ngài: “Bốn quyển luật nầy diễn theo y như Luật trường hàng để học chữ quốc ngữ cho dễ biết viết, đọc, có thêm bài chúc nguyện mới như sau nầy: Kính chúc, trăng tuệ sáng lòa, mây từ ấm mát, hoa liên đài chín bậc trỗ màu muôn cõi đều thơm, cây bửu thọ – bảy hàng, bóng mát ngàn thu thêm tốt, trong triều ngoài quận, vui mừng vận hội văn – minh, bốn biển năm châu hưởng đặng bồ – đề phước quả”5.
Nội dung Luật ông thầy chùa được ngài tân soạn rất dễ hiểu, song điều quan tâm ở đây chính là tư tưởng canh tân Phật giáo của ngài thể hiện rất rõ trong Lời cáo bạch cho tác phẩm này. Ngài viết như sau: “Tôi là Trang Quảng Hưng, chủ chùa Từ Vân ở Touranne6 có lời cáo bạch cùng quý ngài rõ. Đạo Phật trong nước ta bên Tàu truyền qua xưa nay vẫn chưa có chùa nào thể theo lời Phật dạy cấp độc, từ bi, bác ái, nay tôi xin phép:
Hai chánh phủ cho các điệu nhỏ học chữ quốc ngữ và dịch kinh luật ra chữ quốc ngữ, có nuôi trẻ con nghèo ăn học làm phước. Vậy các học trò đã phần nhiều biết chữ quốc ngữ soạn dịch quyển luật này lớp trung học đạo Phật, dịch rồi năm 1928, triều vua Bảo Đại năm thứ 3, Mậu Thìn niên, tôi có nhờ quan bác sĩ y khoa, quan tư Monsieur Sa Lê, xét gửi ra trường bác ổ Hà Nội, quan chánh bác cổ trường ấy và quý sư cụ chùa Bà Đá làm việc trường bác cổ chứng xét công nhận cho quyển luật này các điệu nhỏ ở nhà chùa, học biết đủ bổn phận của ông thầy”7.
Như vậy, có thể thấy, việc xuất bản tác phẩm này chủ đích không ngoài việc đào tạo tăng tài theo lối mới. Đó là: 1. Cho các “điệu nhỏ” học chữ quốc ngữ; 2. Dịch kinh luật ra chữ quốc ngữ; 3. Nuôi trẻ nghèo khó và cho ăn học làm phước. Đây là ba vấn đề đã được Thích Như Tịnh nêu trong công trình Hành trạng chư thiền đức xứ Quảng và điều này phù hợp với chính nội dung tác phẩm Luật ông thầy chùa mà ngài muốn giảng dạy, đào tạo tăng tài cho tương lai. Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy sự qua lại giữa Phật giáo miền Trung với Phật giáo miền Bắc thông qua trao đổi thư từ và rõ ràng vẫn có chư tăng qua lại ba miền Bắc Trung Nam, mà sư Thiện Chiếu là ví dụ tiêu biểu.
Một điểm rất đáng chú ý nữa là trong phần bài tựa cho tác phẩm này của Quảng Bình, La Hà, Kỷ Dậu khoa Tú tài Hàn lâm viện Cung phụng, nguyên Lại mục Trần Văn Bích viết như sau: “Ở xứ Trung kỳ Đà Nẵng, chùa Từ Vân, có làm trường gọi là Phật học giáo dục trường, mấy lâu nay, các trẻ con nghèo, nhờ ơn ông chủ tự Trang Quảng Hưng, nuôi cho ăn học, đã biết Quốc ngữ phần nhiều, ở trường ấy có rước thầy diễn dịch bộ Luật Tỳ ni trường hàng xưa, ra Quốc ngữ (Luật ấy chia làm bốn quyển: 1. Tỳ ni; 2. Sa di; 3. Oai nghi; 4. Kỉnh sách)”8.
Như thế, việc làm trường Phật học giáo dục là sự cụ thể hóa tư tưởng canh tân của ngài. Trường này chủ yếu nuôi các trẻ em nghèo, cho học chữ quốc ngữ. Đúng như một nhận xét: “Tính đến trước năm 1930, tại Việt Nam đã xuất hiện 2 xu hướng cải cách Phật giáo cơ bản. Ở trong Nam và ngoài Bắc, xu hướng chủ yếu là đề xuất các chương trình xây dựng Phật giáo Việt Nam thành một tổ chức thống nhất. Với miền Trung, các hoạt động của Phật giáo lúc này chủ yếu tập trung vào mục tiêu là giáo dục và đào tạo tăng tài. Đây cũng chính là cơ duyên để Phật giáo miền Trung sớm có được một đội ngũ tăng tài có khả năng dẫn đạo và hướng đạo làm nòng cốt cho quá trình chấn hưng Phật giáo”9.
Tác phẩm Tịnh Độ khuyến tu của ngài được xuất bản muộn hơn tác phẩm Luật ông thầy chùa đôi chút. Tác phẩm này xuất bản năm 1930 tại Quảng Nam Đà Nẵng Trung Kỳ (IMP. Tiếng Dân – Huế). Có thể nói, đây là bộ sách do ngài soạn năm 1930 tại chùa Sắc tứ Từ Vân với mục đích “khuyên người tu hành”. Bởi bầu không khí Phật giáo thời bấy giờ không khỏi khiến ngài xót xa. Ngài viết: “Tôi dám chắc rằng: Phần đông người mộ Phật, đặng cầu phước quả cho mình được tai qua nạn khỏi, được hưởng thảnh thơi, tháng ngày mạnh giỏi, lăn lộn theo khách hồng trần, chìm đắm tình ngũ dục, vấn vít theo cuộc chiêm bao, sớm còn tối mất, chớ ít có ai lòng nhiệt dạ thành đối với chủ nghĩa Từ bi Bác ái của Phật cho tận tâm kiệt lực, hoặc khảo cứu kinh luật cho cùng nguyên, hoặc theo Phật cho đến cùng; Lại có một hạng người say mê trong cuộc phù ba quá giấc mà quên lửng tưởng Phật đi nữa; Lại có người thị phi bài phiếm, chia rẽ cái lương tâm, theo đạo nầy chê đạo kia, đem một mối tơ Phật tuyến, xé năm, xé bảy, xé nhỏ, xé to, xé tan, xé nát”10. Thực tế, lời nhận xét này của ngài hoàn toàn đúng với tình hình Phật giáo Việt Nam nói chung và tình hình Phật giáo miền Trung thời kỳ này nói riêng. Cư sĩ Thanh Quang viết như sau: “Đau đớn thay xứ ta, những hạng người xuất gia vào chùa phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo luyện hơi cho hay, tập nhịp tán cho già, nay lãnh đám này mai lãnh đám khác; cũng tràng hạt, cũng cà sa, thử lật mặt trái của họ mà xem thì có khác nào người trần tục”11. Còn Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, cho rằng: “Không có Thích học đường và kinh sách đủ cho tăng đồ theo học, cũng không có Phật học tạp chí để dịch kinh chữ Hán ra chữ quốc âm cho tín đồ xem đặng hiểu đạo lý”12. Đặc biệt, ngài còn nhận thấy một bộ phận không nhỏ tín đồ là nữ giới vướng vào mê tín, cờ bạc hay đam mê ca hát. Trong Phụ nữ khuyến tu, ngài than và cảnh tỉnh họ rằng: “Các bà ôi! Đám cờ bạc kia ấy là địa ngục hiện tại cõi thế gian, để mà giam những mặt quốc sắc thiên tài đó”13.
Cũng như “Nhà sư trẻ Thiện Chiếu”, trên cơ sở khảo cứu Phật giáo thế giới, ngài cho mọi người thấy một thực tế: “Gần đây nước Anh có ông Kiệt Bi gia tâm khảo cứu kinh Phật, nước Nga cũng lập Phật học, dạy người quy y số đông, còn các nước văn minh, ngày nay cũng cầu mộ Phật giáo nhiều lắm. Còn ở nước ta ba kỳ, thời Nam kỳ đã lập Phật học thư xã, dịch ba tạng kinh ra pháp âm v..v…”14. Do đó, việc nghiên cứu Phật học cốt làm sao để các tác phẩm này dịch ra quốc ngữ, làm cơ sở cho truyền bá phát triển đạo Phật, ngài viết: “Người ta dịch kinh ra sách quốc văn là cốt yếu làm cơ quan cho Phật giáo, truyền đạo nước nhà. Còn Bắc kỳ các bậc Cao tăng cũng đương xem xét kinh luận, khêu đèn Thích cho tòng lâm rực rỡ, lau gương tuệ để soi lòng trần mộng”15.
Như thế, trong thời kỳ chữ quốc ngữ chưa được phổ thông, song chữ Hán lại lụi tàn thì xu hướng phát triển Phật giáo thông qua việc phiên dịch kinh điển Phật giáo từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ là tất yếu. Song, thời kỳ này cũng ít người thông thạo chữ quốc ngữ, vì phần lớn các Tăng sĩ, Nho sĩ vẫn sử dụng chữ Hán là chủ yếu. Ngay như với Phật giáo thời kỳ này “người xem được báo Tàu cổ văn, Tân văn, thanh niên tăng chỉ có sư Thiện Chiếu, trung niên và lão thành chỉ có Hòa thượng Khánh Hòa mà thôi”16. Và như thế, ở miền Trung, chúng ta biết thêm về Hòa thượng Trang Quảng Hưng cũng thông thạo cổ văn và tân văn, mà thực tế trong hai tác phẩm Luật ông thầy chùa và Tịnh Độ khuyến tu là minh chứng rõ ràng. Bản thân ngài tự bạch là mình không ngại văn chương nông cạn, ngôn ngữ thô sơ mà sưu tầm, khảo cứu để làm bộ Tịnh Độ khuyến tu. Bởi từ năm 1922 đến nay kinh điển Phật giáo “thảm đạm”, “sự mê tín bó buộc cái lương tâm đời người”, “mà Phật pháp cao dày, đời người khó thấu”, “bởi ai cũng tưởng rằng, làm theo lẽ cúng lạy thường tình, ắt cũng đủ làm cho Phật giáo vẻ vang. Đâu có ngờ, trái ý Phật pháp, mà cũng chẳng theo kinh luận chi cả”17. Hay “Thảm thiết thay, đuốc từ bi đã thiếu tay nhen nhúm, thuyền bát nhã không có kẻ quay chèo, đã khổ như thế mà lại thêm ngôn uận thảm binh nên nỗi phải hư danh, chưa có thiết dụng”18.
Và đôi lúc, ngài cũng cảm thấy bất lực, tình hình không được cải thiện là bao: “Mấy năm nay tôi hô hào trên báo cũng đã lắm phen mà họa ứng cũng chẳng thấy hiệu quả gì. Mục đích Phật học ấy cũng là một cơ quan cốt yếu của Phật giáo và cũng có tinh thần có ích cho chúng sanh, đã tu cho mình, mà cũng phải có lợi cho đạo mới phải là người thế phát bẩm sư”19. Có lẽ vì thế, ngài quay về với tư tưởng ccanh tân Phật giáo thông qua việc lập trường Phật học giáo dục và đào tạo tăng tài.
Trong nội dung giáo dục, đào tạo tăng tài, nếu như Luật ông thầy chùa chủ yếu giới thiệu về các giới luật, phép tắc hằng ngày mà một tu sĩ phải thực hiện thì Tịnh Độ khuyến tu lại hướng về quảng đại quần chúng. Ở tác phẩm này, ngài dành phần lớn nội dung giới thiệu về cảnh Tịnh Độ: Là cảnh “cực điểm an nhàn” để cho chúng sinh khi lâm chung lìa con đường mộng huyễn mà về Phật cảnh hưởng phước. Ngài cho rằng, Phật Thích Ca khi thành đạo “chỉ diễn một cái tâm người đời mà thôi”. Tâm minh mẫn, tâm sáng suốt là tâm Phật. Nghĩa là: “Phật với chúng sanh chỉ khác nhau có một cái tâm mà thôi”. Cái hay ở đây là ngài đặt ra câu hỏi: Có phần hồn hay không? Ngài giải thích như sau: “Phải có hồn, nếu không có hồn thời nào biết ta khôn dại, biết cử động, biết nhục dục, biết hiển vinh, không hồn sao gọi rằng chết, sống chết ấy, thời ta phân biệt ra hai lẽ: một là do sanh tồn phải lo nuôi cái bao thịt thúi nầy, bộ xác huyễn nầy, rồi phải lo một đạo đức gì mà bổ dưỡng phần linh hồn, đặng ngày sau đi đầu thai kiếp khác. Chắc có đầu thai hay không như không đầu thai sao lại có chuyển kiếp, lại có luân hồi, lại có hóa sanh”20. Ngài cho rằng, mình đi tu không phải chỉ riêng ở mình, mà phải tu cho người ta thấy để họ đi theo mình “đều nên Phật vậy”. Nếu không thì làm sao phải khuyến tu khuyến đạo làm gì! Bên cạnh đó, ngài hết mực đề cao đạo đức: “Đạo đức là một rất báu nhứt cho tinh thần, là một cơ quan của linh hồn ta, như mình là một người nam nhơn chi chí, mà nghĩ được một phần cao thượng đặng đi tu như cẩm thượng thêm hoa. Đạo đức mà thấm sâu vào tâm vào ruột có bổ ích cho tinh thần sống lâu mạnh giỏi, dầu cái xác này say mê theo hoàn cảnh, thời cũng không sanh ra cái chứng bịnh ngặt nghèo mà cầu lụy đến ai”21.
Điều quan trọng nhất ở tác phẩm này chính là phép tu. Ngài nhận định, phép tu phải có năm cội gốc là: 1. Có niềm tin sâu sắc; 2. Đạo đức trong sạch; 3. Tưởng niệm phải kiên cố; 4. Niềm tin kiên cố; 5. Trí tuệ sáng suốt. Đồng thời phải có năm “tinh lực”: 1. Tin vào chính mình; 2. Tu dưỡng đạo đức; 3. Phải có nguyện lớn; 4. Cảm ứng được phép mầu nhiệm; 5. Phải rộng lòng giúp đỡ chúng sinh. Ngài gọi là “bác thánh đạo phận”. Nghĩa là: “Một là mình phải thấy ngay thẳng; Hai là phải ngay thẳng lòng soi xét; Ba là ngay thẳng lời nói chánh đạo; Bốn là phép màu nhiệm ngay thẳng; Năm là đạo lý trong sạch ngay thẳng; Sáu là ngay thẳng việc thuyền định; Bảy là tưởng niệm cho ngay thẳng; Tám là làm người phải cho ngay thẳng”22. Ngài cho rằng: “Mình ở nhà mà tu được như vậy thì khỏi phải xuất gia cho phiền”. Ngoài ra, ngài còn đề cao việc hiếu thảo với cha mẹ, bởi đó là “Hạnh Phật”: “Kính thảo cha mẹ là mầu nhiệm, cũng bằng người xuất gia đi tu”, đó là hạnh Phật, và cũng có cái thảo ở nhà cái thao đi tu. Vì “ở nhà cha mẹ thương đó mà không dám quên, cha mẹ ghét đó nhục là không dám giận. Còn cái thảo đi tu, cắt tình thương vợ con, từ nghĩa cha mẹ, ăn rau quét sạch cội lòng, xét thấu lẽ vô vi. Trước đền ơn sâu là cội, sau đặng về nẻo mầu nhiệm, thoát sang đường đó là đền ơn cho cha mẹ vậy”23. Ngài dẫn từ kinh Thi ca la việt về bổn phận của người con đối với cha mẹ như sau: 1. Phải thường vấn an cha mẹ, làm cha mẹ hài lòng; 2. Thức khuya dậy sớm lo gia nghiệp; 3. Phải làm những việc nặng nhọc đỡ đần cha mẹ; 4. Nhớ ơn sâu dày của cha mẹ mang nặng đẻ đau; 5. Cha mẹ ốm đau phải chăm sóc chu đáo. Đồng thời, ngài thấy rõ hiện trạng các “quý bà, quý cô” thời kỳ này hay sa đà vào mê tín, vì thế ngài khuyến nhủ: “Chồng tu, vợ tu, trong nhà được thuận hòa, con cháu thông minh, ông tu bà tu, sống lâu trường thọ, phước đức để sau con cháu, hai ông bà đều tu hết, chín phẩm sen vàng, đồng về Phật cảnh, phu phụ song tu, ấy là giàu đạo đức, hơn giàu tiền bạc, đã để lại ngày sau cho con cháu, mà mình cũng được hưởng một phần, đến khi chết được vui an cõi tịnh. Xin quý bà phải nghĩ lại rằng: của thế gian nầy, nào là vàng bạc sang trọng, giàu có thiệt là đồ chơi cả”24.
Đôi lời tạm kết
Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, khởi phát từ miền Nam ra miền Trung đến miền Bắc được xem là một tất yếu lịch sử và là hiện tượng nổi bật đương thời. Những nội dung của phong trào chấn hưng Phật giáo ở ba miền có những tính chất, đặc điểm chung và riêng. Song, với tư tưởng và hoạt động canh tân Phật giáo trước đó của các vị Tăng sĩ như Hòa thượng Khánh Hòa, Sư Thiện Chiếu,… ở miền Nam; Hòa thượng Tâm Lai, Hòa thượng Trí Hải,… ở miền Bắc; Hòa thượng Tuệ Pháp, Hòa thượng Tâm Tịnh, Hòa thượng Phước Huệ và đặc biệt là Hòa thượng Quảng Hưng ở miền Trung là những người tiên phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà.
Với Hòa thượng Trang Quảng Hưng, những tư tưởng chấn hưng của ngài đã được Thích Như Tịnh chỉ ra. Song theo chúng tôi, ngài còn chỉ ra một bộ phận tín đồ là nữ giới hay đắm chìm trong cờ bạc, ca hát, đặc biệt là mê tín dị đoan mà hiện nay vẫn mang tính thời sự. Và quan trọng hơn là ngài xây dựng phép tu dựa trên năm cội gốc, năm tinh lực mà ngài gọi là “bác thánh đạo phận”. Bên cạnh đó, ngài còn hết mực đề cao đạo đức ở con người, đề cao lòng hiếu thảo của con người. Qua đó, chúng ta thấy được phần nào tư tưởng, hành động của một bậc long tượng của Phật giáo miền Trung nói chung và của pháp phái Chúc Thánh xứ Quảng nói riêng trong nửa đầu thế kỷ XX.
NCS. NGUYỄN VĂN QUÝ
Phòng Nghiên cứu Phật giáo,
Viện Nghiên cứu Tôn giáo
_Chú thích:
1. Dương Thanh Mừng (2018), Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932-1951), Nxb. Đà Nẵng, tr. 64.
2. Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932-1951), sđd, tr. 85.
3. Thích Như Tịnh (2008), Hành trạng của chư Thiền đức xú Quảng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 284-285.
4. Bao gồm: 1. Không sát sinh; 2. Không ăn trộm; 3. Không tà dâm; 4. Không nói dối; 5. Không uống rượu; 6. Không đeo tràng hương hoa, không lấy hương thơm thoa mình; 7. Không mua hát và đi coi hát; 8. Không ngồi giường cao, rộng lớn; 9. Không ăn phi thời; 10. Không cầm đồ vàng bạc châu báu.
5. Trang Quảng Hưng (1930), Luật ông thầy chùa, IMP. Tiếng Dân – Huế, tr. 114.
6. vi.wikipedia.org: Đà Nẵng trong lịch sử có những tên gọi khác. Vì nằm ở cửa sông Hàn nên còn được gọi là Cửa Hàn. Người Pháp gọi Đà Nẵng là Tourane vì đọc nhầm thôn Thạc (碩) Gián thành Tu (須) Gián và Tu Gián được phiên âm ra “Tourane”. Nguồn gốc từ “Đà Nẵng” là biến dạng của từ Chăm cổ “DAKNAN”, nghĩa là vùng nước rộng lớn [3]. Trong đó, chữ DAK có nghĩa là nước, NAN là rộng, lớn, hoặc già. Địa danh DAKNAN hàm ý chỉ vùng sông nước rộng mênh mông(sông lớn hoặc sông già – cửa sông Hàn bây giờ). Người Việt phiên âm ra thành Đà Nẵng. Vào thời Pháp thuộc (và trước đó), địa danh Đà Nẵng thường được gọi là Tourane. vì chữ DAKNAN của dân tộc Chăm mà người Trung Hoa gốc Hải Nam đọc là TOUNAN, do đó mà phiên âm thành Tourane.
7. Luật ông thầy chùa, sđd, tr. 3-4.
8. Luật ông thầy chùa, sđd, tr. 9.
9. Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam (1932-1951), sđd, tr. 85.
10. Trang Quảng Hưng (1930), Tịnh Độ khuyến tu, IMP. Tiếng Dân – Huế, tr. 3-4.
11. Tạp chí Đuốc Tuệ, số 178.
12. Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1932), “Điều lệ và quy tắc”, Từ Bi Âm, số 1, tr. 44.
13. Tịnh Độ khuyến tu, sđd, tr. 28.
14. Tịnh Độ khuyến tu, sđd, tr. 4.
15. Tịnh Độ khuyến tu, sđd, tr. 4.
16. Vân Thanh (1974), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, Các Phật học viện và Chùa xuất bản, Sài Gòn, tr. 194,196.
17. Tịnh Độ khuyến tu, sđd, tr. 6.
18. Tịnh Độ khuyến tu, sđd, tr. 5.
19. Tịnh Độ khuyến tu, sđd, tr. 5.
20. Tịnh Độ khuyến tu, sđd, tr. 9-10.
21. Tịnh Độ khuyến tu, sđd, tr. 18.
22. Tịnh Độ khuyến tu, sđd, tr. 19-20.
23. Tịnh Độ khuyến tu, sđd, tr. 21.
24. Tịnh Độ khuyến tu, sđd, tr. 30-31.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Thích Đồng Bổn (1995), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
2. Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam (1924-1954), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (1932), “Điều lệ và quy tắc”, Từ Bi Âm, số 1.
4. Trang Quảng Hưng (1930), Luật ông thầy chùa, IMP. Tiếng Dân – Huế.
5. Trang Quảng Hưng (1930), Tịnh Độ khuyến tu, IMP. Tiếng Dân – Huế.
6. Dương Thanh Mừng (2018), Phong trào chấn hưng Phật giáo miền trung Việt Nam (1932-1951), Nxb. Đà Nẵng.
7. Tạp chí Đuốc Tuệ, số 178.
8. Thích Như Tịnh (2008), Hành trạng của chư Thiền đức xú Quảng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
9. Nguyễn Quốc Tuấn (2012), Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội.
10. TS. Nguyễn Quốc Tuấn và TT.TS. Thích Đồng Bổn chủ biên (2018), Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
11. Vân Thanh (1974), Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo, Các Phật học viện và Chùa xuất bản, Sài Gòn.