LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ BÀI KỆ TRUYỀN THỪA
Sau khi Phật nhập Niết Bàn, tổ tổ tương truyền gìn giữ nguồn Phật pháp Tây Trúc (Ấn Độ), từ Tổ Ma Ha Ca Diếp đến Bồ Đề Đạt Ma. Năm 520, Tổ thứ 28 Bồ Đề Đạt Ma (470-543) dòng thiền Ấn Độ sang Trung Hoa truyền đạo trở thành Sơ Tổ dòng thiền Trung Hoa truyền tổ vị cho Nhị Tổ Huệ Khả (487-539), lần lượt lưu truyền đến Lục Tổ Huệ Năng (638-713). Kế thế đèn thiền, Lâm Tế – Nghĩa Huyền(?- 866/867) đệ tử đắc pháp của Tổ Hoàng Bá, thành lập tông Lâm Tế, truyền đến Chúc Thánh Lão Tổ Minh Hải – Đắc Trí – Pháp Bảo đệ tử đời thứ 34 của Lâm Tế tông tại Trung Quốc, có công khai sơn Tổ đình Chúc Thánh (Hội An), được xem là vị sơ tổ khai sinh ra dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Việt Nam.
Vào khoảng năm 1687-1690 (Nguyễn Hiền Đức, “Ảnh hưởng của Tổ sư Nguyên Thiều đối với Phật giáo Đồng Nai-Gia Định”, tr. 37), Thiền sư Nguyên Thiều được chúa Nguyễn Phúc Trăn cử về Trung Quốc để thỉnh thêm tăng sĩ, kinh Phật giáo, Phật tượng, pháp khí sang Đàng Trong. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp, chúa Nguyễn hỗ trợ cho sư mở Đại giới đàn ở chùa Thiên Mụ (Huế).
Năm Ất Hợi (1695), sư Nguyên Thiều thỉnh được Hòa thượng Thạch Liêm cũng như các danh sư Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Tri, Minh Hoằng Tử Dung, Minh Lượng Thành Đẳng v.v… trong Hội đồng thập sư sang truyền giới. Phái đoàn xuống thuyền tại bến Hoàng Phố và cập bến Hội An vào ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi (1695). Sau đó, đoàn ra Thuận Hóa và được chúa Nguyễn Phúc Chu đón tiếp trọng thể và thỉnh về trụ tại chùa Thiền Lâm. Ngày mồng 1 tháng Tư năm Ất Hợi (1695), giới đàn được khai mở do sư Thạch Liêm làm Đàn đầu Hòa thượng. Sau chuyến du hành hóa đạo, ngày 24 tháng Sáu năm Bính Tý (1696), sư Thạch Liêm cùng với hầu hết phái đoàn trở về Quảng Đông. Một số vị trong phái đoàn ở lại, tiếp tục khai sơn hoằng hóa như sư Minh Hoằng – Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tông ở Thuận Hóa, sư Minh Lượng – Thành Đẳng khai sơn chùa Vạn Đức tại Cẩm Hà, Hội An, và sư Minh Hải – Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh tại Cẩm Phô – Hội An1, và xuất kệ truyền thừa đến nay được khoảng 12-13 đời.
Pháp hệ truyền thừa của dòng Chúc Thánh tiêu biểu:
- Tổ sư Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu Pháp Bảo (1670-1746), Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 34, khai sơn chùa Sắc tứ Chúc Thánh, Quảng Nam.
- Tổ sư Thiệt Dinh, tự Chánh Hiển, hiệu Ân Triêm (1712-1796), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh tông đời thứ 35, khai sơn, trụ trì chùa Sắc tứ Phước Lâm, Quảng Nam.
- Tổ sư Pháp Chuyên, tự Luật Truyền, hiệu Diệu Nghiêm, (1738-1810), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh tông đời thứ 36, khai sơn, trụ trì chùa Từ Quang (chùa Đá Trắng), Phú Yên.
- Tổ sư Toàn Thể, tự Vi Lương, hiệu Linh Nguyên, nối truyền pháp Lâm Tế Chánh tông đời thứ 37, đệ nhị đại trụ trì chùa Từ Quang, Phú Yên.
- Tổ sư Chương Như, hiệu Từ Ý, nối truyền pháp Lâm Tế Chánh tông đời thứ 38, đệ nhị đại trụ trì chùa Thiên Hưng, Ninh Thuận.
- Tổ sư Ấn Chánh, tự Tổ Ý, hiệu Huệ Minh, nối truyền pháp Lâm Tế Chánh tông đời thứ 39, đệ tam đại trụ trì chùa Bảo Sơn, Phú Yên.
- Tổ sư Chân Chánh, tự Đạo Tâm, hiệu Pháp Tạng, nối truyền pháp Lâm Tế Chánh tông đời thứ 40, đệ tứ đại trụ trì chùa Phước Sơn, Phú Yên.
- Tổ sư Như Đắc, tự Giải Tường, hiệu Thiền Phương (1879- 1949), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh tông đời thứ 41, đệ ngũ đại trụ trì chùa Phước Sơn, Phú Yên. Đồng một thế hệ còn có HT Thích Như Tín, HT. Thích Như Điển…
- Tổ sư Thị An, tự Hành Trụ, hiệu Phước Bình (1904-1984), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh tông đời thứ 42, đệ nhị đại trụ trì chùa Đông Hưng, Sài Gòn.
- Hòa Thượng ĐồngTín, tự Thông Nhiệm, hiệu Thiện Quý (1945-2008), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh tông đời thứ 43, đệ tứ đại trụ trì Đông Hưng, VN. Đồng một thế hệ với HT Thích Thiện Quý là: Thượng tọa Đồng Điển, tự Thông Kinh (sinh 1958-?), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh tông đời thứ 43, đệ tam đại trụ trì chùa Đông Hưng, VN. Khai sơn trụ trì chùa Đông Hưng, Hoa Kỳ; Thượng tọa Đồng Thái, tự Thông Luật (sinh 1957), hiệu Thái Luật, nối truyền pháp Lâm Tế Chánh tông, hiện nhiệm trụ trì chùa Từ Phong, VN.
- Đại đức Thích Chúc Đạo, tự Giác Pháp (1972-), nối truyền pháp Lâm Tế Chánh tông đời thứ 44, hiện nhiệm trụ trì chùa Đông Hưng, VN.
Hiện tại, nhiều Tổ đình đã truyền đến chữ Thánh, chữ Thọ theo bài kệ của ngài Minh Hải – Pháp Bảo.
SỰ ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC
Đối với đạo pháp
Cùng theo đoàn người mở mang bờ cõi, khai hoang lập đất, các Tổ sư đưa dòng Chúc Thánh phát triển sâu rộng vào vùng Nam Bộ Việt Nam. Các thiền sư đến các địa phương lập chùa hoằng pháp, với ý chỉ “lấy giới luật làm gốc”. Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo đã khẩn khoản nhắc lại lời dặn dò tha thiết của Đức Thế Tôn: “Sau khi ta diệt độ, các con hãy lấy giới luật làm Thầy…”. Bởi vậy, trong các thế hệ kế thừa, trên con đường hành đạo, các vị hành trì giới luật một cách nghiêm nhặt, trở thành rường cột đạo đức rất tiêu biểu, đặc trưng.
Đối với dân tộc
Ngoài việc phát triển tông môn, trong những lúc dân tộc và đạo pháp lâm nguy các ngài lại tích cực bảo vệ. Có người cho rằng, Phật pháp xưa nay vẫn hiện hữu, làm gì có sanh, diệt, thịnh, suy mà các thầy phải tranh đấu bảo vệ, v.v… Lời lập luận này cũng đúng, nhưng đúng với những ai nhập vào dòng Thánh, thể nhập vào sự vi diệu của chánh pháp. Tuy nhiên, đứng về mặt hiện tướng, chúng ta cần phải có kinh điển, cần phải có chùa chiền, có chư Tăng để hoằng truyền đạo pháp. Vì lẽ đó, trong những khi Phật giáo bị pháp nạn, tất cả chư Tăng đều phải cùng nhau bảo vệ chánh pháp.
Bằng chứng là hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức, an nhiên ngồi trong ngọn lửa để bảo vệ chánh pháp đã đi vào lịch sử và thi ca dân tộc. Sự hy sinh của Ngài thổi bùng ngọn lửa nhiệt huyết đã làm cho cái ác tan chảy, làm cho đạo pháp sớm hồi sinh. Vì vậy, tất cả Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam tán xưng Ngài là hiện thân của Bồ tát.
Tóm lại, kể từ khi Tổ Minh Hải – Pháp Bảo khai tông lập giáo, tính đến nay dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã trải qua hơn 300 năm lịch sử với 12-13 đời truyền thừa. Qua ngần ấy thời gian có mặt trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, các thế hệ Tăng nhân của dòng thiền Chúc Thánh đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của dân tộc và đạo pháp. Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại./
TT. TS. THÍCH NGUYÊN HẠNH
Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN
Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
_Chú thích:
1. “Lược Sử Tổ Sư Minh Hải Pháp Bảo. Sơ Tổ Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh” https://vi.wikipedia.org/wiki/Minh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Đồng Bổn, Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam tập I, NXB Tp.HCM, 1996.
2. Thích Đồng Bổn, Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam tập II, NXB Tôn giáo, 2002.
3. Nguyễn Đại Đồng, PhD Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấn hưng Phật giáo Tư liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938, NXB Tôn giáo, 2008.
4. Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB Tp.HCM, 1995.
5. Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Văn học, 2001.
6. Hòa Ngân, Quảng Nam Xưa Nay (di cảo), NXB Thanh niên, 2004.
7. Chơn Phát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, giáo tài lưu hành nội bộ, 1998.
8. Thích Chơn Phát, Sử liệu Danh Tăng – Tự viện – Thắng cảnh Phật giáo Quảng Nam, Phật học viện Quảng Nam ấn hành, 1970.
9. Thích Như Tịnh, Phổ hệ truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chú Thánh tại Quảng Nam và Đà Nẳng, Lưu hành nội bộ, 2007.
10. Lê Mạnh Thát, Toàn tập Minh Châu Hương Hải, NXB TP. HCM, 2000.
11. Lê Mạnh Thát, Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, NXB TP. HCM, 2005.
12. Mật Thể, Việt Nam Phật giáo Sử Lược, NXB Tôn giáo, 2004.
13. Nguyễn Khắc Thuần, Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập II, NXB Giáo dục, 2001.
14. Thích Giải Nghiêm, Tìm hiểu sự hình thành và phát triển của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam Đà Nẳng, Luận văn tốt nghiệp cử nhân Phật học khóa V (2001-2005) Học viện PGVN tại TP. HCM, 2005.
15. Thích Hạnh Thiện, Thiền sư Minh Hải và Tổ đình Chúc Thánh, Luận văn tốt nghiệp cử nhân Phật học khóa I (1997-2001) Học viện PGVN tại Huế, 2001.