Về dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An (Trần Văn An)

          Trong quá khứ, thương cảng Hội An không chỉ là tụ điểm giao thương buôn bán mang tính quốc tế của Đàng Trong, Việt Nam mà nơi đây còn là cửa ngõ giao lưu – tiếp biến văn hóa, trong đó có văn hóa Phật giáo. Điển hình cho thực tế này là sự ra đời của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.

          Gọi là Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An là nói đến địa điểm khởi phát của dòng thiền này là ở Hội An, chứ theo thông tin, cho đến nay hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ thuộc dòng thiền này đã có mặt ở nhiều địa phương ở miền Trung, miền Nam nước ta và cả nước ngoài tại châu Âu, châu Úc, châu Mỹ… Điều này cho thấy ảnh hưởng rộng lớn của dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh trong đời sống tôn giáo – tín ngưỡng ở Đàng Trong nói riêng, nước ta nói chung.

          Tuy nhiên, nhận thức chung về Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh trước đây vẫn còn nhiều khoảng trống. Trong các công trình khảo cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam trước năm 1975, hầu như chưa có sự ghi nhận về dòng thiền này. Thích Mật Thể trong Việt Nam Phật giáo sử lược, xuất bản lần đầu năm 1943, tái bản có bổ sung năm 2004, chỉ nói đến 2 dòng thiền Lâm Tế ở Đàng Trong là phái Nguyên Thiều và phái Liễu Quán. Phái Lâm Tế Chúc Thánh không thấy đề cập đến trong tài liệu này1. Một công trình lịch sử Phật giáo có uy tín khác là Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, xuất bản lần đầu năm 1974, tái bản năm 2001. Trong tài liệu này khi nói về hành trạng của Thiền sư Nguyên Thiều đã dành một số dòng về Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo: “Tương truyền ông từ Quảng Đông được Nguyên Thiều mời qua Đại Việt trong thời chúa Nguyễn Phúc Trăn và sau khi tham dự giới đàn tại chùa Linh Mụ, ông vào Quảng Nam dựng chùa này (chùa Chúc Thánh). Hai vị đệ tử đầu của ông là Chánh Hiền và Ân Triêm. Chùa Chúc Thánh trở nên là một tùng lâm lớn, từ đây phát sinh ra các chùa Phước Lâm, Vạn Đức cùng một môn phái…”2. So với Mật Thể, Nguyễn Lang đã có bổ sung một ít thông tin liên quan đến dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh nhưng như ta thấy, vẫn còn sơ sài và hạn chế.

          Từ sau năm 1975, nhất là trong vài thập niên gần đây, với việc phát hiện nhiều văn bia, bản in kinh sách và các tài liệu thư tịch khác liên quan đến quá trình phát triển Phật giáo ở Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, với sự nỗ lực của các nhà chuyên môn, nhà khảo cứu trong đó có nhiều người là môn đệ của Phật gia, nhận thức về dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã có những thành tựu mới. Trong số đó có những công trình, bài viết đã được in ấn, công bố, có những công trình còn ở dạng bản thảo. Đáng kể hơn cả trong số này là các công trình Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức, xuất bản năm 1993; Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, xuất bản năm 2008 và Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, xuất bản năm 2009 của Thích Như Tịnh3; Luận án tiến sĩ Phật giáo Quảng Nam thế kỷ XVII-XIX của Lê Xuân Thông năm 2018 (chưa in); các bài viết của Thích Đồng Dưỡng trên các ấn phẩm Phật giáo…

          Nguyễn Hiền Đức trong Lịch sử Phật giáo Đàng Trong đã dành một chương gần 60 trang để nói về Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo và dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Tuy còn một số vấn đề cần tiếp tục làm rõ, nhưng có thể nói đây là sự bổ sung lần đầu, quan trọng và cần thiết trong việc nghiên cứu về Phật giáo ở nước ta nói chung, Đàng Trong nói riêng. Tiến sĩ Lê Xuân Thông, Đại đức Thích Như Tịnh, Thích Đồng Dưỡng cùng một số môn đồ Phật gia đã cung cấp nhiều thông tin mới về quá trình ra đời, phát triển của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, hành trạng của một số Thiền sư trong giai đoạn đầu truyền đạo, khai sơn tự viện, in ấn kinh sách để hoằng dương Phật pháp. Đặc biệt, với sự phát hiện một số văn bia và các bản in kinh sách do các thiền sư Lâm Tế Chúc Thánh thực hiện vào thế kỷ XVIII đã giúp giải đáp nhiều nghi vấn liên quan đến quá trình phát triển của dòng thiền này tại Đàng Trong.

          Có thể kể một số bản in như: [1] Sa Di Luật Nghi yếu lược Tăng chú (1 quyển) do Thiền sư Minh Hải – Đắc Trí khắc in tại chùa Chúc Thánh năm Vĩnh Khánh thứ 4, Nhâm Tý (1732); [2] Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh do Thiền sư Minh Hải trợ lực Thiền sư Thiệt Đàm – Chánh Luân khắc in tại chùa Long Bàn năm Vĩnh Khánh thứ 4, Nhâm Tý (1732); [3] Long Thơ Tịnh Độ (2 quyển), Thiền sư Minh Hải – Đắc Trí trợ lực Thiền sư Thiệt Yên – Chí Bảo khắc in tại chùa Hội Nguyên, năm Cảnh Hưng thứ 7, Bính Dần (1746); [4] Vu Lan Bồn tân sớ do Thiền sư Minh Lượng – Nguyệt Ân in tại chùa Hoằng Truyền Phổ Bảo năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750); [5] Di Đà sớ sao (4 quyển) do Thiền sư Thiệt Yên – Chí Bảo khắc in năm Cảnh Hưng thứ 27, Bính Tuất (1766) tại chùa Bảo Lâm… (Theo Thích Như Tịnh và Thích Đồng Dưỡng).

          Dựa vào các phát hiện này, có thể xác định một số thông tin mà trước đây còn nhiều ý kiến chưa thống nhất:

          1/ Thiền sư Nguyên Thiều đặt chân đến Đàng Trong năm 1677 thay vì 1665 như các nhà nghiên cứu trước đây đã khẳng định. Ông sinh năm 1648 mất năm 1728, tại thế 81 năm4. Nguyên Thiều thuộc tông Lâm Tế đời thứ 33.

          2/ Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo, tông Lâm Tế đời thứ 34, sinh năm 1670, mất năm 1746, đã khai sơn Tổ đình Chúc Thánh ở Hội An vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII và biệt xuất bài kệ truyền thừa phái Lâm Tế Chúc Thánh truyền lại cho đến ngày nay.

          3/ Thiền sư Minh Lượng – Thành Đẳng, sinh năm 1686, mất năm 1769, là đệ tử đắc pháp của Thiền sư Nguyên Thiều. Minh Lượng đã khai sơn chùa Cây Cau (sau đổi tên là Vạn Đức) và đầu thế kỷ XVIII, truyền được một đời sau đó vân du hành hóa nhiều nơi.

          4/ Thiền sư Minh Hải, Minh Lượng và nhiều đệ tử trực hệ đời sau đã có những đóng góp trong việc truyền thừa kế thế, khai sơn lập tự, tổ chức giới đàn, in ấn kinh sách để hoằng dương Phật pháp, phát triển dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh ở Đàng Trong. Trong số đó, có những vị là danh tăng và để lại dấu ấn rõ nét trên chặng đường phát triển Phật giáo ở Đàng Trong từ thế kỷ XVIII cho đến nay5.

          5/ Về đệ tử nối pháp đời thứ 35 sau Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo đến nay có thể xác định các vị: 1/ Thiệt Dinh – Chánh Hiển, khai sơn chùa Phước Lâm; 2/ Thiệt Diệu – Chánh Hiền, trụ trì chùa Chúc Thánh (hiện còn tháp mộ); 3/ Thiệt Thọ – Chánh Hóa, trụ trì chùa Chúc Thánh sau Thiệt Diệu – Chánh Hiền (hiện còn tháp mộ); 4/ Thiệt Yên – Chánh Thông – Chí Bảo6, khai sơn chùa Bảo Lâm Quảng Ngãi, trụ trì chùa Hội Nguyên Hội An; 5/ Thiệt Úy – Chánh Thành – Khánh Vân, trụ trì chùa Thiên Ấn Quảng Ngãi; 6/ Thiệt Thuận – Chánh Mang – Huệ Trương, khai sơn chùa Linh Sơn Bình Định; 7/ Thiệt Đăng – Chánh Trí – Bửu Quang, khai sơn chùa Sơn Long Bình Định; 8/ Thiệt Bảo – Cảm Ứng, khai sơn chùa Tập Phước Gia Định7; 9/ Thiệt Mẫn – Chánh Dung, theo bảng ghi pháp danh các đời truyền thừa tại chùa Chúc Thánh8; 10/ Thiệt Lương khai sơn chùa Thiên Đức (chùa và mộ hiện cách chùa Chúc Thánh khoảng 200m). Tại khối phố Xuân Lâm, phường Cẩm Phô, Hội An, chúng tôi tìm thấy một ngôi mộ vôi có bia hình bán nguyệt rất đẹp. Lòng bia ghi: 大 越 圓 寂 實 日 陳 氏 墓. (Phiên âm là: Đại Việt, Viên tịch Thiệt Nhật Trần thị mộ). Bia lập năm Tân Mùi (1751?). Có thể đây là mộ một đệ tử của Minh Hải – Pháp Bảo, họ Trần, người Việt, pháp danh là Thiệt Nhật. Như vậy, cùng với những đệ tử là người Trung Hoa, Minh Hải – Pháp Bảo cũng đã thâu nhận, truyền pháp cho nhiều đệ tử người Việt, trước mắt có thể xác định đó là Thiệt Dinh – Ân Triêm và Thiệt Nhật. Điều này, cho thấy sự giao lưu tiếp biến rộng rãi, mạnh mẽ giữa truyền thống Phật giáo có màu sắc Nam Trung Hoa với truyền thống Phật giáo bản địa của người Việt ngay từ thế kỷ XVII-XVIII.

          Tuy còn nhiều thông tin phải bổ khuyết nhưng qua các nguồn tư liệu thư tịch đã có và qua thực tế phát triển của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh ở Đàng Trong, Việt Nam, gần đây là ở cả nước ngoài cho thấy ảnh hưởng và sức lan tỏa mạnh mẽ của dòng thiền này trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân địa phương. Qua quá trình truyền thừa kế thế từ Tổ sư Minh Hải – Pháp Bảo, Minh Lượng – Thành Đẳng trở về sau, những tư tưởng Phật giáo mang tinh thần hộ quốc an dân “Chúc Thánh thọ thiên cữu, Kỳ quốc tộ địa trường” của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã cắm rễ vững chắc và toả rộng khắp Đàng Trong, Việt Nam. Quá trình này cũng là quá trình giao lưu, tiếp biến và hòa nhập sâu sắc giữa truyền thống Phật giáo mang màu sắc Nam Trung Hoa với truyền thống Phật giáo bản địa người Việt thể hiện qua tư tưởng truyền đạo, pháp môn tu tập, kinh sách, tổ chức giáo hội, tạo thành một hiện tượng điển hình về giao lưu tiếp biến văn hóa Phật giáo ở Đàng Trong. Và như vậy sẽ rất thiếu sót và hạn chế khi nghiên cứu về lịch sử phát triển Phật giáo ở Đàng Trong nói riêng, Việt Nam nói chung mà không quan tâm đúng mức đến dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Việc tiếp tục khảo sát thực địa, truy tìm tư liệu tại các địa phương ở miền Trung, miền Nam chắc chắn sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn để xác định chính xác, cụ thể quy mô ảnh hưởng và vai trò của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh trong dòng chảy Phật giáo của nước ta.

 

 

_Chú thích:

1. Mật Thể (2004), Việt Nam Phật giáo sử lược, NXB Tôn giáo, Hà Nội.

2. Nguyễn Lang (2001), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Văn học, tr. 594.

3. Nguyễn Hiền Đức (1993), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB TP. Hồ Chí Minh; Thích Như Tịnh (2008), Hành Trạng chư Thiền đức xứ Quảng, NXB Tôn giáo, Hà Nội; Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.

4. Căn cứ vào văn bia ở chùa Quốc Ân lập năm 1729 do chúa Nguyễn Phúc Chú ngự bút để tán dương công đức của Thiền sư Nguyên Thiều, trong đó cho biết Thiền sư sinh năm Mậu Tý, mất năm Mậu Thân, pháp lạp 81 tuổi và “kể từ lúc dong thuyền đến bờ cõi nước ta đã trải năm mươi năm rồi”. Xem Tuyển dịch Văn bia chùa Huế, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển Thừa Thiên – Huế, số 1 – 2/2005, tr. 65-72.

5. Có thể kể đến một số Thiền sư: Minh Hải Pháp Bảo, Minh Lượng Thành Đẳng, Thiệt Dinh Ân Triêm, Thiệt Yên Chí Bảo, Thiệt Đàm Chánh Luân, Thiệt Diệu Chánh Hiền, Pháp Kiêm Minh Giác, Pháp Chuyên

Diệu Nghiêm, Pháp Ấn Quảng Độ, Toàn Nhâm Quán Thông, Toàn Đức Hoằng Tông, Ấn Bổn Vĩnh Gia…

6. Trong Long Thơ Tịnh Độ ghi là Trí Bảo (..)

7. Theo Thích Như Tịnh, Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, Sđd, tr. 15.

8. Nguyễn Hiền Đức, Sđd , trang 9. Ngoài ra, Nguyễn Hiền Đức còn cho rằng Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo có thời gian rời chùa Chúc Thánh vào Quảng Ngãi lập chùa Thiên Ấn để ẩn tu, đổi pháp danh là Pháp Hóa và liệt kê 4 đệ tử nổi danh là Thiệt Dinh Chánh Hiền, Thiệt Uy Khánh Vân, Thiệt Hội Viên Quang, Thiệt Quảng Cảm Ứng, (Sđd, tr.7). Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.