Chính trị và tôn giáo có mối tương quan tương duyên mật thiết nhau, nếu cả hai vận dụng linh hoạt những ưu việt của mình, chắc rằng sẽ đem đến cho đất nước, dân tộc sự phồn vinh về vật chất, sự nhân văn về tình người và sự bình an về tâm thức.
Đứng trước thời cuộc biến động ở miền Nam năm 1963, Phật giáo bị đàn áp nghiêm trọng, với vai trò là một tăng sĩ, Sa môn Thích Liễu Minh thuộc dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh, đời thứ 9, pháp danh: Thị Huyền, pháp tự: Liễu Minh, pháp hiệu: Trí Hải, Ngài đã vận dụng “tâm nhẫn – lực bền – trí sáng” để viết “Tâm thư” gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm – một chế độ độc tài gia đình trị, muốn áp chế từ chính trị đến tôn giáo một cách triệt để.
Giai đoạn này, Phật giáo miền Nam đã xuất hiện không ít các bậc kỳ túc cao tăng, những Phật tử trung kiên với đạo, đứng lên đấu tranh thông qua nhiều hình thức “đấu tranh công khai, tuyệt thực, biểu tình bất bạo động, tự thiêu, mổ bụng” như: Bồ tát Thích Quảng Đức, một số Tăng, Ni, Phật tử đã tự thiêu tình nguyện làm ngọn đuốc sống soi sáng hệ tư duy thiển cận, thiên kiến về tôn giáo. Hàng loạt các Tăng sĩ viết tâm thư gửi Tổng thống Ngô Đình Diệm, thể hiện thiện chí được tự do tôn giáo. Trong đó, “Dũng – trí” tâm thư – thể hiện được “tâm nhẫn – lực bền – trí sáng” của Sa môn Thích Liễu Minh – Giảng sư, Phát ngôn viên của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam1 được đăng trên báo Miền Nam – Tiếng nói của Nhân dân miền Nam, trang số 4, tâm thư ấn ký vào ngày 06 tháng 6 năm 1963. Nội dung thể hiện hai điểm chính: Thứ nhất, thiện chí nhu nhuyến đòi quyền tự do tôn giáo; Thứ hai, xác quyết hùng hồn về một tôn giáo xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội.
Thiện chí nhu nhuyến đòi quyền tự do tôn giáo
Tôn giáo làđời sống tinh thần không thể thiếu, cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, đây là một nhu cầu tâm linh, đem lại sự bình yên cho cuộc sống con người. Bản nguyên mỗi tôn giáo đều hàm chứa những giá trị tinh hoa về nhân văn, thể hiện trọn vẹn ý nghĩa “Chân – Thiện – Mỹ”, các học thuyết cũng lấy làm nền tảng để xây dựng giềng mối đạo đức xã hội.
Trong cuộc sống, mỗi người đều có chí hướng khác nhau và có nhân duyên riêng biệt đến với đạo, nhưng tất cả các tôn giáo đều muốn con người hướng thiện đem đến an lạc hạnh phúc, vậy tại sao phải làm tổn thương nhau? Phật giáo luôn chan hòa với tất cả chúng sanh, không oán ghét, hận thù hay bài xích bất kỳ tôn giáo nào, mục đích duy nhất là chuyển hóa khổ đau của con người bằng nền tảng đạo đức dựa trên những lời dạy thiết thực của Đức Phật.
Tâm thư của Sa môn Thích Liễu Minh đã thể hiện rõ sự nhu nhuyến của người đệ tử Phật hành xử đối với một chế độ độc tài, kỳ thị đã và đang có những hành động “bất chấp mọi điều kiện lịch sử và tâm lý dân tộc, Mỹ – Diệm đã có nhiều cố gắng theo hướng “công giáo hóa” nhân dân ta, biến Thiên Chúa giáo thành quốc giáo ở miền Nam”2. Với tâm nhẫn và trí sáng đã nêu cao tinh thần “nhu nhuyến bất bạo động” của Phật giáo: “Phật giáo là với tất cả ý nghĩa của Phật giáo. Người tu trong Phật giáo là người xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Đường lối cứu quốc, kiến quốc quyết không phải gươm súng là phương tiện mà là “chuyển hóa kẻ thù nên người thân”, bởi ý hướng cao đẹp ấy, đã không thừa nhận sự thành công trên xương máu trăm họ, sự vinh quang trên oán thán của con người, và sự đắc thắng trên oai quyền ép chế… người Phật tử Việt Nam, tuy bị đàn áp đủ cách, nhưng họ vẫn sống mạnh trong lời vàng Phật dạy… luôn luôn yêu chuộng hòa bình”3.
Trong lịch sử nước ta, kể từ thời Lý, Trần, Phật giáo được sự bảo hộ mật thiết của vua quan nhưng Phật giáo luôn dung hòa, đồng nguyên, tìm ra những giá trị chung để đồng hành cùng dân tộc.
Vì thế, Tâm thư của Sa môn Thích Liễu Minh chỉ yêu cầu người đứng đầu – Tổng thống Ngô Đình Diệm, hãy bình tâm và đủ sáng suốt để giải quyết nhu cầu tâm linh chính đáng của tín đồ Phật giáo và đây cũng là cách làm an lòng dân, tôn trọng những giá trị tôn giáo truyền thống dân tộc, vì: “Năm nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam là xác đáng, là cần thiết, là điều không thể phủ nhận. Mong Tổng thống chấp nhận kịp thời để cho quốc dân được an lòng, vận mệnh nước nhà được vững chắc, Phật tử Việt Nam khỏi hồi hộp suốt canh trường, vì sợ rằng rồi đây và mai mốt sau một số người nào đó cứ lợi dụng công quyền đàn áp, giết hại Phật giáo bằng nhiều hình thức, kế hoạch thảm khốc như vụ chôn sống Phật tử Ngô Chuyên, Đỗ Thẫm, Phú Yên năm 1961, do chính quyền địa phương gây nên chỉ vì tội theo Phật giáo, hồ sơ đã gửi Tổng thống rồi mà không một lần giải quyết nào cả. Bức tâm thư của Thượng tọa Thích Tâm Châu, Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam gởi Phật tử Việt Nam, đề ngày 9 tháng 5 năm 1963, Tổng thống đã thấy những đau khổ của chúng tôi qua bức tâm thư ấy”4.
Tinh thần từ bi và hành xử nhu nhuyến nhưng không nhu nhược, ẩn chứa bên trong là nguồn đại hùng, đại lực đầy trí tuệ của người đệ tử Phật, đã nêu rõ sự sáng suốt của toàn quân dân trước chế độ độc tài vô nhân đạo: “Hãy ngoái lại xem coi, có phải khắp bình diện Việt Nam, từ tướng lĩnh cho tới thường binh trên tám mươi phần trăm là Phật tử, ngày đêm phơi thây trên gươm súng để làm gì – để phụng sự một chế độ thối nát, một chính phủ không có hồn chăng? Không, quyết là không, không ai khờ đến thế. Thế mà tôn giáo họ bị chà đạp, thủy tổ của họ bị oan khiên, lư hương ông bà bị hăm dọa, anh em ruột thịt của họ bị vu khống bị tàn sát, v.v… họ vẫn gắng chờ sự bình tĩnh của Tổng thống thật là họ tu, tu, tu quá rồi đấy”5.
Ba chữ “tu” được lặp lại như một hồi chuông thức tỉnh cho một chế độ độc tài, kỳ thị, chỉ biết một mà không biết mười, chỉ biết ngọn đèn nhà sáng nhất còn đèn nhà bên cạnh không tỏ bằng, không chịu tận dụng kết hợp các ngọn đèn để cùng soi sáng cả bầu trời. Chữ “tu” ấy cũng thể hiện được tinh thần huyết mạch “bất bạo động” của Phật giáo, tinh thần ấy mang nhiều ý nghĩa tích cực, lan tỏa sự cộng cảm rất lớn đến tín đồ Phật giáo. Từ đó, thông điệp “bất bạo động” trở thành chất xúc tác cho khối hòa hợp toàn dân tộc, đồng thời là viên gạch kiên cố xây dựng nền hòa bình cho nhân loại.
Tư tưởng bất bạo động được nêu cao trong Bản Tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam ngày 10/5/1963: Cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ được thực hiện theo đường lối bất bạo động. “Chúng tôi phải thể hiện tư tưởng Phật giáo ngay trong công cuộc tranh đấu của chúng tôi. Vì lý do đó, chúng tôi chấp nhận một sự hy sinh đến tột độ và lấy sự hy sinh ấy làm sức mạnh để rung chuyển tận lòng người chứ không phải rung chuyển chính sách mà thôi. Ngay từ bây giờ, chúng tôi có thể tuyên bố minh bạch rằng những người tăng sĩ của Phật giáo là những người sẵn sàng noi theo gương Gandhi – vị thánh của sức mạnh bất bạo động, chúng tôi lại xác định thêm: với phương pháp bất bạo động, chúng tôi sẽ tranh đấu trong phạm vi hợp pháp được ngần nào tốt ngần đó”6.
Với những lời nói và hành động thiết thực của Phật giáo, thật sự đã lung lay hệ thống gia đình trị và rung động đến triệu triệu trái tim trên khắp thế giới.
Gia đình trị họ Ngô gieo nhân nhưng chưa thấy quả, Tâm thư của sa môn Thích Liễu Minh đã gợi mở cho thấy hậu quả kinh hoàng nếu như ông vẫn tiếp tục thực thi chính sách đàn áp và triệt tiêu Phật giáo, thì tình hình càng trở nên căng thẳng hơn: “Chắc Tổng thống còn nhớ những trái bom ở dinh Độc Lập thuở nọ? Những cuộc đảo chính thủ đô thuở kia? Phải chăng đó là phản ánh sự phẫn uất của quân nhân hay là sự cảnh cáo cùng Tổng thống, về chế độ độc tài, một số người siểm nịnh của Tổng thống, tôi xác nhận và Tổng thống cũng thấy rõ là việc trên, tuy thế nhưng không phải người Phật giáo làm, mà Phật giáo còn đương ủng hộ Tổng thống. Còn nếu không ủng hộ Tổng thống, thì có lẽ đã xảy ra những sự nguy ngập trong nước có thể tương tự như những trận thánh chiến ở Âu Châu hồi thời trung cổ vậy”7.
Niềm tin tôn giáo của con người luôn là một ẩn số, nó có uy lực rất lớn mà không một thế lực nào có thể tiêu diệt được. Đất nước ta, không có ý thức hệ tôn giáo độc tôn, mà tất cả tôn giáo đều đóng vai trò, chức năng như nhau trước pháp luật, không nên vì bất kỳ lý do gì mà đàn áp Phật giáo, một tôn giáo đã ăn sâu vào huyết mạch dân tộc cả ngàn năm qua.
Xác quyết hùng hồn về một tôn giáo xây dựng nền tảng đạo đức cho xã hội
Sự tồn tại của Phật giáo tại đất nước Việt Nam là nhu cầu không thể thiếu, là nếp sống đạo đức, nền tảng luân lý của xã hội, Ngài khẳng khái: “Công minh xét lại thì năm nguyện vọng ấy là bảo vệ nền đạo đức thành thực cho nhân sinh, tôn trọng quyền sống, tín ngưỡng và quốc hồn, quốc túy của dân tộc, là điều mà các nhà ái quốc hằng mong, mà việc chấp thuận ấy đối với Tổng thống là việc hết sức dễ dàng mà lợi ích cho Tổng thống, cho quốc dân biết mấy”8.
Phật giáo du nhập vào bất kỳ quốc gia nào đều tích cực phát huy bốn đặc tính “Giáo, Cơ, Thời, Quốc” tinh thần ấy được Tổ Tổ tương truyền, Sư Sư tương thọ và vận dụng một cách linh động đúng pháp, với mục đích giúp con người chuyển hóa nỗi khổ niềm đau được an lạc giải thoát: “Nền đạo đức Phật Đà, tuy siêu việt vô biên trùm cả trăm ngàn môn học, song thực tế đã ích nước, lợi dân, suốt bao nhiêu thế kỷ, đã làm cho dân tộc Việt Nam nói riêng, đủ cương cường trí đức tranh đấu bảo vệ lẽ sống tồn, đã bao lần xưng hùng với nước mạnh, đã bao lần hiển hách trước xâm lăng, Phật giáo trong thời kỳ quốc giáo, gắn liền với sinh hoạt dân tộc, đã đem lại những gì cho toàn dân, sử sách đã ghi rõ ràng”9.
Là người đệ tử Phật, ai cũng hiểu rõ vạn vật tồn tại trong quy luật “duyên sinh” nên đều tương quan tương duyên nhau. Mọi sinh hoạt xã hội đều tương tác lẫn nhau từ vật chất cho đến tinh thần, nên xã hội chỉ có thể tiến bộ nếu nhận thức về tôn giáo có tiến bộ, những nhận thức cố chấp về tôn giáo sẽ kìm hãm bước tiến bộ của con người. Tiến trình phát triển ấy, không vì bất kỳ cá nhân hay chế độ nào có thể ngăn cản, cho dù đó là chủ một đất nước: “Tổng thống không tin tưởng Phật giáo trong việc kiến quốc, cứu quốc và có nhiều bằng chứng là chính phủ suốt một năm qua cố ý tiêu diệt Phật giáo một cách ngấm ngầm tế nhị và tàn khốc. Nhưng Tổng thống tin tưởng hay không, phủ nhận hay công nhận, tiêu diệt hay trừng trị đó là quyền cá nhân Tổng thống, nghĩa là không phải của toàn dân, và tôi nhớ có lần Tổng thống đã tự nhận rằng Tổng thống là “công bộc” của toàn dân”10.
Bản thân chế độ, người đứng đầu là ông Diệm không mở được tâm để dung chứa các tôn giáo thì nói đến việc trị nước an dân là điều phù phiếm. Trong khi Phật giáo đã gắn bó với dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, nhưng lại bị gò ép, đàn áp, kinh sách bị kiểm duyệt gắt gao, báo chí Phật giáo không được vận hành trong suốt 10 năm, chùa chiền bị tách biệt ra khỏi khu ấp chiến lược nhằm mục đích cách ly tín đồ Phật giáo với các cơ sở thờ tự. Giáo sư Sử học Randy Roberts nhận xét: “Cái gọi là Chương trình Ấp Chiến lược thực chất là lùa nông dân Việt Nam ra khỏi làng quê tổ tiên của họ và nhốt họ trong những khu đất rào quanh chắc chắn giống như một nhà tù hơn là các cộng đồng thật sự”11.
Chính quyền Diệm vẫn biết chính sách ấp chiến lược tuy là thượng sách cho mưu đồ tách rời người dân và quân du kích, tín đồ và cơ sở thờ tự. Mặc dù chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn biết “ấp chiến lược kiên cố nhất là ấp chiến lược trong lòng người”12, không giải quyết được vấn đề nhân tâm, thì có áp dụng bất kỳ chính sách nào cũng không thuyết phục. Tâm thư của Sa môn Thích Liễu Minh, nhấn mạnh: “ấp chiến lược kiên cố nhất trong lòng người, phải chăng là những thỏa mãn nguyện vọng của quốc dân và tôn giáo, chớ đâu phải ấp chiến lược là dây chì thành quách, nếu không được lòng dân mà tin nơi ấp chiến lược thì chỉ là việc Phù Sai nhốt Câu Tiễn thuở xưa và là mẻ chôn sống dân làng mà thôi”13.
Vì thế, việc đáp ứng nguyện vọng tự do tôn giáo của cộng đồng Phật giáo là nhu cầu cấp thiết, bởi “hiện thời hoàn cảnh đã thúc Phật giáo vào thế vùng lên xin lẽ sống”14.
Sa môn Thích Liễu Minh đã thông qua những lời lẽ thiện xảo chứa đựng tinh thần “bi – dũng – trí”, yêu cầu chính quyền Ngô Đình Diệm cần nhìn thấu được sự đa dạng về sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và tôn trọng bản sắc riêng của mỗi tộc người, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mỗi người dân, đối xử bình đẳng giữa các tôn giáo.
Đồng thời, các tôn giáo cần phải tăng cường đối thoại để tìm ra những điểm tương đồng, dị biệt cùng chung tay góp sức tạo nền tảng đạo đức, nếp sống công bằng và chan hòa tình thương đến các nhóm xã hội, như những phương châm tích cực mà Giáo hội các tôn giáo đương thời đưa ra: Công giáo: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”; Tin Lành: “Sống phúc âm phụng sự Thiên chúa”; Cao Đài: “Nước vinh Đạo sáng”; Phật giáo Việt Nam: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Vì rằng, tôn giáo là nền tảng, là yếu tố quan trọng của đoàn kết xã hội; chính trị là tòa nhà kiên cố với đầy đủ hệ thống tổ chức, được vận hành theo đường lối chính sách. Chính trị và tôn giáo không thể phân ly, sự hùng cường của một quốc gia là thế mạnh cho tôn giáo phát triển, ngược lại tôn giáo là bệ đỡ vững chắc cho chính trị vận hành. Vì thế, chính trị và tôn giáo có mối tương quan tương duyên mật thiết nhau, nếu cả hai vận dụng linh hoạt những ưu việt của mình, chắc rằng sẽ đem đến cho đất nước, dân tộc sự phồn vinh về vật chất, sự nhân văn về tình người và sự bình an về tâm thức.
Nhân Hội thảo khoa học “Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh – Lịch sử hình thành và phát trển”, chúng tôi nhắc lại bức Tâm thư của Sa môn Thích Liễu Minh, đệ tử đời thứ 9 Thiền phái Chúc Thánh, nhằm tưởng niệm Ngài và cũng nhằm ôn lại lời dạy của Sơ Tổ Minh Hải – Pháp Bảo, người xuất kệ truyền thừa dòng thiền Chúc Thánh trên đất Đại Việt: “Cầu Thánh quân muôn tuổi/ Chúc đất nước vững bền”./
THÍCH NỮ VIÊN GIÁC
_Chú thích:
1. Trí Không (2012), Vĩnh Long Phật giáo sử lược, Nxb.Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 478
2. Viện Sử học (1995), Lịch sử Việt Nam (1954-1965), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 174.
3. Sa môn Thích Liễu Minh (2013), “Bức thơ của TT. Thích Liễu Minh gởi Ngô Đình Diệm giữa thời kỳ Phật giáo lâm đại nạn”, Liễu Minh yếu lục, Lưu hành nội bộ, tr. 15.
4. Sa môn Thích Liễu Minh (2013), sđd, tr.11.
5. Sa môn Thích Liễu Minh (2013), sđd, tr.16.
6. Lê Cung (2003), Phong trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 229.
7. Sa môn Thích Liễu Minh (2013), sđd, tr.16-17
8. Sa môn Thích Liễu Minh (2013), sđd, tr. 12.
9. Sa môn Thích Liễu Minh (2013), sđd, tr.20
10. Sa môn Thích Liễu Minh (2013), sđd, tr. 14-15.
11. James S.Olson & Randy Roberts (1999), Wherw The Domino Fell – American and Vietnam 1945-1995, Brandywine Press, New York, tr. 98
12. Sa môn Thích Liễu Minh (2013), sđd, tr. 12.
13. Sa môn Thích Liễu Minh (2013), sđd, tr.13.
14. Sa môn Thích Liễu Minh (2013), Sđd, tr.21
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Lê Cung (2003), Phong trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
2- Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tập I (1920-1970), Viện Hóa Đạo, xuất bản Tổng Vụ Tài chánh, Sài Gòn.
3- Viện Sử học (1995), Lịch sử Việt Nam (1954-1965), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
4- Trí Không (2012), Vĩnh Long Phật giáo sử lược, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
5- Sa môn Thích Liễu Minh (2013), “Bức thơ của TT. Thích Liễu Minh gởi Ngô Đình Diệm giữa thời kỳ Phật giáo lâm đại nạn”, Liễu Minh yếu lục, lưu hành nội bộ.
6- Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo Sử luận, Nxb. Văn Học.
7- Chu Bằng Lĩnh (1993), Đảng Cần Lao, Nxb. Mẹ Việt Nam, San Diego, CA, USA.
8- James S.Olson & Randy Roberts (1999), Wherw The Domino Fell – American and Vietnam 1945-1995, Brandywine Press, New York