Tinh thần tu tập Kinh Pháp Hoa của chư vị Danh Tăng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh (Thích Nữ Nguyên Đức)

          Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam rất sớm, nhưng sau đó, do tiếp nhận và chịu ảnh hưởng mạnh của Phật giáo Bắc truyền1, nên Phật giáo Việt Nam đã mang đậm màu sắc của Phật giáo Đại thừa. Chính vì vậy, Tăng sĩ hệ phái Bắc tông Việt Nam đã tiếp cận sớm với nhiều kinh điển Đại thừa, trong đó có kinh Pháp Hoa. Vì do hai nhu cầu căn bản là tu học và hoằng pháp độ sinh, nên kinh Pháp Hoa là một bộ kinh không thể thiếu trong kho tàng kinh điển Phật giáo Việt Nam, cũng là một bộ kinh quan trọng đối với Tăng sĩ hệ phái Bắc tông nói chung và Tăng sĩ thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng. Vì vậy, Hòa thượng Từ Thông có nói: “Ở Việt Nam khắp tòng lâm, tự viện, am thất chỗ nào không có kinh Pháp Hoa gần như chỗ đó được xem như thiếu Phật”2.

          Sự xuất hiện của Kinh Pháp Hoa

          Do sự hình thành và phát triển của Phật giáo Đại thừa, nên kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh được xuất hiện khá sớm. Hòa thượng Chơn Thiện cho rằng: “Pháp Hoa ra đời sớm nhất là vào thế kỷ thứ nhất Tây lịch”3.

          Thông qua những giáo lý được diễn giải trong kinh Pháp Hoa dưới đây, thì tôi cho rằng suy đoán của Hòa thượng Chơn Thiện cũng tương đối hợp lý.

          Một, chúng ta phân tích một số nội dung, ví dụ ba xe của phẩm Phương tiện và ý nghĩa của phẩm Hóa thành dụ,… chúng ta thấy được đức Phật giảng pháp với mục đích là hướng dẫn chúng sanh đạt được Phật quả, đây là quả vị cứu cánh giải thoát mà tất cả chúng sanh cũng giống như chư Phật, đều có thể đạt được giống nhau không khác. Nhưng vì căn tánh và nhận thức của chúng sanh thấp kém, nên Ngài phương tiện nói pháp Tiểu thừa và sự khéo dùng những hình ảnh ví dụ, vì quả vị tu của Tiểu thừa đạt được không phải là cứu cánh giải thoát, chỉ là những nấc thang để bước lên quả vị cứu cánh của Đại thừa, nên cần phải nỗ lực tu tiếp giáo lý Phật thừa để đạt được Phật quả, như trong phần Trường hàng của phẩm Thí dụ, có ghi: “Chúng ta đồng vào pháp tánh, tại sao đức Như Lai lại dung pháp Tiểu thừa mà tế độ cho? Đó là lỗi của chúng con chớ chẳng phải là Thế Tôn vậy. Vì sao?… Chúng con chẳng hiểu Phật phương tiện theo cơ nghi mà nói pháp, vừa mới nghe Phật nói pháp vội tin nhận suy gẫm để chứng lấy”4.

          Hai, trong kinh Pháp Hoa có tư tưởng quan trọng là “Hội Tam Quy Nhất”. Qua đây, chúng ta có thể thấy được kinh Pháp Hoa hình thành là giai đoạn Phật giáo Tiểu thừa tiến lên Đại thừa, cũng là giai đoạn đầu của Phật giáo Đại thừa.

          Ba, “Ở Ấn Độ cổ đại, việc điêu khắc, đắp vẽ tượng Phật bị xem là việc xúc phạm thần thánh, nên chỉ vẽ các hình ảnh tượng trưng như pháp luân, cội bồ đề, dấu chân Phật. Về sau, Đại thừa giáo phát triển, kinh điển mới nói nhiều đến nhân duyên công đức của việc tạo tượng. Việc đắp tạo và điêu khắc tượng Phật đến thế kỷ I mới bắt đầu thịnh hành”5.

          Trong phẩm Phương tiện thì có nhắc đến sự phát tâm tạo tượng Phật cúng bái như:

          “Nếu như người vì Phật. Xây dựng các hình tượng.

          Chạm trổ thành các tướng. Đều đã thành Phật đạo.

          Hoặc dùng bảy báu làm. Thau, đồng bạch, đồng đỏ.

          Chất nhôm cùng chì kẽm. Sắt, gỗ cùng với bùn.

          Hoặc dùng keo, sơn, vải. Nghiêm sức làm tượng Phật.

          Những người như thế đó. Đều đã thành Phật đạo”6.

          Căn cứ vào “Kinh Phật thuyết Đại thừa công đức tạo tượng”, vua Ưu Đà Diên đã thể hiện sự tôn kính đối với đức Thế Tôn, qua sự phát tâm tìm người dùng gỗ chiên đàn tạo ra hình tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni. “Với bàn tay tuyệt xảo và siêng năng làm việc của người thợ mộc (chư thiên – Tỳ Thủ Yết Ma) chỉ trong một ngày là xong tượng Phật ngồi kiết già cao bảy thước, mặt và tay chân đều màu vàng tía”7. Qua mỗi giai đoạn với sự phát triển của Phật giáo đã dẫn đến Nghệ thuật Phật giáo đều có sự thay đổi khác nhau. Vì thế, khi Phật giáo Đại thừa hình thành và phát triển, bên cạnh nhờ sự tiến bộ của xã hội, kỹ thuật đã dẫn đến tôn tạo hình tượng Phật với vật liệu khác nhau cũng theo đó mà phát triển, cho nên nội dung trong kinh Pháp Hoa nói công đức của tạo tượng, đồng thời nói lên việc sử dụng nhiều chất liệu khác nhau lại chế tạo tượng.

          Từ đây, chúng ta không chỉ nhận định với sự phát triển của Đại thừa Phật giáo, nên mới có sự chú trọng tạo tượng, mà là kinh Pháp Hoa có thể xuất hiện từ trước đó.

          Quá trình phát triển của kinh Pháp Hoa

          Kinh Pháp Hoa đóng vai trò quan trọng đối với Phật giáo của một số nước có tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Vì vậy, kinh Pháp Hoa đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, như: Hán, Tây Tạng, Anh, Nhật, Việt Nam…

          – Tại Trung Quốc: Có nhiều danh tăng Ấn Độ và Trung Hoa đã dịch kinh Pháp Hoa từ tiếng Phạn sang tiếng Hán từ rất sớm. Những bộ kinh Pháp Hoa được dịch ra tiếng Hán8 như:

          1. Tát Vân Phần Đà Lỵ Kinh (6 quyển), ngài Pháp Hộ dịch phần đầu, đời Tây Tấn (265 TL), bản dịch này đã mất.

          2. Chánh Pháp Hoa (10 quyển), cũng do ngài Pháp Hộ dịch, đời Tây Tấn (286 TL), bản dịch này còn được lưu giữ trong Đại Chánh Tạng (quyển 9).

          3. Phương Đẳng Pháp Hoa Kinh (5 quyển), ngài Chi Đạo Căn dịch, đời Đông Tấn (335 TL), bản dịch này đã mất.

          4. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (7 quyển)9, ngài Cưu Ma La Thập dịch đời Hậu Tần.

          5. Thêm Phẩm Pháp Hoa Kinh do Pháp sư Đô Na Khuất Đa và Đạt Ma Cấp Đa.

          – Tại Việt Nam: Theo căn cứ tài liệu ghi lại cũng có nhiều danh tăng ngoại quốc đến Việt Nam hoằng truyền kinh Pháp Hoa. Trong suốt chiều dài lịch sử của Phật giáoViệt Nam, đều có rất nhiều Tăng sĩ Việt Nam tu tập kinh Pháp Hoa, đặc biệt vào thế kỷ XX thì ở Việt Nam có những vị Hòa thượng và Ni trưởng phát tâm phiên dịch Kinh Pháp Hoa ra tiếng Việt để hoằng truyền như Hòa thượng Thích Trí Tịnh (dịch 1948), Hòa thượng Thích Trí Quang (dịch 1998), Ni trưởng Thích Thể Quán, Thượng tọa Thích Huệ Hải, v.v.

          Đặc biệt, với tinh thần hoằng truyền kinh Pháp Hoa của các Tăng sĩ Việt Nam là đã khéo léo chọn lọc và kết hợp những nội dung có ý nghĩa của sự thành tựu trong sự tu tập theo tinh thần của kinh Pháp Hoa như trong bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, thì sau mỗi quyển, Hòa thượng đã trích dẫn câu chuyện tu tập kinh Pháp Hoa công đức10. Bên cạnh đó, đặc biệt là phẩm Phổ Môn trong quyển kinh Nhật tụng thì có 12 điều nguyện của Bồ tát Quan Âm11.

          Tinh thần tu tập, giảng dạy, trì tụng, viết và lễ lạy kinh Pháp Hoa

          Trong kinh Từ Bi Thủy Sám Pháp, đức Phật nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”12. Tăng Ni Việt Nam nói chung và Tăng sĩ Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh nói riêng, có phước duyên có được pháp bảo, đọc được những lời dạy quý báu của đức Thế Tôn để theo mà tu học, đặc biệt là có nhiều Tăng sĩ Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã phát tâm tu tập theo lời dạy của đức Phật trong kinh Pháp Hoa: “Tất cả pháp của Như-Lai có, tất cả thần lực tự tại của Như-Lai, tất cả tạng bí yếu của Như-Lai, tất cả việc rất sâu của Như-Lai, đều tuyên bài rõ nói trong kinh này, cho nên các ông sau khi Như-Lai diệt độ, phải một lòng thọ trì, đọc tụng giải nói, biên chép, đúng như lời nói mà tu hành…”13.

          Chư vị danh Tăng của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh với tinh thần phát tâm tu tập, chép, lạy và giảng dạy kinh Pháp Hoa như: Thượng tọa Thích Như Hiệp, Thượng tọa Thích Minh Trí và Thượng tọa Thích Như Điển, v.v. là những hình ảnh đẹp, là những tấm gương để cho hàng Tăng sĩ hậu học và Phật tử tại gia học theo.

          Giảng dạy kinh Pháp Hoa

          Cũng giống như các thiền phái khác, danh Tăng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không chỉ nêu cao tinh thần tu tập kinh Pháp Hoa, mà còn chú trọng sự hoằng truyền kinh Pháp Hoa, đem sự hiểu biết của mình chia sẻ với hàng hậu học cũng như Phật tử để có thể liễu ngộ ý nghĩa của kinh Pháp Hoa để tu tập đúng chánh pháp, hành trì kinh Pháp Hoa. Đó là Hòa thượng Thích Thông Bửu. “Diễn giải biên soạn kinh Pháp Hoa, chúng tôi cũng chỉ mơ ước lưỡi mình và quyến thuộc thấm được từng giọt giáo pháp, như người nếm từng giọt nước biển, để thẩm thấu mùi vị mặn của biển cả. Biển cả thuần một vị mặn, giáo pháp thuần một vị giải thoát”14.

          – Hòa thượng Thích Thông Bửu (1936-2007): Hòa thượng thế danh Trần Thượng Hiền, sinh tại xã Xuân Quang 2, tỉnh Phú Yên. Ngài xuất thân trong gia đình nhiều đời thâm tín đạo Phật. Năm 1956, ngài xin song thân cho xuất gia tu hành; ngài đến chùa Long Hà, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân theo hầu Hòa thượng Thích Như Tâm. Đến năm 1957, Ngài vào Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, tìm cầu học hỏi Phật pháp, duyên lành gặp được Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Tổ đình Thiên Bửu Thượng, ngài khẩn cầu xin làm đệ tử và được Hòa thượng hoan hỉ tiếp nhận, thế độ truyền giới Sa di, cho pháp danh Đồng Phước, nối pháp đời thứ 43 Thiền phái LâmTế, thế hệ thứ 10 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

          Năm 1960, Ngài thọ giới Tỳ kheo Bồ tát tại giới đàn chùa Giác Hải. Sau khi bổn sư – Hòa thượng Thích Quảng Đức viên tịch, ngài đã kế nhiệm trụ trì Tổ đình Quán Thế Âm.

          “Để phổ hóa sâu rộng giáo lý đạo Phật vào quần chúng, từ năm 1964-1985, ngài đã tổ chức đạo tràng Diệu Pháp Liên Hoa tại Tổ đình Quán Thế Âm, giảng dạy cho Phật tử, tín đồ nắm rõ phương pháp tu hành. Ngài đã biên soạn nhiều tác phẩm, trong đó có Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Luận (2 tập) và Phổ Môn Giảng Luận”15.

          Hòa thượng được sự truyền dạy của bổn sư, đã thấy được tầm quan trọng của kinh Pháp Hoa đối với tự thân trên con đường tu tập, nên ngài đã phát tâm thọ trì kinh Pháp Hoa hằng ngày, cũng như trên bước đường hành đạo. Hòa thượng đã giảng dạy kinh Pháp Hoa cho tăng ni và mở đạo tràng hướng dẫn Phật tử tu tập kinh Pháp Hoa. “Chúng tôi cũng xin được đón nhận các giới đạo tâm phát nguyện in ấn, đọc tụng, phổ quảng, cúng dường kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa giảng luận, ngày thêm được phần sâu rộng”16.

          Trì tụng kinh Pháp Hoa

          Trong phẩm Pháp Sư của kinh Pháp Hoa có ghi: “DượcVương! Có người đọc tụng kinh Pháp Hoa, phải biết người đó dùng đức trang nghiêm của Phật tự trang nghiêm mình…”17. Tại sao ta phải tụng kinh? Vì muốn tỏ ngộ các lý lẽ sâu xa huyền diệu lời của đức Phật thuyết giảng để mà tu tập theo kiến tạo một đời sống an lạc trong hiện tại, đạt đến quả vị giác ngộ, thì phải trì tụng trong kinh đìển. Dù tại gia hay xuất gia, dù tu tập theo giáo lý tư tưởng Tiểu thừa hay Ðại thừa, thì phương pháp tu hành gồm đủ cả Sự và Lý. Sự lý được viên dung mới có được kết quả tốt đẹp. Vì vậy, chư Tăng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh cũng đã trở thành hành giả Pháp Hoa, trì tụng kinh Pháp Hoa.

          – Hòa thượng Phổ Thoại (1875-1954): Hòa thượng thế danh Nguyễn Văn Thọ, sinh năm 1875, tại xã Cẩm Kim, tỉnh Quảng Nam. Năm 1887, Ngài xuất gia tại Tổ đình Chúc Thánh với Thiền sư Chương Đạo – Quảng Viên và được ban pháp danh Ấn Nghiêm, tự Tổ Thân, hiệu Phổ Thoại, nối pháp đời 39 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 6 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Năm 1893, Ngài thọ Tỳ kheo tại giới đàn chùa Chúc Thánh. Năm 1909, Ngài khai sơn chùa Long Tuyền tại ấp Hậu Xá, xã Thanh Hà. Một đời Ngài nghiêm trì giới luật, thường trì tụng kinh Phạm Võng và kinh Pháp Hoa. Năm 1921, Ngài được cử làm Tri sự Sơn môn Quảng Nam. Và cũng trong năm này, Ngài kiến tạo một ngôi tháp trước chánh điện lấy tên là Đa Bảo tháp. Đây là di tích biểu hiện hạnh tu kinh Pháp Hoa và niệm Phật của Ngài. Hòa thượng viên tịch ngày mồng 9 tháng 4 năm 1954, thọ 80 tuổi.

          Kinh Pháp Hoa là một khu rừng biểu tượng, phải mượn ngôn ngữ để hiểu ý kinh, Hòa thượng đã thể hiện được sự liễu ngộ giáo lý thâm sâu vi diệu, chân lý bất diệt của kinh Pháp Hoa với hình ảnh “Đa Bảo tháp”.

          Lễ lạy kinh Pháp Hoa

          Đạo Phật, lễ lạy cũng là một trong những pháp môn tu tập để phát triển hạnh lành, tiến tu đạo nghiệp, như: kinh Sám Hối Hồng Danh, kinh Phật nói Nghiệp Báo Sai Biệt18, v.v. Trong quá trình tu tập của Tăng sĩ Việt Nam, lễ lạy được xem là nghĩa cử cao đẹp thể hiện tấm lòng tôn kính đối với chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ, v.v. cũng là thể hiện sự biết ơn, nguyện noi theo lời dạy để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ, nên có không ít các Tăng sĩ Thiền phái LâmTế Chúc Thánh đã phát tâm lễ lạy kinh Pháp Hoa như Hòa thượng Thích Như Thọ (1930-)19, Hòa thượng Thích Hạnh Lạc (1946-)20 và Hòa thượng Thích Như Điển (1949-), v.v.

          – Hòa thượng Thích Như Điển (1949-): Hòa thượng thế danh Lê Cường, sinh năm 1949, tại làng Xuyên Mỹ, tỉnh Quảng Nam. Năm 1964, Ngài xuất gia với Hòa thượng Chơn Ngọc – Long Trí, tại chùa Viên Giác, Hội An, Quảng Nam và được bổn sư ban pháp danh Như Điển, tự Giải Minh, hiệu Trí Tâm, nối pháp đời 41 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 8 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Năm 1971, Hòa thượng thọ Tỳ kheo giới. Năm 1972, Ngài du học tại Nhật và năm 1977 sang hành đạo tại Đức. Năm 1978, Ngài khai sơn chùa Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc.

          Từ năm 1984 đến năm 2019, vào mỗi mùa An cư kiết hạ, trong thời kinh tối, Hòa thượng phát nguyện lạy kinh theo kiểu “Nhất tự nhất bái”. Lần lượt, các bộ kinh mà Ngài lạy là: kinh Pháp Hoa, kinh Tam Thiên Phật Danh, kinh Vạn Phật, kinh Ngũ Bách Danh và kinh Đại Bát Niết Bàn. Bộ kinh Pháp Hoa được Ngài phát tâm lạy từ mùa hạ năm 1990 đến mùa hạ năm 1995 mới hoàn tất. Trung bình mỗi buổi tối mùa hạ, Ngài lạy 300 lạy.

          Nhìn chung, phát tâm lạy từng chữ kinh Pháp Hoa, nếu nhìn từ “Sự” thì là pháp môn vừa căn bản, nhưng về “Lý” vừa sâu thẳm vi diệu. Bản chất trong mỗi chúng sanh thường sanh tâm tự cao ngã mạn, nên lạy từng chữ trong kinh Pháp Hoa là phương pháp tu để diệt trừ sự ngã mạn, đồng thời để tăng trưởng thiện tâm, nuôi dưỡng lòng khiêm hạ đối với mọi người. Tấm gương tiêu biểu nhất cho tâm khiêm cung, từ bi là hình ảnh Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa.

          Viết kinh Pháp Hoa

          Tam tạng Kinh điển của đức Phật để lại là những lời dạy chân lý bất diệt, là những bài thuốc chữa bệnh khổ đau, phiền não cho chúng sanh, là kim chỉ nam dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi luân hồi sinh tử, đạt được giác ngộ và giải thoát, cho nên ai phát tâm chép kinh, đồng thời thực hành đúng lời Phật dạy sẽ được an lạc. Trong các kinh điển Phật giáo thì kinh Pháp Hoa có phẩm Pháp Sư, phẩm Trì, phẩm An Lạc Hạnh, phẩm Phân Biệt Công Đức, phẩm Pháp Sư Công Đức, phẩm Thường Bất Khinh, phẩm Như Lai Thần Lực, phẩm Dược Vương Bồ Tát, phẩm Đà La Ni, phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát, đã tán dương sự chép kinh. Do đó, với tinh thần tu tập kinh Pháp Hoa, có không ít các bậc danh Tăng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đã không sợ cực khổ, chuyên tâm nắn nót từng nét chữ chép những bộ kinh Pháp Hoa để lưu lại cho hậu thế như: Tổ sư Từ Ý21, Thượng tọa Thích Như Hiệp và Thượng tọa Thích Minh Trí.

          – Thượng tọa Thích Như Hiệp (1940-2014): Thượng tọa thế danh Trần Kim Tri, sanh năm 1940, tại làng Cẩm Văn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thượng tọa xuất gia với Hòa thượng Thích Chơn Thông, Viện chủ Tổ đình Cổ Lâm22. Thượng tọa được Bổn sư ban pháp danh Như Hiệp, pháp tự Giải Thành, pháp hiệu Trí Thông, là người nối pháp đời 41 tông Lâm Tế, thuộc thế hệ thứ 8 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

          Năm 1960, Thượng tọa tu học tại Tổ đình Tam Thai. Sau đó nhập chúng, tu học tại chùa Bửu Đà, quận 10, Sài Gòn. Đất nước mới giành được độc lập, xã hội đang đối diện với nhiều khó khăn của đất nước sau chiến tranh, việc in kinh sách cũng không dễ dàng, Tăng Ni ngày càng không có kinh để tu học, nên Thượng tọa rất kính quý tu tập kinh Pháp Hoa; đặc biệt, 1972, Thượng tọa đã phát tâm chích huyết chép bộ kinh Pháp Hoa với tâm nguyện cầu cho Phật pháp hưng thịnh, đồng thời để tạ ân Tam bảo và nguyện đời đời kết duyên với Phật pháp, hồi hướng về công đức sanh thành của cha mẹ.

          Thuận theo định luật vô thường, ngày mồng 8 tháng 4 năm 2014, Thượng tọa an nhiên tự tại viên tịch ở chùa Bửu Đà, hưởng thọ 75 tuổi.

          Chúng ta biết phát tâm viết kinh là một việc làm tốt, là tạo nhân lành, mà phát nguyện chích máu chép kinh cũng là một tâm nguyện vô cùng quý báu, đã thể hiện tinh thần quý pháp, thực hành hạnh buông xả, không chấp chặt sự sống của thân ngũ uẩn.

          Ảnh hưởng tinh thần tu tập của Bồ tát Dược Vương

          Trong Phật giáo có nhắc đến hai chữ “cúng dường”, vì “cúng dường” cũng là một trong những pháp tu, thực hành thiện nghiệp. Ngoài sự thể hiện tinh thần tôn kính, quan trọng hơn là thể hiện tinh thần xả bỏ xan tham, nên nhiều đệ tử Phật thường hoan hỷ phát tâm nghĩ đến cúng dường phẩm vật, thậm chí đến thân mạng như Bồ tát Dược Vương trong phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự của kinh Pháp Hoa: “Ta dầu dùng thần lực cúng dường nơi Phật, chẳng bằng dùng thân cúng dường”. Liền uống các chất thơm; chiên-đàn, huân-lục, đâu-lâu-bà, tất-lực-ca, trầm-thủy giao hương; lại uống dầu thơm các thứ bô ng chiên-bặc, v.v. mãn một nghìn hai trăm năm, rồi lấy dầu thơm xoa thân ở trước đức Nhựt Nguyệt Tịnh Minh. Đức Phật dùng y báu cõi trời mà tự quấn thân, rưới các thứ dầu thơm, dùng sức nguyện thần thông mà tự đốt thân”23. Học theo hạnh thanh tịnh cúng dường Ba la mật của Bồ tát Dược Vương, thắp sáng ngọn đèn trí tuệ, với hơi ấm từ bi của những trái tim nhân từ, hình ảnh đốt thân cúng dường bảo vệ Phật pháp và Tăng Ni Phật tử Việt Nam. “Hòa thượng Thích Quảng Đức và các vị Thánh tử đạo khác như: Thanh Tuệ, Nguyên Hương, Quảng Hương và Ni cô Diệu Quang… Năm 1963, cùng nhiều vị khác mà lịch sử Phật giáo Việt Nam chưa có cơ hội để ghi lại, đều đã nói lên thực hành hạnh nguyện theo Dược Vương Bồ Tát của kinh Pháp Hoa”24. Đây là hình ảnh và hành động mà Bồ tát mới có thể làm được, đã làm rung động lòng người thế giới đương thời và còn lưu lại mãi mãi trong trang sử Phật giáo Việt Nam và trong lòng Tăng chúng Việt Nam. Đặc biệt, trái tim từ bi của Bồ tát Thích Quảng Đức đã trở thành trái tim xá lợi.

          Ngoài ra, trong giai đoạn hiện đại và đương đại và hình ảnh các hàng Tăng sĩ hậu học Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh học theo hạnh nguyện của Bồ tát Dược Vương, như Hòa thượng Thích Thị Niệm (1904-1973)25, Đại đức Thích Hạnh Tấn, Đại đức Thích Hành Nguyện, v.v.

          – Hòa thượng Thích Quảng Đức (1897-1963): Hòa thượng thế danh Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897, tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Hòa thượng rất có duyên với Phật pháp, nên khi lên 7 tuổi, Hòa thượng phát tâm xuất gia với Hòa thượng Như Đạt – Minh Lý. Năm 15 tuổi, Hòa thượng thọ giới Sa di, năm 20 tuổi thọ giới Tỳ kheo và Bồ tát, được pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hạnh Pháp, pháp hiệu Quảng Đức. “Bồ tát Quảng Đức tu theo kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, tức là tụng và sống theo kinh Pháp Hoa”26.

          Năm 1963, trước hoàn cảnh Phật giáo bị pháp nạn, Hòa thượng đã đã quyết định thực hiện tâm nguyện của mình là được thiêu đốt nhục thân để cúng dường chư Phật và bảo vệ đạo pháp, bởi Hòa thượng nhận ra rằng thân ngũ uẩn này chỉ là giả tạm, chỉ có làm sao cho chánh pháp được trường tồn mới là hạnh nguyện cao cả để ngài phục vụ chân lý bất diệt.

          Ngày 20 tháng 4 năm Quý Mão, tức ngày 11-6-1963, thân đã làm đuốc, nhục thân của biến thành tro bụi, nhưng quả tim của Ngài vẫn không bị đốt cháy.

          Ngài sống và thể hiện hình ảnh hành giả Pháp Hoa. Các Tăng sĩ thấm sâu tinh thần Bồ tát trong kinh Pháp Hoa mới học theo hạnh của Bồ tát Dược Vương, phát tâm dõng mãnh không dùng hận thù trả hận thù, mà ngược lại lấy lòng từ bi để thức tỉnh kẻ tham tàn, hy sinh tự thân để giữ ánh sáng của chân lý của đạo Phật để soi đường dẫn bước người người ra khỏi khổ đau.

          Tóm lại, hơn 300 năm Thiền phái Chúc Thánh hình thành và phát triển, hầu hết các danh Tăng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh không chỉ chọn kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh chính để Tăng Ni và Phật tử trì tụng trong thời khóa Tịnh độ hay tổ chức đạo tràng tu tập kinh Pháp Hoa, mà còn là bộ kinh mà chư Tăng Ni lấy tư tưởng làm kim chỉ nam trên con đường tu tập và hoằng truyền chánh pháp, hạnh nguyện tu tập kinh Pháp Hoa được thể hiện trì niệm, lễ lạy, biên chép, giảng dạy… Đây cũng là tinh thần và hình ảnh đẹp kế thừa hạnh nguyện tu tập của những vị tổ sư, quan trọng hơn nữa là cũng góp phần xiển dương Phật giáo Việt Nam nói chung, Thiền phái Chúc Thánh nói riêng, ngày càng phát triển.

THÍCH NỮ NGUYÊN ĐỨC
Chùa Pháp Tam – Long An

 

 

_Chú thích:

1. Còn được gọi là Phật giáo Đại thừa hay Phật giáo Bắc tông.

2. Thích Từ Thông, Pháp Hoa Kinh Thâm Nghĩa Đề Cương, Lưu hành nội bộ, 1995, tr. 5.

3. Thích Chơn Thiện, Tư Tưởng Kinh Pháp Hoa, Nxb Phương Đông, 2012, tr. 13.

4. Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb Tôn Giáo, 2005, tr. 100.

5. Thach Nguyên Hiền, Các Loại Hình Nghệ Thuật Trong Nền Văn Hóa Phật Giáo, http://cungduong.vn/cac-loai-hinh-nghe-thuat-trong-nen-van-hoa-phat-giao/(18-08-2020

6. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sđd, tr. 79.

7. CBETA, T16, no. 694, p. 791a23-25.

8. Vì những bản giảng giải Kinh Pháp Hoa của Trung Quốc hay Việt Nam đã được nhiều tác giả Việt Nam giới thiệu, nên trong nội dung của tham luận này, chúng tôi chỉ liệt kê một vài bản dịch tiêu biểu.

9. Quyển Kinh Pháp Hoa này có 7 quyển, 27 phẩm, không có phẩm Đề Bà Đạ Đa và phẩm Phổ Môn thì không có phần trùng tụng. Sau đó, người sau soạn lại lấy phẩm Đề Bà Đạt Đa của Pháp Sư Nam Tề – Pháp Hiến và Pháp sư Đạt Ma – Ma Đề dịch và lấy phẩm Phổ Môn của Pháp sư Đô Na Quật Đa dịch để thêm vào. Vì vậy, quyển kinh Diệu Pháp Liên Hoa của ngài Cưu Ma La Thập phổ biến hiện nay, trở thành 7 quyển, 28 phẩm.

10. Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã trích dẫn các câu chuyện trong sách Kinh Pháp Hoa Hiển Ứng Lục.

11. Bản Kinh Nhật tụng tiếng Hán hiện nay ở Trung Quốc có phẩm Phổ Môn, nhưng đặc biệt không có 12 lời nguyện.

12. CBETA 2020.Q3, T45, no. 1910, p. 975b22-23.

13. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sđd, tr. 494.

14. Thích Thông Bửu, Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Luận, (tập 2), Nxb Tôn Giáo, 2006, tr. 6-7.

15. Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb Phương Đông, 2009, tr. 457.

16. Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Luận, sđd, tr. 7.

17. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sđd, tr. 298.

18. Trong kinh Phật nói nghiệp báo sai biệt, trang 3 có ghi: “Cung kính chấp tay đảnh lễ được 10 thứ công đức”.

19. Hòa thượng thế danh Đinh Công Quế, pháp danh Như Thọ, pháp tự Giải Hòe, nối pháp thế hệ thứ 8 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Năm 1970, sau khi Hòa thượng thọ cụ túc giới, Ngài phát tâm chép bộ kinh Pháp Hoa theo cách “Nhất tự nhất bái”, nghĩa là chép 1 chữ thì lạy một lạy. Khi lạy, ngài xướng như sau: “Chí tâm đảnh lễ Nam mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh “Như” tự pháp bảo”. Lạy một lạy và chép một chữ, mỗi ngày trên 500 lạy. Ngài gần 2 năm mới chép xong bộ kinh.

20. Theo kết quả khảo sát thực tế của Đại đức Thích Như Tịnh cho biết Hòa thượng thế danh Nguyễn Huỳnh, pháp danh Thị Anh, pháp tự Hạnh Lạc, pháp hiệu Vân Sơn, nối pháp Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 9. Từ năm 1988, Hòa thượng đã phát tâm chuyên trì kinh Pháp Hoa, đồng thời phát tâm chép được 6 bộ kinh Pháp Hoa, đến 2020, Hòa thượng đã chép bộ thứ 7.

21. Hòa thượng có pháp danh Chương Như, pháp tự Tông Chí, pháp hiệu Từ Ý, nối pháp thế hệ thứ 5 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Trong khoảng thời vua Tự Đức, ngài có phát tâm chép một bộ kinh Pháp Hoa bằng chữ son rất đẹp.

22. Tổ đình Cổ Lâm ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

23. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sđd, tr. 504-505.

24. Thích Thái Hòa, Pháp Hoa Tinh Yếu, Nxb Hồng Đức, 2007, tr. 199.

25. Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, sđd, tr. 444-445. Hòa thượng có pháp danh Thị Niệm, pháp tự Hành Nguyện, pháp hiệu Viên Thành, thuộc Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 9. Năm 24 tuổi, được thọ cụ túc giới. Hòa thượng phát tâm thường trì Kinh Pháp Hoa, Địa Tạng và A Di Đà rồi hướng về Tịnh độ. Một hôm, Hòa thượng trì đến phẩm Dược Vương, nghĩ đến công hạnh cao thượng của Ngài Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát, vô cùng xúc động và phát thệ nguyện. Vào nửa đêm Hòa thượng ngồi kiết già phía ngoài sân trước chùa Pháp Hải, dùng dầu hôi tự đốt mình, Hòa thượng chấp tay niệm Phật A Di Đà cho đến hơi thở cuối cùng.

26. Lê Mạnh Thát, Bồ Tát Quảng Đức – Ngọn Lửa Và Trái Tim, NxbTổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr. 185.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thích Thông Bửu, Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Giảng Luận, tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2006.
  2. Thích Minh Châu, Kinh Pháp Cú, Nxb Hồng Đức, 2014.
  3. Thích Thái Hòa, Pháp Hoa Tinh Yếu, Nxb Hồng Đức, 2007.
  4. Thích Chơn Thiện, Tư Tưởng Kinh Pháp Hoa, Nxb Phương Đông, 2012.
  5. Thích Từ Thông, Pháp Hoa Kinh Thâm Nghĩa Đề Cương, Lưu hành nội bộ, 1995.
  6. Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb Tôn Giáo, 2005.
  7. Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb Phương Đông, 2009.
  8. Lê Mạnh Thát, Bồ Tát Quảng Đức – Ngọn Lửa Và Trái Tim, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
  9. Thach Nguyên Hiền, Các Loại Hình Nghệ Thuật Trong Nền Văn Hóa Phật Giáo, http://cungduong.vn/cac-loai-hinh-nghe-thuat-trong-nen-van-hoa-phat-giao/(18-08-2020)