Từ nhỏ, lúc mới vào chùa khi 15 tuổi (năm 1964) và năm nay 2020 cũng đã trên 70 tuổi đời và hơn 55 năm sống trong Thiền môn, từ Hội An, Quảng Nam vào Sài Gòn, qua Nhật Bản rồi trú tại Đức Quốc cho đến ngày nay, không biết bao nhiêu lần tôi đã nghe, hòa theo cách tán tụng tang hai mõ một hay tang ba mõ bốn (tán rơi) ở các nơi mà tôi đã sống suốt trong ngần ấy thời gian, ít ra cũng đã hơn nửa thế kỷ rồi. Khi tụng kinh hay tán Phật cũng ít có chú Điệu nào hiểu rằng: Tại sao mình phải tụng và tại sao phải tán? Tán có nghĩa là tán dương công đức của chư Phật hay chư vị Bồ tát qua nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như miền Bắc, Trung và Nam không có nơi nào tán giống nơi nào hết. Mặc dầu nội dung bài tán tất cả đều giống nhau. Đó là chưa kể đến nhiều vùng miền có lối tán đặc biệt riêng lẻ nữa. Ví dụ như tán Quảng Nam khác với tán Huế, tán Bình Định không giống với tán miền Tây Nam bộ,… Nhưng tất cả đều thể hiện âm điệu trầm bổng lên xuống theo nhịp điệu của chuông, mõ, linh, tang, trống, kèn, phách, v.v… để tạo thành một loại âm nhạc Phật giáo thật là tuyệt vời.
Có những bài tán nghe qua là hiểu liền nội dung, nhưng cũng có những bài tán rất khó hiểu, không biết lý do vì sao? Trong đó có bài tán “Chiên Đàn” là một. Bởi lẽ, đa phần chúng ta thấy rằng trước khi Thái tử Tất Đạt Đa đi xuất gia vào ngày mồng 8 tháng 2, thì Ngài đã vào phòng tại hoàng cung để từ giã vợ con lần cuối. Hình ảnh Da Du Đà La và La Hầu La nằm đó qua những nét vẽ thần kỳ của họa sĩ, khiến cho ai nấy trong chúng ta cũng đều nghĩ đó là sự thật, nhưng bài tán “Chiên Đàn” này lại có một sự thật khác nữa, chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm để cho rõ ngọn ngành qua sự tham cứu những tài liệu đáng tin cậy, nhưng bao nhiêu phần trăm thì chúng tôi không dám quả quyết được. Việc này xin để chư Tôn đức và quý vị tùy nghi thẩm định. Đầu tiên là bài tán này được viết bằng chữ Hán cũng như phiên âm ra Việt ngữ và tiếp theo là nguyên nhân tại sao có bài tán nầy theo Hòa thượng Thích Tịnh Nghiêm giải thích, đã được trang nhà quangduc.com ở Úc cho phổ biến lâu nay như dưới đây:
SỰ TÍCH BÀI TÁN CHIÊN ĐÀN (1)
Khi vua Tịnh Phạn hay tin Phật thành đạo, nhà vua và dòng họ Thích rất vui mừng. Lúc ấy, em trai vua vừa sanh hoàng tử và xin vua Tịnh Phạn đặt tên. Vua liền đặt tên Khánh Hỷ (Vui Mừng), tức là tên của Ngài A Nan.
Sau đó, lại nghe tin báo Gia Du Đà La vừa sanh La Hầu La, vua Tịnh Phạn vừa buồn vừa giận, cho đánh trống vàng, tập trung dòng họ Thích để xét tội công chúa. Khi mọi người đã tập họp đông đủ, vua Tịnh Phạn cho mời Gia Du Đà La ra. Công chúa ôm con bước ra đứng trước mọi người. Nhà vua hỏi, “La Hầu La là con ai?”.
Gia Du Đà La trả lời, “La Hầu La là con của Thái tử Tất Đạt Đa”.
Nhà vua phán, “Thái tử đã đi tu sáu năm rồi, làm gì có con. Theo luật dòng họ Thích, hễ cô gái nào ngoại tình thì mẹ con phải nhảy vào hầm lửa để rửa sự ô nhục của dòng họ”.
Nàng Gia Du Đà La liền ôm La Hầu La đến trước hầm lửa và phát nguyện: “Kính xin mười phương chư Phật chứng minh, nếu La Hầu La là con của Thái tử Tất Đạt Đa thì xin cho hầm lửa biến thành ao sen”.
Phát nguyện xong, nàng liền ôm con nhảy xuống hầm lửa. Nhiệm mầu thay, hầm lửa biến thành ao sen trước sự chứng kiến của mọi người. Nhà vua hết nghi ngờ liền ẵm cháu, đem công chúa Gia Du Đà La lên và nuôi dưỡng tử tế.
Phật dạy: La Hầu La ở tiền kiếp chơi nghịch, nhét hang chuột sáu ngày, sau nhớ mới mở ra. Do quả báo đó, phải ở trong bào thai sáu năm.
Bài Tán Chiên Đàn 栴 檀 海 岸 香 讚
Chiên Đàn hải ngạn 栴 檀 海 岸
Lư nhiệt danh hương. 爐 爇 名 香
Gia Du tử mẫu lưỡng vô ương 耶 輸 子 母 兩 無 殃
Hỏa nội đắc thanh lương 火 內 得 清 涼
Chí tâm kim tương 至 心 今 將
Nhất chú biến thập phương. 一 炷 (2) 遍 十 方
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát.
南 無 香 供 養 菩 薩 摩 訶 薩.
Dịch nghĩa:
Cây chiên đàn đứng bên bờ biển
Đốt hương trong lư báu.
Mẹ con nàng Gia Du hết tai họa
Trong lửa nóng được mát mẻ.
Tâm thành chí kính
Một chút biến khắp mười phương.
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát.
Lâu nay, nhờ có chút ít thời gian, nên tôi đã đọc qua hết các bộ A Hàm và Bản Duyên của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, thì thấy rằng câu chuyện của La Hầu La được dịch ra Việt ngữ ở Bộ Bản Duyên thứ 7, quyển thứ 16, thuộc Kinh Tạp Bảo Tạng, quyển thứ 10, trang 247. Câu chuyện thứ 117 này tương ứng với tập thứ 4 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo); kinh thứ 203, trang 447 thuộc Bổn Duyên Bộ hạ, quyển thứ 4. Để tiện cho việc nghiên cứu và tìm hiểu thì quý vị có thể tìm vào những trích dẫn bên trên để đối chiếu. Chuyện được kể rằng:
“Tôi từng nghe:
Thuở xưa, lúc Đức Phật mới xuất gia vào đêm đầu tiên thì con của Ngài là La Hầu La mới nhập vào bào thai. Bồ Tát Tất Đạt khổ hạnh sáu năm nơi cội cây Bồ Đề hàng phục bốn loại ma, trừ các ngăn che của ấm, hoát nhiên đại ngộ, thành đạo vô thượng, đầy đủ mười Lực, bốn Vô sở úy, thành tựu mười tám Pháp bất cộng, đầy đủ bốn biện tài, độ thoát tất cả, đạt đến bờ kia, hiểu rõ tất cả pháp của chư Phật, vượt lên trên các vị Thanh Văn, Duyên Giác. Vào đêm thành đạo đầu tiên của Ngài thì La Hầu La được sinh ra. Lúc ấy, tất cả thể nữ trong cung vua thảy đều thẹn thùng, hết sức ưu não mới nói:
Quái thay, điều đại ác! Gia Du Đà La không nghĩ điều phải điều trái, coi thường hành động, không tự thương mình, không tự thận trọng, khiến cho toàn cung chúng ta đều bị ô nhục. Bồ Tát Tất Đạt xuất gia đã lâu mà nay bỗng nhiên lại sinh con. Ôi, hết sức là xấu hổ, nhục nhã!
Khi ấy có Thích nữ tên là Điển Quang, là con gái của di mẫu nàng Gia Du Đà La, đấm ngực, dậm chân, tức giận chửi mắng Gia Du Đà La:
Ngươi là chỗ thân yêu của Tôn trưởng, sao lại tự làm điều tổn hại? Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia học đạo cách đây đã sáu năm rồi mới sinh ra đứa bé nầy là điều hết sức phi lý. Ngươi theo ai mà có con? Ngươi là người không biết xấu hổ, làm ô nhục chủng tộc của ta, ngươi đã không kể chủng tộc, không sợ ô danh. Bồ tát Tất Đạt Đa có công đức lớn, tiếng tăm ai cũng biết. Nay ngươi tại sao không gìn giữ cho Ngài mà tạo ra điều sỉ nhục?
Vua Tịnh Phạn ngay lúc đó đang đứng trên lầu thấy quả đất này có sáu thứ chấn động, tướng lạ xuất hiện. Vua Tịnh Phạn thấy điều ấy xong, cho rằng Bồ tát đã chết, sự buồn rầu giống như mũi tên bắn vào tim Vua, hết sức khổ não, nói:
“Hương giới của con ta bay khắp bốn phương, tướng tốt trang nghiêm như tràng hoa sen. Nay là ngày con ta chết. Con ta như cây hoa, giới là rễ đâm sâu, tàm quý là cành lá, danh dự là hương thơm, lòng từ là bóng mát. Nay đã bị voi giày mà chết. Con ta to lớn như núi vàng, các báu trang nghiêm. Con của ta như Kim Sơn Vương, thân trang nghiêm tướng hảo, bị chày Kim Cang vô thường dập nát. Con ta như biển cả đầy các thứ báu bị con cá Ma Kiệt làm nhiễu loạn nước biển. Biển lớn của con ta cũng như vậy, bị chết vì sự nhiễu loạn của con cá Ma Kiệt. Con ta giống như mặt trăng Rằm, các sao vây quanh. Con ta có công đức vô lượng như vậy, tướng tốt trang nghiêm, nay bị vô thường La Hầu La tiêu diệt. Dòng họ ta sinh ra từ Đại trượng phu đến Lô Việt, Chân Tịnh. Các vị vua như vậy tiếp nối đến ta. Ngày nay, dòng họ ta chưa sắp đoạn tuyệt chứ? Ta đặc biệt mong con ta làm Chuyển Luân Thánh Vương hay thành Phật đạo. Sao nay con ta lại có thể chết? Nếu con ta mà chết thì ta sẽ ưu sầu, tiều tụy cũng chết theo mất. Sự mong ước con ta xuất gia, mặc pháp phục, ôm bát, mưa pháp cam lồ…tất cả những việc như vậy, chắc ta sẽ không thấy được. Vì nhớ thương con mà trong lòng sầu tư, nhớ nghĩ trăm mối”.
Khi ấy nghe trong cung có tiếng khóc lớn, nhà vua càng thêm kinh ngạc, cho là Thái tử đã chết, mới hỏi cô hầu đang chạy phía trước:
– Đó là tiếng khóc gì vậy? Chẳng phải là con ta chết rồi sao?
Cô gái tâu với vua:
– Thái tử chưa chết. Hôm nay, Gia Du Đà La sinh một người con, toàn cung đều xấu hổ cho nên khóc như vậy. Nhà vua nghe lời ấy càng thêm ưu sầu, áo não, bỗng khóc rống, cất tiếng kêu to than:
– Quái thay! Thật là hết sức ô nhục! Con ta xuất gia đã sáu năm rồi, hà cớ gì hôm nay mới sinh con?
Bấy giờ, theo luật của nước ấy, hễ đánh một hồi trống thì tất cả quân lính tụ tập, chín vạn chín ngàn Thích chủng đều tập hội. Họ liền gọi Gia Du Đà La. Khi ấy, Da Du Đà La mặc bạch tịnh y ôm con trong lòng, không hề sợ hãi, trên mặt có dính chút bụi, ở trong thân tộc, nàng ôm con mà đứng. Bấy giờ, Chấp Trượng Thích sắc mặt đầy tức giận, chửi Gia Du Đà La, quát lên:
– Ngươi là đồ phàm phu thô bỉ, thật hết sức xấu hổ, đã làm nhục dòng họ nhà ta, còn mặt mũi nào mà đứng trước mặt chúng ta!
Lúc ấy, có một người họ Thích tên là Tỳ Nữu Thiên, là cậu của công chúa Gia Du Đà La, nói với Gia Du Đà La:
– Không có đứa trẻ nào ngu si thô bỉ, đê tiện hơn cháu. Cậu là người họ hàng, vậy cháu hãy nên lấy lời chân thật nói cho cậu biết đứa con ấy tác giả là ai?
Bấy giờ, Gia Du Đà La chẳng có gì hổ thẹn, nói một cách ngay thẳng:
– Đứa bé này chính là con của người họ Thích xuất gia tên là Tất Đạt. Tôi nằm bên Thái tử mà có đứa con này.
Vua Tịnh Phạn nghe lời ấy xong, tức giận nói:
– Người đã không thủ tiết mà còn nói sai sự thật nữa. Điều đó thật hay hư thì các Thích tử biết rồi đó. Con của ta là Tất Đạt, lúc còn tại gia, nghe nói có ngũ dục mà tai còn không muốn nghe, huống chi lại có dâm dục mà sinh ra con? Như lời nói ấy thật hết sức thô bỉ, nham nhở. Ngươi đã lấy ai mà có con, làm hủy nhục chúng ta? Đây thật là sự quanh co xảo trá, chẳng phải là pháp chân chính. Con của ta là Tất Đạt lúc xưa ở tại gia đối với châu báu, của ngon vật lạ, hoàn toàn không có nhiễm trước. Huống chi nay con ta đã tu khổ hạnh, mỗi ngày ăn một hạt lúa, hạt mè mà lấy việc ấy để hủy báng!
Vua Tịnh Phạn bừng bừng tức giận, hỏi các Thích tử:
– Nay tại sao ta lại bị sự sát hại khổ độc như vậy?
Lại có một Thích tử nói:
– Cứ theo ý tôi, hãy làm một cái hầm lửa, ném mẹ con nó vào đó để không còn dấu vết gì nữa.
Lúc ấy mọi người đều nói:
– Việc đó rất hay!
Bấy giờ, họ liền đào một cái hầm lửa, lấy cây Khư Đà La chất đầy trong hầm, chích lửa, rồi họ liền dẫn Gia Du Đà La đến bên hầm lửa.
Gia Du Đà La thấy hầm lửa rồi, trong lòng hết sức hãi hùng, giống như con nai rừng chỉ có một mình trong khu vườn, quay nhìn bốn hướng chẳng có ai để trông cậy. Bấy giờ, Gia Du Đà La tự trách mình: “Ta đã không có tội mà phải chịu tai ương này!”. Nàng ngước nhìn các người họ Thích, thấy chẳng có ai chịu cứu mình. Nàng ôm con thở dài, nghĩ đến Bồ Tát nói:
– Ngài có lòng từ bi thương xót tất cả, Trời, Rồng, Quỷ, Thần thảy đều cung kính Ngài. Nay mẹ con thiếp chẳng có ai giúp đỡ, không có tội mà phải chịu khổ. Cớ sao Bồ Tát không chịu lưu ý? Tại sao Bồ Tát không cứu mẹ con thiếp thoát khỏi nguy khốn ngày hôm nay? Các Trời, các Thiên Thần chẳng nhớ nghĩ đến tôi sao? Ngày xưa Bồ Tát ở giữa dòng họ Thích, giống như mặt trăng Rằm ở giữa các vì sao. Nhưng sao mãi tới hôm nay thiếp chẳng gặp lại được một lần!
Than xong, nàng liền hướng về chỗ Đức Phật nhất tâm kính lễ rồi lại bái các người họ Thích, chắp tay hướng về phía hầm lửa nói lời chân thật:
– Nếu đứa con của ta quả thật không phải vì ngoại tình mà có, nếu điều nầy là sự thật không hư ngụy, mặc dầu ở trong thai ta sáu năm, thì xin lửa hãy dập tắt, chớ thiêu hại mẹ con ta.
Nói như vậy xong, nàng liền nhảy vào trong lửa, nhưng hầm lửa này lúc ấy lại biến thành ao nước. Nàng tự thấy thân mình ngồi trên hoa sen, hoàn toàn không có sợ hãi, nhan sắc vui tươi hòa dịu. Lúc ấy, nàng chấp tay hướng về những người họ Thích, nói:
– Nếu lời nói của tôi mà hư vọng, lẽ đáng tôi bị lửa thiêu cháy. Nhưng đứa bé này quả thật là con của Bồ Tát, đúng như lời chân thật của tôi, cho nên không bị lửa thiêu cháy vậy.
Lại có một người dòng họ Thích nói:
– Cứ xem hình tướng của cô ta không kinh, không sợ, từ đó suy ra biết chắc là cô ta nói thật.
Cũng lại có người dòng họ Thích nói:
– Cái hầm lửa nầy biến thành ao mát, lấy đó mà nghiệm thì biết là cô ta không có lỗi gì.
Bấy giờ, các người họ Thích dẫn Gia Du Đà La trở về cung, họ càng thêm cung kính, tán thán nàng. Họ tìm nhũ mẫu để chăm sóc con nàng, giống như lúc bình thường, chẳng khác gì cả. Vua Thái Tổ Tịnh Phạn ái trọng nàng tha thiết. Lúc nào không thấy La Hầu La, ông không thể nào nuốt cơm được. Mỗi khi nhớ Bồ Tát, ông chỉ cần bồng La Hầu La vào lòng là hết sầu nhớ. Tóm lại, sáu năm trôi qua, vua Tịnh Phạn khát ngưỡng mong gặp Đức Phật, ông bảo người đến thỉnh Ngài. Đức Phật vì lòng lân mẫn cho nên Ngài trở về nước. Đến trong hoàng cung của họ Thích, Ngài biến một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Kheo đều giống như thân của Đức Phật, sáng ngời không khác.
Lúc ấy, Gia Du Đà La nói với La Hầu La:
– Ai là cha của con, con hãy đến bên vị ấy.
Khi ấy, La Hầu La đảnh lễ Đức Phật xong, đứng bên cạnh Đức Phật. Đức Như Lai liền dùng bàn tay có tướng bánh xe, đã tu công đức trong vô lượng kiếp, xoa lên đảnh đầu của La Hầu La. Khi ấy, các người họ Thích đều nghĩ: “Nay Phật vẫn còn có tâm thương riêng”. Đức Phật biết tâm các người họ Thích đã nghĩ, liền nói kệ:
Với quyến thuộc của vua
Và con ta sinh ra
Ta vẫn thương như nhau
Chỉ lấy tay sờ đầu.
Ta đã hết kiết sử
Thương ghét cũng không còn
Các ngươi chớ hoài nghi
Phân vân với con ta.
Con ta cũng xuất gia
Là Pháp Tử của ta.
Nói tóm, công đức ấy
Xuất gia học chân đạo
Sẽ thành A La Hán”
(trích từ trang 247 đến trang 251).
Hai câu chuyện được trích dẫn bên trên nội dung tương đối khá giống nhau và việc nàng Gia Du Đà La bị vào hầm lửa là sự thật. Do vậy, các vị Tổ sư Trung Hoa về sau này mới đặt ra bài tán “Chiên Đàn” như trên để ca tụng sự nhiệm mầu của Phật pháp và nhất là để phá tan mối nghi ngờ của những người trong dòng họ Thích, là tại sao nàng phải mang thai đến sáu năm như vậy. Việc này chúng ta cũng có thể xem thêm truyện tiền thân của nàng và La Hầu La cũng có trong Bộ Bản Duyên nầy, thì sẽ rõ.
Có một điều mà cho đến nay cũng chưa có ai xác nhận được là đúng hay sai. Đó là việc xuất gia của Thái tử, bên Đại thừa Phật giáo cho rằng Ngài xuất gia năm 19 tuổi, thành đạo lúc 30 tuổi và nhập Niết Bàn lúc 80 tuổi. Trong khi đó bên Nam tông thì cho rằng: Thái tử xuất gia lúc 29 tuổi, tu khổ hạnh sáu năm và thành đạo lúc 35 tuổi. Ngài chỉ có 45 năm thuyết pháp độ sanh. Cuối cùng, Ngài đã nhập Niết Bàn vào lúc 80 tuổi. Có lẽ để cho tất cả các truyền thống đều cùng chung một nguồn gốc; nên ngày nay tất cả các nước Phật giáo trên thế giới đã lấy chung ngày nhập diệt lúc 80 tuổi của Ngài để kỷ niệm lễ Tam Hợp gồm: Đản Sanh, Thành Đạo và Nhập Niết Bàn làm một ngày. Do vậy, chúng ta mới có Phật Lịch của năm nay (2020) là năm 2.563 và Phật Đản là 2.643 năm.
Năm nay, Tổ đình Chúc Thánh tại Hội An, Quảng Nam, tổ chức Hội thảo trong ba ngày nhân ngày kỵ Tổ nhằm ngày mùng 7 tháng 11 âm lịch, lại có thuyết trình cũng như diễn giảng về công hạnh của chư Tổ Sư tiền bối, tôi từ xa xôi nơi Đức Quốc không về tham dự những ngày trọng đại này được, nên xin gửi một bài tham luận này để đóng góp cho sự nghiệp của Phật giáo Quảng Nam nói riêng và Lâm Tế Chúc Thánh khắp nơi ở trong cũng như ngoài nước nói chung nhằm đền đáp câu: “Ẩm thủy tư nguyên” như ngày nào tôi đã có mặt tại Tổ đình Chúc Thánh từ năm 1964 vậy./
Viết xong bài này vào ngày 27 tháng 3 năm 2020, tại chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc.
HT. THÍCH NHƯ ĐIỂN
_Chú thích:
1. Trích từ Góp Nhặt Lá Bồ Đề – HT. Thích Tịnh Nghiêm, https://quang duc.com/a29125/su-tich-bai-tan-chien-dan
2. 一 炷: (1) (Danh) Lượng từ: Nén (hương, nhang). Như: Nhất chú hương 一 炷 香 một nén hương.
(2) (Động) Đốt. Như: Chú hương 炷 香 đốt hương. ◇ Nguyễn Du 阮攸: Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp 一 炷 檀 香 消 慧 業 (Vọng Quan Âm miếu 望 觀 音 廟) Đốt nén hương đàn để tiêu tan nghiệp chướng do trí tuệ tạo ra.