Thiền sư Pháp Chuyên – Luật Truyền – Diệu Nghiêm (1726- 1798) được coi là vị Tổ đầu tiên mang dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh truyền bá tại vùng đất Phú Yên1. Ngài cũng là một nhà văn, một dịch giả nổi tiếng trong triều đại Tây Sơn với nhiều tác phẩm soạn thuật, diễn nghĩa, chú thích kinh điển Phật giáo khá đặc sắc. Trong các tác phẩm của ngài trước tác lúc bấy giờ, Phật môn Pháp sự yếu tập là tác phẩm chữ Hán còn lưu giữ những giá trị về văn bản học, lịch sử, văn học, triết học Phật giáo khá sâu sắc.
1. Tình trạng văn bản
Phật môn Pháp sự yếu tập 佛 門 法 事 要 集 là một trong những tác phẩm hiếm hoi của văn học Phật giáo Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Tác phẩm được hình thành từ ba nhân vật: Thiền sư Pháp Chuyên biên soạn, Thiền sư Toàn Nhật tóm lược, và Thiền sư Minh Quang sao chép. Tác phẩm này hiện tồn dưới hai dạng truyền bản viết tay khác nhau.
Bản thứ nhất, chép năm Bính Tý2. Bản này chép tay trên khuôn in cột dọc, mỗi tờ có 10 cột, giấy bổi khổ 16cm x 19cm, tổng cộng 55 tờ, gồm 2 mặt a và b viết từ phải qua trái, chữ Hán được viết theo hàng dọc từ trên xuống dưới, chữ dài ngắn tùy theo đoạn văn. Tờ 1a có khắc in hình đức Phật Thích Ca đang thuyết pháp, hai bên trên ngài là hình ảnh Hộ pháp và Long thiên, bên dưới là hình ảnh ngài Ca-diếp và A-nan. Tờ 1b có khắc in Long vị chứa nội dung “皇 圖 鞏 固 帝 道 遐 昌, 佛 日 增 輝 法 輪 常 轉 Hoàng đồ củng cố đế đạo hà xương, Phật nhật tăng huy pháp luân thường chuyển”. Trên gáy sách, từ tờ 2a đến 7a có ghi dòng “佛 門 法 事 要 集 序 Phật môn pháp sự yếu tập tự” và số tờ từ 一 nhất đến 六 lục; từ tờ thứ 8 trở đi chỉ ghi “佛 門 法 事 要 集 Phật môn pháp sự yếu tập” và cũng có ghi số tờ nhưng bắt đầu từ chữ 一 nhất (số 1) đến 四十九 tứ thập cửu (số 49) chứ không ghi tiếp số trang phần Tựa. Nội dung gồm hai phần: phần Tựa và phần nội dung Phật môn pháp sự yếu tập. Cuối tác phẩm có lạc khoản “歲 次 丙 子 年 十 月 吉 日 寫 畢 Viết xong ngày lành tháng 10 năm Bính Tý”, nhưng không ghi tên người sao chép. Tờ cuối cùng vẫn có khắc in theo cột dọc nhưng nội dung để trống.
Bản thứ hai, được Thiền sư Minh Quang – Bảo Châu, chùa Quy Sơn, chép vào ngày 15 tháng 5 năm Canh Tuất (1910), niên hiệu Duy Tân thứ 4. Tổng cộng sách dày 45 tờ, viết 2 mặt trên giấy bổi khổ 15x18cm, mỗi mặt giấy có 9 dòng, mỗi dòng trung bình khoảng 30 chữ, viết theo hàng dọc từ trên xuống và chuyển dòng từ phải sang trái. Bìa màu vàng nghệ, ở lề ngoài mỗi tờ đều có đánh số trang bằng chữ Hán. Trong 45 tờ này, chúng tôi tạm chia mỗi tờ thành 2 mặt a và b để tiện nghiên cứu.
Đầu văn bản có ghi bài tựa của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài với tiêu đề: “自 敘 終 身 心 事 本 末 誡 眾 弟 子 依 說 修 行 Tự ghi chép về ngọn nguồn nỗi lòng cuộc đời mình, để răn các học trò theo thuyết tu hành”[1a]. Bài tựa này được đưa lên tờ đầu tiên của tác phẩm do Thiền sư Toàn Nhật tự ghi về thân phận cuộc đời mình, bao gồm ngày tháng năm sinh, gia thế, công việc trước khi xuất gia, những giấc mộng tâm linh, năm tháng quy y cửa Phật, nhân duyên gặp gỡ, xuất gia với Bổn sư Pháp Chuyên và ghi chép mục đích ra đời cũng như ca ngợi nội dung tác phẩm Phật môn pháp sự yếu tập3. Cuối tác phẩm là Bạt văn [45a6-45b] của Thiền sư Tâm Thiền dài khoảng 8 dòng, được chép sau bài Lục đạo chúng sinh luân hồi sinh tử căn bản mê hoặc thiên của thiền sư Pháp Chuyên. Lời bạt này được Thiền sư Tâm Thiền ghi lại tâm tư, cảm nhận của mình về những lời dạy thiết yếu của tiền nhân sau khi đọc xong tác phẩm4.
Ở bài viết này, chúng tôi chọn bản chép tay của ngài Minh Quang – Bảo Châu làm bản đáy để giới thiệu văn bản và bước đầu nghiên cứu về bổn phận của người sơ tâm xuất gia học đạo. Nguyên tác phẩm gồm 10 quyển, do ngài Pháp Chuyên soạn và viết tựa vào ngày Rằm tháng Giêng năm Giáp Dần (1794) tại chùa Từ Quang, trước khi ngài viên tịch bốn năm. “今 我 法 專 愍 彼 來 學 不 揆 愚 陋 因 閱 大 藏 採 摭 佛 祖 之 要 言 諸 師 之 善 法 … 勤 成 十 卷 名 曰 佛 門 法 事 要 集 Nay Pháp Chuyên tôi thương tưởng đến hàng hậu học kia, không lượng mình ngu lậu mà dò đọc Đại tạng, chắt lọc lấy những lời dạy thiết yếu của Phật, Tổ, các pháp lành của các bậc đại sư,… dốc tâm soạn thành 10 quyển, đặt tên là Phật môn pháp sự yếu tập”[4a]. Đây là trước tác được Thiền sư Pháp Chuyên gia công biên soạn trong suốt cuộc đời tu học, hành đạo của ngài và chắt lọc thành 10 tập, ghi lại những lời huấn thị cao quý của đức Phật, chư Tổ đã dạy cho người xuất gia. Về sau, Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài tóm lược thành 1 tập để cho hàng đệ tử theo đó tu tập.“原 本 共 有 十 卷 今 念 後 學 識 淺 難 堪 更 當 末 法 鈍 根 厭 繁 喜 略 是 以 採 摭 數 章 最 切 要 法 別 為 一 本 以 便 弟 子 習 學 修 行 倘 欲 備 見 當 閱 全 本 Nguyên bản gồm có 10 quyển, nay nghĩ đến hàng hậu học kiến thức nông cạn khó có thể kham nổi, lại thêm thời mạt pháp, căn trí chậm lụt, chán dài dòng, thích ngắn gọn.Vì vậy,[ta] đã chọn lựa mấy chương quan trọng nhất, tập hợp riêng thành một bản, để tiện cho hàng đệ tử học tập tu hành. Còn ai muốn thấy biết đầy đủ thì nên đọc toàn bản”[3a].
Bản chép năm Canh Tý có ghi rõ lạc khoản: “歲 次 甲 戌 年 仲 春 月 吉 日 圓 光 堂 上 沙 門 釋 全 日 光 旲 序 Ngày lành tháng 2 năm Giáp Tuất (1814), trụ trì chùa Viên Quang, sa-môn Thích Toàn Nhật hiệu Quang Đài đề tựa”[5a], nhưng bản do Thiền sư Minh Quang chép lại khuyết. Tuy nhiên, cuối tác phẩm do Thiền sư Minh Quang chép có ghi dòng lạc khoản: “維 新 四 年 歲 次 庚 戌 五 月 十 五 日 溈 山 寺 釋 明 光 寶 珠 奉 寫 集 完 , 共 紙 四 十 五 張 Niên hiệu Duy Tân thứ 4, ngày 15 tháng 5 năm Canh Tuất, Thích Minh Quang Bảo Châu chùa Quy Sơn phụng chép tập này xong, tổng cộng 45 trương giấy” [tờ 45b6].
Về bố cục tác phẩm Phật môn pháp sự yếu tập có hai phần: phần tựa và phần nội dung. Phần tựa gồm 2 bài tựa của ngài Toàn Nhật [tờ 1a-3a] và của ngài Pháp Chuyên [3b-4b]. Phần nội dung gồm có 2 quyển Phật môn pháp sự yếu tập quyển đệ nhất [5a] và Phật môn pháp sự yếu tập quyển đệ nhị [9b]. Trong 2 quyển này chia thành 4 thiên: “Xuất gia thiên đệ nhất” [5a], “Tập học thiên đệ nhất” [9b], “Niệm Phật thiên” [34b], “Lục đạo chúng sinh luân hồi sinh tử căn bản mê hoặc thiên” [41b3].
Mặc dù trong bài tựa của ngài Toàn Nhật ghi “tập hợp riêng thành một bản, để tiện cho hàng đệ tử học tập tu hành”, nhưng trong đây gồm 2 quyển “đệ nhất” và “đệ nhị”. Phần nhiều các đề mục trong tác phẩm đều chọn lọc từ Truy môn cảnh huấn 緇 門 警 訓, 10 quyển, 195 phần mục, thâu vào Đại chính tạng, quyển 48, số hiệu 2023, tr.1040-1097, do Thiền sư Cảnh Long – Không Cốc (đời Minh, thế kỷ XV) viết tựa. Truy môn cảnh huấn do Tăng nhân Trạch Hiền thuộc tông Lâm Tế biên soạn vào đời Tống, tại Trung Quốc, với tên gọi ban đầu là Truy lâm bảo huấn. Đến đời Nguyên, Thiền sư Minh Bản – Vĩnh Trung bổ sung và lấy tên Truy môn cảnh huấn. Đến đời Minh, Thiền sư Như Cẩn có được bộ sách này từ thầy mình là Thiền sư Cảnh Long – Không Cốc, và cho khắc in lưu hành. Đây được xem là bộ sách “Chỉ Nam tu hành” không những dành cho người sơ tâm xuất gia học Phật mà những ai có chí hướng bước lên giai vị thánh giả đều cần phải học tập và hành trì. Tác phẩm bao gồm nhiều đề tài rộng lớn, nội dung phong phú, hàm chứa những lời sách tấn, khuyên dạy, cảnh tỉnh người tu hành nuôi dưỡng chí hướng xuất trần, nâng cao phẩm hạnh, bồi dưỡng kiến thức, chừa bỏ những tập khí xấu do con người quen chìu theo cảm xúc và bản ngã.
Vì tầm quan trọng của tác phẩm nên khi khắc bản lưu hành, Thiền sư Cảnh Long viết tựa để giúp hành giả thấy được mục đích chân chính của người xuất gia học đạo. Nhờ những lời huấn thị của chư vị Tổ sư mà thấy được chân lý, nhờ chân lý mà sáng tỏ tâm ý, nhờ sáng tỏ tâm ý mà thấu triệt được bản tính thanh tịnh. “Vì thế bộ sách Truy môn cảnh huấn này, góp nhặt những lời dạy của các bậc tài ba mà biên tập thành sách, nào có luống uổng chi đâu! Sách này ví như ánh quang minh chói lọi giữa bầu trời, muôn vật đều nhận được ánh sáng ấy”5. Như Lai thanh tịnh tâm vốn có trong mỗi chúng sinh, nhưng trải qua nhiều kiếp sinh tử luân hồi, tâm thanh tịnh ấy bị khách trần phiền não che lấp. Nếu phá bỏ được màn vô minh che lấp ấy thì hành giả sẽ thấy được “mặt mũi xưa nay” của mình.
Về phần văn bản, xuyên suốt tác phẩm là chữ viết tay đẹp, đều đặn, những chữ nào khó đọc đều có chú âm hoặc chua thêm chữ Nôm vào bên cạnh. Phần đầu văn bản, chữ viết ngay ngắn, đầy đủ các cấu kiện hoặc bộ thủ của chữ Hán, tỉ lệ chú âm hoặc chua thêm chữ Nôm nhiều hơn, nhưng càng về sau thì chữ viết càng khó đọc và việc chua thêm chữ Nôm thưa dần. Để chữa lỗi cho những chữ viết nhầm, trong văn bản thường xuất hiện:
– Ba dấu chấm thủy氵bên cạnh chữ sai, chẳng hạn: nhất kinh bình kệ 一 經 平 偈, bên chữ bình phụ dấu 氵và ghi thêm chữ bán 半 bên cạnh, thành ra nhất kinh bán kệ 一 經 半 偈…;
– Dùng hai nét chấm hất冫để chèn thêm chữ viết sót, chẳng hạn: song thân tứ nhập chiên đường 雙 親 賜 入 鱣 堂, giữa chiên và đường thêm chữ học 學, thành song thân tứ nhập chiên học đường 雙 親 賜 入 鱣 學 堂 [1a3]; ứng cư quân ngũ 應 居 軍 伍, giữa quân 軍 và ngũ 伍 thêm chữ hàng 行, thành ra 應 居 軍 行 伍…;
– Chua thêm hai chữ thượng 上 hạ 下 để đảo chữ hoặc cụm từ bị viết nhầm trước sau, chẳng hạn: diệc tất lưu tâm nghiệp Nho 亦 悉 留 心 業 儒 chua thượng 上 và hạ 下 bên chữ nghiệp Nho 業 儒, thành ra diệc tất lưu tâm Nho nghiệp 亦 悉 留 心 儒 業 [1b3]…;
– Chú thích dòng chữ nhỏ bên cạnh, chẳng hạn: quyết ngoại tổ 厥外祖 chua thêm chữ thượng Bảo hạ Sơn 上寶下山 bên trái để chú thích tên ông ngoại của Toàn Nhật là Bảo Sơn [1a4]; đáo nhị thập nhị tuế 到二十二歲 chua thêm hệ Can chi Mậu Tuất niên dã 戊戌年也để ghi lúc Toàn Nhật 22 tuổi đúng vào năm Mậu Tuất [1a7]…;
– Chua thêm chữ Nôm cho dễ hiểu, chẳng hạn: bên cạnh từ hồ điệp 蝴蝶 chua thêm chiêm bao 占包 [2a6]; bên cạnh vạn ban đẩu tẩu 萬般抖擻 chua thêm [vạn] bề nôn na [萬]皮農那[2a9]; bên cạnh hạo hãn 浩瀚 chua thêm mênh mang 冥茫 [3b8]; bên cạnh yên khổ 嚥苦 chua thêm nuốt đắng 啐登 [6a3]…;
– Chú thêm chữ Hán ghi âm bên những chữ đa âm, chẳng hạn: trong nhất kiến liệu nhiên一見暸然, chú âm liệu 料 bên trái chữ liệu 瞭 và chua chữ Nôm rõ 𤑟 bên phải [4a4]…
Những lỗi được sửa chữa trong văn bản, có thể do Thiền sư Minh Quang sau khi sao lục xong, đọc lại thấy sai sót nên chữa lại. Hoặc thiền sư nào đó đời sau khi đem tác phẩm này ra dạy cho học trò, thấy sai sót nên sửa chữa hoặc chú thêm chữ Nôm vào văn bản. Bên cạnh cách chú thích âm đọc, thêm chữ viết thiếu, xóa bỏ chữ viết sai, chua thêm chữ Nôm xuất hiện xuyên suốt toàn bộ văn bản, còn có việc sao lục sai chữ so với nguyên bản trong Đại tạng kinh. Việc chép sai chữ từ nguyên bản 10 quyển của ngài Pháp Chuyên hay bản 1 quyển của ngài Toàn Nhật thì chưa rõ. Bởi lẽ, hiện nay nguyên bản 10 quyển của ngài Pháp Chuyên và bản 1 quyển do ngài Toàn Nhật tóm lược chưa sưu khảo được, mà chỉ có trong tay hai bản: một bản năm Bính Tý không đề tên người chép và một bản của ngài Quang Minh thì cũng có những xuất nhập chứ không giống nhau hoàn toàn. Phần lớn những chữ Hán, chữ Nôm chua thêm bên cạnh chính văn của hai bản này đều giống nhau. Chỗ sai sót của bản ngài Minh Quang sao lục nhiều hơn bản năm Bính Tý. Như vậy, có thể khẳng định rằng, bản chép năm Bính Tý xuất hiện trước rồi ngài Minh Quang sao lục lại sau nên bản này mắc nhiều lỗi. Chúng tôi chỉ dựa vào Đại chính tạng để đối chiếu và tìm ra những chữ chép sai trong khi phiên dịch những phần căn bản trong giới hạn đề tài nghiên cứu mà thôi, còn chắt lọc để chỉ ra tất cả những chữ viết sai trong văn bản thì cần phải đợi một bản dịch hoàn hảo.
Tác phẩm Phật môn pháp sự yếu tập gồm có 2 quyển, 4 thiên, với hơn 35 đề mục nhỏ. Quyển 1 Phật môn pháp sự yếu tập quyển đệ nhất [5a] có 1 thiên Xuất gia thiên đệ nhất. Quyển 2 Phật môn pháp sự yếu tập quyển đệ nhị [9b] có 3 thiên Tập học thiên đệ nhất, Niệm Phật thiên và Lục đạo chúng sinh luân hồi sinh tử căn bản mê hoặc thiên. Trong hai quyển này, có vài đề mục do thiền sư Pháp Chuyên biên soạn, nhưng cũng có nhiều đề mục được trích lục từ những lời dạy của các thiền sư Trung Hoa. Riêng thiên cuối cùng Lục đạo chúng sinh luân hồi sinh tử căn bản mê hoặc thiên [41b3] do chính Thiền sư Pháp Chuyên biên soạn, nói về nguyên nhân của luân hồi sinh tử là do lòng dâm dục. Vì dưới đề mục có chua thêm dòng chữ nhỏ “慈光蘭若沙門釋法專律傳妙嚴述 Sa-môn Thích Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm chùa Từ Quang trình bày”. Ngoài thiên này và 2 bài tựa ở phần đầu, các đề mục còn lại đều tóm lược từ các kinh điển, như Xuất gia lợi ích chương [5a4] được trích lục vắn lược từ kinh Phật thuyết xuất gia công đức [T16n0707-p0813c08]; hoặc sao lục lại từ lời dạy của các bậc Tổ sư Trung Hoa nằm trong Đại chính tạng, như Trúc song nhị bút của đại sư Liên Trì [J33nB277-p0051c01]…
Tuy nhiên, khi đối chiếu với nội dung trong Đại tạng kinh, văn tự của Phật môn pháp sự yếu tập xuất hiện rất nhiều chỗ được sửa tên đề mục hoặc viết nhầm chữ, sót chữ, dịch chuyển cụm từ và xuất hiện lác đác những chữ kiêng húy.
– Nhầm chữ: nhân 因 chép thành nhân 人 trong câu nhược nhân tiểu lợi hệ tâm hoài 若因小利繫心懷 [6a5]; hàn 寒 chép thành đông 冬 [33b9]; xỉ 齒 chép thành u 幽 [23b2]; thế 世 chép thành thế 勢 [23b2]; truy thù vị năngthù 錙銖未能酧chép thành truy thù vị hữu thù 錙銖未有酧 [24a9]; phát huy tượng pháp xả tử nhi thùy 發揮像 法捨子而誰 chép thành phát huy tượng pháp phi tử nhi thùy 發揮像法非子而誰 [24b5]…
– Dịch chuyển cụm từ: Đại Đường Từ Ân pháp sư xuất gia châm 大唐慈恩法師出家箴 chép thành Từ Ân pháp sư giới miễn xuất gia châm vân 慈恩法師誡勉出家箴云 [5b5]; Cô Sơn Viên pháp sư thị học đồ 孤山圓法師示學徒 chép thành Cô Sơn Viên pháp sư thị chúng 孤山圓法師示眾[24b2]; cố tu tu thân tiễn ngôn 故須修身踐言 chép thành cố đương tiễn ngôn tu thân 故當踐言修身 [24b5]…
– Sót chữ: viễn ký ư cách phàm thành thánh 遠冀於革凡成聖 chép thiếu chữ ư 於[24b5]; nhược bất y dư ngôn giả 若不依予言者 chép thiếu chữ dư 予 và giả 者 [24a5]…
– Kiêng húy: Chúng ta bắt gặp nhiều nơi chữ thì/thời 時 đều viết thành thìn 辰; chữ hoa 華 viết thiếu nét sổ ở giữa.
Chữ thì/thời 時 là phép kiêng húy thời vua Tự Đức nhằm tránh gọi tên vua Tự Đức. Trong ngày đăng quang, vua Tự Đức dẫn các đại thần lên chính điện kính cẩn mở Kim đằng lấy Sách đặt tên do vua Minh Mệnh soạn để chọn chữ đặt tên. Câu đầu của bài thơ 20 chữ có bộ nhật 日do Minh Mệnh soạn là: “暶時昇昊明 Tuyền Thì Thăng Hạo Minh”. Tự Đức kế vị vua Thiệu Trị chọn chữ Thì 時 là chữ thứ 2, nối tiếp chữ Tuyền 暶 là tên của vua Thiệu Trị. Từ đây, chữ Thì là tên chính thức của vua, tên thuở nhỏ là Hồng Nhậm 洪任 chuyển làm tên tự. Vì vậy, trong văn bản ta thấy chữ thì/thời 時 đều viết thành thìn 辰, như Thế sự hà thì hưu 世事何辰休[24a8]; dục tọa thiền thì 欲坐禪辰 [28b3]. Tuy nhiên, cũng có chỗ không viết kiêng húy, như ư nhất thiết thì các hữu công dụng 於一切時各有功用[9b9], đương thị thì dã 當是時也 [12b3]…
Chữ hoa 華 là phép kiêng húy thời vua Thiệu Trị nhằm tránh gọi tên bà Hồ Thị Hoa (1790-1806), con gái Chưởng cơ Hồ Văn Vui được chọn làm chính phi của hoàng tử Đảm (sau lên ngôi là vua Minh Mệnh)6. Khi gặp chữ Hoa 華, các văn bản quan phương bấy giờ phải viết “gia dạng” (thêm ký hiệu), hoặc đổi chữ hoa 華 thành hoa 花, khi đọc phải kiêng âm “trên là chữ thảo, dưới là chữ hóa” (上從艸下從化=花). Trong văn bản Phật môn pháp sự yếu tập có một chữ hoa 華 viết kiêng húy (không có nét sổ ở giữa) liên hoa hóa sinh 蓮華化生 [44b3], nhưng chỗ khác lại viết bình thường Hoa nghiêm kinh vân 華嚴經云 [44b7]…
Có thể thấy rằng, đây là văn bản thuộc thư tịch Phật giáo nên định lệ viết kiêng húy không mấy khắt khe. Có chữ viết kiêng, có chữ không viết, chẳng qua là cách viết quen tay của người sao lục đã ảnh hưởng trường quy quan phương mà thôi.
2. Mục đích biên soạn Phật môn pháp sự yếu tập
Trong phần Phật môn pháp sự yếu tập tự do Thiền sư Pháp Chuyên đề tựa đã nói rõ mục đích của việc biên soạn ra tác phẩm này: “Pháp sự của nhà Phật chính là việc mà người thế tục vì chuyện lớn sinh tử nên xuất gia học Phật. Là đệ tử Phật đều phải nương pháp này tu trì thì vĩnh viễn đoạn các khổ sinh tử luân hồi mà thông đến chỗ an lạc của cửa niết-bàn” [3b]. Chính vì mục đích cấp thiết ấy mà đức Phật, chư Tổ đầu tiên lấy việc tự tu làm gốc cho con đường tự lợi; tiếp đến mang tâm nguyện và khả năng của mình ra hoằng pháp độ sinh, làm gốc cho con đường lợi tha. Khi hai việc tự lợi và lợi tha được thành tựu, hành giả mới tiếp dẫn chúng sinh tu tập thành tựu Phật quả. Là người tu hành, nếu ai không ngộ được lý này mà trái lại bỏ gốc theo ngọn thì dù có tu tập cũng sẽ thành pháp môn du hý, đắm chìm trong mê vọng của trần tục thế gian, thậm chí còn rơi vào tà ma ngoại đạo. Dẫu có gánh vác bao nhiêu sự nghiệp của thế gian thì chung quy vẫn là nhằm “mưu cầu danh lợi, tự khoe tài năng, ngã mạn tự cho mình có phước, cống cao ươn lười, phản hủy Tam bảo, mê hoặc để mọi người theo mình, sai lầm tai hại quá lớn!”[3b].
Sự nghiệp của người tu hành là cần phải thực hiện tự lợi và lợi tha, để đạt đến mục đích cuối cùng là giải thoát giác ngộ như lời phát nguyện trong văn Hồng danh bảo sám: “Con nay phát tâm không vì tự cầu phước báo của hàng trời, người, Thanh văn, Duyên giác, cho đến quyền thừa, quả vị Bồ-tát, mà duy chỉ đạt đến quả vị Tối thượng thừa, phát tâm Bồ-đề, nguyện các chúng sinh trong pháp giới cùng chứng đắc quả vị Chánh đẳng chánh giác”7. Nếu hàng hậu học không tỉnh thức đi theo mục tiêu đã được chư vị Tổ đức vạch ra, mà trái lại, lúc nào làm việc cũng nghĩ đến tài sắc, lợi danh, chức tước thì sớm muộn gì cũng sẽ bị chôn vùi trong hố sâu trần tục. Tưởng rằng mình làm Phật sự mà hóa ra đang làm ma sự, tưởng rằng mình đang hướng dẫn đồ chúng tu tập mà không ngờ đang đưa đồ chúng vào chỗ mê mờ tăm tối, “nhất manh dẫn chúng manh, tương tương nhập hỏa khanh”8, như kinh Hoa nghiêm đã dạy: “Quên mất tâm Bô-đề, dù có tu các pháp lành thì đó là nghiệp của ma”9. Chính vì quên mất mục đích nên mình và người đều khổ, mãi chịu trầm luân trong sinh tử luân hồi, đường ác khó thoát.
Pháp môn tu tập trong đạo Phật rộng lớn mênh mông, nghĩa lý thâm viễn, những người xuất gia phàm phu hậu học, trí kém căn nhỏ, thì làm sao có thể nhìn thấy được chút ít chân lý mầu nhiệm để lần tìm cửa ngõ nhập môn? Kẻ vô trí hạ căn sẽ không biết phương nào để dò dẫm mà tới đích, đành phải rơi vào hang quỷ tà ma, đánh mất lợi ích của việc xuất gia và diệu nhân bồ-đề vốn có. Ngài Pháp Chuyên đã nhìn thấy hiện tình Tăng-già bấy giờ mờ mờ mịt mịt, lật dưới lớp áo ca-sa ra thì chẳng khác gì cái hang khổ não. Vì lý do đó mà ngài dày công phiên đọc kinh điển, ghi chép cẩn thận và mạnh dạn khuyến tấn tầng lớp đệ tử của mình: “Hôm nay, Pháp Chuyên tôi thương tưởng đến hàng hậu học kia, không lượng mình ngu lậu mà xét đọc Đại tạng, chắt lọc lấy những lời dạy thiết yếu của Phật, Tổ, các pháp lành của các bậc đại sư, tham tường tông yếu, thêm dụng tâm của tôi vào, bỏ ngụy bày chân, cố gắng trình bày sáng tỏ cho người từ lúc mới xuất gia học đạo cho đến lúc ứng thế độ nhân, dốc tâm soạn thành 10 quyển, đặt tên là Phật môn pháp sự yếu tập. Trong đó nêu đầy đủ rõ ràng các phép tắc, nghi thức gốc ngọn để phân biệt quỷ, ma và Phật. Phàm nếu có người xuất gia hậu học một khi nhìn thấy thì sẽ hiểu rõ, chẳng vất vả để tìm cầu hướng khác” [4a].
Phật pháp mênh mông nhưng cuộc đời tu tập cần phải được định hướng bằng những giáo lý căn bản và cần thiết nhất. Ngài Pháp Chuyên đã duyệt đọc toàn bộ Đại tạng kinh để rút tỉa những tinh hoa Phật pháp, hướng người tu tập tìm thẳng đến tông chỉ cứu cánh, khỏi cất công tìm cầu bên ngoài, uổng công vô ích: “Ngày ngày thường xem, tham cứu cẩn thận, chẳng rời hai bên, như tấm gương soi rọi thân tâm, ngày đêm tu trì, có nguồn tông chỉ, biết chỗ hướng đến, chẳng mê đường tà, tu hành tự độ, giáo hóa mọi người, đều có sự lý. Pháp độ rõ ràng, chẳng chút hỗn tạp, cùng giúp hai lợi, kết nhân bát-nhã, truyền bá đạo mầu, giáo hóa hữu tình, tiếp dẫn quần sinh, cùng thành Chánh giác” [4a].
Phàm là người đệ tử Phật, cần phải học theo diệu hạnh lợi mình của Phật, Tổ, lấy tự lập làm gốc, gốc có đứng vững thì mới hóa độ được người. Đối với người thực hành đạo Giác ngộ, không cầu tự lợi mà luôn muốn làm lợi ích cho người, kiêm hành sáu độ ba-la-mật, sự lý song tu, tự tha gồm cứu, công đức không thể nghĩ bàn, phước tuệ trang nghiêm vô tận, cùng dắt dẫn chúng sinh vượt thoát bến mê, bước lên bờ giác, chứng đại quả Bồ-đề. Người xuất gia như vậy mới xứng đáng là đệ tử Phật, vì sơ tâm xuất gia chẳng bị bóng tối che khuất, khiến thiên ma kinh phục, nỗ lực hoằng pháp lợi sinh, nối truyền giống Phật, làm tai mắt cho trời người, đó là cuộc sống an lạc không gì sánh bằng!
Tác giả Phật môn pháp sự yếu tập còn cảnh giác người tu hành: “Nếu bỏ gốc theo ngọn, dong ruổi hư dối để rồi quên đi sự thật, chạy theo tham dục lợi dưỡng để cầu danh thơm, lẫn với dòng đời để làm những việc giống họ, không tin lời Phật, chẳng vâng lời Tổ, mà lại bày đặt sự hào nhoáng bên ngoài hư ảo, để rồi nhàn tạp vịnh ca, rối bời lòng dục, tựa phường xướng hát, du lịch nhân gian, kiếm chác tiền tài. Những việc như vậy không những chẳng thành tựu được hai điều lợi ích mà rốt cuộc trở nên hai điều tệ hại hiện tiền” [4b]. Trái lại, đối với những kẻ xuyên tạc rằng Phật, Tổ dạy suông, lại chê đất trời giả dối thì sẽ tự chiêu lấy quả khổ, ức kiếp đọa trong ba đường. Tác giả còn khuyên người xuất gia phải trân quý kinh điển, dù sách rơi chữ mất cũng phải biết trân trọng sưu tầm: “Còn đối với văn tự bị người vứt bỏ, phải gấp gáp mua về, kinh sám có lợi rất nhiều, mong cầu cứu chuộc, vì những lẽ chân thật đều nằm trong ấy. Một câu kinh nửa bài kệ, làm tiêu tan khổ đau địa ngục, được sinh cõi trời; một câu nửa lời, thừa pháp lực mà thành Chánh giác. Lời Phật không dối, mà mình tự mê là tại đâu?”[4b]. Câu hỏi tu từ này chính là công án nhiệm mầu cho các hành giả xuất gia tu học.Lời Phật, ý Tổ là sự thật, là kim chỉ nam để hành giả nhận biết nẻo chính đường tà.
Cuối cùng, tác giả chắp tay tạ ơn Tam bảo và hồi hướng cho những người có duyên lành với Phật pháp, thậm chí những kẻ báng bổ Đại thừa cũng đều trọn thành quả vị Chánh giác: “Ngưỡng thừa uy thần Tam bảo chứng minh hộ niệm, Bồ-tát thiên long cùng nhau cứu giúp, nguyện bố thí công đức nhân lành của pháp này, để tất cả hữu tình cùng được thấy nghe, đều thấm lợi lạc, mình người thắng ích, cùng chứng Bồ-đề. Hết thảy những ai tin tưởng, những ai báng bổ cùng kết duyên pháp lữ; hoặc ai thuận ai trái cùng thành tựu Phật đạo” [4b].
Về sau, đệ tử xuất gia của Thiền sư Pháp Chuyên là Toàn Nhật – Quang Đài cũng nhận thấy tác phẩm này mang lại lợi ích thiết thực cho người xuất gia học đạo nên ngày đêm nghiền ngẫm, tóm lược lại thành một tập để sách tấn môn đệ của mình chuyên tâm tu học: “Lại may mắn được đại đức Thủ tòa là pháp huynh [Toàn Thể – Vi Lương – Linh Nguyên] ta ở Tổ đường trao cho quyển Phật môn pháp sự yếu tập, ngày đêm ta ngẫm đọc, thấy trong tập trình bày sẵn lời chư Phật về việc từ khi mới xuất gia, tu phép quán tưởng, cho đến khi ứng thế độ người, mỗi giai đoạn đều có thứ tự gốc ngọn, trật tự rõ ràng. Bí quyết vi diệu tu hành thành Phật, làm Tổ, không có pháp nào vượt hơn những lời dạy trong đây. Mấy năm về trước, mặc dù ta đã đọc kinh luật, kiêm việc giảng thuyết, nhưng phần việc căn bản chưa được tỏ tường. May mắn nhờ có được tập sách này, theo pháp tu hành, ta như người đi trong đêm tối gặp đèn, tuệ tính dần dần khai mở” [3a3].
Khi viết Lời bạt cho Phật môn pháp sự yếu tập, Thiền sư Thích Tâm Thiền cũng nhấn mạnh xuất xứ và tầm quan trọng của tác phẩm: “Thế nhưng vào đời Mạt pháp, hàng hậu học căn tính chậm lụt không biết từ đâu để hiểu ngộ, chỉ có cuốn Phật môn pháp sự là tác phẩm của Lão Tổ chùa Từ Quang xiển bày Tam tạng, khắc thành 10 quyển… Cho nên, pháp sư [Toàn Nhật chùa] Viên Quang xem qua bản này mà hoát nhiên đại ngộ. [Ngài] lại e ngại những kẻ trí cạn thì khó mà kham nổi, nên đành giản lược thành một tập. Nay đệ tử nhờ may mắn nào đó trong kiếp trước mà tuổi trẻ sớm vào cửa Phật, được thầy khai thị dạy dỗ, siêng năng với việc chùa. Bây giờ gặp được tập sách này, đọc xong quả đúng là những lời thiết yếu của Phật, của Tổ, nghĩa lý phân minh, giản lược dễ học cho kẻ phàm tâm. Thí như phòng ốc tối tăm ngàn năm, nay được ngọn đèn chiếu tỏ” [45a7].
3. Bổn phận người sơ tâm xuất gia học đạo
Mở đầu quyển thứ nhất với thiên Xuất gia, Thiền sư Pháp Chuyên căn cứ vào kinh Phật thuyết xuất gia công đức để nêu ra lợi ích của việc xuất gia và tác hại của mười ác nghiệp. Kinh này khuyết danh dịch giả, được thâu vào Tây Tấn lục, hiện tồn trong Đại tạng kinh quyển 16, số hiệu 707, trang 813. Nhân thấy vương tử Dũng Quân mê đắm dục lạc với các thể nữ trên lầu cao tại thành Tỳ-xá-ly, đức Phật dùng Nhất thiết trí nghe âm thanh ấy rồi nói với A-nan: “Ta biết người này tham đắm năm món dục lạc, sau bảy ngày nữa thì mạng chung. Như vậy, anh ta sẽ xa lìa hạnh phúc bên người thân, nhất định phải chết. Này A-nan! Nếu người này không bỏ dục lạc, không xuất gia thì khi mạng chung có thể bị đọa địa ngục”. Nghe vậy, A-nan đến nói việc này cho vương tử Dũng Quân biết. Bấy giờ, vương tử sợ đọa địa ngục nên tranh thủ hưởng thụ dục lạc tiếp sáu ngày nữa, đến ngày thứ bảy đến xin đức Phật xuất gia trọn một ngày đêm. Sau khi tu trì tịnh giới một ngày đêm xong, mạng chung thần thức sinh về các cõi trời Lục dục mãn hai mươi kiếp, thường được hưởng phước báu, hạnh phúc an vui, không đọa lạc ba đường ác. Sau khi thọ hết phước báo cõi trời rồi, lại sinh vào nhà giàu có, của cải châu báu đầy đủ, nhưng chán ngán cõi đời, bỏ tục xuất gia, không quên dòng dõi kiếp trước, thành tựu quả vị Bích-chi Phật.
Trong thiên này, Thiền sư Pháp Chuyên cũng nói đến lợi ích xuất gia: “Lại nói, có người cho phép người khác xuất gia thì người ấy thường sinh lên cõi trời, nếu sinh trong cõi người thì thường làm quốc vương, hưởng phước lạc nhân thiên. Ta nói công đức của người ấy không thể cùng tận. Cho nên ngạn ngữ thường nói: ‘Người cao thượng nhất, thì xuất gia là tốt nhất’, ‘Một người con xuất gia, chín đời được sinh thiên’. Vì thế cho nên xuất gia là pháp thanh tịnh an lạc tột cùng, tối huyền tối diệu, tối tôn tối thắng, không thể lấy gì để thí dụ được” [5a5].
Vì sao xuất gia là pháp tối thượng?
Ngài Pháp Chuyên trả lời: “Bởi vì, người thế gian trần tục, phần lớn gây nhân xấu, nên đời sau nhận quả xấu. Vì họ sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, thêu dệt, hai lưỡi, ác khẩu, tham ái, sân hận, ngu si. Mười điều ác nghiệp này là nhân; kiếp sau chịu khổ trong ba đường, tám nạn, ngu si, mê ám, bần cùng, hạ tiện, tật bệnh, chết yểu là quả. Người xuất gia thường tu hạnh từ bi, nhẫn khổ, tứ niệm, chính cần, như ý, căn, lực, giác, đạo, lục độ là nhân; sau được quả báo tứ biện, tam minh, lục thông, bát giải, thập lực, tứ trí, tam thân, Phật quả Bồ-đề vậy. Cho nên được thanh tịnh an lạc, huyền diệu tôn thắng. Những lợi ích trong đây là đạt được lợi ích lớn vậy. Phàm là người đầu Phật xuất gia làm Tăng, tức đã đoạn ác pháp thế gian, tu trì Phật pháp, gọi là người đại giải thoát, cũng gọi là đạo nhân vô sự, cho nên được đại lợi ích. Nếu người không đoạn ác tu thiện, mà trái lại làm tổn hại lớn, thì có ích lợi gì?”[5a8].
Mục đích cao cả nhất của người xuất gia là giải thoát mọi ràng buộc khổ đau, hướng đến đời sống tịnh lạc niết-bàn. Tuy nhiên, trong tiến trình hoàn thiện từ nhân cách đến thánh cách, hành giả phải trải qua nhiều giai đoạn thành tựu sự nghiệp văn-tư-tu trong cuộc đời mình. Thậm chí việc thành tựu Phật quả phải trải qua vô số kiếp tu hành, gạn đục khơi trong, bỏ tà quy chính, hành việc lợi tha như tiền thân đức Phật được ghi lại trong Bản sinh đàm. Khi nào con người có khát vọng giải thoát khổ đau thì khi ấy họ mới tỉnh giác nhận diện được khổ đau, chấp nhận dừng lại mọi tham dục ở đời và tinh tấn vượt qua khổ đau. Phương pháp đặc trưng của con đường tu tập đạo Phật là sự tự đào luyện, tự thể nghiệm bằng trực quan cộng với tư duy, vận dụng những lời Phật dạy, suy ngẫm những tấm gương tu hành của các bậc Tổ sư lịch đại để chọn lựa phương pháp tối ưu mà hành trì phù hợp với căn cơ và khả năng của mình.
Trong đời sống hiện thực có nhiều tấm gương tu hành khả kính nhưng cũng tồn tại không ít những thành phần “bất tiếu” trộn lẫn trong đoàn thể Tăng-già. Có người ban đầu xuất gia với tâm nguyện thanh cao, muốn thành tựu đạo nghiệp nhưng dần dà sa vào con đường mưu cầu danh lợi, chức tước thế gian mà không hề hay biết. Như người đi trong đêm tối, tuy không nhìn thấy sương móc nhưng càng đi thì áo càng thấm ướt; như người vào chợ cá, ban đầu nghe tanh hôi nhưng càng ở lâu trong chợ thì cảm giác tanh hôi không còn nữa, vì mũi và thân đã quen nhuốm mùi hôi tanh của cá. Người xuất gia càng sống lâu trong môi trường danh lợi, thị phisẽ không nhận ra được khách trần phiền não đeo bám thân tâm.
Chính vì tập nghiệp thế gian sâu dày, phước nghiệp tu tập cạn mỏng nên trong bài Biện minh xuất gia tà chính hành nghiệp, đại sư Tiên Giác nói: “Vào thời tượng pháp, mạt pháp, Phật pháp mờ nhạt, người xuất gia tuy nhiều, nhưng người chứng đạo lại ít. Huống gì nay tượng pháp đã qua, đầu đời mạt pháp vẫn còn vạn năm. Trong đó, người xuất gia tu hành tuy nhiều nhưng chưa thể chứng đạo, chỉ mong sao tu hành chính nhân Phật pháp, dần dần tương lai mới chứng đạo quả. Cớ sao người xuất gia không tu chính hạnh mà hành tà nghiệp, để sau đó phải rơi vào đường ma? Cho nên người xuất gia tự nhắc nhở rằng, phải đoạn trừ ngũ dục, vứt bỏ trần duyên, cất bước chân đi là đến phương trời cao rộng, nguyện thành Phật, thành Tổ. Một khi chuẩn bị bước vào cửa Không làm kẻ đầu tròn áo vuông, nhưng quên mất tâm ban đầu nên hành theo tà nghiệp. Có kẻ làm thầy thiên văn địa lý, có kẻ làm thầy phù thủy bói toán, hoặc làm nghề khắc họa, hoặc làm nghề bốc thuốc đoán mệnh, hoặc làm nghề xem tướng, hoặc làm nghề buôn bán kiếm lời, hoặc làm nghề dạy học thơ ca, hoặc bày đạo tràng thanh giáo. Tất cả những tà nghiệp như vậy vì để dưỡng thân nuôi mạng, cho nên trong luật đều cấm tự nuôi sống mình bằng tà mạng. Vì những tà nghiệp này mà nhiễm ô ngũ dục, rồi dấy khởi ba độc tham sân si, mười ác nghiệp. Do gây ác nghiệp nên rơi vào ba đường, rốt cuộc cũng chỉ là bọn tà ma vậy” [8a1].
Nguyên nhân ấy từ đâu? Đại sư Liên Trì nói: “Người mới xuất gia, tuy chí nguyện phát khởi có lớn có nhỏ, nhưng không ai không có đạo tâm tốt. Rồi năm tháng qua đi, lại bị ô nhiễm bởi điều kiện danh lợi, bèn xây dựng phòng ốc, trang sức y phục, sắm tậu ruộng vườn, thu nuôi đồ chúng, tích trữ nhiều vàng lụa, siêng làm việc tục gia, chẳng khác gì người thế tục. Kinh Phật có dạy: ‘Một người xuất gia tu đạo, thì thiên ma ba-tuần sẽ sợ hãi’. Nay [Tăng biến thành tục] như vậy thì ma ba-tuần rót rượu chúc mừng nhau rồi. Người có lòng tốt xuất gia, phải nhanh chóng nhìn ra vấn đề này! Tôi từng thấy một vị Tăng tu khổ hạnh trong núi sâu, một khi ra khỏi núi, được mấy chục nam nữ tín tâm quy y cúng dường, rồi lâu ngày mất hết đạo lực, chôn vùi một đời, huống gì người mắc những lỗi lớn hơn thì sao! Người xưa nói: ‘Cần phải xa lìa một lần nữa ngôi nhà phiền não, lại cắt một lần nữa tấm lưới trần lao. Ấy là xuất gia sau khi xuất gia vậy’. Xuất gia lần đầu dễ, nhưng xuất gia lần sau mới khó. Tôi vì việc này mà sớm tối nơm nớp lo sợ phạm vào những điều lỗi lầm” [6a8].
Phàm là người xuất gia, cần phải định hướng được cuộc đời tu học của mình. Sau khi ra khỏi gia đình quyến thuộc, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, sống cùng chúng Tăng trong một ngôi chùa hay tu viện, thì đây chỉ là “xuất gia lần đầu”. Sau đó, hành giả phải khép mình theo những giới luật Phật chế, thanh quy thiền môn, sống thanh tịnh hòa hợp với đại chúng, y chỉ theo giáo pháp của Phật để thanh lọc thân tâm, sống đời giải thoát, hướng thẳng đến đạo quả Vô thượng Bồ-đề, đây là “xuất gia lần sau”. “Xuất gia” về sự là ra khỏi ràng buộc của ngôi nhà thế tục, nhưng cần phải “xuất gia” một lần nữa về lý để ra khỏi ngôi nhà phiền não của Tam giới. Tuy nhiên, làm đệ tử Phật, ngoài việc tinh chuyên giới luật, thông đạt kinh điển, thì cần phải nhìnthấy được tập khí không tốt đẹp của người xuất gia mà e dè, nhằm tránh sự cười chê của thế gian và hàng ngoại đạo. Thiền sư Pháp Chuyên đã sưu lụcBa mươi hai điều bất tường của người xuất gia của đại sư Liên Trì10:
“1. Ngồi yên trước Phật nhận người lễ bái; 2. Mắng chửi người trước điện Phật; 3. Lớn tiếng chỉ trích người khác và nói lỗi các bậc tiền hiền trên pháp tòa; 4. Nhận người lễ bái lúc mặc áo lót; 5. Mắng người khi đang ăn; 6. Đối với thức ăn phân biệt ngon dở, rồi khởi tâm hiềm ghét; 7. Dùng lụa là, sa gấm để may y phục làm việc nhà hằng ngày; 8. Dùng nệm dày, chiếu dày và tấm trải lĩnh, màn trướng lụa để trải giường nằm; 9. Sáng sớm mắng mỏ người; 10. Hiềm ghét vật cúng dường ít ỏi của tín thí; 11. Mua nô bộc để giúp việc sai khiến giống như nhà giàu sang; 12. Người khác vất vả riêng ta an nhàn; 13. Người khác nghèo thiếu riêng ta dư dả; 14. Tuổi nhỏ mà làm thầy giảng pháp, làm thầy thí thực, làm thầy trụ trì; 15. Tuổi nhỏ cậy có chút thông minh rồi coi thường các bậc tôn túc lớn tuổi; 16. Cậy lạp hạ cao coi thường đàn hậu tiến; 17. Vô cớ được cúng dường nhiều; 18. Người khác đem lòng chí thành đối đãi với ta, nhưng ta lại xảo trá đối với họ; 19. Thích bàn lỗi của người khác và những việc nhỏ nhiệm khuất lấp; 20. Lấy vật chung của thường trụ đem cho người thế tục; 21. Sủng ái đệ tử sa-di mà cho ăn ngon mặc đẹp; 22. Mở miệng một tí là dùng lời thô thiển nặng nề khiến người nghe khó chịu; 23. Được nhiều người ủng hộ, nhiều người tín thí thì liền tự tôn tự đại; 24. Không bệnh tật mà sai người đi đổ bô nước thải; 25. Trong lúc bệnh tật, nổi sân với người phục vụ; 26. Đang mặc ca-sa mà đi tiểu tiện; 27. Gặp lụt lội, nắng hạn, liền oán hận trời đất; 28. Mình mắc nợ người, khi nghe họ chết thì lòng sinh vui mừng; 29. Chưa nói đã cười; 30. Thông hiểu một chút giáo lý thì vọng bàn người xưa, coi thường người nay; 31. Có chút ít hiểu biết thì tự gánh vác việc tông sư; 32. Những thứ trên đây làm tổn giảm phước thọ, gặp nhiều chướng ngại tai ương” [6b4]. Đối với 32 điều “không tốt đẹp” kể trên, người xuất gia nên kiêng dè tránh xa.
Đối với người mới xuất gia học Phật, trong Tập học thiên đệ nhị [9b7], Thiền sư Pháp Chuyên khuyên dạy nên nương tựa vị luật sư trong tự viện để tụng đọc thuộc Tỳ-ni nhật dụng mỗi ngày, giờ khắc nào cũng thường xuyên hành trì bốn oai nghi, nghĩ nhớ pháp bí mật thì mới có thể tiêu trừ được ác nghiệp, bước vào con đường thiện lương. Tiếp theo, người sơ tâm xuất gia phải học tập mười giới Sa-di để hành trì, nhằm chấm dứt điều ác, chuyên tâm hành thiện. Thực tập hai mươi bốn chương oai nghi thuần thục, tuân hành các nết hạnh vi tế mới có được nghi dung của hàng Tăng bảo. Bấy giờ mới có thể cạo tóc, mặc áo nhuộm thâm, đăng đàn thọ giới Cụ túc gồm 250 giới và thọ giới Bồ-tát gồm 10 giới trọng 48 giới khinh, tất cả đều phải tinh thông thuộc làu mới trở thành Tỳ kheo, vào hàng đại Tăng. Tất cả đại luật, tiểu luật trong Đại tạng đều phải học tập, nghiên cứu tinh chuyên. Thọ trì luật tạng thuần thục rồi, lần lượt học tập tinh thông kinh luận Đại, Tiểu thừa để thâm nhập diệu lý. Tiếp theo, hành giả ngao du tìm thầy hỏi bạn, tham học với các bậc thầy Đại thừa, việc lớn sinh tử in khắc vào tâm để tìm cầu giải thoát. Rồi sau ẩn cư nơi bìa rừng ven suối, cùng cốc thâm sơn để hộ trì hạnh độc cư, ngày đêm thiền tọa tư duy, nuôi dưỡng Thánh thai, việc lớn sinh tử sáng tỏ, chứng tướng chân thật. Nếu được trời rồng ủng hộ thì đi vào cuộc đời để độ sinh, tự lợi, lợi tha, thành tựu Phật đạo. Nếu có tín tâm xuất gia như vậy thì mới trở thành đệ tử Phật chân chính. Trái lại, nếu xuất gia mà không tuân phụng lời Phật dạy, tập tành dua nịnh theo thầy tà bạn ác, nói dối làm sai, chỉ uổng phí cả cuộc đời này, sau khi chết rơi vào ba đường đau khổ.
Việc quan trọng của người xuất gia học đạo được Thiền sư Pháp Chuyên trình bày cũng lấy ý từ luật Sa-di: “Phật dạy người xuất gia, năm hạ về trước ròng chuyên giới luật, năm hạ về sau mới cho nghe kinh giáo và học phép tham thiền”11, nhưng các bước dường như có chút sai khác với tình hình của người xuất gia thời nay. Nếu ngày xưa, người mới xuất gia học đạo cần phải tụng đọc Tỳ ni nhật dụng, luật Sa-di, hành trì 24 thiên oai nghi thuần thục rồi mới được cạo tóc, khoác áo nhuộm thâm, thọ giới Cụ túc và giới Bồ-tát; thì đa phần người xuất gia ở các chùa tu Tịnh độ ngày nay phải học thuộc hai thời công phu tối sáng, tối thiểu phải học xong hai cuốn luật tiểu (Tỳ-ni, Sa-di) thì mới được cạo tóc để tập sự hành điệu.
Cuối cùng, Thiền sư Pháp Chuyên tóm lược lợi ích của việc hành trì giới luật: “Giới luật là kỷ cương của Phật pháp, là mạng mạch của Tăng-già, là chiếc cầu vượt qua biển khổ, là con đường quan trọng để đạt đến niết-bàn. Như lời Phật nói, nếu Ta trì giới còn không được làm thân người thì làm sao có thể làm thanh tịnh cõi Phật, thành tựu chúng sinh mà đắc Vô thượng Bồ-đề, có 32 tướng tốt, 80 dáng đẹp của Như Lai. Từng tướng tốt trang nghiêm, pháp thân vi diệu đều do trì giới mà được. Cho đến thân Phật màu vàng ròng có muôn đức, huống gì các bậc hiền thánh Tam thừa, cho đến trời người đều lấy việc trì giới cấp thiết làm đầu. Nếu không trì giới thì tai nạn hình thành. Cho nên, người mới xuất gia cũng lấy việc trì giới làm nhiệm vụ cấp thiết, làm công việc trước tiên mới thành tựu diệu hạnh. Nếu không như vậy, thì làm sao có thể siêu thoát sinh tử, chứng đại Bồ-đề? Nếu không minh tường kinh luận thì làm sao có thể ngộ nhập Phật tâm? Nếu không thiền định tư duy thì làm sao có thể chứng ngộ Phật quả?” [10b1].
Kết luận
Phật môn pháp sự yếu tập, gồm 10 quyển, do Thiền sư Pháp Chuyên biên soạn nửa cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Sau đó, ngài Toàn Nhật rút ngắn thành 01 quyển và vẫn lấy tên cũ là Phật môn pháp sự yếu tập. Đây là tác phẩm được biên soạn từ việc sưu tập những lời dạy của đức Phật, chư vị Tổ sư Trung Hoa. Trong đó, có phần sưu lục nguyên bản từ Đại tạng kinh, đặc biệt là Truy môn cảnh huấn, nhưng cũng có phần do Thiền sư Pháp Chuyên rút tỉa ý nghĩa quan trọng từ các kinh luật để biên soạn theo văn phong của mình. Việc giải thích hai chữ “yếu tập” trong quyển đầu tiên đã nói lên nội dung và hình thức của tác phẩm này: “要集者謂述佛祖切要之言 Yếu tập, nghĩa là trình bày những lời thiết yếu của đức Phật, chư Tổ ”[5a].
Người xuất gia vì mục đích thấu triệt việc lớn sinh tử, đoạn trừ khổ đau nên thời gian đầu phải được rèn luyện để sống theo một lối sống đạm bạc, có kỷ luật, có ý niệm vị tha. Đến khi được thọ giới Cụ túc, làm người thầy hướng dẫn đồ chúng tu tập phải là những đạo sư mẫu mực về đạo đức, có trình độ Phật học vững vàng, cộng thêm những kỹ năng hoằng pháp và có những kiến thức tối thiểu về thế học để làm phương tiện cần thiết cho con đường phụng sự tha nhân. Đây là lý do mà tác phẩm Phật môn pháp sự yếu tập của thiền sư Pháp Chuyên ra đời. Tác giả thương tưởng đến hàng hậu học nên không ngại kiến thức của mình thiển bạc, cố gắng duyệt đọc kinh điển, chắt lọc từ những lời dạy thiết yếu của Phật, Tổ, đúc kết thành những đề mục mang ý nghĩa sáng tỏ, văn phong dễ hiểu cho người xuất gia sơ tâm học đạo. Gốc có vững thì cành lá mới vươn cao, người sơ tâm học đạo có nền tảng tu tập thì mới tránh khỏi đường ma lối hiểm, thẳng tiến trên con đường mà các bậc Như Lai đã đi, hoàn thành hai điều tự lợi và lợi tha.
Bổn phận người xuất gia học đạo là giải thoát mọi phiền não trói buộc thân tâm, hướng đến cảnh giới vắng lặng Niết-bàn. Vậy thì trước tiên phải khép mình trong các giới luật thanh tịnh, đoạn trừ 5 món dục, cắt bỏ trần duyên, “một khi cất bước chân ra đi là hướng đến phương trời cao rộng”, nguyện thành tựu quả vị Tối thượng Bồ-đề. Tuy nhiên, cũng có kẻ sống nhiều năm trong cửa Thiền lại xao nhãng mục đích ban đầu của mình, trôi theo dòng lợi danh thế sự, mưu cầu những cặn bã phú quý vinh hoa mà đức Bổn sư chúng ta đã vứt bỏ hàng ngàn năm trước. Vì vậy, Thiền sư Pháp Chuyên khẩn thiết chỉ bày phương tiện, nêu ra những điều tệ hại mà Tăng chúng đời Mạt pháp thường hay mắc phải, để người tu biết được tác hại của ác nghiệp mà từ bỏ, thấy được thiện nghiệp mà tu trì. Như Khổng tử từng khuyên học trò mình: “Ba người cùng đi trên đường, ắt có người là thầy của ta trong đó. Chọn lựa những điều tốt đẹp của họ để mình học hỏi theo, và nhìn thấy những điều bất cập của họ để mình tự sửa đổi bản thân” (Luận ngữ, thiên Thuật nhi). Người thế gian mà còn làm được điều đó, huống gì hàng Thích tử Như Lai!
Đọc cẩn thận từng dòng trong Phật môn pháp sự yếu tập, chúng ta như đang lắng nghe pháp âm vi diệu của đức Bổn sư vọng ra từ đỉnh Linh Sơn, như đang nhìn thấy gương sáng của các bậc Tổ đức rọi vào thân tâm ta, để giúp ta có cơ hội “phản bổn hoàn nguyên”, tự mình răn dè cẩn thận.
Viết tại Mật Ấn trai, Tp. Đà Lạt, tiết Trùng Cửu, năm Canh Tý
Tỳ kheo THÍCH HOẰNG TRÍ
_Chú thích:
1. Tiểu sử của Thiền sư Pháp Chuyên được ghi rõ bằng chữ Hán trong cuốn Tam bảo biện hoặc luận 三寶辯惑論, với tiêu đề Từ Quang tự sa-môn Thích Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm thuật 慈光寺沙門釋法專律傳妙嚴述 [tờ 1a-b] tại thư viện Huệ Quang.
2. Chưa xác định được Bính Tý thuộc năm 1816 hay 1876, vì ngài Pháp Chuyên sinh năm 1726 mất năm 1798. Văn bản này được sao chép sau khi ngài Pháp Chuyên viên tịch.
3. Khảo cứu cuộc đời Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài, xem Thích Như Tịnh, Sử liệu mới về pháp sư Toàn Nhật Quang Đài trong Suối nguồn, số14, năm 2014, tr 46 đến 59, nên ở đây chúng tôi không nêu lại cuộc đời và hành trạng của Thiền sư Toàn Nhật.
4. Dòng lạc khoản của Bạt văn ghi: “石重山茅小雅釋心禪敬跋文 Thích Tâm Thiền, am Tiểu Nhã, núi Thạch Trùng kính ghi lời bạt”. Chúng tôi ngờ rằng cụm ngữ mao Tiểu Nhã 茅小雅 bị chép nhầm, bởi lẽ theo trật tự từ chữ Hán thì phải ghi là Tiểu Nhã mao (am tranh Tiểu Nhã) mới đúng. Chữ 重 có hai âm đọc “trọng” và “trùng”, do chưa khảo cứu được vị trí và tên gọi núi này nên chúng tôi tạm suy đoán là “núi Trùng Sơn”.
5. Trùng san Truy môn cảnh huấn tự 重刊緇門警訓序 [T48n2023_ p1041a05].
6. Xem Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb. Văn hóa, 1997, tr.143, 151.
7. Chư kinh nhật tụng tập yếu [J19nB044_p0174a09].
8. Thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên (739-824) nói: “一盲引眾盲, 相將入火坑 Một người mù dẫn đoàn người mù đi thì sẽ cùng đưa nhau vào hầm lửa” (Ngũ đăng hội nguyên) [X80n1565_p0111c05].
9. Kinh Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm, quyển 42, phẩm Ly thế gian [T09n0278_p0663a14].
10. Xuất gia nhân bất tường sự 出家人不祥事 của Đại sư Liên Trì [J33nB277_p0152b03].
11. HT. Thích Hành Trụ (dịch giả), Sa-di luật giải, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2006, tr.25.