Từ khi ngài Tổ sư thượng Minh 明 hạ Hải 海 đến Đại Việt, rồi chọn Hội An làm nơi lập am tu trì, truyền lưu Phật pháp đến nay đã trên 300 năm. Dòng thiền khởi nguyên từ Tổ đình Chúc Thánh, Hội An, Quảng Nam, đã nhanh chóng phát triển dần vào phương Nam rồi mở rộng ra nhiều nước ở hải ngoại. Nhờ phước lực của chư Tổ mà môn phái Chúc Thánh đã có nhiều bậc danh tăng nổi tiếng và nhiều chốn già lam hưng vượng. Tất cả đã góp phần làm cho dòng thiền này ngày càng quang huy trên đường hoằng dương Phật pháp, phụng sự đất nước trong những giai đoạn lịch sử Việt Nam đầy biến động, thăng trầm. Đến thời đại chúng ta, thiền phái này tiếp tục được các thế hệ kế tục vun bồi, phát huy. Môn phái lại phát triển thêm nhiều danh tăng xuất chúng, môn đồ về quy ngưỡng ngày càng đông hơn.
Làm con cháu của Tổ, được thừa hưởng nhiều ân nhuần của chư Tổ, huệ mạng của ân sư, mỗi vị trong chúng ta, có lúc nào đó tự hỏi phải làm sao cho dòng thiền này tiếp tục phát triển tốt hơn nữa trong hiện tại và tương lai? Sự truyền thừa theo pháp kệ đến hồi phải kết thúc, nhưng Phật pháp vẫn trường tồn, các đời pháp cận cuối lời kệ của Tổ biết làm sao để cho thiền phái này vĩnh lưu trong mai hậu? Chính vấn đề đặt ra này, tôi xin đê đầu đảnh lễ chư Tổ và chư Tôn đức mạo muội trình bày đôi điều cảm nhận cùng những trăn trở sau đây:
1- Trước hết, xin cùng nhau ôn lại vài nét về tiểu sử và hành trình hoằng hóa của Đức Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo
Ngài thế danh Lương Thế Ân, sinh vào giờ Tuất, ngày 28 tháng Sáu năm Khang Hi thứ 8 (1670), tại làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Sinh ra trong một gia đình thuần phong Nho giáo, từ thuở thiếu thời, Ngài có tiếng thông minh khác người. Năm Mậu Ngọ (1678), Ngài được song thân đưa đến xuất gia tại chùa Báo Tư thuộc tỉnh Phúc Kiến, khi vừa tròn 9 tuổi. Đến năm 20 tuổi, thọ Cụ túc giới với pháp danh Minh Hải, tự Đắc Trí, hiệu là Pháp Bảo, nối pháp đời 34 tông Lâm Tế truyền theo bài kệ của tổ Vạn Phong – Thời Ủy.
Vào khoảng năm 1687-1690, Thiền sư Nguyên Thiều được chúa Nguyễn Phúc Trăn cử về Trung Quốc để thỉnh thêm tăng sĩ, kinh Phật giáo, Phật tượng, pháp khí sang Đàng Trong. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp, chúa Nguyễn hỗ trợ cho thiền sư mở Đại giới đàn ở chùa Thiên Mụ (Huế). Năm Ất Hợi (1695), Tổ Nguyên Thiều thỉnh được Hòa thượng Thạch Liêm cùng các danh sư Minh Hải – Pháp Bảo, Minh Vật – Nhất Tri, Minh Hoằng – Tử Dung, Minh Lượng – Thành Đẳng, v.v… trong hội đồng thập sư sang truyền giới. Phái đoàn xuống thuyền tại bến Hoàng Phố và cập bến Hội An vào ngày 28 tháng Giêng năm Ất Hợi (1695). Sau đó, đoàn ra Thuận Hóa, được chúa Nguyễn Phúc Chu đón tiếp trọng thể và thỉnh về trụ tại chùa Thiền Lâm. Ngày mồng 1 tháng Tư năm Ất Hợi (1695), giới đàn được khai mở do Ngài Thạch Liêm làm Đàn đầu Hòa thượng. Sau chuyến du hành hóa đạo, ngày 24 tháng Sáu năm Bính Tý (1696), Ngài Thạch Liêm cùng với hầu hết phái đoàn trở về Quảng Đông. Một số vị trong phái đoàn ở lại, như Ngài Minh Hoằng – Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tông ở Thuận Hóa, Ngài Minh Lượng – Thành Đẳng khai sơn chùa Vạn Đức tại Cẩm Hà, Hội An, Ngài Minh Hải – Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh tại Cẩm Phô, Hội An. Thời gian đầu ở lại Đàng Trong, Ngài Minh Hải – Pháp Bảo chỉ lập một thảo am ở Hội An để tịnh tu phạm hạnh. Dần dà, danh tiếng của Ngài được nhiều người dân phố Hội và các vùng phụ cận biết đến, rồi tìm về nghe giảng ngày càng đông. Thấy cơ duyên hóa độ đã chín muồi, Ngài chính thức khai đường giảng pháp, tiếp tăng độ chúng. Để cho sự truyền thừa có quy củ dài lâu, Ngài biệt xuất một bài kệ truyền pháp như sau:
明 實 法 全 彰
印 真 如 是 同
祝 聖 壽 天 久
祈 國 祚 地 長.
Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường
得 正 律 為 宗
祖 道 解 行 通
覺 花 菩 提 樹
充 滿 人 天 中.
Đắc Chánh Luật Vi Tông
Tổ Đạo Giải Hạnh Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhơn Thiên Trung
Trong bài kệ này, 4 câu đầu dùng để đặt pháp danh và 4 câu sau dùng để cho pháp tự. Từ đây, trong lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam có một dòng thiền mới xuất hiện mà sử sách gọi là dòng thiền Chúc Thánh, hay còn gọi thiền phái Minh Hải – Pháp Bảo đã và đang có những ảnh hưởng lớn đến nhiều nơi trên đất nước ta rồi lan tỏa đến một số quốc gia ở các châu lục trên thế giới. Hiện nay, dòng thiền này đã truyền xuống đến các chữ Thánh, Thọ cho các đệ tử.
Sau gần 50 năm sang Việt Nam trác tích hoằng hóa, đến ngày mồng 7 tháng 11 năm Bính Dần (1746), Ngài gọi chúng đệ tử đến dặn dò và đọc kệ phú chúc:
原 浮 法 界 空
真 如 無 性 相
若 了 悟 如 此
眾 生 與 佛 同.
Nguyên phù pháp giới không
Chơn như vô tánh tướng
Nhược liễu ngộ như thử
Chúng sanh dữ Phật đồng
(Pháp giới như mây nổi
Chân như không tánh tướng
Nếu hiểu được như vậy
Chúng sanh với Phật đồng)
Ngày viên tịch của Tổ là ngày húy kỵ lớn hằng năm của toàn thể môn phái tại Tổ đình Chúc Thánh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
2- Sự phát triển của Thiền phái Chúc Thánh
Căn cứ theo tài liệu biên khảo của thầy Thích Như Tịnh trong quyển Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, chúng ta có thể thấy từ dòng thiền này đã tạo ra những tổ đình nổi tiếng ở Quảng Nam – Đà Nẵng, các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và một số các nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Nhiều danh tăng tiêu biểu có mặt ở những thời đại khác nhau và tỏa khắp các vùng miền nêu trên, thật khó kể hết được. Các vị đã dành trọn đời không mỏi mệt trên đường hoằng hóa; tiếp tăng độ chúng; xiển dương Phật pháp, kể tục mệnh mạch của Tổ truyền.Thật thiện tai! Thiện tai! Xin cúi đầu đảnh lễ, bày tỏ lòng kính ngưỡng tán thán công đức cao vợi của chư tôn đức.
3- Sự đóng góp của dòng thiền này lớn lao như vậy, vì sao nó vẫn còn mờ nhạt trên bản đồ các tông phái truyền thừa, trong biên khảo của các nhà viết sử Phật giáo Việt Nam?
Thật đúng như những trăn trở trong biên khảo Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh của thầy Thích Như Tịnh: “Kể từ khi tổ Minh Hải – Pháp Bảo khai tông lập giáo, tính đến nay dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã trải qua 300 năm lịch sử với 12 đời truyền thừa. Qua ngần ấy thời gian có mặt trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, các thế hệ Tăng nhân của dòng thiền Chúc Thánh đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Đạo pháp và Dân tộc. Dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại. Thế nhưng, từ trước đến nay đa phần các nhà viết sử Phật giáo hầu như không đề cập đến dòng thiền này”.
Đồng tình với ý kiến của thầy, tôi xin đặt ra hai vấn đề:
Một là, với các nhà viết sử Phật giáo, xin các vị có những bổ khuyết cần thiết từ thực tế hoằng đạo của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh và các tư liệu đã có hoặc tìm hiểu thêm qua các vị đã nghiên cứu kỹ về môn phái này để thấy rõ hơn sự phát triển phong phú của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh từ trong quá khứ đến hiện tại và đang mở ra những dự báo phát triển mạnh trong tương lai. Có như vậy mới hiện rõ, đầy đủ hơn trên bản đồ truyền thừa Phật giáo Việt Nam một Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đang có nhiều đóng góp lớn lao cho ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam thời cận đại và hiện đại.
Hai là, chư tôn đức hiện là môn đồ của thiền phái này, xin đảnh lễ phủ phục trình kiến nghị:
– Quý ngài trong môn phái có khai mở giới đàn, tạo lập các khóa tu, xây dựng tự viện mới nên chọn tên của chư Tổ có nhiều công hạnh của môn phái để đặt tên làm chỗ sách tấn cho đơn vị tu học.
– Khi thực hiện nghi lễ truyền giới cho các chúng đệ tử, quý vị bổn sư trong môn phái ngoài việc truyền giới còn cần phải truyền kệ, truyền công hạnh của chư Tổ cho đệ tử biết mình không chỉ thọ lãnh giới pháp, mà còn thấm đẫm được ân đức của chư Tổ, công năng của các bậc tôn túc vào trong cuộc đời tu học của mình. Phải khuyên bảo chúng đệ tử luôn nhớ đến ngày Kỵ Tổ 07-11 hằng năm tại Tổ đình Chúc Thánh, về viếng hương, lễ Tổ, lễ tháp Tổ, tưởng niệm chư vị tôn sư và có duyên thọ ân của chư tôn trong môn phái.
– Các Pháp phái của môn phái in bằng chữ Hán trước đây đã thể hiện đầy đủ dòng kệ truyền thừa của Tổ. Nhưng sau này khi quý ngài sử dụng các Pháp phái phổ biến chung bằng chữ quốc ngữ, đã không còn có nội dung bài kệ nữa. Như vậy, các đệ tử thọ nhận giới luật không biết được pháp danh của mình vì sao có chữ này, và cũng không rõ được tông môn, pháp tổ, pháp tông, pháp hữu của mình thế nào trên đường tu học. Ở phần này, quý ngài trong Hội đồng môn phái nên có một bản Phái quy y chung thống nhất để lưu hành, mỗi khi tổ chức quy y, truyền giới cho đệ tử.
– Phải đưa vào các bài giảng trong các khóa tu cho đạo hữu Phật tử hiểu thêm về Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, một dòng thiền lớn của Việt Nam đã và đang phát triển mạnh; đưa vào soạn giảng trong các chương trình trung, cao cấp Phật học, gợi ý cho các nghiên cứu sinh là những vị thuộc môn phái đi chuyên sâu về đề tài Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.
– Phải tiếp tục kiện toàn Hội đồng của môn phái như đã làm nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc điều hành các hoạt động của môn phái trên nhiều phương diện. Hội đồng này gồm những vị đạo cao đức trọng tiêu biểu của các vùng miền trong, ngoài nước; bên cạnh còn có một số vị có trình độ Phật học và thế học để thẩm định, nghiên cứu bổ sung đề xuất các loại văn bản nghiên cứu, lưu hành, giao tiếp những vấn đề có liên quan đến môn phái.
4- Một vài biến đổi trong thiền kệ
– Hiện nay, theo bản nghiên cứu của thầy Thích Như Tịnh, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đang truyền lưu có thêm một bài kệ có tính dị bản được ghi trong gia phả của nhà họ Tạ (họ của Tổ Nguyên Thiều) do HT Ðỗng Quán tìm được:
Minh thật pháp toàn chương
Ấn chân như thị đồng
Vạn hữu duy nhất thể
Quán liễu tâm cảnh không
Giới hương thành thánh quả
Giác hải dũng liên hoa
Tín tấn sanh phước huệ
Hạnh trí giải viên thông
Ảnh nguyệt thanh trung thủy
Vân phi nhật khứ lai
Ðạt ngộ vi diệu pháp
Hoằng khai tổ đạo trường.
Dù bản nào tìm được cũng chỉ để tham khảo, còn bản chính vẫn giữ nguyên lưu truyền xưa nay, không thể đổi khác được.
– Một số vị ở chữ trên khi cho xuống đệ tử thường đổi ra chữ khác (như chữ Thị thành Thiện hoặc Thụy), cũng có vị đề nghị đổi một số chữ trong 2 câu cuối như chữ Cữu, chữ Tộ, chữ Địa…
Một số vị tách mình ra khỏi dòng kệ để cho xuống thống nhất là chữ Minh, chữ Diệu… Nói chung, mọi sự thay đổi dù nhiều hay ít, cách này hoặc cách kia cũng đã làm lệch, làm mờ nhạt đi dòng kệ vốn có của Tổ lưu truyền, đều là không nên có.
5- Vấn đề quan trọng và cấp bách
Nhân hội thảo này và ngày Kỵ Tổ, chúng ta cùng nhau thử nghĩ môn phái phải làm gì khi dòng kệ pháp truyền dần dần đến chữ cuối và kết thúc? Nên chăng Hội đồng của môn phái có cuộc họp mở rộng, đề xuất hướng thực hiện cho phù hợp, có chất lượng và hiệu quả cao nhất trong việc xây dựng một bản Tục kệ nhằm duy trì mệnh mạch của dòng thiền đang phát triển mạnh. Đây là công trình của tập thể được toàn thể pháp đồ suy tôn, công nhận. Tục kệ cũng phải có hai phần – một phần truyền pháp danh, một truyền pháp tự không để từ ngữ bị trùng lặp lại bài kệ đã có của Tổ, tình ý phải dung thông.
Có như vậy thì quý Tôn đức hiện nay khỏi phụ công ơn của lịch đại chư Tổ đã truyền thừa, và cũng giúp cho quý vị nối tiếp sau này thuận lợi hơn trong việc truyền lưu của môn phái. Liệu một cá nhân có thể làm được không? Tất nhiên là không được. Vì cá nhân chưa được Tổ ấn chứng, làm sao Tục kệ (dù có giỏi làm cũng không được). Lại nữa, một vị trong môn phái dù đã chứng ngộ, nếu đưa ra một Tục kệ thì coi như vị ấy đã thành Tổ của một thiền phái rồi. Vì vậy, công trình phải là của chung môn phái, mang đậm dấu ấn của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.
Đặt ra vấn đề này, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với những gợi ý trong kết luận từ Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh của thầy Thích Như Tịnh: “Việc Tục kệ là một việc quan trọng, cần phải làm để truyền thống tông môn được tiếp nối. Hiện tại, chư vị tôn đức đạo lực uyên thâm vẫn còn khắp các tỉnh thành nên hợp nhất để làm bài Tục kệ kế thừa. Và bài tục kệ này phải được tông môn khắp các nơi công nhận để lưu truyền. Bởi vì, càng ngày chúng ta càng đi xa thời tượng pháp, căn trí và đạo lực không thể bằng người xưa, khó mà thâm ngộ được ý Tổ sư. Thiết nghĩ, việc Tục kệ từ trước đến nay chư Tổ đã làm và hôm nay chư vị tôn đức nên làm trước là kế thừa sự nghiệp chư Tổ để nguồn mạch không đoạn dứt, sau là định hướng cho các lớp hậu lai, ngõ hầu việc truyền thừa theo đúng thứ hệ và con cháu sau này tỏ rõ nguồn cội của Tổ tông”.
Cúi đầu đảnh lễ lịch đại chư Tổ sư Lâm Tế Chúc Thánh,
Ngưỡng bái bạch chư Tôn đức hiện tiền,
Những vấn đề nêu ra trong nội dung trên là thiết thực của một hậu bối trong tông môn, xuất phát từ khát vọng vun bồi, với lòng mong mỏi được chư Tôn đức lắng nghe, chỉ giáo thêm. Nếu có chỗ nào làm nghịch nhĩ quý vị, chúng tôi xin đê đầu thành tâm sám hối.
Nguyện cầu đạo lực của lịch đại chư Tôn chứng giám!
Khánh nguyện Lâm Tế Chúc Thánh tông môn vạn đại vương xương!/
HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỒNG MẪN
Trụ trì Tổ đình Chúc Thánh, Hội An
THỊ NGHIÊM ĐINH CÔNG TÔN