1. Tổng quan
1.1. Trong suốt chiều dài lịch sử xứ Quảng không phải cứ khi người Việt vượt qua Hải Vân Sơn, Phật giáo như một phần hành trang tín ngưỡng, mới có cơ duyên bám rễ ở vùng châu Lý/Rí/Lik, và hình ảnh ngôi chùa mới xuất hiện như một phương cách để cố định nhân tâm. Mà từ trước đó, dưới thời kỳ Chăm-pa, trên nền tín ngưỡng cư dân bản địa, những ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ đã lan tỏa và chiếm lấy những vị trí nhất định trong xã hội thời bấy giờ.
1.2. Dưới thời các chúa Nguyễn, bỏ lại sau lưng những mặc cảm trung quân, ái quốc dưới góc nhìn Nho giáo, trong quá trình ly khai ở phương Nam, Phật giáo đã như một lựa chọn tối ưu để bình ổn xã hội Đàng Trong. Và như một phương tiện tối cần để phục vụ quá trình tu tập lẫn hoằng dương đạo pháp, giáo hóa chúng đồ, kinh sách Phật giáo được tiếp nhận từ những vị du tăng Trung Hoa, rồi dần sinh sôi dưới những mái chùa, qua hình thức nhân bản bằng mộc bản – một hình thức ấn loát thủ công phổ biến trước khi kỹ thuật in ấn hiện đại xuất hiện và dần thay thế.
1.3. Trên dải đất miền Trung hiện nay, trong đối sánh, có thể nói Quảng Nam là vùng đất có bề dày lịch sử và từng được xem là một trung tâm văn hóa Phật giáo dày truyền thống, khi trong lịch sử, từng có nhiều vị tổ sư Phật giáo từ miền Bắc đến đây hành đạo, hay từ Trung Hoa sang khai tông lập phái, dựng xây chùa chiền. Chính vì vậy, hệ thống mộc bản hiện tồn trên vùng đất này, có thể xem là một phần không thể thiếu của văn hóa Phật giáo xứ Quảng, là một phần minh chứng cho giai đoạn phồn thịnh, một di sản văn hóa độc đáo, mang trên mình nhiều giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa Phật giáo Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung. Qua việc tiếp cận và khai thác hệ thống mộc bản Phật giáo xứ Quảng trong khoảng thời gian 2018-2020, bước đầu chúng tôi nhận diện giá trị trên nhiều phương diện, đồng thời thử đề xuất những giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị trong bối cảnh hiện nay.
2. Di sản mộc bản Phật giáo Quảng Nam
2.1. Địa điểm lưu trữ và số lượng hiện tồn
Kết quả khảo sát trên địa bàn thành phố Hội An, thành phố Tam Kỳ và thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đã tiếp cận 9 địa điểm lưu trữ mộc bản Phật giáo với số lượng như sau:
[1]. Chùa Vạn Đức (thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, Tp. Hội An, Quảng Nam): 114 ván khắc, 204 mặt khắc;
[2]. Chùa Viên Giác (phường Cẩm Phô, Tp. Hội An, Quảng Nam): 10 ván khắc, 10 mặt khắc;
[3]. Chùa Phước Lâm (phường Cẩm Hà, Tp. Hội An, Quảng Nam): 85 ván khắc, 131 mặt khắc;
[4]. Chùa Chúc Thánh (phường Cẩm Phô, Tp. Hội An, Quảng Nam): 25 ván khắc, 40 mặt khắc;
[5]. Chùa Từ Quang (phường Trường Xuân, Tp. Tam Kỳ, Quảng Nam): 9 ván khắc, 16 mặt khắc;
[6]. Trung Tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (10B Trần Hưng Đạo, phường Minh An, Hội An, Quảng Nam): 20 ván khắc, 29 mặt khắc;
[7]. Chùa Thiên Đức (phường Tân An, Tp. Hội An, Quảng Nam): 1 ván khắc, 1 mặt khắc;
[8]. Chùa Long Tuyền (phường Thanh Hà, Tp. Hội An, Quảng Nam): 1 ván khác, 1 mặt khắc;
[9]. Chùa Tam Tôn (Núi Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng): 7 ván khắc, 14 mặt khắc.
Tại các địa điểm này, mộc bản được bảo quản khá tốt trong các kệ tủ, kê cao trong không gian thoáng gió, dễ quan sát và đề phòng được sự xâm hại của mối mọt, ẩm thấp.
Trong các địa điểm lưu trữ mộc bản Phật giáo Quảng Nam, chỉ có Tổ đình Chúc Thánh và Tổ đình Phước Lâm còn lưu giữ được một số ván khắc tại bổn tự, còn lại hầu hết các chùa đa phần mộc bản đều được quy tập từ nhiều nơi khác về (nhiều nhất là ván khắc từ cổ tự Vạn Phước ở Bình Sơn, Quảng Ngãi), như mộc bản chùa Vạn Đức, chùa Phước Lâm, Nam Tôn Phật đường (Hội An); chùa Tam Thai, chùa Vu Lan (Đà Nẵng);… Điều này cho thấy biên độ xê dịch của hệ thống mộc bản Phật giáo Quảng Nam trong lịch sử là rất lớn, lẫn sự lưu hành kinh sách Phật giáo rất sôi động giữa các tổ đình, các chùa không chỉ trong tỉnh, mà còn mở rộng ra nhiều nơi khác nhau ở ngoài tỉnh.
2.2. Niên đại khắc bản
Nhìn chung, mộc bản Phật giáo Quảng Nam được khắc vào khoảng đầu thế kỷ XVIII – thế kỷ XIX dưới thời các chúa Nguyễn, vua Nguyễn khi sự ngoại hộ của các vương triều quân chủ ủng hộ sự phát triển Phật giáo nhằm làm chiến lược phát triển nhân tâm, ổn định và cân bằng xã hội trước những tác động của các tôn giáo mới.
Tại các tự viện lưu trữ mộc bản, đa phần ván khắc những bộ kinh quan trọng đều có niên đại rơi vào thời các chúa Nguyễn [1558-1774], với các niên hiệu Chính Hòa [1680-1705] có 5 bộ kinh1; niên hiệu Vĩnh Khánh [1729-1732] có 1 bộ kinh2; niên hiệu Cảnh Hưng [1740-1786] có 2 bộ kinh3. Ngoài ra có khá nhiều bộ ván ở chùa Vạn Đức, chùa Phước Lâm,… do bị mất ván đầu và ván cuối nên chúng tôi không thể khảo được niên đại khắc bản của chúng, nhưng dựa vào hình dáng ván khắc, kiểu chữ và ván đang có dấu hiệu hoại mục cùng loại như nhau nên tuổi đời của chúng không thể muộn hơn những bộ ván kể trên.
Các bộ ván khắc dưới triều Nguyễn [1802-1945] hiện còn không nhiều, có thể trong quá trình sử dụng đã bị thất thoát, không còn đủ bộ, chỉ còn những ván lẻ. Tiêu biểu bộ ván còn khá đầy đủ và có giá trị nhất của giai đoạn này là bộ Đại thừa Diệu pháp liên hoa kinh Phổ môn phẩm xuất tượng khắc bản năm Quý Dậu [1933], tàng bản tại chùa Chúc Thánh.
2.3. Chủng loại ván khắc và thể loại kinh văn
Chủng loại ván khắc mộc bản Phật giáo Quảng Nam mang đặc trưng riêng khi đối sánh với các vùng miền khác, khi đa phần ván khắc thuộc loại Trùng khắc [重刻]: Trùng tuyên [重鐫] hoặc Trùng san [重刊], điều này cho thấy các bộ ván thường dựa theo nguyên mẫu ván cũ hoặc kinh sách đã được in từ trước để trùng san lại. Với thể thức này, phần đầu các ván khắc thường khắc lại lời tựa và niên đại khắc bản của lần trước, cuối ván khắc lời bạt của người hưng công, nêu rõ lý do san khắc, hoặc ghi phương danh tín chủ trợ ấn, thông tin niên đại khắc bản và nơi tàng bản. Trong tổng cộng 272 ván khắc, chúng tôi không tìm thấy bộ ván nào được khắc mới (Tân khắc [新刻]) hoặc khắc bổ sung (Bổ khắc [補刻]) như những trường hợp ở mộc bản Phật giáo Huế.
Về thể loại kinh văn, căn cứ từ nội dung các bộ ván khắc cho thấy mộc bản Phật giáo Quảng Nam ở tại 9 địa điểm lưu trữ đa phần là các ván khắc như:
[1]. Kinh tạng: Ván khắc tập trung chủ yếu các kinh thuộc Tịnh độ tông và Mật tông, trong đó tần suất xuất hiện các bộ kinh của Mật tông khá lớn và được khắc bản liên tục. Với điển tịch quan trọng của Thiền tông tuy được khắc bản nhưng ván khắc lưu lại hầu như không thấy.
[2]. Luật tạng: Hiện ván khắc không còn, chỉ còn lại các bản in giấy hiện được bảo lưu như các bộ: Sa-di luật nghi yếu lược do Tổ Minh Hải Pháp Bảo hưng công khắc bản năm Vĩnh Khánh thứ 4 [1732], tàng bản chùa Chúc Thánh; Không môn nhật tụng tổng tập yếu gồm 2 quyển, do Thiền sư Đại Tri biên soạn khắc in năm Cảnh Hưng Mậu Tý [1768], tàng bản chùa Bửu Long; Quy Sơn cảnh sách cú thích ký do Thiền sư Chí Bảo chùa Bảo Lâm khắc bản năm Cảnh Hưng thứ 31 [1770].
[3]. Luận tạng: Tương tự như Luật tạng, Luận tạng cũng hiện còn lưu lại hai bản giấy: Di-đà kinh sớ sao do Thiền sư Chí Bảo khắc bản năm Cảnh Hưng thứ 27 [1766] và Pháp giới an lập đồ doHội chủ Lê Công Ngoạn cùng vợ trùng san năm Cảnh Hưng thứ 31 [1770] tại chùa Hội Phước cung tiến vào chùa Bảo Lâm.
[4]. Khoa nghi: Hiện còn lưu ván khắc khá nhiều ở chùa Phước Lâm, chùa Vạn Đức, trong đó nổi bật là bộ Thiền tâm thượng phẩm do Tỳ kheo Như Huệ đời Trần soạn với nội dung không chỉ tích hợp các kinh văn thuộc hệ đà-la-ni mà trong đó còn ghi rõ cách thức hành trì, tu tập, ứng phó đạo tràng của Phật giáo.
[5]. Trước tác: Trước tác của các cao tăng hiện chỉ còn lưu một số bộ nhưng khá nhiều ván khắc bị thất thoát, hư hại. Tiêu biểu như Tuyển tăng đồ thuyết lưu tại chùa Phước Lâm; và các trước tác Tu chơn yếu chỉ quốc âm, Bát-nhã ngộ đạo vãn, Thiền cơ vịnh,… của Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài được Nam Tôn Phật đường cho khắc bản dưới thời Bảo Đại.
[6]. Đồ họa cổ: Đồ họa cổ của Phật giáo được thể qua hệ thống mộc bản Quảng Nam cũng hết sức phong phú, đa dạng, hàm chứa giá trị mỹ thuật cao thông qua các tranh khắc minh họa pháp hội giảng kinh, minh họa nội dung kinh, tranh khắc Phổ Môn xuất tượng, Niệm Phật công cứ,… hay các họa tiết hoa văn trên các ván khắc phái Quy y, điệp Thế độ, Hộ giới điệp và Pháp quyển. Đặc biệt, trong các ván khắc này có ván khắc “Niệm Phật công cứ” tàng bản chùa Phước Lâm hiện được lưu giữ tại chùa Viên Giác và ván khắc “Quan Âm đồng tử đồ” lưu ở chùa Thiên Đức được xem là những tác phẩm điêu khắc mang đao pháp độc đáo, tiêu biểu hàng đầu của dòng tranh mộc bản Phật giáo Việt Nam hiện nay.
2.4. Bảng thống kê mộc bản Phật giáo Quảng Nam4
Hệ thống mộc bản Phật giáo Quảng Nam qua 9 địa điểm khảo sát, cung cấp cho chúng ta cái nhìn khá toàn diện về một loại hình văn bản khắc in độc đáo của Phật giáo từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX. Ở đây, mộc bản có nhiều chủng loại ván khắc, tích hợp đa niên đại khắc bản, quy tập nhiều thể loại kinh văn, khoa nghi, trước tác, điệp thế độ, phái quy y, tranh đồ họa cổ,… Đây là một nguồn tư liệu quý, cung cấp nhiều thông tin và có giá trị cho việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa và tôn giáo của vùng đất xứ Quảng qua các thời kỳ lịch sử.
3. Bước đầu nhận diện giá trị di sản mộc bản Phật giáo Quảng Nam
Hệ thống mộc bản Phật giáo Quảng Nam, qua khảo sát bước đầu cho thấy nhiều vấn đề cần thiết được khảo cứu, nhất là về giá trị văn hóa mà từng bộ ván khắc truyền tải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chứa đựng những thông tin tư liệu quý giá, góp phần quan trọng trong nghiên cứu về lịch sử, cũng như diện mạo kinh tế, văn hóa – xã hội Đàng Trong từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX.
Nhằm góp phần nhận diện giá trị di sản mộc bản tại Quảng Nam một cách tổng thể, chúng tôi tạm quy chiếu về ba hệ giá trị như sau:
3.1. Giá trị lịch sử
Mộc bản lưu tại các chùa Quảng Nam đã cho chúng ta thấy một bức tranh Phật giáo Quảng Nam nói chung và dòng thiền Chúc Thánh nói riêng một cách khá tổng quát trong tiến trình phát triển của mình từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Những thông tin, nội dung các bộ kinh, luật, luận hay những khoa nghi lẫn đồ họa thể hiện trong mộc bản cho thấy sự hiện diện của nhiều tông phái Lâm Tế, Tào Động, Thiền phái Trúc Lâm, đặc biệt dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh do Thiền sư Minh Hải Pháp bảo khai sáng, đặt nền móng đầu tiên ở Hội An là một dấu ấn bản lề quan trọng cho việc phát triển dòng thiền này ở Đàng Trong, cũng như cho đến hiện nay. Toàn bộ mộc bản được lưu giữ đều tập trung vào những ngôi Tổ đình Chúc Thánh, Phước Lâm, Vạn Đức, Tam Thai, Linh Ứng, Cổ Lâm… đã cho thấy một giai đoạn hưng thịnh của dòng thiền này trong lịch sử.
Được xem là một trung tâm văn hóa Phật giáo ở Đàng Trong trên vùng đất Quảng Nam dưới thời các chúa Nguyễn lẫn vua Nguyễn, các ngôi cổ tự của dòng thiền Chúc Thánh từ cuối thế kỷ XVIII đã phân bố ở 3 trung tâm Hội An (chùa Chúc Thánh, chùa Phước Lâm, chùa Vạn Đức); Ngũ Hành Sơn (chùa Tam Thai, Linh Ứng) và Đại Lộc (chùa Cổ Lâm) làm những nơi tu học, đào tạo tăng tài, hoằng dương chánh pháp, góp phần mở rộng và phát triển Phật giáo tại Quảng Nam. Những ngôi cổ tự này là nơi kế truyền các vị tổ sư khai trường thuyết pháp đào tạo các Tăng Ni; đồng thời còn là nơi san khắc, in ấn kinh luật để hoằng dương Phật pháp. Kho mộc bản hiện còn trong các chùa ở Quảng Nam là kho tàng di sản văn hóa có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa xã hội, cũng như hoạt động tôn giáo ở Việt Nam trong lịch sử.
Ngoài ra, có thể thấy nghề khắc in mộc bản ra đời ở Trung Quốc khá sớm, nhưng lịch sử nghề khắc ván và in ấn ở Việt Nam vẫn đang là một vấn đề đáng quan tâm tìm hiểu. Theo sử liệu, dưới triều Lý – Trần, triều đình đã cho người sang Trung Hoa thỉnh Đại Tạng kinh và tổ chức khắc bản lại. Đến thời hậu Lê việc khắc ván kinh của các chùa trong nước cũng được chú trọng nhưng chỉ mang tính tự phát và tùy thuộc vào nhu cầu của từng chùa nên quy mô rất nhỏ. Tại Đàng Trong, từ thế kỷ XVI – XIX, dưới sự trị vì của các chúa Nguyễn, Tây Sơn và trải dài đến các vua Nguyễn sau này, hệ thống chùa chiền được chú trọng phát triển, tăng chúng đông dần, lượng kinh sách khan hiếm nên việc in ấn, khắc kinh sách được tiến hành với sự ngoại hộ của các chúa Nguyễn, hoàng thân và quan lại. Điều này thể hiện rõ qua niên đại khắc ván; phương danh tín cúng và nhóm thợ khắc trên hệ thống mộc bản Phật giáo ở Quảng Nam. Những thông tin này đã góp phần không nhỏ cho việc tìm hiểu về lịch sử nghề in, khắc ván ở Việt Nam thời kỳ trung, cận đại trên địa bàn Quảng Nam cũng như các vùng lân cận.
3.2. Giá trị văn hóa
Từ góc nhìn văn hóa, ta thấy Phật giáo Trúc Lâm có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam cũng như ở Quảng Nam qua bộ ván khắc Thiền tâm thượng phẩm truyền lưu từ thời Trần đến vùng đất Quảng Nam theo dấu chân Nam tiến của người Việt. Song hành đó là Thiền phái Lâm Tế cũng đặt chân đến trên vùng đất này qua các vị tổ đến từ Trung Hoa đến khai sơn, trác tích lập chùa chiền, xiển dương đạo pháp.
Hệ thống mộc bản lưu trữ trong các ngôi chùa xứ Quảng là di sản tư liệu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Hán – Nôm qua các thời đại Trần, Lê, Nguyễn… Việc khắc in, lưu truyền mộc bản thể hiện ý thức độc lập, tự chủ của dân tộc ta trong quá trình tiếp biến văn hóa mà còn là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam. Cho nên, lối văn tự chữ Hán – Nôm trong bối cảnh này được các tầng lớp người dân sử dụng, tiếp nhận và xem như là một vốn văn hóa nguyên bản của chính họ trong các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo hằng ngày.
Trong hệ thống mộc bản có nhiều tác phẩm có giá trị về mặt Luận, Luật của Phật giáo, tuy không còn ván khắc nhưng đã được các vị Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo, Thiền sư Đại Tri, Thiền sư Chí Bảo soạn khắc trong thế kỷ XVIII. Riêng đối với Tịnh độ tông và Mật tông cũng được chú trọng in khắc, phổ biến rộng trong tăng sĩ và tín đồ như: Đại thừa Kim Cang Di-đà Quan Âm tam kinh, Phật thuyết nhất thiết Như Lai Kim Cang thọ mạng Đà-la-ni kinh, Đại thừa Diệu pháp Liên hoa kinh Phổ môn phẩm xuất tượng, Hồng danh bảo sám Vu lan bồn kinh,… Mỗi một bộ kinh, luận đều có một giá trị nhất định và thể hiện được tư tưởng của các thiền phái khi tu tập, hành trì.
Bên cạnh đó, mỗi ván khắc là một tác phẩm nghệ thuật thư pháp qua bàn tay các nghệ nhân khắc chữ Hán và chữ Nôm. Bằng vào bút pháp của người viết và đao pháp của người khắc thể hiện trên ván với nhiều kiểu chữ khác nhau tạo thành những tác phẩm thư pháp nghệ thuật tuyệt mỹ. Đặc biệt, có nhiều trang mộc bản được các nghệ nhân xưa khắc đan xen thêm những bức họa đồ minh họa, hay những bức tranh Phật, Bồ-tát,… với bút pháp tinh tế, độc đáo đi kèm với bố cục chặt chẽ hài hòa xứng đáng là tác phẩm đồ họa có giá trị thẩm mỹ cao.
3.3. Giá trị tôn giáo
Di sản mộc bản Phật giáo xứ Quảng hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc về tư tưởng, giáo lý của các tông phái Tịnh độ tông, Mật tông, Thiền tông, mà đại diện là dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh và Lâm Tế Liễu Quán. Những thiền phái này ngày càng được phổ biến, truyền bá rộng rãi đã thu hút hướng thiện tới hàng triệu các tín đồ Phật tử trong cả nước. Các bộ kinh, sách, luật, luận nhà Phật và trước tác của các cao tăng đã sáng lập, chấn hưng, phát triển dòng thiền Chúc Thánh trong nhiều thế kỷ, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển văn hóa, xã hội của một giai đoạn lịch sử dân tộc.
Trên cơ sở tiếp thu, lĩnh hội Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, người Việt đã có sự tiếp nhận những tinh hoa Phật học một cách chủ động, phù hợp với tâm thức văn hóa của mình, từ đó dung hòa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa, tạo thành hệ tư tưởng và cung cách sinh hoạt Phật giáo mang đậm bản sắc Việt. Với những ván khắc tranh tượng Quan Âm hay bộ ván Đại thừa Diệu pháp Liên hoa kinh Phổ môn phẩm xuất tượng ở Tổ đình Chúc Thánh, chùa Phước Lâm, chùa Thiên Đức đã thể hiện một tư tưởng, cái nhìn đa diện qua hình ảnh sống động Quán Thế Âm Bồ-tát. Đây là hình ảnh, tư tưởng Phật giáo mang đậm dấu ấn riêng của người Việt khi họ tích hợp và biến dưỡng văn hóa Ấn – Hoa trong đời sống tín ngưỡng lẫn tôn giáo của mình.
Các các bộ kinh, luật, luận tiêu biểu ở các kho mộc bản mà chúng tôi thống kê trên đã phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng. Bởi đây vừa là hành trang văn hóa tôn giáo của người Việt trên hành trình xuôi Nam, song hành với quá trình tích hợp, biến dưỡng văn hóa Ấn-Hoa lẫn văn hóa bản địa để tạo cho mình một đối trọng trong sinh hoạt tôn giáo. Bên cạnh đó, hệ thống các khoa cúng mang hình thái tín ngưỡng ứng phó đạo tràng cũng được san khắc lưu hành. Các khoa cúng này hiện vẫn lưu hành và phổ biến một cách rộng rãi, tiêu biểu như ván khắc Lục thù để ứng phó việc tang ma, không chỉ phổ biến các chùa Quảng Nam, mà còn phổ biến ở các tự viện trong cả nước.
4. Thay lời kết: Góp phần định hướng bảo tồn và phát huy giá trị tư liệu mộc bản Phật giáo Quảng Nam trong bối cảnh hiện nay
4.1. Những định hướng trong việc bảo tồn di sản mộc bản
Mộc bản Phật giáo Quảng Nam là di sản tư liệu hết sức quý giá, phản ánh đầy đủ những thăng trầm biến thiên của thời cuộc lẫn sự hưng suy của Phật giáo trong dòng chảy văn hóa, lịch sử của vùng đất. Do vậy, cần có những định hướng về một số lĩnh vực sau:
[1]. Trước hết, cần khẳng định lại những giá trị lịch sử, văn hóa và tôn giáo của hệ thống mộc bản Phật giáo Quảng Nam trên luận cứ khoa học và thực tiễn. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức về các giá trị di sản mộc bản là tài sản vô giá, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, là nền tảng gắn kết cộng đồng, là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới cũng như thúc đẩy quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa.
[2]. Bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa là nhiệm vụ quan trọng của cộng đồng, nhất là giới tu sĩ Phật giáo nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tạo sự kết nối giữa truyền thống – hiện tại – tương lai. Các giá trị ấy tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa – xã hội và hội nhập quốc tế thông qua những nghiên cứu chuyên sâu và đối sánh các kho mộc bản đương thời ở trong nước và ngoài nước. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản kho mộc bản này có ý nghĩa to lớn trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đồng thời là sự đóng góp vào kho tàng di sản tư liệu ký ức của thế giới.
[3]. Vấn đề bảo quản di sản văn hóa cần được thực hiện trong điều kiện phù hợp với đầy đủ các yếu tố về kho lưu giữ, về nhiệt độ, về sự cẩn trọng, trách nhiệm của đơn vị quản lý với di sản tư liệu độc đáo của kho mộc bản này. Cần tuyên truyền, quảng bá về những giá trị di sản này; cần bổ sung nguồn nhân lực và nguồn tài chính, cho vấn đề bảo tồn, bảo quản và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần nâng cao giá trị văn hóa Phật giáo trong bối cảnh hiện nay.
Để kéo dài tuổi thọ của khối di sản mộc bản, duy trì được chất lượng và số lượng mộc bản cần phải có các giải pháp bảo quản đồng bộ với nhau qua bảo quản phòng ngừa là chủ yếu. Bởi rằng, bảo quản phòng ngừa cho mộc bản chính là một tập hợp liên hoàn các biện pháp sử dụng để tránh sự hủy hoại của tự nhiên hoặc bất thường đối với mộc bản, tạo môi trường tốt cho phòng lưu trữ mộc bản. Vì vậy, việc kiểm soát bức xạ ánh sáng và tia cực tím, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm, các sinh vật gây hại, bụi, không khí ô nhiễm, hỏa hoạn và cả trong kỹ thuật trưng bày, lưu giữ, cách cầm giữ, vận chuyển sử dụng không đúng cách đối với mộc bản đang được đặt ra bức thiết với các giải pháp cụ thể cho một phòng lưu trữ mộc bản vừa được ra đời.
Trên cơ sở phân tích tổng quan ở các địa điểm lưu trữ hiện tại, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm bảo quản tại chỗ cho hệ thống bản Phật giáo ở các chùa Quảng Nam như sau:
[1]. Giải pháp kiểm soát sinh vật gây hại và các yếu tố khí hậu, lửa;
[2]. Giải pháp về nhà kho lưu giữ mộc bản;
[3]. Giải pháp về giá đỡ, kê xếp mộc bản;
[4]. Giải pháp về cơ chế chính sách và nâng cao năng lực;
[5]. Lập hồ sơ bảo quản, sử dụng và vệ sinh mộc bản.
Mỗi một giải pháp đều có một khối lượng công việc cũng như cách thức tiến hành riêng biệt và cụ thể. Đặc biệt là các giải pháp này luôn đồng nhất trong một bộ quy chuẩn nhằm hạn chế những tác nhân không mong muốn xảy ra khi bảo quản các khối mộc bản riêng lẻ.
4.2. Vấn đề phát huy giá trị di sản mộc bản
Đối với việc phát huy giá trị của di sản mộc bản này trong tương lai, chúng tôi cho rằng cần thiết phải:
[1]. Nghiên cứu đầy đủ về nội dung mộc bản nhằm quảng bá những giá trị văn hóa của một loại hình di sản ký ức vốn đã tồn tại, phát triển gắn chặt với vùng đất này hàng trăm năm qua;
[2]. Chuẩn bị những tri thức, kinh nghiệm trong việc bảo quản mộc bản một cách đặc thù cùng các trang thiết bị, kinh phí… để có những đánh giá đầy đủ thực trạng hiện tồn của các ván khắc nhằm có phương án xử lý thích hợp theo từng trường hợp;
[3]. Xiển dương ý thức bảo tồn vốn quý tiền nhân của người sở hữu cũng như của cộng đồng đối với loại hình di sản vừa vật thể những cũng vừa là phi vật thể đặc trưng này.
[4]. Từ đây, có thể tiến đến việc chung tay xây dựng đề án, đề ra các giải pháp bảo tồn nhằm thực hiện công tác bảo quản một cách khoa học ở tại một trung tâm lưu trữ chung, nếu không thực hiện, có thể chúng ta sẽ mất đi chính những di sản mà hiện đang được sở hữu.
4.3. Kiến nghị
Trong mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản mộc bản Phật giáo Quảng Nam, chúng tôi cho rằng, những kiến nghị như sau là cần thiết:
[1]. Kiến nghị lãnh đạo, chính quyền địa phương tham gia, chung sức, xắn tay cùng bảo tồn di sản quý giá đang bị đe dọa.
[2]. Xây dựng đề án bảo tồn di sản mộc bản nhằm huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, vận động đóng góp của xã hội, cũng như các nhà hảo tâm, tiến tới xây dựng bảo tàng trưng bày hiện vật mộc bản Phật giáo ở các tự viện hiện đang lưu trữ mộc bản.
[3]. Hướng dẫn và thực hiện các giải pháp bảo quản hiện vật mộc bản ở các địa điểm lưu trữ một cách có khoa học, hợp lý nhằm hạn chế tối đa sự mất mát, thất lạc và hư hại mộc bản do nhiều nguyên nhân.
[4]. Nghiên cứu, khai thác và quảng bá các giá trị văn hóa mộc bản Phật giáo Quảng Nam đến với đông đảo quần chúng qua các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề.
LÊ THỌ QUỐC – NGUYỄN PHƯỚC BẢO ĐÀN
Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế
_Chú thích:
1. Khác bản năm Chính Hòa thứ 26 [1705] có các bộ ván Đại thừa Kim Cang Di-đà Quan Âm tam kinh, Từ bi huyết bồn đạo tràng sám pháp, Hồng Danh bảo sám Vu lan bồn kinh và bộ ván Thiền tâm thượng phẩm khắc bản năm Chính Hòa thứ 27 [1706].
2. Bộ ván Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh khắc bản năm Vĩnh Khánh thứ 3 [1731].
3. Bộ ván Phật thuyết nhất thiết Như Lai Kim Cang thọ mạng Đà-la-ni kinh khắc bản năm Cảnh Hưng thứ 15 [1754] và bộ ván Đại bi xuất tượng Đà-la-ni kinh khắc bản năm Cảnh Hưng thứ 25 [1764].
4. Nguồn: Thích Pháp Hạnh, Nguyễn Văn Thịnh, Lê Thọ Quốc, Nguyễn Dũng (2019), “Thống kê di sản mộc bản Phật giáo xứ Quảng” trong Tạp chí Liễu Quán, số 17, Nxb. Thuận Hóa, tr. 83-88.