Đặng Huy Trứ, một trí thức lớn, một nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục, là một con người mang đầy đủ những tư tưởng tốt đẹp của truyền thống lẫn hiện đại với khát khao xây dựng một đất nước độc lập, văn minh, thịnh vượng giữa một hoàn cảnh hết sức đặc biệt của dân tộc. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, dù với bất kỳ tư cách nào, dù ở đâu Đặng Huy Trứ cũng để lại trong lòng người đã gặp những tình cảm thân ái, mến mộ, lòng cảm phục về nhân cách, trí tuệ, tài năng và hoài bão của một trí thức chân chính. Người xưa vẫn quan niệm việc gặp gỡ, rồi trở thành tri âm tri kỷ không phải là điều bỗng dưng, mà vốn có cơ duyên sâu xa của nó, “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” là vậy. Quan niệm ấy trong tư tưởng của Phật giáo còn sâu xa hơn nữa: “Túc thế nhân duyên” – nhân duyên có từ vô lượng kiếp đã chi phối mọi hoạt động tâm sinh lý của đời người. Nói vậy để thấy rằng sự gặp gỡ giữa một trí thức lớn với một đại sư dòng Lâm Tế Chúc Thánh trong hoàn cảnh đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn hoàn toàn không phải là một sự tình cờ, mà là từ một cơ duyên, và cuối cùng họ đã trở thành một đôi tri kỷ. Chỉ cần đọc câu cuối trong bức thư của Đặng Huy Trứ viết gửi cho Hòa thượng Toàn Nhâm – Quán Thông đất Quảng Nam chỉ mấy tháng trước khi mất: Vẫn biết Thượng nhân là người Chân mà Phật tử là người Tục, nhưng Chân Chân Tục Tục thảy vốn là Không cả!, đủ thấy sự thâm tình rất cao quý giữa hai người như thế nào!
Đặng Huy Trứ (1825-1874) (1), tự Hoàng Trung, hiệu Võng Tân, và Tĩnh Trai, sinh ngày 16-5-1825. Tổ lâu đời của ông đã theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa (1558), ban đầu nhà ở làng Hiền Sĩ (2), sau nhập tịch làng Bác Vọng (3) nhưng lại ngụ ở làng Thanh Lương (4), hiện nay Thanh Lương thuộc địa phận thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Tổ tiên Đặng Huy Trứ xuất thân vốn là bình dân, nhưng do có chí học hành, tiến thủ, dần dần trở thành một gia đình khoa cử, uy tín càng vang xa. Ông nội là Đặng Quang Tuấn (1752 – 1825), một nhà giáo tiếng tăm, bác là Đặng Văn Hòa (1791 – 1856), một đại quan nổi tiếng thanh liêm trải bốn triều đầu của nhà Nguyễn, cha là Đặng Văn Trọng (1799 – 1849). Năm 1821, ông Đặng Văn Trọng cưới bà Trần Thị Minh, người làng Tân Sa (5), hai ông bà sinh được 4 trai 1 gái, hai trai đầu mất sớm, thứ ba là Đặng Thị Dao, đến Đặng Huy Trứ và sau cùng là Đặng Huy Xán. Mẹ của Đặng Huy Trứ mất vào năm 1851.
Đặng Huy Trứ được thừa hưởng truyền thống, kinh nghiệm học tập từ ông nội, cha và những anh em trong gia tộc. 8 tuổi, ông bắt đầu đến trường, học với những vị thầy cũng là những quan lại uy tín như cử nhân Đỗ Huy Viêm, phó bảng Lê Thế Quán (đều người Thanh Hóa), tiến sĩ Nguyễn Hữu Tạo (Từ Liêm, Hà Nội). Nhờ vậy, năm 18 tuổi ông đã đỗ cử nhân khoa Quý Mão (1843), năm sau vào điện thí đã trúng cách nhưng do quan trường Hà Duy Phiên (1791 – 1852) phát hiện “dùng chữ thiếu nghiêm cẩn” nên bị truất. Khoa Đinh Mùi (1847), ông thi lại và đỗ giải nguyên.
Năm 1848, trong lúc đợi bổ dụng, Đặng Huy Trứ đi dạy học nhiều nơi ở Quảng Nam. 3 năm sau đó ông ra dạy học ở Mỹ Xuyên, Ưu Điềm nay thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Trong thời gian này, ông đã biên soạn các sách về binh pháp, chính trị xã hội, như Binh thư Vũ Kinh, Sĩ công nông thương tứ gia lạc.
Năm 1855, ông được cử làm Giám khảo Trường thi Bình Định. Năm sau, chiến thuyền Catinat của phương Tây vào Đà Nẵng, ông được phái đi kiểm tra tàu. Chứng kiến tình hình thực tế, Đặng Huy Trứ đã nhìn ra được ít nhiều nguy cơ của đất nước, ông viết Vãng Đà Nẵng quân thứ tức sự (往沱曩軍次即事), bài thơ được xem là sớm nhất thể hiện niềm băn khoăn của một trí thức yêu nước trước việc hòa hay chiến với phương Tây:
肉食我如謀為國
戰和與守孰機宜
Nhục thực ngã như mưu vị quốc
Chiến, hòa, dữ, thủ thục cơ nghi? (6)
(Ăn lộc, ví cùng lo việc nước,
Tính sao: hòa, chiến, giữ hay nhường)
(Trần Lê Văn dịch)
Sang năm 1857, Đặng Huy Trứ được bổ làm Thông phán Ty Bố chánh Thanh Hóa, rồi Tri huyện Quảng Xương, thuộc tỉnh đó. Khi quân phương Tây tấn công Đà Nẵng rồi bỏ Đà Nẵng vào Gia Định, phong trào chống Pháp nổi lên mạnh mẽ từ Trung đến Nam, cũng là lúc Đặng Huy Trứ về Kinh, ông dâng 5 điều thỉnh nguyện và 3 đối sách nhằm góp phần chống Pháp và bình ổn xã hội. Năm 1864, dân Quảng Nam đang gặp nạn đói, sĩ phu Quảng Nam đã nhờ Phạm Phú Thứ (1821 – 1882) vừa mới đi sứ về liền dâng sớ xin cử Đặng Huy Trứ vào cứu đói. Vua Tự Đức chuẩn cho Đặng Huy Trứ tước Hồng lô tự khanh, làm Bố chánh sứ Quảng Nam để cứu đói. Dịp này, những kiến nghị của Đặng Huy Trứ được triều đình lưu tâm giải quyết, như lập Ty Nam Bắc vận chuyển sứ; lập Nghĩa Trủng để chôn cất mộ phần dân phiêu tán và chiến sĩ trận vong (7); dâng sớ xin phục chức cho các quan người Quảng Nam do có lỗi bị cách chức như Hoàng Diệu (Điện Bàn) nguyên Tri huyện Hương Trà, Nguyễn Quang Quýnh (Duy Xuyên) nguyên Bố chánh Khánh Hòa… Ông còn tổ chức vét sông, đắp đập, sắp xếp lại thuế khóa, phát triển nghề thủ công… Năm 1865, theo đề nghị của Phạm Phú Thứ và Viện Cơ mật, Đặng Huy Trứ được phép cải trang thành người nhà Thanh sang Hong Kong và Macau (8) với nhiệm vụ thám phỏng dương tình (9). Khi về, ngoài việc mang về một số tài liệu khoa học, ông c̣n vận động đóng được chiếc tàu chạy bằng máy hơi nước, đặt tên là Mẫn Thỏa khí đại cơ đồng thuyền. Năm sau, Đặng Huy Trứ được cử làm Biện lý bộ Hộ, dịp này ông thành lập ty Bình chuẩn đặt ở Hà Nội và được triều đình xuất vốn cho buôn bán, ông lập nhiều hiệu buôn như Lạc Thanh, Lạc Sinh, Lạc Đức nhằm sinh lợi cho nhà nước. Ngoài ra ông còn tổ chức mạng lưới trao đổi hàng hóa giữa các vùng Nam Bắc, ngược xuôi, tổ chức mở đồn điền ở trung du và vùng cao để vừa sản xuất, vừa luyện quân. Giữa năm 1867, trước tình hình mới, triều đình lệnh cấm địa phương mộ quân, đúc vũ khí, giải tán ty Bình chuẩn cùng hầu hết kế hoạch mà Đặng Huy Trứ đang thực hiện. Và ông đã bị điều đi Quảng Châu (Trung Quốc). Trên đường đi, ông phát bệnh, do sức khoẻ không tốt nên lần này, suốt 9 tháng ở đây, Đặng Huy Trứ gắng gượng làm được một số việc, như viết hồi ức về cha (Đặng Dịch Trai ngôn hành lục, Từ thụ yếu quy, Tứ giới, Tứ thập bát hiếu, mua sắm máy móc, mua 239 khẩu súng, Tân thư và Binh thư và nhiều dụng cụ chụp ảnh…). Cuối năm ấy, Đặng Huy Trứ về nước, nhận chức Thương biện tỉnh vụ Hà Nội, sau đổi đến Sơn-Hưng-Tuyên. Cũng thời gian này, ông mở hiệu ảnh đầu tiên ở nước ta tại Hà Nội, lấy tên là Cảm Hiếu Đường (10). Ông còn mở nhà in Trí Trung Đường, ban đầu ông cho in các sách về binh pháp của Việt Nam và Trung Quốc, năm sau ông chi in Đại Nam quốc sử diễn ca (11), một bộ lịch sử Việt Nam được diễn thành thơ lục bát của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái.
Năm 1873, tình hình chính trị và quân sự trong nước diễn biến rất phức tạp. Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa), một nhà buôn người Pháp, dựa thế người Pháp đã ngang nhiên dùng sông Hồng làm đường giao thương hàng hóa qua lại giữa Hà Nội với Vân Nam Trung Quốc, các quan nhà Nguyễn phản ứng liền bị phái binh của Francis Garnier (Ngạc Nhi) áp bức. Tháng 10 năm Quý dậu (1873), quân Pháp bắn súng vào thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương cùng con là Nguyễn Lâm và quân đội chiến đấu giữ thành. Do tương quan lực lượng không cân sức, Nguyễn Lâm tử trận, Nguyễn Tri Phương bị thương và cùng quan khâm phái Phan Đình Bình bị Pháp bắt, Nguyễn Tri Phương đã không chịu ăn uống và chữa trị mà chết!
Đầu năm 1874, Lê Tuấn, Nguyễn Văn Tường đại diện triều đình, phía Pháp có Dupré, thiếu tướng hải quân, ký hòa ước Giáp Tuất, thừa nhận sự chiếm đóng của Pháp trên toàn vùng Nam Bộ. Giữa tình hình ấy, Đặng Huy Trứ cùng Hoàng Kế Viêm nguyên là Tiết chế quân vụ ở Sơn Tây, dời căn cứ về Đồn Vàng, thuộc xã Cao Lăng, Hưng Hóa để canh phòng biến cố có thể xảy ra. Thời gian này Đặng Huy Trứ bị bệnh nặng rồi mất ở đó vào ngày 07-8-1874.
Một đời dù ngắn ngủi, Đặng Huy Trứ đã làm bao nhiêu việc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau mà tất cả đều chỉ vì một mục đích là góp phần xây dựng một đất nước bình yên, một dân tộc phát triển và rất văn hiến. Đau thương hơn, sau sự kiện 23 tháng 5 năm Ất Dậu (1885), Đặng Huy Cát (con của Đặng Văn Hòa, chồng của công chúa Tĩnh Hòa, anh con bác của Đặng Huy Trứ) bị đốt nhà và bị án trảm giam hậu; Đặng Hữu Phổ (con của Đặng Huy Cát và Tĩnh Hòa) thì bị xử tử ngay ở quê; tủ sách Đặng Gia tàng thư cũng bị đem đốt (12). Nhưng những con người của dòng họ Đặng mãi còn trong lòng người Việt, chỉ riêng sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Đặng Huy Trứ để lại cho đời: 12 tập thơ với hơn ngàn mấy bài, 4 tập văn, 1 tập hồi ký cùng bao nhiêu nghiên cứu về văn hóa, giáo dục, chính trị, quân sự… đã biểu thị rất rõ điều đó.
Trong khoảng 27 năm vừa dạy học, vừa đợi bổ dụng rồi làm quan, Đặng Huy Trứ đã đi rất nhiều nơi trên đất nước mình, ra nước ngoài mấy lần, nhưng có lẽ thời gian ông đến và sống ở Quảng Nam là khá lâu. Ở đó, Đặng Huy Trứ đã được nhân dân, sĩ phu và quan lại rất cảm mến, đặc biệt ông đã trở thành người bạn tri âm của nhiều đại sư dòng Phật giáo Chúc Thánh, một dòng Thiền có vai trò và vị trí lớn ở vùng Thuận Quảng bấy giờ. Bức thư Đặng Huy Trứ viết ở Am Kim Giác (Hà Nội) gửi cho Hòa thượng Quán Thông ở chùa Phước Lâm (Quảng Nam) đã cho thấy mối quan hệ vô cùng mật thiết và thân ái giữa một trí thức luôn trăn trở về vận mệnh của nhân dân, đất nước với một Đại sư suốt đời chịu gian khó trong sự nghiệp hoằng dương đạo pháp, tế độ quần sanh.
Ngài Quán Thông (1798 – 1883) (13), tục danh là Nguyễn Văn Định, người làng Thanh Liêm, nay thuộc thị trấn An Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ nhỏ, ngài đã có chí nguyện tu hành, ngài quy y học đạo với Hòa thượng Pháp Liêm Luật Uy Minh Giác (1747 – 1832) (14), được ban pháp danh là Toàn Nhâm, tự là Vi Ý và hiệu là Quán Thông, thuộc đời thứ 37 dòng thiền Lâm Tế, thế hệ thứ 4 phái Chúc Thánh. Hòa thượng Pháp Liêm tên thật là Vũ Đức Nghiêm, quê gốc là làng Ngọc Trì, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, nay thuộc địa phận huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi. Năm 12 tuổi (1759), ngài xuất gia với Hòa thượng Thiệt Dinh Ân Triêm ở chùa Phước Lâm, được ban pháp danh là Pháp Liêm, tự Luật Uy, sau có hiệu là Minh Giác, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 36, thế hệ thứ 3 phái Chúc Thánh. Năm 1770, Hòa thượng về thăm quê, thấy làng quê đang gặp loạn lạc do cuộc giao tranh của dân Đá Vách (Thạch Bích) (15) và quân triều đình, ngài lại tòng quân dẹp loạn. Khi tình hình tạm yên, ngài ở lại quét chợ Hội An trong một thời gian dài, mãi đến năm 1798 mới trở lại làm trú trì chùa Chiên Đàn, về sau lại về chùa Phước Lâm.
Năm Canh Dần (1830), Tổ Pháp Liêm viên tịch, đến năm Nhâm Thìn (1832), Hòa thượng Toàn Nhâm Quán Thông được tăng chúng thỉnh làm trụ trì chùa Phước Lâm (16). Sau đó Hòa thượng lại được tăng chúng suy cử trú trì chùa Chúc Thánh (17). Năm Ất Mùi (1835), Hòa thượng được mời chủ lễ Đại trai đàn Phổ độ U minh Thủy lục đạo tràng, dịp này ngài được ban Giới đao Độ điệp. Năm Mậu Tuất (1838), Hòa thượng đứng ra tu bổ chùa Chúc Thánh to lớn khang trang hơn. Đinh Mùi (1847), Hòa thượng Quán Thông làm Đàn đầu Đại giới đàn do sơn môn các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi tổ chức. Năm Kỷ Dậu (1849), trong vùng bỗng có đại dịch, ngài phát nguyện đến Hội An, Đại Chiêm mở Thủy lục Đại trai đàn cầu nguyện trong 7 ngày đêm. Sau đó, ngài lại trở về Bình Định để xây dựng chùa Báo Ân ở Bình Định. Năm Nhâm Tuất (1862), ngài được cử làm chủ giáo chùa Tam Thai ở Quảng Nam.
Năm Quý Hợi (1863), Hòa thượng Quán Thông khai Đại giới đàn ở chùa Phước Lâm, trong hàng giới tử giới đàn này có Hòa thượng Vĩnh Gia (18).
Ngài Toàn Nhâm Quán Thông viên tịch vào ngày 02 tháng 3 năm Quý Mùi (1883), thọ 86 tuổi, tháp mộ của ngài được tôn trí trong khuôn viên chùa Phước Lâm. Ngài là Tổ thứ tư của Tổ đình Phước Lâm, thế hệ thứ tư dòng thiền Chúc Thánh, đời thứ 37 của Thiền phái Lâm Tế.
Từ sự nghiệp của một người giữa đời, một người trong đạo mà trái tim họ cùng thổn thức như nhau, vẫn cùng nhau có những nhịp trầm vì quốc gia dân tộc còn bao nguy nan khổ nhục. Có lẽ trong nhiều lần gặp nhau, nhiều lần tâm sự, hai con người tâm huyết ấy đã tỏ bày hết cho nhau. Nhưng cảm động hơn vẫn là bức thư mà Đặng Huy Trứ viết gửi ngài Toàn Nhâm Quán Thông trước ngày ông từ giã cuộc thế có mấy tháng. Bức thư ấy như sau:
Nguyên văn:
夫 佛 之 爲 教。援 有 漏 之 身。超 無 量 之 刼。開 善 誘 之 門。施 方 便 之 力。以 戒 律 爲 教 文。以 禪 定 爲 眞 守。極 苦 海 之 沉 溺。救 火 宅 之 焚 燒。天 上 天 下 與 儒 道 鼎 立 而 三 者 也。佛 之 弟 子 爲 上 人。自 非 内 有 德 智 。外 有 勝 行。
在 人 之 上 者 。何 以 當 之 。是 故 傳 燈 繼 燈 。非 得 其 人 不 可 。
佛 子 舊 治 属 廣 南 省 奠 盤 府 延 福 縣 五 行 山 三 台 官 寺 住 持 。貫 通 和 尚 阮 上 人 , 我 臨 濟 正 宗 也 。平 定 省 安 仁 府 綏 遠 縣 安 義 總 清 廉 村 人 也 。前 者 福 林 寺 。 亦 延 福 一 名 藍 也 。 有 明 覺 和 尚 在 此 修 行 。 弟 子 信 善 。從 者 雲 集 。上 人 慕 之 投 。 爲 弟 子 。 苦 勵 工 夫 。 既 得 眞 鉢 。 辞 歸 平 定 入 十 塔 寺 居 焉 。 未 幾 , 明 覺 和 尚 西 歸 。我 仁 廟 嗣 服 之 十三 年 壬 辰 福 林 寺 眾 以 繼 灯 難 。 其 人 懇 請 上 人 主 其 寺 。 眾 以 事 先 和 尚 之 禮 事 之 。 盖 其 苦 行 眞 修 。 爲 眾 所 推 服 者 素 矣 。
乙 未 中 元 , 春 官 奉 旨 啟 設 普 度 幽 明 水 陸 道 塲 大 齋 壇 。 有 選 僧 之 命 。 上 人 與 焉 。 欽 蒙 恩 賜 度 牒 一 , 戒 刀 一 。 仍 充 福 林 寺 住 持 。 谮 確 書 云 。 住 者 安 心 覺 海 。 永 息 攀 緣 。 持 者 把 持 萬 行 。 無 漏 無 失 上 人 當 不 負 恩 命 矣 。
廼 於 戊 戌 之 吉 。 增 修 祝 聖 寺 。 廢 者 興 焉 。 丁 未 富 安 平 定 廣 義 諸 省 山 僧 。 會 開 大 戒 壇 。 進 爲 貫 通 和 尚 。
今 上 (19) 嗣 德 二 年 己 酉 。 疫 大 作 。 上 人 發 願 于 會 安 大 占 。 設 水 陸 大 齋 壇 一 七 日 夜 。 募 緣 請 僧 二 帖 。 皆 出 佛 子 予 。法 事 圓 成 。 復 歸 平 定 。 建 报 恩 寺 。 纔 十 餘 年 。 闡 揚 梵 教 。 不 一 而 足 。 壬 戌 奉 旨 補 充 三 台 寺 主 教 。
九 重 光 顧 。 佛 法 增 輝 。 亦 上 人 之 德 智 勝 行 。有 以 囬 日 月 之 照 也 。 從 此 帝 道 遐 昌 。 而 上 人 亦 豋 無 量 壽 則 開 覺 渡 迷 。 豈 獨 造 寺 修 齋 一 二 事 。 而 天 恩 憂 渥 。 爲 日 且 猶 長 矣 。 佛 子 襁 褓 。 二 嚴 以 難 養 故 。 皈 于 三 寶 。 發 解 後 遊 學 廣 南 。 得 見 上 人 者 屡 日 。 久 見 親 繼 而 試 政 又 繼 而 來 宣 。 與 上 人 相 朝 夕 而 化 焉 。 幾 不 知 上 人 之 爲 眞 而 佛 子 之 爲 俗 矣 。 眞 眞 俗 俗 總 是 空 也 。 年 週 而 別 。 佛 子 風 塵 勞 頓 。 幾 不 自 存 而 上 人 仍 然 禪 灯 也 。
公 事 之 暇 回 掇 數 語 。爲 上 人 贈 。
天 運 嗣 德 萬 萬 年 之 二 十 七 孟 春。
南 無 佛 歡 喜 日。
原 南 布 政 使 改 派 平 凖 今 充 三 宣 軍 次 商 辦 軍 務 。 丁 未 科 解 元 。臨 濟 正 尊 皈 依 弟 子 鄧 輝 著 (20) 法 名 海 德 盥 書 。
于 河 内 今 覺 庵 。
Phiên âm:
Phù Phật chi vi giáo, viên hữu lậu chi thân, siêu vô lượng chi kiếp, khai thiện dụ chi môn, thi phương tiện chi lực, dĩ giới luật vi giáo văn, dĩ thiền định vi chân thủ, cực khổ hải chi trầm nịch, cứu hỏa trạch chi phần thiêu. Thiên thượng thiên hạ dữ Nho Đạo đỉnh lập nhi tam giả dã. Phật chi đệ tử vi Thượng nhân, tự phi nội hữu đức trí, ngoại hữu thắng hạnh, tại nhân chi thượng giả, hà dĩ đương chi. Thị cố, truyền đăng kế đăng phi đắc kỳ nhân bất khả.
Phật tử, cựu trị thuộc Quảng Nam tỉnh, Điện Bàn phủ, Diên Phước huyện, Ngũ Hành Sơn Tam Thai quan tự trú trì, Quán Thông Hòa thượng Nguyễn Thượng nhân, ngã Lâm Tế chánh tông dã. Bình Định tỉnh, An Nhơn phủ, Tuy Viễn huyện, An Nghĩa tổng, Thanh Liêm thôn nhân dã. Tiền giả Phước Lâm tự, diệc Diên Phước nhất danh lam dã. Hữu Minh Giác Hòa thượng tại thử tu hành. Đệ tử tín thiện tòng giả vân tập, Thượng nhân mộ chi đầu vi đệ tử. Khổ lệ công phu, ký đắc chân bát. Từ quy Bình Định, nhập Thập Tháp tự cư yên. Vị kỷ, Minh Giác Hòa thượng tây quy, ngã Nhân Miếu tự phục thập tam niên Nhâm Thìn, Phước Lâm tự chúng dĩ kế đăng nan, kỳ nhân khẩn thỉnh Thượng nhân chủ kỳ tự, chúng dĩ sự tiên Hòa thượng chi lễ sự chi, cái kỳ khổ hạnh chân tu, vị chúng sở suy phục giả tố hỹ.
Ất Mùi trung nguyên, xuân quan phụng chỉ khải thiết Phổ độ U minh Thủy lục đạo tràng Đại trai đàn, hữu tuyển tăng chi mệnh, Thượng nhân dữ yên. Khâm mông ân tứ độ điệp nhất, giới đao nhất, nhưng sung Phước Lâm tự trú trì. Tiếm xác sổ thư vân, trú giả an tâm giác hải, vĩnh tức phàn duyên, trì giả bả trì vạn hạnh, vô lậu vô thất, Thượng nhân đương bất phụ ân mệnh hỹ.
Nãi ư Mậu Tuất chi cát, tăng tu Chúc Thánh tự, phát giả hưng yên. Đinh Mùi, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi chư tỉnh sơn tăng hội khai Đại giới đàn, tiến vi Quán Thông Hòa thượng.
Kim thượng Tự Đức nhị niên Kỷ Dậu, dịch đại tác, Thượng nhân phát nguyện vu Hội An Đại Chiêm, thiết Thủy lục Đại trai đàn nhất thất nhật dạ, mộ duyên thỉnh tăng nhị thiếp, giai xuất Phật tử dư. Pháp sự viên thành phục quy Bình Định, kiến Báo Ân tự. Tài thập dư niên, xiển dương Phạm giáo, bất nhất nhi túc. Nhâm Tuất, phụng chỉ bổ sung Tam Thai tự chủ giáo.
Cửu trùng quang cố, Phật pháp tăng huy, diệc Thượng nhân chi đức trí thắng hạnh, hữu dĩ hồi nhật nguyệt chi chiếu dã. Tòng thử, đế đạo hà xương, nhi Thượng nhân diệc đăng vô lượng thọ, tắc khai giác độ mê, khởi độc tạo tự tu trai nhất nhị sự, nhi thiên ân ưu ác, vi nhật thả do trường hỹ. Phật tử tự cưỡng bảo, nhị nghiêm dĩ nan dưỡng cố. Quy vu Tam bảo phát giải hậu, du học Quảng Nam, đắc kiến Thượng nhân giả lũ nhật cửu kiến thân kế nhi thí chính, hựu kế nhi lai tuyên, dữ Thượng nhân tương triêu tịch, cửu nhi hóa yên. Kỷ bất tri Thượng nhân chi vi chân, nhi Phật tử chi vi tục hỹ. Chân chân tục tục tổng thị không dã. Niên chu nhi biệt, Phật tử phong trần lao đốn, kỷ bất tự tồn, nhi Thượng nhân nhưng nhiên Thiền đăng dã.
Công sự chi hạ, hồi xuyết sổ ngữ vi Thượng nhân tặng.
Thiên vận Tự Đức vạn vạn niên chi nhị thập thất, Mạnh xuân.
Nam mô Phật Hoan Hỷ nhật.
Nguyên Quảng Nam Bố chánh sứ, cải phái Bình chuẩn, kim sung Tam tuyên quân thứ, Thương biện quân vụ, Đinh Mùi khoa giải nguyên, Lâm Tế chánh tôn quy y đệ tử Đặng Huy Trứ, pháp danh Hải Đức quán thư vu Hà Nội Kim Giác am.
Dịch nghĩa:
“Ôi, lý tưởng giáo hóa quần sinh của đức Phật là mượn tấm thân hữu lậu (21) trải vô lượng kiếp, từ đó để khuyến khích quần sinh tìm vào nẻo thiện, dùng sức làm phương tiện, dùng giới luật mà dạy răn, lấy thiền định để đạt đến căn bản hành trì, cứu người đắm chìm trong bể khổ, như cứu nhà đương cháy vậy. Trong khắp cõi trời đất, Phật vốn đã cùng Nho và Đạo lập thành ba tư tưởng như thế chân vạc. Thượng nhân (22) là đệ tử của Phật, vì là bậc mà bên trong không chỉ đủ trí đức, ngoài không chỉ là phẩm hạnh, mà là bậc thượng trí trên đời, còn ai sánh kịp. Vì thế, việc truyền đăng kế tục không ai xứng đáng như vậy nữa.
Hòa thượng Quán Thông Nguyễn Thượng nhân trú trì chùa quan Tam Thai trên núi Ngũ Hành Sơn, nơi trước đây Phật tử từng trị nhậm, thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ngài vốn người thôn Thanh Liêm, tổng An Nghĩa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định, thuộc dòng Thiền Lâm Tế chánh tông của chúng ta.
Chùa Phước Lâm ngày trước đã là một danh lam thắng tích của đất Diên Phước, là nơi Hòa thượng Minh Giác tu hành, là ngôi chùa được đạo tràng thiện nam tín nữ hâm mộ tìm về xin làm đệ tử, chiêm bái ngày càng đông. Thượng nhân cũng đã hâm mộ đến đây thế phát quy y tham học. Sau thời gian khổ luyện công phu, ngài Quán Thông đã nhận được y bát chân truyền, nhưng rồi phải từ biệt về hành đạo ở chùa Thập Tháp Di Đà thuộc tỉnh Bình Định. Chẳng bao lâu, Hòa thượng Minh Giác viên tịch, năm Nhâm Thìn (1832) niên hiệu Minh Mạng thứ 13 (23), chùa Phước Lâm gặp khó khăn vì chưa có người kế tục nên tăng chúng đã khẩn thiết tìm mời người chủ tự, mà trước hết là bổn chúng nghĩ đến Hòa thượng Quán Thông, bởi vì ngài là một bậc khổ hạnh chân tu, lại là người xuất thân từ bổn tự.
Đến giữa tháng Giêng năm Ất Mùi (1835), quan Bộ Lễ (24) vâng chỉ thiết lễ Đại trai đàn Phổ độ U minh Thủy lục đạo tràng, ngài Quán Thông được cung thỉnh tham gia Hội đồng thập sư. Nhân việc ấy, ngài được triều đình ban Giới đao Độ điệp rồi được sung bổ chức trú trì chùa Phước Lâm có văn bản rõ ràng, khiến tăng chúng sơn môn an tâm tu học, bậc giữ việc tùy duyên thi hành phương tiện. Bởi theo thượng ý của Đức Phật, mỗi khi tâm đã rỗng lặng thì không có gì để mất (25), Thượng nhân luôn là người không hề quên ân sủng và bổn phận ấy.
Đến năm Mậu Tuất (1838), gặp khi thuận tiện, ngài phát tâm trùng tu chùa Chúc Thánh to lớn hơn. Năm Đinh Mùi (1847), sơn tăng các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi cùng hợp khai Đại giới đàn và đã tiến thỉnh Hòa thượng Quán Thông làm Đàn đầu.
Năm Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ hai (1849), trong vùng bỗng có đại dịch, Thượng nhân phát nguyện đến Hội An, Đại Chiêm mở Thủy lục Đại trai đàn trong 7 ngày đêm, Phật tử tôi đã hai lần gửi thư thỉnh tăng chấp sự. Khi Phật sự viên thành, ngài lại trở về Bình Định để xây dựng chùa Báo Ân. Trải hơn 10 năm hoằng dương Phật pháp ở đây, không việc gì mà ngài không chu tất. Sang năm Nhâm Tuất (1862), ngài vâng chỉ bổ sung làm chủ giáo chùa Tam Thai.
Nhờ ngôi cao chiếu khắp, Phật pháp rạng soi nên công phu và đức hạnh của ngài mới sáng được như mặt trời mặt trăng mãi vậy. Cũng từ đó, đời đạo tốt tươi, rộng truyền Chánh pháp, mới biết ngài đã đạt đến cảnh giới Vô lượng thọ, khai sáng đường mê, đâu phải chỉ do một đôi việc dựng chùa, tu tập mà nên hay sao! Ấy cũng do thiên ân thấm khắp mà được dài lâu như thế!
Phật tử từ thuở nhỏ vốn khó nuôi nên cha mẹ đã cho quy y Tam bảo. Sau được đi học xa, khi đến đất Quảng Nam lại thường được gặp Thượng nhân, lâu ngày thành thân. Rồi ra tham chính, trong công vụ lại cùng Thượng nhân sớm chiều bên cạnh nên Phật tử được cảm hóa tự lúc nào không hay! Vẫn biết Thượng nhân là người Chân mà Phật tử là người Tục, nhưng Chân Chân Tục Tục thảy vốn đều là Không cả!
Rồi chừng chỉ tròn năm thì phải chia xa, Phật tử nhọc nhằn trên bước đường gió bụi, bao phen tưởng không giữ nổi được mình mà Thượng nhân vẫn nghiễm nhiên là bậc tự tại trên cõi Thiền đăng.
Nhân việc nước gặp chút rảnh rang, kính ghi lại đôi lời dâng tặng Thượng nhân.
Mùng Một tháng Giêng, niên hiệu Tự Đức thứ 27 (1874).
Nam mô Phật Hoan Hỷ nhật (26).
Nguyên là Bố chánh sứ Quảng Nam, cải phái Bình chuẩn, nay sung làm Tam tuyên Quân thứ Thương biện quân vụ, Giải nguyên khoa Đinh Mùi (1847), quy y dòng Lâm Tế chánh tôn, đệ tử Đặng Huy Trứ, pháp danh Hải Đức (27).
Kính rửa tay viết ở Am Kim Giác, Hà Nội”.
Bức thư không dài, lời văn gọn gàng, giản dị nhưng rất sâu sắc, súc tích, thấm đượm đạo tình giữa một bên là một trí thức chân chính, nặng tình với xã hội, con người và đất nước; một bên là một Đại sư giới luật tinh nghiêm, trí tuệ cao siêu, tấm lòng thâm hậu với chúng sanh, trần thế.
Nhìn vào hành trạng, dòng dõi của mỗi người, đời sau ai cũng thấy rõ đó là những con người được sinh ra trong một gia đình có truyền thống tốt đẹp, bao đời có tín tâm với đạo Phật. Hòa thượng Toàn Nhâm Quán Thông xuất gia từ nhỏ, được học đạo với những Đại sư có uy vọng lớn trong chốn tùng lâm. Bổn sư của ngài là Hòa thượng Pháp Liêm Luật Uy Minh Giác, xuất gia khi mới 12 tuổi, năm 23 tuổi về thăm quê, gặp lúc giặc giã, nhìn thấy nhân dân phiêu tán cơ cực, ngài tạm gác việc tu hành để cùng trai tráng góp công dẹp loạn, giữ yên quê nhà. Những tưởng xong việc để về chùa, nhưng thấy cảnh đời còn nhiều khốn khổ khiến người giàu từ tâm chưa vừa ý, ngài tình nguyện ở lại Hội An làm phu quét chợ, một việc hết sức bình thường nhưng lại có ý nghĩa rất rộng lớn. Công việc, tính cách, chí khí của ngài quả quá lạ lùng trong hàng tăng mục, người xứ Quảng đến nay vẫn quý trọng, niệm ân và vẫn lưu truyền tên Tổ Bình Man Tảo Thị (28), là tên do dân gian đặt cho ngài! Ngoài 40, ngài trở về chùa triếp tục tu hành, thi hành Phật sự, hoằng pháp lợi sinh, truyền giới cho rất nhiều đệ tử, Ngài Toàn Nhâm Quán Thông là đệ tử xuất sắc kế tục sự nghiệp của ngài. Noi theo uy đức của thầy, ngài Quán Thông đã đem hết trí tuệ, tài năng và lòng từ bi ra phục vụ đạo pháp. Ngài có công lớn trong việc xây dựng, tu tạo chùa chiền, lập nhiều Đại giới đàn truyền pháp cho rất nhiều đệ tử, thiết nhiều Đại trai đàn Thủy lục cầu nguyện âm siêu dương thái. Đó là một vị Hòa thượng có công lớn trong việc dẫn dắt, đào tạo nhiều tăng tài cho Phật giáo Thuận Quảng trong gần suốt thế kỷ XIX.
Sự gặp gỡ của hai người: Ngài Quán Thông và Đặng Huy Trứ như một lẽ tự nhiên. Bởi vì Đặng Huy Trứ cũng là một người, dù ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào cũng canh cánh nỗi niềm với quê hương đất nước. Mọi hoạt động trên nhiều lĩnh vực của Đặng Huy Trứ đều vì lý tưởng cao cả là đấu tranh để đất nước độc lập, xây dựng xã hội văn minh và cường thịnh. Hết lòng đến vậy mà lúc mất, khi thi hài được đưa về đến quê, triều đình vẫn chưa tin, còn lệnh mở ra xem có đúng ông đã chết thật không. Thật quá bẽ bàng, đắng cay và đầy nghịch lý với đời một người tài hoa, chân chính và tinh khiết.
Giữa đời thường, hai người có cùng lý tưởng, tính cách, tư tưởng và tình cảm gần nhau rất dễ trở thành bạn thân của nhau, nhưng tất yếu đều có căn duyên sâu xa cả. Ngài Quán Thông và Đặng Huy Trứ trở thành tri âm tri kỷ chính là từ tín tâm với đạo Phật. Một người ở ngoài đời với bao âu lo trần tục mà thân tâm vẫn thanh thoát; một người là bậc chân tu, dứt bỏ hết mọi phiền luỵ, giữ được chơn tâm an lạc, tất cả đều nhờ vào Phật lực và khả năng nhận thức của mình.
Thật cảm động khi đọc lại bài thơ Nghệ Phước Lâm tự bái Phật thế phát của Đặng Huy Trứ viết vào tháng 5 năm Ất Sửu (1865) với lời tiểu dẫn: Đi sang Quảng Đông chuyến này tôi phải dóc tóc, tét đuôi sam theo tục nhà Thanh. Đáng lẽ sau khi ra biển, sẽ nhờ người nhà Thanh quen tay làm cho, nhưng tôi không thể làm như thế.
Nguyên văn:
詣 福 林 寺 拜 佛 剃 髮
强 脫 冠 簪 叩 大 慈
王 臣 心 事 老 僧 知
欲 憑 法 器 歸 三 寶
不 許 塵 刀 掛 一 絲
南 北 東 西 君 命 者
髮 膚 身 體 父 生 之
此 行 多 謝 菩 提 蔭
休 論 旁 人 說 夏 夷
Phiên âm:
Nghệ Phước Lâm tự bái Phật thế phát
Cưỡng thoát quan trâm khấu đại tì (từ)
Vương thần tâm sự Lão tăng tri
Dục bằng pháp khí quy Tam bảo
Bất hứa trần đao quải nhất ti
Nam bắc đông tây quân mệnh giả
Phát phu thân thể phụ sinh chi
Thử hành đa tạ Bồ đề ấm
Hưu luận bàng nhân thuyết Hạ, Di
Dịch thơ:
Đến chùa Phước Lâm lễ Phật xin cắt tóc
Gượng bỏ mũ, trâm vào lễ Phật
Vương thần tâm sự Lão tăng hay
Muốn nhờ pháp khí nơi Tam bảo
Chẳng để trần đao đụng mảy may.
Giúp chúa, Đông Đoài Nam Bắc đó
Ơn cha thân thể, tóc da này
Bồ đề tỏa bóng che từng bước
Rằng Hạ, rằng Di, sá quản vay!
(Ngô Linh Ngọc dịch) (29)
Lời thơ chơn chất nhưng gói ghém cả nỗi lòng của một trí thức, một Phật tử trước tình huống rất tế nhị giữa cuộc đời. Cắt tóc, hóa trang để thi hành nhiệm vụ quốc gia giao phó nhưng Đặng Huy Trứ vẫn không quên câu Thân thể phát phu thuộc ư phụ mẫu, nên ông đã đến chùa Phước Lâm, lễ Tam bảo và thỉnh cầu bậc Đại sư Quán Thông, cũng là người bạn của mình dùng cây giới đao như một pháp khí thiêng liêng để cắt tóc cho mình, với niềm tin được nép mình dưới bóng từ bi của Đức Phật (Bồ đề tỏa bóng che từng bước); cùng tình đồng cảm sâu sắc của người tri kỷ (Vương thần tâm sự Lão tăng hay!). Gần 20 năm sau, khi viết bức thư gửi Hòa thượng Toàn Nhâm Quán Thông, Đặng Huy Trứ vẫn mang trọn đạo tình dù kinh qua bao gian truân giữa cuộc đời dâu bể: Rồi chừng chỉ tròn năm thì phải chia xa, Phật tử nhọc nhằn trên bước đường gió bụi, bao phen tưởng không giữ nổi được mình mà Thượng nhân nghiễm nhiên là bậc tự tại trên cõi Thiền đăng. Không ngờ đó là câu nói cuối cùng trong tình bạn giữa hai người.
Bức thư gồm 3 tờ (6 trang), chữ Hán, chép theo lối chân phương, rõ, đẹp, mạch lạc. Văn bản này do Thượng tọa Thích Như Tịnh cung cấp (thông qua Thượng tọa Thích Không Nhiên) và còn cho biết rằng: Bức thư vốn được tìm thấy ở chùa Long Tuyền – Hội An. Ban đầu bức thư có thể do ngài Chương Bằng (đệ tử của ngài Quán Thông) cất giữ ở chùa Hội Nguyên, về sau chùa Hội Nguyện bị đổ nát vì chiến tranh, có thể đến đời ngài Chơn Phát (điệt tôn của ngài Chương Bằng) mang về cất giữ ở chùa Long Tuyền. Hiện nay, văn bản bức thư này đang được Thượng tọa Thích Như Tịnh lưu trữ ở chùa Viên Giác – Hội An.
Từ trước đến nay, nhiều người, nhiều bài nghiên cứu đã nói đến việc Đặng Huy Trứ đã đến đất Quảng Nam nhiều lần, khi còn dạy học, khi ra làm quan và đã có thời gian gần 2 năm ông trị nhậm ở đây. Đó là một người quen biết, thân tình với nhân dân, trí thức quan lại, cũng là người có mối đạo tình sâu sắc với nhiều vị Hòa thượng, tăng chúng và đạo tràng của dòng thiền Liễu Quán, Chúc Thánh, đặc biệt là với Hòa thượng Toàn Nhâm Quán Thông chùa Phước Lâm. Việc phát hiện và giới thiệu bức thư của Đặng Huy Trứ gửi cho ngài Quán Thông lần này quả là điều kỳ diệu. Qua bức thư – cũng là thủ bút – của Đặng Huy Trứ, chúng ta mới có dịp hiểu thêm một cách đầy đủ, chính xác với tất cả tấm lòng trân trọng, cảm động và kính phục về mối quan hệ thân ái, sâu sắc giữa Hòa thượng Quán Thông với Đặng Huy Trứ. Và, bức thư đã là một tư liệu quý giá của Phật giáo, đặc biệt đối với dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh ở Quảng Nam vậy.
Huế, đầu đông Canh Ý
PHAN ĐĂNG
_Chú thích:
1. Về cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Huy Trứ được trình bày ở đây, chúng tôi đã dựa theo các mục Đặng Huy Trứ, người trí thức chân chính trước những vấn đề của dân tộc và thời đại, của Vũ Khiêu, Niên biểu (Đặng Huy Trứ) của Phạm Tuấn Khánh, tất cả đều ở trong Đặng Huy Trứ, con người và tác phẩm, Nhóm Trà Lĩnh, Nxb. TP. HCM, 1990.
2. Nay thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Nơi đây có mộ của Nguyên lão tứ triều đời Nguyễn (từ Gia Long đến Tự Đức) là Đặng Văn Hòa (1791-1856), bác ruột của Đặng Huy Trứ và đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh từ năm 2015.
3. Thời xưa, làng Bác Vọng thuộc tổng Phú Ốc, huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên. Sang thời Nguyễn, Bác Vọng được tách thành Bác Vọng Đông giáp và Bác Vọng Tây giáp, thuộc tổng Hạ Lang, huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên. Ngày nay, làng này được chia thành hai thôn là Bác Vọng Đông và Bác Vọng Tây thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
4. Làng Thanh Lương được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XIV, với tên là làng Thanh Kệ, khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1634) dời phủ từ Dinh Cát đến làng Phước Yên (1626) thì làng Thanh Kệ được đổi thành Thanh Lương.
5. Nhiều tài liệu cổ cho biết, Tân Sa là một làng có từ cuối thế kỷ XV, tên cũ là Tân Sa Khách Phường, thuộc tổng Kế Thực, huyện Hương Trà xứ Thuận Hóa. Thời Nguyễn, Tân Sa vẫn gọi là Tân Sa Khách Phường thuộc tổng Kế Thống, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên. Hiện nay, thôn Tân Sa thuộc xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế.
6. Theo Đặng Thí trong Dấu ấn Đặng Huy Trứ ở Quảng Nam, Quảng Nam online thì bài “Vãng quân thứ Đà Nẵng tức sự (Đi quân thứ Đà Nẵng, ghi lại) [Nguyên văn là Vãng Đà Nẵng quân thứ tức sự] và tại Hội An còn một số bút tích của ông như bức hoành phi tại thánh miếu Minh Hương, văn bia tại chùa Ông, văn bản Hán Nôm tại chùa Viên Giác viết về Thiền sư Quán Thông”.
7. Khi làm Tri huyện Quảng Xương Thanh Hóa, Đặng Huy Trứ đã xin làm Nghĩa Trủng ở đó (1858). Năm 1865, khi làm Bố chánh sứ Quảng Nam ông đã tổ chức quyên góp dựng Nghĩa Trủng ở xã La Hà, tổng Hạ Nông Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn như bài văn bia số 4 của chùa Nghĩa Trủng đã cho biết: Niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865, quan Bố chánh là Đặng Đại nhân quyên góp dựng đền [Nghĩa Trủng] để thờ phụng, đền còn được ban sắc tứ Âm Linh… (Phan Đăng, Văn bia và tư liệu Hán Nôm ở chùa Nghĩa Trủng, Điện Bàn, Quảng Nam, Liễu Quán, số 20, tháng 5.2020, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2020, tr. 77).
8. Tức Hương Cảng (香港): Thuộc địa phận tỉnh tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đầu năm 1841, do sự thất bại của nhà Thanh trong Chiến tranh Nha phiến lần 1, Hồng Kông đã trở thành một thuộc địa của Anh. Rồi sau thất bại lần 2, năm 1860 bán đảo này được nhượng lại cho nước Anh. Năm 1898, Trung Quốc buộc phải cho người Anh thuê trong 99 năm. Năm 1998, khi được trả lại, Hương Cảng trở thành đặc khu hành chính của Trung Quốc.
Ma Cao là tên xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha (Macau), người Trung Quốc gọi là Áo Môn (澳門). Ma Cao là vùng đất thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, năm 1557, triều Minh cho người Bồ Đào Nha thuê để làm cảng giao thương và trung chuyển giữa Đông Tây, đến năm 1887 thì trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha. Ma Cao được chính thức trả cho Trung Quốc từ năm 1999 và trở thành một đặc khu hành chính như Hong Kong.
9. 探訪洋情: Thăm dò, xem xét tình hình mặt biển để tìm cách ứng phó về nhiều mặt trong việc bảo vệ và phát triển đất nước.
10. Khai trương vào ngày 02.02 năm Kỷ Tỵ (14.3.1869).
11. 大南國史演歌: Là bộ sử Việt Nam chép từ thời Kinh Dương Vương đến hết thời Hậu Lê do Lê Ngô Cát (1827-1875:Tự là Bá Hanh, hiệu là Trung Mại, quê ở Hương Lang, Chương Mỹ, Chương Đức nay thuộc Hà Nội. Năm 1848 ông đỗ cử nhân, được bổ làm Giáo thọ, Biên tu, sau làm đến Án sát Cao Bằng) diễn thành lục bát với 1887 câu. Về sau, Phạm Đình Toái (1818-1901: Tự là Thiếu Du, hiệu Song Quỳnh, quê ở xã Hoàn Hậu, nay là Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu. Nghệ An. Ông đỗ cử nhân năm 1842, được bổ chức từ Huấn đạo, Tri huyện, Tri phủ đến Bố Chánh Bình Định. Năm 1870, Phạm Đình Toái cáo bệnh xin về nghỉ ở Hà Nội để lo việc trước tác, biên soạn cho đến khi mất) rút gọn thành 1.027 câu.
Năm 1870, Đại Nam quốc sử diễn ca đã được Phan Đình Thực (1829- 1883: Tên thật là Phan Đình Trực, quê ở xã Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An. Ông đỗ Phó bảng năm 1851, được bổ chức Biện lý Bộ Hình, thăng Hồng lô Thiếu khanh) nhuận chính và do hiệu Trí Trung Đường của Đặng Huy Trứ in thành sách.
12. Quả đúng như câu nhân dân quê Đặng Huy Trứ truyền tụng về dòng họ của ông: Nhất đại tầm thường, nhị đại ly hương, tam đại cận quân vương, tứ đại quán văn chương, ngũ đại đao thương (一代尋常,二大離鄉,三代近君王,四代貫文章,五代刀槍).
13. Về hành trạng của các Hòa thượng Quán Thông, Minh Giác ở đây chúng tôi đều dựa vào sách Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Thích Như Tịnh, Nxb. Phương Đông, 2009, tr. 156-160.
14. Ngài Pháp Liêm – Luật Uy – Minh Giác có gốc từ Tổ Minh Hải – Đắc Trí – Pháp Bảo (1670- 1746), một thiền sư người làng Thiệu An, huyện Đồng An, phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc, nối pháp dòng Lâm Tế thứ 34. Thể lời mời của các chúa Nguyễn, Hòa thượng Minh Hải cùng Hòa thượng Thạch Liêm qua Thuận Hóa, sau hơn một năm truyền pháp, ngài Minh Hải ở lại và dựng chùa Chúc Thánh ở Hội An rồi truyền thừa cho ngài Thiệt Dinh – Chánh Hiển – Ân Triêm (1712-1796). Đệ tử của ngài Ân Triêm là Pháp Liêm – Luật Uy – Minh Giác là bổn sư của Toàn Nhâm – Vi Ý – Quán Thông và Pháp Chuyên Luật Truyền (1726-1798) là bổn sư của Toàn Nhật – Vi Bảo – Quang Đài (1757-1834). [Lê Mạnh Thát, Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, Tập 1, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, 2005, tr.15].
Về năm mất của ngài Minh Giác, hiện có 3 ý kiến: Lê Mạnh Thát, Sđd ghi là năm 1880; Đặng Huy Trứ trong thư gửi Hòa thượng Quán Thông ghi là Nhâm thìn, Minh Mệnh thứ 13 (1832); Thích Như Tịnh, Sđd, ghi là năm 1830. Ngoài ra, một số chi tiết về niên đại hoặc hành trạng của các đại sư có liên quan đến Hòa thượng Toàn Nhâm – Quán Thông được Đặng Huy Trứ ghi trong bức thư gửi Hòa thượng đã có những sai biệt so với các tài liệu đã được công bố trước đây. Ở đây chúng tôi đã dựa theo cách ghi của Đặng Huy Trứ.
15. Chỉ cuộc khởi nghĩa của dân tộc “Đá Vách” ở phía tây Quảng Ngãi, đó là một số dân của các dân tộc ít người sinh sống quanh núi Thạch Bích thuộc huyện Trà Bồng Quảng Ngãi hiện nay, sử sách quen gọi là dân Đá Vách.
Do chính sách cai trị của các quan thời chúa Nguyễn quá hà khắc, nên các dân tộc này đã nổi dậy chống lại triều đình. Từ năm 1750, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) đã cử Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) giữ chức Tuần vũ Quảng Ngãi nhằm chế ngự cuộc nổi dậy này. Tại đây, một mặt Nguyễn Cư Trinh đem ân đức để cảm hóa, vỗ về dân chúng, mặt khác ông gửi sớ Dân gian tật khổ chi trạng (民間疾苦之狀 – Theo Đại Nam thực lục tiền biên 大南寔錄前編, Q.10, tờ 17b) lên nhà chúa. Sớ gồm 4 điều nêu những tệ lậu của quan lại ở đây, đồng thời đề nghị chúa phải có những chính sách cải cách thiết thực, nhưng chúa không nghe, ông liền gửi sớ từ chức. Năm 1752, Nguyễn Phúc Khoát triệu Nguyễn Cư Trinh về kinh, rồi bổ chức Ký lục Quảng Bình, 1753 lại cử làm Tham mưu Điều khiển các dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ. Cũng từ đó, tình hình các dân tộc Đá Vách trở lại như cũ và cuộc nổi dậy ấy kéo dài cho đến gần cuối đời Tự Đức. (Theo Phan Hứa Thuỵ, Thơ văn Nguyễn Cư Trinh, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1989).
16. Chùa Phước Lâm hiện ở phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, ngày xưa gọi là xứ Trảng Kèo, thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, Quảng Nam. Tổ khai sơn là Thiền sư Thiệt Dinh – Chánh Hiển – Ân Triêm thuộc đời thứ 2 Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.
17. Theo Thích Như Tịnh, Sđd, tr. 156-157.
18. “Hòa thượng Vĩnh Gia (1840-1918): Tên thật là Đoàn Văn Hiệu, 19 tuổi xuất gia (1859), pháp danh là Ấn Bổn, tự Tổ Nguyên, hiệu Vĩnh Gia. Niên hiệu Kiến Phúc năm đầu (1884), làm trú trì chùa Linh Ứng, đến niên hiệu Đồng Khánh thứ 2 (1887) trở về chùa Phước Lâm, thọ 79 tuổi.”( Phan Đăng, Ngũ Hành Sơn lục, một tư liệu quý về Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn, Tạp chí Liễu Quán, số 10, 01.2017, Huế, tr. 56-57).
19. Chỗ này nguyên bản chép: 我今皇上 (Ngã kim hoàng thượng), nhưng đã có nét bút chữa là bỏ chữ ngã (我) và chữ hoàng (皇), chỉ còn lại kim thượng (今上).
20. Chữ Trứ, tên của Đặng Huy Trứ, có thêm bộ Hoả (火), tức hoả 火 + trứ 著.
21. Hữu lậu (有漏): Ngược lại là Vô lậu (無漏). Hữu lậu (Sasrava), từ nhà Phật. Chỉ việc do phiền não sinh ra tội lỗi, khiến con người mãi lăn lóc trong cuộc thế mê lầm, không tự thoát ra khỏi luân hồi sinh tử. Vô lậu (Asarava) chỉ các pháp thanh tịnh, không còn mê lầm, không nhiễm tục, giữ lòng an lạc.
22. Thượng nhân (上人): Từ tác giả tôn xưng Hòa thượng Quán Thông.
23. Nguyên văn: 我仁廟嗣服之十三年壬辰 (Ngã Nhân miếu tự phục chi thập tam niên Nhâm Thìn). Nhân miếu tức miếu hiệu của vua Minh Mệnh: Thánh Tổ Nhân Hoàng đế. Đây chỉ niên hiệu Minh Mệnh.
24. Do chữ Xuân quan (春官): Cũng gọi là Xuân thự (春署), một chức quan coi việc tế lễ thuộc Bộ Lễ. Theo lịch sử Trung Quốc, vào năm đầu niên hiệu Quang Trạch (684 – niên hiệu này chỉ trong 1 năm) thời Võ Hậu nhà Đường (686-705, chỉ trong 21 năm có đến 17 niên hiệu), cải Bộ Lễ thành Xuân quan.
25. Nguyên văn dùng chữ Vô lậu vô thất (無漏無失).
26. Nguyên văn: 天運嗣德萬萬年之二十七, 孟春。南無佛歡喜日 (Thiên vận Tự Đức vạn vạn niên chi nhị thập thất, Mạnh xuân. Nam mô Phật Hoan Hỷ Nhật): Nhị thập thất (niên hiệu Tự Đức thứ 27). Mạnh xuân (tháng Giêng); Nam mô Phật Hoan Hỷ Nhật (Chỉ ngày vía Phật Di Lặc – đúng dịp nguyên đán, 01 tháng Giêng âm lịch).
27. Pháp danh Hải Đức (海德): Chữ chính tay Đặng Huy Trứ viết trong bức thư đã nói trên. Trong Đặng Huy Trứ, con người và tác phẩm có hai chỗ đã ghi: [Đặng Huy Trứ] Là một Phật tử có pháp danh thuộc một dòng họ mộ đạo mấy đời… (tr. 22); và Ông tôn trọng đạo Phật, quý đức từ bi của Thích Ca… (tr.41) mà không ghi rõ là pháp danh gì! Đồng thời cũng có tài liệu nói rằng Ông quy y có pháp danh là Đức Hải (?), có ý kiến còn nói rõ là ông đã quy y ở chùa Từ Hiếu. Từ những chi tiết ấy, chúng tôi nghĩ điều rõ nhất là Đặng Huy Trứ đã quy y dòng Lâm Tế chánh tôn, pháp danh là Hải Đức, như ông đã tự tay ghi. Tìm hiểu các bài kệ truyền thừa của các Đại sư ở chùa Huế thời Đặng Huy Trứ không thấy chữ “Đức”, có lẽ Đặng Huy Trứ đã quy y với Đại sư Nhất Định (Tánh Thiên) ở chùa Từ Hiếu, nên có pháp danh Hải Đức, ấy là theo dòng kệ Liễu Quán: Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng… [Tổ Tánh Thiên Nhất Định (1784-1847), quê làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, Quảng Trị. Ngài đầu sư với ngài Phổ Tịnh, thọ cụ túc giới với Đại sư Mật Hoằng. Ngài Nhất Định từng trú trì quán Linh Hựu (1830), Tăng cang chùa Giác Hoàng (1839), năm 1843 về lập An Dưỡng Am tức chùa Từ Hiếu hiện nay]. Tuy nhiên đây vẫn là điều tồn nghi, kính mong quý thức giả cùng quan tâm tìm hiểu thêm.
28. 祖平蠻掃市: Vị Tổ có công dẹp man, quét chợ.
29. Nhóm Trà Lĩnh, Sđd, tr. 316.