Trong quá trình tìm hiểu lịch sử Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh (LTCT), chúng tôi đã được tiếp cận nhiều thư tịch cổ, trong đó có văn bia. Các văn bia này phần lớn đang được lưu giữ tại các chùa hoặc lưu lạc trong dân gian. Nhận thấy vai trò của loại hình tư liệu này là một nguồn sử liệu tương đối nhiều và quan trọng phục vụ nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật… không chỉ của Thiền phái LTCT mà còn là nguồn sử liệu phục vụ nghiên cứu các lĩnh vực khác như lịch sử, văn hóa địa phương, lịch sử mỹ thuật, điêu khắc… chúng tôi nhận thấy cần phải hệ thống hóa nguồn tư liệu này từ đó từng bước nghiên cứu, giải mã. Khi tiến hành công việc này, chúng tôi cũng gặp khá nhiều khó khăn, một mặt, không gian nghiên cứu tương đối rộng, các văn bia nằm rải rác ở nhiều chùa và lưu lạc trong dân gian trên địa bàn nhiều tỉnh, mặt khác, đã có nhiều xáo trộn so với vị trí khởi dựng bia ban đầu, rất nhiều chùa có văn bia đã không còn trên thực địa, nhiều văn bia đã hư hỏng, thất lạc, mất mát… Tuy vậy, chúng tôi cũng mạnh dạn khảo sát vấn đề này.
Nội dung bài viết này là bước đầu khảo sát của chúng tôi về loại hình văn bia Hán Nôm tại các chùa thuộc Thiền phái LTCT. Không gian nghiên cứu tập trung chủ yếu ở các chùa thuộc Thiền phái LTCT trên địa bàn các tỉnh, thành phố: tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Phú Yên và một số nhỏ ở các địa phương khác. Nội dung khảo sát gồm: số lượng các văn bia; địa điểm phát hiện; niên đại; và sơ khảo nội dung của các văn bia. Vì số lượng các bia tháp quá nhiều mà sử liệu nó chuyển tải lại hạn chế, đại đa số là tên tuổi của các vị tổ, do đó chúng tôi tạm thời chưa có điều kiện khảo sát loại hình bia tháp mà chỉ tập trung vào khảo sát bia ghi chép lịch sử hình thành, tồn tại của các ngôi chùa, bia ghi chép hành trạng của các vị tổ sư và các bia công đức. Việc điều tra, nghiên cứu văn bia Hán Nôm nói chung đã được nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm nghiên cứu từ lâu, đáng kể đến là chương trình in dập văn bia Hán Nôm của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nôi (E.F.E.O) tiến hành từ trước năm 1945, công việc này sau đó tiếp tục được Viện Nghiên cứu Hán Nôm kế thừa, cho đến nay đã xuất bản 23 tập với tên gọi “Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm”. Trong những năm gần đây cũng có một số tổ chức, cá nhân tiến hành việc điều tra, nghiên cứu, tư liệu hóa và công bố tư liệu văn bia như: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (thành phố Huế), Thư viện Huệ Quang (Thành phố Hồ Chí Minh), các bảo tàng địa phương… các thác bản do các tổ chức, cá nhân in dập đều được lưu trữ tại các thư viện. Tuy vậy, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chưa có công trình nào in dập, lưu trữ, dịch thuật, nghiên cứu văn bia Hán Nôm tại các chùa thuộc Thiền phái LTCT một cách độc lập và đầy đủ, bên cạnh đó các thác bản lại được lưu trữ ở nhiều nơi và mang các hệ thống ký hiệu không thống nhất, do đó, chúng tôi không tiện dẫn số lưu trữ các thác bản đó trong thống kê của mình.
Thống kê văn bia các chùa thuộc môn phái LTCT
Văn bia Hán Nôm tại các chùa thuộc Thiền phái LTCT, như đã nói trên, nội dung phản ánh chủ yếu tập trung ở ba nội dung chính: bia ghi chép lịch sử hình thành, tồn tại của các ngôi chùa; bia ghi chép hành trạng của các vị tổ sư và các bia công đức, gửi giỗ. Dưới đây, chúng tôi sẽ lập bảng khảo sát các loại văn bia trên. Để tiện theo dõi, các danh mục văn bia chúng tôi sẽ sắp xếp theo thứ tự theo không gian địa lý mà các văn bia được phát hiện tại các tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam, văn bia tại các chùa lại xếp theo thứ tự lịch đại từ sớm đến muộn. Các bia không có tên chúng tôi sẽ đặt tên và để trong dấu [ ].
Danh mục văn bia tại các chùa môn phái LTCT tỉnh Thừa Thiên Huế
tt | Tên văn bia | Địa điểm phát hiện | Niên đại | Trích yếu nội dung |
1 | [văn bia trùng tu chùa Viên Thông] | Chùa Viên Thông, xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. | Minh Mệnh tứ niên (1823) | Văn bia lược chép lịch sử và một số lần trùng tu chùa Viên Thông. |
2 | [văn bia trùng tu chùa Viên Thông] | Chùa Viên Thông, xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. | Tự Đức Nhâm Ngọ (1882) | Văn bia ghi hoàn cảnh và công đức trùng tu chùa Viên Thông. |
3 | [Văn bia trùng tu chùa Viên Thông] | Chùa Viên Thông, xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. | Thành Thái nguyên niên (1889) | Văn bia ghi công đức trùng tu chùa Viên Thông. |
Danh mục văn bia tại các chùa môn phái LTCT Quảng Nam – Đà Nẵng
tt | Tên văn bia (ký hiệu lưu trữ) | Địa điểm phát hiện | Niên đại | Trích yếu nội dung |
1 | [bia xây dựng chùa Vu Lan] | Chùa Vu Lan, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. | Khải Định Nguyên niên (1916) | Văn bia ghi công đức xây dựng chùa. |
2 | [bia trùng tu chùa Vu Lan] | Chùa Vu Lan, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. | Bảo Đại năm thứ 3 (1928) | Văn bia ghi công đức trùng tu chùa Vu Lan năm 1928. |
3 | [bia trùng tu chùa Vu Lan] | Chùa Vu Lan, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. | Bảo Đại Năm thứ 3 (1928) | Văn bia ghi công đức trùng tu chùa Vu Lan năm 1928. |
4 | [bia trùng tu chùa Vu Lan] | Chùa Vu Lan, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. | Bảo Đại năm thứ 6 (1931) | Văn bia ghi công đức trùng tu chùa Vu Lan năm 1931. |
5 | [bia trùng tu chùa Vu Lan] | Chùa Vu Lan, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. | Bảo Đại năm thứ 6 (1931) | Văn bia ghi công đức trùng tu chùa Vu Lan năm 1931. |
6 | [bia ghi linh vị gia đình họ Đỗ, xã Chương Dương, tỉnh Hà Đông] | Chùa Vu Lan, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. | (?) | Văn bia ghi linh vị của gi đình Họ Đỗ, xã Chương Dương, tỉnh Hà Đông. |
7 | Sắc tứ Từ Vân tự | Chùa Từ Vân, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. | Năm Nhâm Tuất (1922) | Văn bia ghi lịch sử chùa Từ Vân và tiểu sử Hòa thượng Trang Quảng Hưng. |
8 | Bia chùa Từ Vân (19271) | Chùa Từ Vân, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. | 1925 | Văn bia ghi lịch sử chùa Từ Vân và tiểu sử Hòa thượng Trang Quảng Hưng. |
9 | [bia công đức xây dựng chùa Hải Hội] | Chùa Hải Hội, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. | 1958 | Văn bia ghi công đức xây dựng chùa Hải Hội. |
10 | [bia công đức xây dựng chùa Hải Hội] | Chùa Hải Hội, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. | 1958 | Văn bia ghi công đức xây dựng chùa Hải Hội. |
11 | [văn bìa chùa Linh Ứng] (1) | Chùa Linh Ứng quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. | Duy Tân năm thứ 9 (1915) | Văn bia ghi chép về hành trạng Đại sư Từ Trí (4), lược tả về phong cảnh Ngũ Hành Sơn và chùa Linh Ứng. |
12 | [bia tháp Thiền sư Phổ Bảo] | Chùa Chúc Thánh, phường Tân An, thành Phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | Duy Tân năm thứ 8 (1914) | Văn bia ghi chép hành trạng Thiền sư Phổ Bảo. |
13 | [ văn bia trùng tu chùa Chúc Thánh] | Chùa Chúc Thánh, phường Tân An, thành Phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | Duy Tân năm Ất Mão (1915) | Văn bia ghi lại một số lần trùng tu chùa và danh sách công đức trùng tu chùa. |
14 | [văn bia phổ Liên Hoa] | Chùa Chúc Thánh, phường Tân An, thành Phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | Khải Định năm thứ 4 (1919) | Văn bia ghi công đức. |
15 | [văn bia niên hiệu Khải Định 6] | Chùa Chúc Thánh, phường Tân An, thành Phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | Khải Định năm thứ 6 (1921) | Văn bia ghi chép công đức cho việc thờ tự tổ tiên tại chùa. |
16 | [văn bia phổ Triều Âm] | Chùa Chúc Thánh, phường Tân An, thành Phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | Tân Dậu, Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 10 (1921) | Văn bia ghi danh sách phổ viên và nghị định một số điều. |
17 | [văn bia thờ tự tiên linh họ Hà] | Chùa Chúc Thánh, phường Tân An, thành Phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | Tân Sửu (1901) | Bia do con cháu họ Hà lập, ghi danh sách cúng ruộng đất, tiền của để cúng giỗ tiên linh tại chùa. |
18 | [bia công đức trùng tu chùa Chúc Thánh] | Chùa Chúc Thánh, phường Tân An, thành Phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | (?) | Văn bia ghi chép các vị thiền sư và viên chức. |
19 | [văn bia công đức] | Chùa Chúc Thánh, phường Tân An, thành Phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | (?) | Văn bia ghi chép công đức. |
20 | [văn bia công đức] | Chùa Chúc Thánh, phường Tân An, thành Phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | (?) | Văn bia ghi chép công đức. |
21 | [văn bia công đức trùng tu chùa Chúc Thánh] | Chùa Chúc Thánh, phường Tân An, thành Phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | Năm Kỷ Tị (1929) | Văn bia ghi chép công đức trùng tu chùa Chúc Thánh. |
22 | Kế hòa thượng thuật | Chùa Phước Lâm, phường Cẩm Hà, thành phố Hội An. | Tự Đức 22 (1869) | Văn bia ghi chép hành trạng Hòa Thượng Minh Giác. (2) |
23 | [văn bia trùng tu chùa Phước Lâm] | Chùa Phước Lâm, phường Cẩm Hà, thành phố Hội An. | Năm Kỷ Dậu (1909) | Văn bia ghi chép sự kiện trùng tu chùa và công đức. |
24 | Khai sơn Hòa thượng thuật | Chùa Phước Lâm, phường Cẩm Hà, thành phố Hội An. | Tân Hợi (1911) | Văn bia ghi chép hành trạng Hòa thượng Ân Triêm.(3) |
25 | [bia tháp Hòa thượng Vĩnh Gia] | Chùa Phước Lâm, phường Cẩm Hà, thành phố Hội An. | Khải Định năm Mậu Ngọ (1918) | Văn bia ghi chép hành trạng Hòa thượng Vĩnh Gia. |
26 | [bia chùa Long Tuyền] | Chùa Long Tuyền, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | Bảo Đại năm thứ 8 (1933) | Văn bia ghi chép lịch sử chùa Long Tuyền. |
27 | Lợi tế nhân thiên | Chùa Long Tuyền, phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | Bảo Đại năm thứ 8 (1933) | Văn bia ghi công đức cúng ruộng đất cho chùa Long Tuyền. |
28 | [văn bia chùa Viên Giác] | Viên Giác, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | Thiệu trị năm thứ 2 (1842) | Văn bia luận về Phật pháp và lược sử chùa Viên Giác. |
29 | [bia trùng tu chùa Viên Giác] | Viên Giác, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | Thiệu Trị năm thứ 2 (1842) | Văn bia ghi công đức trùng tu chùa Viên Giác. |
30 | [văn bia trùng tu chùa Viên Giác] | Viên Giác, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | Thành Thái nguyên niên (1889) | Văn bia ghi công đức. |
31 | [văn bia trùng tu chùa Viên Giác] | Viên Giác, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. | Thành Thái nguyên niên (1889) | Văn bia ghi công đức. |
32 | [bia công đức trùng tu chùa Nghĩa Trủng] | Chùa Nghĩa Trủng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. | Khải Định năm thứ 7 (1922) | Văn bia ghi lược sử chùa Nghĩa Trủng và ghi công đức trùng tu chùa Nghĩa Trủng |
33 | [bia công đức chùa Nghĩa Trủng] | Chùa Nghĩa Trủng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. | Bảo Đại năm thứ 8 (1933) | Văn bia ghi công đức. |
34 | [bia công đức chùa Nghĩa Trủng] | Chùa Nghĩa Trủng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. | Bảo Đại năm thứ 8 (1933) | Văn bia ghi công đức. |
35 | [bia chùa Nghĩa trủng] (mặt trước) | Chùa Nghĩa Trủng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. | Bảo Đại năm thứ 10 (1935) | Văn bia ghi lịch sử chùa Nghĩa Trủng. |
36 | [văn bia chùa Nghĩa trủng] (mặt sau) | Chùa Nghĩa Trủng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. | Bảo Đại năm thứ 10 (1935) | Văn bia ghi công đức. |
37 | [Văn bia hành trạng Hòa thượng Đương Khánh]. | Chùa Nghĩa Trủng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. | Bảo Đại năm thứ 19 (1944) | Văn bia ghi chép hành trạng Hòa thượng Đương Khánh. |
38 | Hành trạng bi ký | Chùa Bảo Thọ, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, chùa đã mất. | 1936 | Hành trạng Hòa thượng Huệ Duy |
Danh mục văn bia tại các chùa môn phái LTCT Quảng Ngãi
tt | Tên văn bia | Địa điểm phát hiện | Niên đại | Trích yếu nội dung |
1 | Ấn sơn tự ký minh | Chùa Thiên Ấn, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. | 1911 | Lược sử và ghi công đức trùng tu chùa Thiên Ấn. |
2 | Bình Man tự ký | Chùa Thạch Sơn (đã mất), xã Phú Thọ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. | 1906 | Lược sử chùa Bình Man liên quan đến sự kiện Nguyễn Tấn đánh dẹp giặc phỉ ở tỉnh Quảng Ngãi. |
3 | Thạch Sơn tự ký | Chùa Thạch Sơn (đã mất), xã Phú Thọ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. | 1906 | Lược sử chùa Thạch Sơn |
Danh mục văn bia tại các chùa môn phái LTCT Phú Yên và thành phố Hồ Chí Minh
tt | Tên văn bia | Địa điểm phát hiện | Niên đại | Trích yếu nội dung |
1 | [Văn bia chùa Châu Lâm] | Chùa Châu Lâm, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. | Long Phi, Kỷ Hợi (1899) | Văn bia ghi hành trạng Hòa thượng Chơn Kim Pháp Lâm (6). |
2 | [Văn bia chùa Phước Sơn] | Chùa Phước Sơn, xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. | 1917 | Văn bia ghi chép lược sử chùa Phước Sơn và một số sự kiện liên quan đến các vị tổ tại chùa Phước Sơn. |
3 | [văn bia chùa Văn Thánh] | Chùa Văn Thánh, Thị Nghè, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. | Duy Tân năm Giáp Dần (1914) | Văn bia ghi chép lịch sử chùa Văn Thánh và vai trò của Đại sư Phổ Truyền trong việc chấn hưng ngôi chùa này. |
Một vài nhận định và đề xuất
Khảo sát trên đây của chúng tôi chắc chắn là chưa đầy đủ, nhưng cũng dễ nhận thấy nhận thấy mật độ và số lượng phân bố các văn bia không đồng đều tại các địa phương, thứ tự địa phương có mật độ và số lượng nhiều nhất là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng với 38 (7) văn bia, tỉnh Quảng Ngãi 3 văn bia, tỉnh Thừa Thiên Huế 02 văn bia, tỉnh Phú Yên với 02 văn bia, và ít nhất là Thành phố Hồ Chí Minh với chỉ 01 văn bia. Chúng tôi cũng cho rằng mật độ phân bố và số lượng các văn bia đối với sự hưng thịnh của môn phái LTCT cũng có mối quan hệ nhất định, qua đó biểu hiện sự phát triển của môn phái tại các địa phương mạnh hay yếu.
Về mặt niên đại, tuyệt đại đa số các văn bia có niên đại cuối thế kỷ XIX đầu đến đầu thế kỷ XX, điều thú vị là thói quen sử dụng văn tự Hán Nôm để soạn văn bia trong dân gian vẫn tiếp tục kéo dài cho đến sau năm 1945 khi mà văn tự Hán Nôm không còn được sử dụng trong hành chính và giáo dục ở Việt Nam nữa, văn bia Hán Nôm tại các chùa thuộc môn phái LTCT cũng không là ngoại lệ, thậm chí, hiện nay vẫn có một số chùa tiếp tục khắc tạc văn bia bằng văn tự Hán Nôm như trường hợp chùa Vạn Đức, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi cho rằng vì thói quen và ảnh hưởng của giáo dục bằng văn tự Hán Nôm trong các tự viện vẫn tiếp tục kéo dài đến sau năm 1945 và văn tự Hán Nôm vẫn có những vẻ đẹp về hình thể và ngôn từ mà chữ quốc ngữ sau này không thay thế được. Nhịp độ khắc dựng văn bia tại các chùa theo thời gian không đồng đều, điều này ít nhiều cũng phản ánh sự hưng thịnh của môn phái trong các giai đoạn là khác nhau.
Chất liệu và hình thức, văn bia Hán Nôm tại các chùa thuộc Thiền phái LTCT hầu hết được làm từ chất liệu cẩm thạch và sa thạch, hai loại đá phổ biến ở khu vực Trung Bộ. Hình thức khắc tạc tương đối đơn giản, có kích thước từ nhỏ đến vừa, hầu hết hình dáng là hình chữ nhật có diềm dây hoa kết hợp lưỡng long triều nguyệt. Các văn bia có trán bia, đế bia, rùa đội bia và nhà bia là không nhiều. Thể chữ được sử dụng để khắc bia hầu hết là Khải thư, người khắc tạc bia không quá chú trọng đến hình thức, thẩm mỹ của văn bia, tuy nhiên, cũng có một số văn bia được tạo tác nghiêm cẩn có giá trị thẩm mỹ tương đối cao, như văn bia trùng tu chùa Viên Giác tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam do Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh (8) soạn và trực tiếp khắc chữ, tuy văn bia này không có hoa văn nhưng người soạn và tạo tác văn bia rất chú trọng đến thư pháp, chữ viết lối Khải thư với pháp độ nghiêm cẩn, kết cấu chặt chẽ mà đường nét lại uyển chuyển, văn bia này còn được khắc ấn chương của tác giả, hay như văn bia tháp ngài Vĩnh Gia, chùa Phước Lâm, thành phố Hội An, cũng được viết bằng Khải thư với bút pháp khá mẫu mực, tinh tế; bia chùa Long Tuyền được viết bằng Lệ thư có phong vị thanh thoát, nhẹ nhàng mà vẫn giữ được pháp độ.
Dễ nhận thấy nội dung các văn bia hầu hết là bia trùng tu chùa và ghi công đức cúng dường, gửi giỗ sau đó là bia biên chép lịch sử các chùa, ghi hành trạng chư tổ, tất nhiên, dù văn bia mang nội dung gì thì nó cũng mang nhiều thông tin phản ảnh các sự kiện lịch sử của môn phái, của chư sơn và chư tổ. Ngoài một số văn bia do những người có trình độ, xuất thân khoa bảng như Hà Đình Nguyễn Thuật (9), Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh… với lời văn mực thước, sâu sắc thì đại đa số các văn bia được ghi chép một cách giản dị.
Nói tóm lại, văn bia đối với lịch sử, văn hóa của các chùa nói chung là hết sức quan trọng và có giá trị. Như dụng ý của chủ nhân tạo tác, nó là sử liệu quan trọng ghi nhận các sự kiện trong quá khứ của các chùa và các nhân vật liên quan đến chùa, thể loại văn vật này có đóng góp quan trọng trong hệ thống sử liệu của các chùa nói riêng, các môn phái nói chung. Không những thế, nó còn là một nguồn sử liệu quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa… của các địa phương cũng như quốc gia, khu vực. Với vai trò đó, việc bảo tồn, tư liệu hóa là công việc hết sức cần thiết, nó còn cần thiết hơn trong hoàn cảnh các văn vật này đã trải qua thời gian hàng trăm năm mưa gió, biến động lịch sử, xã hội… dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, mất mát. Trong quá trình điều tra điền dã, chúng tôi nhận thấy rất nhiều văn bia đã phong hóa, thất lạc, mất mát, trường hợp văn bia chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi là một ví dụ, những năm trước đây chúng tôi đã biết đến văn bia này, và nó cũng là một văn bia hiếm hoi trong số các văn bia Hán Nôm thuộc môn phái LTCT hiện tồn ở tỉnh Quảng Ngãi, tuy nhiên, vào mùa Hạ năm 2020, khi chúng tôi quay lại để khảo sát cũng như dự định in dập văn bia này thì được biết văn bia đã bị di dời và thật đáng tiếc, văn bia này đã thất lạc trong quá trình tu bổ chùa. Hay như văn bia chùa Từ Vân ở Đà Nẵng, một ngôi chùa đã sụp đổ không còn trên thực địa, chưa biết số phận của văn bia chùa đó sẽ ra sao…
Nhân đây, chúng tôi cũng có vài đề xuất đối với loại hình văn vật quý giá này:
Chúng tôi hy vọng trong tương lai gần, tiếp tục nhận được sự trợ giúp của quý thầy và các chùa để tiếp tục sưu tầm nhằm phát hiện các văn bia mới, đồng thời tiến hành in dập toàn bộ văn bia tại các chùa thuộc môn phái LTCT, qua đó, chỉnh lý và lưu trữ có hệ thống tại tự viện của môn phái nhằm lưu trữ, trưng bày, nghiên cứu và phục vụ độc giả.
Chúng tôi biết rằng, hiện nay về lịch sử, truyền thừa của môn phái… còn nhiều vấn đề nghi vấn, đối với việc dịch chú hệ thống văn hiến trong đó có văn bia ở các chùa thuộc môn phái cũng chưa phải là trọn vẹn và vẫn còn nhiều nghi vấn bỏ ngỏ, từ đó, chúng tôi hy vọng có thể tiến hành chỉnh lý và dịch chú hệ thống văn bia trong các chùa thuộc môn phái và tiến hành ấn tống nhằm đưa đến những nhận thức gần nhất với sự thật cũng như giới thiệu đến độc giả quan tâm.
Đối với việc bảo tồn văn bia nhằm tránh những sự mất mát không đáng có và làm ngưng, chậm quá trình phong hóa, xuống cấp của văn bia, chúng tôi đề nghị các tổ chức, cá nhân hữu quan quan tâm đến công việc bảo tồn loại hình văn vật này hơn nữa. Trước hết là các chùa có văn bia, nên dành một vị trí an toàn để dựng bia, tránh được những tác động tiêu cực từ thời tiết đẩy nhanh quá trình phong hóa làm mòn, mờ văn tự trên văn bia, không sơn phết lên thân bia cũng như kẻ sơn lên chữ, điều này một mặt ảnh hưởng đến hiện vật gốc, mặt khác sơn sẽ lấp hết các nét chữ hoặc làm sai lệch các văn tự, đồng thời nó cũng gây khó khăn cho việc in dập, dịch chú. Nếu có in dập cũng nên tham vấn ý kiến của những người có chuyên môn để có được chất liệu và phương pháp in dập tốt nhất, vừa không làm ảnh hưởng đến hiện vật gốc, vừa giúp cho thác bản có chất lượng và tuổi thọ tốt nhất.
Khi chúng tôi tiến hành khảo sát vấn đề này đã nhận được sự động viên và giúp đỡ rất lớn từ các quý thầy Thích Như Tịnh (chùa Viên Giác thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), Thích Đồng Dưỡng (chùa Ba Phong, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) và quý thầy tại các chùa có văn bia đã hoan hỉ trợ duyên cho chúng tôi làm việc, nhân đây chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến quý vị!
NGÔ ĐỨC CHÍ
Viện KHXH vùng Trung Bộ
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
(1). Tại Ngũ Hành Sơn có rất nhiều văn bia, tuy vậy, trong bài này chúng tôi chỉ đưa những văn bia có liên quan đến môn phái LTCT.
(2). Thế danh Võ Đức Nghiêm (1747-1830), nguyên quán thôn Ngọc Trì, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nay là huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi (theo Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009).
(3). Thế danh Lê Hiển (1712-1796), nguyên quán xã Bến Đền, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam, nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (theo Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009).
(4). Văn bia cho biết thế danh của ngài là Nguyễn Thức Trai, pháp danh Ấn Lan, nguyên quán xã An Bình, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
(5). Thế danh Đoàn Văn Hiệu (1840-1918), nguyên quán xã An Hiệp, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, nay là làng An Hiệp, xã Bình Chán, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (theo Thích Như Tịnh, Lịch sử Truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, NXB Phương Đông, 2009).
(6). Hòa thượng họ Lê, (1861-1898), nguyên quán ấp Quảng Đức, xã Ngân Sơn, tổng Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân, phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(7). Có thêm văn bia chùa Tam Tôn mà chúng tôi chưa khảo sát được.
(8). Nguyễn Tường Vĩnh (1799-1860), tự Tử Tu, hiệu Cẩm Giang, nguyên quán xã Cẩm Phô, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc phường Cẩm Phô, thành Phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Con trưởng của Thượng thư Bộ Binh Nguyễn Tường Vân. Đỗ Cử nhân khoa Đinh Dậu, niên hiệu Minh Mệnh 18 (1837), đỗ Phó bảng khoa Mậu Tuất, niên hiệu Minh Mệnh 19 (1838). Ông sở trường Khải thư và Hành, Thảo thư.
(9). Nguyễn Thuật (1842-1911), hiệu Hà Đình, nguyên quán xã Hà Lam, huyện Lễ Dương, nay thuộc thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đỗ Cử nhân khoa Đinh Mão, niên hiệu Tự Đức 20 (1867), đỗ Phó bảng khoa Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức 21 (1868). Ông sở trường Khải thư đại tự, lại giỏi đan thanh.