I. TỔNG QUAN VỀ CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN
Châu bản triều Nguyễn là tập hợp các văn bản hành chính được sử dụng trong việc điều hành đất nước của các triều đại nhà Nguyễn – kể từ khi vua Gia Long lên ngôi [1802] đến năm vua Bảo Đại thoái vị [1945], bao gồm nhiều loại hình văn bản như: chiếu, chỉ dụ, thượng dụ, tấu, sớ, tư trình, bẩm trình, phúc trình, truyền, sai, phó, khiển…(1) Các văn bản hành chính này, được gọi là “Châu bản” [硃本] bởi do đích thân nhà vua ngự lãm và châu phê [硃批] bằng mực son (2) nhằm truyền đạt ý chỉ của nhà vua trong việc giải quyết các vấn đề công vụ của đất nước thuộc nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, tôn giáo, văn hóa, xã hội…
Theo quy định, các văn bản hành chính triều Nguyễn một khi được các cơ quan ở trung ương hoặc địa phương trình tấu về Kinh sư đều phải chuyển tới Nội các để thẩm duyệt, trước khi Nội các trình lên nhà vua ngự phê. Mỗi văn bản chuyển tới Nội các phải soạn thành 3 bản: 1 bản chính (gọi là Giáp bản 甲本) và 2 bản phó (gọi là Ất bản 乙本), trên văn bản ghi rõ tên người soạn thảo, người khảo duyệt và đóng dấu của cơ quan trình văn bản. Nội các sau khi tiếp nhận các văn bản sẽ ghi ý kiến thẩm định của mình vào tờ Phiếu nghĩ [票儗] đính kèm, sau đó mới dâng lên nhà vua ngự lãm. Căn cứ ý kiến của Nội các ghi trong Phiếu nghĩ, sau khi xét duyệt, nhà vua chỉ ngự phê lên bản chính (Giáp bản 甲本) bằng mực son, rồi trả văn bản về lại Nội các. Quan viên Nội các tiến hành cung sao nội dung ngự phê của nhà vua từ bản chính lên 2 bản phó (Ất bản 乙本) bằng bút mực đen. Phó bản phụng sao phải ghi rõ “phụng châu phê – khâm thử” hoặc “phụng châu điểm – khâm thử”, cuối bản phó phải ghi “Nội các cung lục” và đóng dấu kiềm “Nội các quan phòng”. Hai bản phó này, một bản sẽ được chuyển cho các Bộ, Nha hoặc địa phương trực tiếp tấu trình để giải quyết công việc, một bản giao cho Quốc sử quán để viết sử. Riêng bản chính (Giáp bản 甲本) có bút tích ngự phê bằng mực son của nhà vua sẽ được giao cho Bản Chương sở thuộc Nội các lưu giữ, và đó chính là hệ thống văn bản được gọi là “Châu bản triều Nguyễn” hiện nay.
Dưới thời vua Gia Long, hệ thống Châu bản được lưu giữ tại Thị thư viện, Thị hàn viện, Nội hàn viện hoặc Thượng bảo ty. Về sau, vào năm Minh Mạng thứ nhất [1820], vua Minh Mạng cho hợp nhất các cơ quan này với tên gọi là Văn thư phòng, rồi đến 1054 năm Minh Mạng thứ 10 [1829], đổi gọi là Nội các – cơ quan có trách nhiệm lưu giữ hệ thống Châu bản của triều Nguyễn.Năm 1942, dưới thời vua Bảo Đại, hệ thống Châu bản được chuyển về lưu trữ tại Viện Văn hóa Huế; năm 1959 lại chuyển sang bảo quản tại Viện Đại học Huế theo sắc lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa; và đến năm 1961, nhằm tránh khí hậu ẩm thấp xứ Huế gây tổn hại nguồn tư liệu, chính quyền đương thời cho chuyển toàn bộ Châu bản lên lưu giữ tại Văn khố Đà Lạt. Đến tháng 3 năm 1975, trong kế hoạch chuyển Châu bản ra nước ngoài bảo quản, chính quyền đương thời cho chuyển toàn bộ Châu bản về lưu giữ tại Sở Lưu trữ thuộc Nha Văn khố Sài Gòn. Tuy nhiên, kế hoạch trên chưa kịp thực hiện thì đến ngày đất nước thống nhất 30-4-1975.
Năm 1978, Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam) đã tiếp quản toàn bộ tư liệu Châu bản và giao cho Kho Lưu trữ Trung ương II tại Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II) trực tiếp quản lý. Đến năm 1991, theo Quyết định của Chính phủ, toàn bộ Châu bản triều Nguyễn được chuyển ra bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I ở Hà Nội.
Về số lượng Châu bản, được biết, trước năm 1959, toàn bộ Châu bản triều Nguyễn có 735 tập, với hàng nghìn văn bản chữ Hán chưa được sắp xếp, phân loại. Khi Viện Đại học Huế tiếp quản vào năm 1959, số lượng Châu bản chỉ còn lại khoảng hơn 600 tập. Hiện nay, theo thông tin từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, số lượng Châu bản triều Nguyễn đang được lưu trữ tại đây tổng cộng có 773 tập gốc. Đó là điều hết sức đáng mừng.
Châu bản triều Nguyễn là nguồn di sản – tư liệu hết sức quý, lưu giữ nhiều thông tin có giá trị, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Với 1055 ý nghĩa đó, vào ngày 14-5-2014, hệ thống Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
II. VỀ CHÂU BẢN PHẬT GIÁO THỜI NGUYỄN
Theo thống kê của Tiến sĩ Lý Kim Hoa trong sách “Châu bản triều Nguyễn – Tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm, từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945”(3) tổng số Châu bản Phật giáo được ông sưu khảo – biên dịch trong suốt 20 năm và công bố trong công trình này là 250 Châu bản.
Trong tổng số 250 Châu bản Phật giáo nói trên, thời Gia Long hiện chỉ còn lưu lại duy nhất một Châu bản liên quan đến việc tổ chức Giới đàn tại chùa Thuyền Tôn ở Huế và suy tôn ngài Phước Hậu – trú trì chùa lên ngôi Hòa thượng vào năm Gia Long thứ 17 [1818]. Thời Minh Mạng có 31 Châu bản, trải dài từ năm Minh Mạng nguyên niên [1820] đến năm Minh Mạng thứ 21 [1840]; thời Thiệu Trị có 32 Châu bản, trải dài từ năm Thiệu Trị nguyên niên [1841] đến năm Thiệu Trị thứ 7 [1847]; thời Tự Đức có 80 Châu bản, trải dài từ năm Tự Đức thứ 2 [1849] đến năm Tự Đức thứ 36 [1883]; thời Kiến Phúc có 2 Châu bản đều thuộc Kiến Phúc nguyên niên [1883]; thời Đồng Khánh có 2 Châu bản thuộc các năm Đồng Khánh nguyên niên [1885] và Đồng Khánh thứ 3 [1887]; thời Thành Thái có 77 Châu bản, trải dài từ năm Thành Thái thứ nhất [1889] đến năm Thành Thái thứ 19 [1907]; thời Duy Tân có 10 Châu bản, trải dài từ năm Duy Tân thứ nhất [1907] đến năm Duy Tân thứ 4 [1910]; thời Khải Định có 7 Châu bản thuộc các năm Khải Định thứ 2 [1917] và Khải Định thứ 3 [1918]; thời Bảo Đại có 8 Châu bản thuộc các năm Bảo Đại thứ 5 [1929], Bảo Đại thứ 6 [1930] và Bảo Đại thứ 7 [1931]. Như vậy, qua thống kê cho thấy, Châu bản Phật giáo thuộc hai triều Tự Đức và Thành Thái có số lượng nhiều nhất, chiếm gần 2/3 tổng số Châu bản Phật giáo thuộc các triều đại nhà Nguyễn hiện tồn.
Về thể thức, Châu bản Phật giáo thời Nguyễn hiện còn gồm đủ các loại hình văn bản như: chiếu, chỉ dụ, thượng dụ, tấu, sớ, tư trình, bẩm trình, phúc trình,… do chính nhà vua truyền dụ ban hành, hoặc do các cơ quan ở trung ương như Nội các, Thị vệ xứ, Tôn Nhân phủ, Lễ – Công – Hộ – Lại – Binh – Hình lục bộ, Khâm phủ sứ và phủ nha tại các địa phương tấu trình. Đặc biệt, trong số 250 Châu bản Phật giáo nói trên, chỉ một số ít thuộc loại phó bản – tức bản sao (Ất bản), còn đa phần đều thuộc chính bản (Giáp bản) có ngự phê bằng mực son của nhà vua, vốn được lưu giữ tại Nội các triều Nguyễn.Về nội dung, Châu bản Phật giáo thời Nguyễn từ triều Gia Long đến triều Bảo Đại đa phần đều liên quan đến việc tổ chức các lễ nghi Phật giáo tại các ngôi quan tự (quốc tự) trực thuộc sự quản lý của triều đình; việc trùng tu, tôn tạo và sắc bổ các vị cao tăng đảm nhận tăng cang, trú trì cũng như biên chế số lượng tăng chúng tại các ngôi quan tự; định chế các vấn đề liên quan đến sinh hoạt, lễ nghi, thờ tự và chế độ phụ cấp đối với chư tăng tại các ngôi quan tự.
Bên cạnh đó, nhiều Châu bản còn ghi lại nội dung tôn vinh đạo hạnh của chư tăng cùng các ngôi danh lam cổ tự tại các tỉnh thành qua việc cấp biển Sắc tứ cho các chùa, sắc cấp văn bằng Tăng cang và Giới đao Độ điệp cho các vị cao tăng theo tấu trình của Bộ Lễ. Tiêu biểu như các Châu bản ghi việc cấp biển Sắc tứ cho chùa Linh Phong (chùa Ông Núi) ở Bình Định, chùa Tam Thai và chùa Phước Lâm ở Quảng Nam; sắc cấp văn bằng Tăng cang và Giới đao Độ điệp cho Hòa thượng Tánh Thông Giác Ngộ ở chùa Bát Nhã – Phú Yên, Hòa thượng Toàn Đức Hoằng Tông ở chùa Vạn Đức – Hội An,…
Đáng chú ý, một số Châu bản còn cho biết về số phận của hai ngôi quan tự trong Kinh thành Huế – chùa Giác Hoàng và quán Linh Hựu – bị triệt giải hoàn toàn và chuyển đổi mục đích sử dụng theo ý đồ của thực dân Pháp và các thế lực ngoại thuộc, kể từ sau biến cố thất thủ Kinh đô năm 1885. Chẳng hạn, sau khi chùa Giác Hoàng bị triệt giải, Châu bản đề ngày 20 tháng 8 năm Thành Thái thứ 6 [1894] ghi rõ: “Thị vệ xứ Ngô Oánh trình tấu việc chuyển đại hồng chung chùa Giác Hoàng lên lưu giữ tại chùa Từ Ân” (Châu bản No 2825). Đối với ý đồ triệt giải Linh Hựu quán của các thế lực ngoại bang, Châu bản đề ngày 11 tháng 4 năm Thành Thái thứ 18 [1906] cho biết: “Các vị đại thần ở Viện Cơ mật gồm Trương Như Cương, Lê Trinh, Hoàng Côn, Phạm Xứng đồng ký vào tờ tấu trình bẩm báo việc Khâm sứ Pháp Moliere đòi dỡ chùa Linh Hựu trong Thành Nội để xây cất nhà thờ đạo” (Châu bản No 3024); hoặc Châu bản đề ngày 26 tháng 11 năm Duy Tân thứ nhất [1907] còn cho biết thêm: “Các vị Phụ chánh đại thần Văn Đình Trị, Miên Lịch, Vương Duy Trinh, Lê Trinh, Hoàng Côn, Tôn Thất Hân đồng trình tấu việc Thị vệ đại thần Ngô Đình Khả cho xây cất nhà thờ đạo Thiên Chúa trên nền chùa Linh Hựu trong Thành Nội” (Châu bản No 3046).
Ngoài những nội dung nói trên, Châu bản Phật giáo thời Nguyễn còn ghi lại các sự kiện lịch sử cùng những gương mặt tiêu biểu của giới tăng lữ Phật giáo trong việc cổ động và lãnh đạo phong trào khởi nghĩa chống Pháp tại các tỉnh thành. Tiêu biểu như Châu bản đề ngày 15 tháng 10 năm Thành Thái thứ 2 [1890] ghi việc Bố chánh sứ cùng Thương biện tỉnh vụ Quảng Bình tư trình về triều đình: “Sư Nguyễn Xuân Khuê ở xã Luật Sơn thuộc hành thứ Quảng Bình đã đứng lên cổ võ nhân dân chống Pháp, xưng là Vân Long tiên tử Bạch Xỉ đại nhân, có cả cờ lệnh ghi 4 chữ “Trượng nghĩa – Cứu dân”, cùng lời hiệu triệu “Nhân hỷ từ bi câu đạo Phật, Tặc kinh uy vũ tận xưng thần” bằng chữ Hán và bài đồng dao tuyên truyền về lịch sử giống nòi Việt bằng chữ Nôm”.
Riêng với nhà sư Võ Trứ – người lãnh đạo phong trào chống Pháp tại địa bàn hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, hiện còn lưu giữ 5 Châu bản vào năm Thành Thái thứ 11 [1899] ghi lại sự kiện này. Đó là những bản “mật phi trình”, “mật khẩn trình” do Tổng đốc Bình Phú và Bố án tỉnh Phú Yên cấp báo về triều đình (4)
III. PHẬT GIÁO QUẢNG NAM QUA CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN
Trong số 250 Châu bản Phật giáo nói trên, liên quan trực tiếp đến sinh hoạt Phật giáo tại các ngôi cổ tự và chư tăng thuộc thiền phái Chúc Thánh ở Quảng Nam có 17 Châu bản, thuộc các triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định.
So với các tỉnh thành khác, Châu bản liên quan đến Phật giáo Quảng Nam có số lượng tương đối nhiều, chỉ sau số lượng Châu bản Phật giáo Thuận Hóa. Đáng chú ý hơn, các Châu bản này lại tích hợp đủ các loại hình văn bản hành chính quan trọng của triều Nguyễn đương thời như: chiếu (2 văn bản), chỉ (1 văn bản), thượng dụ (2 văn bản), tấu trình (11 văn bản), phúc trình (1 văn bản). Và đặc biệt trong số 17 Châu bản hiện còn, chỉ có 5 Châu bản thuộc loại phó bản (Ất bản) còn đa phần đều thuộc chính bản (tức Giáp bản), có châu phê bằng mực son của nhà vua.
Về nội dung, Châu bản Phật giáo Quảng Nam hiện còn phản ánh khá sinh động về nhiều mặt sinh hoạt Phật giáo và hành trạng chư tăng Quảng Nam kể từ đầu triều Minh Mạng [1820-1840] đến đầu triều Khải Định [1916-1925]. Ngoài Châu bản năm Thành Thái thứ 10 [1898] ghi chép về chùa An Hội (thuộc vùng Gia Hội – Huế) có liên quan đến chư tăng thuộc Thiền phái Chúc Thánh (5), căn cứ nội dung các Châu bản còn lại, chúng tôi tạm xếp theo các nhóm chủ đề sau:
1. Châu bản ghi việc thỉnh chư tăng Quảng Nam về Kinh đô dự lễ trai đàn chùa Thiên Mụ
Liên quan đến nội dung thỉnh chư tăng Quảng Nam về Kinh đô Huế dự lễ trai đàn chùa Thiên Mụ hiện có hai Châu bản (6). Một Châu bản đề ngày 27 tháng 5 năm Minh Mạng thứ 2 [1821], do Lưu thủ dinh Quảng Nam Phạm Văn Tín, Ký lục Hồ Công Thuận, Cai bạ Nguyễn Đăng Tuân tấu trình về việc đã thông báo và điều động Hòa thượng chùa Phước Lâm cùng tăng chúng về Kinh sư dự lễ trai đàn chùa Thiên Mụ. Châu bản còn lại đề ngày 10 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 2 [1821], do các đại thần Nguyễn Hữu Thận và Nguyễn Công Tiệp tấu trình về số lượng các vị Hòa thượng, đại sư và tăng chúng các tỉnh thành, dinh trấn được mời về Kinh sư dự trai đàn chùa Thiên Mụ năm 1821.
Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa đứng đầu trong hàng quan tự trực thuộc triều đình, có vị trí quan yếu đối với mạng mạch của nhà Nguyễn kể buổi đầu khởi nghiệp. Do vậy, kể từ thời Tiên chúa Nguyễn Hoàng trở đi, vào tiết xuân thu nhị kỳ hằng năm, nhà Nguyễn thường tổ chức các lễ nghi cung đình quan trọng tại đây như lễ Cầu quốc thái dân an (được tổ chức vào mùa xuân) và Trai đàn Thủy lục cầu siêu độ (tổ chức vào mùa thu).
Về sự kiện lễ Trai đàn Thủy lục tổ chức tại chùa Thiên Mụ năm 1821, ngoài hai Châu bản nói trên, đối chiếu sách Đại Nam thực lục cũng cho biết: Vào mùa thu năm Quý Sửu [1821], triều đình “lập đàn chay lớn ở chùa Thiên Mụ. Sai bọn Tống Phước Lượng và Vũ Viết Bảo trông coi công việc. Thưởng cho binh và thợ hơn 1.000 quan tiền…”, và “đích thân nhà vua [Minh Mạng] đến dự lễ đàn chay lớn ở chùa Thiên Mụ, cho các tăng hơn nghìn lạng bạc”(7)
Thông thường, đối với các kỳ lễ trọng hằng năm, triều đình thường truyền chỉ dụ xuống các địa phương lệnh cho quan viên sở tại thỉnh các vị cao tăng khắp nơi về Kinh đô dự lễ. Sau mỗi kỳ đại lễ, theo danh sách tấu trình của Bộ Lễ, nhà vua thường sắc ban văn bằng Tăng cang, Giới đao Độ điệp, hoặc ban thưởng ca-sa và thiền trượng cho các vị cao tăng.
Hai Châu bản nói trên chính là văn bản hành chính của triều Nguyễn ghi lại sự kiện lễ trai đàn Thủy lục tại chùa Thiên Mụ năm 1821 hiện còn bảo lưu được. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiếp cận được một văn bản rất quý liên quan đến trai đàn này. Đó chính là tờ “Phó” do quan viên công đường trực lệ dinh Quảng Nam truyền báo đến Hòa thượng Minh Giác cùng 20 tăng chúng chùa Phước Lâm ở Hội An về kế hoạch tham dự lễ trai đàn chùa Thiên Mụ năm 1821, theo chỉ dụ của triều đình ban xuống.
Tờ “Phó” gồm 2 mặt, được viết theo lối chữ lệ trên giấy xuyến chỉ. Mặt trước ghi ngày tháng và niên đại – “Minh Mạng nhị niên, ngũ nguyệt, nhị thập thất nhật”, có đóng chương triện “Quảng Nam dinh chi chương” [廣南營之章]; mặt sau ghi nội dung truyền đạt và có đóng hai dấu kiềm “Quảng Nam” [廣南] ở cuối văn bản. Văn bản hiện được lưu giữ tại chùa Viên Giác – Hội An, ảnh bản chúng tôi có được do Thượng tọa Thích Như Tịnh cung cấp. Nội dung văn bản như sau:
Nguyên văn:
明 命 二 年 五 月 二 十 柒 日。
值 隷 廣 南 營 公 堂 官。
計。一 付 由 兹 年 五 月 日 奉 公 同 傳 催 福 林 和 尚 並 僧 衆 貮 十 人 訂 以 六 月 上 旬 現 至 天 姥 寺 咱 候 齋 坛。仍 此 今 付 明 覺 和 尚 監 院 扶 大 師 及 僧 衆 共 貮 十 人 坐 清 溪 [?] [?] 船 貮 隻 乘 順 駕 海。限 六 月 上 旬 現 至 來 天 姥 寺 咱 候。若 逆 限 有 罪。兹 付。
又 随 從 者 陸 人。
Phiên âm:
Minh Mạng nhị niên, ngũ nguyệt, nhị thập thất nhật.
Trực lệ Quảng Nam dinh công đường quan.Kế: Nhất, phó do tư niên ngũ nguyệt nhật, phụng công đồng truyền thôi Phước Lâm Hòa thượng tịnh tăng chúng nhị thập nhân, đính dĩ lục nguyệt thượng tuần, hiện chí Thiên Mụ tự ta hậu trai đàn. Nhưng thử kim phó Minh Giác Hòa thượng, Giám viện Phù đại sư cập tăng chúng cộng nhị thập nhân, tọa Thanh Khê [?] [?] thuyền nhị chích, thừa thuận giá hải, hạn lục nguyệt thượng tuần hiện chí lai Thiên Mụ tự ta hậu. Nhược nghịch hạn hữu tội. Tư phó. [Hựu tùy tùng giả lục nhân].
Dịch nghĩa:
“Ngày 27 tháng 5 năm Minh Mạng thứ 2 [1821]
Quan công đường dinh trực lệ Quảng Nam xét giao phó:
Vào ngày tháng 5 năm nay, phụng mệnh công đồng truyền giục Hòa thượng chùa Phước Lâm cùng tăng chúng gồm 20 người, đúng vào thượng tuần tháng 6 có mặt tại chùa Thiên Mụ để trực hầu trai đàn. Theo đó, nay giao phó Hòa thượng Minh Giác, Giám viện Phù đại sư cùng tăng chúng tổng cộng gồm 20 người, lên 2 chiếc thuyền ở bến đò Thanh Khê theo đường biển xuất phát, đúng hạn vào thượng tuần tháng 6 phải đến nơi và có mặt tại chùa Thiên Mụ để trực hầu trai đàn. Nếu trễ hạn sẽ bị hạch tội.
Nay giao phó. (Có kèm thêm 6 người tùy tùng)”.
Theo nội dung tờ “Phó”, phái đoàn của Hòa thượng Minh Giác về chùa Thiên Mụ dự lễ trai đàn năm 1821 gồm 20 người (và 6 thị giả tùy tùng), trong đó có Giám viện Phù đại sư và tăng chúng chùa Phước Lâm. Hòa thượng Minh Giác được đề cập ở đây chính là Hòa thượng Pháp Liêm Luật Uy Minh Giác (1747-1830), thuộc đời Lâm Tế thứ 36, thế hệ thứ 3 Thiền phái Chúc Thánh, trú trì chùa Phước Lâm. Ngài là vị cao tăng được người đời xưng tụng là “Tổ bình man tảo thị”, bởi từ năm 1770, ngài từng cởi áo ca-sa khoác chiến bào tham gia trong đội quân triều đình đánh dẹp loạn giặc Đá Vách (bình man Thạch Bích) ở Quảng Ngãi, sau ngày trở về, ngài lại phát nguyện quét chợ (tảo thị) ở Hội An suốt mấy mươi năm, mãi đến năm 1798, ngài mới trở lại chùa tiếp tục tu hành, làm trú trì chùa Chiên Đàn và chùa Phước Lâm ở Hội An (8) Dưới triều Minh Mạng, việc tổ chức Thủy lục trai đàn cầu siêu độ tại chùa Thiên Mụ hầu như diễn ra hằng năm. Ngoài hai Châu bản nói trên, vẫn còn nhiều lần trai đàn Thủy lục được tổ chức tại chùa Thiên Mụ dưới triều Minh Mạng mà Châu bản hiện nay không còn. Tuy nhiên, chúng ta có thể biết được qua những ghi chép trong sách Đại Nam thực lục, qua các bộ ván khắc kinh Phật năm Minh Mạng thứ 3 [1822] hiện còn lưu giữ tại chùa Thiên Mụ, đặc biệt là qua văn bằng Tăng cang cấp cho Hòa thượng Toàn Đức Hoằng Tông chùa Vạn Đức (Hội An) vào năm Minh Mạng thứ 11 [1830] và văn bằng Tăng cang cấp cho Hòa thượng Tánh Thông Giác Ngộ chùa Long Sơn Bát Nhã (Phú Yên) năm Minh Mạng thứ 21 [1840]…Hòa thượng Toàn Đức Hoằng Tông chính là đệ tử của Hòa thượng Pháp Liêm Luật Uy Minh Giác (người đã từng tham dự lễ trai đàn tại chùa Thiên Mụ năm Minh Mạng thứ 2 [1821] như đã nói ở trên); văn bằng Tăng cang của ngài hiện còn được bảo lưu khá nguyên vẹn tại chùa Vạn Đức – Hội An. Riêng văn bằng Tăng cang của Hòa thượng Tánh Thông Giác Ngộ, mặc dù bản gốc hiện không còn, nhưng toàn bộ nội dung văn bằng được bổn tự sao khắc lên bảng gỗ vào năm Bảo Đại thứ 4 [1929], và hiện vẫn được bảo lưu tại chùa Long Sơn Bát Nhã – Phú Yên.
2. Châu bản ghi việc trùng tu chùa Tam Thai, Linh Ứng, Vĩnh An và điển chế số lượng chư tăng tại các ngôi quan tự ở Quảng Nam
Trong tổng số 17 Châu bản Phật giáo Quảng Nam hiện còn, nội dung Châu bản ghi chép việc trùng tu các ngôi quan tự, sắc cử tăng cang, trú trì và điển chế số lượng chư tăng tại các ngôi quan tự chiếm số lượng nhiều nhất, với 12 Châu bản. Trong đó, có 4 Châu bản ghi chép việc trùng tu hai chùa Tam Thai và Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn diễn ra vào các năm Minh Mạng thứ 6 [1825] và Minh Mạng thứ 8 [1827] (9). Đời Thành Thái có 6 Châu bản ghi việc trùng tu các chùa Vĩnh An, Tam Thai và Linh Ứng; việc giảm bớt số lượng chư tăng tại các chùa quan Tam Thai và Linh Ứng; việc Tăng cang chùa Tam Thai và Linh Ứng Nguyễn Viết Lô (tức Hòa thượng Thích Từ Trí) xin hồi hưu dưỡng bệnh; việc tu tạo biển ngạch chùa Tam Thai và Linh Ứng (10)... Đời Duy Tân có 1 Châu bản ghi chép việc cấp ban biển Sắc tứ cho chùa Phước Lâm (11); Đời Khải Định có 1 Châu bản ghi việc trùng tu chùa Vĩnh An ở Duy Xuyên (12).
Về chùa Vĩnh An, đây là ngôi chùa mà dân gian thường gọi là Chùa Vua, tọa lạc tại vị trí giữa hai lăng Vĩnh Diễn và Vĩnh Diên thuộc làng Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tương truyền chùa được tạo dựng dưới thời các chúa Nguyễn, là nơi phụng thờ Phật và thờ hai bà Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai (lăng Vĩnh Diễn) – vợ chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Quý Phi (lăng Vĩnh Diên) – vợ chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Chùa Vĩnh An là một ngôi quan tự trọng yếu của nhà Nguyễn tại đất Quảng Nam, trải qua các triều đại, đặc biệt là dưới thời Minh Mạng được nhiều lần trùng tu. Chùa bị phá hủy hoàn toàn trong thời tiêu thổ kháng chiến năm 1945. Dấu tích chùa hiện chỉ còn lại nền móng và một quả đại hồng chung được chú đúc dưới thời Minh Mạng khá tinh xảo, hiện được bảo quản tại chùa Nghĩa Trủng ở huyện Điện Bàn.
Chùa Tam Thai và Linh Ứng là hai ngôi cổ tự nổi tiếng tọa lạc trên ngọn Thủy Sơn thuộc khu vực Ngũ Hành Sơn. Cùng với các ngôi chùa và hang động nổi tiếng ở đây, hai ngôi chùa này luôn được các đời vua Nguyễn quan tâm trùng tu, sắc cử tăng cang, trú trì và hằng năm đều lâm hạnh chiêm bái. Dưới thời vương triều Nguyễn, Tam Thai và Linh Ứng được liệt vào hàng quan tự, do vậy tính chất quan phương luôn là yếu tố nổi trội của hai ngôi quan tự này so với các chùa trong vùng, thể hiện rõ qua quy chuẩn kiến trúc, cách bài trí thờ tự, tổ chức lễ tiết, bổ dụng người quản lý, chính sách đãi ngộ của triều đình đối với chư tăng… Theo đó, quần thể kiến trúc chùa ngoài Đại hùng bảo điện, Tăng đường, Tổ đường, Sơn phòng còn có cả Hành cung – nơi dành cho nhà vua nghỉ lại mỗi khi lâm hạnh chiêm lễ. Hai ngôi chùa này hiện còn lưu giữ nhiều pháp bảo quý do các vua nhà Nguyễn tiến cúng, đặc biệt là chiếc Kim bài bằng đồng mạ vàng do vua Minh Mạng cung tiến vào năm Minh Mạng thứ 6 [1825] với nội dung xưng tụng ân đức của Đức Phật, ca ngợi vùng thánh địa Phật giáo Ngũ Hành Sơn, mà ông gọi là “Viêm phương độc hậu – 炎方獨厚” (vùng đất Phật đặc biệt ở phương Nam) (13)
Ngoài các vị cao tăng nổi tiếng như ngài Hưng Liên Quả Hoằng, Tiên Thường Viên Trừng từng trác tích hoằng đạo tại đây, chùa Tam Thai còn là nơi lưu xuất nhiều bậc cao tăng đạo hạnh thuộc thiền phái Chúc Thánh, tiêu biểu như các Thiền sư Chương Tín Hoằng Ân, Chương Tư Huệ Quang, Chương Quảng Mật Hạnh, Ấn Thanh Chí Thành, Ấn Lan Từ Trí, Ấn Diệu Từ Nhẫn, Chơn Đỉnh Phước Thông, Chơn Pháp Phước Trí, Chơn Phương Thiện Trung, Như Nhàn Trí Giác … và trú trì chùa hiện nay là Hòa thượng Thị Đàm Hạnh Mãn.
Trong các vị cao tăng vừa kể, có hai vị được đề cập (trực tiếp hoặc gián tiếp) trong Châu bản triều Nguyễn là Thiền sư Ấn Lan Từ Trí và Thiền sư Chơn Pháp Phước Trí. Thiền sư Ấn Lan Từ Trí chính là tăng cang Nguyễn Viết Lô – vị tăng cang đầu tiên của hai chùa Tam Thai và Linh Ứng do triều đình sắc chuẩn, được đề cập trong Châu bản năm Thành Thái thứ 9 [1897] và Châu bản năm Thành Thái thứ 18 [1906]. Riêng Thiền sư Chơn Pháp Phước Trí, mặc dù Châu bản năm Thành Thái thứ 10 [1898] không trực tiếp đề cập tôn danh ngài nhưng lại ghi chép sự kiện xảy ra tại chùa An Hội – ngôi chùa do ngài trùng tạo ở vùng Gia Hội – Huế.
3. Châu bản ghi chép về lễ tiết cung đình tổ chức tại các chùa ở Ngũ Hành Sơn
Liên quan đến lễ tiết cung đình tổ chức tại các chùa ở núi Ngũ Hành Sơn hiện có 2 Châu bản. Trong đó, một Châu bản đề ngày 16 tháng 2 năm Thiệu Trị nguyên niên [1840], ghi chép việc tổ chức lễ tụng kinh hoàn tạ 3 ngày 3 đêm tại các chùa Tam Thai, Linh Ứng, Từ Tâm và các động Hoa Nghiêm, Vân Thông, Tàng Chơn ở núi Ngũ Hành Sơn sau ngày đăng quang của hoàng đế Thiệu Trị (14) Châu bản còn lại đề ngày 24 tháng 12 năm Tự Đức thứ 36 [1883]: Bộ Lễ tâu việc cấp tiền chi dụng các lễ tiết hằng năm đối với hai chùa Tam Thai và Linh Ứng (15)
Nội dung Châu bản năm Thiệu Trị nguyên niên nói rõ: Sau ngày lễ đăng quang của hoàng đế Thiệu Trị, “nhà vua nhân nghĩ đến các chùa Tam Thai, Từ Tâm, Linh Ứng và các động Hoa Nghiêm, Vân Thông, Tàng Chơn cùng các đền thờ thần ở núi Ngũ Hành Sơn thuộc địa hạt Quảng Nam, xưa nay tuy được xưng tụng là linh nghiệm nhưng vẫn chưa nằm trong danh sách được tế theo ân điển. Nay lệnh truyền phái Thị vệ trưởng và Tư vụ ty Thanh Cẩn, mỗi chức một viên, giao dịch trạm đưa đến đó; rồi quan tỉnh Quảng Nam chi xuất ngân sách 300 quan tiền, lại chọn giao 2 thuộc viên thạo việc phối hợp cùng với các phái viên này sắm sửa lễ phẩm chay, đốc thúc tập hợp tăng chúng, chọn giờ lành từ ngày 15 tháng 3 tại các chùa động tụng kinh 3 ngày đêm”. Điều đó cho biết, kể từ đầu triều Thiệu Trị trở đi, các chùa Tam Thai và Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn chính thức được triều đình xếp vào ngạch quan tự, và theo đó, các lễ tiết quan trọng hằng năm diễn ra tại đây dần dần được điển chế theo lễ nghi cung đình.
Cụ thể hơn, qua nội dung tấu trình của Bộ Lễ trong Châu bản năm Tự Đức thứ 36 [1883] còn biết thêm: Kể từ năm Tự Đức thứ 36 trở đi, triều đình chính thức điển chế 43 án thờ tại các chùa và hang động ở núi Ngũ Hành Sơn, hằng năm được tế lễ theo nghi thức cung đình. Trong đó, chùa Tam Thai có 9 án thờ [gồm các án: Tam Bảo, Di-lặc, Quan Thánh, Hộ Pháp, Phật bi vị, Tả La-hán, Hữu La-hán, Tả Phù vị, Hữu Bật vị]; Động Huyền Không – chùa Trang Nghiêm có 13 án thờ [gồm các án: Thích-ca Di-đà và Di-lặc hợp thành 1 án, Tam Bảo, Văn Thù, Phổ Hiền, Tả hữu Thập Điện 2 án, Hộ Pháp, Ngọc Hoàng, Chúa Ngọc, Chúa Xứ, Thiện Hữu, Ác Hữu, Quan Âm]; Chùa Từ Tâm có 5 án thờ [gồm các án: Địa Tạng, Tả hữu Phán Quan 2 án, Âm hồn]; Tòa Sơn Phòng có 1 án thờ [Tổ sư]; Nhà Phương trượng thờ tự 1 án [Giám Trai]; Chùa Linh Ứng thờ tự 9 án [Thích-ca, Di-đà và Di-lặc hợp thành 1 án, Tam Bảo, Văn Thù, Phổ Hiền, Tả hữu Thập Điện 2 án, Thiện Hữu, Ác Hữu, Hộ Pháp]; Nhà Phương trượng thờ tự 1 án [Tổ sư]; Linh Động Chơn Tiên thờ tự 4 án [Thái Thượng, Bát Tiên, Chúa Ngọc, Tam Thanh].Hằng năm, theo điển chế triều đình, có 10 lễ tiết được tổ chức tại các chùa ở núi Ngũ Hành Sơn trong các dịp lễ Thánh thọ, Thiên thu, Diên xuân, Vạn thọ, Chánh đán, Đoan dương, Tam nguyên, Lạp tiết… Triều đình sẽ chuẩn cấp cho hai chùa Tam Thai và Linh Ứng mỗi năm 400 quan tiền, 12 thăng muối, 12 phương gạo, và “giao cho trú trì hai chùa ấy đến tỉnh làm đơn xin lãnh về sắm sửa cúng cấp… Giao quan tỉnh sở tại chiếu theo các lễ, phái thuộc viên đến kiểm tra cho được đầy đủ, nghiêm chỉnh”.
Châu bản triều Nguyễn là nguồn tư liệu quý, mang tính chính thống và có độ tin cậy cao, bởi đây là hệ thống văn bản hành chính được các vua triều Nguyễn sử dụng trong việc điều hành đất nước trong suốt chiều dài lịch sử gần 150 năm, kể từ triều vua Gia Long đến triều vua Bảo Đại. Do vậy, những nội dung Phật giáo được ghi lại trong hệ thống Châu bản này, có thể nói, là nguồn tư liệu chân thực và hết sức quý đối với việc nghiên cứu, tìm hiểu về tình hình Phật giáo nước nhà dưới thời vương triều Nguyễn, và tất nhiên trong đó có Phật giáo Quảng Nam.
Qua khảo sát 17 Châu bản liên quan đến Phật giáo Quảng Nam nói trên, số lượng tuy không nhiều, lại thiếu tính liên tục và sự nối kết, nhưng dù sao đó cũng là những lát cắt lịch sử, những mảng ghép chân thực phản ánh tình hình sinh hoạt Phật giáo tại vùng đất từng được xem là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của đất nước. Hy vọng trong tương lai, cùng với các Châu bản triều Nguyễn, chúng ta sẽ tìm được nhiều nguồn tư liệu nối kết, qua đó có thể phác họa một cách rõ nét hơn về diện mạo Phật giáo Quảng Nam thời Nguyễn, đặc biệt là hành trạng các vị cao tăng đã từng hành hóa trên mảnh đất này.
TT. THÍCH KHÔNG NHIÊN
Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán
_ Chú thích:
1. Loại hình văn bản hành chính triều Nguyễn khá đa dạng. Theo thống kê, “Châu bản triều Nguyễn” có hơn 20 loại hình văn bản, với thẩm quyền ban hành và chức năng của từng loại hình cụ thể như sau:
– Chiếu [詔], Dụ [諭], Chỉ [旨]: Là các văn bản hành chính do chính nhà vua ban hành, nhằm truyền đạt những mệnh lệnh hoặc những chỉ thị mang tính pháp quy.
– Tấu [奏]: Là loại văn bản dành cho các bộ nha ở trung ương hoặc địa phương dùng để tâu trình một vấn đề nào đó lên nhà vua.
– Khải [啟], Bẩm [稟]: Là loại văn bản dành cho các bầy tôi, thần dân trình lên các Bộ, Nha để xin tấu lên nhà vua.
– Tư trình [咨呈], Phúc trình [覆呈], Phiến lục [片錄], Thông tri [通知]: Là loại công văn trao đổi, phúc đáp, giải quyết công việc giữa các cấp hoặc công văn của các nha môn gửi cho cơ quan cấp dưới.
– Phiếu nghĩ [票儗]: Là loại văn bản ghi ý kiến của các Bộ, Nha hoặc Nội các khi tiếp nhận giải quyết công việc do các địa phương, nha môn đệ trình trước khi trình tấu nhà vua..
2. Ngự phê bằng mực son của nhà vua trên “Châu bản triều Nguyễn” thường có những hình thức như sau:
– Châu phê (硃 批): Là một đoạn hay một dòng do đích thân nhà vua viết bằng mực son vào đầu hoặc cuối văn bản, có khi viết xen vào giữa các dòng, nhằm truyền đạt ý chỉ của nhà vua khi ban hành văn bản.
– Châu điểm (硃點): Là những chấm mực son được nhà vua chấm lên đầu văn bản, tỏ ý đồng tình với nội dung trình tấu.
– Châu khuyên (硃圈): Là những vòng mực son được nhà vua khuyên lên các điều khoản, tên người hoặc vấn đề nào đó nhằm tỏ ý chuẩn thuận.
– Châu mạt (硃抹): Là nét phẩy bằng mực son được nhà vua phẩy lên tên người hay một vấn đề nào đó trong văn bản, thể hiện sự không chuẩn thuận.
– Châu sổ (硃数): Là nét gạch sổ bằng mực son, gạch trực tiếp lên một hoặc vài dòng của văn bản gốc, thể hiện sự không chấp thuận của nhà vua.
– Châu cải (硃改): Là những từ ngữ, câu cú, hay đoạn văn do nhà vua ngự phê bên cạnh những chữ đã bị “châu sổ” (gạch bỏ) ở trong văn bản., nhằm truyền đạt ý chỉ của nhà vua trong việc giải quyết các vấn đề công vụ của đất nước thuộc nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, tôn giáo, văn hóa, xã hội…
3. Xem: Lý Kim Hoa [sưu khảo – biên dịch], “Châu bản triều Nguyễn – Tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm, từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945”, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003. Đây là công trình sưu khảo – biên dịch khá công phu, được tác giả thực hiện trong suốt 20 năm, từ 1974 đến 1994, khi hệ thống Châu bản triều Nguyễn còn được lưu giữ tại Văn khố Đà Lạt và Nha Văn khố Sài Gòn, và sau năm 1975 là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II., tổng số Châu bản Phật giáo được ông sưu khảo – biên dịch trong suốt 20 năm và công bố trong công trình này là 250 Châu bản.
4. Châu bản triều Nguyễn – Tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm, từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd, tr. 785-818..
5. Châu bản “Tấu trình” (Giáp bản) đề ngày 21 tháng 7 năm Thành Thái thứ 10 [1898]: Bộ Lễ tâu việc chùa An Hội [ở Gia Hội, Huế] đang làm lễ thì bị các công tử, công tôn kéo người đến đập phá đồ thờ.,
6. Hai Châu bản liên quan đến trai đàn chùa Thiên Mụ năm 1821 gồm: [1] Châu bản “Tấu trình” (Ất bản) đề ngày 27 tháng 5 năm Minh Mạng thứ 2 [1821]: Lưu thủ dinh Quảng Nam Phạm Văn Tín, Ký lục Hồ Công Thuận, Cai bạ Nguyễn Đăng Tuân tấu trình việc đã gọi Hòa thượng chùa Phước Lâm và chư tăng đến sức về Kinh sư dự trai đàn chùa Thiên Mụ; [2] Châu bản “Tấu trình” (Giáp bản) đề ngày 10 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 2 [1821]: Nguyễn Hữu Thận và Nguyễn Công Tiệp tấu trình về số Hòa thượng, đại sư và tăng chúng các thành dinh trấn được mời về Kinh sư dự trai đàn chùa Thiên Mụ. .
7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục – Chính biên – Đệ nhị kỷ: Thánh Tổ Nhân Hoàng đế, quyển 7, (Bản dịch Viện Sử học), tập 2, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 2007, tr. 130..
8. Ngài sinh năm 1747, tục húy Vũ Đức Nghiêm, quê quán làng Ngọc Trì, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi (nay thuộc huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi), xuất gia năm 12 tuổi với Hòa thượng Thiệt Dinh Chánh Hiển Ân Triêm ở chùa Phước Lâm, được ban pháp danh Pháp Kiêm, tự Luật Uy, hiệu là Minh Giác. Ngài tịch năm Canh Mão [1830]..
9. Bốn Châu bản thời Minh Mạng ghi việc trùng tu chùa quan ở Quảng Nam gồm: [1] Châu bản “Phụng thượng dụ” đề ngày 01 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 6 [1825], ghi việc thần Hoàng Quýnh phụng thượng dụ về việc thưởng tiền lộ phí cho Liêu Hòa hầu Nguyễn Công Liêu và Văn Đức bá Vương Hưng Văn đến Quảng Nam tu bổ các cổ tích ở núi Tam Thai; [2] Châu bản “Chỉ dụ” đề ngày 20 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 6 [1825], ghi việc bọn thần Nguyễn Hữu Thận, Nguyễn Văn Thục phụng chỉ cấp thêm gạo cho bọn Liêu Hòa hầu Nguyễn Công Liêu và Văn Đức bá Vương Hưng Văn đến Quảng Nam tu bổ các cổ tích ở núi Tam Thai; [3] Châu bản “Chiếu dụ” đề ngày 25 tháng 5 năm Minh Mạng thứ 8 [1827], ghi việc thăng thưởng 1 cấp cho Hiệu Tài hầu Trần Văn Hiệu về công tu bổ các cổ tích ở núi Tam Thai; Châu bản “Chiếu dụ” đề ngày 25 tháng 5 năm Minh Mạng thứ 8 [1827], ghi việc thăng thưởng 1 cấp cho bọn Liêu Hòa hầu Nguyễn Công Liêu và Văn Đức bá Vương Hưng Văn về công tu bổ các cổ tích ở núi Tam Thai.
10. Sáu Châu bản đời Thành Thái ghi việc trùng tu các ngôi chùa quan ở Quảng Nam gồm: [1] Châu bản “Tấu trình” đề ngày 20 tháng 11 năm Thành Thái thứ 6 [1894], Bộ Lễ tâu việc tu bổ các chùa Vĩnh An, Tam Thai và Linh Ứng ở Quảng Nam; [2] Châu bản “Tấu trình” đề ngày 01 tháng 7 năm Thành Thái thứ 9 [1897], Bộ Công tâu việc làm lại biển chùa Tam Thai và Linh Ứng; [3] Châu bản “Tấu trình” đề ngày 14 tháng 9 năm Thành Thái thứ 9 [1897], Bộ Công tâu việc cất nhà ở cho Tăng cang kiêm quản hai chùa Tam Thai và Linh Ứng; [4] Châu bản “Tấu trình” đề ngày 26 tháng 5 năm Thành Thái thứ 10 [1898], Bộ Công tâu nhân việc cất nhà ở cho Tăng cang kiêm quản hai chùa Tam Thai và Linh Ứng, xin tăng chế một nơi để khi ngự giá hành hạnh; [5] Châu bản “Phúc trình” đề ngày 8 tháng 01 năm Thành Thái thứ 11 [1899], Thái tử Thiếu bảo Hiệp biện Đại học sĩ sung Cơ mật viện đại thần, khâm sai Nam Ngãi tổng đốc phúc trình việc giảm bớt số lượng các sư ở các chùa Tam Thai và Linh Ứng; [6] Châu bản “Tấu trình” đề ngày 10 tháng 10 năm Thành Thái thứ 18 [1906], Bộ Lễ tâu việc Tăng cang Nhuyễn Viết Lô cai quản 2 chùa Tam Thai và Linh Ứng bị bệnh xin ở riêng.
11. Châu bản đề ngày 15 tháng 9 năm Duy Tân thứ 4 [1909], Bộ Lễ tâu việc sư Đoàn Vĩnh Gia chùa Phước Lâm ở Quảng Nam xin cấp biển Sắc tứ.
12. Châu bản đề ngày 26 tháng 7 năm Khải Định thứ 2 [1917], Bộ Công tâu việc tu bổ chùa Vĩnh An ở Quảng Nam.. 1068
13. Kim bài có hình lá đề (thường gọi là Quả tim lửa), chất liệu đồng mạ vàng, kết cấu gồm hai phần: thân và đế. Kim bài có chiều cao tổng thể 57,5cm; trong đó phần thân (tức lá đề) cao 44cm, rộng 41cm, dày 2cm; phần đế cao 13,5cm, dày 9,5cm. Mặt trước Kim bài khắc bài minh (thủ bút của vua Minh Mạng) với nội dung xưng tán Đức Phật: “我如來以法王御世弘濟人天變現十方虛空常住作十大功德而炎方獨厚焉 – Ngã Như Lai dĩ Pháp vương ngự thế, hoằng tế nhân thiên, biến hiện thập phương, hư không thường trú, tác thập đại công đức, nhi viêm phương độc hậu yên” [Đức Như Lai của chúng ta là bậc Pháp Vương thị hiện ở đời, làm lợi ích cho cả trời và người, biến hiện khắp mười phương, thường trụ giữa hư không, đầy đủ 10 công đức lớn, và luôn hộ trì cho cõi Nam đặc biệt này). Mặt sau Kim bài khắc dòng chữ niên đại tạo lập: “Minh Mạng lục niên cát nhật tạo” (Tạo lập vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ 6 [1825])..
14. Châu bản “Phụng thượng dụ” [Giáp bản], đề ngày 16 tháng 2 năm Thiệu Trị nguyên niên [1840]: Các đại thần Phan Huy Thực, Phan Bá Đạt, Tôn Thất Bạch, Trương Quốc Dụng phụng thượng dụ phái Trưởng Thị vệ sau lễ đăng quang đến họp cùng thuộc tỉnh làm lễ tụng kinh 3 ngày đêm tại các chùa Tam Thai, Từ Tâm, Ứng Chơn [Linh Ứng] và các động Hoa Nghiêm, Vân Thông, Tàng Chơn ở núi Tam Thai. ;
15. Châu bản “Tấu trình” [Giáp bản], đề ngày 24 tháng 12 năm Tự Đức thứ 36 [1883]: Bộ Lễ tâu việc cấp tiền chi dụng các lễ tiết cho 2 chùa Tam Thai và Linh Ứng ở núi Ngũ Hành [Bản tấu trình do Trần Văn Thiêm phụng thảo; ba vị Tạ Thúc Dĩnh, Trần Chỉ Tín và Trương Tất Truy phụng ký; Trần Đình Tường phụng khảo; các vị Nguyễn Văn Thúy, Lương Thành, Nguyễn Văn và Phạm Thục phụng duyệt]..