Diễn văn khai mạc Hội thảo khoa học (HT. Thích Thọ Lạc)

– Kính bạch Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN,

– Kính bạch chư Tôn giáo phẩm Trung ương GHPGVN,

– Kính bạch hiện toạ chư tôn thiền đức Tăng, Ni,

– Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý và các nhà khoa học!

Kiến trúc Phật giáo là một thành tố, một phương diện rất quan trọng của Phật giáo, phản ánh giáo lý, giáo luật Phật giáo, tư tưởng, tinh thần Phật giáo, triết lý và văn hoá Phật giáo. Các ngôi chùa chính là sự biểu hiện cụ thể của kiến trúc Phật giáo, nơi đây không chỉ là nơi sinh hoạt Phật giáo của tăng ni, Phật tử, mà còn là nơi truyền bá, giáo dục đạo đức, văn hoá Phật giáo đến với tất cả mọi người. Kiến trúc Phật giáo đã gắn liền với sự hình thành, phát triển của Phật giáo cho đến tận hôm nay.

Kiến trúc Phật giáo không chỉ có tính phổ biến, mà còn có tính đặc thù; không chỉ có tính thống nhất, mà còn có tính đa dạng, gắn với mỗi giai đoạn phát triển của Phật giáo cũng như gắn với mỗi quốc gia, khu vực, vùng miền mà Phật giáo du nhập. Chính vì vậy, kiến trúc Phật giáo không chỉ chuyển tải tư tưởng, triết lý Phật giáo, mà còn phản ánh văn hoá, phong tục, tập quán; chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của tín đồ trong các giai đoạn lịch sử khác nhau ở mỗi quốc gia, vùng miền khác nhau. Mỗi giai đoạn lịch sử, dấu ấn đời sống xã hội cũng có những tác động đến kiến trúc Phật giáo và như vậy, kiến trúc Phật giáo cũng phản ánh những thăng trầm của lịch sử, chứa đựng giá trị lịch sử.

Kính thưa quý vị!

Phật giáo được truyền vào nước ta từ rất sớm, và đến thế kỷ thứ 2, thứ 3 thì đã hình thành trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Theo Thiền uyển tập anh, khi trả lời câu hỏi của Linh Nhân Hoàng thái hậu năm 1096, Quốc sư Thông Biện đã dẫn lời Pháp sư Đàm Thiên cho biết nhiều thông tin quan trọng, đó là lúc này ở Luy Lâu đã có hơn 20 ngôi bảo tháp,… Điều này cho thấy, kiến trúc Phật giáo Việt Nam xuất hiện từ lâu. Trải qua các triều Đinh – Tiền Lê, nhất là vào thời Lý – Trần, Phật giáo phát triển rực rỡ. Nhiều trung tâm Phật giáo xuất hiện, tiêu biểu như Thăng Long – Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh,… gắn với các đại tùng lâm như các chốn tổ Báo Ân, Vĩnh Nghiêm, Yên Tử,… Kiến trúc Phật giáo những giai đoạn này đã đạt được những thành tựu quan trọng, để lại những di sản vô giá cho dân tộc. Song rất tiếc, cho đến nay, di sản kiến trúc Phật giáo thời Lý – Trần để lại không nhiều, phần lớn các ngôi chùa thời kỳ này bị hư hoại, hay chỉ còn phế tích do những biến thiên lịch sử,…

Từ thời Lê Sơ (1428-1527), nhất là từ thời Lê Trung Hưng (1533-1789), kiến trúc Phật giáo Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện như phong cách kiến trúc, nghệ thuật kiến trúc,… Nhiều công trình kiến trúc Phật giáo thời Lê Trung Hưng vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay, nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung Hưng đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc, điêu khắc,… Rất nhiều di sản, di tích Kiến trúc Phật giáo thời Lê Trung Hưng nay đã trở thành những di tích quốc gia đặc biệt, thành những bảo vật quốc gia, góp phần làm giàu thêm cho kho tàng di sản văn hoá của dân tộc.

Đến thời Nguyễn, về cơ bản kiến trúc Phật giáo Việt Nam tiếp tục tiếp nối truyền thống trong những giai đoạn trước. Các công trình, tự viện Phật giáo tiếp tục được trùng tu, xây dựng mới mang những nét truyền thống và dấu ấn của thời đại. Có thể nói, vào thời Nguyễn các ngôi chùa đã hiện diện trên khắp các vùng miền trên cả nước, phản ánh tính phong phú, đa dạng văn hoá vùng miền cũng như hệ phái. Lúc này, bên cạnh những công trình kiến trúc của Phật giáo Bắc tông, còn có các công trình Phật giáo Nam tông.

Giai đoạn từ Nhà Nguyễn đến khi thống nhất đất nước, Phật giáo Việt Nam nói chung, kiến trúc Phật giáo Việt Nam nói riêng trải qua rất nhiều thăng trầm, thịnh suy cùng với sự biến động của bối cảnh chính trị lịch sử. Các công trình, tự viện Phật giáo ít được quan tâm xây dựng, trùng tu, nhiều công trình, tự viện Phật giáo bị phá huỷ, thậm chí có những công trình là di sản, có lịch sử hàng trăm năm cũng không còn.

Kính thưa quý vị!

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, đáp ứng nguyện vọng của nhiều thế hệ Tăng ni, Phật tử, các tổ chức giáo hội và các hệ phái Phật giáo, song vẫn đảm bảo nguyên tắc như Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nêu rõ: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống Hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp. Cho đến nay, sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trên phương diện kiến trúc Phật giáo, đây là giai đoạn các công trình kiến trúc Phật giáo được trùng tu, xây dựng, phục dựng,… một cách mạnh mẽ. Nhiều khu vực, vùng miền các ngôi chùa đã được phục dựng trên nền những phế tích; nhiều khu vực vùng miền chưa từng có bất kỳ một công trình Phật giáo nào thì nay cũng đã có; các công trình Phật giáo không chỉ xuất hiện ở các vùng miền, các địa phương, mà còn được xây dựng ở khu vực hải đảo, biên giới,… Việc trùng tu, xây dựng các công trình Phật giáo được sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền, của giáo hội, của tăng ni, Phật tử và quần chúng nhân dân. Có thể nói, chưa có một giai đoạn nào trong lịch sử dân tộc, đất nước ta có được sự phát triển mạnh mẽ của các công trình kiến trúc Phật giáo như bây giờ. Các công trình không chỉ nhiều về số lượng, lớn về quy mô, đa dạng về loại hình, hệ phái, về phong cách kiến trúc, nghệ thuật,… mà còn có giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ,…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực như vừa trình bày ở trên, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập. Nhận thức được vấn đề này, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giao cho Ban Văn hoá Trung ương triển khai đề án về kiến trúc Phật giáo Việt Nam nhằm đánh giá thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam, chỉ ra những khó khăn, bất cập để có những định hướng, giải pháp. Đây là một trong 4 đề án lớn mà Hội đồng trị sự đã giao cho Ban Văn hoá thực hiện trong những năm qua, đó là: đề án về Pháp phục, ngôn ngữ, kiến trúc, di sản. Đến nay, đề án Pháp phục, Khóa tụng thống nhất đã được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê chuẩn, đang lan tỏa rộng rãi đến Tăng ni, Phật tử.

Để triển khai đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hoá Trung ương đã kết hợp với nhiều cơ quan trong và ngoài giáo hội như Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố,… Ban Văn hoá đã tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát, tổ chức nhiều cuộc toạ đàm, hội nghị, thảo luận nhóm chuyên gia,… để triển khai các nội dung của đề án.

Qua ba đợt khảo sát ở miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và miền Đông và Tây Nam Bộ với hàng trăm ngôi chùa của tất cả các hệ phái, có thể nói, đề án kiến trúc Phật giáo nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo Tăng ni, các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư,… và kết quả khảo sát đã cho thấy thực trạng kiến trúc Phật giáo còn nhiều vấn đề nan giải.

Có thể thấy, nhiều ngôi chùa trải qua thời gian đã lần tu bổ, tôn tạo nhiều lần, dần mất đi “tính truyền thống” vốn có của mình. Trừ những ngôi chùa đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, trong mấy thập kỷ gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng thì kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng đang dần thay đổi. Trong đó, nhiều ngôi chùa được xây mới chưa tuân thủ những nguyên tắc xây dựng, chưa có tư vấn thiết kế đầy đủ,… đã vô tình làm giảm tư tưởng, triết lý Phật giáo trong kiến trúc. Mặt khác, mặc dù có nhiều ngôi chùa được xây dựng mới đã mang đặc trưng truyền thống, vùng miền,… Song, chúng ta vẫn thấy trong kiến trúc nhiều ngôi chùa vẫn chắp vá hay có nhiều trường phái kiến trúc Phật giáo trong một ngôi chùa Việt,…

Thật khó nói hết những bất cập trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay, nhưng đây là một thực tế mà tất cả chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ để có những định hướng và giải pháp. Vì thế, ở hội thảo này, thay mặt Ban văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chúng tôi mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến từ chư tôn đức Tăng ni, các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư, các nhà quản lý văn hoá, di sản văn hoá, các nhà quản lý về tín ngưỡng tôn giáo, nhằm định hướng bảo tồn kiến trúc Phật giáo truyền thống và phát huy hơn nữa kiến trúc Phật giáo trong tương lai thông qua những nguyên tắc, hay có những quy chuẩn trong kiến trúc Phật giáo, vừa bảo đảm tính thống nhất của tư tưởng Phật giáo, lại vừa đảm bảo tính đa dạng hệ phái, vùng miền,… Hy vọng rằng, các ý kiến tại Hội thảo hôm nay sẽ góp phần cho sự thành công của đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam mà Ban Văn hoá đang triển khai. Với những lý do đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống

nhất trong đa dạng”.

Kính chúc chư Tôn giáo phẩm, Tăng ni, Phật tử; quý vị đại biểu, các nhà nghiên cứu thân tâm thường an lạc. Chúc hội thảo khoa học thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!