Kính thưa Chư tôn đức Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng, Ni! Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học!
Thưa toàn thể hội thảo!
Kiến trúc Phật giáo Việt Nam đã có lịch sử khoảng 2000 năm, gắn liền với sự du nhập, phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Kiến trúc Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn liền với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam mà còn gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam, gắn với văn hoá, phong tục tập quán Việt Nam các vùng miền, các giai đoạn lịch sử, gắn với bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội ở mỗi giai đoạn. Kiến trúc Phật giáo phản ánh giáo lý, tinh thần, triết lý Phật giáo, đạo đức Phật giáo, tinh thần Phật giáo, lịch sử Phật giáo, văn hoá Phật giáo, phản ánh đặc thù của các hệ phái Phật giáo, v.v…. Do vậy, có thể nói kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay là sự tổng hoà của truyền thống và hiện đại, tổng hoà của sự thống nhất và đa dạng, tổng hoà của các hệ phái, vùng miền, … để tạo nên kiến trúc Phật giáo Việt Nam với bản sắc Phật giáo Việt Nam.
Nói đến Phật giáo, không thể không nói đến những ngôi chùa/tự viện, bởi đây không chỉ là nơi thờ Phật, Bồ tát, chư tổ, nơi lưu giữ xá lợi Phật, chư tổ, mà còn là nơi sinh hoạt của tăng ni, Phật tử, nơi diễn ra các nghi lễ Phật giáo, hoạt động Phật giáo, nơi sinh hoạt của cộng đồng, của người dân. Chính vì vậy, các ngôi chùa, tự viện là nơi giáo pháp của đức Phật giáo lan toả, nơi tu học, học tập của tăng ni và quần chúng nhân dân. Các ngôi chùa cũng chính là trung tâm văn hoá, giáo dục của cộng đồng. Có thể nói, ngôi chùa chính là bảo tàng sống lưu giữ các giá trị di sản văn hoá Phật giáo vật thể, phi vật thể.
Kiến trúc Phật giáo Việt Nam có một quá trình phát triển theo sự phát triển của Phật giáo, cho dù có lúc thăng trầm, tuy nhiên, các công trình, tự viện ngày càng được xây dựng nhiều hơn, quy mô lớn hơn, công năng sử dụng nhiều hơn, loại hình phong phú hơn, phong cách nghệ thuật cũng đa dạng hơn. Bên cạnh đó, kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh lịch sử xã hội đất nước và sự phát triển của nền kinh tế, phương thức sinh hoạt và nhu cầu của con người, xã hội. Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập và giao lưu quốc tế mạnh mẽ, kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng chịu sự ảnh hưởng của kiến trúc Phật giáo thế giới. Càng những giai đoạn sau, kiến trúc Phật giáo Việt Nam càng có sự phát triển về số lượng, ngày càng có những công trình với quy mô lớn, kiến trúc Phật giáo cũng biến đổi theo sự phát triển của xã hội. Đến giai đoạn hiện nay là giai đoạn có nhiều nhất các công trình kiến trúc Phật giáo, đây là giai đoạn kiến trúc Phật giáo có những đặc điểm riêng gắn với đặc điểm của thời đại và có nhiều nét mới so với kiến trúc Phật giáo các giai đoạn trước. Theo số liệu từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 18.000 ngôi chùa của các hệ phái Bắc tông, Nam tông, Khất sỹ, Nam tông kinh, Hoa tông.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển, sự phong phú, đa dạng của kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập cần có sự đánh giá một cách toàn diện, khách quan để đề xuất những giải pháp, định hướng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị di sản kiến trúc Phật giáo trong giai đoạn tới.
Nhận ra những vấn đề đó, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giao cho Ban văn hoá Trung ương triển khai đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Trong mấy năm vừa qua, Ban Văn hoá Trung ương đã phối hợp với nhiều cơ quan trong và ngoài giáo hội triển khai nhiều chuyến khảo sát tại nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước tại khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, tổ chức hàng chục cuộc toạ đàm, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các kiến trúc sư, các nhà quản lý văn hoá, tôn giáo, chư tôn đức tăng ni lãnh đạo các Ban trị sự PGVN các tỉnh. Cuộc hội thảo khoa học hôm nay chính là sự tổng kết các hoạt động triển khai đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam mà Ban văn hoá Trung ương đã thực hiện trong mấy năm vừa qua. Hội thảo có sự phối hợp của Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện bảo tồn di tích và Bảo tàng lịch sử Quốc gia thuộc Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Hội thảo Kiến trúc Phật giáo Việt Nam sẽ tập trung vào các nội dung chính như sau:
Thứ nhất, tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề chung về kiến trúc Phật giáo và kiến trúc Phật giáo Việt Nam như quá trình phát triển của kiến trúc Phật giáo và kiến trúc Phật giáo Việt Nam, đặc điểm kiến trúc Phật giáo Việt Nam các giai đoạn, đặc điểm của kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong các hệ phái, tính thống nhất, tính đa dạng của kiến trúc Phật giáo, đặc trưng kiến trúc Phật giáo khu vực Bắc Bộ, nam Bộ, miền TrungTây Nguyên, v.v..
Thứ hai, tập trung làm rõ thực trạng của kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay trên nhiều phương diện như thực trạng xây dựng mới, thực trạng trùng tu, phục dựng các công trình, thực trạng quy hoạch mặt bằng, thực trạng chất liệu xây dựng, thực trạng trang trí, mỹ thuật… Đặc biệt, tập trung làm rõ những hạn chế, bất cập, những yếu tố phi truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay..
Thứ ba, tập trung làm rõ vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay, đề xuất những giải pháp trong kiến trúc, giải pháp trong bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc. Đặc biệt là thảo luận, đề xuất những nguyên tắc, định hướng nhằm hướng tới xây dựng bộ tiêu chí, tài liệu hướng dẫn đối với việc xây dựng mới, trùng tu, phục dựng các công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, Hội thảo cũng hướng đến việc tìm kiếm biểu tượng chung của kiến trúc Phật giáo Việt Nam và trụ kinh chuyển pháp luân.
Kính thưa Chư tôn đức Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng, Ni!
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học!
Thưa toàn thể hội thảo!
Cho đến nay, Ban tổ chức đã nhận được 70 báo cáo tham luận của chư tôn đức Hoà thượng, thượng toạ, đại đức, tăng ni, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trên khắp cả nước. Các bài tham luận từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau đã đề cập đến các chủ đề với nội dung phong phú, nhiều bài viết hết sức công phu, giá trị. Có thể xếp các bài viết thành các chủ đề với nội dung chính như sau:
Thứ nhất, đối với chủ đề thứ nhất Kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong lịch sử, nhiều bài viết đã làm rõ lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam từ những giai đoạn đầu khi mới du nhập cho đến giai đoạn hiện nay. Các báo cáo đã chỉ ra những nét đặc trưng của kiến trúc Phật giáo qua mỗi thời kỳ, đồng thời chỉ ra sự biến đổi của kiến trúc Phật giáo. Bên cạnh đó, nhiều bài viết đã làm rõ đặc trưng kiến trúc của các hệ phái như Bắc tông, Nam tông, Khất sỹ, Hoa tông, Nam tông kinh. Nhiều báo cáo đã đi sâu phân tích tính đa dạng của Phật giáo tại các khu vực, vùng miền trên cả nước. Không những thế, các bài viết đã góp phần chỉ ra giá trị của kiến trúc Phật giáo Việt Nam trên nhiều phương diện như giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị văn hoá, v.v..
Thứ hai, về chủ đề Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay. Các báo cáo trong chủ đề này đã tập trung trình bày thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Không chỉ làm rõ thực trạng kiến trúc trên các phương diện như quy hoạch, thiết kế, cấu trúc, chất liệu, trang trí hoa văn, hoạ tiết, mỹ thuật, bài trí đối tượng thờ cúng, v.v.. các bài viết còn chỉ ra thực trạng kiến trúc của mỗi khu vực, vùng miền. Đặc biệt, nhiều bài viết đã chỉ ra những hạn chế, bất cập, những yếu tố phi truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay như thiếu quy hoạch tổng thể; trùng tu, xây dựng làm mất đi yếu tố truyền thống; nhiều công trình lai căng, không kế thừa giá trị di sản kiến trúc truyền thống; các yếu tố/hạng mục trong tổng thể công trình không hài hoà, phá vỡ tổng thể; nhiều yếu tố hoa văn, hoạ tiết, trang trí không phù hợp xuất hiện trong các ngôi chùa; không gian cảnh quan bị thu hẹp, công tác bảo tồn, phát huy có rất nhiều sai sót, bất cập, v.v..
Thứ ba, về chủ đề Định hướng, giải pháp kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Các bài viết trong chủ đề này đã tập trung phân tích việc bảo tồn, giữ gìn di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay, đặc biệt là đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập cũng như định hướng cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng các nguyên tắc, quy chuẩn, tiêu chí …. Hay các tài liệu hướng dẫn đối với hoạt động xây dựng, trùng tu, phục dựng các công trình kiến trúc Phật giáo. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng, thiết kế biểu tượng thống nhất của kiến trúc Phật giáo Việt Nam như biểu tượng bánh xe chuyển pháp luân gắn trên các công trình kiến trúc và trụ kinh chuyển pháp luân. Các báo cáo cũng đề xuất nhiều giải pháp như thành lập các ban kiến trúc Phật giáo nhằm hướng dẫn, hỗ trợ cho việc xây dựng các công trình, có ý kiến cho rằng cần nâng cao nhận thức, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ tăng ni, những người tham gia xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo. Rất nhiều các ý kiến đều đồng thuận cho rằng, việc kiến thiết, xây dựng các công trình cần được quản lý bởi các cơ quan chuyên môn, tuân thủ các nguyên tắc, định hướng, hướng dẫn… để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay.
Có thể nói, với 70 bài viết của các chư tôn đức, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với chủ đề Hội thảo. Các bài viết đã góp phần làm rõ nhiều phương diện khác nhau của kiến trúc Phật giáo, không chỉ là phương diện tư tưởng, triết lý của Phật giáo, của văn hoá truyền thống, mà còn là những phương diện rất chuyên sâu như quy hoạch, bố cục, kết cấu, chất liệu, trang trí hoa văn, hoạ tiết, mỹ thuật, v.v.. Không chỉ làm rõ phương diện kiến trúc nói chung, các báo cáo còn làm rõ những vấn đề cụ thể trong từng hệ phái, từng loại hình kiến trúc Phật giáo. Qua đó, giúp chúng ta hiểu thêm về tính thống nhất, tính đa dạng, tính vùng miền, tính lịch sử, tính dân tộc, tính biến đổi, tính kế thừa, v.v.. của kiến trúc Phật giáo. Đồng thời, giúp chúng ta có một cái nhìn tương đối toàn diện cũng như một thái độ ứng xử phù hợp, đúng đắn hơn với kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới.
Kính thưa Chư tôn đức Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng, Ni!
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học và toàn thể hội thảo!
Mặc dù các báo cáo đã đề cập đến rất nhiều nội dung, chủ đề khác nhau, nhưng chắc chắn vẫn còn có những vấn đề chưa thể đi sâu, hoặc chưa bao quát hết được. Chẳng hạn, có rất ít những bài viết đề cập đến kiến trúc của Phật giáo Nam tông kinh: những đặc trưng, hiện trạng và những vấn đề đặt ra? Cũng chưa có bài viết đề cập đến những loại hình kiến trúc mới xuất hiện ở Việt Nam thời gian gần đây như kiến trúc Phật giáo Kim cương thừa… Chắc chắn những vấn đề nêu trên vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, làm rõ. Trong buổi hội thảo hôm nay, Ban Tổ chức rất mong chư tôn đức, các nhà khoa học, các quý vị đại biểu tiếp tục cung cấp thêm thông tin, tư liệu, thảo luận về những chủ đề mà hội thảo đặt ra.
Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn các Chư tôn thiền đức, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các quý vị đã nhiệt tình ủng hộ, dành thời gian, công sức và tâm huyết viết bài tham gia hội thảo và hôm nay có mặt tại đây để tham dự Hội thảo.
Xin kính chúc Chư tôn đức Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng, Ni, các nhà khoa học, các vị đại biểu khách quý và toàn thể hội thảo sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp! Xin trân trọng cảm ơn!