1. Bình đồ và không gian thờ tự Phật giáo Bắc truyền từ buổi đầu đến thời Đinh – Tiền Lê
1.1. Bình đồ và không gian thờ tự Phật giáo Bắc truyền từ buổi đầu đến trước thời Đinh – Tiền Lê
Cho đến nay phần đông các nhà nghiên cứu đều cho rằng Phật giáo truyền bá vào Việt Nam từ thời Vua Hùng33 cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, dân tộc Việt Nam rơi vào ách thống trị nghìn năm của phương Bắc. Mặc dù vậy Phật giáo vẫn có bước đi riêng trong việc hoằng pháp, độ sinh cũng như bình đồ và không gian thờ tự.
Theo tác giả Hà Văn Tấn, chùa Việt thời kỳ đầu chịu ảnh hưởng Ấn Độ. Đó là sự kết hợp giữa tịnh xá (vihara) và Phật điện (caitya), nghĩa là có các tăng phòng làm nơi ở, tu đạo cho các sư và là nơi thờ Phật. Bình đồ kiến trúc thời kỳ này có thể là hình vuông. Có thể đã xuất hiện các tháp (stupa). Do chưa tìm thấy dấu vết một ngôi chùa nào thời kỳ này nên những ý kiến trên chỉ là giả thuyết34. Song, tác giả lại cho rằng, những ý kiến trên không phải là không có lý. Những kiến trúc Phật giáo có bình đồ vuông còn tồn tại đến giai đoạn sau.
Dựa trên tài liệu khảo cổ học về ngôi Tháp Nhạn (thôn Tháp Nhạn, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), Hà Văn Tấn cho rằng: “Nếu đúng như thế thì Tháp Nhạn là tháp xá lị35. Khó có thể nói đây là một trong những tháp xá lị mà Tùy Văn Đế36 đã cho dựng. Nhưng việc tìm thấy một cây tháp xá lị, thời Tùy – Đường – mà tháp thì luôn ở cạnh một ngôi chùa – ở xa vùng lưu vực sông Hồng (cách Hà Nội gần 300km) chứng tỏ rằng bấy giờ ảnh hưởng của Phật giáo đã lan rộng khắp đất nước này”37.
Về không gian thờ tự, đáng chú ý khi Phật giáo truyền bá vào vùng châu thổ sông Hồng, cụ thể hơn là Luy Lâu – Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay), ở đó đã có những cơ sở thờ các vị thần của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước (Tứ Pháp: Vân – Vũ – Lôi – Điện: Mây – Mưa – Sấm – Chớp). Theo Hà Văn Tấn, các tăng sĩ Ấn Độ đưa tượng Phật vào trong điện thờ Tứ Pháp chứ không phải ngược lại. Và do vậy tượng Tứ Pháp bao giờ cũng được to hơn tượng Phật. Song, điện thờ Tứ Pháp như thế nào thì không rõ. Và điện thờ Tứ Pháp về sau trở thành Phật điện như thế nào đã không có tư liệu thành văn để xác định. Tuy nhiên có một điều cần lưu ý phải chăng điện thờ Tứ Pháp về sau trở thành chùa Dâu (Diên Ứng tự) gắn liền với sự tích Phật Mẫu Man Nương và Thạch Quang Phật. Bỏ qua những huyền tích, cho thấy, ngay từ buổi đầu không gian thờ tự Phật giáo đã có nơi thiết trí các vị Mẫu thần bản địa. Đặc biệt, việc thờ Thạch Quang Phật cho thấy có một không gian thờ tín ngưỡng phồn thực cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Thạch Quang Phật – Linh Thạch là sự hòa trộn tín ngưỡng Bà-la-môn giáo với tín ngưỡng bản địa chính là Linga thần thánh38.
Tại di tích Tháp Nhạn, các nhà khảo cổ học đã đưa ra khỏi lòng đất ba pho tượng có hình dáng giống hệt nhau được đoán định là Tam Thế Phật. Vậy là Tháp Nhạn không chỉ là tháp thờ xá-lị Phật, mà còn có không gian thiết trí Tam Thế Phật.
1.2. Bình đồ và không gian thờ tự kiến trúc Phật giáo Bắc truyền thời Đinh – Tiền Lê
Ngoài trung tâm Phật giáo Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), trung tâm Phật giáo Đại La (Hà Nội), Hoa Lư (Ninh Bình ngày này) được xem là trung tâm Phật giáo thứ ba. Trải thời gian, các ngôi chùa thời kỳ này do nhiều lần trùng tu đã làm mất đi bình đồ cũng như không gian thờ tự lúc bấy giờ. Những dấu vết còn lại cho thấy không gian thờ tự vẫn tiếp tục được mở rộng. Có thể kể đến hiện tượng chùa Bà Ngô. Chùa do Ngô phu nhân, hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng, mẹ của một trong 12 sứ quân là Ngô Nhật Khánh sáng lập. Chùa có tên chữ là Bà Sa tự, nhưng nhân dân vẫn quen gọi là chùa Bà Ngô. Trong giai đoạn 1962 – 1967 khi thực hiện nắn đê Hoàng Long đã làm xuất lộ nhiều cổ vật thuộc các giai đoạn lịch sử Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần… Phía Tây của chùa phát hiện hàng chục cột đá hình trụ bát giác, khắc kinh Phật do Phật tử là Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn – con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng tạo dựng vào chùa từ năm Quý Dậu (973) đến năm Kỷ Mão (979). Trên cột kinh Phật này khắc kinh Đà-la-ni.
Thời Đinh – Tiền Lê có loại chùa hang/ động. Đây là loại hình chùa tín đồ lợi dụng khoảng không trong núi đá vôi (hang/ động) làm không gian thờ tự. Có thể kể chùa Bàn Long (thôn Khê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Điện Phật ở núi Đại Trượng. Trên núi có bia Ma nhai (bia khắc trên vách núi). Chùa Nhất Trụ còn lưu lại cột đá khắc bản thần chú kinh Lăng Nghiêm, dựng năm 995. Việc tìm thấy cột kinh Phật, đối chiếu với tư liệu lịch sử cho thấy không gian thờ tự còn có các cột kinh Phật. Dựa trên bài chú và một bài kệ khá dài, Hà Văn Tấn cho rằng Phật điện ở tự viện Hoa Lư, thế kỷ X là “một thần điện Đại Thừa, với rất nhiều Phật, Bồ-tát, có các bộ Thiện, Ác và Diêm Vương Yama ở địa ngục cùng với đội quân Quỷ Dạ Xoa (Yakjasas) dưới quyền của Đại tướng Tân Chi (Saniaya hay Pareika)”39. Tuy nhiên cách bài trí tượng trong Phật điện thời kỳ này vẫn chưa tìm được tài liệu đương thời đề cập đến.
2. Bình đồ và không gian thờ tự Phật giáo Bắc truyền thời Lý – Trần
2.1. Bình đồ và không gian thờ tự thời Lý
Những dấu tích còn lại cho thấy có thể nhận biết được phần nào bình đồ và không gian thờ tự Phật giáo thời kỳ này. Có thể kể đến bắt đầu từ chùa Linh Xứng. Chùa được xây dựng ở núi Ngưỡng Sơn (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), do Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) chủ trương xây dựng chùa ở phía Nam núi. Trai phòng ở hai bên. Tượng đức Phật Như Lai sơn vàng, ngồi trên tòa sen, nổi trên mặt nước, trên tường xung quanh vẽ mười sáu La-hán và các biến tướng, thiên hình vạn trạng, không thể kể xiết.
Sau chùa xây bảo tháp, đặt tên là tháp Chiêu Ân. Tháp cao 9 tầng […]. Trước cửa chính dựng để treo chuông, chày kình gõ, đánh, tiếng chuyển bay xa. Theo cách miêu tả trên cho thấy chùa Linh Xứng, trước chùa có cổng cơi lầu làm tháp chuông, bên trên treo đại hồng chung. Điện thờ độc tôn chính giữa, có đông hiên, tây hiên làm trai phòng. Tháp xây ở sau, cao hơn ngôi chùa. Bình đồ trên ít nhiều cho thấy chùa Việt thời Lý và bình đồ các ngôi chùa Việt sau này trong đó có bình đồ chùa xứ Huế40.
Một chùa tuy chỉ là phế tích, nhưng tài liệu khảo cổ học đã dựng lại được bình đồ, đó là chùa Lạng (còn có tên là chùa Hương Lãng hay chùa Viên Giáo) ở xã Minh Hải, huyện Mĩ Văn, tỉnh Hưng Yên. Phế tích được khải quật khảo cổ học năm 1971 – 1972 với nhiều lớp kiến trúc của nhiều thời đại. Lớp kiến trúc cuối cùng – cũng là lớp kiến trúc ban đầu, có niên đại khoảng năm 1115, thuộc thời Lý. Theo đó, điện Phật là một tứ giác, giữa đặt tòa sen hình sư tử trên một đế. Điện thờ cao hơn hiên. Nền cao hơn mặt đất bên ngoài, hình thành bậu từ dưới lên. Để bước lên điện, người ta làm 4 bậc ở 4 mặt chính giữa các cạnh điện. Mỗi tam cấp có hai tay vịn bằng đá cát, chạm trổ công phu, một tượng đầu nghê đuôi sóc và một phù điêu phượng múa đứng trên một đóa sen bồng bềnh trong làn sóng nhấp nhô. Những di vật như ngói mũi hài, 4 cây cột đá, cho thấy đây là một điện thờ không phải là một cây tháp. Tuy nhiên nó vẫn mang tính chất cây tháp. Bệ sen trong chùa Lạng cho thấy trên đó chỉ thiết trí một tượng Phật như ở Phật Tích (Bắc Ninh) và Tường Long. Căn cứ vào bệ tòa sen thì tượng Phật trên đó phải cao khoảng 3m.
Thượng điện chùa Lạng là một tháp – Tháp thượng điện mang đậm sắc thái – hoa sen. Tất nhiên nó không còn là tháp hoa sen nữa mà là một dạng chuyển hóa từ tháp – hoa sen sang điện thờ kiến trúc nhà cửa, tức sang dạng chùa, từ biểu tượng Phật sang điện thờ Phật, một dạng chi đề41.
Tháp – thượng điện kiểu thượng điện chùa Lạng còn gần gũi nhiều với tháp về mặt cấu trúc bình đồ, tuy đã khác với cấu trúc tầng mái. Kiểu kiến trúc này chỉ tìm thấy dấu vết trong thời Lý, nên có thể chỉ thuộc thế kỷ XII42.
Một loại cấu trúc bình đồ tự viện hình đóa hoa sen đó là chùa Diên Hựu, còn gọi là chùa Một Cột. Chùa – hình đóa hoa sen dựng trên một chiếc cột ở hồ Liên Hoa. Ngoài hồ có hành lang, chạm vẽ chạy xung quanh, ở ngoài hành lang lại đào hồ gọi là Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua; trước sân chùa xây bảo tháp43.
Hà Văn Tấn trong cuốn Chùa Việt Nam thì cạnh các ngôi chùa thời Lý, thường có những tháp cao nhiều tầng. Tháp Báo thiên ở Thăng Long, 12 tầng. Tháp Sùng Thiện Diên Linh chùa Đọi (Hà Nam) cao 13 tầng. Tháp Chiêu Ân ở chùa Linh Xứng (Thanh Hóa) cao 9 tầng. Tháp chùa Phật Tích (Bắc Ninh) cao 10 trượng. Tháp Vạn Phong Thành Thiện ở Chương Sơn (Nam Định), cao hơn tháp chùa Phật Tích44. Tháp thời Lý có 3 loại hình: loại tháp kiến trúc chính không có chùa (tháp Chương Sơn, tháp Tường Long – Hải Phòng). Loại tháp đứng trước chùa (tháp chùa Phật Tích, tháp Long Đọi, chùa Một Cột). Loại tháp đứng sau chùa (tháp Linh Xứng – Thanh Hóa)45.
Chùa thời Lý được phân thành ba loại là đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam. Do vậy bình đồ và không gian thờ tự cũng có sự khác nhau. Tác giả Chu Quang Trứ trên cơ sở thực tế chia chùa thời Lý thành 4 loại với 4 dạng bình đồ. Đó là: Chùa dựng trên một cây cột, phát triển theo kiến trúc tháp (Chùa Diên Hựu/ chùa Một Cột) nhưng lại là bông sen khổng lồ. Loại thứ hai vừa thờ Phật vừa là hành cung, thường được vua đến thăm và để lại di bút (chùa Phật Tích và chùa Dạm – Bắc Ninh, chùa Long Đọi – Hà Nam), có quy mô lớn. Ngoài tháp, còn có những kiến trúc bề thế, hầu hết gắn với núi, chia thành nhiều lớp nền, trườn dần lên cao. Loại thứ ba, thường gắn với các bà hoàng, không có tháp, quy mô khá lớn, phát triển theo chiều sâu và nâng cao dần, khu điện thờ bố cục gần giống mặt của tháp – cũng hình vuông (chùa Bà Tấm – Hà Nội, chùa Hương Lãng – Hưng Yên). Loại thứ tư, bình đồ nhỏ hơn có gốc những thảo am đã được mở mang theo thời gian (chùa Hoàng Kim Hà Nội)46.
Bình đồ chùa Phật giáo thời Lý là đơn nguyên, kiến trúc đăng đối trên một trục dài. Có thể kể đến một số chùa như: chùa Diên Phúc (Hải Dương) thứ tự ngoài vào là ao sen, tam quan, nhà bia, gác chuông, hai hành lang hai bên, tòa điện Thiên Thánh. Chùa Phật Tích (Bắc Ninh), bạt núi tạo nên 3 tầng giật cấp. Chùa Dạm (Bắc Ninh) có 4 tầng giật cấp.
Về không gian thờ tự: căn cứ vào các pho tượng còn lại từ thời Lý như tượng ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Hoàng Kim (Hà Nội), chùa Ngô Xá (tức chùa Chương Sơn – Hà Nam), chùa Viên Quang – (Nam Định), Hà Văn Tấn nhận định: Thời Lý sự phụng Quan Âm đã rất phổ biến. Những tín ngưỡng Quan Âm tách rời tín ngưỡng A Di Đà. Chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) là một biểu hiện. Đã có những chùa được dựng để thờ Quan Âm. Văn bia chùa Diên Phúc thôn Cổ Việt cho biết chính điện chùa này tượng Bồ tát Quan Thế Âm đặt giữa các Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền. Đó là điểm khác biệt với các chùa Việt về sau, giữa tượng Văn Thù và Phổ Hiền là tượng Thích Ca. Chùa thời Lý đã có tượng thờ Di Lặc. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, năm 1051, vua Lý Thánh Tông “đến núi Tiên Du xem làm viện Từ Thị Thiên Phúc” – đây là ngôi chùa thờ riêng Phật Di Lặc. Nhưng trong các chùa thời Lý, Di Lặc với tư cách là Phật vị lai còn được thờ với các Phật quá khứ và hiện tại làm thành bộ ba Tam Thế. Văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Thanh Hóa) dựng năm 1118, nói về các tượng ở chùa này: “ngồi giữa là hiền kiếp Thích Ca Mâu Ni, một bên là quá khứ trang nghiêm Ca Diếp, một bên là Tương Lai tinh tú Từ Thị (Di Lặc)”. Một vị Phật cũng được thiết trí trong vị trí cao chùa thời thời Lý là Đa Bảo Như Lai. Văn bia chùa Sùng Thiện Diên Linh (Hà Nam) hai lần nhắc đến vị Phật này. Văn bia chùa Diên Phúc thôn Cổ Việt dựng năm 1157 ở xã Tân Việt huyện Mĩ Văn, tỉnh Hưng Yên cho biết khá cụ thể về không gian thờ tự ở chùa này: “lập can điện (tức Phật điện) ở chính giữa, dựng hồi lang hai bên ngoài. Bồ-tát Đại Bi (tức Quan Âm) ngồi trang nghiêm. Văn Thù và Phổ Hiền ngồi bên cạnh. Bên trái là bà Tẩu Tiên Nhâm bên phải là Công Lực Thiên Nữ (Hai chị em thiên thần, một người đẹp tượng trưng cho phúc đức, một người xấu tượng trưng cho tai họa). Bên dưới tòa sen có Tứ Đại Thiên Vương hộ vệ. Hai bên hành lang dọc, xếp tám vị Thần tướng Phật (tức tám vị Kim Cương). Một góc của hành lang trước đặt tượng Pháp Thi (người lập nên thôn Cổ Việt). Trong cửa tam quan, Hộ Pháp Thiện Thần đứng sóng đôi. Hòa thượng Chí Son (chưa rõ là ai) và Thổ Địa Đại vương ngồi đối diện ở hành lang trước. Phía ngoài hành lang trước, bên trái xây lầu để treo chuông khánh, bên phải dựng nhà để đặt văn bia.
Từ những nghiên cứu về chùa, về tượng thời Lý, Hà Văn Tấn đi đến kết luận về tượng và bài trí tượng cũng có nghĩa là không gian thờ tự trong tự viện: “Phật giáo thời Lý thờ nhiều Phật, nhiều Bồ tát, nhiều Thiên Vương gắn với thần điện Phật giáo thời sau. Tuy nhiên trong từng ngôi chùa thời Lý, số lượng lại không nhiều như các thời sau. Theo sự mô tả trong các văn bia, chúng ta biết trong các chùa chỉ có một số ít tượng và sự bài trí tượng giữa các chùa hết sức khác nhau. Trong các chùa thời Lý chưa có một điện thờ với nhiều lớp tượng được sắp xếp thống nhất”47.
Đáng chú ý về không gian thờ tự, Hà Văn Tấn cho rằng “có một số chùa được dựng lên để chuyên thờ một số Phật, Bồ-tát hay Thiên Vương nhất định”.
Tác giả Lê Mạnh Thát trong cuốn: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3 (Từ Lý Thái Tông (1054 đến Trần Thánh Tông 1278) cũng có những nhận xét tương tự và không gian thờ tự trong tự viện thời Lý: “Phật điện của nước ta thời kỳ Phật giáo thế sự này chưa đông đảo các vị Phật và Bồ-tát. Chùa Diên Hựu (chùa Một Cột, Hà Nội), chùa Báo Ân (Thanh Hóa), chỉ thờ đức Thích Ca độc tôn mà thôi. Chứng tỏ lối thờ này không phải chỉ mới xuất hiện từ những năm 1930”.
Phật điện thời kỳ này do vậy tương đối rộng rãi. Bên cạnh lối tôn trí đức Phật Thích Ca, vẫn thấy có những ngôi chùa thờ Ngũ Trí Như Lai48 hoặc chỉ thờ độc tôn đức Đa Bảo, đức A-di-đà. Đây là một thể hiện tư tưởng Thiền – Tịnh – Mật kết hợp49. Không gian thờ tự Phật giáo thời Lý vẫn có khoảng dành thiết trí các vị nhân thần và một số vị thần dân gian.
2.2. Bình đồ và không gian thờ tự thời Trần
Thời Trần hình thành nên các “cụm” chùa tháp như chùa tháp ở núi Yên Tử (Quảng Ninh), chùa tháp Phổ Minh (Nam Định), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), chùa Báo Ân (Siêu Loại, Bắc Ninh), chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang).
Một ngôi chùa khá tiêu biểu về bình đồ kiến trúc đó là chùa Lắm trên đảo Thừa Cống thuộc tỉnh Quảng Ninh, trong vịnh Bái Tử Long. Chùa không còn hiện diện. Song, dấu tích và hiện vật được khảo cổ học đưa lên từ nền đất cho thấy có các bình đồ như Tam quan, Nhà Tổ, sân chùa, hai ngọn tháp, nhà bia. Qua sân là tới chùa với ba nếp nhà với bình đồ hình chữ tam (三). Toàn bộ kiến trúc đã sụp đổ, nhưng hiện vật còn lại cho thấy đó là kiến trúc thời Trần. “Trong ba nếp nhà thì nếp nhà giữa là nhà thượng điện hay nhà chính điện. Ngôi nhà có nền hình vuông với 4 cột cái và 12 cột quân, ở giữa có bệ đá hoa sen… Như vậy, chùa thời Trần không chỉ có vẻn vẹn một nếp nhà vuông bốn mái mà là một cụm kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà. Trước và sau chính điện là kiến trúc trung tâm, có thể có tiền đường, hậu đường và những ngôi nhà khác. Các bệ thờ bằng đá chạm cánh sen trong các ngôi chùa thời Trần được biết hiện nay đều có niên đại không sớm hơn nửa cuối thế kỷ XIV. Ngoài bình đồ chữ tam (三), một mô hình bằng đất nung được tìm thấy trong ngôi mộ thời Trần (thôn Phạm Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) cho thấy một cụm nhà xây theo kiểu chữ công (工). Có nhà kiểu chữ công thì rất có thể có chùa kiểu chữ công”50.
Thời Trần cũng có chùa trong hang động, bình đồ là khoảng không trong hang. Như chùa Hang ở xã Đồng Tâm, huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái. Trong hang có một bệ thờ thời Trần bằng đất nung.
Về không gian thờ tự trong một số chùa thời Trần phải kể đến các bệ thờ bằng đá, hình khối chữ nhật. Các bệ này được gọi bằng các tên khác nhau: “bàn đá”, “bệ đá”, “bệ Phật”, “tòa Kim cang”. Có thể thấy loại bệ này ở hàng chục chùa như chùa Long Hoa (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) làm năm 1364, chùa Hương Trai (xã Hương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội), làm năm 1376… các bệ đặt trong Phật điện. Có thể là một thứ bàn thờ, cũng có thể trên đó đặt tượng thờ. Một số chùa thời Trần có tạc phù điêu khắc tiên nữ và nhạc công. Lại có tranh tường vẽ hình các La-hán (tranh Lahán trên tường chùa đã thấy xuất hiện từ thời Lý). Trong các ngôi chùa thời Trần còn có tượng các nhà sư hay tượng các thí chủ có công đóng góp xây dựng chùa, chẳng hạn như ở chùa Dầu xã Đinh Xá (tỉnh Hà Nam)51.
Hiện không đủ tài liệu để nhận biết các loại tượng thờ trong các chùa thời Trần. Pháp Loa đã đúc rất nhiều tượng và làm lễ hội nghìn Phật ở chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) trong 7 ngày, 7 đêm nhưng không rõ đó là loại tượng gì. Chỉ biết Pháp Loa đã đúc tượng Di-lặc. Tất nhiên theo đó phải là tượng A-di-đà và Thích Ca Mâu Ni (tượng Tam Thế). Văn bia chùa Đại Bi núi Văn Lôi do Phạm Sư Mạnh (thế kỷ XIV) soạn, nhắc đến tượng Tam Thế và việc đúc tượng Đại Bi (tức tượng Quan Âm) bằng vàng. Văn bia tháp Viên Thông cũng như Tam Tổ thực lục nói đến chuyện đúc tượng Thiên Thủ Đại Bi, tức tượng Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay. Đây là lần đầu tiên tài liệu Phật giáo Việt Nam nhắc đến loại tượng này. Loại tượng này xuất hiện dưới ảnh hưởng của Mật giáo vì thời Trần đã xuất hiện các yếu tố Mật giáo.
Các chùa thời Trần cũng có tượng kim cương và Hộ pháp (chùa Chũ và Bát Tràng (quận Long Biên, Hà Nội), chùa Thiện Long. Chùa Thiện Long có tượng Tiên Nữ (Áp-sa-ra) và tượng Mĩ Âm (Madhurasvara), tức vua các nhạc công Thiên thần.
Sau khi trưng dẫn một loạt các tư liệu và tượng chùa thời Trần, Hà Văn Tấn nhận xét: “Có lẽ thời Trần cũng như thời Lý chưa có một cách xếp đặt thống nhất các tượng thờ trong chùa. Tuy nhiên có thể nghĩ rằng bàn thờ Phật thời Trần đã có một số tượng đông đúc và đa dạng hơn thời Lý”52.
3. Bình đồ và không gian thờ tự Phật giáo Bắc truyền miền Bắc thời Hậu Lê đến trước phong trào chấn hưng Phật giáo
Thời Hậu Lê đến trước Phong trào Chấn hưng Phật giáo là thời kỳ rất dài trong lịch sử. Đây là thời kỳ dân tộc Việt Nam trải rất nhiều biến động. Thời Hậu Lê bao gồm các giai đoạn Lê Sơ, triều đại nhà Mạc, triều Lê Trung Hưng. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thắng lợi, triều Lê sụp đổ, thay vào đó là triều đại Tây Sơn. Sau khi đánh bại triều đại Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long (1802) lập nên triều đại Nguyễn. Những biến động lịch sử trên tác động đến Phật giáo, trong đó có bình đồ và không gian thờ tự. Do vậy, đề cập đến bình đồ và không gian thờ tự thời kỳ này, bài viết lần lượt đề cập đến hai giai đoạn: 1) Thời Lê Sơ, thời Mạc, Thời Lê Trung Hưng, Thời Tây Sơn và 2) Thời Nguyễn cho đến trước phong trào chấn hưng.
3.1. Bình đồ và không gian thờ tự Phật giáo Bắc truyền miền Bắc qua các thời Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Tây Sơn
Thời Lê Sơ (1428 – 1527): Bước lên vũ đài chính trị, nhà Lê độc tôn Nho giáo lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng xây dựng, phát triển đất nước, vì vậy từ góc độ quan phương đã không được Nhà nước quan tâm. Mặc dù vậy, Phật giáo thời kỳ này, bức tranh vẫn sáng sủa. Trước hết các chùa thời Trần tiếp tục được bảo tồn. Đáng kể là các khu chùa tháp Yên Tử (Quảng Ninh), Phổ Minh (Nam Định), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), chùa Vĩnh Nghiêm/ Chốn Tổ (Bắc Giang). Mặt khác những năm đầu thời Lê Sơ, chùa, tháp vẫn được xây dựng. Khi nhà vua không chăm lo đến việc xây dựng chùa tháp thì công việc này thuộc về các vương phi.
Về bình đồ và không gian thờ tự, thời kỳ này xuất hiện loại bình đồ chùa tiền Phật, hậu Thánh như chùa Trăm Gian, chùa Bối Khê (Hà Nội), phối thờ Đức Thánh Bối, có niên hiệu Thái Hòa năm thứ 11 (1453). “Có lẽ từ bấy giờ, vị thánh này đã được thờ trong các chùa Phật”53.
Thời Mạc: nhà nước thực hiện chính sách cởi mở với tôn giáo đã là điều kiện để Phật giáo trong đó có tự viện có điều kiện phát triển. Tác giả Hà Văn Tấn nhận định (thời Mạc) “không ít ngôi chùa được trùng tu và xây dựng trong thời kỳ này. Các kiến trúc và điêu khắc thời Mạc dường như có ý thức trong việc thừa kế truyền thống Trần, nhưng một phong cách dân gian đã bắt đầu phát triển.
Nhiều ngôi chùa như Chùa Cói, chùa Thượng Trưng, chùa Hạ (tỉnh Vĩnh Phúc), chùa Ninh Hiệp, chùa Đa Tốn (Hà Nội), chùa Mễ Sở, chùa Đông Ngọ, chùa Côn Sơn (tỉnh Hải Dương), chùa Phổ Minh (tỉnh Nam Định)… cùng rất nhiều ngôi chùa khác đã được tu bổ hay làm mới trong thế kỷ XVI, dưới triều Mạc”54.
Theo nhà nghiên cứu Tống Trung Tín, riêng thành phố Hải Phòng (hiện nay) đã phát hiện dấu tích 26 chùa thời Mạc. Tất cả các chùa Mạc trên vùng đất Hải Phòng đều đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Tuy nhiên, nghiên cứu chi tiết các dấu tích còn lại, có thể hiểu được khá nhiều nét đặc sắc về kiến trúc, nghệ thuật, trong đó có bình đồ và không gian thờ tự thể hiện qua các văn bia. Đó là Tam quan (bia chùa Hà Lâu), Tiền đường (bia chùa Bảo Khánh, bia chùa Vĩnh Khánh), Thiêu hương (chùa Bảo Quang), Thượng điện (bia chùa Trúc An), Hậu đường (bia chùa Vĩnh Khánh), Hành lang (bia chùa Trúc An, Hà Lâu và Bảo Khánh). Đặc biệt văn bia chùa Bảo Quang (Vĩnh Bảo), cho biết khá chi tiết, năm 1578 đã tu bổ cùng một lúc các tòa Thượng điện, 3 gian Thiêu hương, 3 gian Tiền đường, 7 gian Hậu đường và gác chuông,… Như vậy chùa thời Mạc ở Hải Phòng có đủ các thành phần chủ yếu tương tự như các chùa tiêu biểu thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Văn bia chùa Phúc Lâm Hoằng Thệ thời Mạc cho biết chùa có đủ các thành phần: Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện và Hậu đường do đó được giới nghiên cứu ghi nhận đó là kiểu chùa “Nội công, ngoại quốc”. Như vậy cùng với chùa Phúc Lâm, Hoằng Thệ, tư liệu chùa Bảo Quang góp phần khẳng định đây là ngôi chùa có bình đồ “Nội công, ngoại quốc” rõ ràng nhất, sớm nhất trong lịch sử kiến trúc chùa Việt Nam. Văn bia thời Mạc cho biết, các chùa thời Mạc ở Hải Phòng thường có quy mô khá to lớn và trang trí rất đẹp”55. Sở dĩ như vậy, vì ở Hải Phòng nhiều chùa thời Mạc do hoàng gia và tầng lớp quý tộc hưng công. Có thể kể đến chùa Hòa Liễu (Kiến Thụy) do Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ, Hoàng Thái Hậu họ Phan và 31 vị vương, Quốc Thái phu nhân, Thái trưởng công chúa và các vị công hầu bá tham gia. Do đó chùa thời Mạc còn thể hiện kiến trúc, nghệ thuật cung đình. Đặc trưng không gian thờ tự ở một số chùa có thiết trí tượng một số vị vua được gọi là “tượng vương” hay tượng các ông hoàng. Chẳng hạn tượng Mạc Đăng Dung chùa Trà Phương. Ngoài ra còn 11 pho tượng tại các chùa khác được xếp vào loại tượng vương hoặc tượng các ông hoàng thời Mạc. Cùng với đó là tượng các Hoàng hậu, nhưng số lượng ít hơn các tượng vương và thường được thể hiện dưới hai hình thức: tượng tròn và phù điêu. Có 3 bà Hoàng được chạm nổi dạng phù điêu là bà Hoàng chùa Trà Phương, bà Hoàng chùa Hòa Liễu, bà Hoàng chùa Minh Phúc. Tượng tròn bà Hoàng phát hiện được một pho ở chùa Phổ Chiếu. Chùa thời Mạc còn có tượng sư thiết trí ở nhà Tổ. Có 4 chùa được phát hiện có tượng sư (chùa Trà Phương, chùa Hòa Liễu, chùa Hoa Tân, chùa Chiêu Tường). Ngoài ra chùa thời Mạc (ở Hải Phòng) còn có tượng Hậu, thờ người có công đức với làng56.
Ngoài bình đồ “Nội công, ngoại quốc” chủ yếu ở loại chùa do hoàng tộc hưng công là loại hình có bình đồ chữ Công, một dạng bình đồ có từ thời Trần, nay khá phổ biến ở thời Mạc. Sau khi điểm một số ngôi chùa thời Mạc có bình đồ chữ công, tác giả Đinh Khắc Thuân có nhận xét: “Những ngôi chùa có kết cấu chữ công này được bổ sung một số cụm kiến trúc khác như hậu đường, giải vũ, hành lang, tam quan, gác chuông, gác trống làm thành kết cấu khép kín “nội công, ngoại quốc”. Đây là mô hình những ngôi chùa lớn thường gặp ở thế kỷ XVII, XVIII, trên thực tế đã xuất hiện từ thời Mạc thế kỷ XVI,… kiến trúc chùa thời Mạc có ba loại hình (bình đồ) với quy mô khác nhau. Một là chủ yếu thuộc tòa thượng điện với một số tòa nhỏ phía trước gọi là bái đường. Hai là Phật điện, thiêu hương, tiền đường làm thành kết cấu (bình đồ) hình chữ công. Ba là cả hậu đường, giải vũ, hành lang, tiền đường, tam quan, gác chuông, gác trống, tạo thành cụm kiến trúc “Nội công, ngoại quốc”. Những loại chùa thứ nhất, thứ hai phổ biến hơn cả. Loại chùa thứ ba đã xuất hiện thời kỳ này và thường gặp ở một số chùa lớn vào thế kỷ XVII, XVIII như chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). Nhưng ngôi chùa ở thời kỳ đầu nhà Mạc có kiến trúc chủ yếu là tòa thượng điện, rồi dần dần mở rộng thêm các bộ phận kiến trúc khác như thiêu hương, tiền đường, tạo thành mô hình kiến trúc khép kín”57.
Qua tài liệu văn bia, tác giả Đinh Khắc Thuân cho biết không gian thờ tự trong Phật điện (thiết trí tượng). Theo tác giả, Phật điện thời Mạc nổi bật hơn cả là tượng Tam Thế Phật với 23 pho ở 8 Phật điện. Tượng A-di-đà, loại tượng khá phổ biến từ thời Lý nhưng lại ít gặp ở thời Mạc, qua văn bia mới chỉ thấy một pho ở chùa Tư Phúc (Thái Bình), một pho ở chùa Chúc Thánh (Hà Nội). Tượng Quan Âm được thống kê sơ bộ với 17 pho được thể hiện ở dạng nhiều tay, nhiều mắt. Tượng loại này được gọi là Quan Âm Thiên thủ, Thiên nhãn. Tượng Quan âm được đặt ở vị trí trung tâm trong Phật điện, đôi khi là tượng thờ duy nhất trong một số ngôi chùa58.
Phật điện thời kỳ này còn có tượng Ngọc Hoàng và hai thị hầu là Nam Tào, Bắc Đẩu, những vị thần có nguồn gốc từ Đạo giáo. Tượng Ngọc Hoàng đã thấy từ thời Đinh – Tiền Lê, Lý, Trần, nhưng bộ tượng này đặt chung trong Phật điện thì chỉ mới xuất hiện vào thời Mạc59.
Ngoài ra trong Phật điện còn có các tượng vương, tượng ông Hoàng, bà chúa và tượng hậu đã đề cập ở trên.
Thời Lê Trung Hưng (1533 – 1789): Thời kỳ này Phật giáo Việt Nam đón nhận hai thiền phái: Lâm Tế do Thiền sư Chuyết Chuyết truyền bá, Tào Động với việc truyền bá của Thiền sư Thủy Nguyệt. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện những cơ sở thờ tự lớn để rồi tiếp tục được trùng tu, phục dựng, hiện tồn cho đến ngày nay. Có thể kể những tự viện lớn như chùa Bút Tháp, tức Ninh Phúc tự (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh); chùa Keo tức Thần Quang tự (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình); chùa Mía tức Sùng Nghiêm tự (xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội). Một số chùa có từ trước, đến thời kỳ này được trùng tu, như: chùa Phật Tích, chùa Thầy, chùa Trấn Quốc, chùa Quỳnh Lâm. Tuy gọi là trùng tu nhưng trên thực tế là kiến thiết lại với nhiều hạng mục, mở rộng bình đồ cũng như không gian thờ tự. Trong khuôn khổ bài viết chúng tôi chỉ chọn hai chùa mà theo chúng tôi có tính tiêu biểu về bình đồ và không gian thờ tự để tiếp cận. Đó là chùa Bút Tháp và chùa Mía.
Chùa Bút Tháp tức Ninh Phúc tự (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có niên đại thế kỷ XVII. Cụm kiến trúc tọa lạc trên một trục dài 150m, theo thứ tự: tam quan, gác chuông – tiền đường, thiêu hương, thượng điện – cầu đá, Tích Thiện am, sân, nhà chung, phủ thờ, hậu đường, hành lang hai bên bao gọn lấy tổng thể kiến trúc60.
Chùa Mía tức Sùng Nghiêm tự (xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội). Bình đồ của chùa được bố cục theo hình “nội công, ngoại quốc”. Hình chữ công (工) bao gồm nhà chính điện và nhà bái đường song song với nhau và được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là Ống muống, là nơi để hành lễ. Có khi, gọi gian nhà nối nhà bái đường với chính điện này là Thiêu hương. Hình chữ quốc gồm có tiền tế, hai dãy nhà hành lang và hậu đường. Ngoài ra còn có tam quan, cổng, nhà tổ, trai phòng và tháp. Nhìn chung, khối kiến trúc nội công, ngoại quốc gồm tam quan, cổng nằm cân xứng trên trục bố cục dải vũ. Các công trình còn lại bổ sung, tôn tạo cho phù hợp với nhu cầu sinh hoạt, tiếp khách cũng như “Quảng ân dưỡng dục” nuôi dưỡng các cháu nhỏ trong chùa.
Từ ngoài hướng vào trong theo thứ tự: tam quan và gác chuông, cổng, tiền đường, bái đường, ống muống, thượng điện, hậu đường và hai dãy tả, hữu hành lang. Tất cả được bố cục theo chiều dọc để nhấn mạnh chức năng trọng tâm là Phật điện61.
Trên đây là bình đồ hai chùa có niên đại thế kỷ XVII.
Về không gian thờ tự: Trước hết là tòa cửu phẩm liên hoa (chín tầng hoa sen) ở chùa Bút Tháp gọi là Tích Thiện Am. Tòa cửu phẩm liên hoa có niên đại thế kỷ XVII với 3 cây do nhà sư Chân Nguyên một người có công phục hưng Phật giáo Trúc Lâm thời Trần tạo dựng, một cây đặt ở chùa Quỳnh Lâm (1684), một cây ở chùa Yên Tử (1687), một cây đặt ở chùa Phẩm (tức chùa Đông Ngọ hay Cập Nhất, tỉnh Hưng Yên (1692). Ở chùa Gấm (Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương) cũng có một cây cửu phẩm liên hoa, khoảng cuối thế kỷ XVII.
Về điện thờ hay không gian thờ tự ở thế kỷ XVII, có thể nói là gần như đã đủ các tượng Phật và Bồ-tát như hiện nay. Đã xuất hiện bộ “Di Đà Tam Tôn”. Bộ tượng này có lẽ sớm nhất là ở chùa Thầy (1607). Tại chùa Bút Tháp nhiều tượng thế kỷ XVII vẫn hiện tồn như: Bộ Tam Thế, tượng Văn Thù cưỡi sư tử, tượng Phổ Hiền Bồ-tát cưỡi voi, tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay.
Về tượng Quan Âm thế kỷ XVII còn thấy ở chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm tự) (Hà Nội), chùa Tam Sơn (Bắc Ninh).
Bên cạnh tượng Quan Âm đã có tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ, tượng các Thị giả.
Đã có bàn thờ Mẫu với các tượng Thánh Mẫu rất đẹp như ở chùa Bút Tháp.
Các tượng Hộ pháp lớn được đắp bằng đất ở tiền đường vẫn đang hiện tồn ở một số chùa, chẳng hạn ở chùa Long Khánh (xã Quỳnh Lôi) là một ví dụ.
Cùng với chùa thời Mạc, chùa miền Bắc thế kỷ XVII có nhiều tượng chân dung là tượng của những người bỏ tiền xây chùa như tượng Bà Chúa Mía ở chùa Mía, tượng hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cùng công chúa Lê Thị Ngọc Duyên và quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ ở chùa Bút Tháp.
Bình đồ chùa thế kỷ XVII đã rộng hơn, không gian thờ tự với nhiều lớp, nhưng sự bài trí chưa thật thống nhất62.
Thế kỷ XVIII, về bình đồ kiến trúc không có gì đặc biệt. Chùa Mía (tức Sùng Nghiêm tự), về bình đồ cơ bản vẫn giữ như thế kỷ XVII (đã đề cập ở phần trên). Chùa Mía ngoài tam quan (cổng chính, cổng ngoài), còn có cổng trong được xây theo lối kiến trúc tường hoa, chắn mái. Tòa tiền đường xây dựng vào năm 1750, niên hiệu vua Cảnh Hưng, trùng tu năm 1853 thời vua Tự Đức. Bình đồ chùa Mía còn có các động như động Linh Thứu nơi đức Thế Tôn tuyên thuyết nhiều bài kinh trong đó có kinh Diệu Pháp Liên Hoa; Động Tuyết Sơn, với pho tượng Tuyết Sơn diễn tả cảnh 6 năm khổ hạnh của Thích Ca Mâu Ni; Động Vân Sơn, là tòa động thiết trí tượng Quan Âm Tống Tử; động Hải Nam, trong động hệ thống tượng pháp có Thích Ca, Phật Bà, Tiên Nữ; lớp tượng chư thiên, có chư vị La-hán ở dưới là địa ngục, có Diêm Vương, Quỷ sứ; Thổ địa cùng một số tượng nhỏ khác. Ngoài cửa động là hai vị thần kim cương đứng canh gác.
Những tòa động phong phú và đa dạng tùy theo không gian và điển tích. Chúng được tôn tạo bài trí ở tòa Bái đường hoặc tả hữu hậu cung hoặc dãy nhà hậu đường.
Không gian thờ tự chùa Mía hiện có tới 287 tượng nhưng được tôn tạo theo thời gian khác nhau. Có một số tượng được chuyển từ một số chùa quanh vùng đến hợp tự, khi các chùa này bị đổ nát. Mặc dù vậy, theo Hà Văn Tấn, ở chùa Mía thì ngày nay có thể thấy được nhiều pho tượng thế kỷ XVIII, đó là hai pho tượng Hộ Pháp, 8 pho tượng Kim Cương, 18 pho La-hán. Trên thượng điện, còn có tượng Thích Ca, tượng Di-lặc, tượng tứ Bồ-tát (bốn Bồ-tát), tượng Quan Âm Nam Hải63.
Thời Tây Sơn 1778 – 1802 (nhìn từ chùa Kim Liên và chùa Tây Phương): Chùa Kim Liên tức Đại Bi tự, ở Nghi Tàm bên Hồ Tây, Hà Nội. Chùa đã có từ sớm, được trùng tu nhiều lần, xây dựng lại năm Quang Trung thứ 5 (1782). Bình đồ kiến trúc chính gồm 3 nếp nhà mái kép song song, theo bố cục chữ tam. Tiền đường có 5 gian với 4 vì kèo, 4 hàng chân cột và 2 vì hồi. Chính cung 3 gian. Điện thờ 6 gian. Như vậy là nếp nhà giữa hồi thụt vào so với hai nhà trước và sau. Các vì kèo theo lối chồng rường 2 tầng 8 mái với các đầu đao cong. Kết cấu vì kèo theo kiểu chồng rường bẩy hiên, có bẩy vuông góc với thân cột. Chùa Tây Phương tức Sùng Phúc tự ở huyện Thạch Thất, Hà Nội được dựng lại năm 1794, cũng có kiểu dáng tương tự như Kim Liên. Chùa ở trên núi, phải qua 250 bậc đá ong mới đến. Bình đồ là 3 nếp nhà, thượng, trung, hạ song song với nhau (đó là bình đồ chữ tam), theo đó còn là hậu cung và hành lang ngoài ra còn là Tam quan hạ, Tam quan thượng, miếu Sơn thần, nhà Tổ, nhà Mẫu.
Về không gian thờ tự, đáng kể là chùa Tây Phương với bộ Di Đà Tam Tôn, tượng Tuyết Sơn, tượng Di Lặc, Văn Thù, Phổ Hiền, Bát Bộ Kim Cương (nay chỉ còn 7) thiết trí ở thượng điện. Đặc sắc nhất là 18 pho tượng Tổ thường được gọi là tượng La-hán64.
Thời Nguyễn từ năm 1802 cho đến trước Phong trào Chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX. Nhìn chung tự viện Phật giáo thời Nguyễn ở miền Bắc cho đến trước Phong trào Chấn hưng Phật giáo, nửa đầu thế kỷ XX vẫn giữ bình đồ, không gian thờ tự của thế kỷ trước. Do kinh đô chuyển vào Huế, do thời cuộc biến động nên tự viện Phật giáo miền Bắc thời kỳ này chủ yếu là trùng tu, tôn tạo những ngôi chùa, tháp cũ.
Chùa Vĩnh Nghiêm, một ví dụ của tiến trình ra đời, tồn tại, phát triển nhìn từ bình đồ và không gian thờ tự65. Chùa Vĩnh Nghiêm còn gọi là chùa Đức La (chùa tọa lạc ở thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) “Căn cứ vào nguồn tài liệu còn lưu giữ ở chốn tổ, chùa Vĩnh Nghiêm có từ thời Lý. Nhưng quy mô đồ sộ và nguy nga thì phải đến thời Trần, thời Lê Sơ, năm 1458, chùa Vĩnh Nghiêm được phục dựng trên cơ sở bình đồ kiến trúc tổng thể thời Trần. Nhưng những công trình kiến trúc còn lại đến ngày nay đều được tạo dựng dưới thời Lê – Nguyễn”66.
Nhìn bình đồ tổng thể, chùa là một kiến trúc tứ giác. Qua tam quan với một đường lát gạch, vào đến sân, vườn chùa là khu vực chính của chùa được hình thành từ tiền đường của chùa Phật (hình chữ công), đến Nhà Tổ đệ nhất (cũng hình chữ công) tiếp đến gác chuông và sau cùng là Nhà Tổ đệ nhị (hay hậu đường). Hai bên những cụm kiến trúc này là hai dãy hành lang nối liền từ hai chái tòa tiền đường kéo suốt đến đầu hồi nhà tổ đệ nhị, theo một trục dọc quay hướng gần chính Nam với “trùng thiềm điệp ốc” những tòa ngang dọc. Thời điểm tu bổ sớm nhất là năm 1458, chùa được mở mang cao rộng hơn. Năm 1505, trùng tu tiền đường, thượng điện và hậu đường. Năm 1606 trùng tu thượng điện, thiêu hương, hai dãy hành lang cùng tiền đường, hậu đường. Năm 1708 tạo gác chuông cao hai tầng. Năm 1749 trùng tu gác chuông, làm mới hai dãy hành lang phía sau. Năm 1830 trùng tu gác chuông, làm mới 11 gian trai đường. Năm 1891 trùng tu Tổ đường, xây cấp tu bổ thiêu hương, chùa Phật. Năm sau (1892), tu bổ nhà trai. Thời Hòa thượng Thích Thanh Hanh, trùng tu 5 gian hai chái tòa tiền đường khôi phục lại thượng điện, bổ sung thêm hai chái. Năm 1928, tôn tạo hai dãy hành lang, nhà hậu đường.
Trải qua thời gian với việc trùng tu, xây mới, đến thời điểm 2004, chùa Vĩnh Nghiêm gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc khác nhau (cũng có nghĩa là những bình đồ khác nhau), trên một bình diện hơn 1 vạn mét vuông. Các cụm kiến trúc này được sắp xếp trong một không gian tứ giác xác định, hình chữ nhật, theo một trật tự hướng Nam đến hướng Bắc hình thành 4 tổ hợp kiến trúc: chùa Phật, Nhà Tổ đệ nhất, Gác chuông, Nhà Tổ đệ nhị.
Từ tam quan với con đường 100 mét chạy thẳng vào sân chùa trước cửa tòa Tiền đường. Bên trái sân (từ ngoài nhìn vào) là tấm bia đá xanh sáu mặt (lục giác). Xa hơn một chút về phía bên phải là khu vườn tháp với 8 bảo tháp. Qua sân là đến chùa Phật, khối kiến trúc thứ nhất và quan trọng nhất với Thiêu hương, nối liền gian giữa của Tiền đường (chùa Hộ) với Thượng điện (Phật điện, chùa Phật), tạo một cấu trúc bình đồ hình chữ công. Tiền đường gồm 7 gian, hai dĩ, tổng diện tích mặt nền gần 1 sào Bắc bộ. Thiêu hương rộng 10m, dài gần 9m, diện tích gần 100m2. Thượng điện là tòa cuối cùng của chùa Phật với 3 gian 2 dĩ, dài gần 14 mét, rộng gần 11 mét. Giáp hiên sau và đầu hồi thượng điện đều có vườn hoa, cây cảnh xanh tốt. Nhìn từ trên xuống, các mái của 3 tòa, nối liền với nhau, tạo thành hình chữ công.
Khu kiến trúc thứ hai: Nhà Tổ đệ nhất (dân sở tại gọi là Cung Tổ hay Cung Thánh Tổ). Kiến trúc này nhỏ hơn chùa với 3 tòa tám mái, nhỏ hơn chùa, với bình đồ hình chữ công. Tòa Đại Bái gồm 5 gian, dài 13 mét, rộng 7 mét. Trong nhà có dựng một tấm bia xanh, khắc năm 1934.
Ống muống (hay chuôi vồ) nối vuông góc tòa Đại bái với hậu cung ở gian giữa với chiều rộng bằng hai gian giữa Đại bái.
Hậu cung gồm 3 gian, 2 dĩ, dài hơn 10 mét, rộng gần 7 mét.
Nhà Tổ đệ nhất là cụm kiến trúc thời Lê, được tu sửa nhiều lần vào thời Nguyễn.
Khối kiến trúc thứ 3: Gác chuông, nằm theo trục dọc, phía sau Nhà Tổ đệ nhất và phía trước Nhà Tổ đệ nhị (còn gọi là Hậu đường) gồm 1 gian hai chái, có mái chồng diêm 6 mái, cao gần 8 mét chia làm hai tầng.
Hậu đường (Nhà Tổ đệ nhị) có kiến trúc hình chữ nhị (二) gồm 11 gian. Bái đường (phía trước) chạy song song với 3 gian Hậu cung (phía sau), nối với nhau bởi một máng xối. Một kiểu kiến trúc nhằm mở rộng không gian lòng nhà. Tòa Bái đường dài 11 gian gần 28 mét, rộng hơn 7 mét được chia thành trai phòng (3 gian đầu hồi), ban thờ Tổ (5 gian giữa), 3 gian cuối là phòng ở của sư. Hậu cung 3 gian 2 dĩ là nơi thờ Tổ.
Hai dãy hành lang xưa gồm 36 gian, mỗi dãy 18 gian, nay không còn, đã bị đốt phá thời kỳ chống Pháp. Hai dãy hành lang hiện nay, mỗi dãy 24 gian, mỗi gian rộng 2,70m, rộng lòng nhà 4,10m. Phía sau hành lang bên phải là khu vườn chùa, phía bên trái là các công trình phụ trợ: nhà khách, nhà bếp, nhà kho, ao sen, chuồng nuôi gia súc, tạo thành cụm kiến trúc riêng.
Về không gian thờ tự: Thượng điện/ Đại Hùng bảo điện, đến thời điểm 2004 có cả thảy 6 lớp:
Tam Thế Phật (Ba vị Phật: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai)
Di Đà tam tôn, tượng A Di Đà ở giữa hai bên là Đại Thế Chí và Quan Âm. Thích Ca Tam Thánh, tượng Thích Ca ở giữa hai bên là Ca Diếp và A Nan. Thích Ca Niêm hoa, tượng Thích Ca ở giữa hai bên là Phổ Hiền và Văn Thù67. Di Đà tiếp dẫn, tượng A Di Đà ở giữa hai bên là Bồ Tát và Quan Âm Chuẩn Đề.
Tòa Cửu Long, ở phía bên phải là tượng Phạm Thiên, bên trái là tượng Đế Thích (nhìn từ dưới lên).
Tượng 18 vị La-hán hai bên tường, mỗi bên 9 vị trong khoảng không từ Tam Thế Phật đến Thích Ca Tam Thánh.
Tượng Thập điện Diêm Vương thiết trí thành hai dãy, mỗi dãy 5 vị dọc hai bên hành lang, tiếp nối với dãy 18 vị La-hán nhìn từ trên xuống. Tiếp dãy tượng Thập điện Diêm Vương nhìn từ dưới lên, bên phải là tượng Địa Tạng, bên trái là tượng Thổ Địa. Tại tòa tiền đường cũng nhìn từ dưới lên bên phải là tượng Khuyến Thiện, hai bên là tượng Đức Ông, động Tiểu Kính (theo thứ tự từ trái qua phải). Bên trái là tượng Trừng Ác, hai bên là tượng Hương Tích và tượng Thánh Hiền (theo thứ tự từ trái qua phải). Lớp cuối cùng là tượng Tứ trấn ở hai bên, phía sau lối vào, mỗi bên 2 vị. Tượng ở hai bên tường hồi tòa Tiền đường. Ngoài ra còn là tượng ở Nhà Tổ đệ nhất và tượng ở Nhà Tổ đệ nhị.
Tượng ở Nhà Tổ Đệ Nhất, nhìn từ trên xuống, ở giữa là tượng Tổ Đệ Nhất (Trần Nhân Tông), bên trái là Tổ Đệ Nhị (Thiền sư Pháp Loa), bên phải là Tổ Đệ Tam (Thiền sư Huyền Quang), nhìn từ dưới lên. Tiếp đến là tượng A-đi-đà, lớp thứ ba gồm Ban thờ hậu với một pho tượng không rõ tên tuổi, tương truyền là tượng bà Hoàng hậu thời Trần.
Tượng hậu Lý Thị Điệp không rõ quê quán, năm sinh. Bà có công xây dựng Nhà Tổ Đệ Nhất.
Tượng ở Nhà Tổ Đệ Nhị, trên cùng là tượng Hòa thượng Trần Như, lớp thứ hai là Hòa thượng Thích Thanh Hanh. Lớp thứ ba: tượng sư ông Thích Thanh Kim (bên trái), tượng Hòa thượng Thích Tam Duyệt.
Ở Nhà Khách, mới đặt ba pho tượng: Thần Độc Cước, Dược Sư, Tôn Hành Giả (Tôn Ngộ Không).
Phía sau Nhà Tổ Đệ Nhị là nơi thờ Mẫu (Điện Mẫu). Với Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thoải, Bà Chúa Thượng Ngàn và Tứ phủ chư vị: Thiên phủ, Địa phủ, Thủy phủ và Nhạc phủ.
Sau khi đề cập đến các loại tượng thờ ở chùa Vĩnh Nghiêm, các tác giả cuốn Chốn Tổ Vĩnh Nghiêm, nhận xét: “Tượng ở chùa Vĩnh Nghiêm có 3 loại: 1) Tượng Phật;
2) Tượng La-hán, Kim Cương, Tôn Giả; 3) Tượng chân dung”.
Tượng Phật về cơ bản có một công thức chung về tạo tác hình thức, kiểu dáng cũng như tôn trí trong các ngôi chùa.
Tượng La-hán, Kim Cương, Tôn Giả, ngoài những quy định chung nhưng không nhất thiết phải rập khuôn, các nghệ nhân trong quá trình tạo tác có thể sáng tạo. Vì vậy loại hình các loại tượng này phong phú về kiểu dáng và mĩ thuật.
Nhóm tượng Chân dung, được tạo tác kiểu dáng theo tượng Phật, nhưng khuôn mặt có tính khác biệt.
Một cách tổng thể, hệ thống tượng ở chùa Vĩnh Nghiêm tương đối hoàn chỉnh về hình thức, vị trí, thứ bậc, chức năng68.
3. Kết luận
Thật khó có thể đưa ra một bức tranh toàn tổng về bình đồ và không gian thờ tự kiến trúc Phật giáo miền Bắc. Trải thời gian từ thời các Vua Hùng, qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc, hơn một nghìn năm của các triều đại phong kiến Đại Việt, binh lửa chiến tranh, sự tàn hủy của thiên nhiên khắc nghiệt… đã là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Vì vậy đề cập đến bình đồ và không gian thờ tự của Phật giáo Bắc truyền ở miền Bắc từ buổi đầu đến trước Phong trào Chấn hưng là đề cập đến những chặng đường lịch sử gắn liền với lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Tuy là tôn giáo ngoại nhập nhưng trong quá trình truyền bá và phát triển, Phật giáo đã trở thành tôn giáo của người Việt, gắn bó với chặng đường lịch sử của dân tộc. Vì vậy cách tiếp cận trên là phù hợp.
Mỗi tự viện đều có cuộc sống riêng theo dòng chảy của thời gian. Ở đó có sự ra đời, tồn tại. Trong quá trình tồn tại có phát sinh phát triển bằng việc trùng tu, làm mới, bằng việc tăng thêm các công trình/ bình đồ mới và trong không gian thờ tự là thiết trí thêm tượng thờ mới. Song một số tự viện trong quá trình tồn tại đã bị tàn lụi, chấm dứt cuộc sống. Tuy không hiện diện nơi “dương gian” nhưng may mắn thay Đất Mẹ đã lưu tồn không ít giá trị của những tự viện này để rồi khảo cổ học đưa chúng lên mặt đất, dựng lại một phần nào bình đồ và không gian thờ tự.
Mặc dù vậy, bài viết đề cập đến chùa Vĩnh Nghiêm như là một ví dụ của tiến trình ra đời, tồn tại, phát triển nhìn từ bình đồ và không gian thờ tự.
Ngày Đức Phật Thành Đạo
(ngày 8 tháng Chạp năm Nhâm Dần – 2022)
N.H.D.
_Chú thích:
33.Có thể xem: Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, Từ khởi nguyên đến Lý Nam Đế, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh; Thượng tọa, TS. Thích Thọ Lạc, PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương (đồng chủ biên), Sư bà Phương Dung – Sự tích và hành trạng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
34.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr 13.
35.Được hiểu là tháp chứa xá lị/ xá lợi Phật, phân biệt với tháp mộ (nơi chôn cất tăng, ni).
36.Tùy Văn Đế (541 – 604), là người sáng lập và là hoàng đế đầu tiên của Nhà Tùy, trong lịch sử Trung Quốc.
37.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long: Chùa Việt Nam, Sđd, tr 14-15.
38.Bảo vật chùa Dâu: m.reatimes.vn.httos://m.reatimes.vn.bao v. baovatchu… (Truy cập ngày 28/12/2022).
39.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long: Chùa Việt Nam, Sđd, tr 17.
40.Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liên (2011), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr 50.
41.Phật giáo thời kỳ đầu chưa thờ ngẫu tượng, tháp mái đặt xá-lị Phật được xem là biểu tượng Phật, người ta kính lễ Phật bằng cách đi vòng quanh tháp (nhiễu Phật). Về sau biểu tượng tháp được đưa vào thượng điện gọi là Tháp – thượng điện. Tháp được xem là tiền thân của Phật điện. Theo tác giả Nguyễn Duy Hinh: Tháp thượng điện là một khái niệm sáng tạo nhằm giải thích một hình thái cụ thể của Saitya hay nói chính xác hơn: tháp trong Saitya. Tháp có xá lị Phật là tháp (Stupa) không có xá lị là chi đề (tức Saitya).
42.Nguyễn Duy Hinh (2013) Tháp cổ Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr 88 – 89.
43.Đại Việt sử ký toàn thư (2013), Nxb. Thời đại, Hà Nội, tr. 191 và 207.
44.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Sđd, tr 21.
45.Thích Đàm Thanh (2014), Chùa Mía danh lam cổ tự xứ Đoài, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr 74-75.
46.Chu Quang Trứ (2012), Sáng giá chùa xưa Mĩ thuật Phật giáo, Nxb Mĩ thuật, Hà Nội, tr 16.
47.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Sđd, tr 25
48.Ngũ Phật còn gọi là Ngũ Trí Như Lai, Ngũ Trí Phật, Ngũ Phương Phật, hay còn gọi là Ngũ Thiền Định Phật, là tên gọi chỉ năm vị Phật trong Mật tông, lấy Đại Nhật Như Lai làm chủ tôn, có sự phân biệt giữa Ngũ Phật giới Kim Cương và Ngũ Phật giới Thái Tạng, xem Ngũ Trí Như Lai, vim.wikipedia.org – Truy cập ngày 30/12/2022.
49.Lê Mạnh Thát (2012), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, Từ Lý Thái Tông (1054) đến Lý Thánh Tông (1278), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr 133 – 135.
50.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Sđd, tr 22-29.
51.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Sđd, tr 30-31.
52.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Sđd, tr 28- 31
53.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Nxb. ? Sđd, tr 33.
54.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Sđd, tr 33.
55.PGS.TS. Tống Trung Tín, Viện Khảo cổ học: Dấu tích chùa Phật thời Mạc (Hải Phòng), trong: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo thời Mạc, Hải Phòng, tháng 10 năm 2020, tr 86-87.
56.PGS.TS. Tống Trung Tín, Viện Khảo cổ học: Dấu tích chùa Phật thời Mạc (Hải Phòng), Sđd, tr 87 – 88.
57.GS.TS. Đinh Khắc Thuân: Đặc trưng Phật giáo thời Mạc qua các văn bia cùng thời, trong: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo thời Mạc, Sđd, tr 77 – 78.
58.Số lượng tượng Phật (A Di Đà, Quan Âm) mà tác giả Đinh Khắc Thuân thống kê chỉ có tính tương đối. Chẳng hạn Phật giáo thời Mạc ở Ninh Bình còn thấy tượng A Di Đà ở chùa Bàn Long tạo tác bằng gỗ, khánh thành ngày 17/2/1544, tượng Quan Âm chùa Khê Hồi đắp tháng 5/1567. Xem PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương: Đời sống tôn giáo thời Mạc (qua tự viện và bi kí Phật giáo Ninh Bình), trong Kỷ yếu Hội thảo Phật giáo thời Mạc, Sđd, tr 107.
59.GS.TS. Đinh Khắc Thuân: Đặc trưng Phật giáo thời Mạc qua các văn bia cùng thời, Sđd, tr 77 – 78.
60.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long: Chùa Việt Nam, Nxb. ? Sđd, tr 36.
61.Thích Đàm Thanh (Trịnh Thị Dung): Chùa Mía danh lam cổ tự xứ Đoài, Nxb. ? Sđd, tr 99-100.
62.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam,Nxb.? Sđd, tr 38, 39.
63.Thích Đàm Thanh (Trịnh Thị Dung): Chùa Mía danh lam cổ tự xứ Đoài, Sđd, chương 3: Hệ thống bài trí tượng thờ chùa Mía, một không gian văn hóa tâm linh đặc sắc trong lịch sử và văn hóa xứ Đoài – Sơn Tây, tr 120-226; Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long: Chùa Việt Nam, Sđd, tr 40.
64.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Nxb.? Sđd, tr 43.
65.Viết phần này chúng tôi biên soạn theo Nguyễn Xuân Cần (chủ biên), Nguyễn Huy Hạnh, Nguyễn Hữu Tự, Trần Văn Lạng, Nguyễn Thu Minh (2004), Chốn tổ Vĩnh Nghiêm, Bảo tàng Bắc Giang, từ tr 97 – 174.
66.TS. Nguyễn Quốc Tuấn (chủ biên, 2017), Giá trị Phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr 49.
67.Thông thường, tượng Thích Ca Niêm hoa tôn trí ở giữa, phía bên trái dưới nhìn lên là tượng Ca-diếp, bên phải là tượng A-nan-đà.
68.Xem: Nguyễn Xuân Cần (chủ biên), Nguyễn Huy Hạnh, Nguyễn Hữu Tự, Trần Văn Lạng, Nguyễn Thu Minh: Chốn tổ Vĩnh Nghiêm, Sđd, tr 173 – 174.
Tài liệu tham khảo:
- Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liên (2011), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Xuân Cần chủ biên(2004), Chốn Tổ Vĩnh Nghiêm, Bảo tàng Bắc Giang.
- Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), Nxb Thời đại, Hà Nội, 2013.
- Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, Hà Nội.
- TT. TS. Thích Thọ Lạc, PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương (2021), Phật giáo và Phật giáo Việt Nam – Tăng già, Phật Pháp, Tự viện, Nghi lễ (sách chuyên khảo), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
- Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
- TS. Nguyễn Quốc Tuấn chủ biên(2017), Giá trị Phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
- Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, Từ khởi nguyên đến Lý Nam Đế, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thích Đàm Thanh (2014): Chùa Mía danh lam cổ tự xứ Đoài, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
- Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Phật giáo thời Mạc, Hải Phòng, tháng 10 năm 2020.