Kiến trúc Phật giáo Việt Nam theo dòng chảy lịch sử (SC.TS Thích Nữ Tường Nghiêm)

TẢI FILE PDF
—————–

          1. Giới thiệu chung

          Sau khi đức Phật thành đạo, Ngài và Tăng đoàn sống theo hạnh khất thực, việc sinh hoạt chỉ dưới những gốc cây hay hang đá, không có sự cố định một nơi nào. Nhưng khi Tăng đoàn phát triển ngày một lớn mạnh, giáo pháp của Phật được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, thì sự đổi mới về cách sinh hoạt của Tăng đoàn, cũng như phương pháp lan tỏa giáo lý là điều cần thiết. Do thế, việc định cư trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết. Vì lẽ đó, đức Phật đã chấp nhận những lời thỉnh cầu và cúng dường Tinh xá từ các đại thí chủ. Kiến trúc Phật giáo từ đây mà xuất hiện. Cả cuộc đời của đức Phật từ khi đản sanh cho đến nhập niết bàn là đề tài vô cùng phong phú, nó được thể hiện qua những đường nét chạm khắc tinh xảo trên tác phẩm kiến trúc chùa tháp thời bấy giờ, đóng góp cho việc phát triển ngành văn hóa nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ nói riêng và cho cả nhân loại nói chung. Phật giáo đã hình thành một nền văn hóa kiến trúc mới, dựa trên tinh thần từ bi vô ngã vị tha của đức Phật.

          Đầu thế kỷ thứ I Tây lịch Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam thông qua đường biển từ các Tăng sĩ và thương nhân Ấn Độ. Do đó, kiến trúc chùa tháp Việt ảnh hưởng văn hóa Ấn ngay từ buổi ban đầu, rõ nét nhất đó là trung tâm văn hóa Phật giáo Luy Lâu trên vùng đất Giao Chỉ. Về sau, chùa tháp được xây dựng ngày càng nhiều, Phật giáo là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho quân vương và quần chúng trong xã hội. Phật giáo như là hiện thân của khát vọng tìm kiếm lẽ sống bình an, tìm đến một con đường hạnh phúc đích thực của lý tưởng Chân, Thiện, Mỹ. Kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng theo đó mà đổi thay theo dòng chảy lịch sử.

          2. Kiến trúc Phật giáo Ấn Độ cổ đại

          2.1. Những tịnh xá đầu tiên thời đức Phật

          Sau khi Phật Thích Ca thành đạo dưới cội bồ đề, Ngài đi du hóa khắp nơi từ làng quê đến thành thị để thuyết pháp hóa độ chúng sanh, ban rải tình thương mà không có điều kiện, truyền trao giáo pháp cho tất cả mọi người mà chẳng cần phân biệt tầng lớp giai cấp. Đây là điều không thể chấp nhận trong hệ tư tưởng xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Theo Phật, “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”69. Chính vì lý tưởng này mà người quy y xuất gia theo Phật sống đời phạm hạnh ngày một đông. Trong những năm đầu, đức Phật và Tăng đoàn sinh sống bằng hạnh đi khất thực và thường cư trú qua đêm ở những gốc cây trong những khu rừng nhỏ, cũng có các vị Tỳ-kheo trú thân bằng những túp lều lá hay trong những hang động. Tuy nhiên, việc cư trú như thế này chỉ phù hợp với mùa nắng, còn mùa mưa thì phải như thế nào? Mùa mưa ở xứ Ấn vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch, đây cũng là thời gian cấm túc an cư của đức Phật và Tăng đoàn nên không đi ra ngoài khất thực. Để chuẩn bị cho việc an cư trong ba tháng, các Tỳ kheo phải tự tay xây dựng lều hay phòng xá trong một khu đất trống, có thể có phòng rộng riêng để hội họp, nghe pháp. Tất cả được xây dựng bằng các vật liệu nhẹ, dễ kiếm như gỗ, tre, lá, bùn, đất,… Các căn lều riêng lẻ có thể ghép lại với nhau thành từng dãy phòng, lại có thể dựng cao lên thành gác một hay hai tầng, loại trú xứ này chỉ mang tính tạm thời, thường ở vùng quê, trong rừng. Bên cạnh đó, có một loại hình trú xứ khác tiện nghi và khang trang hơn được xây tại thành thị trong một vườn cây rộng lớn do vua, quan hay các cư sĩ thành lập, các cơ sở này mang tính kiên cố hơn, rồi xin dâng cúng cho Phật và Tăng đoàn trong một thời gian ngắn hoặc lâu dài, điển hình như Veluvana (Trúc Lâm tịnh xá) và Jetavanarama (Kỳ Viên tịnh xá),… Có thể nói, đây là những tịnh xá được hình thành đầu tiên thời đức Phật, chất liệu thô sơ cho đến kiên cố từ thế kỷ thứ VI – TCN. Theo ông Sukumar Dutt, lúc bấy giờ có đến hàng chục tịnh xá tổ chức theo quy mô lớn để cúng dường cho giáo đoàn Phật giáo như: Veluvanarama (Trúc Lâm) ở gần Rajagaha (Vương Xá); Pubharama ở phía Đông Rajagaha; Jivakarama (Kỳ Bạt) ở Rajagaha; Ambapali-vana ở Vesali (Tỳ-xá-ly);

          Markathrada ở gần Vesali; Udambari-karama (Ưu-đàm-bà-ly) hay Paribbaja-karama ở trên bên sông Sappini, Kukkutarama; Chositarama; Badaritarama, Pavarikaniavana; Ghosavati-arama đều ở Kosambi (Kiều-thướng-di), Jetavanarama (Kỳ-hoàn) ở Savatthi (Xá-vệ), Nigrodharama (Ni-câu-đà) ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), Isipatana (Lộc Uyển) ở Baranasi (Ba-la-nại),… Tuy nhiên, trong số các tịnh xá vừa nêu thì có ba ngôi tịnh xá rất nổi tiếng được các nhà khảo cổ ghi lại được dấu tích kiến trúc, sưu tập được tài liệu như: Jivakarama, Jetavanarama và Ghositarama; còn các tịnh xá khác thì chỉ còn nền đất cũ, một số khác chỉ tìm thấy tên gọi mà thôi70. Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu về kiến trúc vài tinh xá nổi bậc nhất thời thời bấy giờ:

          – Veluvanarama (Trúc Lâm tịnh xá)

          Một lần nọ, khi vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la) nước Magadha (Ma-kiệt-đà) biết đức Phật và Tăng đoàn vào thành khất thực, vua liền thỉnh Phật và chư Tăng ngày hôm sau vào hoàng cung thọ trai. Ngay bữa ngọ trai hôm đó, vua đã phát tâm quy y Phật, đồng thời tuyên bố xin cúng dường ngự hoa viên Trúc Lâm một khu rừng trúc xinh đẹp thoáng mát cho đức Phật làm nơi lưu trú tu hành. Như thế, đây là một ngôi tịnh xá đầu tiên được xây dựng – mở đầu một giai đoạn của việc cư trú định cư và cho lịch sử tự viện Phật giáo phát triển sau này. Theo sử liệu ghi chép rằng, ngôi tịnh xá này với lối kiến trúc rất khang trang, rộng lớn, trong đó bao gồm nhiều phòng ốc, giảng đường và các tiện nghi sinh hoạt khác đủ cả chục ngàn người lưu trú. Tại đây, đức Phật đã trải qua 3 mùa an cư liên tiếp và nhiều mùa an cư sau đó.

          – Jivakarama (Kỳ Bạt tịnh xá)

          Kỳ Bạt tinh xá được dựng lên cúng dường cho giáo đoàn của đức Phật bởi một ngự y phẩu thuật hoàng gia nổi tiếng – Jivaka, người đã phục vụ cho vua Bimbisara thời bấy giờ71. Nơi đây ban đầu là một vườn xoài rộng lớn72, dưới chân đồi Gijjhakuta yên tĩnh, ngoại ô thành Rajagadha. Người ta nói rằng đức Phật đã từng được điều trị tại tịnh xá này sau khi bị Devadatta (Đề-bà-đạt-đa) làm bị thương73.

          Kiến trúc ban đầu thông qua các nhà khảo cổ đã đào bới và đã tìm thấy nền gạch vụn của tịnh xá này. Đây là một khu vực rộng, trong đó có hai dãy nhà lớn hình bầu dục cách nhau bằng một cái sân rộng. Phía trước lại còn một dãy nhà hình bầu dục lớn nữa. Ngoài ra còn có những dãy phòng lớn nhỏ ở phía trước và hai bên, được xếp theo chiều dọc và chiều ngang. Trước và sau đều có sân rộng, tường vây bọc xung quanh. Bên ngoài, ở gần tường, mé trái có hầm chứa đồ gốm74. Người ta còn tìm thấy ở đây một số đinh sắt, gạch nung, tượng hình thú vật, đồ gốm bằng đất thô. Các bức tường có lẽ được xây bằng gạch đá trộn với bùn, và mái có lẽ được lợp bằng tranh có niên đại không muộn hơn thế kỷ thứ V trước Công nguyên75. – Jetavanarama (Kỳ Viên tịnh xá)

          Trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) là nhà triệu phú, có tên thật là Sudatta, bởi ông thường hay bố thí cho kẻ nghèo khó và người mồ côi cho nên người ta gọi ông là trưởng giả Cấp Cô Độc. Ông cũng là vị đại thí chủ bậc nhất luôn hộ trì cho đức Phật và Tăng chúng lúc bấy giờ. Một lần đến thành Rajagaha (Vương Xá) có công việc, Anathapindika được biết là đức Phật đang ngụ tại rừng Sitavana, ngoài thành Rajagaha. Ông vui mừng đến thỉnh an Phật và hỏi thăm đức Ngài có an lạc không, đức Phật trả lời: “Tất nhiên, bao giờ cũng sống an lạc/ Bậc A-la-hán trong lòng mọi ngọn lửa đã dập tắt/ Không còn đeo đuổi theo dục lạc vật chất nữa / Cõi lòng mát lạnh, mọi sanh y đoạn tận/ Mọi trở ngại đều loại trừ, đã khéo chế ngự/ Mọi đau khổ trong tâm/ Bậc A-la-hán sống an lạc, hạnh phúc/ Vì trong lòng được an tịnh”76. Nghe lời Phật dạy xong, Anathapindika chứng được sơ quả77, và ông thỉnh cầu đức Thế Tôn sống qua mùa mưa ở Savatthi, Ngài đã nhận lời. Ông trở về Savatthi và mua khu vườn của Thái tử Jeta (Kỳ Đà). Sách sử kể rằng, trưởng giả Cấp Cô Độc đã mua khu vườn với sự thách thức của Thái tử Jeta nếu lát vàng đầy khắp diện tích đất vườn này thì Jeta mới đồng ý. Cuối cùng, việc mua bán đi đến trao đổi thành công, nhưng Thái tử lại không chịu bán cây ở trong vườn mà tự mình đem tất cả những cây đó cúng dường lên đức Phật. Từ đó, công viên này có tên gọi “Cấp cô độc viên Kỳ đà thụ” như trong các kinh tụng thường mô tả. Sau đó, Cấp Cô Độc cho xây cất tịnh xá này với kiến trúc đồ sộ nguy nga, đủ các loại phòng ốc như giảng đường, khu bếp, nhà kho, nhà vệ sinh, lối đi kinh hành, giếng lộ thiên, giếng có nắp, phòng tắm, bãi tắm, hồ v.v… Có thể nói Kỳ Viên là tịnh xá lớn nhất thời điểm này, đức Thế Tôn cũng đã an cư 25 mùa hạ và có nhiều bài pháp quan trọng được Ngài thuyết tại nơi này. – Ghositarama (Cù-sư-la tịnh xá) Tịnh xá này do ông trưởng giả Ghosita xây dựng tại Kosambi (Kiều-thướng-di). Ghosita cùng hai bạn đồng sự nữa là Kukkuta và Pavariya đều rất mến mộ các vị tu sĩ. Đây cũng là nơi ở lâu nhất của chư chư Tăng từ thời Phật còn tại thế cho đến hơn một ngàn năm sau mới bị phá hủy do quân Hồi giáo tràn vào xâm chiếm Kosambi.

          Sử liệu không thấy ghi chép kiến trúc Ghositarama một cách cụ thể, theo Mahavamsa (Đại sử Tích Lan), Hoàng đế Asoka đã thăm viếng nơi này vào thế kỷ III trước Công nguyên và đã dựng lên 2 trụ đá để tưởng niệm chuyến hành hương của ông. Vào năm 1955-1956, Viện Đại học Allahabad đã tổ chức đã khai quật ở Kosambi (nay là quận Allahabad) và tìm được vết tích của tịnh xá này.

          2.2. Kiến trúc Phật giáo sau đức Phật nhập niết bàn

          Chúng ta có thể thấy rằng kiến trúc Phật giáo được manh nha từ việc cư ngụ dưới những gốc cây, tảng đá, trong những hang động rồi tiến đến những túp lều đơn sơ mộc mạc đủ che gió mưa, đến những căn nhà lớn hơn, rồi những tịnh xá hay tu viện kiên cố dài lâu, có kiến trúc định dạng một cách rõ ràng, quá trình này đã đưa đến đời sống định cư. Đây cũng là một hình thức sinh hoạt đặc biệt của Tăng-già Phật giáo đương thời so với các Giáo đoàn khác.

          Sau khi đức Phật nhập niết bàn, cuộc đời của Ngài cũng chứa đựng nhiều điều thú vị cho nhiều ngành học thuật và kiến trúc. Về mặt kiến trúc, Phật giáo từ thời kì này đã xuất hiện hai loại hình chủ yếu là thờ thánh tích, gọi là Stupa (tháp), là nơi đặt thánh tích, hay xá lợi của Phật và chư vị thánh Tăng. Loại hình thứ hai gọi là tịnh xá hay tu viện, là nơi thờ hình tượng Phật và là nơi sinh hoạt hằng ngày của các nhà tu hành. Tiêu biểu cho hai loại hình kiến trúc Phật giáo đó là tháp Sanchi và hang động Ajanta.

          – Tháp Sanchi

          Đại Bảo Tháp Sanchi, công trình kiến trúc đáng chú ý nhất tại khu di tích lịch sử ở bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Đây là một trong những quần thể di tích Phật giáo lâu đời nhất trong cả nước và là bảo tháp lớn nhất tại địa điểm này.

          Tháp Sanchi được kiến tạo vào thời đại đế Asoka – thế kỷ III trước Công nguyên, theo cấu trúc vòm, với đường kính khoảng 12m, bằng gạch nung, bên trong thờ xá-lợi của đức Phật. Đến vương triều Shunga (thế kỷ III TCN), ngôi tháp này bị hư hỏng và được vua Agnimitra (151 – 143 TCN) trùng tu lại, đồng thời cho mở rộng thêm kích thước gấp đôi ban đầu. Vì tôn trọng công trình của người xưa và sự thiêng liêng của ngôi tháp cổ, những người thợ xây không đập bỏ kiến trúc cũ mà xây dựng một vòm hình bán cầu mới bao bọc bên ngoài, có hàng rào và đường hành lang bao quanh đáy tháp cũng được xây dựng thêm. Cuối thế kỷ thứ I, vào triều đại Satavahana, vua Satakarni II (năm 50 – 25 TCN) cho xây dựng bốn cổng bằng đá màu trắng ngà, được chạm trổ rất tinh xảo. Tuy nhiên, đầu kỷ nguyên Tây lịch, Ấn Độ bị xâm lăng bởi những người Schythoparthian và Kushan nên đã bị ảnh hưởng sự phát triển nghệ thuật lúc bấy giờ. Mãi cho đến triều Gupta (320-550 TL), nền kiến trúc nghệ thuật Phật giáo mới được hồi sinh, thể hiện qua nghệ thuật điêu khắc trên đá quang bảo tháp Sanchi.

          Nghệ thuật kiến trúc đại tháp này là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp với nghệ thuật điêu khắc được xây dựng theo cấu trúc vũ trụ. Ngôi tháp có hình bán cầu – là ý nghĩa tượng trưng cho bầu trời, cho sự bao la vô tận nơi cõi Niết-bàn; có chỏm hơi dẹt, với đường kính tháp 36,6m và cao 16m; ở giữa lòng tháp có một trụ cột vươn lên khỏi đỉnh tháp. Trụ cột này được gọi là trục vũ trụ (yasti) có ý nghĩa nối liền trời đất với nhau, cùng hợp nhất ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới78; bên trên trụ này tiếp nối với cái lọng (chattra) trên đầu tháp là biểu tượng cho quyền uy, gồm có ba tầng cũng tượng trưng cho Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng); dưới chiếc lọng là nơi tôn trí chiếc hòm đựng xá-lợi; bao quanh tháp là một vòng lan can hình vuông (harmika) – xuất phát từ tập tục bao bọc những bảo vật tôn kính của tư tưởng Ấn Độ cổ đại79. Giữa tháp và lan can là một con đường quấn vòng quanh ngôi tháp để khách hành hương có thể đi nhiễu và đảnh lễ. Vào thế kỷ I (TCN), vua Satakarni II đã cho xây bốn cái cổng bằng những phiến đá nguyên khối, theo bốn hướng chính Đông, Tây, Nam, Bắc. Bên cạnh đó còn có các bảo tháp nổi tiếng khác như Bharhurt, Amaravati,…

          Chúng ta có thể thấy rằng, đại bảo tháp Sanchi và một số tháp khác đã đóng góp của cho nghệ thuật Phật giáo một cách to lớn. Nhưng điển hình kiến trúc tháp Sanchi sau này dần dần được cải cách và truyền bá đến nhiều nơi trên xứ Ấn và cả các nước lân cận. Ban đầu chỉ thay đổi đôi chút về kiểu dáng, như phần chân tháp được nâng cao hơn và được trang trí cả phần chân tháp lẫn phần bán cầu. Đến thời Gupta và hậu Gupta (thế kỷ IV – VII Tây lịch), phần chân tháp được làm cao hơn, thêm nhiều tầng cấp, các đường gờ trở thành những mái nhô ra, phần hình bán cầu bị thu nhỏ lại80. Sự biến đổi này cho chúng ta thấy rằng nghệ thuật kiến trúc Phật giáo đang được thích ứng khi du nhập đến các nền văn hóa khác nhau.

          – Hang động Ajanta

          Ajanta là một quần thể các hang động bằng đá của Phật giáo có lịch sử từ thế kỷ thứ II -TCN đến năm 480 Tây lịch nằm ở huyện Aurangabad, tiểu bang Maharashtra, Ấn Độ81. Động này có diện tích 8242 ha, cách động Ellora 100 km và thành phố Mumbai 350 km về hướng đông-đông-bắc82, nó được xem là những kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến nghệ thuật Ấn Độ sau này83. Theo tư liệu khảo cổ, các hang động được đào khoét trong hai giai đoạn: giai đoạn đầu được kiến tạo từ thế kỷ thứ II – TCN. Trong đó các hang số 8, 9, 10, 12, 13, 15 mang màu sắc của Phật giáo nguyên thủy. Giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ năm 460–480 Tây lịch, có những hang mang màu sắc Phật giáo Đại thừa như hang số 1, 2, 16, 17, 19, 26, điều đó cho thấy sự thay đổi lớn trong hệ tư tưởng của Phật giáo Ấn Độ thời bấy giờ; tuy nhiên có một số vẫn còn dang dở chưa được hoàn thiện. Khu di tích này hiện được bảo vệ bởi Cục Khảo sát Khảo cổ Ấn Độ, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1983. Quần thể hang động này đã trải qua quá trình là bị lãng quên gần 1500 năm, cùng sự suy tàn của Phật giáo nơi đây, nhưng nó được đánh thức bởi quân đội Anh vào năm 1819, khi Ấn Độ là thuộc địa của Anh. Viện Khảo Cổ Ấn Độ tiếp tục khảo cứu và điều tra, xác định tìm thấy 28 hang động, ghi lại trong quyển sách của James Burgess xuất bản năm 1880. Các hang được phát hiện thêm sau đó nên có tổng cộng 36 cái84. Ajanta tọa lạc ở lưng chừng núi, bên dưới hang động là dòng sông Waghora uốn khúc. Hang động được bố trí theo kiến trúc thuôn dài, hình móng ngựa, khoét sâu vào bên trong vách núi đá thẳng đứng cao 76m, các động nằm liền kề nhau, xa xa trông như một đoàn tàu đang uốn lượn. Một trong những điểm đặc biệt của quần thể hang động này chính là một số lượng lớn 500 bức tượng điêu khắc khổng lồ về đạo Phật85. Đây được coi là những tác phẩm hội họa đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ. Các hang thờ Phật ở Ajanta có kích thước khác nhau, trong đó hang lớn nhất có diện tích khoảng 16m, được đục khoét một cách vuông vức. Việc xây dựng các hang này cũng có sự khác nhau rất lớn, có những cái được xây dựng một cách đơn giản nhưng cũng có những chùa được làm khá công phu và tinh xảo như hang 19 được tạo mái vòm nhìn rất bắt mắt. Điều đáng chú ý là các hang động đều được thực hiện hoàn toàn thủ công thể hiện nghệ thuật đá cắt bằng tay – cắt đục từ ngoài vào của người Ấn Độ xưa.

          Trong giai đoạn đầu các hang động chủ yếu dùng làm nơi ăn ở và tụ tập tín đồ Sau đó, các nơi thờ Phật mới được xây dựng nhiều hơn. Các nơi thờ Phật thường được dựa lưng vào vách đá phía sau ở trung tâm hang và trên mỗi nơi thờ tự thường đặt một bức tượng Phật ngồi bằng đá, chúng ta có thể nhìn thấy kiến trúc rõ nét nhất ở hang số 9, 10, 16, 26, 29 được xem như là điện thờ hay giảng đường (chaityas). Ajanta đặc biệt nổi danh với 500 bức họa trên vách đá và trên trần hang, trên các cột đá với màu sắc tranh được làm từ các chất khoáng và các chất có nguồn gốc thực vật nên nhìn rất hài hòa. Tất cả những bức tranh ấy đều tập trung về câu chuyện tiền thân và cuộc đời đức Phật. Bên cạnh đó còn mô tả cả bối cảnh xã hội theo sự phân chia tầng lớp giai cấp rõ rệt: một thế giới cung đình giàu có xa hoa của các bậc đế Vương, một thế giới bình dị của người dân thường lam lũ, rồi còn có các vị thần linh và tiên nữ v.v… Ngày nay, hang động Ajanta đã trở thành khu di tích nổi tiếng, nó minh chứng cho một thời kỳ văn hóa và tôn giáo hưng thịnh vàng son nhất tại Ấn Độ. Có thể nói, chúng ta nhìn một hang đá dài cử tưởng chừng như cứng ngắt khô khan nhưng bên trong lại là một thế giới nghệ thuật đồ sộ sinh động đầy hoa mỹ, là nơi tuyệt vời yên tĩnh tu hành, dễ dàng chế ngự mọi tham dục bên ngoài, hướng cầu đạo giải thoát khổ đau.

          3. Kiến trúc Phật giáo Việt Nam

          3.1. Ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ đến Việt Nam

          Sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam thông qua hoạt động truyền giáo và thương mại của các nhà sư và thương nhân Ấn Độ từ những thế kỷ đầu công nguyên. Lúc bấy giờ, những thương nhân Ấn Độ đã có được sự giao lưu mạnh mẽ về nguồn cung cấp nguyên vât liệu với Trung Đông, và gián tiếp với vùng Địa Trung Hải, nên theo gió mùa Tây Nam giong buồm đi về đông đến Giao Chỉ, rồi có thể từ Giao Chỉ mà lại theo tiếp đường biển hay đường bộ vào trong nội địa Trung Hoa. Trong khi đợi gió mùa đông bắc để quay về Ấn, sự lưu trú của số thương gia này đã lan truyền dần những nét văn hóa Ấn Độ, trong đó có việc thờ cúng Phật, tụng kinh… Những tăng sĩ mà các thương nhân đem theo trên thuyền buôn nhằm làm công việc cầu nguyện bởi sự phù trợ của đức Phật, là những người đã trực tiếp truyền bá Phật học và lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Từ nửa sau thế kỷ II (Tây lịch), Luy Lâu được biết như một trung tâm Phật giáo phồn thịnh, và tất nhiên, để có được sự phát triển này thì có thể Phật giáo đã du nhập và tồn tại trước đó hàng trăm năm. Bên cạnh đó, Phật giáo còn có tác động to lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa Việt về mặt kiến trúc, điêu khắc, hội họa,…

          Nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ là sự đan xen hòa quyện của hai tôn giáo chính là Phật giáo và Ấn Độ giáo. Nó đã được truyền bá vào Việt Nam ngay từ thế kỷ đầu công nguyên và liên tục phát huy trong thời gian dài. Tiếp thu nghệ thuật tạo hình của Ấn Độ, người Việt đã tạo nên nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc, thuộc nhiều kiểu kiến trúc khác nhau. Trong đó, có 2 kiểu kiến trúc nổi bật nhất là: Kiến trúc đền – núi: mang đậm nét nghệ thuật kiến trúc của Ấn Độ giáo; thứ hai là kiến trúc chùa – tháp: đã ảnh hưởng nghệ thuật kiến trúc của Phật giáo Ấn Độ. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng nghệ thuật kiến trúc một cách sâu sắc là vào giai đoạn vàng son của Phật giáo thời Lý – Trần.

          3.2. Kiến trúc Phật giáo thời Lý – Trần

          Thời Lý – Trần, đạo Phật được xem là quốc giáo. Có nhiều vị thiền sư nổi tiếng uyên thâm trong cả nước được vua mời vào làm cố vấn chính trị như thiền sư Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Mãn Giác, Viên Thông, Minh Không, Giác Hải, Pháp Loa, Huyền Quang v.v… Do đó chúng ta không ngạc nhiên khi chùa tháp được dựng lên rất nhiều trong giai đoạn này. Đây là thời kỳ vàng son thịnh vượng nhất của lịch sử Phật giáo Việt Nam thông qua những dấu tích văn hóa nghệ thuật kiến trúc còn để lại.

          – Đặc điểm kiến trúc các bảo tháp

          + Tháp Sùng Thiện Diên Linh (chùa Đọi Sơn): ở núi Long Đọi, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, được xây dựng vào năm 1118, đời vua Lý Nhân Tông. Theo tấm bia Sùng Thiện Diên Linh còn lưu giữ tại chùa thì tháp là công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga, lộng lẫy. Tòa bảo tháp cao 13 tầng, mở 40 cửa hứng gió, vách chạm rồng ổ, xà treo chuông đồng, tầng trên đặt hộp vàng xá lợi, đỉnh nóc chạm cảnh tiên khách bưng mâm. Tầng phía dưới có 8 vị tướng đứng hộ vệ cho thần nhân cầm kiếm, chính giữa đặt pho tượng Đa Bảo Như Lai. Đầu thế kỷ XV, chùa Đọi Sơn bị giặc Minh tàn phá, ngôi tháp Sùng Thiện Diên Linh cũng theo đó mà bị san bằng. Ngày nay, chùa Long Đọi đã được trùng tu tôn tạo và trở thành di tích trọng điểm của tỉnh Hà Nam, nhưng không còn đủ dữ liệu để khôi phục bảo tháp trứ danh thời Lý.

          + Tháp Phổ Minh: (thuộc chùa Phổ Minh) ở thôn Tức Mặc, cách thành phố Nam Định 5km về phía bắc. Theo biên niên sử, chùa được xây dựng vào năm 1262, ở phía tây cung Trùng Quang của các vua nhà Trần. Theo các minh văn trên bia, trên chuông thì ngôi chùa này đã có từ thời nhà Lý86. Nằm trước tiền đường, giữa sân nhỏ hình vuông, quanh sân có tường bao, bốn góc sân đều có cột với hộp đèn lồng trên đỉnh. Tháp ngự trên nền đá, tòa tháp cao 20m, gồm 14 tầng; đế tháp hình vuông, mỗi cạnh 5,2m; tầng tháp dưới cùng là vòng cánh sen 2 lớp, lớp dưới úp xuống, lớp trên nở xòe tạo cảm giác cây tháp mọc lên từ đóa hoa sen khổng lồ; mười ba tầng trên của tháp được xây bằng gạch, lên cao thu nhỏ dần, trên đỉnh có 1 búp sen; mỗi tầng đều có 4 cửa trổ ra bốn phía; thân tháp nguyên xưa xây bằng gạch mộc, tường hở mặt gạch khoe những đường nét chạm khắc hình rồng trên mặt gạch. Đến đầu thế kỷ XX, khi trùng tu, người ta đã trát vữa che lấp hết những hình trang trí ở thân tháp, nên vẻ đẹp kiến trúc cổ kín chỉ còn dưới đế tháp mà thôi. + Tháp Bình Sơn (tháp Then): thuộc chùa Vĩnh Khánh, ở xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, có niên đại từ 1374. Đây là tòa tháp đất nung lớn nhất Bắc Bộ, nó được gắn kết với nhau bởi kỹ thuật “mộng cá con chì” – một kỹ thuật kiến trúc điêu luyện thời Trần. Vật liệu dựng tháp cũng như kiến trúc nghệ thuật hàm chứa rất nhiều dị biệt so với những ngôi tháp cổ khác. Tháp hiện nay cao 16,5 mét, (chỉ còn 11 tầng và 1 tầng bệ vì phần chóp của tháp đã bị vỡ), được cấu tạo với bình đồ hình vuông nhỏ dần về ngọn, với cạnh của tầng dưới cùng là 4,45 mét, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55 mét. Từ bệ tháp đến hết tầng 2, có chiều cao dưới 6 mét, có họa tiết trang trí kỹ lưỡng với hàng hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẵn, rồng chạm nổi, cùng mô típ “sư tử hí cầu”, và từ tầng thứ ba trở lên, trang trí vẫn chiều ngang mặt tháp càng bị thu hẹp, trang trí cũng giảm dần. Về chất liệu, tháp Bình Sơn được xây dựng bằng ba loại gạch: (1) gạch khẩu: có nhiều cỡ, để trơn, dày mỏng không thống nhất, thường được dùng để xây chân bệ, “gờ chỉ” lộ ra ngoài, hoặc được chèn lên mấu các viên gạch ốp ở phía trong; (2) gạch hình hộp: có trang trí, thường được dùng ở chân bệ và các đường diềm, mặt lộ ra ngoài lớn hơn mặt “gạch khẩu”. Loại gạch này được chế tác công phu hơn; (3) gạch trang trí: nhưng có phần khác loại thứ hai trên. thường được dùng để xây dựng các tầng tháp cao87. Quy mô tháp khá đồ sộ, trên mỗi tầng của tháp theo lối kiến trúc kiểu mái cong, lòng tháp rỗng, các tầng tháp liên kết hài hòa tạo thành một khối kiến trúc hoàn hảo, bốn mặt kín bít như từ đất mọc lên một cách tự nhiên, chỉ đế tháp có một cửa chính và ba cửa giả, màu đất nung đỏ tươi tạo cảm giác như tự thân tháp luôn tỏa sáng uy nghiêm. Trải qua nhiều thế kỷ, tháp bị nghiêng lệch và sạt lở. Năm 1972, dân chúng đã trùng tu lại tháp, tôn cao nền lên 4 m bằng một bệ bê tông nhưng giá trị kiến trúc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Trên đây chỉ nêu vài ngôi tháp điển hình mang tính lịch sử cao và công trình kiến trúc độc đáo của thời Lý – Trần. Nhìn chung, các bảo tháp thời Lý Trần thường ở vị trí trung tâm và phía trước của ngôi chùa, được làm nhiều tầng cao lớn đồ sộ, nó đã trở thành biểu tượng thiêng liêng tạo ra sự hòa hợp âm – dương của trời với đất, và cũng là nơi người Phật tử gửi gắm những tâm tư nguyện ước đến đức Phật mong sự bình an và thịnh vượng. – Đặc điểm kiến trúc các ngôi chùa cổ

          Theo sử liệu mô tả rằng những ngôi chùa thời Lý hết sức bề thế khang trang, uy nghiêm đỉnh đạt. Tuy nhiên ngày nay, chúng ta chỉ hình dung qua nền móng cũ và các thư tịch cổ để lại, vì không có công trình nào còn lại nguyên vẹn. Như chùa Một Cột (chùa Diên Hựu) ở Hà Nội được dựng trên cột đá cao hàng vài chục mét, vươn lên giữa hai hồ Linh Chiểu và Bích Trí, như một bông sen nở ngàn cánh, bên trong có tượng bằng vàng, nay chỉ là một mô phỏng có kích thước nhỏ hơn rất nhiều. Chùa được xây vào thời Lý Thái Tông (1049) và hoàn thiện năm 1105 thời vua Lý Nhân Tông[20]. Công trình này bị Pháp phá huỷ sau khi rút khỏi Hà Nội năm 1954[21]; và được dựng lại năm 1955 bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng theo kiến trúc để lại từ thời Nguyễn. Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo ở Việt Nam.

          + Chùa Một Cột: gồm đài liên hoa hình vuông, mỗi cạnh 3 m, mái cong, dựng trên cột cao 4 m (không tính phần chìm dưới đất), đường kính 1,2 m có cột đá là 2 khúc chồng lên nhau thành một khối. Tầng trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên. Trên đài liên hoa lợp mái ngói, bốn góc uốn cong, trong trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”. Bên cạnh chùa Một Cột ngày nay còn có một ngôi chùa có cổng tam quan, với bức hoành phi ba chữ “Diên Hựu tự”, trong sân vườn có một cây bồ đề xum xuê từ đất Phật, do Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad tặng nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thăm Ấn Độ năm 1958. Chùa Một Cột đã được chọn làm một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngày nay.

          Nếu phong cách nghệ thuật thời Lý là sự tinh vi, trau chuốt tỉ mỉ từng đường nét chạm trổ, mang tính lễ nghi và hơi hướm màu sắc mê tín, thì nghệ thuật thời Trần vẫn kế thừa di sản trước nhưng phát triển theo một con đường riêng giản đơn, khỏe khoắn, gần gũi thiên nhiên người dân và mang tính hiện thực hơn, tạo ra một thời đại phát triển thịnh vượng của Phật giáo. + Những ngôi chùa có kiến trúc tiêu biểu thời Trần: chùa Phổ Minh (Nam Định – xây dựng khoảng năm 1262) còn lưu bộ cửa 4 cánh của chánh điện, cao 1,9m và mỗi cánh rộng 0,8 m với những trang trí hình rồng, hoa lá và sóng nước, hai cánh giữa chạm khắc đôi rồng chầu, khi ghép lại thành lá đề, đây chính là chi tiết quan trọng để xác định niên đại, bởi nó tương đồng với nghệ thuật điêu khắc trên tháp Phật của những nền văn hóa Phật giáo khác cùng thời. Nay được bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quốc gia và Sở Văn hóa tỉnh Nam Định. Chùa Thái Lạc (Hưng Yên): Theo ngọc phả của chùa ghi năm Đại Định thứ 2 (năm 1162 đời Lý Nhân Tông), và đề cập đến sự kiện Tứ Pháp ở Luy Lâu xảy ra thời Hán Linh Đế (168-189 sau công nguyên)[22], còn giữ được một bức chạm trên bộ vì kèo gỗ hình thiên nữ Càn Thát Bà – một trong Thiên Long Bát Bộ, ở gian giữa thượng điện là kiến trúc từ đời Trần. Chùa Bối Khê (Hà Tây): dựng năm 1338, lưu được bộ vì kèo tại gian giữa tòa Thượng Điện, một số đầu bẩy chạm hình đầu rồng ngậm ngọc, phía ngoài có một hình chim, và một số khác chạm khắc chim thần Garuda ở góc bệ đá hoa sen, tường gạch,… Theo dòng thời gian việc trùng tu tôn tạo được diễn ra liên tục xuyên suốt các thời kỳ Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Kiến trúc theo trục Tây – Đông (từ ngoài vào), lần lượt gồm: năm tháp mộ, đền Đức Ông, sân ngoài, đường lát gạch, ngũ không môn (năm cổng), cầu gạch qua sông Đỗ Động, tam quan, chùa Phật (tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hai hành lang), cung Thánh, từ chùa Phật đến cung Thánh được bao bằng vòng tường xây tạo thành dạng kiến trúc nội (nhị) công ngoại quốc, ngoài vòng tường còn có một số kiến trúc khác ở phía Nam là ao, giếng, vườn cây[23]. Chùa Bối Khê là một điển hình của dạng chùa cụm đồng bằng với nhiều lớp kiến trúc gỗ kéo dài theo trục dọc, mở rộng theo tuyến ngang. Đây là một nét mới của kiến trúc Phật giáo Việt Nam và ảnh hưởng cho đến sau này.

          3.3. Kiến trúc Phật giáo sau thời Lý – Trần đến hiện đại

          Vào thời Lý Trần Phật giáo là quốc giáo, trong bối cảnh dung hòa tôn giáo “Tam giáo đồng nguyên” (Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo), chủ yếu là sự kết hợp giữa Phật giáo và Nho giáo, giữa giáo lý và thực tiễn đời sống. Đạo Phật thời Lý Trần đã ảnh hưởng đến đường lối cai trị của nhà nước và là đối trọng tư tưởng của Nho giáo. Cuối thời Trần, Nho giáo đã trở thành một nhu cầu tư tưởng thiết yếu cho việc xây dựng một thiết chế quân chủ tập quyền, cũng như những nguyên lý cơ bản của pháp trị nước, và do đó đã thành một ý thức hệ thống trị toàn xã hội. Phật giáo cũng từ đó mà có nhiều thay đổi, nghệ thuật kiến trúc cũng không ngoại lệ.

          Kiến trúc chùa ở nước ta càng về sau càng phát triển đa dạng, từ thượng điện đã mở rộng thành nhiều tòa kiến trúc khác nhau được sắp xếp kết cấu đa dạng chùa kiểu hình chữ “công”, chữ “nhất”, chữ “nhị”, chữ “tam”, và đỉnh cao là kiểu “nội công ngoại quốc”. Kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc trở nên phổ biến trong kết cấu chùa từ thời Lê Trung Hưng đến thế kỷ XIX.

          Kiến trúc chùa chữ công có thể thấy ở chùa Diên Ứng (Bắc Ninh), dạng kiến trúc này thường thấy có tường bao quanh và trở thành một kiểu nội công ngoại quốc như chùa Chiêu Thiền (chùa Láng) ở Hà Nội.

          Mô hình kiến trúc hiện đại hóa xuất hiện nhiều dạng nhà lầu với phác đồ theo chiều thẳng đứng, tầng dưới là nơi thuyết pháp cho tín đồ hay Tiền đường, tầng trên là thờ Phật mang tính chất Thiêu hương hay Thượng điện có thể kể tới những ngôi chùa nổi như chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm ở thành phố Hồ Chí Minh.

          Chùa Khmer lại thuộc một mô hình khác, thông thường là một tứ giác có nhiều tầng bậc chỉ thờ một tượng Thích Ca. Trên các thềm bậc có những Tháp vây quanh và một cửa cổng rất đặc sắc với hai apsara hai bên góc như chùa Xà Tón ở An Giang, giúp chúng ta liên tưởng tới dáng dấp cổng tháp Sanchi ở Ấn Độ.

          Chùa Trung bộ có kiến trúc kiểu nhà tứ trụ, đó là kiểu kiến trúc nhà rường 4 cột đều nhau ở mỗi góc một diện tích hình vuông từ 4 cột, các kèo đấm và kèo quyết đưa ra bốn hướng. Hình vuông được giải thích đó là một kiểu thức của một ngôi tháp, hoặc bắt chước dịch lý gọi là kiểu nhà tứ tượng (thái âm- thiếu dương; thái âm – thiếu âm). Các chùa ở Huế đa phần theo kiểu kiến trúc nhà rường, bên cạnh đó được phát triển mạnh ở thời các vua Nguyễn, chùa ở đây chủ yếu được xây dựng tôn tạo dưới sự bảo trợ của triều đình và hoàng gia, căn bản những ngôi chùa ở đây có nét kiến trúc cung đình có thể kể đến như chùa Quốc Ân, Thiên Mụ, Bảo Quốc, hay Từ Hiếu,…

          4. Kết luận

          Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Việt Nam phát triển từ các thời đại Lý, Trần cho tới triều đại nhà Nguyễn đã nối tiếp nhau phát triển và hưng thịnh một cách rực rỡ, một phần nhờ dựa vào giáo lý từ bi, bình đẳng, trí tuệ, và giải thoát của đạo Phật. Khi xã hội biến động cũng dẫn đến những thay đổi nhất định trong bộ mặt kiến trúc dân tộc. Ðối với kiến trúc chùa tháp cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nghệ thuật trang trí, tạo hình nâng cao, phong cách kiến trúc đi qua từng thời kỳ có nhiều biến đổi, mỗi giai đoạn lại mang dáng dấp và thể hiện một cách rõ ràng dấu ấn của xã hội đương thời. Do đó, Phật giáo với tinh thần nhập thế nên cứ tùy duyên khế lý khế cơ mà thay đổi sao cho phù hợp. Yếu tố này chính là giá trị của sự tồn tại theo thời gian, đóng góp cho ngành nghệ thuật kiến trúc nước nhà. Bởi trên nền tảng truyền thống, mới có thể sáng tạo phát huy cái mới để rồi đi đến một sự thống nhất trong đa dạng.

          Kiến trúc Ấn Độ ảnh hưởng đến kiến trúc Phật giáo Việt Nam rất lớn, điển hình như Pháp lam, cháp chàm, trụ đá A Dục, các hình điêu khắc như: chim Xí Điểu, Bạch Hạc, Khổng Tước, hình Càn Thát Bà và các vị thần tiên được mô tả trong kinh Bản sanh. Hình ảnh đức Phật từ sơ sinh, thành đạo, thuyết pháp và nhập niết bàn cũng được các chùa chạm khắc, hình tượng cây bồ đề, lá bồ đề, bánh xe chuyển pháp luân, hai con nai,… cũng xuất hiện nhiều trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

          Kiến trúc Phật giáo đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn với đời sống nhân sinh, thẩm thấu sâu sắc trong nền văn hóa Việt qua các vùng miền khác nhau. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, hầu hết những kiến trúc của Phật giáo còn lưu giữ lại thì nét đặc sắc của những ngôi chùa tháp miền Bắc vẫn mang dáng vẻ uy nghiêm trầm mặc cổ kính như hoài niệm về một thời dấu tích xưa; miền Trung với sự tịch mặc cô phong, sâu lắng hữu tình, pha chút phong cách phong kiến cung đình, hay ở miền Nam lối kiến trúc hòa nhã hiện đại, tất cả đã tạo thành những kiến trúc Phật giáo phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam.

 

 

 

_Chú thích:

69.Thích Thiện Hoa (2003), Tám Quyển Sách Quý, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 413.
70.Sukumar Dutt (1962), Buddhist Monks and Monasteries of India, G. Allen and Unwin LTD. London.
71.Le Huu Phuoc (2010), Buddhist Architecture, Grafikon, pp. 48–9.
72.Ahir, D. C. (1986), Buddhist Shrines in India, B.R. Publishing Corporation, .p. 67.
73.Monuments of Bihar (2011), Department of Art, Culture & Youth, Government of Bihar, pp. Jivakarama vihara entry.
74.Thích Chơn Thiện, Tăng già thời đức Phật, Nxb. Đông Phương
75.Mishra Vijayakanta (1995), Researches in Indian archaeology, art, architecture, culture and religion, Sundeep Prakashan, p. 178.
76.Kinh Tương Ưng I, 273
77.Một trong bốn thánh quả của bậc A-la-hán: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, và A-la-hán.
78.Michael Kampen O’Riley, Phan Quang Định (dịch) (2005), Những nền mỹ thuật ngoài phương Tây, Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội, tr.74.
79.Robert E. Fisher, Thích Thiện Minh và Trần Văn Huân (dịch) (2000), Nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, tr.48.
80.Nghiêm Thẩm (1966), “Đại cương về kiến trúc Phật giáo”, Tạp chí Vạn Hạnh, số 14, Sài Gòn, tr.112.
81.Gopal, Madan, K.S. Gautam (edit) (1990), India through the ages, Publication Division, Ministry of Information and Broadcasting, Government of India, tr. 173.
82.Harle, James C (1994), The Art and Architecture of the Indian Subcontinent, Yale University Press, pp. 118-122.
83.Ajanta Caves, India: Brief Description, UNESCO World Heritage Site.
84.Richard Cohen, William M. Johnston (edit) (2013), Encyclopedia of Monasticism, Routledge, tr. 18-20.
85.https://en.wikipedia.org/wiki/Ajanta_Caves ( truy cập ngày 25/03/2023).
86.https://vi.wikipedia.org/wiki/Chua_Pho_Minh (truy cập ngày 26/03/2023)
87.http://dsvh.gov.vn/di-tich-kien-truc-nghe-thuat-thap-binh-son-1294 (Truy cập ngày26/032023).

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Ahir, D. C. (1986), Buddhist Shrines in India, B.R. Publishing Corporation.
  2. Gopal, Madan, K.S. Gautam (edit) (1990), India through the ages, Publication Division, Ministry of Information and Broadcasting, Government of India.
  3. Harle, James C (1994), The Art and Architecture of the Indian Subcontinent, Yale University Press.
  4. Ajanta Caves, India: Brief Description, UNESCO World Heritage Site.
  5. Thích Thiện Hoa (2003), Tám Quyển Sách Quý, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội.
  6. Kinh Tương Ưng I, 273.
  7. Monuments of Bihar (2011), Department of Art, Culture & Youth, Government of Bihar, pp. Jivakarama vihara entry.
  8. Michael Kampen O’Riley, Phan Quang Định (dịch) (2005), Những nền mỹ thuật ngoài phương Tây, Nxb. Mỹ Thuật, Hà Nội.
  9. Mishra Vijayakanta (1995), Researches in Indian archaeology, art, architecture, culture and religion, Sundeep Prakashan.
  10. Le Huu Phuoc (2010), Buddhist Architecture, Grafikon.
  11. Robert E. Fisher, Thích Thiện Minh và Trần Văn Huân (dịch) (2000), Nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM.
  12. Richard Cohen, William M. Johnston (edit) (2013), Encyclopedia of Monasticism, Routledge.
  13. Sukumar Dutt (1962), Buddhist Monks and Monasteries of India, G. Allen and Unwin LTD. London.
  14. Nghiêm Thẩm (1966), “Đại cương về kiến trúc Phật giáo”, Tạp chí Vạn Hạnh, số 14, Sài Gòn.
  15. Thích Chơn Thiện, Tăng già thời đức Phật, Nxb. Đông Phương.
  16. https://en.wikipedia.org/wiki/Ajanta_Caves (ngày 25/03/2023).
  17. https://vi.wikipedia.org/wiki/Chua_Pho_Minh (ngày 26/03/2023)
  18. http://di-tich-kien-truc-nghe-thuat-thap-binh-son (ngày26/032023)