1. Khái quát lịch sử hình thành quần thể kiến trúc chùa Thầy
Về tên gọi, căn cứ nguồn tư liệu Hán Nôm, núi Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy cho nên tên chùa được gọi là chùa Thầy. Thời Lý, núi này có tên là Bồ Đà Sơn, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh tu hành, cuối đời ngài hóa tại hang Thánh hóa, sau đó đời Trần gọi núi này là Phật Tích. Ngoài ra, khi vua Lý Nhân Tông cho dựng lại chùa, chùa Thầy có những tên gọi khác là chùa Cả, Thiên Phúc tự112.
Về cảnh quan, chùa Thầy được xây dựng trên một địa bàn bán sơn địa, phía trước (tiền đường) là một hồ nước rộng, phía sau tựa vào núi, toàn bộ ngôi chùa được bao quanh bởi dãy núi Sài Sơn. Sự kết hợp giữa sơn thuỷ hữu tình mang lại cho ngôi chùa dáng vẻ toát lên sự hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên, một trong những đặc điểm tiêu biểu của phong cách kiến trúc Á Đông.
Về kiến trúc và hệ thống thờ tự của chùa Thầy bao gồm nhiều hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thế kỷ XII cho đến nay vẫn còn giá trị mỹ thuật. Trước chùa là một hồ nước rộng có tên là Long Chiểu (Ao Rồng), giữa hồ có thủy đình nơi diễn các trò rối nước. Tương truyền, Từ Đạo Hạnh là ông tổ của hình thức biểu diễn dân gian này. Hai bên chùa có hai chiếc cầu mái do hoàng giáp Phùng Khắc Khoan xây dựng năm 1602. Cầu Nhật Tiên (bên trái) nối vào một hòn đảo nhỏ trên có đền Tam Phủ, cầu Nguyệt Tiên (bên phải) nối với con đường lên núi dẫn đến chùa Cao.
Về tổng thể, chùa Thầy có ba công trình kiến trúc chính là chùa Hạ, chùa Trung và Thượng điện chạy song song được nối với nhau bằng dãy hành lang bao quanh và một đường lên dẫn lên chùa Cao (nhà Tổ) trên núi. Tòa nhà ngoài gọi là nhà tiền tế hay chùa Hạ. Tòa giữa là trung điện hay chùa Trung, thờ Phật. Tòa trong cùng là Thượng điện, thờ tượng Từ Đạo Hạnh và hóa thân của Từ Đạo Hạnh (vua Lý Thần Tông). Đặc biệt, gian giữa Thượng điện có một bệ đá hình chữ nhật, phần trên chạm những cánh hoa sen, bốn mặt chạm hình rồng và hoa lá, bốn góc có hình thần điểu Garuda thường gặp ở thế kỷ XIV. Ngay trước bệ đá này là tượng Từ Đạo Hạnh khi đã đắc đạo đặt trên một bệ tượng bằng đá có hình sư tử đội tòa sen có niên đại thời Lý.
Hai bên chùa nối giữa chùa Hạ và chùa Trung có hai dãy hành lang dài đặt 18 pho tượng La Hán, mỗi bên 9 pho tượng. Cuối hành lang là gác chuông và gác trống niên đại thế kỷ XVII đến thời Nguyễn thì sửa lại. Phía sau điện Thánh là nhà Tổ hay còn gọi là chùa Cao do nằm trên một khu nền cao, kiến trúc cao ráo từ nền đến thượng lương là 4,8m có niên đại cuối thời Nguyễn. Sau chùa Cao là hang Thánh hóa, tương truyền là nơi Đạo Hạnh “thoát xác” để đầu thai làm vua Lý Thần Tông.113 Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau, theo lối mòn lên núi đến hang Cắc Cớ. Cách một đoạn, đến hang Gió (nơi đây gió thường thổi mạnh). Ở chân núi phía tây có chùa Một Mái tức Bối Am.114 Chùa một mái là dạng kiến trúc độc đáo thường gặp ở những ngôi chùa xây ngang lưng chừng núi.115
2. Những đặc điểm tiêu biểu về kiến trúc và hệ thống thờ tự
2.1. Từ chùa Đại sư, chùa làng đến đại danh lam nổi tiếng
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, dưới thời Lý, trước sự phát triển của Phật giáo triều đình bước đầu chia các ngôi chùa trong cả nước thành ba loại (phần lớn là do nhà nước xây dựng) là: Đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam.
Trước hết, chùa Thầy được biết đến bởi nơi đây là nơi tu hành và hóa Thánh của thiền sư Từ Đạo Hạnh với các dấu tích là am Hương Hải và hang Thánh hóa. Sau này, nhà Lý cho khởi công xây dựng chùa Thầy trên cơ sở am Hương Hải. Do đó, một số ý kiến cho rằng, xuất phát điểm ban đầu chùa Thầy thuộc loại chùa Đại sư, chùa làng116. Chùa có mối quan hệ mật thiết với đời sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của dân làng. Nằm trong kiến trúc của chùa nhưng hồ Long Chiểu là nơi tổ chức trò múa rối vào các dịp hội làng. Trong suốt thời kỳ phong kiến chùa Thầy không có trụ trì (trong khuôn viên chùa không tìm thấy mộ tháp). Chùa thường do dân làng trông nom, việc dân làng cùng nhau tạo tác tượng thờ Từ Đạo Hạnh cho thấy rất rõ điều này. Tương truyền, trước đây tượng là thân người thật của thánh, thế kỷ XV tượng bị phá hủy bởi quân Minh xâm lược. Về sau, dân làng dùng mây tre, bện lại đắp thành tượng đặt trong khám thờ. Đây là bức tượng độc đáo, bên trong thân tượng có dây cơ khiến tượng có thể đứng lên ngồi xuống được. Trải qua quá trình lịch sử, chùa Thầy ngày càng giữ vai trò quan trọng là một đại danh lam có mối liên hệ chặt chẽ với kinh đô Thăng Long cũng như trong đời sống Phật giáo đương thời. Theo truyền thuyết có ít nhất 2 vị vua được cho là hóa thân của Từ Đạo Hạnh là Lý Thần Tông (1116-1138), Lê Thần Tông (1607-1662). Tuy nhiên, hiện nay tại thượng điện có ban thờ và tượng thờ Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông được cho hậu thân của Từ Đạo Hạnh117. Dưới các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn, chùa thường xuyên được triều đình tiến hành đúc chuông, tô tượng, dựng bia, trùng tu, tôn tạo, mở rộng quy mô kiến trúc của chùa,… Điều này thể hiện rõ qua các nguồn tư liệu Hán Nôm dưới các dạng minh chuông, minh bia, thơ vịnh hiện lưu giữ tại chùa (trình bày ở phần sau).118 Ngoài vai trò quan trọng trong đời sống Phật giáo đương thời, chùa Thầy là nơi lui tới của nhiều bậc vương tôn, quý tộc,… nó xứng đáng là một đại danh lam nổi tiếng trong suốt các thời kỳ phong kiến.
2.2. Dấu ấn kiến trúc, điêu khắc, tượng thờ của các thời kỳ lịch sử
Được chính thức khởi công xây dựng dưới thời Lý Nhân Tông (1072-1127), sau đó chùa được trung tu, mở mang nhiều lần qua các thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XII – XX, lần trùng tu quy mô lớn nhất gần đây là năm 1994. Cho đến nay, chùa còn bảo lưu được nhiều hạng mục kiến trúc, điêu khắc, hệ thống thờ tự có niên đại trải dài qua các triều đại phong kiến, cụ thể như sau: Sớm nhất là một số hạng mục kiến trúc thời Lý. Theo một số tác giả, chùa Thầy còn lưu giữ được một hạng mục kiến trúc duy nhất thời Lý là bệ đá đặt tượng Từ Đạo Hạnh ở thượng điện. Đây là tòa sen đá thời Lý còn nguyên vẹn hiếm gặp ở Việt Nam hiện nay119. Thời Trần còn lưu giữ được 02 hiện vật đó là: Bệ đá kép “Bách Hoa Đài ” và ngai thờ cha mẹ thánh. Trong đó, Bệ đá kép “Bách Hoa Đài ” là một trong 7 bệ đá đời Trần ở Việt Nam có kích thước lớn nhất và là bệ đá “kép” tầng duy nhất còn tồn tại. Thời Lê Sơ gồm các hạng mục: 07 nhang án, 01 khám thờ và 01 tượng thân xá lợi Từ Đạo Hạnh. Trong đó, có một nhang án cổ nhất là ở gian giữa Thượng Điện chùa Thiên Phúc có niên đại khoảng 500 năm tuổi. Tượng thân xá lợi Từ Đạo Hạnh, theo tương truyền, trước đây là thân người thật của Thánh bị phá huỷ khi quân Minh sang xâm lược. Sau dân dùng mây tre, bện lại mà thành, đặt trong một khám thờ lớn, tượng có dây cơ có thể đứng lên ngồi xuống, sau này Tổng đốc Sơn Tây Cao Xuân Dục cho cắt dây rối đi để tỏ lòng kính trọng nhà Thánh. Thời Mạc còn lưu giữ được 01 hạng mục là Bộ tượng Di đà Tam Tôn (1602) do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cúng tiến. Bộ ba tượng Phật A di đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí cho đến nay được đánh giá là bộ ba tượng (cùng loại) cổ nhất được làm bằng gỗ mít có kỹ thuật tinh xảo, và được chính thức công nhận là Bảo vật Quốc gia (2015). Thời Tây Sơn có 01 hạng mục: Chuông đồng 1794 có kích thước cao 1.75m, đỉnh rộng 0.44m, miệng rộng 0.93m. Đặc biệt, chuông đồng khắc lại bài minh chuông của Từ Đạo Hạnh khi hưng công đúc chuông dưới thời Lý. Đáng chú ý, các hạng mục kiến trúc là tượng thờ chiếm số lượng lớn có niên đại từ khoảng thế kỷ XVII – nay, trong đó, thời Lê Trung Hưng có khoảng 10 hạng mục, thời Nguyễn có khoảng 5 hạng mục,… Số còn lại, phần lớn là các hạng mục kiến trúc và tượng thờ có niên đại từ thế kỷ XIX cho đến gần đây.120 Quần thể kiến trúc chùa Thầy có các hạng mục kiến trúc và hệ thống tượng thờ hết sức phong phú được hình thành trong quá trình lịch sử mang dấu ấn của các triều đại phong kiến từ Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn cho đến những năm gần đây. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật và cấu kiện kiến trúc độc đáo được đánh giá cao về kỹ thuật chế tác, phong cách nghệ thuật – kiến trúc được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Có thể coi chùa Thầy là một bảo tàng về phong cách kiến trúc, điêu khắc và hệ thống thờ tự qua các thời kỳ lịch sử ở nước ta.
3.3. Bảo tồn các di sản tư liệu Hán Nôm
Hiện nay, chùa Thầy còn lưu giữ một số lượng lớn với 26 đạo sắc phong có niên đại từ thế kỷ 17-20, được sắc vào các năm: 1637, 1638, 1639, 1642, 1645, 1647, 1649, 1653, 1671, 1674, 1711, 1730, 1740, 1767, 1784, 1787, 1789, 1793, 1802, 1821, 1839, 1852, 1881, 1909, 1925.121
Các ghi chép về chùa thầy và thiền sư Từ Đạo Hạnh được đề cập trong nhiều nguồn sử liệu như An Nam Chí Lược, Thiền Uyển Tập Anh, Đại Việt Sử Lược và Đại Việt sử ký toàn thư,… Ngoài ra, chùa Thầy còn lưu giữ được một số tài liệu Hán Nôm được các bậc vương tôn, quý tộc đề ngự dưới dạng văn bia khắc trên bia đá, vách đá, minh văn khắc trên chuông đồng, khánh đồng, biển gỗ… Trong đó có minh văn trên chuông đồng thời Lý, văn bia thời Trần, văn bia thời Lê sơ, thời Mạc và một số văn bia thời Lê Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn,… cụ thể gồm:
Minh chuông thời Lý do ngài Từ Đạo Hạnh hưng công đúc chuông (như đã nêu ở trên) do bị phá hủy (có thể thời quân Minh sang xâm lược). Khi đúc lại chuông thời Tây Sơn, toàn bộ minh văn được khắc lại, hiện nay chuông và minh chuông vẫn được lưu giữ tại chùa;
Bài minh và tựa bi am Hiển Thụy, chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích có niên hiệu Cảnh Thống năm thứ 3 (1500), do Lễ bộ Tả thị lang, Triều liệt đại phu kiêm Hàn lâm viện Thị độc chưởng Hàn lâm viện sự, thần Nguyễn Bảo phụng sắc soạn. Trung thư giám Trung thư xá nhân, Cẩn sự lang, thần Bùi Sĩ Nho vâng lệnh viết chữ. Hiển cung đại phu Kim quang môn đãi chiếu, thần Tô Ngại vâng lệnh viết chữ Triện. Cẩn sự tá lang Ngự dụng Giám san thư cục Cục chính, thần Phạm Bảo vâng lệnh khắc chữ;
Văn bia thời Mạc: Thủy các bổ kinh bi (Bia ghi về Thủy các và san bổ kinh Phật). Lời tựa và bài minh về việc bà Thái Chiêu nghi sửa lại tòa Thủy các chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích và khắc bổ sung bản in kinh Phật ban phát cho dân. Niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538), do Nguyễn Bá Thuật trung xá sinh Quốc tử giám soạn văn bia. Tự chính bản chùa Nguyễn Sự viết chữ.
Ngoài ra còn có các bài thơ đề vịnh chùa núi Phật Tích của chúa Trịnh Căn (gồm cả lời dẫn); Chúa Trịnh Cương có 02 bài thơ là Thiên Phúc tự thi (Bài thơ chùa Thiên Phúc) và Cắc Cơ thi (Thơ vịnh hang Cắc Cớ); Chúa Trịnh Sâm có bài Thơ vịnh Sài Sơn… bên cạnh việc ca ngợi cảnh đẹp của chùa Thầy các chúa Trịnh còn bày tỏ cảm tình đặc biệt của mình đối với các tư tưởng, giáo lý Phật giáo.122
Đây là nguồn từ liệu có giá trị cung cấp những thông tin hữu ích về tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là mối quan hệ giữa Phật giáo và các triều đình phong kiến Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
3. 4. Vận dụng thuật phong thủy trong kiến trúc
Người Việt sớm biết đến thuật phong thủy trong xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc. Khoảng thế kỷ IX, cuối thời kỳ Bắc thuộc thuật phong thủy được đề cập qua các truyền thuyết về Cao Biền chọn thế đất, trấn yểm phong thủy… Trong Phật giáo, việc xây chùa đã bắt đầu chú ý đến vấn đề phong thủy. Tài liệu An tượng (tại một ngôi chùa tại Hà Nội) cho biết: “Lập chùa ở xứ nào, nên chọn đất lành, ngày lành. Đất lành là bên trái nên rộng trống, hoặc có ngòi sông, ao hồ ôm bọc, bên phải hổ sơn (tay hổ) có rồng, phượng, rùa, rắn chầu bái…”123 Theo thuyết phong thủy, chùa Thầy được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa là hồ Long Chiểu (ao Rồng). Sân trước của chùa và hồ Long Chiểu nằm lọt vào giữa ngọn Long Đẩu và dãy núi Sài Sơn tạo thành thế hàm rồng. Bên trái (phía Bắc) là ngọn Long Đẩu (đầu Rồng), lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn hình thân rồng uốn lượn mềm mại đuôi kéo dài về phía Nam. Theo các nhà nghiên cứu, các ngôi chùa Việt trong các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là thời Lý rất chú trọng yếu tố phong thủy, chùa thường dựng ở nơi có thế đất to có đầy đủ các yếu tố sơn thủy. Sự kết hợp khéo léo giữa kiến trúc với thiên nhiên để tạo nên những già lam nổi tiếng, ngoài cảnh đẹp đây còn là chốn linh thiêng u tịch. Ngoài ra, quan niệm phổ biến trong dân gian cũng như các triều đại phong kiến luôn cho việc xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo đồng nghĩa với việc là tạo nên vượng khí, ngôi chùa là chỗ dựa tinh thần cho người dân cả một khu vực rộng lớn (Đất vua, chùa làng),… Chùa Thầy là ngôi chùa mang đầy đủ những ý nghĩa như thế, nằm dựa lưng vào núi tạo nên thế vững chãi có phong thuỷ vượng khí. Trong suốt quá trình lịch sử ngôi chùa giữ vai trò là trung tâm văn hoá – tôn giáo của xứ Đoài, và là một già lam nổi tiếng thường được vua chúa ghé thăm.
3.5. Loại hình chùa “Tiền Phật hậu Thánh”
Kiến trúc chùa dưới dạng “Tiền Phật hậu Thánh” khá phổ biến trong các công trình kiến trúc Phật giáo cổ vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ. Khái niệm “Tiền Phật hậu Thánh” gần đây được giới nghiên cứu chấp nhận và nhanh chóng trở nên quen thuộc. Về cơ bản, loại hình kiến trúc chùa “Tiền Phật hậu Thánh” thường có vai trò ảnh hưởng to lớn đối một khu vực nhất định, bố cục mặt bằng kiến trúc trên cơ sở ngôi chùa thờ Phật kết hợp với thờ Thánh. Trong đó, phổ biến hai hình thức: 1. Chùa có điện thờ Thánh phía sau tam bảo (thờ Phật); 2. Chùa có điện thờ Thánh bên cạnh điện thờ Phật. Chùa Thầy thuộc dạng thứ nhất, đó là điện thờ Thánh đặt sau tam bảo.
Theo tác giả Phạm Thị Thu Hương, loại hình kiến trúc này mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, “Tiền Phật hậu Thánh” có nghĩa Đức Phật có trước, còn Thánh là đệ tử của Đức Phật nên xuất hiện sau. Thứ hai, về tính thiêng, theo tâm thức dân gian “Phật pháp vô biên” nên Phật có mặt ở mọi, mọi lúc với vai trò phổ độ chúng sinh nên có tầm ảnh hưởng rộng khắp. Trong khi đó, Thánh có vai trò ảnh hưởng hạn chế hơn, sự xuất hiện của Thánh thường gắn với lịch sử, truyền thống văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo của một vùng đất, một cộng đồng cư dân. Tuy nhiên, chính sự xuất hiện hiển linh khiến cho vị Thánh trở nên vừa gần gũi vừa linh thiêng, nó góp phần tạo ra sợi dây gắn kết giữa ngôi chùa và cộng đồng cư dân.124
Đáng chú ý, loại hình chùa “Tiền Phật hậu Thánh” xuất hiện và phổ biến ở nước ta giai đoạn thế kỷ 16-17. Trên cơ sở khảo cứu các hạng mục kiến trúc, hệ thống thờ tự tại tại chùa Thầy, trong đó đặc biệt là khám thờ gắn trực tiếp vào tượng thờ Từ Đạo Hạnh (thế kỷ XVI), một số ý kiến cho rằng chùa Thầy là ngôi chùa “Tiền Phật hậu Thánh” có niên đại sớm nhất cho đến thời điểm hiện tại.125
4. Một số nhận định, đánh giá
4.1. Chùa Thầy với những đặc điểm riêng
Là một công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu mang phong cách kiến trúc thời Lý, cho đến nay chùa Thầy còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hoá, kiến trúc Phật giáo có niên đại sớm và có tính độc đáo, xin điểm qua một số hạng mục tiêu biểu sau đây: Về niên đại, chùa Thầy được cho là ngôi chùa “Tiền Phật hậu Thánh” sớm nhất niên đại thế kỷ 14; Chùa có nhiều di vật niên đại sớm thời Lý còn khá nguyên vẹn, gồm: Bệ thờ (Từ Đạo Hạnh) bằng đá có các hình điêu khắc sư tử đội hoa sen; Chùa lưu giữ bộ tượng Di đà Tam Tôn có niên đại sớm nhất (1602) thời Mạc được công nhận là Bảo vật Quốc gia (2015)… Về tính độc đáo, chùa có loại hình chùa một mái (Bối Am) là loại hình kiến trúc chùa dựa vào núi hiếm gặp; Chùa có bệ đá kép “Bách Hoa Đài ” (thời Trần), cho đến nay đây là bệ đá “kép” hai tầng duy nhất và có kích thước lớn nhất. Tượng Từ Đạo Hạnh (thời Lê), trong thân tượng có khớp nối và dây điều khiển để tượng cử động, đây là pho tượng độc nhất vô nhị ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại. Về di sản Hán Nôm, chùa Thầy là một trong số ít các chùa còn lưu giữ số lượng lớn các đạo sắc phong (26 sắc phong) từ thế kỷ 17-20, nhiều tư liệu Hán Nôm dưới dạng văn bia, minh chuông, thơ đề từ thời Lý cho đến thời Lê Trung Hưng,… Với những đặc điểm tiêu biểu và độc đáo trên, chùa Thầy xứng đáng là một bảo tàng về kiến trúc, nghệ thuật và tư liệu cần được bảo tồn và phát huy trong thời gian tới.
4.2. Chùa Thầy trong mối quan hệ với văn hóa – xã hội và môi trường thiên nhiên
Là ngôi cổ tự có niên đại sớm xây dựng dưới thời Lý song chùa Thầy có một số đặc điểm tiêu biểu của các ngôi chùa Việt, trong đó chúng tôi đặc biệt chú ý đến hai đặc điểm chính như sau: Mối quan hệ giữa công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên: Chùa Thầy mang phong cách kiến trúc tiêu biểu thời Lý thường được xây dựng trên các khu đất lớn, địa hình bán sơn địa vận dụng thuật phong thủy với các thế rồng, phượng, rùa, rắn,… tạo nên vượng khí cho ngôi chùa và khu vực. Theo triết lý Á Đông, thuật phong thủy thể hiện triết lý nhân sinh trong kiến trúc với ba yếu tố Thiên – Địa – Nhân. Trong mỗi công trình kiến trúc luôn có sự cân nhắc kỹ lưỡng tính cân đối, đối đãi, giao hoà giữa con người và thiên nhiên. Đây là đặc điểm đặc biệt quan trọng đối với ngành kiến trúc hiện nay trong quá trình thiết kế, xây dựng, trùng tu các công trình triến trúc Phật giáo đương đại. Mối quan hệ giữa công trình kiến trúc với môi trường văn hóa – xã hội: Trong vai trò là ngôi chùa làng, chùa Thầy giữ một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân Sài Sơn. Hồ Long Chiểu là nơi diễn ra các trò diễn, trò chơi trong các dịp hội làng. Đáng chú ý, hệ thống thờ tự “Tiền Phật hậu Thánh” và sự hiển linh của Từ Đạo Hạnh đem lại tinh thần hướng Phật và niềm tự hào cho người dân, là sợi dây gắn kết giữa ngôi chùa với người dân nơi đây trong suốt quá trình lịch sử. Ngoài ra, chùa Thầy là một trong tứ đại danh thắng của Phật giáo xứ Đoài,126 kết nối giữa vùng văn hóa xứ Đoài với kinh đô Thăng Long từ thời Lý và trong suốt các thời kỳ lịch sử. Mối liên hệ giữa ngôi chùa với môi trường văn hóa – xã hội khu vực ở các cấp độ làng – vùng – quốc gia đã tạo nên mạnh nguồn văn hóa, các truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo được hình thành, phát triển trong quá trình lịch sử. Hay nói cách khác, nó mang lại cho ngôi chùa “hồn cốt” với một sức sống mạnh mẽ trong tâm thức người dân và cộng đồng. Đây là điểm đáng lưu ý cho các nhà quy hoạch kiến trúc khi tiến hành các công việc thiết kế, xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo. Trong đó, yếu tố lịch sử văn hóa cần được đặc biệt chú trọng để công trình kiến trúc Phật giáo không trở nên xa lạ trong tâm thức và nhận thức của người dân. Ngoài ra, nó còn là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng dân cư. Đặc biệt, để thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đường hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam trên tinh thần Đạo Pháp và Dân tộc, về mặt kiến trúc chúng tôi thiết nghĩ, mỗi cơ sở thờ tự Phật giáo trước hết phải là một biểu tượng văn hoá gần gũi như một phần máu thịt của chính những cư dân, cộng đồng và vùng đất nơi nó được sinh ra.
Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2023.
_Chú thích:
112.http://dsvh.gov.vn/di-tich-lich-su-va-kien-truc-nghe-thuat-chua-thay-va-khu-vuc-nui-da-sai-son
113.Xem thêm Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự, Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới và Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
114.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự, Phạm Ngọc Long (2013), Sđd., tr. 122
115.Nguyễn Bá Lăng (1972), Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập I, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, tr113 – 114
116.Xem Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội
117.Nguyễn Văn Tiến (2004) Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 125-127.
118.Đinh Khắc Thuân, Tài liệu Hán Nôm về chùa Thầy, Tlđd.,
119.Xem thêm Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự, Phạm Ngọc Long (2013), Sđd.
120.https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Th%E1%BA%A7y 121 Đinh Khắc Thuân, Tài liệu Hán Nôm về chùa Thầy, Tlđd.
122.Xem thêm Đinh Khắc Thuân, Tài liệu Hán Nôm về chùa Thầy, Tlđd.
123.Xem Nguyễn Bá Lăng (1972), Sđd., tr.49.
124.Phạm Thị Thu Hương (2017), Những ngôi chùa “Tiền Phật hậu Thánh” ở vùng châu thổ Bắc bộ, Nxb. Lao động, Hà Nội. tr. 13
125.Phạm Thị Thu Hương (2017), Sđd., tr. 14
126.“Tứ đại danh thắng”, gồm: Chùa Trăm gian, chùa Trầm, chùa Tây Phương, chùa Thầy.
Tài liệu tham khảo:
- Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
- https://toquoc.vn/bon-ngoi-chua-tu-dai-danh-thang-cua-xu-doai
- Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Báo (2001), Trung Quốc Phật giáo đồ tượng giảng thuyết, Nxb. TP. HCM.
- Phạm Thị Thu Hương (2017), Những ngôi chùa “Tiền Phật hậu Thánh” ở vùng châu thổ Bắc bộ, Nxb. Lao động, Hà Nội.
- Meher McArthur, (2005), Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo, Phan Quang Định (dịch), Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội.
- Đặng Thị Phong Lan (2010), Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa Thầy, Luận án Tiến sỹ Văn hoá học, Hà Nội.
- Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội.
- Nguyễn Bá Lăng (1972), Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Tập I, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
- Kỷ yếu Hội thảo (2012), Chùa Thầy và chư Thánh Tổ sư, Ban Văn hóa TƯGH, Ban Trị sự THPG Hà Nội và Viện Nghiên cứu Tôn giáo phối hợp tổ chức tại Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội.
- Kỷ yếu Hội thảo (2022), Góp phần tìm hiểu văn hoá Phật giáo xứ Đoài, do Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng Văn hóa Phương Đông, Viện Nghiên cứu Tôn giáo Trung tâm Tầm nhìn Việt Nam phối hợp tổ chức, Ngày 22/10 2022, tại Hà Nội.
- Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự, Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
- http://dsvh.gov.vn/di-tich-lich-su-va-kien-truc-nghe-thuat-chua-thay
- Nguyễn Văn Tiến (2001) Di tích chùa Thầy (Hà Tây), Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
- Nguyễn Quốc Tuấn (2012), Chùa Bối Khê nhìn từ khảo cổ học Phật giáo, Nxb. Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.
- Trịnh Cao Tưởng (2007), Kiến trúc cổ Việt Nam từ cái nhìn khảo cổ, Nxb. Xây dựng, Hà Nội.
- Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý – Trần, Mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội.
- Viện Khảo cổ học, Tống Trung Tín (1997), Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lý Trần (Thế kỷ XI-XIV), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Viện Khoa học Xã hội (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.