Quan điểm về phong thuỷ và sử liệu về quy mô, cấu trúc của một số ngôi Chùa tiêu biểu ở Bắc Ninh thế kỷ XVII – XVIII (qua tư liệu Văn bia Phật giáo) (TS. Nguyễn Quang Hà)

TẢI FILE PDF
——————-

          1. Đặt vấn đề

          Bài viết đã tiến hành khảo cứu văn bia Phật giáo thế kỷ XVII, XVIII ở tỉnh Bắc Ninh. Trong bài viết này, tác giả bước đầu nghiên cứu giá trị nội dung của văn bia Phật giáo thế kỷ XVII – XVIII tỉnh Bắc Ninh trên phương diện nội dung về phong thuỷ và quy mô, kiế trúc. Thông thường, các văn bia ghi về lịch sử danh lam cổ tự hoặc bia ca ngợi công đức, trùng tu là những văn bia giàu tính văn học do những người có trình độ cao biên soạn. Một số văn bia phản ánh về địa thế, phong thuỷ và quy mô, diện mạo của chùa. Qua nội dung nhiều văn bia, đã cung cấp nhiều thông tin quý giá về lịch sử sơn môn có từ thời Lý – Trần hoặc xưa hơn nữa… Hay nội dung nhiều tác phẩm bi ký đã cho biết nhiều ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh từng xảy ra thiên tai, hoả hoạn,…

          Qua những “trang sử đá”, hậu thế không chỉ biết được những ngôi tự viện danh lam trên đất Bắc Ninh trước thế kỷ XVII – XVIII mà còn cho biết những sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh và đời sống kinh tế xã hội đương thời qua các hình thức cung tiến ruộng, tiền,… và hình thức gửi Hậu. Đặc biệt, trong thời gian này, có sự đóng góp sức người, sức của rất lớn của nhiều tầng lớp trong xã hội, trong đó có tầng lớp quý tộc, quan lại triều đình Lê – Trịnh. Văn bia cũng cung cấp nhiều thông tin quý giá về hệ thống tượng thờ khá phong phú, đa dạng và rất gần gũi với hệ thống điện thờ ngày nay. Phần cuối bài viết, tác giả dành ra một dung lượng đáng kể để trình bày về một số ngôi chùa tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh thế kỷ XVII – XVIII. Trong những ngôi chùa đó, chùa Dâu và chùa Bút Tháp được trình bày một cách kỹ lưỡng hơn cả. Bởi những ngôi chùa này có giá trị trên nhiều phương diện: chùa Dâu không chỉ là một ngôi chùa tiêu biểu bậc nhất của tỉnh Bắc Ninh mà còn được coi là “cái nôi” của Phật giáo của cả nước. Vì lẽ đó, chùa Dâu, chùa Bút Tháp được ghi nhận là Di sản Quốc gia đặc biệt.

          2. Văn bia phản ánh địa thế, phong thuỷ

          Phong thủy là quan niệm của khoa học phương đông cổ truyền. Thông thường, một ngôi chùa đẹp thường phải có cảnh đẹp hài hòa: sơn thủy hữu tình. Chính vì thế, ở địa bàn tỉnh Bắc Ninh – một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, tuy không có nhiều núi non trùng điệp mà chỉ có một vài ngọn núi thấp còn sót lại trên dải đồng bằng phì nhiêu, màu mỡ, chung quanh là xóm làng, đồng ruộng cùng với một vài con sông tự nhiên. Chính vì thế, người xưa đã tận dụng triệt để cảnh quan tự nhiên để xây dựng những danh thắng chùa chiền dưới trong phạm vi hiểu biết về tri thức phong thủy phương Đông truyền thống. Những tri thức này được thể hiện rất tinh tế trên bi kí Phật giáo thế kỷ XVII ở tỉnh Bắc Ninh:

          Bia Tĩnh Lự thiền tự bi [N0: 04484]127 Chùa Tĩnh Lự, thôn Yên Phong, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, phần đầu ghi: “Núi Đông Cứu, huyện Gia Định, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, có cổ tích danh lam, phía sau có danh lam, bốn phương đắc đạo mà tập trung ở đây, trụ trì tu tập ở đây, ban đầu thấy việc rồng hiện để gọi tên chùa. Mạch núi khởi từ phía Bắc của núi Đông Cứu mà nổi lên núi cao, ở chỗ đất bằng, chùa xây ở chỗ cao nhất, ở chính giữa hai bên có long hổ chầu về hình như hai cành cây giao nhau. Sông Thiên Đức vòng qua phía Chu tước (phía Nam), bốn phía có đầm nước uốn quanh ở phía Huyền vũ (phía Bắc). Thực là thắng cảnh đệ nhất đấy”.

          Bài minh trong bia Phúc Đức Tự bi chùa Phúc Đức, (xã Phú Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh – Nay là thôn Tri Nhị, xã Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), [No: 04820], niên đại Vĩnh Trị nguyên niên (1676) thể hiện rõ cái nhìn phong thủy lấy núi, sông làm tả thanh long, hữu bạch hổ đồng. Nội dung bài minh cho biết, khi đó, chùa thờ Tam giáo – một đặc điểm khá điển hình trong văn hóa Việt Nam: Đẹp nhất Kinh Bắc/Ở huyện Quế Dương/Có chùa Phúc Đức/Tại làng Tri Nhị/Thờ cả Tam giáo/ Cùng với thập phương/ Xây dựng quy mô/Chế độ sáng sủa/Tả có thanh long/Hữu có bạch hổ/Sau là núi Từ/ Trước dòng Đức Giang.

        Bia Hưng công Vạn Thọ tự bi [N0: 04237], niên đại Cảnh Hưng thứ 23 (1762), ca ngợi về địa thế phong thủy của quê hương. Phần đầu ghi: Các sãi vãi khai sáng các xã Ngọc Triện, Bảo Triện, Ngô Cương của huyện Gia Định, phủ Thuận An. Các danh Lam của nước Đại Việt nơi nơi đều có. Nay chùa Vạn Thọ, xã Ngọc Triện, huyện Gia Định là chốn địa linh của xứ Kinh Bắc, có thể phát được lòng thiện. Nếu làm được việc thiện thì con cháu chắc sẽ được vinh hiển. Chùa Vạn Thọ, phía bên trái tiếp giáp với đình Than, bên phải liền với dãy Đông Cứu, phía trước phía sau đều có núi Sấm (Phong Lôi), đây là đất chung đúc khí tốt. Các bậc học thức xem xét địa hình, đẹp lạ thường, đã làm cho lương tâm phấn chấn, đem của cải cung tiến…

          Lời đầu trong bia Nội An Quốc Ân tự bi [N0: 04505], niên đại Khánh Đức thứ 4 (1652) ghi: Chùa thôn Hương Vinh, xã Đông Cứu vốn có chùa cổ là danh lam chính là chùa này đấy. Núi Bảo Tháp (Tháp Lĩnh) bao quanh phía Tây Bắc. Nói về thế thì sông Quỳnh (Quỳnh Giang) vây phía Đông, thực là thắng địa. Tuy đời đời tuần hoàn đổi vận, mấy trăm nay con người tin theo phụng thờ, thường như một ngày. Bài minh cũng thể hiện với cách nhìn phong thủy: Kinh Bắc thắng địa/ Danh lam Đông Cứu/Chùa là cổ tích/Tên là Nội Am/Núi Tháp phía Bắc/Sông Quỳnh vòng Nam/Cảnh thực là đẹp/Chùa chẳng phải thường.

          Chùa có suối ở bên cạnh tạo cho phong cảnh thêm huyền bí, u tịch, tách biệt với thế giới trần tục, xô bồ. Bia Đống Cao tự bi ở chùa Đống Cao, (xã Đại Vũ, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc xứ – Nay là xã xã Đại Tráng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), [N0: 04829], niên đại Khánh Đức 3 (1770) viết: Bản tự tăng, vãi, trùng tu chùa, thượng điện, thiêu hương, tiền đường, tam quan, một tấm bia lại cúng một ruộng ở xứ Sau Suối gần chân núi”. Tác giả đã khảo sát khu vực chùa này. Chùa nằm trong khu vực thuộc một quả núi thấp, ngày nay, do điều kiện dân số tăng nhanh nên nhà dân đã ở vào sát cạnh chùa. Theo các cụ cao tuổi, trước đây còn nhiều chỗ đất hoang, vẫn là nơi canh tác của chùa.

          Bia Bảo Tháp tự bi ký Đại công đức [N0: 40091]. Phần đầu ghi: Chùa tức là đạo tràng đấy, bia là đá bền vậy. Cho nên nói, bia là để ghi lại sự việc. Hải Dương xứ, Thượng Hồng phủ, Cẩm Giàng huyện, Bảo Đào xã, xưa có danh lam. Cảnh đẹp, hướng Càn Hợi đột nhiên nổi lên một gò cao, phía bên trái là thanh long trùng trùng, phía bên phải là Bạch Hổ cuồn cuộn chầu về, có con rạch nhỏ chảy vòng qua phía Nam (Chu tước), sông uốn vòng sang phía Bắc (Huyền Vũ), đây thực là hình thế đẹp nhất đấy). Bia này ca ngợi chúa Trịnh: Nhờ cậy vào: Đại Nguyên Soái, Thống quốc chính, Thái Thượng sư phụ công cao nhân thọ Thanh Vương (Trịnh Tùng – TG), có công chỉnh đốn càn khôn, giúp mặt trời, mặt trăng ở giữa trời đất, giúp cho cơ đồ, xã tắc yên ổn. Nay, có người bản thôn là Thị nội Cung tần Lương Thị Ngọc Minh (xã Thực Đào, huyện Cẩm Giàng) thực là người được thừa hưởng khí chất của người cha khuôn mẫu quý tộc… bà đã bỏ ra không biết bao nhiêu quan tiền để xây dựng, mua gỗ, xây tường bao quanh,… công đức như thế thì đời đời nổi tiếng, công danh mãi mãi được coi trọng ở đời, quốc gia cùng toàn thể gia đình được hưởng lộc trời. Phần cuối là bài minh 30 câu trong đó có những câu ca ngợi phong thủy: Bên phải Bạch Hổ/ Bên trái thanh long/Ngàn năm thọ mãi/Trăm phúc tăng thêm/May sinh quý tộc/Thị Nội cung tần/Rất mực tôn kính/Có nhiều công đức.

          Có thế thể nói rằng, tri thức về phong thuỷ, địa lý là một mảng còn hêt sức mới mẻ đối với việc nghiên cứu tìm hiểu về văn hoá Á Đông cổ truyền cũng như hướng khai thác từ sử liệu bi kí. Trong lĩnh vực này còn chứa đựng nhiều cách lý giải và khái niệm cần phải được giải mã. Những khái niệm đã được trích dẫn từ sử liệu văn bia ở trên, thường được đề cập như ao hồ, long mạch, long hổ chầu về, tụ thuỷ,… Ở đây, có thể lý giải như sau: Long hổ chầu về để che chắn di tích danh lam, đúng hơn là che chắn “huyệt”, giống như người được ôm ấp. Long hổ chầu về để bảo vệ “huyệt” như người có hai tay. Trước chùa thường có minh đường tụ thuỷ rất tốt. Tụ thuỷ là khí tụ, đem sinh khí vào trước “huyệt” chùa làm cho chùa vượng khí, giữ khí lại cho chùa, không bị thất tán.

          Thường thì ao có nước sạch gọi là thuỷ tụ minh đường nhưng cũng tuỳ thuộc vào tính bàn Huyền không, xem cặp sao nào ở hướng có khắc với thuỷ không, rồi cục thuỷ phía trước đình, chùa có đúng với tràng sinh của hướng đó không, nếu bị nghịch theo tràng sinh thì sẽ không tốt cho người ở hoặc dân làng. Thí dụ như hướng đình, chùa là 297° vào hướng Tuất. Vậy Dần, Ngọ, Tuất tràng sinh tại Dần. Vậy Tuất là “mộ”. Vậy ao trước cửa mà tụ thuỷ không chảy thẳng đi là hung vì phương Tuất là phương tiêu thuỷ nếu mà tụ tại đó sẽ sinh bệnh tật và chết người.

          “Tụ thuỷ” thực ra nó xuất phát từ câu: Khí dư thừa mới tản ra, gặp nước thì dừng/ngừng lại. Nếu nước làm khí dừng lại và thế mới kết huyệt được. Nên nếu làm chùa hay đào ao trước làm minh đường cũng là làm cho khí ngưng tụ lại.

          Nếu dương trạch thì lấy hướng nhà, đình, chùa để tính cục khởi tràng sinh. Âm phần (mộ) lấy phương toạ để tính khởi tràng sinh hoặc long mạch để tính khởi tràng sinh. Theo quy định của bảng tràng sinh cực dương khởi thì thuận, cực âm khởi thì nghịch…

          Những tư liệu về phong thuỷ trên bi kí Phật giáo nói chung và bi kí Phật giáo Bắc Ninh thế kỷ XVII – XVIII nói riêng sẽ cần tiếp tục nghiên cứu trong một chuyên luận riêng, ở đây chỉ là mấy nét phác hoạ.

          2. Văn bia phản ánh về ý nghĩa của tên gọi và quy mô, diện mạo của một số ngôi chùa

          Tên chùa thường đặt theo một ý nghĩa nào đấy. Có khi, chùa tên chùa trùng với đơn vị làng xã nhưng phần nhiều được đặt theo một quan niệm triết lý nhà Phật. Chúng tôi đã khảo sát trên bi kí ở tỉnh Bắc Ninh thế kỷ XVII – XVIII, có rất ít tên chùa đặt theo kiểu tên Nôm kiểu như: Cầu Bốn tự (Chùa Cầu Bốn), Cô Tiên tự (chùa Cô Tiên)… Nhiều ngôi chùa, qua nhiều biến thiên lịch sử nhưng tên gọi hầu như không bị thay đổi. Tuy nhiên, có một số ngôi chùa qua thời gian đã bị thay đổi bằng một tên gọi khác nhưng vẫn giữ lại một thành tố của tên cũ. Chẳng hạn chùa Thánh Ân (thôn Kênh Phố, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) trong các văn bản gần đây đều gọi là chùa Thánh Ân. Tuy nhiên, thế kỷ XVII có tên gọi là chàu Thánh Tể. Đây là một ngôi chùa có từ thời Trần. Qua tấm bia Thánh Tể tự bi [N0: 04362b], niên đại Cảnh Trị thứ 5 (1667) cho biết điều đó. Phần đầu ghi: “Quan viên hương lão, trên dưới, lớn bé xã Kênh Phố, huyện Gia Định, phủ Thuận An tu tạo chùa Thánh Tể. Phần đầu ghi danh các vị phủ sĩ, sinh đồ, huyện sĩ tham gia cung tiến. Cuối bia ghi tên một nhân vật có tiếng ở triều đình, là người vốn xuất thân tại quê hương là Gia Quận công Nguyễn Công Hiệp “Hữu Đô đốc Gia Quận Công Nguyễn Công Hiệp, Đại Bái xã, cung tiến 1 quan tiền; Sái phu Nguyễn Công Chính, Trần Thế Lộc”. Như vậy, văn bia cho biết, thế kỷ XVII chùa này có tên là chùa Thánh Tể.

        Văn bia cũng đã giải thích ý nghĩa tên chùa. Chẳng hạn tên gọi “Phúc Duyên” có ý nghĩa như thế nào?. Bia Phúc Duyên tự Phật bi [N0: 05054], niên đại bia Diên Thành 6 (1583), xã Vũ Dương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh cho biết ý nghĩa của tên gọi tên chùa Phúc Duyên: Sáng tiền nhân chi sở mộc, sáng thành tích nhật chi chi sở lai, thành nhân giai viết: dị tai. Phật chi xuất thế, Phúc tăng tiền phúc, duyên thắng tiền duyên. Phúc Duyên chi tự ư thị đắc danh. (Về việc thổ mộc đã làm sáng lạn tiền nhân, ngày nay đã làm rạng danh so với đời trước. Sự việc thành tựu, mọi người đều nói rằng có sự đổi khác đấy. Như một vị Phật xuất thế, làm cho việc phúc tăng hơn trước, làm cho duyên lành cũng hơn hẳn duyên xưa, cho nên có tên gọi là chùa Phúc Duyên).

          Hoặc tên gọi của chùa là Tra Lư tự bi, (chùa Tra Lư, Xã Tân Hồng, Từ Sơn), [N0: 22639], niên đại Vĩnh Tộ 6 (1624) có ý nghĩa là gì?. Theo nhà sử học Trần Quốc Vượng thì “Tra Lư” có nghĩa là thần sấm128!

          Vài nét về tình hình kiến trúc, xây dựng của các ngôi chùa trong hệ thống Tứ Pháp và chùa Tổ.

          Nói đến Phật giáo Luy Lâu không thể không nói đến hệ thống Tứ Pháp và chùa Tổ (tương truyền, chùa Tổ thờ bà Man Nương có công sinh ra Tứ Pháp).

          Sự tích về Tứ Pháp đã được nhân dân lưu truyền từ nhiều đời và mãi sau này đến Tk XVIII – XIX được định bản qua tập sách Cổ Châu Phật bản hạnh khắc gỗ năm Cảnh Hưng 13 (1752) cùng tấm bia Cổ Châu sự hậu Phật tích bi niên đại Cảnh Hưng thứ 24 (1763) và nhiều tư liệu khác đã được các nhà nghiên cứu quan tâm, lý giải. Ở đây, chúng tôi chủ yếu chỉ tìm lại dấu tích xây dựng trùng tu của chùa qua các di vật văn bia để lại. Nếu như chùa Dâu còn để lại khá nhiều tư liệu văn bia, đã cho biết được quá trình xây dựng trùng tu thì ngược lại các chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn còn lại quá ít tư liệu.

          Chùa Tướng nằm cạnh chợ Dâu và bên kia sông Dâu cổ xưa. Ngoài cổng chùa còn câu đối:

          “Phi Tướng môn tự, vọng giang thiên tạo, lập danh lam thắng cảnh.

          Thanh Khương thắng địa, Tứ Pháp hiển linh tích cách thụ khai quang”.

          Nghĩa là:

          Cổng chùa Phi Tướng nhìn ra sông (Dâu) thiên tạo là danh lam thắng cảnh.

          Đất Thanh Khương là thắng địa, mở cây ra rực rỡ Tứ Pháp hiển linh.

          Hiện nay, chùa còn một chiếc chuông có niên đại Minh Mạng thứ 19 (1839) và 5 bia cổ được khắc vào khoảng thời gian cuối Lê đầu Nguyễn. Tấm bia sớm nhất dựng năm Chính Hòa 18 (1697) cho biết: “Chùa Phi Tướng ở Lạc Thổ, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An là một ngôi chùa cổ, đã có nhiều người làm phúc mà chưa lập bia để lưu lại muôn đời từ nay mới bắt đầu ghi chép sự việc”. Bia cho biết: Trong thời gian này làm hậu đường, tả hữu hành lang, tam quan, tôn tạo tượng Phật, đúc chuông lớn, khánh quý, bia Hậu đường bi ký, niên đại Tự Đức 25 (1873) ghi Nguyễn Văn Trường người xã Gia Lâm, (huyện Gia Lâm, phủ Thuận An) cúng 70 quan tiền, 200 bát gạo, 1 sào ruộng, lại cúng ngôi nhà trị giá 500 quan tiền để chuyển làm hậu đường thờ Phật.

          Như vậy, chùa Phi Tướng được xây dựng lớn vào cuối Tk XVII nhưng đến giữa Tk XIX đã đổ nát hư hỏng nhiều. Qua các bi kí dựng tại chùa cho biết, vào thế kỷ XIX, kiến trúc chùa Phi Tướng đã bị xuống cấp và đổ nát và hư hỏng nặng.

          – Chùa Đậu (Pháp Vũ) chỉ còn một tấm bia hậu có niên đại Vĩnh Hựu 4 (1738).

Ngoài ra chùa không còn di vật nào khác. Còn chùa Giàn hiện nay chỉ còn 4 tấm bia có niên đại triều Nguyễn.

Nói đến chùa Dâu và hệ thống Tứ Pháp không thể không nói đến chùa Tổ (nơi thờ bà Man Nương – tương truyền đã sinh ra 4 bà Dâu, Đậu, Tướng, Giàn) đã nói ở trên.

Chùa Tổ thuộc xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành. So với chùa Dâu về quy mô thì Chùa Tổ khá khiêm tốn và để lại rất ít tư liệu. Tư liệu đáng kể nhất ở đây còn một quả chuông thời Tây Sơn niên đại Cảnh Thịnh 5 (1792), một khánh thời Minh Mạng và 2 tấm bia, một tấm ghi về sự tích bà Man Nương niên đại Tự Đức 2 (1849).

Tóm lại, 4 chùa (Dâu, Đậu, Tướng, Giàn) và chùa Tổ là những chùa Cổ có lịch sử hình thành hàng ngàn năm nhưng trải qua bao thăng trầm nên những hiện vật còn lại không nhiều, những chứng tích còn lại chủ yếu là cuối Lê đầu Nguyễn. Diện mạo của những ngôi chùa mà chúng ta thấy hiện nay chủ yếu là kết quả trùng tu, xây dựng trong thời gian từ Tk XVII – XVIII – XIX.

Bia Tĩnh Lự thiền tự bi [N0: 04484] niên đại Cảnh Trị 3 (1665), Chùa Tĩnh Lự, (thôn Yên Phong, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), có đoạn đề cập ngôi chùa này sánh với nhiều danh lam cổ tự đương thời như: “[…] Thỉnh phật giáng cho vạn cảnh đô hội, vui tươi, như tên gọi của ngôi chùa nổi tiếng chùa Thần Quang (Giao Thủy), như chùa Phả Lại Đỉnh của huyện Quế Dương (nay là huyện Quế Võ – TG); Như chùa trên núi Yên Tử của Đông Triều… cảnh sắc đều huy hàng, tích phúc cao như núi, trong nước không thể nói hết được công đức đấy”.

Bia viết về phong cảnh hài hòa, có trồng cây bóng mát. Bia: Phật Hiện tự bia (N0: 04518), niên đại Vĩnh Tộ 9 (1627) viết: Phật tổ các tượng, trúc tường tứ vi, chủng mộc sinh hoa đẳng vật, đống vũ chênh vênh (… tạc các tượng tổ, xây đắp tường bốn xung quanh, trồng cây hoa cùng công trình cao chót vót).

Trong thời gian này, xuất hiện nhiều ngôi chùa xây với quy mô kiến trúc lớn, gồm nhiều hạng mục công trình, tòa ngang dãy học và với sự công đức, tín thí vài chục mẫu ruộng… Bia Phúc Thánh tự bi [N0: 05085], niên đại Cảnh Trị 2 (1664), chùa Phúc Thánh, (xã Thiện Đạo, huyện Quế Dương – Nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) viết về sự đóng góp công đức của Đô đốc Đồng tri Phò mã Đoan quận công Nguyễn Đức Trung cùng chính thiếp Vương tử Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Thánh… bỏ tiền ra công đức Thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, tả hữu hành lang, các tòa tháp, đúc chuông, pháp khí, quy mô huy hoàng và bỏ ra 2 mẫu ruộng cùng với 27 mẫu ở trong dân, tổng cộng gần 30 mẫu ruộng để lưu lại muôn vạn năm. Phần cuối là bài minh ca ngợi công đức có đề cập đến hai chữ “Việt Nam”: Thắng cảnh Việt Nam/Thừa tuyên Kinh Bắc/Đẹp thay ấp ta/Có chùa miếu này/Ban ơn cho dân/Ba mươi mẫu ruộng.

Bia Nhất Tín thí (N0: 04519), niên hiệu Vĩnh Tộ 9 (1627), chùa Tĩnh Lự ghi về việc trồng cau trong chùa: “Thiền tăng Nguyễn Khắc Minh tên tự là Huệ Truyền, tên hiệu Huyền Lưu cùng với vợ là Nguyễn Thị Chư, hiệu Huệ Ân trồng 20 cây cau”.

Dân gian Việt Nam có câu: “Chuối sau, cau trước”. Trồng chuối thường trồng ở vườn phía sau nhà và trồng cau ở phía trước nhà thì đẹp/hợp lý). Vì trồng cau ở trước cửa chùa hay trước cửa nhà không chỉ tạo cho cảnh quan đẹp đẽ, thanh bình mà hoa cau, quả cau cùng với rượu, xôi, oản, quả còn là một thứ quan trọng trong “lục cúng” không thể thiếu được trong nghi lễ thờ tự tại chùa nói riêng và trong tâm linh của người Việt truyền thống ở Đồng bằng Bắc bộ nói chung.

Trong kiến trúc chùa, công trình đầu tiền ở ngoài cùng là tam quan. Thông thường trên tam quan người ta thiết kế luôn gác chuông. Chẳng hạn như bia Các chung nhất tòa [N0: 23371] và bia Hưng công thủy tạo [N0: 23370] ghi: Từ Sơn Phủ, Yên Phong huyện, Nguyễn Xá xã, Đông Lương thôn, Linh Quang tự vô hữu các chung, chí ư Giáp Thân niên, Thiện sĩ Đỗ Chiêu Hiền, tự Huyền Đạt, Tự Đạo Đạt cùng với vợ là Nguyễn Thị Gián, hiệu diệu Trí, xây dựng gác chuông tiếp theo ghi danh sách 107 người, trong đó có nhiều người ở các địa phương khác: Sơn Nam xứ, Ứng Thiên phủ, Thanh Oai huyện; Hải Đông huyện, Hóa Phong phủ, Yên Quyết xã; Huyện Thanh Miện, phủ Nam Sách…

Tuy nhiên, có những chùa bên cạnh gác chuông còn thiết kế thêm cả gác trống. Nếu có cả gác chuông và gác trống thì có lẽ thiết kế kiến trúc sẽ là đăng đối với nhau. Bia Đại Bi tự bi [N0: 04777], niên đại Bảo Thái thứ 8 (1727), xã Tri Nhị, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn (nay là xã Tri Nhị, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) ghi: Hưng công, công đức, làm tiền đường và gác chuông, gác trống và việc tiến hành công việc đã hoàn thành, lập bia để ghi lại tên tuổi,… Kính thiên đài cũng là một hạng mục của công trình trong kiến trúc nội tự của ngôi chùa truyền thống Việt. Tuy nhiên, với mỗi địa phương thì Kính Thiên đài được gắn loại hình di tích khác nhau. Có nơi gắn với đình, có nơi lại gắn với tín ngưỡng Phật giáo129. Ở chùa Hồng Phúc, xã Xuân Ổ, huyện Tiên Du, phủ Từ sơn còn có một đài Kính Thiên lại gắn với ngôi chùa này. Tấm bia Thủy tạo Kính Thiên đài bi [N0: 05241], niên đại Dương Hòa 4 (1638).

Cây hương (4 mặt): Sùng Khánh tự [N0: 03384]; mặt 2: Tam bảo [N0: 23385]; mặt 3: Thiên đài [N0: 23386] ; Mặt 4: Vô đề [N0: 03387, chùa Sùng Khánh, (thôn Đông

Xuyên, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), ghi: “Ngày 27 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ niên hiệu Chính Hòa 10 (1689) tu tạo gác chuông, đến ngày 21 tháng 8 năm Tân Mùi (1691) thì hoàn thành. Qua nội dung bia cho biết tên thôn Đông Xuyên thuộc xã Đông Lâu, huyện Yên Phong: Từ sơn Phủ, Yên Phong huyện, Đông Lâu xã, Đông Xuyên thôn, hương lão có khoảng hơn 300 người cung tiến, trong đó có quan Tri phủ phủ sĩ Nguyễn Văn Tình tự Pháp Hải cùng vợ cung tiến”. Trên cột đá Kính Thiên đài thường ghi tên những người công đức cột hương hoặc ghi tên những người trùng tu tam quan(vì cột hương – Kính thiên đài thường ở vị trí trước chùa hoặc trước tam quan, gác chuông). Cũng có khi thường ghi một đôi câu đối có nội dung như đối câu đối sau như thí dụ của cột Thiên đài [N0: 35660] có đôi câu đối, dịch nghĩa: Hằng năm tụng niệm thông Tam giới Ngày ngày đốt hương thấu cửu trùng Câu đối 4 từ: Chứng minh thành công đức Giáng phúc vĩnh lưu truyền Dương, phủ Từ Sơn (nay là xã Tri Nhị, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) ghi: Hưng công, công đức, làm tiền đường và gác chuông, gác trống và việc tiến hành công việc đã hoàn thành, lập bia để ghi lại tên tuổi,… Kính thiên đài cũng là một hạng mục của công trình trong kiến trúc nội tự của ngôi chùa truyền thống Việt. Tuy nhiên, với mỗi địa phương thì Kính Thiên đài được gắn loại hình di tích khác nhau. Có nơi gắn với đình, có nơi lại gắn với tín ngưỡng Phật giáo129. Ở chùa Hồng Phúc, xã Xuân Ổ, huyện Tiên Du, phủ Từ sơn còn có một đài Kính Thiên lại gắn với ngôi chùa này. Tấm bia Thủy tạo Kính Thiên đài bi [N0: 05241], niên đại Dương Hòa 4 (1638).

Cây hương (4 mặt): Sùng Khánh tự [N0: 03384]; mặt 2: Tam bảo [N0: 23385]; mặt 3: Thiên đài [N0: 23386] ; Mặt 4: Vô đề [N0: 03387, chùa Sùng Khánh, (thôn Đông

Xuyên, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), ghi: “Ngày 27 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ niên hiệu Chính Hòa 10 (1689) tu tạo gác chuông, đến ngày 21 tháng 8 năm Tân Mùi (1691) thì hoàn thành. Qua nội dung bia cho biết tên thôn Đông Xuyên thuộc xã Đông Lâu, huyện Yên Phong: Từ sơn Phủ, Yên Phong huyện, Đông Lâu xã, Đông Xuyên thôn, hương lão có khoảng hơn 300 người cung tiến, trong đó có quan Tri phủ phủ sĩ Nguyễn Văn Tình tự Pháp Hải cùng vợ cung tiến”. Trên cột đá Kính Thiên đài thường ghi tên những người công đức cột hương hoặc ghi tên những người trùng tu tam quan(vì cột hương – Kính thiên đài thường ở vị trí trước chùa hoặc trước tam quan, gác chuông). Cũng có khi thường ghi một đôi câu đối có nội dung như đối câu đối sau như thí dụ của cột Thiên đài [N0: 35660] có đôi câu đối, dịch nghĩa:

Hằng năm tụng niệm thông Tam giới

  Ngày ngày đốt hương thấu cửu trùng

Câu đối 4 từ:

  Chứng minh thành công đức

Giáng phúc vĩnh lưu truyền

Người hưng công trụ đá này được ghi rõ: Nguyễn Quang Hoàn tự Phúc Đức, chính thất Nguyễn Thị Hảo, hiệu Từ Trung cùng con trai Nguyễn Danh Khôi, Nguyễn Danh Nguyên, con gái Nguyễn Thị Tấn, Nguyễn Thị Trường, Nguyễn Thị Ba hưng công một trụ đá vào tháng 7 năm Kỷ Dậu (1729) (Bia Tịnh Quang [N0: 35657/35658].

Chúng tôi đã dùng phương pháp xác suất thống kê trên các tư liệu thác bản Hán Nôm do EFEO sưu tầm ở tập IV và tập V (2 tập tập trung số lượng lớn thác bản văn bia của tỉnh Bắc Ninh), từ kí hiệu 4000 đến 6000 trên trong đó có 174 văn bia Phật giáo của tỉnh Bắc Ninh Tk XVII, XVIII, trong bia đã xuất hiện khoảng 15 các hạng mục công trình xây dựng trong khuôn viên của nhà chùa với tổng số 153 lần đề cập đến các hạng mục công trình; trong đó thể hiện các hạng mục công trình như bảng thống kê dưới đây:

Tổng số khoảng 153 lần đề cập đến các sự kiện xây dựng các hạng mục công trình trên tổng số 174 văn bia, tính trung bình mỗi bia được đề cập đến 0,9 lần các sự kiện được trùng tu, sửa chữa, xây dựng các hạng mục kiến trúc.

Theo sự thống kê về quá trình xây dựng các hạng mục công trình của một số ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh Tk XVII – XVIII cho thấy, nhiều ngôi chùa này đã được xây dựng kế tiếp trên cơ sở vật chất của những lần xây dựng trùng tu trước đó. Hay nói cách khác, đây không phải là những ngôi chùa xây dựng lần đầu tiên. Cho đến Tk XVII – XVIII nhiều ngôi chùa đã được trùng tu, xây dựng tương đối hoàn chỉnh và bề thế với nhiều hạng mục truyền thống của ngôi chùa Việt như: Tường bao quanh; Phía trước là: Cổng Tam quan, (cũng có thể đồng thời trên tam quan là gác chuông/ có chùa xây gác chuông riêng); Tiền đường, Hậu điện, nhà tổ, Am thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, ngoài ra còn có các công trình phụ trợ như Hậu phòng (dành cho tăng/ ni/ nhà khách), hành lang, trụ biểu; nhà đóng oản (làm nơi chuẩn bị cỗ cúng); hệ thống tháp, đường đi trong nội tự,… Một ngôi chùa nếu đầy đủ các hạng mục công trình như trên chứng tỏ đây là một ngôi chùa bề thế và truyền thống mà hiện nay còn thấy được.

          Nhận xét về quy mô mà kiểu thức xây dựng các ngôi chùa Việt ở Đàng Ngoài Tk XVII – XVIII, nhà nghiên cứu Hà Văn Tấn và các cộng sự cho rằng: “…như thế cũng đủ thấy rằng kiểu chùa được gọi là “nội công ngoại Quốc”, với hai dãy hành lang dài ở hai bên, nối nhà tiền đường với dãy nhà sau, bắt đầu xuất hiện từ Tk XVII, thì sang Tk XVIII trở thành phổ biến, với quy mô lớn. Đó cũng là kiểu chùa thường được gọi là “trăm gian”. Tất nhiên là mặt bằng kiểu chùa này có thể đa dạng, với sự thay đổi vị trí của một số kiến trúc, do óc sáng tạo của các kiến trúc sư mà ta đang thấy qua chùa Bút Tháp hay chùa Keo, nhưng những đặc trưng cơ bản của loại chùa này là giống nhau” 130 ,…

          Câu nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà/chùa mỗi cảnh” để nói đến tính độc đáo, khác biệt của mỗi ngôi nhà/của mỗi ngôi chùa. Vì trên thực tế, mỗi chùa được xây dựng trên một điều kiện địa hình, địa vật, cảnh quan thiên nhiên khác nhau nên cũng có những nét đặc thù, khác nhau. Tuy nhiên, ở mỗi chùa đều có những hạng mục xây dựng và công năng tương tự nhau. Vì thế, những ngôi chùa này có thể nói một điều ngắn gọn rằng, nó đều có một đặc điểm: “thống nhất trong đa dang”. Nếu có điều kiện so sánh sâu hơn về những ngôi chùa miền biển với những ngôi chùa trung du, miền núi với những ngôi chùa ở Đồng bằng Bắc bộ (như ở Bắc Ninh) chắc hẳn sẽ rút ra được những điều lý thú và bổ ích./.

N.Q.H
Hoàng thành Thăng Long giữa Xuân Quý Mão (2023)

 

 

 

_Chú thích:

127.N0: Số kí hiệu của kho thác bản Văn bia tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, (Hà Nội). Tại các sách Tổng tập Văn khắc Hán Nôm Việt Nam của Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng theo kí hiệu này;

128.“Tra cứu nhiều từ điển Hán Việt, Nôm, Đại Na quốc âm tự vị… tôi không thấy rừ này. Chỉ khi tra Phật học tự điển của Đoàn Trung Còn, thì tôi thấy Sa La hay Ta La tiếng Phạn là Sâla là có tên một loài cây cổ thụ(nghĩa gốc: Kiên cố) để đệ tử Phật giăng võng cho Phật nằm trước khi Ngài nhập Niết Bàn. Tiếng Phạn Raksha có nghĩa là Sấm (Dharamaraksha = Đàm- vô Sấm hay Sấm sư). Lại hỏi mấy người có hiểu biết về các từ Tày – Thái cổ, họ bảo Cha La là Sấm. Từ đó, tôi suy ra rằng Chùa Cha – La ở làng Đình Sấm là chùa Sấm, chùa này có cây to, sấm sét đánh có hiện ra những câu thơ Sấm. Quả thật, ở gần chùa Cha La có cây gạo cổ thụ sét đánh và có hiện ra bài Sấm mà sư Vạn Hạnh đã giải mã. Dù sao, đây cũng chỉ là một giả thuyết, cần nghiên cứu sâu thêm, kỹ hơn).(Trần Quốc Vượng: Cổ Pháp – Thiên Đức – Kinh Bắc quê hương nhà Lý, in trong Trên mảnh đất ngàn năm văn vật, Nxb Hà Nội, 2003, tr 283- 284).

129.Chẳng hạn, Kính Thiên đài ở thôn Lại Yên, xã (Lại Yên, Huyện Hoài Đức, Hà Nội) lại gắn với đình làng, việc thờ thành hoàng gắn với thờ tự Công chúa Áp Nha được thờ vào thời Trần. Tấm bia tại Đình Lại Yên (Người dân Lại Yên vẫn quen gọi là Kính Thiên đài) hiện còn tấm bia do học sĩ Trương Hán Siêu soạn đã cho biết điều đó. Xem: Hà Văn Tấn (1997), Tấm bia của Trương Hán Siêu và vấn đề phong thành hoàng làng, Tạp chí Khảo cổ học, số 4.

130.Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự, Phạm Ngọc Long, (2013): Chùa Việt Nam, Nxb Thế giới, HN, tr 37; 

 

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

  1. Phan Huy Chú, (1992): Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb KHXH;
  2. Chuyết Chuyết, (2017), Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục, Biên tập; Minh Hành Tại Tại – Thiền sư Tuệ Tiến, (Dịch giả: Nguyễn Quang Khải – Thích Nguyên Đạt), NXB Thanh Hóa, Huế
  3. Lê Quý Đôn (1973), Đại Việt Thông Sử. Bộ Văn hóa Giáo Dục và Thanh niên
  4. Lê Quý Đôn, (1962), Kiến văn tiểu lục, Phạm Trọng Điềm phiên dịch và chú thích. Nxb Sử học, Hà Nội
  5. Nguyễn Quang Hà, (2005), Tìm hiểu thêm lịch sử chùa Dâu (Thuận Thành), Thông báo Hán Nôm học, Nxb. KHXH, Hà Nội
  6. Nguyễn Quang Hà, (2006), “Lịch sử chùa Bút Tháp – Thuân Thành, Bắc Ninh (Qua tư liệu Hán Nôm)”, Tạp chí Hán Nôm, số 4
  7. Nguyễn Quang Hà (2022), Văn bia Phật giáo thế kỷ XVII – XVIII tỉnh Bắc Ninh, Luận án Tiến sĩ Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  8. Nguyễn Văn Huyên, (1996), Địa lý hành chính Kinh Bắc, EFEO. Nxb Thế Giới, Hà Nội.
  9. Nguyễn Quang Hồng, (Chủ biên) (1992), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam. Nxb. KHXH, Hà Nội
  10. Hà Văn Tấn, (2002), Chữ trên đá trên đồng, minh văn và lịch sử. Nxb. KHXH, Hà Nội
  11. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự, Phạm Ngọc Long, (2013), Chùa Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội
  12. Bắc Ninh phong thổ tạp kí, VNCHN, A. 425
  13. Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh, (khuyết danh), Nhâm Thìn, nđ Cảnh Hưng 13 (1752);
  14. Bắc Ninh phong thổ tạp kí, VNCHN, Kh: A425, tr 13, 1471 Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh, st tại chùa Dâu, xã Khương Tự, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh;
  15. Thiền sư Chuyết Chuyết (2017); Biên tập Tại Tại, thiền sư Tuệ Tiến; Nguyễn Quang Khải (dịch, chú), Nxb Thanh Hóa;
  16. Viện Cao học Thực Hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác Cổ (2005), Tổng tập Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập IV, V, VI, KHXH.