Kiến trúc Phật giáo Đại Thừa Nam Bộ (NCS. Thích Ngộ Trí Dũng)

TẢI FILE PDF
——————

          1. Dẫn nhập

          Dù xuất hiện khá muộn trong lịch sử dân tộc nhưng kiến trúc Phật giáo Đại thừa Nam Bộ đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt, tạo nên luồng gió mới cho kiến trúc Phật giáo đất nước. Ngôi chùa với chức năng là nơi sinh hoạt, tu tập tâm linh cho tín đồ Phật giáo và là nơi diễn ra các hoạt động xã hội, gắn kết cộng đồng. Tuy phong cách kiến trúc muôn màu, muôn vẻ bởi sự quy tụ của nhiều dòng phái Phật giáo khác nhau nhưng kiến trúc Đại thừa Phật giáo Nam Bộ thống nhất trong hai dạng điển hình là: 1. Chùa truyền thống không có lầu, bố cục mặt bằng dàn trải theo khuôn viên khu đất, sử dụng kết cấu gỗ và 2. Chùa lầu hay còn gọi là Chùa hội149 tức các không gian chức năng được chồng tầng (trùng lâu) lên nhau, sử dụng kết cấu bê-tông cốt thép.

          2. Kiến trúc chùa truyền thống

          Kiểu chùa truyền thống được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVII đến năm 1954 của người Kinh150. Những ngôi chùa Phật giáo Bắc tông của người Việt đầu tiên ở Nam Bộ đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVII151, đa phần được xây dựng bởi các thiền sư người Việt, Trung Hoa và các lưu dân.

          2.1. Thực trạng kiến trúc chùa cổ

          Hiện nay, hầu hết các ngôi chùa cổ tại Nam Bộ đã trải qua các lần trùng tu lớn nhỏ khác nhau, và sau mỗi lần trùng tu thì kiến trúc chùa lại mang thêm những đặc điểm mới, dần dần mất đi vẻ truyền thống, cổ kính, mộc mạc ban đầu. “Hầu như không có một ngôi chùa nào ở Nam bộ còn giữ nguyên vẹn kiến trúc buổi đầu. Hầu hết đã bị cải biên sau nhiều đợt trùng tu”152. Các vật liệu gỗ dần được thay thế bằng xi măng, bê tông cốt thép, kính, song sắt.

          Tuy nhiên, vẫn có một số ngôi chùa gìn giữ được các di sản kiến trúc giá trị. Các di sản đó có khi là một hạng mục công trình như chính điện, tam quan, tháp Tổ,… Hay một thành tố của công trình như các bộ cửa, cột, vì kèo, chi tiết trang trí,… Tiêu biểu có những ngôi chùa cổ chỉ sửa chữa mặt tiền bên ngoài, bên trong vẫn giữ được hệ khung gỗ kết cấu gỗ cổ truyền và mái ngói như chùa Giác Lâm (TP. HCM), chùa Tôn Thạnh (Long An), chùa Hội Khánh (Bình Dương), chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang),… Điều này, phản ánh sự đổi mới kiến trúc ở các ngôi chùa cổ chủ yếu bắt đầu từ hình thức kiến trúc ngoại thất như cột hiên, cửa, chi tiết trang trí mái, lan can,…

          2.2. Quy hoạch và bố cục tổng thể mặt bằng

          Vị trí xây dựng các ngôi chùa ban đầu thường ở những nơi vắng vẻ, yên tĩnh vì nhu cầu tu tập tâm linh của các vị thiền sư. Về sau, khi người dân đến định cư đông đúc thì chức năng cộng đồng của ngôi chùa được phát huy nhiều hơn.“Tuy nhiên, chùa còn mang tính cộng đồng, có những mối liên hệ với cộng đồng, nên cũng không quá xa nơi cộng đồng cư trú”153. Chùa được ưu tiên xây dựng ở những vị trí gần khu dân cư để người dân dễ tiếp cận để thuận lợi lợi cho công việc hành lễ, truyền bá Phật pháp. Do đó, cảnh quan xung quanh chùa vừa có phần sơn dã vừa có phần làng xã.

          Địa thế các ngôi chùa cổ có cảnh trí đẹp, như trên gò, ven sông, rạch có nhiều rừng cây, địa thế được lựa chọn thuận theo quan niệm Phật pháp, phong thủy, “Xây dựng chùa ở Việt Nam có ảnh hưởng theo thuật phong thủy của Trung Quốc, chọn khoảng đất bên trái nên rộng trống hoặc có sông ngòi, ao hồ, bên phải đất cao đầy. Trước mặt có minh đường hoặc hồ rộng trồng sen.”154

          Hướng chùa ưu tiên chọn hướng Nam, tương ứng trục chính155 của chùa là trục Bắc -Nam. “Với chùa thì phần nào còn có nghĩa là các đức Phật và Bồ Tát ngồi quay mặt về hướng Nam để nghe lời kêu cứu của chúng sinh,… Đồng thời phương Nam còn là phương của trí tuệ”156. Cũng có vài trường hợp hướng chùa phụ thuộc vào đường giao thông tiếp cận và địa thế tự nhiên nơi xây chùa, như chùa Đại Giác (Đồng Nai) hướng về Tây – Bắc nhìn ra sông Đồng Nai, chùa Phước Tường (TP. HCM) hướng Tây. Thực tế cho thấy càng về sau thì các chùa ngôi cổ trùng tu thường chú trọng công năng hơn phong thủy.

          Khuôn viên chùa rộng rãi, có tường thấp bao quanh nhưng không tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài mà vẫn có sự kết nối nhất định.Trong chùa có trồng nhiều cây bóng mát, cây cảnh và đặc biệt là các loại cây ăn trái có thể tận dụng cho thờ cúng, ăn uống: “Khuôn viên chùa Nam Bộ thường rộng rãi như chùa truyền thống nhưng cũng có sự khác biệt là trồng cây ăn trái, hoa kiểng”157. Và “Cây cối ở chùa thường hòa cùng kiến trúc thành một tổng thể thống nhất, gần như không mang tính cách phù trợ”158. Ở sân trước thường có mặt nước (dạng hồ sen, hồ cá) như yếu tố minh đường159 phía trước chính điện góp phần tạo nên dòng đối lưu hơi nước.

          Bắt nguồn từ những thảo am mộc mạc do các thiền sư cất tạm bằng những cây lá rồi các lưu dân đã cùng chung tay xây dựng, tu bổ. Dần theo thời gian các ngôi chùa đã hình thành dưới dạng một quần thể kiến trúc hòa mình trong cảnh quan thiên nhiên hữu tình, gồm các hạng mục cơ bản: Cổng (nhất quan, nhị quan hoặc tam quan), sân, cột cờ, chính điện160, giảng đường161, trai đường162, nhà hành lang, Tăng/Ni xá163, nhà khách, sân thiên tỉnh, vườn c, khu tháp mộ sư, nghĩa trang bá tánh và một số công trình phụ trợ khác như: Nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà kho,… Riêng tháp cao164 về sau mới được xây dựng. Từ một ngôi nhà gốc gắn với chức năng thờ Tam bảo được mở rộng thêm các ngôi nhà khác với các chức năng như thuyết giảng, thọ trai, cúng bái,… Thông thường có hai cách mở rộng: 1. theo phương dọc (trước-sau) và 2. theo phương ngang (trái – phải). Phổ biến nhất vẫn là sự mở rộng theo trục dọc, tổ hợp này thường gọi theo kiểu chữ Hán là chữ nhị (二), chữ tam (三). Các nếp nhà với mô đun kiến trúc tương tự165 được đặt song song có đan xen các sân thiên tỉnh166 liên kết bằng các nhà hành lang167, hoặc nối tiếp nhau liên hoàn theo kiểu trùng thiềm điệp ốc168, cách phối trí này ảnh hưởng từ các ngôi chùa ở miền Trung169. Như chùa Giác Lâm (TP. HCM) có 3 nếp nhà và 1 sân thiên tỉnh; chùa Phụng Sơn (TP. HCM) có 2 nếp nhà và 1 sân thiên tỉnh hay chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang) có 5 nếp nhà và 2 sân thiên tỉnh, theo thứ tự từ ngoài cổng vào trong là: Chính điện – giảng đường – trai đường. Còn các công trình còn lại tùy theo chức năng, nhu cầu mà linh hoạt bố trí hài hòa với khuôn viên khu đất. “Kiến trúc của người Việt không vươn cao, mà dàn trải theo mặt bằng, ấm áp mềm mại, uyển chuyển, nhịp nhàng…”170. Hiếm thấy hơn là các thức tổ hơp mặt bằng kiểu chữ đinh (丁), chữ công (工) hay nội công ngoại quốc (国).Đặc biệt, các chùa thường đóng kín cửa trước chính điện mà mở cửa bên hoặc phía sau nhằm để người hành lễ sẽ tiếp cận với nhà Tổ trước, “Khi lên điện Phật, phải qua nhà Tổ, xá Tổ khai sơn rồi mới bước lên bàn thờ Già Lam. Khi xuống thì phải đi bên bàn thờ Tổ Đạt Ma”171, điều này thuận với quan niệm “Tiên bái Tổ sư, hậu bái Thích Ca”172.

          2.3. Hình thức kết cấu và kiến trúc

          Hầu như không tìm thấy tư liệu ghi lại bản vẽ thiết kế các chùa cổ ở Nam bộ, nếu có thì chỉ là các bản vẽ ghi mới được thực hiện sau này căn cứ trên hiện trạng. Điều này cho thấy đa phần các ngôi chùa cổ được xây dựng trực tiếp từ những người bình dân không qua trường lớp đào tạo chính quy mà tích góp kinh nghiệm từ thực tiễn đời sống, nên kỹ thuật xây dựng và chi tiết kiến trúc cũng có phần được tinh giản hơn, bình dân hơn: “Các công trình kiến trúc chùa Nam bộ hầu hết được kiến tạo bởi chính công sức, tài chánh, tư duy và sự sáng tạo nghệ thuật của người bình dân Nam bộ”173. Minh chứng cụ thể là hình thức kết cấu và kiến trúc có sự tương đồng với các kiến trúc dân gian, tôn giáo, tín ngưỡng khác trong vùng như nhà ở, đình, đền, miếu.

          Các chùa đa phần được xây dựng bằng gỗ kết hợp với gạch, đá, vôi hợp chất, cát, ngói (đất nung): “Kiến trúc chùa tháp Phật giáo ở Việt Nam cũng tương tự như những loại hình kiến trúc tín ngưỡng bản địa như đình, đền… đa số là kết cấu chịu lực bằng gỗ kết hợp với vật liệu địa phương khác tự khai thác như gạch, đá”174. Hệ khung kết cấu gỗ các chùa liên kết với nhau bởi các mộng, chốt.

          Mái chùa thường có dạng “bánh ít” với bốn mái rộng, đường nóc ngắn, đỉnh nhọn, góc mái thẳng, các đầu đao vuông bằng, sắc cạnh, không uốn cong, tạo nên tổng thể máinhẹ nhàng, thanh thoát. Mái chủ yếu được lợp ngói âm dương175 để thuận lợi thoát nước mưa. Hệ kết cấu mái theo kiểu kèo đâm trính cột kê “các sườn mái, vì kèo, cột được kết cấu theo kiểu đâm trính, cột kê tạo nên dáng vuông tứ tượng trên nóc chánh điện”176. Hình thức mặt bằng thường có dạng vuông với bộ tứ trụ177 tạo thành kiểu nhà ngũ hành178. “Những ngôi chùa này buổi đầu đều là những am tranh, sau phát triển lên thành chùa, mang kiến trúc đặc biệt của vùng đất Nam bộ. Đó là kiểu nhà hình tứ trụ, gồm bốn cột bao quanh thượng điện179. Hình thức mặt đứng đơn giản, ít được chú trọng đến chi tiết trang trí, khối tường mặt đứng thường kéo dài theo phương ngang, đầu tường cách mái một khoảng, mặt đứng thường trổ ít cửa với kích thước nhỏ và hẹp với dạng cửa bức bàn thượng song hạ bản180 và kết hợp ô chấn song gỗ.

          Tương tự như các kiến trúc nhà gỗ truyền thống ở khu vực, kiến trúc các khối công trình chính trong các chùa như chánh điện, giảng đường, nhà trai thường là lẻ gian (3-5-7 gian), ở hai đầu hồi thường có chái181 tạo thành kiểu phổ biến là 1 gian 2 chái, 3 gian 2 chái hay 5 gian 2 chái. Trong đó gian trung tâm với chức năng thờ Tam Bảo. Phần hiên bao quanh khối nhà được tận dụng để làm điểm nhấn trên mặt đứng nhờ các cột và lan can.

          Từ năm 1858 về sau thì kiến trúc chùa mang màu sắc hiện đại hơn và có sự giao thoa với kiến trúc phương Tây theo ba xu hướng chủ yếu:

          1. Phủ lên lớp vỏ hiện đại, đậm chất phương Tây bao bọc lấy kiến trúc nhà tứ tượng truyền thống, tạo nên sự hỗn dung Đông – Tây, giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Trong trường hợp này, các thức trang trí phương Tây được biến tấu cho phù hợp với tỷ lệ, bố cục gian, chái của kiểu nhà tứ tượng truyền thống. Như Chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang), “phía mặt tiền chánh điện và khu sân thiên tỉnh được xây dựng lại, tô điểm, trang trí theo kiểu mới pha hòa cả kiến trúc Âu và Á thật cầu kỳ làm cho ngôi chùa cao to hẳn lên. Các cột được xây theo kiểu cổ Hy Lạp khá công phu.”182

          2. Trùng tu kiến trúc chùa truyền thống bằng cách thêm vào một số mô tuýp kiến trúc phương Tây, chủ yếu ở ngoại thất như ở bờ tường, vòm cửa, hay một số họa tiết trang trí,… Như chùa Giác Lâm (TP. HCM), Long Thiền (Đồng Nai)…

          3. Xây dựng một công trình hoàn toàn mới nhưng lại có hơi hướng gợi nhớ về kiến trúc chùa truyền thống. Ví dụ: Chùa Giác Hải (TP. HCM) được xây dựng năm 1887 với kết cấu bê tông cốt thép mang phong cách kiến trúc phương Tây183 tương tự một nhà thờ Công giáo, với “chánh điện hình chữ nhật, là một căn phòng rất rộng, có trần khá cao và nền lát gạch bóng láng. Phía trên có cửa gương hình tròn. Không có bao lam, không có hoành phi và không có một câu đối nào.”184

          2.4. Tượng thờ và cách tôn trí

          Khó đưa ra một mẫu thức chung cho các chùa về sự thờ tự, nhưng đặc trưng cơ bản của chùa Bắc tông ở Nam Bộ là sự giao thoa, dung hợp giữa yếu tố Phật giáo và văn hóa, tín ngưỡng dân gian của các tộc người Kinh, Hoa, Khmer do quá trình cộng cư. “Bà Thiên Hậu (Mã Châu), Quan Công, Bắc Đế, Thần Tài… của người Hoa đều có mặt trong các chùa Phật giáo của người Việt. Các pho tượng thờ Ông Tà (Neak Tà) và thần Vishnu là dấu ấn về tín ngưỡng của người Khmer trong chùa Việt”185.

          Bên cạnh việc thờ Phật, Bồ-tát được chọn lọc để phục vụ cho các lễ nghi thường nhật, còn có thêm các tượng không thuộc Phật giáo như thần linh, những cá nhân có công trạng khác nhằm biểu thị truyền thống đạo đức dân tộc như uống nước nhớ nguồn, khuyến thiện trừng ác như: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào Bắc Đẩu186, Thập điện Diêm Vương187, năm bà Ngũ Hành, bà Chúa Xứ, Bảy Bà, Linh Sơn Thánh Mẫu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Năm Ông,Thiện hữu Thiện báo và Ác hữu ác báo,… Một số chùa còn thờ chơn tượng188 các Tổ, các anh hùng dân tộc (Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trung Trực,…), bá tánh có công xây dựng chùa.

          Đặc trưng nổi bật trong hệ thống tượng thờ trong chùa Việt theo Phật giáo Bắc tông tại Nam Bộ là bộ 5 vị được họa tranh hoặc chạm dưới dạng phù điêu gỗ ở thời kỳ đầu sau đó phát triển thành tượng. Các vị Phật, Bồ-tát trong tư thế tay bắt ấn, cầm pháp khí, ngồi trên mình thú, gồm Phật Thích Ca và bốn vị Bồ-tát: Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền biểu hiện cho Bi, Trí, Dũng, Hạnh Nguyện189, có tài liệu cho rằng vị Phật trong 5 vị trên là Phật A Di Đà190. Thuật ngữ chỉ bộ tượng này chưa thống nhất, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng là Ngũ Hiền191 hoặc bộ sám bài (sám là bái sám, bài là bài vị). Bộ 5 vị này thường được thờ phía trước bàn Tam bảo ở Chính điện và có thể linh động di chuyển đến tư gia Phật tử khi có nhu cầu cúng bái. “Bộ ngũ phương Phật, Bồ-tát được coi trọng đặt ở tiền cảnh ban Tam Bảo dưới hai hình thức hoặc là tượng hoặc là tranh khắc.”192

          Chính điện là thờ tự chính yếu và là nơi tập trung các tượng thờ. Gian thờ chính nằm ngay trung tâm chính điện được thiết kế giật cấp thành nhiều tầng (khoảng 3-5 tầng). Tầng cao nhất nằm trong cùng và thấp dần ra ngoài,các tượng to nhất nằm ở tầng trên cùng và nhỏ dần xuống tầng thấp nhất nằm ngoài cùng. Đồng thời ở mỗi tầng có các tượng chủ đạo nằm ở giữa tạo thành một trục dọc liên kết các tầng với nhau. Các tượng Phật, Bồ-tát thuộc về Phật giáo vẫn chiếm vị trí chủ đạo. “Hệ thống điện Phật thường chú trọng thờ A Di Đà, Thích Ca, Quan Âm, Di Lặc là các tượng chiếm vị trí chủ vị.”193. Đặc biệt, tượng La Hán cũng nằm ở trong chánh điện và tượng Hộ Pháp chỉ có 1 vị đặt thành bình phong, phía trước chánh điện: “Ở Nam Bộ, La Hán thường an vị hai bên hông chánh điện, Hộ Pháp chỉ có một vị đặt tại bàn thờ ở bình phong cửa vào chánh điện”194.

          Quy thức thờ Tổ ngay ở không gian thờ Phật rất phổ biến. Bàn thờ Tổ được đặt ở phía sau lưng điện Phật, được ngăn bởi một vách tường. Trên bàn thờ Tổ, vị trí ở giữa là tôn tượng hoặc di ảnh của tổ Bồ Đề Đạt Ma. Bên cạnh đó còn có di ảnh các vị tu sĩ có công, hoặc từng sống tại chùa, được đặt ở bậc phía dưới hoặc hai bên.

          Cách tôn trí tượng tuân theo quy luật để biểu hiện nhận thức của con người khi tiếp thu Phật pháp và tín ngưỡng dân gian “Cách bố trí thường tuân theo nguyên tắc của vòng hành lễ của Phật tử là hướng ngược chiều kim đồng hồ từ trái qua phải. Đây cũng là chiều hướng của chữ Vạn trong đạo Phật hay còn gọi là chiều sinh”195.

          2.5. Không gian nội thất và mỹ thuật trang trí

          Không gian thờ tự trong các ngôi cổ tự có phần bị tiết chế về ánh sáng do đặc điểm kiến trúc mái và mặt đứng ít trổ cửa, kết hợp với tông trầm tối của gỗ hòa quyện với đèn nến, khói hương, âm thanh trầm bổng, ngân vang của chuông mõ tạo đã tạo nên một không gian tĩnh, sâu lắng, thiền vị. Ánh sáng len lỏi vào bên trong công trình thông qua qua các khe cửa nhỏ hẹp với những vệt mảnh tạo nên sự nhập nhòe giữa sáng và tối. Một số chùa còn sử dụng song hồng196và lưới mắt cáo197 để mở rộng thêm vùng sáng và lấy thoáng vào bên trong công trình. Vì đặc điểm này mà nhiều ngôi chùa cổ đã tháo dở một số viên ngói trên mái, thay vào đó bằng các ô thủy tinh để tăng cường ánh sáng vào bên trong công trình.

          Mỹ thuật trong các ngôi chùa biểu hiện từ kết cấu kiến trúc công trình cho đến các vật dụng nội thất qua các thủ pháp trang trí tinh xảo như: chạm lộng198 (bàn thờ, bao lam) hay khắc nổi, khắc chìm (câu đối, hoành phi, phù điêu), khảm cẩn199 sành, gốm, sứ, xà cừtrên các cột, tường,bờ nóc, bờ mái. Với sự phong phú về đề tài như Phật giáo, phong kiến, thiên nhiên, động vật, thực vật cách điệu.

          Đặc biệt, các linh vật trong các pho tượng kiểu thượng kỳ thú cũng được dân dã hóa qua những con vật xuất hiện nhiều trong đời sống nông nghiệp tại địa phương như: trâu, bò, heo, dê, chó, sóc, chuột, vịt, cá,… Như Bộ tượng Thập Bát La Hán ở chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang) hay các loài chim: Bói Cá, Sẻ, Chào Mào, Họa Mi, Le Le,…trên bao lam như chùa Giác Viên (TP. HCM). Các chi tiết có thể được sơn son thếp vàng, sơn màu nâu đen đơn sắc hoặc để nguyên màu vật liệu gốc.

          3. Kiến trúc chùa lầu

          Trong hoàn cảnh quỹ đất thuyên giảm ở các đô thị trọng điểm ở Nam Bộvà số lượng tín độ ngày càng gia tăng, cùng với sự xuất hiện của khoa học kĩ thuật đã dẫn đến sự ra đời của kiến trúc chùa lầu. Loại hình kiến trúc mới này xuất hiện khoảng giữa thế kỷ XX, trong thời kỳ ảnh hưởng văn hóa phương Tây, rất phù hợp với cảnh quan các đô thị ở Nam Bộ ngày càng được hiện đại hóa.

          3.1. Tổ chức không gian theo chiều cao

          Các chùa lầu hầu như đều có có bản vẽ thiết kế kiến trúc sư nên kiến trúc có phần chuẩn mực hơn kiểu chùa truyền thống do những người bình dân, không qua trường lớp đào tạo trực tiếp xây dựng trước kia. Đơn cử như chùa Ấn Quang (TP. HCM) của KTS. Nguyễn Hữu Thiện, chùa Vĩnh Nghiêm của KTS. Nguyễn Bá Lăng (TP. HCM),… Đây loại hình kiến trúc chồng tầng các mặt bằng lên nhau, tổ hợp không gian công năng theo chiều cao. Về sau các chùa đã xây dựng thêm tầng hầm hoặc bán hầm200 để làm bếp, nhà ăn, kho chứa, hoặc bãi xe. Tầng dưới thường làm không gian giảng đường, hội trường, các tầng trên sử dụng làm chánh điện, nhà Tổ.

          Bố cục mặt bằng tổng thể của kiến trúc chùa lầu đã được đơn giản hóa đi nhiều so với kiểu chùa truyền thống.Ưu điểm của loại hình kiến trúc này là giảm bớt được mật độ xây dựng trên khuôn viên khu đất, giúp các chùa có thêm không gian để bố trí các mảng xanh, bãi xe, sân sinh hoạt ngoài trời, mà vẫn đảm bảo được sự tổ chức các không gian công năng.

          3.2. Ứng dụng khoa học kĩ thuật hiện đại vào kiến trúc chùa

          Sự ứng dụng những thành tựu của khoa học kĩ thuật hiện đại trong kiến trúc chùa lầu qua các phương diện như: 1. Kết cấu kiểu chùa này được làm bằng bê tông cốt thép, xây gạch kết hợp với các vật liệu hiện đại như: Kính, đá granite, composite,… “Kiến trúc kiểu chùa hội ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là được xây dựng vào những năm 1950, 1960. Các chùa hội được xây dựng bằng xi măng cốt sắt chắc chắn, rộng lớn, tầng trên là chánh điện, tầng dưới là giảng đường làm nơi hội họp, sinh hoạt.”201; 2. Các chùa còn có sử dụng thang máy kết hợp với thang bộ để thuận lợi cho người già, trẻ em, người khuyết tật sử dụng; 3. Hệ thống đèn chiếu sáng ngoại thất ban đêm với điểm nhấn tập trung vào các diềm mái, giúp kiến trúc các ngôi chùa thêm phần nổi bật hơn. Yếu tố này không những là tăng tính thẩm mỹ, trang nghiêm cho kiến trúc chùa mà còn góp phần làm đẹp cho cảnh quan khu vực; 4. Các chùa còn lắp đặt hệ thống camera an ninh, phòng cháy chữa cháy theo đúng tiêu chuẩn xây dựng để đảm bảo hiệu quả trong công tác vận hành.

          3.3. Tích hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại

          Vị trí chánh điện luôn được đặt ở tầng cao nhất, kết hợp với việc tạo điểm nhấn bằng giải pháp xây cao phần không gian phía trên nơi thờ tượng Phật biểu thị cho sự sùng kính đối với Phật. Điều này cho thấy dù hình thức, kết cấu ngôi chùa có được cải biến, hiện đại hóa, nhưng bản chất vẫn không thay đổi so với kiểu chùa truyền thống.

          Bên cạnh gìn giữ nét truyền thống, các chùa lầu cũng tạo nên một diện mạo mới trong kiến trúc Phật giáo Đại thừa Nam Bộ. Cụ thể, các chùa chú trọng xây dựng giảng đường dưới dạng một hội trường đa năng để tổ chức các khóa tu, thuyết giảng Phật pháp, hội thảo, các sinh hoạt cộng đồng khi cần thiết. Cũng có trường hợp không gian này được tích hợp chung với các không gian Chánh điện, nhà Tổ.

          Kiến trúc mặt đứng trổ nhiều cửa cao rộng và các mặt tường màu sáng bên trong đã giúp cho không gian nội thất được tươi sáng hơn. Đồng thời, hệ thống tượng thờ bên trong chánh điện được đơn giản hóa rất nhiều. Có những chùa chỉ thờ một tượng Phật Thích Ca ở chánh điện như chùa Xá Lợi (TP. HCM), Việt Nam Quốc Tự (TP. HCM),…

          Đặc biệt hình thức kiến trúc mặt đứng của các chùa lầu hầu như vẫn gìn giữ được yếu tố truyền thống thông qua hình thức mái ngói với các họa tiết trang trí truyền thống. Đơn cử như chùa Vĩnh Nghiêm (TP. HCM) “kiểu chùa tuy mới, nhưng vẫn mang những nét cổ kính của miền Bắc với góc đao cong có điểm tô đầu chim phụng”202. Phong cách kiến trúc các chùa lầu được xây dựng ở cùng một thời điểm có nét tương tự nhau như: Chùa Xá Lợi (TP. HCM) xây năm 1956, chùa Từ Nghiêm (TP. HCM) xây năm 1959, chùa Ấn Quang (TP. HCM) xây năm 1966… Và sau này có Việt Nam Quốc Tự (TP. HCM) xây năm 2014, chùa Thanh Tâm (TP. HCM) xây mới hoàn toàn năm 2017, Tu viện Vĩnh Nghiêm (TP. HCM) xây năm 2020.

          4. Những vấn đề bất cập

          – Sự thu hẹp khuôn viên chùa: “Có một số ngôi chùa trước kia được xây dựng ở trên đồi bên cạnh dòng nước, xa nơi thị tứ thì nay đã nằm lọt vào vùng dân cư đông đúc. Khuôn viên chùa cũng có nơi bị dân chúng tới lấn chiếm bừa bãi.”203 Điển hình như chùa Phụng Sơn (TP. HCM) bị lấn chiếm diện tích do các hộ dân cư gần kề;

          – Thay đổi cảnh quan xung quanh chùa vì nhiều lý do khác nhau như: Sự quy hoạch, mở rộng các tuyến đường, xây cất khu dân cư, khu dịch vụ-thương mại,… Ví dụ, “chùa Giác Viên (TP. HCM) ngày nay có lối vào thuộc phía sau chùa, vì trước kia mặt tiền chùa quay ra bến Hố Đất, thời gian sau rạch nhỏ này đã bị lấp. Hiện nay khu đất cạnh khuôn viên chùa đã được khai thác thành khu du lịch Đầm Sen”204. “Ao sen của chùa Phụng Sơn (TP. HCM) bị người dân xây cất nhà, xả rác đồng thời bị đường mới mở phóng ngang qua lấp mất một đoạn bàu sen”205;

          – Bổ sung các hạng mục theo cảm tính, làm gia tăng mật độ xây dựng, như xây dựng thêm các gian nhà hay bố trí thêm nơi thờ tự, hành lễ ngoài trời. “Ở chùa Phụng Sơn tượng đức Bồ tát Quan Âm được đặt thờ ngay trước sân, sát với chánh điện, nên vẻ mỹ quan của ngôi chùa cũng bị kém đi rất nhiều”206;

          – Trùng tu và xây mới kiến trúc cổ làm mất đi nét đặc trưng ban đầu. Như chùa Bửu Phong (Đồng Nai) đã cất lầu gian chính giữa hay chùa Long Thiền (Đồng Nai) qua ba lần trùng tu đã làm cho kiến trúc bị lai tạp mất đi nét cổ kính ban đầu,…;

          – Sự thay đổi hệ thống tượng thờ tùy ý cá nhân đã làm suy giảm giá trị di sản kiến trúc của các ngôi chùa. Bởi cách thức sắp xếp các tượng cũng là một biểu trưng văn hóa cần được bảo tồn. “Phật giáo Việt Nam có hàng trăm ngôi chùa được công nhận di tích văn hóa. Các ngôi chùa này do vậy phải chịu sự chế tài của Luật Di sản nên khi trùng tu, tôn tạo về cơ bản Phật điện, tượng và bài trí tượng buộc phải giữ nguyên bản”207;

          – Ánh sáng tự nhiên không vào được không gian nội thất nên các chùa phải tháo dỡ ngói trên mái để lấy sáng, điều này cũng gây ảnh hưởng đến mỹ quan của công trình. Như Chùa Giác Lâm (TP. HCM), Chùa Hội Khánh (Bình Dương), Chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang);

          – Các dịch vụ kinh doanh trong khuôn viên chùa như buôn bán thức ăn, động vật để phóng sanh, các thực phẩm mặn trong khuôn viên các chùa hoặc trước cổng chùa tại các ngôi chùa cổ làm ảnh hưởng sự thanh tịnh, thiêng liêng của ngôi chùa;

          – Việc ứng dụng các thành tựu kĩ thuật hiện đại của kiến trúc Phật giáo các nước phát triển không cân nhắc làm phai nhạt bản sắc kiến trúc của dân tộc. Cụ thể là sự sao chép, mô phỏng lại các mô tuýp kiến trúc Phật giáo các nước phát triển trong các ngôi chùa mới được xây dựng từ thế kỉ XXI trở đi.

          5. Kết luận

          Kiến trúc Đại thừa Phật giáo Nam Bộ có sự tiếp biến từ Bắc Bộ và Trung Bộ, phản ánh quá trình dung hợp tự nhiên giữa Phật giáo và văn hóa, tín ngưỡng bản địa giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cũng như sự tích hợp giữa nghệ thuật kiến trúc truyền thống và hiện đại trong thời kỳ giao lưu văn hóa phương Tây.

          Các ngôi chùa mang phong cách kiến trúc đa dạng, phong phú nhưng vẫn có những nét đặc trưng nhằm thích nghi với điều kiện Nam bộ, phản ánh tinh thần hòa hợp với thiên nhiên, gần gũi với con người. Và chính yếu tố này đã tạo nên diện mạo đặc sắc riêng có của kiến trúc các ngôi chùa Việt tại Nam bộ.

          Theo thời gian, kiến trúc các ngôi chùa cổ tại Nam bộ có phần bị xuống cấp, hư hoại và suy giảm giá trị vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, việc nghiên cứu và khảo sát các ngôi chùa cổ tại Nam Bộ nhằm nhận diện, hệ thống những đặc trưng kiến trúc làm cơ sở cho công tác trùng tu, bảo tồn các di sản kiến trúc và xây mới các hạng mục công trình là vấn đề vô cùng cấp thiết.

          Sự xuất hiện của kiến trúc chùa lầu trong sự tích hợp giữa yếu tố hiện đại và truyền thống dân tộc đã góp phần tạo nên một luồng gió mới, một diện mạo đặc sắc của kiến trúc Đại thừa Phật giáo Nam Bộ. Điều này phản ánh tinh thần dung hòa, cấu tiến nhưng vẫn kế thừa, giữ vững cội nguồn của của Phật giáo Đại thừa nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.

          Quá trình biến đổi kiến trúc Đại thừa Phật giáo Nam Bộ là một bài học quý báu về sự đổi mới trong bối cảnh đất nước hiện đại hóa. Sự đổi mới đó cần được cân nhắc, chọn lọc, kết hợp với việc gìn giữ những giá trị truyền thống để tránh đi việc đánh mất bản sắc kiến trúc dân tộc.

          6. Một số khuyến nghị

          – Các chùa cổ khi trùng tu hay có nhu cầu xây thêm các hạng mục công trình cần tham khảo ý kiến các chuyên gia về kiến trúc, quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích;

          – Cần có các giải pháp cụ thể để trả lại hiện trạng ban đầu của các di tích kiến trúc chùa cổ;

          – Các cơ quan ban ngành cần có các biện pháp chế tài đối với tình trạng lấn chiếm cảnh quan chùa, cũng như kinh doanh, buôn bán trong khuôn viên chùa;

          – Lập các danh sách, thống kê các di sản kiến trúc trong các chùa để đưa ra phương pháp quản lý và bảo tồn;

          – Các chùa mới được xây dựng về sau cần tham khảo các kiến trúc truyền thống trước đó để đưa ra phương án thiết kế phù hợp.

 

 

 

_Chú thích:

149.Võ Văn Tường trong Việt Nam Danh Lam Cổ Tự (1992), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 18-19.

150.Để phân biệt với kiến trúc chùa Phật giáo Bắc tông của người Hoa – loại hình không nằm trong phạm vi đề cập của bài viết.

151.Đa phần các nhà nghiên cứu đồng tình với sự khởi dựng sớm nhất của ba ngôi chùa ở Đồng Nai: Chùa Long Thiền vào năm 1664, chùa Bửu Phong vào năm 1676, chùa Đại Giác khoảng cuối thế kỷ XVII, xem đây là những chốn trụ tích đầu tiên của sơ Tổ Phật giáo Nam Bộ.

152.Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa và Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh: Nxb. Tp. HCM, tr. 12.

153.Phạm Anh Dũng (2014). Kiến trúc đình chùa Nam bộ, Nxb. Xây dựng, Hà Nội, tr. 83.

154.Thích Minh Hiền (2005). Kiến trúc mỹ thuật Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, tr 32.

155.Một số tài liệu còn gọi là trục chính trung hay trục nhất chính đạo. Xác định bằng đường thẳng nối trung điểm của các công trình chính nằm song song thẳng hàng nhau. Trục chính các chùa thường kéo dài theo chiều sâu khu đất.

156.Trần Lâm Biền (2020). Văn hóa – nghệ thuật chùa Việt: Vài nét cơ bản, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 58.

157.Phạm Anh Dũng (2016), “Tích hợp văn hóa trong Kiến trúc chùa Nam Bộ”, phần 2, Tạp chí Kiến trúc, số 08.

158.Trần Lâm Biền (2020), Diễn biến kiến trúc truyền thống Việt vùng châu thổ sông Hồng, Nxb. Hồng Đức, tr. 196 – 197.

159.Theo quan niệm phong thủy, người xưa thường nói “minh đường tụ thủy”, tức chỉ cho một dòng sông hay hồ nước nằm phía trước quần thể công trình nhằm để tụ hợp sinh khí, đón được ánh nắng mặt trời đem lại những điều tốt đẹp cho công trình.

160.Hạng mục quan trọng nhất trong quần thể kiến trúc chùa, chức năng chính yếu để tôn thờ Tam bảo Các chùa ở Nam Bộ đa phần đều tích hợp gian thờ Tổ vào trong chính điện nên không xây dựng nhà Tổ riêng như chùa ở miền Bắc hay miền Trung.

161.Nơi thuyết kinh, giảng đạo lý cho tín đồ, cũng là nơi học tập, làm việc, tiếp khách tu sĩ trong chùa. Có một số trường hợp được tích hợp làm lễ cúng dường trai tăng hoặc thờ ký linh người đã khuất như trường của chùa Giác Lâm.

162.Còn gọi là nhà trai, chỉ cho nơi Tăng/Ni chúng sinh hoạt và dùng làm nhà ăn. Đôi khi còn có làm lễ cúng dường trai tăng, trai phạn và các sinh hoạt tâm linh khác.

163.Nơi ở, sinh hoạt nội bộ của tu sĩ, nhiều chùa tách riêng nơi ở của vị trụ trì gọi là phương trượng.

164.Để phân biệt với các tháp mộ thấp tầng xuất hiện khoảng thế kỷ XVIII-XIX, còn kiến trúc tháp thờ cao ≥7 tầng, bên trong lòng tháp sử dụng như một công trình, xuất hiện khoảng nửa cuối thế kỷ XX. Ví dụ: Tháp chuông chùa Xá Lợi ở TP. HCM xây năm 1961 có 7 tầng, cao 32m; tháp Quan Âm chùa Vĩnh Nghiêm ở TP. HCM xây năm 1971 có 7 tầng, cao 35m.

165.Chỉ sự tương đồng về hình khối công trình, hình thức kiến trúc mặt đứng, mặt bằng. Điều này cũng phần nào đưa đến tình trạng “cải gia vi tự” của các chùa ở miền Nam.

166 Còn gọi là patio, sân tương, giếng trời, chỉ cho khoảng không gian không có mái che phía trên nằm giữa các công trình, nhằm tạo sự thông thoáng và lấy sáng tự nhiên, giảm bớt sự nặng nề của công trình. Giữa sân thường có hòn non bộ trồng cây cảnh và nuôi cá.

167.Còn gọi là nhà cầu, nhà nối, tức hành lang có mái che.

168.重 簷 叠 屋,còn gọi là trùng thiềm trung lương hay trùng lương trùng thiềm, chỉ cho nhà kép hai mái trên một nền. Đây là kiến trúc truyền thống phổ biến dưới thời Nguyễn.

169.Nguyễn Bá Lăng (2015). Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập 3, California: Viện Việt Học, tr. 11.

170.Trần Lâm Biền (2020), Diễn biến kiến trúc truyền thống Việt vùng châu thổ sông Hồng, Hà Nội: Nxb. Hồng Đức, tr.30.

171.Thích Thọ Lạc và Nguyễn Hồng Dương (2022), Phật giáo và Phật giáo Việt Nam Tăng già-Phật pháp-Tự việnNghi lễ, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, tr. 397.

172.先 拜 祖 師 后 拜 釋 牁, nghĩa là Tiên bái Tổ sư, hậu bái Thích Ca, một số nguồn còn ghi là tiên bái trụ trì. Với ý nghĩa coi trọng công ơn của các vị Tổ sư xây dựng, tạo lập nên ngôi chùa. Quan niệm này thuận theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ.

173.Phạm Anh Dũng (2014), Kiến trúc đình chùa Nam Bộ, Nxb. Xây dựng, Hà Nội, tr. 79.

174.Thích Minh Hiền (2005), Kiến trúc mỹ thuật Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam, tr. 33.

175.Còn gọi là ngói máng xối, loại ngói có dạng hình trụ bo tròn được lợp xen kẽ nhau theo từng cặp âm dương. Ngói dương lợp úp, được tráng men ở mặt lồi; ngói âm lợp ngửa được tráng men ở mặt lõm.

176.Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa và Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam Bộ, Nxb. TP. HCM, tr.124.

177.Hay còn gọi là tứ tượng, là kiểu kết cấu phổ biến thức kiến trúc Đàng Trong, gồm bốn cây cột cái bố trí cách đều nhau ở bốn góc một diện tích hình vuông, và từ các cột đó mà các kèo đấm và kèo quyết đưa đều ra bốn hướng tạo thành một ngôi nhà vuông vức.

178.Trong mặt bằng phân thành năm vùng không gian tương ứng với năm hành. Vùng trung tâm tương ứng với hành thổ; phía Bắc là hành thủy; phía Nam là hành Hỏa; phía Đông là hành Mộc; phía Tây là hành Kim.

179.Trần Hồng Liên (2019), Vài đặc điểm của Phật giáo Đàng Trong thời Chúa Nguyễn, “Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ văn hóa và xã hội”, Nxb. Khoa học xã hội, TP. HCM, tr. 208.

180.Loại cửa bao gồm hai phần chính; phần trên là các thanh gỗ đặt song song tạo ra các kẽ thoáng khí để lấy thoáng vào trong công trình; phần dưới là các tấm ván đặctạo ra diện tích trang trí.

181.Là phần mở rộng thêm của ngôi nhà chính, chái nhà thường thấp hơn nhà chính, có tác dụng tăng không gian lưu trữ, sinh hoạt cho ngôi nhà.

182.Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa và Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam Bộ, Nxb. TP. HCM, tr.143.

183.Trước nhất là ảnh hưởng từ kiến trúc Pháp, về sau còn các của Mỹ, Anh, Đức và các nước Châu Âu khác. Với các trường phái kiến trúc hiện đại phương Tây tiêu biểu như trường phái Art Nouveau nhấn mạnh đường nét, dùng

sắt trang trí; trường phái Bauhaus đơn giản hệ khung kết cấu, sử dụng thép, kính.

184 Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993), sđd, tr. 83-84.

185 Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993), sđd, tr. 20.

186.Ảnh hưởng từ Đạo giáo, Ngọc Hoàng Thượng Đế 玉 皇 上 帝 là vị vua tối cao của bầu trời, đứng đầu Thiên đình, có các quyền năng tự nhiên như mây mưa sấm chớp, nước lửa, có quyền ra lệnh cho các vị thần thực hiện các ý định của mình. Nam Tào ghi sổ sinh đứng bên trái, Bắc Đẩu ghi sổ tử đứng bên phải Ngọc Hoàng. Họ ghi lại thiên mệnh của mỗi người từ lúc sinh đến lúc chết, quy định số nghèo sang, lành dữ, sau khi chết phải đầu thai kiếp gì. Các chùa thường thờ bộ ba tượng này trong chánh điện là biểu hiện của Tam giáo đồng nguyên.

187.十 殿 閻 王, còn gọi là Thập điện Diêm La, Thập điện Minh Vương. Ảnh hưởng từ đạo Lão và tín ngưỡng dân gian, khái niệm này chỉ cho các vị vua cai quản cõi chết, các vị này phán xét con người ở địa ngục căn cứ theo tội và công họ đã tạo ra khi còn sống. Bộ tượng này thường được đặt đối xứng ở hai bên tường chánh điện, mỗi bên 5 tượng quay hướng vào giữa.

188.Tượng được làm dựa trên các đặc điểm về khuôn diện, cơ thể giống với người thật. Các chùa ở Nam Bộ đa phần chủ yếu thờ Tổ bằng tranh vẽ và bài vị, chỉ có một số ít chùa thờ tượng Tổ như chùa Phụng Sơn, chùa Giác Viên (TP. HCM).

189.Đặng Hoàng Lan, Hầu Hải Tài, (2021). Chùa Phụng Sơn lịch sử và văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.95.

190.Thích Thọ Lạc, Nguyễn Hồng Dương (2022), sđd, tr. 396.

191.Nguyễn Quảng Tuân (1990), Những ngôi chùa danh tiếng, Nxb. Trẻ, Hà Nội, tr.173. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, (2013), Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 43.

192.Trang Thanh Hiền (2019), Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt, Nxb. Hà Nội, tr. 42 – 45.

193.Trang Thanh Hiền (2019), sđd, tr. 42 – 45.

194.Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1994), sđd, tr. 18.

195.Trang Thanh Hiền (2019), sđd, tr. 50.

196.Tương tự như phần song bên trên của cửa thượng song hạ bản nhưng không có phần bản đặc phía dưới. Song hồng có thể linh hoạt tháo rời được khi cần thiết.

197.Làm bằng các thanh gỗ xếp theo hình lưới caro, tạo thành các ô thoáng hình vuông.

198.Còn gọi là chạm kép, chạm thủng, tức đục thủng nền bản khắc để làm nổi những đường nét, họa tiết trang trí.

199.Trang trí bề mặt bằng các mảnh họa tiết nhỏ bằng các vật liệu như: sành, sứ, xà cừ, kim loại,…

200.Còn gọi là tầng hầm nổi, kiểu tầng hầm mà một nửa chiều cao nằm ngang hoặc trên mặt đất, nửa còn lại nằm dưới lòng đất.

201.Võ Văn Tường (1992), Việt Nam danh lam cổ tự, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 19. 202Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993), sđd, tr. 125.

203.Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993), sđd, tr. 20.

204.Sđd, tr. 80.

205.Đặng Hoàng Lan, Hầu Hải Tài (2021), Chùa Phụng Sơn lịch sử và văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, tr. 136.

206.Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1994), Sđd, tr. 36.

207.Thích Thọ Lạc, Nguyễn Hồng Dương (2022), sđd, tr. 400 – 401.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Lâm Biền (2020), Diễn biến kiến trúc truyền thống Việt vùng châu thổ sông hồng, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
  2. Trần Lâm Biền (2020), Văn hóa-nghệ thuật chùa Việt: Vài nét cơ bản, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Phạm Anh Dũng (2014), Kiến trúc đình chùa Nam bộ, Nxb. Xây dựng, Hà Nội
  4. Thích Minh Hiền (2005), Kiến trúc mỹ thuật Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam.
  5. Trang Thanh Hiền (2019), Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt, Nxb. Hà Nội.
  6. Đặng Hoàng Lan, Hầu Hải Tài (2021), Chùa Phụng Sơn lịch sử và văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  7. Thích Thọ Lạc, Nguyễn Hồng Dương (2022), Phật giáo và Phật giáo Việt Nam Tăng già – Phật pháp – Tự viện – Nghi lễ, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội
  8. Nguyễn Bá Lăng (2015), Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập 3, California: Viện Việt Học.
  9. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long (2013), Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội
  10. Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa, Trần Hồng Liên (1993), Những ngôi chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. TP. HCM.
  11. Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lứa và Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam Bộ, Nxb. TP. HCM.
  12. https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/tich-hop-van-hoa-trong