Chùa Giác Lâm – Công trình Kiến trúc điển hình ở Nam Bộ (ThS. Nguyễn Văn Quý)

TẢI FILE PDF
—————–

          1. Dẫn nhập

          Trong chuyến khảo sát 10 ngày tại các tỉnh, thành ở Nam bộ từ ngày 15/09 đến ngày 25/09/2022 do Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức nhằm chuẩn bị cho Hội thảo khoa học: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng.

          Là người miền Bắc, đã khá quen thuộc với kiến trúc chùa Bắc tông ở vùng đồng bằng Bắc bộ như kiến trúc chữ Đinh, chữ Tam, chữ Công, Nội công ngoại quốc,… với nhiều ngôi chùa tiêu biểu như chùa Bối Khê, chùa Tây Phương, chùa Thầy,… ở Hà Nội; chùa Bút Tháp, chùa Dâu,… ở Bắc Ninh,… chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà,… ở Bắc Giang,… rồi ở miền Trung, các ngôi chùa có kiến trúc như là sự tiếp nối ở miền Bắc với các chữ Đinh, chữ Công, Nội công ngoại quốc, song tiêu biểu hơn cả là kiến trúc chữ Khẩu, ảnh hưởng kiến trúc cung đình và dân gian; ở Tây Nguyên, Phật giáo mới truyền bá từ những năm 50 thế kỷ 20, kiến trúc cũng ảnh hưởng từ miền Trung và văn hóa của đồng bào dân tộc, nên kiến trúc chùa cũng khá đa dạng, mang hơi hướng phong cách nhà rông,… Ở miền Nam, dù đã có nhiều lần công tác ở các tỉnh, thành, song do tính chất công việc, khi ấy chúng tôi chưa quan tâm nhiều đến kiến trúc Phật giáo Nam bộ. Và cho đến khi, chuẩn bị công tác cho hội thảo kiến trúc Phật giáo, trong chuyến điền dã, khảo sát 10 ngày tại Nam bộ, chúng tôi thấy được sự đa dạng kiến trúc Phật giáo. Đó là kiến trúc Phật giáo Nam tông Khmer, Nam tông Kinh, kiến trúc của hệ phái Khất Sĩ và kiến trúc Phật giáo Bắc tông,… Ngoài ra, còn phải kể đến kiến trúc Phật giáo của người Hoa.

          Sự da dạng trong kiến trúc Phật giáo ở Nam bộ là điều không còn phải bàn, nhưng trong chuyến công tác này, chúng tôi đặc biệt ấn tượng kiến trúc chùa Giác Lâm ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Ấn tượng không chỉ những gì mà chúng tôi được đọc qua các tài liệu208 mà còn là trải nghiệm những gì được đọc, được kiểm nghiệm trong thực tế khảo sát.

          2. Vài nét về chùa Giác Lâm trong lịch sử

          Kể từ khi Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trị nhậm vùng Thuận Hóa thế kỷ 16, sau đó, các đời chúa Nguyễn đã từng bước mở đất về phương Nam. Cho đến thế kỷ 18, ở Nam bộ, người Việt di cư đến và cư trú ngày một đông. Khu vực Gia Định – Tân Bình dần trở thành trung tâm kinh tế ở Nam bộ. Nhiều tộc người cũng vì thế mà đến nơi đây tụ cư cùng với dân bản địa Khmer.

          Khai khẩn ruộng đất, phát triển kinh tế đã tạo cơ sở cho văn hóa phát triển, trong đó có tín ngưỡng tôn giáo. Các hội quán của người Trung Quốc được xây dựng bên cạnh các ngôi đình, đền của người Việt. Với Phật giáo được truyền nhập vào vùng đất Nam bộ không chỉ ở miền Bắc mà còn ở Trung Quốc. Theo lời mời của các chúa Nguyễn, các thiền sư Trung Quốc đã đến nơi đây hoằng pháp, làm cho Phật giáo phổ rộng ở Nam bộ. Tiêu biểu là Thiền sư Bổn Quả, Nguyên Thiều thuộc dòng Lâm Tế,… Các thế hệ đệ tử người Việt về sau phát triển Phật giáo khắp vùng Nam bộ, nhiều tự viện được xây dựng trong thời kỳ này, trong đó có chùa Giác Lâm.

          Gia Định thành thông chí cho biết: “Mùa xuân năm Giáp Tý (1744), đời vua Thế Tôn thứ 7, người xã Minh Hương là Lý Thụy Long quyên của xây dựng nhà chùa trang nghiêm, cửa thiền u tịch”209. Như vậy, chùa Giác Lâm được xây dựng năm 1744. Về phong thủy, chùa được xây dựng trên “đất lành”: “Đất lành là đất bên trái nên rộng trống, hoặc có sông ngòi, ao hồ ôm bọc, bên phải hổ sơn (tay hổ) nên cao dày, lớp lớp quay đầu lại, hoặc có hoa sen, tràng phan, bảo cái hoặc có phụng rồng rùa rắn chầu bái. Ấy là đất dương cơ 9tay) hổ vậy. Cũng lại nên cưỡi đảo lại, như người cưỡi ngựa đi thi đầu phải ở phía trướng, giòng nước chảy đảo sang bên trái. Nếu là đảo kỵ (cưỡi đảo lại) mạch vào từ phía trước vậy. Trước mặt hoặc có minh đường hoặc không minh đường đều được cả. Đằng sau không nên có núi (áp) bức. Thế đất lành: nếu hay (được) những phương (cách) như thế thì hay (được) hưng hiển đạo pháp, người trụ trì ở chùa sinh trí tuệ, người thí chủ được đại công đức, ân phúc đến con cháu vậy”210. Chùa không chỉ có thế đất lành mà còn có phong cảnh đẹp: “có gò kim đôi rộng độ 3 dặm, trên gò có cỏ thơm mọc đầy như trải niệm, cây cao bóng mát như lọng che”211, “phía trước chùa Cẩm Đệm là vùng đất trũng sâu luôn có nước, dù mưa hay nắng, có lẽ đây là “Minh đường”. Theo lời kể lại của các vị trụ trì, chùa đã có nhà thủy tạ trên ao sen này. Phía trái là vuông đất rộng trống kéo dài ra tận đường Lê Đại Hành ngày nay. Bên phải chùa là thế đất cao bao bọc theo đường Lạc Long Quân ngày nay. Như vậy, vị trí địa lý hiện nay của chùa nằm theo hướng Bắc Nam. Của chính điện hướng về phía Nam. Vị trí này cách trung tâm thành phố hiện nay khoảng 6 cây số đường chim bay, trên đường Lạc Long Quân, số 118, phường 10, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh”212.

          Theo nghiên cứu của PGS.TS. Trần Hồng Liên cho biết, khi Thiền sư Viên Quang về chùa trụ trì thì đổi tên chùa Cẩm Đệm thành chùa Giác Lâm. Từ đây, chùa Giác Lâm phát triển thành một tùng lâm nổi tiếng ở Nam bộ về san khắc kinh điển, truyền giới luật đầu tiên cho chư tăng. Vào năm 1789, Thiền sư Viên Quang đại trùng tu chùa trong 6 năm và diện tích chùa được mở rộng, nhằm đáp ứng cho việc giảng dạy Phật học cho tín đồ có nhu cầu tu học ngày càng đông. Sau khi Thiền sư Viên Quang viên tịch, đệ tử của ngài là Thiền sư Hải Tịnh kế đăng trụ trì chùa.

          Thiền sư Hải Tịnh sau khi được vua Minh Mạng phong chức Tăng cang, giao trụ trì chùa Thiên Mụ mãi đến năm 1844, ngài mới trở về chùa Từ Ân phát triển Phật giáo. Đồng thời, ngài thành lập trường hương ở chùa Giác lâm. Năm 1849, chùa Giác Lâm tiếp tục mở trường kỳ. Hoạt động chủ yếu ở chùa Giác Lâm là nơi đào tạo chư tăng kinh điển, giới luật, khiến cho Phật giáo ở Nam bộ ngày càng phát triển.

          Thiền sư Hoằng Ân Minh Khiêm trụ trì vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Lúc này, chùa Giác Lâm không chỉ là nơi đào tạo tăng tài nổi tiếng mà còn là trung tâm nơi in ấn, lưu thông kinh điển Phật giáo, tiêu biểu là kinh Pháp Hoa, Hứa sử vãn truyện, Luật trường hàng,… Đáng chú ý, vào năm 1900, chùa Giác Lâm được trùng tu: “Lần trung tu này thay đổi một số nét kiến trúc như: xây vòng rào, lót gạch ở chính điện, làm lại vách nhà tổ, trang trí nền vách chùa bằng sành sứ. Tất cả đều do óc thẩm mỹ của Thiền sư. Các bao lam tại chính điện cũng được chạm khắc vào giai đoạn này”213.

          Năm 1923, Hòa thượng Hồng Hưng đã chuyển xá lợi Tổ Phật Ý về chùa Giác Lâm, và ngôi chùa chính thức “trở thành Tổ đình của chi phái Lâm Tế, dòng kệ của Mộc Trần Đạo Mân ở Gia Định và cả ở Nam Kỳ lục tỉnh. Tháp tổ Phật Ý là ngọn tháp cao trong khu tháp Tổ (8m50), bên cạnh tháp Tổ Viên Quang và Hải Tịnh”214.

          Lần trùng tu thứ 3 vào những năm 1939 đến năm 1945: “Chủ yếu là việc xây lại vách chắn của chùa cho dày hơn (trước kia 20cm, nay là 30cm); xây thêm vòng rào thứ hai bên trong; chạm cẩn thêm các đĩa lên vách chùa; đặt lại vị trí một số bàn thờ ở nhà trai. Vị trí ban thờ vong hiện nay trước 1940 là văn phòng của chư Tăng và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây là nơi trú ẩn khá an toàn cho các thầy hoạt động cách mạng”215.

          Sau khi Hòa thượng Hồng Hưng viên tịch năm 1946, Hòa thượng Nhựt Dần Thiện Thuật kế đăng trụ trì chùa Giác Lâm. Năm 1970, Hòa thượng Thiện Thuật cúng một mẫu đất trước sân chùa để xây bảo tháp đặt Xá lợi Phật và linh vị chư Tổ tiền bối, xong công việc ngưng trệ vào năm 1975.

          Hòa thượng Thiện Thuật viên tịch, Hòa thượng Huệ Sanh kế đăng trụ trì chùa Giác Lâm. Năm 1990, Hòa thượng đã phối hợp với các ban ngành lập hồ sơ chùa Giác Lâm, tổ chức hội thảo khoa học và kết quả đã có nhiều tài liệu nghiên cứu về chùa, về chư Tổ và tình hình sinh hoạt tu học của Tổ đình Giác Lâm. Tiếp đó, Hòa thượng Huệ Sanh cho trùng tu các tháp Tổ, xây hàng rào, làm lối đi vào tháp, giải tỏa các hộ dân,… và ngôi chùa đã thực sự tráng lệ và được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1988.

          Lần trùng tu thứ 4: “mái ngói chùa được đặt làm từ lò gạch ở Đồng Tháp theo đúng quy cách và chất lượng ngói cổ, làm lại diềm mái, quét vôi lại các tháp Tổ, thay mới một số sương, rui bị hư, đặt thêm một số kính trên mái giúp thêm ánh sáng cho ngôi chính điện và nhà trai…”216. Năm 1993, tiếp tục tái thiết tháp Xá lợi đã bị ngưng trệ từ năm 1975, và đến năm 1994 hoàn thành.

          2. Kiến trúc chùa Giác Lâm hiện nay

          Chùa Giác Lâm hiện nay bao gồm Nhị quan, Tam quan, tháp Tổ, chùa chính, miếu Linh Sơn Thánh Mẫu và nhiều công trình phụ trợ như sân, vườn,…

          Nhị quan được xây dựng năm 1939, tiếp đến là bình phong xây bằng chất liệu gạch, trang trí trên bức bình phong “con sư tử chầu hầu, hoa văn chữ Vạn, hoa sen, lá đề… là những nét thể hiện văn hóa Ấn Độ. Kia là đầu rắn Naga cách điệu, là dấu ấn văn hóa Khmer, rồi những hàng trụ cột vuông, chân cổng dạng chân quỳ… là nét độc đáo trang trí Tây phương bên cạnh những dòng chữ Hán. Những yếu tố biểu trưng đó là nét những lớp văn hóa mà trong quá trình giao lưu dân tộc Việt Nam đã tổng hợp, tiếp thu. Nhưng cuối cùng dân tộc ta biết giữ lại được bản sắc, dân tộc tính của mình, với biểu trưng là chiếc bình gốm sứ, được tạo tác tại Sông Bé. Biểu tượng này được đặt trên cao nhất, vượt lên trên các yếu tố, vượt lên trên các luồng văn hóa được thể hiện nơi các tầng dưới”217. Tam quan được xây dựng năm 1955, phía trên có mái lợp ngói đỏ, các đầu đao và trang trí hoa văn, diềm mái lá đề màu xanh,…

          Miếu Linh Sơn Thánh Mẫu, bên phải khuôn viên chùa. Miếu có nền cao tam cấp, có hành lang phía trước ảnh hưởng kiến trúc phương Tây. Trên mái đắp “lưỡng long chầu nguyệt”, lợp ngói đỏ. Bên trong miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu và Ngũ Hành, Chúa Tiên, Chúa Ngọc và Bồ tát Quán Thế Âm. Như vậy, các vị nữ thần thờ ở miếu chủ yếu là các nữ thần ở Nam bộ, tiêu biểu nhất là Linh Sơn Thánh Mẫu có nguồn gốc từ núi Bà Đen.

          Tháp Ngũ gia tông phái. Ngôi tháp này vốn do Hòa thượng Thiện Thuật hiến đất xây tháp, nhưng bị dừng năm 1975. Sau khi giải tỏa các hộ dân lấn đất trong thời gian chiến tranh, năm 1993, tháp này mới xây dựng lại và hoàn thành vào năm 1994. Tháp Từ Vân và tháp Tổ ở bên phải (từ ngoài vào). Tháp Từ Vân là những tháp này là nơi lưu giữ nhục thân chư Tổ và các tăng sĩ ở các chùa khác vùng Nam bộ có nguyện vọng được lưu ở chùa, hiện khu vực này có 33 tháp. Tháp Tổ là khu vực tháp chính, là nơi an trí xá lợi của các đời trụ trì chùa Giác Lâm. Chẳng hạn, tháp Tổ Viên Quang hình vuông, 4 tầng, cao 1,6m, có hàng rao bao quanh. Tháp này ảnh hưởng mô hình tháp thời Trần. Tháp Tổ Phật Ý, hình vuông, 3 tầng, cao 8,58m, có hàng rào bao quanh và chịu ảnh hưởng phong cách kiến trúc phương Tây. Tháp Tổ Hải Tịnh có kiến trúc đơn giản hơn, ít hoa văn trang trí, song lại đem lại sự hài hòa khi trang trí ở bốn cạnh đề tài ngư hóa long,… Theo nghiên cứu của PGS.TS. Trần Hồng Liên nhận định, về chất liệu có tháp xây bằng đá ong kết hợp vôi, đường, ô dước trước thế kỷ 20; Có tháp xây bằng gạch, ngoài trát xi măng niên đại thế kỷ 20; từ giữa thế kỷ 20 là các tháp xây bằng gạch, xi măng, đá,… Về kỹ thuật xây dựng, đó là kỹ thuật trộn chất kết dính và nghệ thuật khắc chữ chìm, chữ nổi trên đá xanh, kỹ thuật cẩn đắp những kiểu đĩa trang trí trên mặt tháp,…

          Chùa chính có khuôn viên rộng 22m, dài 65m. Chùa có kết cấu kiến trúc chữ Tam và kiểu chữ này kế thừa truyền thống từ miền Bắc. Chính điện 5 gian có hành lang phía trước, hai bên cũng là hành lang khiến cho công trình này như hình vuông. Kết cấu mái kiểu tứ trụ218 rồi tỏa thành 8 phần mái trên 16 cột, dạng hình bánh Ít, mái lợp ngói âm dương. Bên trong là nơi tôn trí tượng Phật với nhiều trang trí hoành phi, câu đối,… Phía sau chính điện là Ban thờ Tổ. Ban thờ là nơi treo ảnh chư Tổ đời từ 33 đến 41 và các bài vị chư Tổ. Theo Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính: “Những ngôi chùa Phật giáo tại miền Nam trước những năm 1940 thường là dạng kiến trúc lấy mawtj ngang công trình làm chánh điện, giời gian sau này trong khoảng những năm 1940-1990 lại thạnh hành hình thức chánh điện nằm xuôi, tức là tượng Phật được bố trí dọc theo đòn dong, đây là loại kiến trúc nhỏ hẹp thường thấy lúc bấy giờ”219. Theo nghiên cứu của PGS.TS. Trần Hồng Liên nhận định về kiến trúc chùa chính: “bên cạnh sự kế thừa nhà “đâm trính, cột kê” của miền Trung, chùa Giác Lâm đã có sự biến đổi đôi chút, như chỉ làm cột kê đá xanh ở những nơi tiếp xúc mưa nhiều như hàng hiên chùa, các nơi khác, nếu có thì cột đá kê cũng rất thấp”220.

          Nhà trai vốn là giảng đường, nối từ chính điện, từ hai bên nhà trai nối kéo dài thành hai dãi Tăng phòng. Nơi đây vừa đặt ban thờ Phật tử đã mất và dãy bàn ăn cho chư Tăng,… Nhà giảng chỉ cách một khoảng sân nhỏ gần nhà trai. Nhà giảng ba gian hai chái, hai bên là hai dãy hành lang lợp ngói dẫn xuống nhà giảng giáo lý. Bộ vì kiểu “đâm trính cột kê”, hàng cột trước làm bằng gạch, hàng cột sau ngăn thành nhiều phòng làm nơi cho Tăng nghỉ,…

          3. Đôi điều suy nghĩ về kiến trúc chùa Giác Lâm

          Chùa Giác Lâm ngày nay là kết quả của nhiều lần trùng tu và mở rộng công năng sử dụng, nhằm đáp ứng cho nhu cầu tu học của tín đồ Phật tử ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ. Do đó, ngôi chùa cũng mang nhiều dấu ấn kiến trúc và vật liệu xây dựng từng giai đoạn, từng thời kỳ, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của ngôi chùa Nam bộ. Đó là giá trị về lịch sử, văn hóa, thể hiện trình độ thẩm mỹ của chư Tôn đức tiền bối về nơi thờ Phật và thờ các vị thần bản địa,…

          Về phương diện lịch sử, chùa Giác lâm còn mang trong mình nhiều dấu ấn lịch sử về kiến trúc chùa ở Nam bộ, không chỉ ở vật liệu xây dựng mà còn là kỹ thuật xây dựng, rõ nhất là vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, phong cách kiến trúc phương Tây đã ảnh hưởng đến kiến trúc chùa, tạo sự hòa quyện hài hòa giữa kiến trúc truyền thống Nam bộ với kiến trúc phương Tây, làm cho kiến trúc chùa Nam bộ có nét khác so với trước đó và so với miền Bắc, miền Trung,…

          Về phương diện kiến trúc, chùa Giác Lâm cũng như nhiều ngôi chùa cổ ở Nam bộ thường có kết cấu kiến trúc Phật điện, Tổ đường và Quá đường – nơi chư Tăng thọ thực. “Ba không gian nói trên thường được gắn kết với nhau theeo dạng điệp ốc hoặc sắp đọi, hai hoặc ba tòa nhà được liên kết với nhau. Cửa chánh vào chánh điện thường mở hai lỗi hai bên chớ không đi trực tiếp hoặc cửa chánh chỉ mở vào những dịp đại lễ quan trọng, tránh đi vào trực tiếp trước tượng Phật, các lối đi này được sắp xếp thẳng các trụ với nhau, đo đó khi di chuyển trong các thời khóa xung quanh khu vực thờ tự cũng giống như là nhiễu xung quanh đức Phật”221. Trang trí trên kiến trúc chùa Giác Lâm công phu, vừa mang tính truyền thống với các thể tài trang trí truyền thống như lá đề, chữ Vạn, hoa sen,… hay đầu rắn Naga thuộc truyền thống Phật giáo Nam tông Khmer,… đồng thời với cửa vòm, hành lang, lan can trang trí nhiều họa tiết phương Tây tạo phong hiện đại,… Theo PGS.TS. Trần Hồng Liên, kiến trúc Phật giáo chùa Giác Lâm còn tiêu biểu vì mang tính địa phương, bởi: “Miền Nam là vùng đồng bằng, trông lúa, ít thấy đồi núi, do đó trong cảm quan người miền Nam ưa thích sự trải rộng. Cấu trúc chùa chiền vì vậy không vút cao, thách đố với thiên nhiên. Tâm tính hài hòa với thiên nhiên và đặc điểm là tính khiêm tốn đã thể hiện trong tâm thức cư dân Việt ở Nam Bộ một cấu trúc nhẹ nhàng, chùa được xây ẩn trong những vòm cây”222. Theo chúng tôi, đây cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử kiến trúc chùa Việt.

          Nhìn chung, kiến trúc chùa Nam bộ truyền thống cũng như các ngôi chùa ở miền Bắc, miền Trung là tổ hợp của nhiều đơn nguyên kiến trúc. Trong đó, chùa chính là trung tâm. Song tùy theo thế đất, vùng miền mà có sự xếp đặt các công trình phụ trợ sao cho hài đảm bảo tính chỉnh thể, phù hợp với văn hóa vùng miền nhưng vẫn tuân theo những quy tắc nhất định như yếu tố phong thủy, kiến trúc nghiêng về hài hòa, gần gũi với thiên nhiên,…

          Ngày nay, nhiều ngôi chùa được xây dựng mới chưa chú ý đến những yếu tố trong kiến trúc truyền thống. Nói cách khác, chưa kế thừa được nhiều từ truyền thống, nghiêng về công năng sử dụng mà làm giảm tính Thiêng trong kiến trúc chùa. Nhiều ngôi chùa bề thế, hoành tráng, được trang hoàng lộng lẫy như một công viên thu nhỏ thu hút mọi người đến tham quan chứ không phải là đến “lễ Phật”, làm sai lệch tư tưởng, triết lý Phật giáo coi trọng sự tĩnh lặng, giác ngộ, giải thoát,…

 

 

 

_Chú thích:

208.Chẳng hạn: Chí Thảo (1991), Tổ đình Giác Lâm, Báo văn hóa và đời sống; Trần Hồng Liên (1994), Tháp cổ chùa Giác Lâm, Nội san nghiên cứu Phật học, số 13,… và gần đây là công trình: PGS.TS. Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội,…

209.Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, tr89

210.Nguyễn Bá Lăng (1972), Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập 1, Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản, tr42.

211.Đại Nam nhất thống chí, tập thượng, Nguyễn Tạo dịch (1973), Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn, tr96

212. PGS.TS. Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr11-12

213. PGS.TS. Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – văn hóa, Sđd, tr17

214. PGS.TS. Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – văn hóa, Sđd, tr17-18

215. PGS.TS. Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – văn hóa, Sđd, tr18

216. PGS.TS. Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – văn hóa, Sđd, tr21

217. PGS.TS. Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – văn hóa, Sđd, tr41

218. Tứ trụ thường là 4 cột cái với mặt bằng thường là hình vuông; bát trụ c8 cột cái cho phép mở rộng về hai bên nên mặt bằng thường hình chữ nhật.

219. Xin xem: Tử Yểng Lương Hoài Trọng Tính (2022), Nam Kỳ kiến trúc khảo lược, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.167

220. PGS.TS. Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – văn hóa, Sđd, tr45

221. Tử Yểng Lương Hoài Trọng Tính (2022), Nam Kỳ kiến trúc khảo lược, Sđd, tr163

222. PGS.TS. Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – văn hóa, Sđd, tr74

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, quyển thượng, Nguyễn. Tạo dịch (1973), Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn
  2. Nguyễn Bá Lăng (1972), Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập 1, Viện Đại học Vạn Hạnh xuất bản
  3. Trần Hồng Liên (1994), Tháp cổ chùa Giác Lâm, Nội san nghiên cứu Phật học, số 13
  4. PGS.TS. Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử – văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội
  5. Tử Yểng Lương Hoài Trọng Tính (2022), Nam Kỳ kiến trúc khảo lược, Nxb. Thuận Hóa, Huế
  6. Chí Thảo (1991), Tổ đình Giác Lâm, Báo văn hóa và đời sống