1. Mở đầu: khái quát chung về kiến trúc Phật giáo Việt Nam trong lịch sử
Phật giáo du nhập vào Việt Nam khoảng 2000 năm nay. Cùng với sự du nhập của Phật giáo là sự xuất hiện của các ngôi tự viện, tháp Phật giáo. Thời kỳ đầu khi mới du nhập, kiến trúc của các ngôi tự viện rất đơn sơ, nhỏ bé, có khi chỉ là những am, cốc nhỏ bằng tranh, tre, nứa lá thờ Phật, đôi khi là những hang, động thờ Phật. Dần dần, cùng với sự phát triển của Phật giáo, các ngôi tự viện đã được xây dựng với quy mô lớn hơn, chất liệu bền vững hơn, hình thức các ngôi tự viện cũng đa dạng hơn. Từ đó, hình thành nên kiến trúc Phật giáo và kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Cho đến nay, những ngôi tự viện đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vẫn là vấn đề còn đang có nhiều ý kiến. GS Lê Mạnh Thát trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam khi phân tích một số tác phẩm như Lĩnh Nam trích quái,… đã nêu quan điểm về việc Phật giáo du nhập vào nước ta thời Hùng Vương (thế kỷ thứ II TCN), và địa điểm đầu tiên Phật giáo du nhập vào Việt Nam có thể là núi Quỳnh Viên (thuộc núi Nam Giới, khu vực cửa Sót, Hà Tĩnh ngày nay). Trên núi Quỳnh Viên có một am nhỏ, nơi nhà sư Phật Quang, người đã truyền bá Phật giáo cho Chử Đồng Tử tu hành. Tiếp đến GS Lê Mạnh Thát dẫn quan điểm của thiền sư Chân Nguyên (1647-1728) trong sách cổ Thiền Nam Ngữ Lục về ngôi chùa cổ Trúc Viên đã tồn tại khoảng thế kỷ 2 TCN tại núi Thầy (Sài Sơn), Sơn Tây ngày nay248. Như vậy, phải chăng chùa trên núi Quỳnh Viên, chùa Trúc Viên là những ngôi chùa/cơ sở Phật giáo đầu tiên của nước ta? Bên cạnh đó, cũng có giả thuyết cho rằng Phật giáo truyền vào nước ta trước tiên là ở thành Nê Nê (Đồ Sơn, Hải Phòng), do vậy, cơ sở Phật giáo đầu tiên phải chăng là tháp vua A Dục ở Đồ Sơn?
Tiến đến, theo Thiền uyển tập anh, Pháp sư Đàm Thiên nói “Xứ Giao Châu có đường thông tới Thiên Trúc. Khi Phật Pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu (Dâu) đã có tới 20 ngôi bảo tháp, độ được 500 vị tăng và dịch được 15 quyển kinh rồi. Như vậy Phật giáo đã truyền đến Giao Châu trước nước ta (Trung Hoa)…”249.
Theo các nguồn tư liệu, trong thời kỳ Hai Bà Trưng đã có các ngôi chùa. Tuy nhiên, các tài liệu không nói đến các ngôi chùa này có kiến trúc như thế nào, quy mô ra sao? chất liệu là gì? các dấu tích của các ngôi chùa này cũng không còn tồn tại. Đến các giai đoạn sau, tư liệu lịch sử ghi chép lại về các ngôi chùa càng rõ hơn. Trong thời Bắc thuộc, đã có những ngôi chùa được xây dựng như chùa Trấn Quốc (thế kỷ VI), chùa Đậu (Hà Nội), chùa Pháp Vân, tháp nhạn (Nam Đàn, Nghệ An, thế kỷ VI), chùa Kiến Sơ (Hà Nội), chùa Dâu,.. Theo Hà Văn Tấn, thời nhà Tuỳ, Đường ở Việt Nam đã có nhiều ngôi chùa. Các ngôi chùa không chỉ tập trung ở Trung tâm Luy Lâu, mà còn xuất hiện ở các khu vực khác như phía Nam (Nhật Nam)250. Đặc biệt, đến thời Đinh, Tiền Lê thì các ngôi tự viện của Phật giáo đã được xây dựng nhiều. Nhiều ngôi tự viện được xây dựng từ thời kỳ đó vẫn còn để lại các dấu tích. Đồng thời, dấu ấn kiến trúc đã định hình rõ ràng hơn. Chẳng hạn như chùa Dư Hàng (Hải Phòng), chùa Nhất Trụ (Ninh Bình), chùa Bà Ngô (Ninh Bình), chùa Kho (Nho Quan, Ninh Bình), Chùa Tháp, chùa Phượng Ban (Yên Mô, Ninh Bình)251,…
Thời nhà Lý, ngay khi Lý Công Uẩn lên ngôi, vua đã cho xây dựng rất nhiều chùa ở phủ Thiên Đức (Bắc Ninh) và Thăng Long cùng các khu vực khác. Chùa thời Lý được chia làm 3 loại: đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam. Các ngôi chùa thời Lý không chỉ được xây dựng ở Kinh đô, mà còn được xây dựng ở những nơi cảnh quan đẹp, khu danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, thời Lý mô hình tháp được xây dựng khá phổ biến. Theo Chu Quang Trứ, thời Lý xây rất nhiều tháp, sử sách còn ghi chép được có đến 20 tháp, trong số đó có những tháp rất nổi tiếng vẫn còn dấu tích như tháp Phật tích, Tường Long, Chương Sơn, Long Đọi252,… Các tháp được xây dựng thời Lý cũng chính là nơi thờ Phật, tượng phật được bài trí trong lòng tháp. Kết quả khảo cổ học cho thấy chân tháp đều là hình vuông, chiều cao của tháp gấp 5 lần chiều cao của chân tháp253. Nhìn chung, các ngôi chùa được xây dựng trong thời Lý thường có quy mô rộng, nhưng phật điện không lớn, thường bài trí một pho tượng Phật, cách thờ phụng có sự tương đồng với các nước Đông Nam Á254. Có thể nêu một số ngôi chùa tiêu biểu được xây dựng trong thời Lý như: chùa Một Cột, chùa Keo, Chùa Phật Tích, chùa Long Đọi, chùa Bà Đá, chùa Láng, chùa Sủi, chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Long Hoa (Hải Phòng),…
Thời Trần, các ngôi chùa cũng được xây dựng mới hoặc trùng tu những ngôi chùa từ thời Lý rất nhiều. Thời kỳ này, ngoài các ngôi chùa thì tháp cũng được xây dựng, nhưng vị trí và vai trò của tháp có phần khác với thời Lý. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận viết: Sách truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ cũng có nói: “Các chùa như Hoàng Giang, Đông Cổ, An Sinh, Yên Tử, Phổ Minh, Ngọc Thanh,… dựng lên nhan nhản khắp nơi; những người cắt tóc làm tăng ni nhiều bằng nửa dân số thường. Nhất là ở huyện Đông Triều, sự sùng thượng lại càng quá lắm: chùa chiền dựng lên, làng lớn có đến 10 chùa, làng nhỏ cũng có chùng năm, sáu: ngoài bao bằng luỹ, trong tô bằng vàng son”255. Như thế có thể thấy, số lượng chùa thời Trần nhiều hơn hẳn so với thời Lý. Có thể kể ra một số ngôi chùa, tháp tiêu biểu thời Trần như sau: chùa, tháp Phổ Minh (Nam Định), chùa Thái Lạc, Tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc), chùa Bối Khê, chùa Côn Sơn (Hải Dương), chùa Lân (Quảng Ninh), chùa Báo Ân (Bắc Ninh), Chùa Thanh Mai (Hải Dương) ,v.v..
Thời Lê Sơ, đây là thời kỳ mà có rất ít các ngôi chùa được xây dựng mới, các vua thời Lê sơ chú trọng Nho giáo, lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng trị quốc nên Phật giáo giai đoạn này không phát triển như các giai đoạn trước. Triều đình ít quan tâm đến việc xây dựng chùa chiền. Các nguồn tư liệu cũng không có nhiều ghi chép về việc các ngôi chùa được xây dựng trong giai đoạn này. Các ngôi chùa trong thời Lê sơ một phần là những ngôi chùa vẫn còn lại từ thời Trần, một phần là những ngôi chùa do tăng sỹ, nhân dân, các vị quan lại góp công trùng tu hay xây dựng.
Tiếp đến, Nhà Mạc lại rất quan tâm đến Phật giáo, cho tu bổ, trùng tu, xây mới nhiều ngôi chùa ở Thăng Long, Hải Phòng, Hải Dương và một số nơi khác. Thời Lê Trung Hưng, Phật giáo được phục hồi, phát triển và được sự quan tâm không chỉ từ phía triều đình mà còn cả phía nhân dân các làng xã. Các chúa Trịnh cũng rất quan tâm xây dựng, tu bổ trùng tu các ngôi chùa, cùng với đó là các vị trong hoàng tộc và trong phủ chúa cũng tham gia đóng góp đáng kể trong hoạt động này. Cũng trong giai đoạn Lê Trung Hưng, các chúa Nguyễn trên con đường Nam tiến đã xây dựng nhiều ngôi chùa ở đàng trong. Có thể nói, bước chân chùa Nguyên đi đến đâu thì chùa xuất hiện ở đó, hầu hết các ngôi chùa Bắc tông ở Nam Bộ đều được xây dựng từ thời gian này.
Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long trong cuốn Chùa Việt Nam cho biết, thế kỷ XVII-XVIII phật giáo phát triển mạnh mẽ cả ở đàng trong và đàng ngoài. Các ngôi chùa lớn ở đồng bằng Bắc Bộ còn lại ngày nay đều được xây dựng hoặc xây dựng lại trong thế kỷ XVII như chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Keo (Thái Bình), chùa Mía (Ba Vì, Hà Nội),… Thời kỳ này, ngoài những ngôi chùa do Vua Lê, chúa Trịnh, Nguyễn trùng tu xây dựng ở đàng ngoài, đàng trong, thì tăng ni, phật tử, nhân dân cũng góp phần xây dựng nhiều ngôi chùa ở các làng xã.
Thời nhà Nguyễn, các ngôi tự viện tiếp tục được trùng tu, xây dựng mới trên phạm vi cả nước. Nhà Nguyễn còn đưa ra chế độ chùa triều đình, phân bổ tăng về trụ trì và có chế độ riêng. Đồng thời, Nhà Nguyễn có ban nhiều sắc phong cho các ngôi chùa cũng như ban sắc tứ cho các ngôi chùa.
Từ Nhà Nguyễn đến nay, Phật giáo Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm của 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, cuộc kháng chiến chống Mỹ, sự suy thoái của Phật giáo và sự xuất hiện của phong trào chấn hưng Phật giáo. Thời kỳ này, nhiều ngôi tự viện trở thành hoang phế, hoặc bị phá huỷ hoàn toàn. Phật giáo Việt Nam nói chung và các ngôi tự viện nói riêng được khôi phục từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo Văn kiện Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022 thì đến năm 2017, trên địa bàn cả nước có 18.466 ngôi tự viện (trong đó có 15.846 ngôi chùa Bắc tông, 454 ngôi chùa Nam tông, khoảng 1000 ngôi tịnh xá, tịnh thất, 106 ngôi chùa Nam tông Kinh, 54 ngôi chùa Phật giáo người Hoa.
Có thể nói, kiến trúc Phật giáo Việt Nam có một quá trình phát triển theo sự phát triển của Phật giáo, cho dù có lúc thăng trầm, tuy nhiên, các công trình, tự viện ngày càng được xây dựng nhiều hơn, quy mô lớn hơn, công năng sử dụng nhiều hơn, loại hình phong phú hơn, phong cách nghệ thuật cũng đa dạng hơn. Bên cạnh đó, kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh lịch sử xã hội đất nước và sự phát triển của nền kinh tế, phương thức sinh hoạt và nhu cầu của con người, xã hội. Càng những giai đoạn sau, kiến trúc Phật giáo Việt Nam càng có sự phát triển về số lượng, ngày càng có những công trình với quy mô lớn, kiến trúc Phật giáo cũng biến đổi theo sự phát triển của xã hội. Do vậy, giai đoạn hiện nay chính là giai đoạn có nhiều nhất các công trình kiến trúc Phật giáo, kiến trúc Phật giáo có những đặc điểm riêng gắn với đặc điểm của thời đại và có nhiều nét mới so với kiến trúc Phật giáo các giai đoạn trước. Tuy vậy, về cơ bản, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay vẫn kế thừa kiến trúc Phật giáo những giai đoạn trước.
2. Những hạn chế, bất cập của kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay
2.1. Khái quát chung về thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay
Có thể nói, kiến trúc Phật giáo Việt Nam đã có lịch sử khoảng 2000 năm, gắn liền với sự du nhập, phát triển ở Việt Nam. Kiến trúc Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn liền với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam mà còn gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam, gắn với văn hoá, phong tục tập quán Việt Nam các vùng miền, các giai đoạn lịch sử. Kiến trúc Phật giáo phản ánh giáo lý, tinh thần, triết lý Phật giáo, đạo đức Phật giáo, tinh thần Phật giáo, lịch sử Phật giáo, văn hoá Phật giáo, phản ánh các hệ phái Phật giáo, tính vùng miền của Phật giáo, tính giáo dục của Phật giáo, thậm chí là tính hỗn dung của Phật giáo. Kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay là sự tổng hoà của truyền thống và hiện đại, tổng hoà của sự thống nhất và đa dạng, tổng hoà của các hệ phái, vùng miền,… tạo nên kiến trúc Phật giáo Việt Nam với bản sắc Phật giáo Việt Nam.
Trước hết, về hệ phái: Kiến trúc Phật giáo Việt Nam có các hệ phái Bắc tông, Nam tông, Nam tông Kinh, Khất sỹ, Hoa tông và gần đây là kiến trúc Phật giáo Kim cương thừa. Về vùng miền: có kiến trúc Phật giáo khu vực miền Bắc; kiến trúc Phật giáo khu vực miền trung, Tây Nguyên, kiến trúc Phật giáo khu vực Nam bộ. Nét đặc trưng lớn nhất của kiến trúc Phật giáo các vùng miền đó là miền bắc chủ yếu là kiến trúc Phật giáo Bắc tông; miền trung có sự giao thoa giữa Bắc tông, Nam tông và Khất sỹ. Miền Nam thì đa dạng với kiến trúc Phật giáo Bắc tông, Nam tông, Khất sỹ, Hoa tông. Như trên đã nói, kiến trúc Phật giáo khu vực miền Bắc không có sự đa dạng về hệ phái. Chủ yếu là kiến trúc Phật giáo Bắc tông, các ngôi chùa Nam tông, Nam tông Kinh, Khất sỹ (Tịnh xá, tịnh thất) hầu như rất ít. Tuy nhiên, gần đây khu vực miền bắc xuất hiện các ngôi tự viện theo truyền thống Kim cương thừa (Đại bảo tháp Madala Tây Thiên). Một đặc điểm khá rõ nét của kiến trúc Phật giáo miền Bắc là có nhiều công trình kiến trúc cổ, vẫn còn bảo lưu được nghệ thuật, phong cách kiến trúc các giai đoạn trước. Một đặc điểm nữa của kiến trúc Phật giáo miền Bắc đó là trọng tâm của kiến trúc hướng đến việc thờ cúng, trong khi đó, kiến trúc Phật giáo khu vực miền Nam đặt trọng tâm là dành cho việc tu học, tổ chức các hoạt động Phật giáo. Kiến trúc Phật giáo khu vực miền Bắc phổ biến với các mô hình chữ công, nội công, ngoại quốc, chữ tam… các hạng mục kiến trúc dành cho việc bài trí các đối tượng thờ cúng, trong khi đó, kiến trúc Phật giáo Nam bộ không phổ biến theo các mô hình này. Có lẽ đó cũng là lý do khiến cho các công trình kiến trúc Phật giáo truyền thống ở khu vực miền Bắc có xu hướng phát triển theo chiều ngang, trong khi đó, kiến trúc Phật giáo khu vực Nam Bộ có xu hướng phát triển theo chiều cao.
Về loại hình, hiện nay kiến trúc Phật giáo Việt Nam gồm có các loại hình tiêu biểu như sau: a) theo hệ phái gồm có: chùa, thiền viện, tịnh xá, tịnh thất, tu viện, tịnh viện, niệm phật đường, bảo tháp,… b) theo đặc điểm xây dựng, vị trí địa lý và công năng sử dụng gồm có:
– Chùa xây mới hoàn toàn (ví dụ: chùa Nam Hải, Hải Phòng)
– Chùa xây mới trên cơ sở trùng tu các di tích cũ (chùa Bách Môn, Bắc Ninh)
– Chùa cổ
– Chùa phố
– Chùa du lịch
– Chùa di tích quốc gia đặc biệt
– Chùa di tích quốc gia
– Chùa di tích cấp tỉnh
– Chùa làng
– Chùa tư nhân
– Các thiền viện Trúc lâm
– Các chùa Nam tông
– Các chùa theo hệ phái Kim cương thừa
– Chùa xây trong các khu du lịch
– v.v..
Về chất liệu xây dựng: Chất liệu xây dựng các ngôi tự viện của Phật giáo hiện nay rất phong phú, đa dạng: đá, gạch, cát sỏi, xi măng, sắt thép, tôn, gỗ, v.v.. Tuy nhiên, các công trình kiến trúc Phật giáo hiện nay chiếm tỷ lệ lớn là bê tông, xi măng cốt thép. Rất nhiều công trình xây dựng bằng bê tông cố thép nhưng sơn giả gỗ. Bên cạnh đó, vẫn có các công trình được thi công bằng gỗ. Nguồn gỗ có thể mua từ Lào, thậm chí là Nam Phi, đây đều là những loại gỗ quý hiếm: Lim, Đàn Hương, Cam Xe,…
Những điểm mới trong kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam những năm gần đây. Trước hết, phải nói đến các thiền viện Trúc Lâm do Hoà thượng Thích Thanh Từ khởi xướng cách đây mấy chục năm. Các thiền viện có kiến trúc khá thống nhất, mang tính quy chuẩn, thường được xây dựng trên các khu vực có địa thế đẹp, phong cảnh hữu tình. Kiến trúc thiền viện Trúc lâm kế thừa những nét truyền thống của Phật giáo Việt Nam, làm nổi bật tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Tổng thể kiến trúc hài hoà, cân đối, đồng thời hài hoà với khung cảnh thiên nhiên. Một trong những đặc điểm của các thiền viện trúc lâm là rất hạn chế sử dụng chữ Hán, đại bộ phận là tiếng Việt. Chính vì có những nguyên tắc trong xây dựng, nên các thiền viện Trúc Lâm dù ở bất cứ vùng miền nào, cơ bản đều được thiết kế khá thống nhất với nhau.
Trái ngược với các thiền viện Trúc Lâm, việc xây dựng các ngôi tự viện của hệ phái Nam tông Kinh hiện chưa có quy chuẩn, nguyên tắc hay có sự định hướng. Hiện nay trên cả nước có khoảng 100 ngôi tự viện của Nam tông Kinh, tuy nhiên, kiến trúc của các ngôi tự viện này rất phong phú, đa dạng. Người đứng ra xây dựng các công trình này có thể sáng tạo, tham khảo kiến trúc của các công trình khác để áp dụng vào công trình của mình.
Tiếp đến, trong những năm qua, các ngôi tự viện theo truyền thống Kim cương thừa xuất hiện nhiều hơn ở Việt Nam, nhất là phía Bắc tiêu biểu như Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên, một số công trình tương tự đã được xây dựng ở Thanh Trì (Hà Nội), Chí Linh (Hải Dương), v.v.. Đây là những kiến trúc rất mới trong truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam, nên có rất nhiều sự khác biệt so với các công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Ngày càng xuất hiện những công trình quy mô lớn hơn (chùa lớn, tượng lớn, chính điện lớn), đầu tư nhiều tiền của hơn, bề thế hơn, tinh xảo hơn, vững bền hơn. Có những công trình mà tượng phật cao như toà nhà 5-6 tầng, tượng bồ tát cao hàng trăm mét. Nhiều chùa không chỉ đạt nhiều kỷ lục trong nước mà còn đạt cả kỷ lục của khu vực Đông Nam Á, Châu Á như chùa có chính điện lớn nhất, chùa có nhiều tượng nhất, chùa có nhiều tượng La Hán nhất, chùa có tượng Phật ngọc lớn nhất, v.v.. Các kỷ lục này sau một thời gian không lâu lại bị phá bởi các kỷ lục mới.
Dường như đã bắt đầu xuất hiện xu hướng các ngôi chùa không sử dụng chữ Hán (Tu Viện Vĩnh Nghiêm, TP HCM, một công trình xây mới, quy mô, bề thế, nhưng hoàn toàn sử dụng tiếng Việt). Xu hướng này đã xuất hiện trong phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, tuy nhiên thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều hơn.
Có thể nói, cho đến nay, những công trình kiến trúc Phật giáo thời Lý Trần và trước đó hầu như không còn tồn tại, chỉ còn lại những dấu tích, hoặc một phần nền móng còn sót lại. Những công trình kiến trúc thời Mạc, Lê Trung Hưng vẫn còn lưu giữ được một số ít công trình, nhất là ở miền Bắc. Tuy nhiên, tỷ lệ những hạng mục kiến trúc Phật giáo các giai đoạn này còn giữ được cũng chỉ khoảng 70%. Đến thời Nguyễn, nhiều công trình vẫn còn giữ lại được khá nguyên vẹn nét kiến trúc xưa.
Một điểm đáng lưu ý nữa về thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay là tốc độ xây dựng mới, trùng tu, phục hồi, cơi nới, sửa chữa, v.v.. là rất lớn. Do nhiều nguyên nhân khác nhau như sự phát triển của đời sống vật chất, tinh thần; nhu cầu của tăng ni, phật tử, do có sự quan tâm của Nhà nước, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá nói chung, văn hoá Phật giáo nói riêng… Những năm qua, việc xây dựng, tu bổ các ngôi chùa/tự viện diễn ra một cách hết sức sôi nổi trên phạm vi cả nước. Không chỉ những công trình ở những địa phương, vùng miền, mà các ngôi chùa còn được xây dựng ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Nhìn chung, thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay vô cùng phong phú, đa dạng về hệ phái, loại hình, quy mô, công năng sử dụng, chất liệu, phong cách nghệ thuật, đặc trưng vùng miền…. Bên cạnh dấu ấn thời đại, nhiều công trình kiến trúc Phật giáo VN vẫn lưu giữ, bảo tồn được những giá trị, truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ưu điểm, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trên nhiều phương diện. Chính vì vậy, rất cần có những đánh giá một cách toàn diện, khách quan, khoa học về thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay để có những đề xuất, kiến nghị, định hướng, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, phát huy những giá trị truyền thống của Kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
2.2. Những hạn chế, bất cập, phi truyền thống của kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay
Trên cơ sở 3 chuyến khảo sát kiến trúc Phật giáo Việt Nam do Ban Văn hoá Trung ương tổ chức vào năm 2021 tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên (Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Lâm Đồng, …); các tỉnh Nam Bộ (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang); các tỉnh Bắc Bộ (Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội), cùng với nhiều cuộc toạ đàm, trao đổi giữa các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu, chư tôn đức, v.v.. có thể khái quát một số bất cập, hạn chế của kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay như sau:
Thứ nhất, thiếu quy hoạch tổng thể. Rất nhiều các ngôi tự viện thiếu quy hoạch tổng thể. Do vậy, các hạng mục công trình xây dựng không trong một tổng thể thống nhất, mang tính chắp vá, manh mún, không có sự hài hoà, thiếu sự cân đối trong tổng thể kiến trúc chung. Khi có nhu cầu phát triển về công năng sử dụng, các công trình, hạng mục mới tiếp tục được xây dựng, khiến cho tổng thể công trình càng trở nên bất cập. Đây là một thực tế chung của kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở các khu vực, vùng miền, các hệ phái. Nói cách khác, không gian thiêng-tục lẫn lộn trong một tổng thể kiến trúc, khiến cho tính thiêng trong không gian kiến trúc giảm đi.
Thứ hai, sự tích hợp của yếu tố cũ-mới chưa hài hoà, chưa phù hợp. Nhiều ngôi chùa sau quá trình trùng tu, hoặc xây thêm các công trình, hạng mục mới khiến cho có sự mâu thuẫn các yếu tố/hạng mục cũ với mới. Chẳng hạn, có trường hợp ngôi chùa xây thêm các hạng mục mới như lầu chuông, lầu trống nhưng không hài hoà với các hạng mục công trình cũ, khiến cho cái cũ bị lấn át, trong khi cái cũ mới là yếu tố chính. Cũng có trường hợp, một công trình mới xây dựng (chính điện), được xây dựng ngay cạnh tháp cổ, có lịch sử lâu đời, kiến trúc công trình mới không phù hợp với tháp cổ, dẫn đến phá vỡ tổng thể công trình.
Đặc biệt, có khá nhiều ngôi chùa, vì nhu cầu nên đã xây dựng những hạng mục như nhà tăng, nhà khách, văn phòng… bên cạnh những hạng mục cổ (chính điện), những hạng mục xây dựng mới không hài hoà, xung đột, lấn át công trình cũ, khiến cho tổng thể kiến trúc bị phá vỡ, bị mất đi giá trị di sản, mất đi giá trị truyền thống. Chẳng hạn, có những công trình xây nhà tăng, nhà khách cao tầng bằng bê tông, cốt thép bên cạnh chính điện được xây dựng bằng gỗ, kiến trúc truyền thống. Có khá nhiều ngôi tự viện dựng các nhà khung sắt, mái tôn để làm nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động… khiến cho tổng thể kiến trúc ngôi tự viện mất đi giá trị (khung sắt-mái tôn xung đột, phá vỡ kiến trúc chùa cổ, bằng gỗ, …). Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch, các chùa du lịch: một số ngôi chùa đã xây thêm các công trình, hạng mục chưa thật sự phù hợp với những hạng mục đã có trước đó, khiến cho sự hài hoà về mặt kiến trúc bị phá vỡ.
Tiếp nữa, có những ngôi chùa xây mới bên cạnh ngôi chùa cổ (do chùa cổ vẫn giữ lại), tuy nhiên chùa cổ không đáp ứng được nhu cầu công năng sử dụng, nên công trình mới được xây dựng bên cạnh công trình cũ, lấn át hoàn toàn các ngôi chùa cũ.
Thứ ba, phong cách kiến trúc không đồng nhất. Nhiều công trình tự viện khi xây dựng mới, hoặc trùng tu lớn thì được người đứng ra hưng công tham khảo các mẫu mã, kiểu dáng ở các ngôi chùa khác. Có thể chính điện thì lấy mẫu ở một nơi, nhà tổ lấy mẫu một nơi, tháp lẫy mẫu một nơi…. Hình tượng hoa sen lấy một mẫu, các hoa lá khác, chạm khắc lại lấy mẫu một nơi… Khiến cho phong cách kiến trúc không thuần nhất có dấu ấn Kiến trúc thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Có cả kiến trúc bắc bộ, Huế, Nam bộ. Thậm chí có cả dấu ấn kiến trúc Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, vv..
Thứ tư, sự chưa hài hoà về trang trí, ánh sáng. Nhiều ngôi chùa trang trí đèn chiếu sáng, đèn led, đèn nhấp nháy, xanh đỏ… rất không hài hoà với chính điện, hoặc với các pho tượng linh thiêng, làm mất đi tính chất u trầm, tĩnh lặng của Phật điện hoặc của tượng Phật. Nhiều chùa dát vàng toàn bộ tượng Phật trên chính điện, lại bố trí đèn quá sáng khiến cho chính điện quá sáng, quá rực rỡ, chưa phù hợp với tinh thần, triết lý Phật giáo.
Thứ năm, nhiều công trình, tự viện chưa làm tốt việc bảo tồn, giữ gìn di sản Kiến trúc Phật giáo. Có những ngôi tự viện tự ý sơn lại, dát vàng các tượng, chuông, v.v.. thậm chí khắc chữ mới lên các di vật cổ. Rất nhiều ngôi tự viện có tình trạng sắp xếp, bài trí tượng Phật còn chưa đúng, có hiện tượng rất nhiều tượng Phật cùng loại được bài trí cùng nhau dẫn đến tình trạng lộn xộn. Có những ngôi tự viện nhiều tượng mà không có chỗ bài trí nên để ngoài hành lang, trong kho, ngoài gốc cây rất phản cảm… Nhiều ngôi chùa trong quá trình trùng tu, các hạng mục của công trình kiến trúc cũ (được hạ giải để xây mới, trùng tu) như chân tảng, cột, gạch, bệ trang trí… vứt ngổn ngang, chưa có kế hoạch giữ gìn, bảo quản.
Thứ sáu, việc trùng tu công trình kiến trúc cổ không đúng quy định của Luật di sản. Điển hình là câu chuyện của chùa Trăm Gian. Việc trùng tu đã phá huỷ hoàn toàn một công trình kiến trúc với hàng trăm năm với nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, Phật giáo,… Sau khi trùng tu, chùa Trăm Gian mang dáng vẻ hoàn toàn mới, những kết cấu gỗ, hệ mái cũ không còn, những chân cột trụ, kèo gỗ với hoa văn được chạm khắc tinh xảo được thay thế bởi các hoa văn lạ lẫm. Tranh tượng quý được sơn lại bằng sơn công nghiệp, bệ tượng, bàn thờ được làm mới bằng xi măng256…
Thứ bảy, nguy cơ xuống cấp của các công trình là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Nhiều công trình là các ngôi chùa cổ, chứa nhiều di sản có giá trị đang có nguy cơ xuống cấp, mối mọt, ngập lụt. Nhiều công trình chưa có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Nhiều công trình xây dựng có chất lượng không cao, có những công trình mới xây dựng được vài năm đã xuất hiện dấu hiệu của sự xuống cấp: gỗ nứt nẻ, v.v..
Thứ tám, có những chùa xây dựng không tuân theo những nguyên tắc kiến trúc truyền thống: đó là nơi thờ Phật (chính điện) sẽ được đặt ở vị trí trung tâm và cao hơn so với các công trình phụ trợ khác. Tuy nhiên, hiện nay có những công trình mà nhà tổ cao hơn chính điện, tổ ngồi cao hơn Phật.
Thứ chín, một trong những hạn chế, bất cập của kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay đó là việc ghi tên người cúng dường vào các hạng mục trong chùa, từ các cây trồng đến các pho tượng, hoành phi, câu đối, chuông, nhang án, v.v.. có những chùa còn đưa cả ảnh của những người có đóng góp lên tường chùa, v.v.. Theo chúng tôi, đây là một yếu tố phi truyền thống. Việc ghi tên người, tổ chức (công ty, doanh nghiệp, ngân hàng…) nên các hiện vật trong ngôi chùa khiến cho tính thiêng của ngôi chùa bị suy giảm. Những người công đức, cũng dàng nên được ghi trong bia công đức, không nên khắc ghi trực tiếp vào các hạng mục như hiện nay.
Thứ mười, nếu như kiến trúc của Phật giáo Nam tông và Hệ phái Khất sỹ tương đối có sự thống nhất, có những nguyên tắc và tiêu chí nhất định thì kiến trúc Phật giáo Bắc tông đúng là “trăm hoa đua nở”. Việc xây dựng các ngôi chùa/tự viện Phật giáo Bắc tông hiện nay có thể nói khá dễ dàng, chưa theo một quy chuẩn nào. Chưa có những tiêu chí, nguyên tắc, định hướng từ phía giáo hội cũng như các cơ quan ban ngành quản lý, ngoại trừ những quy tắc của luật xây dựng. Tuy nhiên, các ngôi chùa/tự viện Phật giáo, ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc của một công trình kiến trúc thông thường, còn phải tuân thủ rất nhiều tiêu chí về Phật giáo, về nghệ thuật, điêu khắc, về văn hoá truyền thống, về tính kế thừa, phát triển kiến trúc Phật giáo, v.v.. Việc xây dựng các tự viện hiện nay, được quyết định bởi người đứng ra hưng công, xây dựng mà không hề có sự giám sát của bất kỳ cơ quan nào (trừ giám sát về mặt xây dựng như các công trình thông thường).
Thứ mười một, về nguyên nhân của thực trạng nêu trên. Trước hết, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ làm công tác tôn giáo, quản lý văn hoá và một bộ phận tăng ni về kiến trúc Phật giáo, về giữ gìn, bảo tồn những giá trị của kiến trúc Phật giáo, di sản văn hoá Phật giáo chưa đầy đủ, khiến cho thực trạng kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại những vấn đề, những hạn chế, bất cập như đã trình bày ở trên.
Một nguyên nhân nữa, đó là chưa có những quy định, tiêu chuẩn, nguyên tắc… liên quan đến việc xây dựng, trùng tu, phục dựng một công trình, tự viện Phật giáo. Cũng không có cơ quan nào, cơ chế nào giám sát việc xây dựng, trùng tu các công trình kiến trúc Phật giáo, khiến cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
3. Một số nhận xét thay cho kết luận
Thứ nhất, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay ngày càng phong phú, đa dạng về loại hình, kiểu dáng, quy mô, phong cách, có sự tích hợp của các yếu tố truyền thống, hiện đại, trong nước, nước ngoài. Dường như, những công trình kiến trúc Phật giáo thời gian gần đây đều có xu hướng cao hơn, to hơn, thậm chí vướn tới những kỷ lục Việt Nam, kỷ lục Đông Nam Á, kỷ lục thế giới. Nhiều pho tượng cao hàng trăm nét, cao bằng những toà nhà 5-6 tầng; nhiều ngôi chùa rộng hàng chục hecta, v.v.. Đây là điều mà trong lịch sử Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ có được. Có thể nói rằng, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay là trăm hoa đua nở.
Thứ hai, công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay được thiết kế, xây dựng không chỉ với mục đích sinh hoạt Phật giáo (thờ Phật, Bồ Tát, thực hành giáo lý, giáo luật, tổ chức các nghi lễ Phật giáo…), mà còn với mục đích hoạt động xã hội của Phật giáo (hoạt động từ thiện, y tế, giáo dục, …), và mục đích thu hút người dân đến tham quan, chiêm bái, tham gia các hoạt động Phật giáo, sinh hoạt Phật giáo. Do vậy, khi có thể mở rộng về quy mô, mở rộng về công năng bao nhiêu, thì công trình kiến trúc Phật giáo được mở rộng ra đến đó.
Chính vì vậy, kiến trúc Phật giáo hiện nay được thiết kế để có thể thu hút được nhiều người đến, càng nhiều càng tốt, tức là “kiến trúc gần với đời”. Các ngôi chùa, tự viện không thuần tuý là nơi thờ Phật, thực hiện các phật sự, mà còn là nơi sinh hoạt văn hoá, tinh thần của người dân, là nơi tổ chức các sự kiện liên quan đến Phật giáo, là nơi mọi người đến tham quan, du lịch.
Thứ ba, chính vì các công trình kiến trúc Phật giáo được thiết kế, xây dựng để đáp ứng nhu cầu tôn giáo và cả nhu cầu thế tục, nên tính thiêng của công trình kiến trúc Phật giáo bị suy giảm. Chúng tôi cho rằng, tính thiêng của một công trình Phật giáo cần phải được xem là một trong những tiêu chí, nguyên tắc, định hướng trong kiến trúc Phật giáo.
Thứ tư, dường như đã có một xu hướng, dù chưa thật rõ ràng trong xây dựng, kiến thiết các ngôi tự viện đó là xu hướng Việt Nam hoá các ngôi chùa: ngôn ngữ tiếng Việt, tượng pháp (thay hệ thống tượng bằng tượng của Việt Nam (trường hợp chùa Động Ngọ, và Tu viện Vĩnh Nghiêm).
Thứ năm, hiện nay, nhu cầu xây dựng, mở rộng cơ sở thờ tự là rất lớn. Trong khi đó, diện tích đất có hạn, điều đó đã dẫn đến tình trạng cơi nới, thậm chí xây dựng khi chưa có giấy phép của chính quyền. Nhiều trường hợp đẩy chính quyền vào hoàn cảnh “việc đã rồi” khiến cho chính quyền rất khó giải quyết.
Thứ sáu, sự phát triển của Kiến trúc Phật giáo trong lịch sử đến ngày hôm nay biểu hiện trên nhiều phương diện khác nhau, một trong số những phương diện ấy chính là sự phát triển về công năng của một ngôi chùa. Từ chỗ là cơ sở thờ tự – nơi thờ phật, bồ tát, nơi thực hành các nghi lễ Phật giáo, ngôi chùa dần mở rộng công năng thành nơi giáo dục, đào tạo, thực hiện các hoạt động mang tính cộng đồng, thành địa điểm tham quan, du lịch… Chính vì vậy, các hạng mục trong một ngôi chùa/tự viện không chỉ có chính điện, nhà tổ, nhà mẫu
Ngoài ra, lịch sử phát triển của kiến trúc Phật giáo – những ngôi chùa/tự viện cũng chính là sự tích hợp của các tín ngưỡng dân gian, các truyền thống văn hoá của địa phương, vùng miền. Do vậy, công trình Phật giáo cũng được mở rộng. Cụ thể hơn, những giai đoạn đầu, Phật giáo chưa có sự dung hợp với tín ngưỡng dân gian, các ngôi chùa/tự viện chỉ là nơi thờ Phật, bồ tát, sau đó, các ngôi chùa đã có thêm hạng mục nơi thờ Mẫu, thờ các vị thần, thánh khác… kiến trúc Phật giáo do đó cũng phát triển theo.
Thứ bảy, các ngôi chùa/tự viện của Phật giáo Việt Nam hiện nay đang thiếu một biểu tượng chung để nhận diện đó là một ngôi chùa của Việt Nam. Cụ thể hơn, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay do quá phong phú, đa dạng nên thiếu tính đặc trưng, thiếu biểu tượng để nhận dạng. Trong khi đó, các nhà thờ Công giáo, thánh đường Islam thậm chí là thánh thất của Cao Đại có những biểu tượng và đặc trưng của kiến trúc rất dễ nhận dạng. Đây là điều mà kiến trúc Phật giáo Việt Nam cần phải có định hướng xây dựng.
Thứ tám, một vấn đề mà Phật giáo Việt Nam cần quan tâm đó là : trong thời gian tới, cùng với sự mở rộng hội nhập quốc tế, việc xuất hiện các dòng phái, hệ phái Phật giáo mới ở Việt Nam là một khả năng có thể xảy ra. Cùng với đó là sự xuất hiện của những công trình kiến trúc mới (ví dụ như trường hợp của Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên) như là một sự tất yếu. Vậy, đối với trường hợp này, cần có những định hướng, nguyên tắc để các công trình đó hài hoà trong tổng thế kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Thứ chín, chúng tôi cho rằng, kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay rất cần có những định hướng, có những nguyên tắc chung để đảm bảo rằng các ngôi chùa vẫn giữ gìn được những nét kiến trúc, văn hoá Phật giáo truyền thống của dân tộc, có sự tích hợp những yếu tố mới của thời đại. Một trong số những nguyên tắc ấy, chúng tôi cho rằng đó là nguyên tắc hài hoà giữa không gian thiêng (chính điện và nơi bài trí các đối tượng thờ cúng) và không gian của các công trình phụ trợ, không để không gian, hạng mục các công trình phụ trợ lấn át không gian thiêng.
Ngoài ra, các công trình kiến trúc Phật giáo trong thời gian tới cần tính đến quy hoạch không gian công cộng như bãi đỗ xe, không gian mua sắm, ẩm thực… để phục vụ nhu cầu của khách tham quan, du lịch, hành hương.
Thứ mười, một công trình, tự viện cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu tâm tinh, nhu cầu tôn giáo (tính thiêng), đồng thời đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng, của phật tử (học tập, tham quan, hoạt động xã hội…). Tuy nhiên, cần tránh xây dựng những công trình chỉ thuần tuý phục vụ nhu cầu du lịch, chỉ nhằm phục vụ cho các hoạt động mang tính thế tục, mà không chú ý hoặc chú ý đến tính thiêng, không gian thiêng của ngôi chùa.
_Chú thích:
248. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Thuận Hoá, Huế, tr. 25-26
249. Thiền Uyển Tập Anh (1990), người dịch: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga. Phân viện Nghiên cứu Phật học. Nxb Văn học, Hà Nội.
250. Thích Thọ Lạc, Nguyễn Hồng Dương (2022), Phật giáo và Phật giáo Việt Nam – Tăng già, Phật pháp, tự viện, Nghi lễ, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, tr. 234-235
251. Thích Thọ Lạc, Nguyễn Hồng Dương (2022), Phật giáo và Phật giáo Việt Nam – Tăng già, Phật pháp, tự viện, Nghi lễ, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, tr. 238
252. Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý -Trần (Mỹ thuật Phật giáo), Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội, tr. 116
253. Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý -Trần (Mỹ thuật Phật giáo), Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội, tr. 116
254. Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý -Trần (Mỹ thuật Phật giáo), Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội, tr. 118
255. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận, toàn tập, Nxb Công ty sách thời đại & Nxb Văn học, tr. 388
256. Xem: Ths.KTS. Tạ Thị Yến, Tổ chức không gian kiến trúc chùa Việt đương đại khu vực đồng bằng Bắc Bộ, in trong cuốn Ban Văn hoá -Ban Nghi lễ Trung ương, Văn hoá Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng (Ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản), Nxb Tôn giáo, 2016, tr. 399-400.
Tài liệu tham khảo:
- Phạm Anh Dũng (chủ biên, 2014), Kiến trúc đình chùa Nam Bộ, Nxb Xây Dựng, Hà Nội
- Ban Văn hoá -Ban Nghi lễ Trung ương (2016), Văn hoá Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng (Ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản), Nxb Tôn giáo, Hà Nội
- Ban Văn hoá Trung ương, Kiến trúc di sản Phật giáo-Hành trình khảo sát Phật giáo các tỉnh Nam Bộ, tài liệu khảo sát của Ban Văn hoá Trung ương năm 2022, lưu hành nội bộ
- Ban Văn hoá Trung ương, Kiến trúc di sản Phật giáo-Hành trình khảo sát Phật giáo các tỉnh Bắc Bộ, tài liệu khảo sát của Ban Văn hoá Trung ương năm 2022, lưu hành nội bộ
- Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội
- Trần Lâm Biền (chủ biên, 2008), Diễn biến kiến trúc truyền thống Việt (vùng châu thổ sông Hồng), Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội
- Ninh Viết Giao (2008), “Đôi điều về chùa xứ Nghệ”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1
- Giáo hội PGVN thành phố Hải Phòng, Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng, Chùa cổ Hải Phòng, tập 1, Nxb Hải Phòng, 2013.
- Thích Minh Hiền, Giáo trình Kiến trúc mỹ thuật Phật giáo, tài liệu giảng dạy tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, 2022.
- Nguyễn Quang Khải (2012), “Một số đặc điểm của ngôi chùa Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3.
- Tạ Quốc Khánh (2009), “Chùa tháp và Phật giáo thời Trần qua những di tích hiện còn”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11.
- Tạ Quốc Khánh (2011), “Vài nét về lịch sử chùa tháp xứ Huế”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 11.
- Thích Thọ Lạc, Nguyễn Hồng Dương (2022), Phật giáo và Phật giáo Việt Nam – Tăng già, Phật pháp, tự viện, Nghi lễ, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội.
- Thích Thọ Lạc, Chu Văn Tuấn (đồng chủ biên, 2022), Sư Bà Phương Dung với đạo pháp và dân tộc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận, toàn tập, Nxb Công ty sách thời đại & Nxb Văn học
- Đinh Viết Lực (2007), “Lớp tượng Di Đà tiếp dẫn trong bài trí an vị ở một số ngôi chùa Bắc Bộ”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8.
- Đinh Viết Lực (2011), “Tìm hiểu đôi nét về mỹ thuật Phật giáo thời Trần”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8.
- Trần Thanh Hoàng Phúc (2023), “Tổng quan kiến trúc Phật giáo ở Hội An”, Tạp chí Phật giáo Quảng Nam, số 1
- Nguyễn Đức Sự (2010), “Ngôi chùa Hà Nội hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5.
- Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2013.
- Thích Đàm Thanh (Trịnh Thị Dung) (2014), Chùa Mía – Danh lam cổ tự xứ Đoài, Nxb Tôn giáo, Hà Nội
- Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb Thuận Hoá, Huế.
- Thích Đức Thiện (2014), Phật tích – Di sản văn hoá Phật giáo, Nxb Văn hoá- Thông tin, Hà Nội
- Lê Xuân Thông (2023), “Nhận diện kiến trúc chùa (Việt) ở Hội An”, Tạp chí Phật giáo Quảng Nam, số 1
- Nguyễn Quốc Tuấn, Thích Thọ Lạc (đồng chủ biên, 2011), Chùa Yên Phú-Lịch sử và hiện tại, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
- Nguyễn Quốc Tuấn (2012), Chùa Bối Khê – Nhìn từ khảo cổ học Phật giáo, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội
- Lạc Việt (2009), Chùa Hà Nội, Nxb Hà Nội
- Chu Quang Trứ (2012), Mỹ thuật Lý -Trần (Mỹ thuật Phật giáo), Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội
- Tư liệu điền giã của tác giả trong chuyến khảo sát Kiến trúc Phật giáo miền Trung Tây Nguyên (tháng 4/2021), chuyến khảo sát Kiến trúc Phật giáo Nam Bộ (tháng 10/2022), chuyến khảo sát kiến trúc Phật giáo Bắc Bộ (tháng 12/2022)