Thực trạng Kiến trúc chùa Phật giáo Bắc tông vùng Tây Nam Bộ hiện nay – Những vấn đề đặt ra (TT. Thích Giác Nghi)

TẢI FILE PDF
——————

          1. Đặt vấn đề

          Tây Nam Bộ là vùng đất đa dạng, phong phú các dân tộc, tôn giáo. Cùng với người Việt và người Hoa, người Khmer cũng đã đến lập nghiệp ở vùng đất này từ sớm. Khoảng thế kỷ thứ 4, cùng với quá trình truyền bá của Phật giáo Nam tông vào Tây Nam Bộ, đông đảo người Khmer đã đón nhận tôn giáo này. Cho đến thế kỷ 17, Phật giáo Bắc tông mới bắt đầu xuất hiện ở đây. Với tinh thần nhập thế tùy duyên, Phật giáo Bắc tông thực hiện giới luật một cách linh hoạt và hòa nhập với tất cả các truyền thống văn hóa, tín ngưỡng cho phù hợp đời sống xã hội. Điều này, đã làm cho Phật giáo Bắc tông tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của nhân dân.

          Việc nghiên cứu kiến trúc Phật giáo Bắc tông vùng Tây Nam bộ hiện nay thông qua những hiện trạng, mô hình kiến trúc thực tế, cách bày trí và bảo tồn những di sản Phật giáo giúp chúng ta nhận diện được những giá trị văn hóa vốn có của Phật giáo mang lại. Từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực hiện tại của nó. Qua đó với mong muốn có sự thống nhất trong đa dạng về kiến trúc Phật giáo, mỹ thuật, vật liệu, màu sắc, biểu tượng, mang bản sắc dân tộc, văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam được triển khai đồng bộ và xuyên suốt.

          2. Bối cảnh, đặc điểm văn hoá vùng Tây Nam Bộ hiện nay

          Vùng Tây Nam Bộ hiện nay có 13 tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh gồm các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Theo thống kê năm 2019, với diện tích là 39.194,6 km2, Tây Nam Bộ là nơi cư trú của 44 dân tộc với dân số là 17.273.621 người, chiếm khoảng 18% dân số cả nước. Trong đó, chiếm số đông là dân tộc Kinh 15.963.219 người, chiếm 92,42%, dân tộc Khmer với 1.141.241 người, chiếm 6,6%, dân tộc Hoa với 149.449 người, chiếm 0,87% và dân tộc Chăm với 13.170 người, chiếm 0,08% 257. Như vậy, khi nói đến Tây Nam Bộ là nói đến sự đa dạng tộc người mà tiêu biểu là người Việt-Kinh, Khmer, người Hoa và người Chăm. Do đó, sự dung hợp giữa các nền văn hóa khác nhau tạo ra những nét đặc sắc cho văn hóa Tây Nam Bộ đa dạng, đa sắc màu.

          3. Phật giáo ở Tây Nam Bộ hiện nay

          Phật giáo ở Tây Nam Bộ hiện nay có hai bộ phận chính: Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông. Theo thống kê, các tự viện tại vùng Tây Nam Bộ hiện nay có 18.544 tự viện, trong đó có15.871 Tự viện Bắc tông; 462 chùa Nam tông Khmer với 45 Salate (trai đường); 106 chùa Nam tông Kinh; 541 Tịnh xá, 467 Tịnh thất, 998 Niệm Phật đường và 54 Tự viện Phật giáo người Hoa, tín đồ: Khoảng 60% /99.000.000 dân số258.

          Tuy nhiên, khi nhắc đến Phật giáo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, người ta hay thường nghĩ ngay đến hệ phái Nam tông Khmer với những nét độc đáo mỹ thuật về kiến trúc của họ. Nhưng, Phật giáo Bắc tông cũng không kém phần phong phú và đa dạng với những mô hình kiến trúc đậm chất vùng sông nước nông nghiệp.

          3.1 Phật giáo Bắc tông ở Tây Nam Bộ hiện nay

          Phật giáo Bắc tông đã có mặt ở miền Tây Nam Bộ ngay từ những buổi đầu khi lưu dân miền Bắc và miền Trung có mặt và khai phá mảnh đất này. Căn cứ vào thời gian những ngôi chùa đầu tiên của mảnh đất này (chùa Phước Lâm – Tiền Giang, chùa Bửu Hưng – Đồng Tháp khoảng thế kỷ 17; chùa Bửu Lâm – Tiền Giang, 1803, thế kỷ 19) thì thời gian Phật giáo Bắc tông có mặt ở Tây Nam Bộ có lẽ bắt đầu từ khoảng thế kỷ 17 trở về sau. Phật giáo Bắc tông vùng Tây Nam Bộ hiện nay gồm có Tịnh độ, Thiền tông (Tào Động, Lâm Tế) và có cả yếu tố Mật tông (Đông mật và Tây mật). Với truyền thống Bắc tông, đối tượng thờ cúng của Phật giáo Bắc tông vùng Tây Nam Bộ rất phong phú và đa dạng. Cách bố trí thờ cúng các tượng: Phật Tam thế, tòa Cửu Long, Thích Ca Sơ sinh, Quán Thế Âm, Hộ Pháp, tượng A Di Đà, Địa tạng Bồ Tát, La Hán, Thập Điện, Tiêu Diện, A Nan, Ca Diếp, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Bồ Đề Lạt Ma các vị Bồ Tát, Tổ sư,…

          Đặc biệt, phong trào chấn hưng Phật giáo vào thập niên 20, 30 đầu thế kỷ 20 với ba mục tiêu lớn: 1. Chỉnh đốn tăng già; 2. Kiến lập nhiều Phật học đường; 3. Diễn dịch và xuất bản kinh sách bằng chữ quốc ngữ đã diễn ra mạnh mẽ từ miền Nam ra miền Bắc. Khởi xướng từ Hòa thượng Khánh Hòa, sư Thiện Chiếu,… cùng với sự nhiệt thành ủng hộ của nhiều tín đồ Phật giáo thuần thành, trình độ tu học của tu sĩ, các tín đồ Phật giáo nơi này đã được cải thiện nhất định, đưa Phật giáo Bắc tông ở miền Tây Nam Bộ trở thành một trong những trụ đỡ tinh thần quan trọng của một bộ phận người dân trong khu vực.

          3.2 Kiến trúc chùa Phật giáo Bắc Tông ở Tây Nam Bộ

          Ngôi chùa Bắc tông ở Tây Nam Bộ thường có cấu trúc hình chữ Tam (三), Đinh (丁) hoặc chữ Công (工). Chùa có đường nóc ngắn, bốn mái rộng, đỉnh mái nhọn, các đầu đao không cong vút như chùa ngoài Bắc mà vuông thành sắc cách, gọi là mái bánh ít. Hầu hết các ngôi chùa trong vùng đều được xây mới hoặc trùng tu vào cuối thể kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, phần đa đều là các ngôi chùa xi măng cốt thép, ít có kiến trúc bằng gỗ.

          4. Hiện trạng kiến trúc chùa Phật giáo Bắc tông vùng Tây Nam Bộ hiện nay

          Trước đây, khi đời sống người dân vùng Tây Nam Bộ chưa ổn định, kiến trúc chùa vì thế cũng thô sơ, mộc mạc “ít có công trình kiến trúc đình, chùa nào được hưng công xây dựng với quy lớn và có người chuyên môn kỹ thuật giỏi phụ trách. Đa số sử dụng “nông nhàn”, ít chuyên môn, dưới hình thức “công quả” để xây dựng, các chi tiết kiến trúc ít được trau chuốt” 259. Do điều kiện thiên nhiên nơi đây ít mưa bão, chùa thường được xây cất đơn giản, cao ráo, thoáng mát, nguyên do vùng đất sông nước nên nền móng yếu và kỹ thuật còn thô sơ nên trong thời gian đầu kiến trúc chùa Nam Bộ không nặng nề và chắc như vùng Bắc Bộ.

          Tác giả Phạm Anh Dũng cũng đã nhận xét về chùa miền Nam giai đoạn 1954 – 1975: “Kiến trúc chùa tiếp tục được tập trung và phát triển mạnh tại các đô thị đông dân và thành phố lớn, nhất là tại Sài Gòn. Đa phần trang trí nội, ngoại thất đã sử dụng hầu hết các mô típ nghệ thuật phương Tây cải biến và hệ kết cấu tiên tiến đương đại. Công trình được thiết kế trước khi xây dựng và có hoạ đồ do các kiến trúc sư lập. Nhờ vậy, kiến trúc đa phần khúc chiết hơn trước đây. Trừ một số chùa nhỏ do “tư nhân” lập nên theo kiểu “cải gia vi tự” (sửa nhà làm chùa) và một số lớn các chùa dạng tịnh thất, còn lại đều có giá trị cao về mặt nghệ thuật theo phong cách đương đại.” 260 Do yếu tố lịch sử để lại, chùa Tây Nam Bộ nói riêng và Nam Bộ nói chung ít nhiều mang dấu ấn phương Tây như chùa Giác Hoa (Bạc Liêu), chùa vĩnh Tràng (Tiền Giang),…

          Chùa Phật giáo Bắc tông Tây Nam Bộ thường không có Hậu đường, tức không có gian thờ Mẫu và thờ Thánh, đây cũng là một trong những điểm khác biệt cơ bản của kiến trúc chùa ở hai khu vực Nam Bộ và Bắc Bộ. Chùa Bắc Bộ gồm có tam quan, sân chùa, bái đường, chính điện, hành lang và hậu đường, thường bố trí tượng Phật, Bồ tát đặt nơi chính điện, còn gian thờ Mẫu, thờ Thánh ở trong Hậu đường. Chùa ở Tây Nam Bộ về cơ bản có kiến trúc cũng giống như chùa ở khu vực Bắc Bộ gồm có tam quan, sân chùa, chính điện, hành lang chỉ khác là không có Hậu đường thờ Mẫu hay thờ Thánh.

          Hầu hết các ngôi chùa cổ ở Nam bộ có đặc điểm chung là quần thể kiến trúc gồm nhiều ngôi nhà nối lại với nhau. Bởi vì ngay từ khi mới xây dựng chùa được xuất phát từ những cái am, chòi tranh rất đơn sơ, nhưng theo thời gian các ngôi chùa này được trùng tu, tôn tạo nhưng dấu ấn về những tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc, chạm trổ dân gian vẫn thể hiện khá rõ qua nhiều chi tiết về kiến trúc ngôi chùa. Bố cục kiến trúc các ngôi chùa nơi đây mang tính mở.

          Một số kiểu kiến trúc chùa ở Tây Nam bộ: Kiểu chữ đinh là chùa có nhà chánh điện nơi đặt các tượng Phật và tượng Bồ tát nằm vuông góc với nhà tiền đường/bái đường. Kiểu chữ công là kiểu chùa có nhà bái đường (tiền đường) nối song song với nhà chánh điện bởi nhà thiêu hương, nối với nhà tăng đường. Có 2 hành lang dọc chánh điện. Kiểu chữ tam: là kiểu chùa có ba ngôi nhà nằm song song nhau đó là bái đường, chánh điện, tăng đường. Kiểu chùa “nội công ngoại quốc” là kiểu chùa mà nhà bái đường, chánh điện, hậu đường được nối với nhau bởi hai hành lang dài dọc 2 bên. Có chùa có thêm nhà tổ nối phía sau.

          Dẫn chứng như tác giả Nguyễn Phúc Nghiệp cho rằng, phần lớn các ngôi chùa ở Tiền Giang có bình đồ hình vuông với khung tứ trụ mở rộng về bốn phía giống như đình. Do đặc thù riêng nên trong khuôn viên chùa có nhiều dạng mục kiến trúc hơn đình, theo thứ tự từ trước ra sau, giảng đường gồm: chánh điện, tổ đường, nhà tăng, nhà bếp. Các dãy nhà trong khuôn viên chùa thường tạo ra một lối kiến trúc theo quần thể chữ tam, chữ công hoặc nội công ngoại quốc.

          Bên cạnh đó, chùa xây dựng theo dạng nhà một gian 2 chái, 3 gian 2 chái hoặc kiểu long thuyền với đòn dong nằm dọc như nhận xét của Nguyễn Phúc Nghiệp. Chùa Bửu Lâm, chánh điện có 3 gian 2 chái; chùa Vĩnh Tràng kiến trúc theo dạng chữ Quốc gồm 4 gian nối tiếp nhau; chùa Hội Thọ (Cái Bè) xây dựng theo kiểu chữ công, chùa Phước Long (Gò Công) được xây theo kiểu 3 gian, 2 chái. Chùa Sắc tứ xây dựng theo kiểu kiến trúc nhà Nam bộ, chánh điện có 5 gian và 2 chái gian nối tiếp nhau: Tiền đường, chánh điện, hậu tổ và nhà hậu.

          Tác giả Phạm Anh Dũng đã nhận định: những ngôi chùa đã được sửa lại ở Tây Nam Bộ có tiếp tục phát triển nhưng còn chậm, tiếp tục phát huy hình thức cổ truyền kết hợp hiện đại như: chùa Hội Tôn (Bến Tre, sửa 1992), chùa Bửu Hưng (Đồng Tháp, sửa 1990), chùa Thanh Trước (Tiền Giang, sửa 1989), chùa Kim Cang (Long An, sửa 1992), chùa Lưỡng Xuyên (Trà Vinh, sửa 1987,… Tất cả đều được sửa chữa lại theo lối cấu trúc mới, hiện đại. Hình thức sửa chữa hoàn toàn hiện đại đôi khi còn hổn dung với cái mới, phần lớn phong cách xây dựng đã mở ra cách nhìn mới về mãng kiến trúc chùa đương đại tại Nam Bộ.”261

          Theo quá trình khảo sát hơn 30 ngôi chùa tại vùng Tây Nam Bộ, tác giả nhận định rằng: Nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc hoành phi, câu đối tại các chùa ở đây chứa dựng các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian vô cùng độc đáo. Như tại tỉnh Tiền Giang, chùa Vĩnh Tràng có 2 đôi long trụ chạm khắc hình rồng uốn lượn một cách tinh xảo, sinh động. Trong văn hóa của người Việt Nam từ rất xưa, rồng luôn gắn với sự linh thiêng, ở vị trí tối thượng, thể hiện cho quyền uy, sức mạnh tuyệt đối của các đấng Thiên tử. Đôi long trụ thứ hai tại chùa Vĩnh Tràng có sự kết hợp rất đặc biệt, chim phượng đứng đầu rồng biểu thị cho âm dương hài hòa, trời đất giao hòa tại nơi linh thiêng này. Ngoài ra, tại chùa Vĩnh Tràng còn lưu giữ giá trị nghệ thuật điêu khắc độc đáo. Trong đó, đáng quý nhất là bộ phù điêu Bát tiên cưỡi thú được chạm trổ tinh xảo. Bát tiên là những vị tiên trong thần thoại Trung Hoa, được những người theo Đạo giáo tôn sùng. Việc trang trí Bát tiên trong chùa với ngụ ý những vị tiên này hầu Phật và Bồ tát. Mỗi vị tiên được chạm khắc ở chùa Vĩnh Tràng có một tư thế khác nhau đồng thời cưỡi một con thú và trên tay cầm một bảo bối. Ngoài ra, tại chùa còn rất nhiều bao lam, biển, bảng, hoành phi, câu đối được chạm trổ rất đẹp mang đậm nét dân gian. Không chỉ có hình ảnh tứ linh được chạm khắc tại chùa mà trong những bức tranh sơn thủy tồn tại hơn 100 năm nơi trang nghiêm này với những hình ảnh mai, lan, cúc, trúc tạo ra phong cảnh nên thơ. Không chỉ có chùa Vĩnh Tràng mà còn rất nhiều ngôi chùa khác tại các tỉnh Tây Nam Bộ thông qua nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo đã cho thấy sự dung hòa giữa Phật giáo và văn hóa dân gian.

          5. Những vấn đề đặt ra hiện nay

          Một là, tình trạng các công trình Phật giáo khi được cải tạo, sửa chữa, trùng tu, xây dựng, mới chỉ có ý kiến sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn mà không hoặc chưa có sự tham gia của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp dẫn đến bất cập trong thống nhất quản lý.

          Hai là, trong lĩnh vực này, Giáo hội chưa có thẩm quyền thực sự, toàn bộ mặt thiết kế kiến trúc, mỹ thuật của hầu hết các chùa hiện nay đều lại do các sư trụ trì trực tiếp quản lý, sử dụng, bảo vệ, phát huy. Cho nên xét về góc độ văn hóa thì đa dạng và phong phú nhưng tính thống nhất chưa cao.

          Thậm chí tại một số chùa các vị sư trụ trì tự cho sơn phết, sửa chữa lại theo ý riêng của mình cho một số công trình kiến trúc từ bên ngoài vào bên trong như các tượng cổ, các mẫu di sản như hoành phi câu đối và đắp sửa lại một số hiện vật, hạng mục, không gian,… xếp đặt vị trí không phù hợp dẫn đến nhìn vào không phân biệt được tượng, hoành phi đó là tượng, hoành phi gì, làm bằng chất liệu gì, các công trình bị thay đổi không còn mang giá trị nghệ thuật độc đáo nữa. Ở không ít ngôi chùa, việc làm này làm cho một số hoạt động của Phật giáo bị lệch chuẩn, làm một số giá trị văn hóa của Phật giáo bị thay đổi sai lệch vì vậy có những tác động không tốt đến xã hội.

          6. Những khuyến nghị đối với việc bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc văn hóa Phật giáo Tây Nam bô hiện nay

          Một là, nâng cao trình độ nhận thức, đời sống vật chất và tinh thần. Thông qua quan tâm, đầu tư phát triển giáo dục nhằm nâng cao trình độ nhận thức, trình độ khoa học, trình độ dân trí để người tu sĩ và người dân hiểu được, ý thức được những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần mà Phật giáo mang lại cho họ.

          Hai là, cần phải đánh giá lại giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi chùa trước khi trùng tu xây dựng. Hiện nay, khi điều kiện kinh tế ngày một tốt hơn, việc trùng tu, tôn tạo lại cơ sở thờ tự của Phật giáo là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc trùng tu, tôn tạo hoặc xây mới cần phải được thiết kế theo một bộ quy chuẩn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mang tính đặc thù thống nhất trong đa dạng của từng hệ phái để làm tỏa sáng lên giá trị văn hóa và đảm bảo tính kế thừa nét đẹp truyền thống Phật giáo. Để làm tốt được việc này, trước khi trùng tu, tôn tạo cần phải đánh giá lại giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi chùa.

          Ba là, cần quan tâm đến tính nguyên bản của giá trị lịch sử. Việc trùng tu tôn tạo hay xây mới chùa cần được các cấp chính quyền ở địa phương, đặc biệt là Ban Tôn giáo của tỉnh phối hợp với Sư trụ trì để định hướng sao cho việc trùng tu tôn tạo đảm bảo được những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Việc trùng tu, tôn tạo cần phải chú ý đến tính nguyên bản, đặc biệt là giá trị lịch sử của ngôi chùa nhưng cũng không bỏ qua giá trị hiện đại và những sáng tạo nghệ thuật mới.

          Bốn là, tránh việc trùng tu, tôn tạo xây dựng chùa chạy theo hình thức, theo phong trào, vì danh tiếng phải xây dựng chùa, tượng Phật càng lớn, gây lãng phí tiền của,…

          Năm là, việc triển khai thực hiện phải đồng bộ thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đã là thống nhất thì cần sự hướng dẫn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban trị sự các tỉnh thành, quy định cụ thể, xây dựng những đặc trưng kiến trúc, những kết cấu, biểu tượng,.. để dễ dàng nhận diện đó là chùa Phật giáo Bắc tông tại Việt Nam.

          Sáu là, tăng cường nghiên cứu khoa học về các loại hình kiến trúc – di sản Phật giáo. Việc làm này giúp chúng ta có được những đánh giá tổng thể, đầy đủ và khách quan về giá trị của các di sản kiến trúc này. Đặc biệt, công tác thống kê, kiểm kê các công trình kiến trúc Phật giáo, các di vật Phật giáo, cổ vật Phật giáo, bảo vật liên quan Phật giáo, được tiến hành một cách nghiêm túc, cẩn thận, và đăng ký đầy đủ theo tiêu chuẩn qui định để bảo quản, bảo vệ bền vững. Nhưng công việc này cần có các chuyên gia, thành viên cộng đồng am hiểu sâu sắc về văn hóa của các cộng đồng tôn giáo, Phật giáo,…

          Bảy là, cần phải tuyên truyền và nâng cao nhận thức hơn nữa về di sản kiến trúc Phật giáo. Thông qua các cuộc tập huấn bảo tồn kiến thức hằng năm của ngành Bảo tồn Di sản văn hóa, ngành Kiến trúc lĩnh vực Tôn giáo trong đó có Phật giáo,… Ứng dụng một cách phù hợp công nghệ thông tin và truyền thông để quảng bá ý nghĩa và giá trị của di sản kiến trúc Phật giáo trong nước và quốc tế.

          7. Kết Luận

          Văn hóa Phật giáo ảnh hưởng rất sâu rộng đến đời sống hằng ngày của người Việt. Phật giáo không những thích ứng với hoàn cảnh lịch sử, địa lý và văn hóa của dân tộc, mà còn hòa nhập với dân tộc như nước với sữa, đã biến thành một niềm tin gì đó rất gần gũi, thân thương với dân tộc Việt Nam, với con người Việt Nam. Phật giáo Bắc tông vùng Tây Nam Bộ hiện nay, xét về tổng thể thì mô hình chùa Tây Nam Bộ luôn gắn liền với yếu tố sông nước rất rõ rệt. Từ loại hình kiến trúc, khung sườn, nghệ thuật đều rất nhẹ nhàng, đơn giản từ màu sắc đến cách bày trí thờ cúng,… tuy nhiên chùa Tây Nam Bộ có rất nhiều điểm tương đồng về nhận thức, về tính cộng đồng, văn hóa ứng xử hay còn gọi là văn hóa truyền thống so với chùa Bắc bộ.

          Việc nghiên cứu về kiến trúc chùa Phật giáo Tây Nam bộ hiện nay thông qua những hiện trạng, mô hình thực tế, cách bày trí và bảo tồn những di sản Phật giáo giúp chúng ta nhận diện được những giá trị văn hóa vốn có của Phật giáo mang lại. Qua đó với mong muốn có sự thống nhất trong đa dạng về kiến trúc Phật giáo, mỹ thuật, vật liệu, màu sắc, biểu tượng, mang bản sắc dân tộc, văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam được triển khai một cách đồng bộ.

 

 

 

_Chú thích:

257. Ủy ban Dân tộc, Tổng cục thống kê, (2019). Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội, Tr 135

258. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2022), Văn kiện đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam toàn quốc nhiệm kỳ (2022- 2027), Hà Nội, tr 7

259. Phạm Anh Dũng (2014), Kiến trúc đình chùa Nam Bộ, Nxb. Xây dựng, Hà Nội, tr. 78.

260. Phạm Anh Dũng (2014), Kiến trúc đình chùa Nam Bộ, Sđd, tr. 40-41.

261. Phạm Anh Dũng (2014), Kiến trúc đình chùa Nam Bộ, Nxb. Xây dựng, Hà Nội. tr. 40

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo tình hình tôn giáo vùng Tây Nam Bộ năm 2015. Tài liệu nội bộ.
  2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, (2022), Văn kiện đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam toàn quốc nhiệm lỳ 2022-2027. Hà Nội.
  3. Hoàng Văn Chung, Phạm Thị Chuyền (2018), “Những xu thế phát triển mang tính tương phản của Phật giáo ở Việt Nam hiện nay”, Kỷ yếu hội thảo khoa học “Đa dạng tôn giáo ở khu vực Tây Nam Bộ hiện nay và định hướng chính sách”.
  4. Phạm Anh Dũng (2014), Kiến trúc đình chùa Nam Bộ, Nxb. Xây dựng, Hà Nội.
  5. Nguyễn Phúc Nghiệp (2016), Nghiên cứu văn hóa dân gian ở tỉnh Tiền Giang, đề tài cấp tỉnh, tỉnh Tiền Giang.
  6. Trần Hồng Liên, (2019), Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  7. Ủy ban Dân tộc, Tổng cục thống kê, (2019), Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội.