Một trong những đặc trưng nổi trội của Phật giáo Việt Nam là có sự hoà nhập giữa Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ với tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người Việt. Đặc điểm này đã làm nảy sinh một hệ thống chùa vừa thờ Phật, vừa thờ Thánh, với nơi thờ Thánh có vị trí nhất định trong khu thờ chính, chỉ sau nơi thờ Phật (hoặc nằm trong một kiến trúc riêng biệt sau thượng điện, hoặc trong một gian thờ riêng được quây kín có tính thâm nghiêm bên cạnh gian thờ Phật, hoặc phối thờ cùng tượng Phật giáo ở thượng điện), được gọi là các chùa tiền Phật hậu Thánh.
Các vị Thánh được thờ trong loại chùa này đều là những “nhân thần”, là những nhà sư nhờ học tập, tu luyện, đã có tài thần thông biến hóa, có những khả năng của một vị thần. Tuy được gọi là thiền sư, nhưng cách thức tu của các nhà sư này mang nhiều yếu tố Mật tông, thậm chí còn kết hợp với Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian, biết sử dụng các thuật phong thuỷ, sấm kỳ, cầu đảo, điều phục tà ma, bốc thuốc… Nhờ những khả năng này, họ cứu dân giúp nước, trở nên có vai trò lớn đối với nhân dân một vùng hay nhiều vùng. Trong các chùa này, họ được thờ không phải với tư cách là thiền sư hay Tổ chùa, mà như những đức Thánh đầy quyền năng262. Kết quả khảo sát cho thấy các vị Thánh được thờ trong chùa tiền Phật hậu Thánh bao gồm: Thánh Từ Đạo Hạnh, Thánh Nguyễn Minh Không, Thánh Dương Không Lộ, Thánh Nguyễn Giác Hải, Thánh Nguyễn Bình An, Thánh Nguyễn Đạo Hạnh.
Qua nghiên cứu khảo sát các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh ở đồng bằng Bắc Bộ, các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết: chùa tiền Phật hậu Thánh với cấu trúc điện Thánh riêng biệt đã được định hình và phát triển ở thế kỷ XVII. Tham khảo các tài liệu nghiên cứu đi trước và thực tế khảo sát, chúng tôi cơ bản đã tổng hợp được 27 ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, để thống kê các ngôi chùa trên, không chỉ căn cứ cấu trúc ngôi chùa, mà còn căn cứ vai trò của Thánh trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại địa phương. Khái niệm tiền Phật hậu Thánh ở đây, không chỉ trên cơ sở vị trí thờ Thánh trong chùa, là yếu tố trên thực tế đã chịu sự thay đổi theo thời gian, mà còn ở vai trò của việc thờ Thánh chi phối đến sinh hoạt tín ngưỡng của người dân khu vực. Hầu hết 27 ngôi chùa này đều có niên đại khởi dựng từ sớm, tuy nhiên trải qua nhiều biến động trong lịch sử (chiến tranh, thiên tai, các lần tu sửa…), nhiều chùa không còn giữ được nguyên vẹn các giá trị cũ.
Các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh tiêu biểu đều tọa lạc tại những nơi có địa thế đẹp: chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Vằn nằm trên sườn núi và đỉnh núi, bố cục cao dần, lấy viễn cảnh đồi núi, mặt nước vào cảnh chùa. Các chùa khác nằm ở khu đất rộng rãi, bằng phẳng, không gian thoáng đãng, kề bên khúc uốn của sông (chùa Láng, Keo Thái Bình), ngã ba sông (Keo Hành Thiện). Do địa thế đẹp và đa dạng nên có thể cảm nhận vẻ đẹp của kiến trúc cảnh quan từ nhiều góc độ: trên đỉnh núi, mặt đê nhìn xuống tổng thể, từ chân núi nhìn lên, bên kia sông/ hồ nhìn sang. Hầu hết các chùa hướng ra dòng chảy, hoặc trước mặt là ao nước: chùa Láng, chùa Keo Thái Bình, Keo Hành Thiện, chùa Ông, chùa Bi, chùa Bối Khê, chùa Đồng Bụt nằm sát sông hoặc gần sông; chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa La Phù, chùa Ngãi Cầu, chùa Nghĩa Xá trước mặt là ao lớn. Mặt nước đóng vai trò quan trọng trong bố cục tổng thể các chùa tiền Phật hậu Thánh, hầu hết các chùa tiền Phật hậu Thánh tiêu biểu chúng tôi tiến hành khảo sát đều khai thác yếu tố mặt nước trong bố cục cảnh quan (13/14). Mặt nước là yếu tố thu hút của cảnh quan chung, đóng vai trò liên kết giữa kiến trúc tạo cảnh (thủy đình, cầu), cây xanh và sân chùa.
Vị trí tọa lạc của các chùa tiền Phật hậu Thánh rất chú trọng đến việc thỏa mãn yêu cầu của phong thủy:
+ Bia Tạo lệ chùa Láng khắc năm 1656 do tiến sĩ Nguyễn Văn Trạc có đoạn “…khí tốt Phượng thành bên hữu toả khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng, Nhị Hà nghìn dặm quanh Kinh đô uốn khúc, như rồng xanh lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp…”
+ Chùa Thầy tựa lưng núi Sài, được xem là con rồng lẻ đàn (quái long), chung quanh có thập lục kỳ sơn (lân, phượng, rùa…) chầu về. Chùa dựng trên khu đất hàm rồng, mặt nhìn ra núi Long Đẩu, phía trước là hồ Long Trì (ao rồng), xung quanh có làng xóm đông vui, miệng rồng há ra đón hòn ngọc là thủy đình, hai bên có giếng tượng trưng cho mắt rồng…264
+ Chùa Bi nằm trên khu đất có thế đầu rồng, 2 bên tam quan chùa có hai giếng mắt rồng (nay chỉ còn một, một giếng đã bị lấp để xây nhà văn hóa xã).
+ Văn bia chùa Keo Thái Bình dựng năm 1632 ghi “…phía chu tước là dòng Xà Giang chầu vào bao la vạn khoảnh, phía huyền vũ sông Hoàng Giang vòng lại mênh mông, bể Nam Hải uốn quanh từng khúc phô hình dải lụa xanh lam, dãy rừng cây tua tủa vươn cao như búi tóc mây màu lục…”.
+ Bia Thần Quang tự đại pháp sư bi chùa Keo Hành Thiện đã ghi “chùa Thần Quang, xã Hành Cung, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường là nơi vượng khí trời Nam, danh lam nước Việt. Núi cao chót vót nghìn hàng như dáng hùng dáng hổ, dòng ngân nước uốn mênh mông, khúc lượn quanh co cuồn cuộn, anh linh do kiền khôn chung đúc, tu luyện thành tiên thành Phật”.
+ Câu đối khắc trên cột hiên bằng đá ở tiền đường chùa Bối Khê có ghi: “Dòng sông Đỗ Động nước từ đằng Đông chảy lại, có cầu đá vững chắc bắc qua. Dáng núi như chiếc bút trấn ở phía Bắc, bảo đảm cho đất tụ khí linh thiêng”265
+ Chùa Trăm Gian nằm trên núi Sở, xung quanh có các gò đống chầu về mang tên con Long, núi Hổ, con Mộc, con Hỏa… sau lưng chùa phía xa là dãy núi Tử Trầm, phía trước mặt có dòng sông Đáy chảy qua266.
+ Các chùa khác như chùa Ông, Keo Hành Thiện, Đồng Bụt còn dấu tích dòng nước chảy qua trước mặt…
Các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh tiêu biểu thường có qui mô khá lớn, có những chùa quy mô thuộc loại lớn nhất khu vực Bắc Bộ như chùa Keo Thái Bình (theo văn bia xưa chùa rộng tới 28 mẫu, tương đương 108000m2, hiện nay có diện tích 41.562m2), chùa Keo Hành Thiện có tổng diện tích là 5 mẫu (18000m2), chùa Bối Khê có tổng diện tích 14.544,4m2267… Với quy mô lớn, chùa thường có bố cục trải dài theo trục chính, các kiến trúc chính có bố cục đăng đối. Do sự đa dạng của đối tượng thờ mà chùa có các hạng mục công trình các chùa thờ Phật thường không có như nghi môn, tả hữu mạc, điện thánh, giá roi, gác trống, sập đá…
Các kiến trúc trong chùa tiền Phật hậu Thánh thường không quá to lớn về mặt bằng và chiều cao nếu so với các di tích kiến trúc khác như đình làng. Các công trình có kích thước, tỉ lệ hài hòa với con người, ẩn dưới bóng cây xanh, tổng thể trải dài trên mặt bằng, gồm nhiều tòa ngang dãy dọc, không gian rộng thoáng với nhiều lớp sân vườn, mặt nước. Tạo điểm nhấn cho tổng thể công trình thường là một kiến trúc có chiều cao nổi trội như nghi môn (Bối Khê), gác chuông (chùa Keo, chùa Thầy, chùa Bi, chùa Cổ Lễ), tam quan kiêm gác chuông (chùa Keo Hành Thiện, chùa Bối Khê, chùa Trăm Gian, chùa Tây Lạc), điện Thánh (chùa Bối Khê)…
Trên bố cục tổng thể của chùa tiền Phật hậu Thánh cơ bản có thể chia làm 2 khu vực: khu nội tự (tam bảo, điện Thánh, hành lang, hậu đường) với bố cục khép kín, không gian có tính chất đóng; khu vực đón tiếp và phụ trợ (nghi môn, tam quan, sân hội, các hạng mục phục vụ cho việc rước Thánh và lễ hội) có không gian mở. Không gian trong khu nội tự ở các chùa tiền Phật hậu Thánh tiêu biểu có quy mô lớn, do chùa tiền Phật hậu Thánh có nhiều hạng mục, về cơ bản có bố cục hướng tâm, không gian tĩnh lặng. Trong khu nội tự thường chú trọng trồng các loại cây, hoa cảnh quý, các công trình thường có cốt nền nâng cao dần, cao nhất ở khu vực điện Thánh, tạo khung cảnh bồng lai thoát tục, không gian mang tính thiền và đôi khi phảng phất hơi hướng của đạo Lão.
Không gian kiến trúc cảnh quan được cảm nhận từ các góc nhìn khác nhau, có nhịp điệu với các khoảng đóng mở liên tục của sân vườn, cổng phụ, tiểu cảnh và lối dạo dọc theo hành lang, từ tam bảo, qua điện Thánh và các công trình khác, tạo độ sâu trong không gian ngôi chùa.
Nếu không gian nội tự có tính tĩnh và khép kín, thì do chức năng của mình, không gian phía ngoài liên quan đến các hoạt động lễ hội của chùa có tính mở với sân rộng, đường rước, nơi để kiệu Thánh để thoáng, tả hữu vu (sắp lễ, phục vụ lễ hội)… Nhiều chùa có không gian thoáng đãng, chỉ ngăn cách với bên ngoài bằng những ranh giới mang tính ước lệ như bờ ruộng, hàng cây, hồ nước, tam quan, nghi môn đứng độc lập, không nối với tường rào… Với sự ảnh hưởng của Phật phái Mật tông, chủ trương dùng hình tượng cụ thể (phong thuỷ, nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình) kết hợp với mật chú, mật ngữ để khai mở trí tuệ và giác ngộ, không gian bên ngoài được tổ chức với sự kết hợp của các yếu tố kiến trúc và cảnh quan, gây ấn tượng mạnh với thị giác bởi các yếu tố tạo cảnh đặc sắc.
– Các hạng mục kiến trúc hài hòa cân xứng, giải quyết nhuần nhuyễn các mối tương quan về hình khối và màu sắc.
– Bố cục giữa kiến trúc, cây xanh, mặt nước xa gần hợp lý tạo ấn tượng trong không gian với các lớp kiến trúc cảnh quan theo cấp độ cận cảnh (kiến trúc, cây xanh, đường dạo… sát tầm nhìn)/ trung cảnh (được hình thành chủ yếu bằng đường viền của các mảng lớn gồm công trình, cụm cây ở xa hơn)/ viễn cảnh (viễn cảnh thường dùng thủ pháp mở không gian, lấy cảnh núi hay mặt nước của thiên nhiên vào tầm nhìn của bố cục phong cảnh)
– Cảnh quan được tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau, dưới nhiều góc nhìn khác nhau, theo các lối đi đến di tích và trong di tích. Toàn cảnh chùa có thể nhìn từ trên cao (mặt đê chùa Keo Thái Bình, trên núi Sài chùa Thầy, đỉnh tháp chùa Cổ Lễ), nhìn lên từ chân núi (chùa Trăm Gian), từ bên kia của hồ nước (chùa Ông, chùa Thầy, chùa Đồng Bụt), từ các lối đi chính hoặc các lối đi có bố cục tự do trong khuôn viên di tích, nếu nằm trên đồi núi thì tổng thể được bố cục theo địa hình nâng cao để nhìn rõ hậu cảnh từ xa, tạo các lối đi và điểm nhìn tới các cụm cảnh quan đã được sắp đặt…
– Nhiều công trình trong các chùa tiền Phật hậu Thánh có giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc, có thể được coi là những kiến trúc truyền thống tiêu biểu. Bản thân các công trình này đạt giá trị cao về thẩm mỹ, khi đặt ở vị trí trung tâm của bố cục cảnh quan thì sự cảm nhận về vẻ đẹp của kiến trúc nói riêng và của cụm cảnh quan nói chung được nhân lên gấp bội. Có thể kể đến các cụm cảnh quan như nghi môn chùa Láng và hàng muỗm cổ thụ; thủy đình, Nhật, Nguyệt Tiên kiều ở hồ Long Trì chùa Thầy; tam quan, hồ nước và hàng cây gạo chùa Keo; gác chuông và sân vườn, hành lang bao quanh chùa Keo; tam quan – gác chuông, hồ nước và cây đa cổ thụ chùa Keo Hành Thiện; tam quan – gác chuông, đồi phi lao và các bậc đá dẫn lên tam bảo chùa Trăm Gian…
Các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh do tính chất thờ tự của mình, vừa là nơi thờ Phật lại vừa là nơi thờ Thánh, mà trong đó, vị Thánh được người dân gửi gắm những nỗi niềm và mong ước khác nhau về sức khỏe, tiền tài, chứ không chỉ là sự bình an nơi cửa Phật. Do đó, các chùa này vừa thờ Phật với không gian tĩnh lặng, lại có tính chất của đền với các hoạt động tưởng nhớ, tôn vinh và cầu khấn sự phù hộ của thần linh, đặc biệt có các lễ hội xoay quanh ngày sinh, ngày mất và các sự kiện trọng đại trong hành trạng của vị Thánh được tôn thờ. Do tính chất đa dạng của sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, trong khu thờ tự mang tính tĩnh của nơi thờ Phật, có khu thờ Thánh thâm nghiêm, đôi khi có các khoảng vườn xen với cây hoa cảnh, đá xếp… tạo cảnh bồng lai mang ảnh hưởng Đạo giáo (chùa Thầy, chùa Bối Khê).
Phần lớn các chùa tiền Phật hậu Thánh là những ngôi chùa cổ, có niên đại khởi dựng từ xa xưa. Các vị Thánh được thờ trong chùa đã có sức ảnh hưởng sâu rộng trong người dân sở tại. Ở nhiều địa phương có chùa tiền Phật hậu Thánh, vị Thánh được thờ trong chùa đồng thời cũng là Thành Hoàng làng, chùa đóng vai trò lớn hơn đình trong sinh hoạt cộng đồng làng xã, thậm chí nhiều làng không có đình, hay như làng Hành Thiện đình làng chỉ là nơi hội họp mà không thờ Thành hoàng. Trong chùa xuất hiện thêm hạng mục vừa để phục vụ lễ hội trong những dịp hội chùa, lại vừa là nơi họp bàn việc làng như tòa giải vũ ở chùa Nghĩa Xá, tòa giá roi ở chùa Keo Thái Bình (sau này, thế kỷ XIX, làng Dũng Nhuệ mới dựng thêm đình).
Một số chùa nằm trong hệ thống di tích cùng thờ một vị Thánh có mối liên hệ theo vùng, các di tích nằm trong các làng lân cận và liên quan đến các sự kiện trong cuộc đời vị Thánh đó. Giữa các di tích này có sự liên kết về hoạt động tín ngưỡng, trong dân gian vẫn truyền các câu ca: Nhớ ngày mồng bảy tháng ba, Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy; Mùng bảy hội Thầy mùng mười hội Sếp nhớ ngày mà đi (hội Sếp là hội chùa Đồng Bụt). Mối liên hệ này không chỉ ở không gian làng/liên làng, mà còn là không gian văn hóa tín ngưỡng với các hoạt động lễ hội đan cài xung quanh ngày sinh, ngày hóa của Thánh như lễ hội chùa Láng và các chùa khác có liên quan ở 2 bên bờ sông Tô Lịch, bao gồm chùa Láng, chùa Nền, chùa Hoa Lăng, chùa Tam Huyền và chùa Dục Tú; Hội chùa Thầy và chùa Đồng Bụt; các chùa tiền Phật hậu Thánh thờ Dương Không Lộ/ Nguyễn Minh Không ở Thái Bình, Nam Định như chùa Keo Thái Bình, Keo Hành Thiện, chùa Cổ Lễ và cụm di tích đình, đền Lại Trì ngoài hội xuân thì đồng loạt mở hội chính là hội thu…
Các ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh ở đồng bằng Bắc Bộ, với tất cả các đặc điểm của mình về không gian kiến trúc và các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, thể hiện sự đan xen các lớp văn hoá, tôn giáo và tín ngưỡng bao gồm tín ngưỡng thờ thần linh nông nghiệp, thần sông nước, thờ Tổ nghề (múa rối, đúc đồng) và lớp ảnh hưởng của Thiền, Mật và Đạo ở khu vực. Những lớp văn hóa này đã khoác thêm nhiều tầng hình ảnh lung linh và uy lực siêu nhiên cho vị Thiền sư với tiểu sử, hành trạng rõ ràng và được nhân dân tôn vinh trở thành một vị Thánh được thờ phụng ở nhiều nơi, có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân một số vùng ở đồng bằng Bắc Bộ cho đến tận ngày nay. Đây có thể coi là những hình ảnh của một người anh hùng văn hóa, nâng đỡ sức mạnh tinh thần cho cư dân nông nghiệp, đặc biệt là người dân ở các vùng đất mới trong các công cuộc khai canh, khẩn hoang từ đầm lầy thành đồng ruộng ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình từ xưa tới nay.
Các chùa tiền Phật hậu Thánh đều nằm khu vực ở trung tâm của đồng Bằng Bắc Bộ, thường ở những khu vực có địa thế đẹp, đông dân cư, tổng thể nhiều di tích không còn không gian cảnh quan nguyên vẹn. Bảo tồn không gian kiến trúc cảnh quan các chùa tiền Phật hậu Thánh là việc làm hết sức quan trọng, nhằm gìn giữ giá trị quý giá di sản chùa Việt.
_Chú thích:
262. Sở Văn hóa Thể thao Hà Tây (1999), Di tích Hà Tây, tr. 10
263. Viện Bảo tồn di tích (2000-2009), Dự án điều tra cơ bản di tích kiến trúc cổ truyền của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ.
264. Đặng Thị Phong Lan (2012), Nghệ thuật kiến trúc chùa Thầy với Phật giáo Mật tông, Luận án Tiến sĩ Văn hóa dân gian “Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa Thầy”, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tr…
265. Sở Văn hóa Thể thao Hà Tây (1999), Di tích Hà Tây, tr.79. 266 Phạm Thị Thu Hương (2007), Những ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh ở vùng châu thổ Bắc Bộ, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học – Đại học Văn hóa, Hà Nội, tr. 86.
267. Xem: Nguyễn Quốc Tuấn (2001), Di tích chùa Bối Khê, Luận án Tiến sĩ Lịch sử – Viện Khảo cổ học, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
- Phạm Đức Duật (2008), “Vấn đề tiểu sử hai thiền sư đời Lý: Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không”, Hán Nôm, số 06.
- Đỗ Danh Huấn (2008), Làng Đồng Bụt và thiền sư Từ Đạo Hạnh, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3.
- Phạm Thị Thu Hương (2007), Những ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh ở vùng châu thổ Bắc Bộ, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học – Đại học Văn hóa, Hà Nội.
- Phạm Thị Thu Hương (2005), “Về các lớp văn hóa trong sự tích Thánh Dương Không Lộ” , Văn hóa Nghệ thuật, số 2 (11).
- Đặng Thị Phong Lan (2012), Nghệ thuật kiến trúc chùa Thầy với Phật giáo Mật tông, Luận án Tiến sĩ Văn hóa dân gian “Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa Thầy”, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
- Vũ Tuyết Mai, Nguyễn Văn Chiến (2009), “Mỹ thuật cổ chùa Ông”, Mỹ Thuật
- Sở Văn hóa Thể thao Hà Tây (1999), Di tích Hà Tây.
- Nguyễn Quốc Tuấn (2001), Di tích chùa Bối Khê, Luận án Tiến sĩ Lịch sử – Viện Khảo cổ học, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
- Viện Bảo tồn di tích (2000-2009), Dự án điều tra cơ bản di tích kiến trúc cổ truyền của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ.