1. Dẫn nhập
Trong quá trình hình thành và phát triển kiến trúc các ngôi chùa Việt ở Bắc Bộ, đến thế kỷ 17, ta có thể thấy rằng mô hình kiến trúc Nội công ngoại quốc đã phát triển một cách kiện toàn. Mô hình này được tìm thấy trong hầu hết các ngôi chùa lớn nhỏ, các tổ đình Phật giáo ở miền Bắc. Tuỳ theo kích thước qui mô các ngôi chùa lớn hay nhỏ mà mô hình này được kiến tạo tuỳ theo mục đích sử dụng với những thành phần kiến trúc khác nhau. Tuy nhiên mô hình kiến trúc “Nội Công Ngoại Quốc” là thuật ngữ chủ yếu để chỉ không gian kiến trúc chính của ngôi chùa, còn các thành phần kiến trúc khác, có thể chỉ được xem như các công trình có tính phụ trợ.
Mô hình kiến trúc nội Công ngoại Quốc là cách gọi theo lối triết tự từ chữ Hán, “nội Công” là dạng mặt bằng hình chữ công (工), còn “ngoại Quốc” (国) là chiết tự từ đường bao của chữ Quốc (囗) . Cách triết tự này lấy ra từ hình thái khái quát của kiến trúc nóc mái trong tổng thể một công trình. Chữ Công trong ngôi chùa thường được tạo nên bởi các nóc mái của toà Tiền đường + toà Thiêu hương + toà Thượng điện. Trong đó Tiền đường thường có kết cấu 5-7 gian, toà Thiêu hương/ ống muống 1-3 gian và Thượng điện từ 1-3 gian. Chữ “Quốc” được tạo nên bởi Tiền đường, hai dãy hành lang 2 bên và nhà tổ + tăng/ni ở hậu đường của ngôi chùa, tạo thành một vòng khép kín. Như vậy chữ Công và chữ Quốc trong một ngôi chùa thường có chung nhau một “nét chữ” được tạo ra bởi nóc mái nhà Tiền đường. Tuy nhiên thể loại kiến trúc “nội Công ngoại Quốc” có một hình thức khá linh hoạt trong các ngôi chùa Việt.
Từ quá trình phát triển kiến trúc chùa Việt ở Bắc Bộ, có thể chia các mô hình kiến trúc Nội công ngoại quốc ra làm 3 loại theo kết cấu và qui mô của mỗi ngôi chùa:
– Ngôi chùa nội công ngoại quốc cơ bản / thông thường
– Ngôi chùa nội công ngoại quốc phức hợp
– Ngôi chùa nội công ngoại quốc giản lược
Có thể thấy rằng các mô hình thể loại này không nhất thành, bất biến một cách cứng nhắc mà tuỳ theo địa thế đất, cảnh quan môi trường, phong thuỷ của mỗi ngôi chùa cụ thể hình thức kiến trúc này đã có những đáp ứng linh hoạt. Cho dù là những ngôi chùa được dựng trên núi hay ngôi chùa ở vùng đồng bằng thì mô hình kiến trúc “nội công ngoại quốc” trên dường như vẫn đáp ứng được nhu cầu xây dựng nên một không gian tâm linh cho các sinh hoạt Phật giáo của các chư tôn đức, tăng ni. Chính sự linh hoạt này đã kiến tạo cho ngôi chùa Việt ở Bắc Bộ những dáng nét phong phú và đa dạng trong sự thống nhất của một kiểu dạng kiến trúc đặc trưng.
2. Ngôi chùa có kết cấu nội công ngoại quốc cơ bản/ thông thường
Với các ngôi chùa nội công ngoại quốc thông thường, kết cấu của ngôi chùa cơ bản như được mô tả ở trên gồm nóc mái: Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện là chữ Công, dãy hành lang cùng nhà tổ, tăng phía sau tạo thành đường bao chữ Quốc khép kín. Riêng kết cấu của chữ Công được dựng theo hình thức là kiến trúc có sự bắc cầu từ hai gian giữa của toà Thượng điện và toà Tiền đường (làm thành hai nét ngang trước và sau của chữ Công) bằng toà Thiêu hương là toà dọc (nét dọc ở giữa). Nếu nhìn từ trên xuống, hệ mái bao che bên ngoài, nét sống đỉnh mái sẽ tạo thành hình chữ Công. Về kết cấu bên trong, kiến trúc cơ bản của một chữ Công là mái bằng mái, tàu bằng tàu và gian bằng gian. Thượng lương của toà dọc nằm giữa sẽ nối với trung điểm của thượng lương hai toà ngang. Theo đó các bước cột và bước hoành cũng được chia đều đặn để tạo nên các gian có độ rộng tương đương nhau giữa toà trong và ngoài. Bộ vì của toà Thiêu hương tuỳ theo toà này được dựng bao nhiêu gian sẽ có ngần ấy bộ vì tương ứng cũng vuông góc với các bộ vì kèo của hai toà nhà ngang. Khoảng rộng bước cột cái vì kèo của toà này cũng là khoảng không để đặt tượng Phật trong nội thất, không gian thích hợp để tạo ra những lớp cửa võng trùng điệp khi nhìn từ phía chính diện của Tiền đường.
Từ kết cấu cơ bản kể trên, việc tạo ra kết cấu chữ công trong kiến trúc cũng có những linh hoạt nhất định. Ở một số ngôi chùa, do nhu cầu bày đặt tượng Phật ở vị trí cao, nên toà Thượng điện thường được dựng cao hơn Tiền đường nên khi thiết kế mô hình chữ công không thể tuân thủ theo kết cấu chung kể trên thì giải pháp thượng lương của toà dọc được ghép với hoành thứ 2 của toà Thượng điện, tức mái toà Thiêu hương thấp hơn hẳn so với nóc Thượng điện là 2 hoành. Điều này cũng khiến cho lòng nhà ở toà Thiêu Hương cũng có phần hẹp hơn. Nếu quan sát phía bên ngoài thì người ta vẫn tạo nên bờ nóc của toà Thiêu Hương ăn nhịp mới bờ nóc của Tiền đường dù mái đã thấp hơn một nhịp. Phần nối giữa hai mái phía bên ngoài người ta cũng phải tôn cao để lợp bằng khoảng chữ V giữa hai sườn mái để chống thấm dột trong kiến trúc. Chưa kể đến tính chặt chẽ trong kiến trúc này còn dựa vào hệ thống tường bao xung quanh, khiến cho các thiết kế mái dẫu có cao thấp vẫn có độ trụ để tạo nên những liên kết liên hoàn nhất định và thuận mắt trong xử lý giải pháp. Điển hình là Thượng điện của chùa Bối Khê có ba nhịp độ cao khác nhau giữa Tiền đường, toà Thiêu hương cao hơn nóc Tiền đường và toà Thượng điện cao nhất.
Trên thực tế cho thấy khi tạo nên kết cấu nối liền giữa các toà nhà như vậy mô hình chung, không gian nội thất bên trong của các toà nhà đã được mở rộng ra đáng kể tạo thành một không gian thống nhất vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu. Sự trải ra hai bên của toà tiền đường và sự thu vào thành một trục hút lên về phía thượng điện, đến điểm sâu nhất lại mở ra rộng rãi hơn, khiến cho kiến trúc điện Phật có độ thắt mở nhất định. Không gian ấy cũng vô cùng thích hợp với các sinh hoạt tôn giáo như tập hợp các tín đồ Phật tử đảnh lễ ở gian Tiền đường và tạo nên tuyến đơn cho các hoạt động chạy đàn hay nhiễu Phật quanh ban Tam bảo. Ngoài ra, việc thiết kế một toà nhà dọc trong kiến trúc chữ Công còn đem lại một lợi ích nữa trong việc bài trí tượng Phật, phần nóc mái hình tam giác tạo nên một độ cao thống nhất từ ngoài vào trong. Nếu nóc thượng điện được làm cao hơn nữa so với toà Tiền đường thì không gian nội thất là vô cùng rộng và sâu, phù hợp với nhu cầu bài trí thành các cấp bậc trong Thượng điện nơi đặt để các lớp tượng Phật. Đặc điểm này đã làm nên sự khác biệt giữa kiến trúc chữ Công của Chùa với Đình, Đền, Miếu. Phần hậu cung Đình, Đền, Miếu thường không bài trí theo cấp bậc với các lớp từ trên xuống dưới. Đôi khi việc thờ Thánh thường bài trí theo chiều ngang, hoặc chỉ có một bài vị/ ngai/ long đình ở phần trung tâm, nên kết cấu hậu cung chữ Công không cần quá lớn, cũng như nóc mái không cần tôn cao. Trong khi đó, nội thất ngôi chùa lại cần một không gian vừa đủ rộng, vừa đủ sâu, vừa đủ cao để bài trí thứ bậc tượng Phật.
Xét về quá trình phát triển một ngôi chùa nội công ngoại quốc, với những dấu ấn lịch sử còn lại ở khá nhiều nơi, ta có thể khẳng định hình thức chữ Công này vốn là sự phát triển lên từ hình thức chữ Đinh rất phổ biến trong kiến trúc thế kỷ 16. Thức kiến trúc chữ Đinh bao gồm chỉ hai toà nhà, 1 ngang và 1 dọc nối với nhau ở gian giữa toà nhà ngang. Ở loại hình kiến trúc chữ Đinh, ta có thể thấy rõ vai trò của hệ mái chéo về hai bên của toà nhà dọc để tạo nên một độ cao nhất quán trong nội thất, độ sâu và thoáng đãng khi bài trí tượng Phật, góp phần tạo ra sự linh thiêng trong không gian kiến trúc. Cũng tuỳ theo tầm vóc của ngôi chùa, nhu cầu bài trí hệ thống Phật điện như thế nào để người ta dựng số lượng gian tương thích với kết cấu hình chữ Đinh này. Ở một số ngôi chùa làng, kết cấu toà nhà dọc chỉ có 3 gian tương thích với không gian bài trí Tam Bảo với một số lượng tượng cơ bản. Tuy nhiên cũng có nhiều chùa kết cấu hình toà dọc này lên tới 5 gian. Vào các thế kỷ sau khi tiếp tục mở rộng ngôi chùa, người ta có thể xây thêm 1 toà nhà 3 gian sát với toà dọc này để tạo lập không gian dạng chữ Công trong nội điện ngôi chùa. Đối với trường hợp xây thêm này, nhìn vào mặt bằng và hệ mái bao che của công trình ta thấy rất rõ hình chữ Đinh và một toà dựng thêm, không có sự kết nối các mái như dạng chữ Công được xây dựng liền mạch. Để việc ghép nối này kiện toàn, mà không phá bỏ đi những công trình dựng cũ, người ta đã thiết kế hệ thống ống máng thoát nước ở điểm gặp nhau của các mái.
Cũng có một số chùa, kết cấu ban đầu chỉ có một toà hình chữ Đinh, vào các giai đoạn sau, khi trùng tu dựng mới, kết cấu đó vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và xây thêm hệ thống hành lang cùng hậu điện bao quanh để làm thành dạng kiến trúc nội Đinh ngoại Quốc. Hình thức này cũng có thể xếp vào loại nội công ngoại quốc rút gọn mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần dưới, hoặc là một tiền thân cho việc phát triển thành hình thức nội công ngoại quốc sau này.
Cũng có một số học giả cho rằng, nguồn gốc ban đầu của chữ Công vốn là nhu cầu mở rộng không gian ngôi chùa về phía trước. Ngôi thượng điện ban đầu của các ngôi chùa như chùa Dâu thời Lý Trần, có mặt bằng hình gần vuông. Với nhu cầu mở rộng không gian chùa chiền, phần kiến trúc toà Thiêu hương và Tiền đường đã được xây dựng thêm về phía trước, mà vẫn giữ nguyên không gian nền tảng của ngôi chùa cũ. Bởi vậy nên kiểu thức chữ Công cũng được hình thành để tạo nên một không gian thống nhất giữa Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện.
Tuy nhiên ở một số công trình, mô hình chữ Công lại là sự phát triển linh hoạt tạo nên lối kết giao giữa hai công trình. Toà Thiêu hương vẫn là toà kết nối giữa Tiền đường và Thượng điện nhưng chỉ có bờ nóc mái mà không hề có tường bao, vách ngăn, chúng được để thoáng hoàn toàn cho sự lưu thông không gian. Điển hình là kết cấu chữ công trong kiến trúc Tiền đường + Thiêu hương + Thượng điện ở chùa Bút Tháp. Đây cũng có thể xem là hình thức giả chữ Công, nhưng lại tạo nên tính thống nhất cho không gian.
Về kết cấu của các toà nối nhau để tạo nên đường bao khép kín hình chữ Quốc cũng tương tự như chữ Công. Hình thức thông thường nhất mà ta hay bắt gặp là hai dãy hành lang dựng hai bên nối góc với các toà nhà ở hậu đường. Kiến trúc Tiền đường thường độc lập với kiến trúc hành lang, để tạo nên khoảng lưu không, tạo nên độ thoáng của công trình. Nếu Tiền đường được dựng theo lối 5 gian 2 chái, hoặc 7 gian hai chái tức hệ mái của toà này vẫn có 4 mái độc lập, thì khoảng lưu không giữa hành lang và tiền đường người ta thường xây một chiếc cổng nhỏ để ra vào. Kiểu thức này rất phổ biến trong các công trình kiến trúc điển hình như chùa Keo Hành Thiện, Keo Thái Bình, chùa Bút Tháp, chùa Thầy… Chiếc cổng nhỏ như vậy thường xuyên được sử dụng để tạo nên các hệ cửa ngăn tạo lớp không gian trong các công trình kiến trúc.
Phần cuối cùng của chữ Quốc là toà nhà ngang hậu đường, thường chia ra các gian có vách ngăn tạo ra các không gian riêng biệt giữa nhà tổ (gian thờ chính giữa) nhà tăng/ni (nhà ở hai bên). Toà nhà ngang này có thể được xây nối mái với hành lang, nhưng đôi khi chúng cũng được dựng độc lập hoàn toàn. Trường hợp dựng độc lập thường là khi toà Hậu đường có chiều cao tương đương với các dãy nhà ngang phía trước, còn hai dãy hành lang có chiều cao thấp hơn. Cũng có thể toà hậu đường được dựng cao, nối mái với dãy hành lang thấp ở hai chái của toà nhà. Việc nối góc mái của hai dãy hành lang và toà hậu đường cũng có một vài giải pháp kiến trúc khác nhau. Ở một số công trình toà nhà ngang ăn nóc với dãy hành lang như cách Thiêu hương nối Tiền đường và Thượng điện, nhưng đa số các công trình khác cách nối mái này tạo nên góc chéo mái phía trong và phía ngoài để bắt góc của hình vuông cho công trình. Người ta vẫn nhìn thấy khu đĩ của hai toà nhà ngang cao hơn nóc mái của hai dãy hành lang ở đoạn bắt góc nối vuông này. Vào thế kỷ 17-18, phần tường bao che công trình bên ngoài người ta đã sử dụng đến gạch vữa. Do đó toàn bộ hệ thống hành lang bao quanh đã góp phần qui vuông và khép lại không gian thờ tự giữa bên trong và bên ngoài. Và, để thuận tiện cho việc đi lại giữa trong và ngoài khi các dãy hành lang này quá dài, người ta có thể trổ cửa đầu và cuối mỗi hành lang. Như không gian ở chùa Bút Tháp thì dãy hành lang bên phải của ngôi chùa trổ cửa để đi ra khu tháp Báo Nghiêm nơi thờ Thiền Sư Chuyết Chuyết và một ngôi tổ đường phía trước.
Cùng với việc kiến tạo hai dãy hành lang bày hệ thống 18 tượng La Hán rất phổ biến trong kiến trúc Phật giáo các thế kỷ này, thì nhiều ngôi chùa, phần cuối hành lang này, người ta dựng một gian thờ nhỏ khép kín hoặc mở hoàn toàn 1 mặt quay hướng chính của chùa đặt ban thờ Đức Thánh Hiền và thờ Đức Ông đối diện nhau ở hai bên, điển hình như chùa Mía, chùa Nành. Cách bài trí này vừa liên quan đến kết cấu kiến trúc tạo gian và hình thức nối mái giữa các công trình, đồng thời lại tạo nên bước chuyển tiếp sang không gian hậu đường của ngôi chùa một cách linh hoạt nhất.
3. Ngôi chùa Nội công ngoại quốc phức hợp
Các ngôi chùa có mô hình kiến trúc nội công ngoại quốc phức hợp là các dạng chùa được phát triển lên từ thể loại thông thường với các thành phần kiến trúc khác được bổ sung vào trong không gian khép kín được tạo ra của dãy hành lang + nhà tổ + nhà tăng… Đây cũng là mô hình phổ biến với các ngôi chùa lớn, được xây dựng, trùng tu, tôn tạo qua nhiều giai đoạn lịch sử và trong kiến trúc cũng có nhiều lớp niên đại khác nhau.
Tuy nhiên, cũng tuỳ theo chức năng sử dụng và mục đích xây dựng của các ngôi chùa mà ta thấy xuất hiện các loại hình nội công ngoại quốc phức hợp khác nhau. Chưa tính đến địa hình, địa thế của khu đất dựng chùa, mà tính phức hợp của mô hình nội công ngoại quốc này được phát triển theo cách nào. Đơn cử như chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh), ngôi chùa có niên đại từ năm 1647, đằng sau chữ Công làm thành từ Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, thì các toà kiến trúc khác được dựng theo trục đường thần đạo như toà Cửu Phẩm Liên Hoa (công trình có chiều cao nhất trong các đơn nguyên kiến trúc ở Bút Tháp); sau đó là Trung đường, Phủ thờ. Ngoài Bút Tháp, ngôi chùa có Cửu Phẩm Liên Hoa như chùa Giám (Cẩm Giàng, Hải Dương) cũng là dạng Nội công ngoại Quốc phức hợp, Toà nhà Phẩm được dựng nằm sát ngay sau thượng điện hình chữ Công. Ngôi chùa này cũng là chùa có niên đại sớm vào thời Mạc và hoàn thiện vào TK17. Kiến trúc chùa Thầy là ngôi chùa có niên đại sớm từ thời Lý, Trần, và kiến trúc gỗ hoàn thiện còn đến ngày nay là kiến trúc thế kỷ 17. Nằm sau chữ Công là chính điện thờ Phật ở chùa Thầy cũng có một chữ Nhất, nơi thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Mặt bằng của toà kiến trúc chữ nhất độc lập này rất lớn, trung tâm đặt 2 tầng bệ đá hoa sen. Nếu xét theo niên đại của bệ đá, thì mặt bằng ngôi điện Thánh này chính là mặt bằng trung tâm của ngôi chùa thời Lý – Trần. Đến thế kỷ 17, khi loại hình kiến trúc kiểu nội Công ngoại Quốc phát triển, cùng với nhu cầu mở rộng khu thờ tự, người ta đã dựng thêm các toà nhà ở phía trước trong khi vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử của ngôi chùa.
Như vậy bên cạnh không gian kiến trúc chỉ có 1 chữ Công nằm trong đường bao của chữ Quốc đã có thêm các công trình khác hoặc được thêm vào, hoặc là tôn trọng nền móng cũ để dựng mới. Tỷ lệ của các công trình cũng tuỳ theo mục đích sử dụng mà các toà trong kiến trúc dạng hình chữ công được xây lớn hay nhỏ. Ví dụ như chùa Thầy, độ rộng lòng nhà của cung Thánh là lớn nhất, sau đó là Thượng điện, còn độ rộng của Tiền đường lại chỉ bằng 2/3 Thượng điện. Điều này cũng tương ứng với độ cao, và đương nhiên các bước cột tạo lòng nhà giữa các toà đã có sự thay đổi đáng kể. Chỉ có một sự thống nhất duy nhất trong nguyên tắc là nếu mái bằng mái, tàu bằng tàu thì khoảng cách chân cột trong mỗi bộ của các toà Tiền đường và Thiêu hương Thượng điện là bằng nhau. Khi có bất cứ sự thay đổi giữa các lớp kiến trúc thì kết cấu này sẽ mở rộng hoặc thu hẹp tuỳ theo độ rộng của lòng nhà và chiều cao của tàu mái. Theo đó các bước hoàng cũng được tính toán sao cho phù hợp. Không chỉ vậy do kiến trúc gỗ truyền thống là kiến trúc lắp ghép mộng và sử dụng kết cấu chồng đè, nên người ta có thể dễ dàng tận dụng các cấu kiện kiến trúc cũ trong lần trùng hưng, mở rộng phát triển các ngôi chùa vào các giai đoạn sau.
Ở các ngôi chùa khác như chùa Keo Thái Bình, chùa Keo Hành Thiện, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bối Khê hình thức nội công ngoại quốc phức hợp lại có những biến đổi khác biệt. Nhìn vào mặt bằng các ngôi chùa này, phần không gian bên trong đường bao chữ Quốc không chỉ có 1 chữ Công mà có đến hai công trình hình chữ công được xây dựng độc lập với nhau. Có thể gọi đây là mô hình chữ Công kép. Về niên đại thì riêng chùa Bối Khê có niên đại sớm thời Trần, còn chùa Keo Thái Bình và Keo Hành Thiện được xây dựng hoàn thiện tổng thể vào thế kỷ 17. Có lẽ việc xây mới và việc xây dựng trên nền tảng cũ cũng tạo nên sự khác nhau trong việc thiết kế trùng tu và phát triển kiến trúc. Lối kiến trúc của ba ngôi chùa này đều là kiến trúc điển hình cho các ngôi chùa “Tiền Phật Hậu Thánh” (tức phía trước thờ Phật, phía sau thờ Thánh). Việc tạo ra hai toà kiến trúc có dạng chữ Công cơ bản nhằm mục đích là tạo ra các không gian thờ tự tương ứng Phật với Thánh. Ở chùa Keo Hành Thiện, ngăn cách giữa 2 không gian thờ Phật và thờ Thánh này còn có thêm hai cổng nhỏ xây hai bên toà chữ Công thờ Thánh Khổng Minh Không. Kiến trúc toà thờ Thánh cũng được chú trọng hơn kiến trúc toà thờ Phật với các hình thức chạm trổ dày đặc trên các bộ vì, các xà nách phía trước cung Thánh, trong khi đó gian thờ Phật người ta chỉ tạo ra các trang trí ở cửa võng. Đây cũng là đặc điểm tạo nên sự khác biệt trong kiến trúc với chức năng thờ tự khác nhau.
Trở lại với thức kiến trúc nội công ngoại quốc kép, ở chùa Bối Khê kiểu thức này lại có phần đặc biệt hơn. Cũng có chức năng thờ Thánh như hai ngôi chùa kể trên, nhưng có lẽ sự đặc biệt này xuất phát điểm là kiến trúc chùa được dựng lại từ ngôi chùa cũ thời Trần mà những bộ vì Thượng điện đã thể hiện ra niên đại đó. Điện Thánh có kích thước nhỏ hơn điện Phật và được xây dựng khoảng thế kỷ 18 với các trang trí trong nội điện cũng như hệ thức đấu củng, con sơn chìa ra đỡ mái. Chữ Công thứ nhất là chính điện ngôi chùa, nằm trong đường bao của chữ Quốc. Chữ Công thứ hai không cùng nằm trong không gian này mà được tạo nên từ sự biến đổi chính đường bao chữ Quốc này nối với gian hậu cung thờ đức Thánh Bối. Cung thờ Đức Thánh Bối vốn là một kiến trúc gỗ khá độc lập và có kích thước nhỏ gần vuông là 5,85 x 5,55m. Nó gần như độc lập hoàn toàn với toà ngang phía trước (đường bao chữ Quốc). Phần mái nối để tạo nên mặt bằng chữ Công được xuất phát từ trung điểm của cạnh cuối chữ Quốc và vẫn tuân thủ lề lối chung là có độ lớn và độ rộng gian tương đương với gian hậu cung với bước cột gần 3m. Hình thức nối mái chữ công này cũng đặc biệt hơn so với phần chữ công ở thượng điện ở chỗ gian hậu cung được chồng diêm hai tầng tám mái. Phần nối để tạo thành chữ công do thượng lương của toà dọc ăn với đỉnh khớp mái của tầng thứ nhất. Có thể nói thiết kế chữ công này đã tạo ra nhịp điệu khá thú vị trong kiến trúc của hai toà hình chữ công. Một toà lớn hẳn, vượt trội cả về chiều cao, một toà nhỏ hẳn nhưng lại được thiết kế 2 tầng 8 mái khiến phần hậu cung này cũng không quá thấp so với tương quan tỉ lệ chung của công trình.
Nếu chùa Bối Khê tạo ra một nhịp điệu đóng mở, cao thấp trong thiết kế kiến trúc, thì hình thái Nội công ngoại quốc của chùa Trăm gian lại khác biệt hoàn toàn. Có lẽ “trăm gian” được kiến tạo bởi sự kết nối các toà nhà một cách hữu hiệu, để tạo nên một mặt bằng tổng thể thống nhất trong không gian nội thất. Người ta cũng có thể dùng một thuật ngữ khác để nói về kiểu kiến trúc này là dạng “trùng thiềm điệp ốc”, mà mục đích là có thể có một mặt bằng rộng rãi để sinh hoạt tín ngưỡng. Nếu qui chiếu mặt bằng tổng thể nhìn từ trên cao, cấu trúc toà Tam bảo được thiết lập nên bởi 3 toà nối nhau tạo thành chữ Vương thay cho dạng chữ Công thông thường. Chưa kể đến nhịp kiến trúc thì toà thứ 2 và toà thứ 3 sát kề nhau còn không gian tiền đường và toà thứ 2 có phần cách nhau một chút. Không đơn giản là nối mái bằng toà dọc chạy xuyên suốt chiều dọc của điện thờ mà nối giữa Tiền đường và Trung đường còn có hai lớp mái nhỏ để ăn khớp với chái của các toà phía sau. Giữa các lớp mái này người ta tạo hệ thống thoát nước. Và với hệ mái bao che to lớn như vậy, nên người ta đã dùng kính để lấy ánh sáng cho không gian nội thất bên trong. Với việc nối liền các toà nhà không gian lưu không thông thường đã trở thành không gian để sử dụng. Điều này có nghĩa, nhìn hình thái của mái bao che bên ngoài có dạng hình chữ vương, nhưng mặt bằng bên trong từ tiền đường đến hết thượng điện là dạng chữ đinh nhưng chiều kích của những toà nhà nối liền nhau này lại rất lớn để tạo ra trăm gian như tên gọi của ngôi chùa.
Ngoài ra, nếu xem xét phần hậu của gian thờ, ta có thể thấy một cái bệ hoa sen đất nung thời Mạc tương tự như các dạng bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần chiếm vị trí trung tâm toà thứ ba. Vậy các kiến trúc phía trước là kiến trúc được mở rộng từ trung tâm điện Phật về phía trước và phía sau. Phía sau của chính điện còn có một toà chữ Nhất cũng có mặt bằng kiến trúc khá lớn gần với kiểu thức ta đã bắt gặp ở chùa Thầy.
Kiểu thức nối toà trước sau như chùa Trăm Gian này ta lại gặp một trường hợp tương tự ở chùa Thổ Hà, nhưng có phần đơn giản hơn. Thay vì chỉ nối Tiền đường + Thiêu Hương + Thượng điện, thì chùa Thổ Hà có thêm một kiến trúc mái nối Thượng điện với Hậu đường, nếu nhìn trên hệ qui chiếu mái từ trên cao. Phần nội điện, người ta vẫn khu biệt phần Tam Bảo thờ Phật, nhưng phần hậu Tam bảo quay về Hậu điện có đắp động, khiến cho dãy hành lang bao quanh tạo thành một tuyến qui tụ về trung tâm. Không gian chùa Thổ Hà cũng khá mở để tạo nên các mặt thoáng trong kiến trúc nội công ngoại quốc biến thể. Sự biến đổi mô hình chữ Công nội tiếp trong chữ Quốc như vậy còn tiếp tục được gặp trong trường hợp chùa Bách Môn. Lúc này nội công ngoại quốc chỉ là nhân lõi mà thể thức nối mái giữa các toà nhà đã tạo nên những khác biệt cho các hình thái kiến trúc đa dạng, để tạo nên tính đa hướng trong kiến trúc của một ngôi chùa.
Như vậy có thể thấy rằng với mô hình nội công ngoại quốc phức hợp, trong các ngôi chùa cổ có niên đại xây dựng hoàn thiện thế kỷ 17, 18 đã liên tục đã có những biến thể khác nhau. Tuỳ theo mục đích thờ tự, sắp đặt bài trí điện Phật, động Phật như thế nào để tạo nên những nét đặc trưng riêng của mỗi ngôi chùa. Các ngôi chùa nội công ngoại quốc có thể được dựng lại từ các ngôi chùa cổ có nền tảng trước đó hoặc cũng có thể được thiết kế mới hoàn toàn trong các thế kỷ này khi điểm qua hàng loạt các ngôi chùa tiêu biểu kể trên. Đó cũng có thể xem như tính linh hoạt của kiến trúc truyền thống Bắc Bộ.
4. Ngôi chùa Nội công ngoại quốc giản lược
Nếu việc mở rộng ngôi chùa theo xu hướng bổ sung các công trình lớn nhỏ vào không gian các ngôi chùa đã có trong lịch sử đã làm nên loại hình nội công ngoại quốc phức hợp thì nội công ngoại quốc giản lược/ rút gọn cũng là một mô hình thú vị cho thấy tính linh hoạt khác của kiến trúc chùa Việt ở Bắc Bộ. Loại hình này thích hợp với những địa thế không gian không quá lớn, nhưng vẫn có thể dựng nên một ngôi chùa với đầy đủ các thành phần kiến trúc cũng như ban bệ thờ tự. Điển hình cho loại nội công ngoại quốc rút gọn này chính là mô hình kiến trúc chùa Quang Long, xã Triều Dương, Hải Phòng được mệnh dạnh là ngôi chùa 5 nóc. Ở đây kiến trúc chữ công vẫn được giữ nguyên các thành phần: Tiền đường + Thiêu hương + Thượng điện, nhưng hai dãy hành lang của ngôi chùa đã được ốp sát, nối liền Tiền đường và Hậu đường/ Nhà tổ với nhau. Khoảng trống giữa các toà nhà là rất nhỏ đủ để có ánh sáng xuyên chiếu vào công trình, khiến cho kết cấu của kiểu thức này không quá tối. Với các loại hình kiến trúc nội công ngoại quốc rút gọn này, người ta vẫn tuân thủ lối mái bằng mái, tàu bằng tàu, nên chiều cao công trình hầu như ít thay đổi trong mặt bằng chung.
Trên thực tế, những ngôi chùa nội công ngoại quốc rút gọn này có thể nó niên đại sớm nếu chúng là các ngôi chùa vốn có nhân lõi là kiến trúc chữ Đinh, sau đó được xây thêm các toà xung quanh để trở thành đường bao chữ Quốc và có thể định danh là nội đinh ngoại quốc (như đã nói đến ở phần 1). Cũng có thể đây là những ngôi chùa làng, có qui mô nhỏ, phù hợp với kinh tế của người hưng công xây dựng. Cũng có thể chúng là sự phát triển lên của các Am thờ Phật, nên qui mô vừa đủ để tạo lập một không gian thực hành tín ngưỡng. Ngôi chùa nội Đinh ngoại Quốc, hoặc dạng chữ công rút gọn cũng là dạng chùa phổ biến ở phố thị, nội đô của các thành phố, khi đất chùa không quá rộng
Một vấn đề cần được lưu tâm là kiến trúc gỗ truyền thống, qui mô của công trình tuỳ thuộc vào độ rộng của lòng nhà và chiều cao của tàu mái. Trong các công trình kiến trúc cổ tàu mái thường cao trên dưới 2m. Lòng nhà được tính từ cột hiên trước đến sau. Khoảng cách lớn nhất trong một bộ vì là lòng trong của hai cột cái sẽ quyết định sự rộng hẹp của ngôi chùa, đặc biệt là thượng điện. Các cây cột cái nếu có kích thước từ 5m trở lên thì lòng nhà khoảng chừng 6m. Điển hình như khoảng cách giữa hai cột cái điện Thánh chùa Thầy là 6m. Vậy nên việc thiết kế các công trình kiến trúc cổ thường nằm trong chiều kích này và tạo nên chiều cao của hệ mái với độ rộng bước cột kể trên khoảng trên dưới 6m. Điều này cũng thích hợp với tâm thức của người Việt ở Bắc Bộ trong việc thiết kế kiến trúc một ngôi chùa – không gian sinh hoạt tâm linh tôn giáo đầy tính chất thân cận, gần gũi, ấm cúng. Loại hình kiến trúc “nội công ngoại quốc” phức hợp, rút gọn kể trên chính là giải pháp mở rộng hay thu hẹp không gian tương thích với nhu cầu sử dụng, trong điều kiện vật liệu truyền thống cho phép.
Cho đến ngày nay, chất liệu, vật liệu kiến trúc là vô cùng phong phú và đa dạng. Với sự góp mặt của các loại hình vật liệu bền vững như xi măng, cốt thép … cũng là một điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, tái tạo phục chế các dạng thức kiến trúc truyền thống. Mô hình kiến trúc nội công ngoại quốc truyền thống kể trên là mô hình lưu giữ những giá trị truyền thống ta cần bảo tồn. Nhưng với điều kiện mới, mô hình này cũng nên được phát huy để thiết lập nên những không gian vừa truyền thống nhưng cũng hiện đại để phù hợp với nhu cầu tôn giáo mới của xã hội hiện đại./.
T.T.H – H.A.Đ
Tài liệu tham khảo:
- Trần Lâm Biền (2012), Diễn biến kiến trúc truyền thống vùng châu thổ sông Hồng, Nxb Văn hoá Thông tin.
- Trịnh Cao Tưởng (2009), Kiến trúc cổ Việt Nam từ cái nhìn khảo cổ học, Nxb Xây dựng
- Trần Lâm Biền (2020), Văn hoá nghệ thuật Chùa Việt, Nxb Thế giới
- Trang Thanh Hiền (2019), Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt, Nxb Hà Nội
- Viện Bảo Tồn Di Tích (2018) Kiến trúc chùa Việt qua tư liệu viện bảo tồn di tích, tập 1- 2, Nxb Văn hoá dân tộc
- Viện Bảo Tồn Di Tích (2019) Kiến trúc chùa Việt qua tư liệu viện bảo tồn di tích, tập 2, Nxb Văn hoá dân tộc.