Không gian Kiến trúc chùa Diên Phúc – Sơn Đồng (Ni sư Thích Giác Ân)

TẢI FILE PDF
——————

          1. Đặt vấn đề

          Những ngôi chùa Việt nam xuất hiện từ bao giờ? Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời!. Kiến trúc chùa chịu ba ảnh hưởng khác nhau: Kiến trúc Việt, kiến trúc Hoa và kiến trúc Ấn. Chùa Việt xuất phát từ danh từ “Saitya”, chữ Hán âm là “Chi đề” hay “Chế đề” dịch nghĩa là “Phúc tự”. Nhưng cũng thường kết hợp với “Vihara” để trở thành một quần thể kiến trúc phức hợp. “Vihara” chữ Hán âm là “Tì Kha La” hay “Tỵ Kha La”. Ngài Nghĩa Tịnh trong cuốn Cầu kinh Cao Tăng Truyện có viết: Tỳ Kha La thị chúng xứ nghĩa, hưởng vân “tự” giai bất thị chính dịch. Thực ra trong nguyên nghĩa thì “Tự” vốn không có nghĩa là Chùa, tức là không đề cập đến kiến trúc Phật giáo. Đều có những tương quan đến vấn đề kiến trúc. Nhưng “Tự” trong Hán văn có nghĩa là gì? Căn cứ theo từ điển Thuyết Văn thì giải thích như sau: “Tự” có nghĩa là Đình, (nghĩa thuộc về triều đình), là có pháp độ (là khuôn phép của nhà nước). Phần chú thích trong “Hán Thư” có ghi rằng: Phàm phủ định sở trú giai vị thị “tự”. Tài liệu khai triển thêm rằng theo chế độ quan chức thời nhà Hán ở Trung Hoa thì có Cửu Khanh, đến thời nhà Ngụy, gọi nơi làm việc của Cửu Khanh là “Tự”, cho nên được đổi tên là Cửu Tự. Những thời sau, cứ theo đó để dùng đến danh từ này. Theo những giải thích trên thì “Tự” có nghĩa là cơ quan nhà nước. Có người đã dịch nhầm “Quan tự” là “Chùa công” Cửu tự theo nguyên nghĩa là “Chính bộ” trong triều đình. Đến đời Hán Minh Đế, có Ngài Ma Đằng và Trúc Pháp Lan ẩn xứ Tây Vực là Ma Đằng dùng ngựa trắng để chở kinh Phật đến vùng đất Lạc Dương, vì khách là người “Tứ duy” cho nên được bố trí ở “Hồng Lô Tự”. Về sau có dựng nên một công trình kiến trúc khác cho nhà sư. Nhân việc ngựa trắng có chở Kinh mà đặt tên là Bạch Mã, vì đã từng ở Hồng Lô Tự nên gọi là Bạch Mã Tự. Từ đó về sau, “Tự” có nghĩa là “Phù ống” để chỉ nơi tu hành của nhà sư. Xem như vậy, Saitia là nơi thờ Phật, tụng kinh, thuyết pháp. Vihara (Tăng phòng) là nơi cư trú của sư tăng. “Chi đề” vốn chỉ là một kiến trúc hình ống phía sau tròn, có một “Stupa” hay một tượng Phật, hay cả hai làm đối tượng cúng dâng, tụng niệm. Chư tăng vừa đi vòng quanh tượng Phật, vừa tụng niệm hay ngồi trước tượng Phật. Vốn là hai kiến trúc riêng biệt, nhưng nay tại Ấn Độ đã xuất hiện sự hỗn hợp giữa hai loại hình kiến trúc làm thành một và gọi là Satia hay Vihara. Thông thường, tại Ấn Độ hay Trung Hoa, kiến trúc này hình tứ giác, các Tăng phòng nhỏ được kiến tạo xung quanh, giữa là nơi tiến hành tụng niệm, thuyết pháp tập thể có tượng Phật.

          Tất nhiên khi đạo Phật truyền bá ở đâu thì có nhiều chùa chiền xuất hiện tại đó, song sự thật thì không còn một ngôi chùa cổ nào từ thế kỷ II; III. Trong lịch sử truyền thừa của đạo Phật vào Việt nam, chùa đã có từ rất xưa, từ thời Triệu Nữ Vương đã có vị nữ tướng xuất gia, như vậy vào thời đó đã có nhiều chùa ở nước ta. Sau này khi Nguyễn Hoàng vào Nam, bờ cõi nước ta được mở rộng ra từ phía Thủy Chân Lạc cho đến nước Champa. Miền đất Sài Gòn- Gia Định được hình thành đến nay đã hơn ba trăm năm. Người dân đến đâu, Đình, Chùa xuất hiện đến đó để phục vụ nhu cầu tinh thần cho người dân. Mà đó cũng là truyền thống của người Việt. Đình, Chùa một thời gian là điểm chung của sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mỗi Làng, mỗi Ấp đều có ngôi Chùa, Đình của riêng mình.

          Như vậy, từ lúc Phật giáo du nhập vào Đại Việt, cũng hòa mình chung với nền văn hóa phương Đông, nhưng lại mang một nét riêng Việt. Không hùng vĩ như các ngôi chùa ở Trung Quốc, vì chùa tại Trung Quốc luôn dựa trên những thế núi hùng vĩ, hoặc có sự ảnh hưởng lớn đến cung đình. Ngôi chùa Việt luôn hòa mình và gắn bó với dân gian, vốn Việt Nam có một nền nông nghiệp lúa nước truyền thống lâu đời, người nông dân luôn gần gũi với hình ảnh cây đa, bến nước, con đò. Ngôi chùa cũng hòa mình trong đó, cho nên dù có nguy nga như thế nào cũng vẫn thật gần gũi với người dân. Bởi vậy, có thể nói chùa và dân tộc là một thể thống nhất, hòa quyện với nhau.

          “Diên Phúc tự” là tên chữ của chùa làng Sơn Đồng huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây cũ. Từ thành phố Hà Đông đi về huyện Hoài Đức đến ngã tư Sơn Đồng thì đến chùa. Chùa mới được xây dựng lại toàn bộ tổng thể trên một khuôn viên rộng, hướng chính của chùa theo hướng Nam, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài xã. Ngôi chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hoá, với hệ thống các hiện vật quý giá như: Đồ thờ, hệ thống tượng pháp, cũng như là các kiến trúc mỹ thuật độc đáo. Mặt khác nó cũng là nơi lưu trữ lịch sử của ngôi làng truyền thống sơn son thiếp vàng và tác tượng Phật.

          2. Lịch sử hình thành và phát triển chùa

          Chùa Diên Phúc còn được gọi là chùa Ngoài. Chùa là khu di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Căn cứ theo thần phả và theo hồ sơ khoa học của Cục di sản Văn hoá (1985) cũng như truyền thuyết thì vào khoảng năm Bính Tý 976 tức năm Thái Bình thứ 6 triều Vua Đinh Tiên Hoàng, Đức Thánh Đào Trực từ vùng Bạch Hạc Phong Châu, du quan thử địa, đến đất Sơn Đồng thấy đất cánh dơi, với thế đất (Long chầu Hổ phục) lại có dòng nước uốn lượn bao quanh (thuỷ nhiễu hoa hoàn) bèn dừng chân, cắm đất, cất trường dạy học, giáo dục cho nhân dân, thu nhận Sĩ Tử ở cả phủ Quốc Oai, khai thông mương máng, phát triển nông nghiệp. Do vậy, nhân dân từ Trôi, Ao Sen cũng về tụ tập. Cuộc sống làm ăn ngày càng trù phú, Sĩ tử ngày càng đông vui, Ngài dạy dân văn theo Khổng Tử, võ theo binh thư Tôn Tử, nên trường sở ngày càng hoành tráng, có kẻ ghen ghét nên sàm tấu vào chốn Triều Đình, Nhà Vua phái quan Khâm Sai về xem xét thực hư. Đức Thánh Đào Trực được tin báo, bèn mời các cố lão bản trang ra trường học bàn bạc. Rồi vào một đêm trăng suông giá lạnh, Ngài cho Sĩ tử và dân chúng chuyển toàn bộ tượng, đồ thờ từ một ngôi chùa tại xóm Rảnh ra trường. Mấy ngày sau, hai quan Khâm Sai cưỡi đôi voi về tới Tam Quan thì cả hai voi cắm ngà phủ phục, hai vị Khâm Sai đành phải đi bộ vào, không thấy trường học mà chỉ thấy cảnh chùa đơn sơ, thánh thót tiếng chim, ngân nga tiếng mõ, tiếng tụng kinh, niệm Phật, khói hương nhẹ nhàng lan toả. Hai vị vào chốn Già Lam thắp hương trên Tam Bảo, ngày hôm sau trở về Kinh Đô Hoa Lư tấu trình với nhà Vua. Cũng từ đó mới có cụm từ “Chùa Mồ” (Chùa Ma) để nghi lại sự kiện một đêm toàn bộ tượng Phật và đồ tế khí biến mất.

          Sau khi Ngài hoá, vua phong ngài là “Tiền triều Thái phó Lê tướng công Nguyên soái đẳng thần”. Còn đệ tử và dân chúng thì cải ngôi trường đó thành đền thờ ngài. Muôn đời thờ phụng, hương khói. Mãi đế năm Ất Tị (1485) năm Hồng Đức thứ 16 triều vua Lê Thánh Tôn. Nhà vua ban cho Trang Sơn Đồng hai hốt vàng để nâng cấp miếu thành đền thờ quan Thái Phó Đào Trực và sửa chữa Chùa thì các lão bản trang cũng cho đắp lại đôi voi trước cổng Tam Quan để đánh dấu lại sự kiện trên.

          Năm Bính Thìn (1916) quan Án Sát Nguyễn Trung Khuyến và nhà sư chùa Diên Phúc đứng ra trùng tu cả toà Tam quan và hai Tàu Tượng

          Năm Nhâm Ngọ (1942) năm Bảo Đại thứ 16 dân làng đã mua lại một ngôi đình cổ từ Đại Phùng về trùng tu lại. Chùa được kiến trúc theo nối “tiền Phật hậu Thần”, “nội công ngoại quốc” một kiểu kiến trúc có từ thời nhà Lý. Quy mô của đại danh lam cổ tự gồm Tiền Đường, toà Thiên Hương, toà Thượng Điện gắn bó với nhau theo chữ công. Đền thờ đức Thánh, nhà Đại Bái, hai dãy hành lang đền, bao bọc hậu cung chùa tạo thành chữ Quốc. Chính vì vậy mà nay có cụm di tích “tiền Phật hậu Thánh”, là chùa Diên Phúc và đền Thượng là cụm di sản cấp quốc gia đặc biệt mà ít nơi đâu có được.

          Chùa và đền được bộ văn hoá thông tin ra quyết định số 25VH/QĐ ngày 3/2/1986 (Bính Dần), xếp hạng Di tích Lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

          Với bề dầy lịch sử trên 1.000 năm, biết bao thay đổi biến cố can qua, chiến tranh tàn phá. Thật là, sự đời bãi bể nương dâu, thế gian vận sao rời đổi, hoa nở để rồi tàn, trăng tròn rồi lại khuyết, hội họp để rồi tan.Vì vậy mà với chính sách tự do tín ngưỡng của đảng, nhà nước và đặc biệt là luật bảo tồn bảo tàng, di sản văn hoá, các nghị định về tôn giáo của chính phủ, các mục tiêu chống xuống cấp và tu tạo các danh lam thắng cảnh di tích lịch sử. Chùa Diên Phúc đã lần lượt trùng tu các hạng mục công trình và năm Mậu Tý (2008), ngôi Đại Hùng Bảo Điện đã bị xuống cấp trầm trọng. Chư tôn Thiền đức Tăng ni cùng toàn dân căn cứ vào hồ sơ cấp phép của Bộ văn hoá, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự hướng dẫn kiến trúc Phật giáo của các Bậc tôn túc hoà thượng, chùa đã được xây dựng lại. Với phương châm bảo tồn giá trị khấu kiện kiến trúc văn hoá nghệ thuật, nên các cấp chính quyền cùng nhân dân địa phương và Sư Thầy trụ trì đã cố gắng hết mức tối đa để kiến trúc cổ không bị mất và mang đậm bản sắc dân tộc, xứng danh với làng nghề truyền thống tạc tượng sơn son thiếp vàng.

          Và đến năm Kỷ Sửu (2009) thì toàn bộ khuôn viên chùa đã được xây dựng và tu bổ lại toàn bộ. Đến nay chùa là một khu di tích lịch sử với hệ thống kiến trúc nghệ thuật độc đáo góp phần tăng thêm vẻ đẹp cho đất nước Việt Nam và đó cũng là nơi thăm quan hấp dẫn của nhiều tín đồ Phật tử.

          3. Không gian kiến trúc chùa Diên Phúc

          Là một di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, chùa Diên Phúc, xã Sơn Đồng có một kiến trúc đặc trưng của một ngôi chùa miền Bắc bộ và mang nhiều giá trị văn hoá nghệ thuật.

          3.1. Không gian cảnh quan kiến trúc

          Đối với người phương Đông, khi xây dựng nhà ở, nhất là các công trình kiến trúc tôn giáo, thuật phong thuỷ rất được lưu ý. Họ chọn thế đất và cắm hướng sao cho có thể đón được dòng sinh khí trong lành tránh sự thâm nhập của tà khí, nói cách khác là đắc đại và được hướng. Vị trí đắc địa thường là phần trước có nước, phía sau có núi hay gò, đống, đại để là thế đất cao, hoặc là nơi tụ thuỷ (các ngọn nước đổ về). Quý hơn là hai bên có tay ngai thế “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”, nơi tự nhiên phú cho cảnh sơn thuỷ hữu tình. Việc chọn không gian để xây dựng ngôi chùa Diên Phúc này cũng không nằm ngoài tiêu chuẩn trên.

          Chùa Diên Phúc nằm trong không gian văn hoá của huyện Hoài Đức, với nhiều các di tích văn hoá nổi tiếng như: Chùa Hương Trai, Linh Tiên Quán, Đình Do Lộ, Chùa Vân Canh,… và ngay trong xã Sơn Đồng, số lượng di tích văn hoá tôn giáo cũng chiếm một số khá lớn. Đặc biệt là khu di tích chùa Diên Phúc và đền Thượng là cụm di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia.

          Chùa nằm ở vị trí trên trục đường cái đi từ ngã tư Sơn Đồng về Cát Quế. Chùa toạ lạc trên một khuôn viên có diện tích gần hai mẫu Bắc bộ, quay về hướng Nam. Trước cống chùa có đôi Voi phục quay mặt hướng vào Tam Bảo; bên hông phải của chùa có một nhánh sông chảy từ con sông Nhuệ Giang chảy về, đó là dòng nước sinh hoạt của người dân Sơn Đồng trước đây, nhưng giờ đây dòng sông đang gào khóc vì bị ô nhiễm trầm trọng do dòng nước chảy từ các xí nghiệp chế biến miến tại làng Cát Quế chảy ra.

          Phía sau chùa có một giếng nước hình bán nguyệt. Tích xưa các cụ kể lại giếng này được thánh Đào Trực cho đào và nước trong giếng này chỉ được lấy nước để cúng Phật, Thánh và trị bệnh cho nhân dân. Nước ở đây trong và mát, tương truyền rằng trong làng nếu ai bị bệnh tật gì, ra xin nước về cúng Phật rồi đem cho người bệnh uống thì bệnh tật gì cũng đều khỏi hết. Nhưng thật tiếc là vì dòng sông bị ô nhiễm nên nó đã ngấm vào trong mạch ngầm của giếng khiến cho nước giếng không còn trong và mát như xưa, nên người dân cũng không ra xin nước về để trị bệnh nữa.

          Phía xa xa ngôi chùa cách khoảng 5km là núi Sài Sơn (Núi Thầy) là nơi phong thuỷ hữu tình, nơi tu hành và hoá thân của đức Từ Đạo Hạnh.

          Sau hậu cung chùa là nơi thờ Đức Thánh Đào Trực, người có công xây dựng lên chùa Diên Phúc và dạy dỗ nhân dân Sơn Đồng làm ăn

          Như vậy, xét cả địa lý và lịch sử nơi đây, ta thấy chùa Diên Phúc đã hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết của người vùng “địa linh”, phù hợp với phong thuỷ: “tiền thuỷ (nhánh sông), hậu chẩm (núi Thầy)” và có đôi voi phục trước cổng Tam Quan. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ được khá nhiều các cây cổ thụ như mít, cau vua, hoa đại… cộng thêm với các cây cảnh mới được trồng và những đơn nguyên kiến trúc cổ tạo ra cảnh quan khác biệt với các kiến trúc khác.

          3.2. Bố cục tổng thể mặt bằng

          Những công trình kiến trúc cổ của Việt Nam thường được xây dựng hài hoà với quang cảnh xung quanh nó, tạo thành một tổng thể kiến trúc. Đó là chuẩn mực cho các công trình kiến trúc cổ của các ngôi chùa Việt Nam. Với diện tích rộng gần 2 sào Bắc bộ, toàn thể mặt bằng kiến trúc của chùa Diên Phúc được nằm gọn trong khuân viên này, với đầy đủ thất đường già lam là: Tam Quan/ Phật điện/ Giảng đường/ Tăng phòng/ Tác trù phòng/ Dục thất

          Tam quan: Hầu như mọi ngôi chùa trên đất Việt đều có Tam quan. Tam quan chính là ranh giới giữa cuộc đời trần tục với thế giới thanh tịnh của Phật pháp. Phía ngoài của Tam quan là cuộc đời trần tục ồn ào và náo nhiệt, qua cửa Tam quan để vào chùa là một cuộc sống tĩnh lặng, thanh tịnh và không có sự bon chen, không có sự tranh chấp hơn thua và khi con người bước vào chùa như là bước vào một thế giới Cực Lạc an vui thanh tịnh.

          Nói về Tam quan tức là ta nói đến “Không Quan”, “Giả Quan” và “Trung Quan”. Khi bước chân vào chùa Diên Phúc, điều mà ta rất thú vị vì chùa có ba lối để đi vào chùa, lối chính giữa là cổng tam quan và 2 gác chuông, hai bên cổng Tam quan có hai con đường phụ để vào chùa. Từ trục đường cái bước vào ta thấy có 1 đôi voi phục, ngoài cổng tam quan cũ, cổng Tam Quan đồng thời cũng là lầu chuông, gác khánh. Có đôi câu đối , hoành phi cổ như: “Danh lam cổ tích tự” hay “Thượng đẳng tối linh từ”.

          Vào năm bính thìn (1916), Tiến sĩ án sát Nguyễn Trung Khuyến và Sư chùa Diên Phúc đứng ra trùng tu cả toà Tam quan và Tam quan được xây dựng dàn ngang biểu trồng diêm 2 tầng 4 mái trước và sau. Bộ khung bằng gỗ như tầng dưới đặt trên những trụ gạch, chính giữa chỗ 3 cửa xây cuốn. Tầng trên treo quả chuông “Diên Phúc, Tự Chung’’ cao 1,331m đúc năm thành thứ 3 (1891) và chiếc khánh đồng “Diên Phúc Tự Khánh” cao 0m50, rộng 1,19m đúc năm Minh Mạng thứ 7 đều thuộc loại lớn.

          Qua cổng Tam quan cũ này qua một con đường nhỏ là một cổng Tam quan mới được xây dựng năm 2008. Cổng này được xây dựng với dự kiến là để thay thế cổng Tam quan cũ vì dự kiến đến năm 2010 nhà nước sẽ lấy đất làm đường vào tận hết phần Tam quan cũ đó.

          Cổng Tam quan này được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông và xi măng cát với kiến trúc cung vòm tám mái. Ở tầng trên bên ngoài có đặt tượng Bồ Tát Quam Âm thể hiện tấm lòng từ bi khi bước vào chùa, mặt trong đặt tượng đức phật Di Lặc thể hiện niềm hoan hỷ sau khi vào chùa lễ Phật ra về, hai bên hông là hai pho tượng thần Kim Cương bảo hộ già Lam. Hai bên cổng chính ở dưới cũng có đắp vẽ hai hình tượng của Thần Kim Cương để bảo hộ và ngăn chặn những việc xấu ác. Ở cổng Tam Quan này cũng có đắp một số đôi câu đối với nội dung phong phú và đa dạng.

          Vòng quanh cổng Tam quan này, để khép lại khuôn viên chặt chẽ gọn gàng, là tường bao lơn thẳng tắp, trên gắn triện tàu cổ kính, dưới đắp sen quy và các điển tích Phật giáo rất khoa học quy mô, được liên hoàn mật thiết từ cổng Tam Quan vào tận hai bên cổng phụ vào chùa. Qua cổng Tam quan này ta bước vào một nối đi thẳng có hai bên hàng cau vua xanh mát. Hai bên khu vườn được kiến tạo thành khu vườn “Tứ động tâm”, miêu tả về bốn sự kiện quan trọng của đức Phật là đản sinh, Thành đạo, thuyết pháp và nhập Niết Bàn. Cùng với các vườn hoa cây cảnh vườn “tứ động đông tâm” đã tạo cho khung cảnh trở lên huyền ảo và lung linh hơn khiến cho ta như đang được sống lại thời đức Phật còn tại thế.

          Qua vườn “Tứ động tâm” ta nhìn thấy có một nhà tám mái hình vuông, hoàn toàn bằng gỗ với lòng nhà 10m, chồng diên hai tầng và đó là nhà gách chuông mới được xây dựng cùng năm với cổng Tam quan trong. Gác chuông có tầng mái trên nhỏ hơn tầng mái dưới nhưng vẫn đủ bờ nóc, bờ dải. Cả mái trên và mái dưới đều được xây dựng theo kết cấu “tầu đao lá mái”, tạo nên sự nhẹ nhàng thanh thoát cho công trình, nhưng không làm ảnh hưởng đến độ vững trãi. Chính giữa bờ nóc trên có đắt hình mặt nguyệt, hai đầu kìm có hai đầu rồng ngoạm bờ nóc. Mỗi đầu đao của mái là một con rồng uốn cong, mái được lợp bằng hai lớp ngói mũi hài, mỗi rìa mái đều có tàu mái đỡ hàng ngói cuối cùng. Khoảng cách giữa hai tầng là phần cổ diêm, được dựng bằng hai hàng lan can con tiện.

          khung gỗ được kết cấu bởi hai bộ vì nóc kiểu vì hành 16 cột và hệ thống xà chạy xung quang. Thượng lương tỳ lực xuống một đấu hình thuyền, đấu này đặt trên hai con rường, những con rường này chồng lên nhau qua những dấu vuông thót đáy, các con rường này đặt trên một câu đầu vuông. Câu đầu tỳ lên hai cột cái qua một đấu vuông tương tự, kẻ cổ ngổn nối đầu cột cái đến đầu cột con, đưa chân bẩy ra đỡ tầu mái. Cách câu đầu 1,5m là một chiếc quá giang đỡ sàn gỗ tầng trên.

          Kết cấu khung tầng mái dưới không đồng nhất với nhau. Hầu hết các phần vì này được kết tạ bằng 3 con rường cụt ăn mộng vào thân cột cái đầu kia gối lên nhau qua các dấu tròn. Hệ thống con rường này đặt trên một xà lách son măng qua một đấu tương tự. Xà chui mộng vào thân cột cái, đầu kia hạ xuống đầu cột con qua một đấu vuông. Bẩy chui đầu ghé qua đầu cột cái và cột con với nhau. Tuy vậy, còn một số vì mái dưới có thể thức khác. Bộ vì trái, mặt tiền, thay vì hệ thống 3 con rường cụt là một tấm cốn chạm lộng hình rồng. gách chuông có treo một quả chuông cao 1,5m, chuông này mới được đúc ngày 8- 4 năm Kỷ Sửu.

          Có thể nói gác chuông này mặc dù là được tôn tạo và xây dựng mới nhưng vẫn mang giá trị kiến trúc cổ xưa.

          Phật Điện: Qua nhà gách chuông là khuông viên sân chùa rất rộng, được lát bằng gạch đất nung vuông 3cm, phía trong sân có hai cây mít và hai cây hoa đại cổ thụ, phía bên trái chùa là nhà bia có đặt một số tấm bia cũ ghi lại lịch sử chùa268 và bia ghi công đức của các nhà hảo tâm để trùng tu lại ngôi chùa. Chính giữa sân chùa có một bát hương và hai cây đèn bằng đá cùng với một hồ nhỏ có núi đá nhân tạo, bên trên là tượng Quan Âm Bạch y, tay phải giơ lên kết ấn, tay trái cầm bình cam lồ đứng trên toà sen269. Phía trước toà Tiền Đường là bức “Thạch Bảo chấn” được làm bằng đá và được đục trạm theo kiểu “tứ linh truyền bát”, bên trên hè chùa được làm giống với bức quốn thư, hai bên có hai con rồng ngậm ngọc đầu trạm xuống sân chùa, ở giữa là tấm phong miêu tả về thập cõi pháp giới. Hai bên tấm thạch bảo chấn là 5 bậc hè lên hiên chùa cũng được bằng đá và phía trước toà tiền đường hai bên là hai cây cột trụ được trạm đục bằng đá với chiều cao là 6m, kích thước chu vi là 50cm x 4, chân cột giành. Trên đầu cột trụ là hình giành phượng, ba mặt của trụ có đắp câu đối chữ nổi với nội dung rất phong phú và mang giáo lý của đạo Phật.

          Chùa chính được quay về phía Nam, đây là một hướng phong thuỷ được các cụ xưa lựa chọn phù hợp với địa thế của chùa. Chùa hiện nay được tạo kiến trúc chữ công, được xây dựng theo kiểu đầu hồi bít nóc, là kiểu thường gặp ở các ngôi chùa cổ. Chùa được lợp bằng ngói mũi hài, đầu được trang trí bằng hai cấp đầu đơn giản, hai đầu của bờ nóc trang trí hai con “ngư hoá long” khá đẹp, đây là kiểu kiến trúc truyền thống. Đầu rồng được tạo với dáng dữ tợn đang gậm lấy hai đầu kìm của bờ nóc, thân rồng vẵn là thân cá, đuôi được tạo kiểu đuôi tròn uốn cong khá sinh động. Thân và đuôi được ghép kín bằng các mảnh gốm tráng men mầu lam, không những nó là mất đi mầu xám xị của xi măng và làm nổi bật một mầu óng ánh trên nóc nhà. Chính giữa bờ nóc có có một bức đại tự lớn được xây theo kiểu cuốn thư rất cầu kỳ bên dưới cuốn thư là hình đầu rồng rất dữ tợn, ở trên cuốn thư là ba chữ Hán “ 延 福 寺”(Diên Phúc Tự).

          Từ sân bước lên chùa chừng 50cm chúng ta bắt gặp hệ thống 8 hàng cột lớn bằng gỗ táu được bào trơn, trước cửa chùa có 5 cửa chính, cánh cửa được làm bằng gỗ táu, hai bên gian Thánh Hiền và đức Chúa Ông có khung cửa được trạm trổ hoa văn và có tạc hai chữ Thọ.

          Qua cửa bước vào trong chùa có chia làm ba phần: Toà tiền đường – toà thiêu hương – toà thượng điện.

          Toà tiền đường: Nằm ngang gồm 7 gian hai dĩ. Cảm giác khi bước vào chùa là một không gian rộng rãi, thoáng đãng, cao ráo. Các bộ vì có kết cấu kiểu 8 hàng chân cột. Song do mái sau ngắn lại nối với toà thiêu hương nên người ta dùng cột hiên mà thay vào là hệ thống tường bao đỡ mái ở các gian bên. Tất cả các cột cái và cột quân đều bằng gỗ, được làm theo kiểu thượng thụ hạ thách kê trên các chân tảng đá. Phía trên là bộ vì nóc được làm theo kiểu giá chiêng, theo kiểu kết cấu: Trên cùng là thượng lương đặt trên đầu con chồng, hai đầu thanh ngang của hệ thống giá chiêng vươn ra đỡ đôi hoành mái thứ nhất. Giá chiêng đặt lên câu đầu vuông thót đáy và mỏng. Câu đầu to, chắc khoẻ đặt lên hai đầu cột cái qua một đấu vuông thót đáy lớn. Câu đầu làm chức năng đỡ đôi hoành mái thứ hai. Cột cái nối với cột quân bằng một xà nách. Các con rường tỳ lực lên nhau qua những chiếc đấu vuông thót đáy. Từ đầu xà nách ăn ra một kẻ suốt, kẻ này chui đầu qua một cột quân rồi nối với cột hiên, tạo thành đầu bảy đỡ mái hiên. Do kết nối kiến trúc giữa tiền đường và nhà thiêu hương nên thay vì hệ thống xà nách và rường cụt như mái ngoài, ở mái trong người ta dùng một chiếc kẻ góc nối thẳng từ đầu cột cái đến cột quân để đỡ hệ thống hoành mái qua một tấm ván. Kiểu kết cấu này thường phổ biến ở các kiến trúc tôn giáo bởi nó liên quan và thuận tiện cho việc bài trí nội thất.

          – Toà thiêu hương: Toà này nằm chính giữa, vuông góc với tiền đường và thượng điện cũng gọi là ống muống. Toà này gồm ba gian với kết cấu vì nóc kiểu “kèo cầu” đứng chân trên với 6 hàng chân cột cũng bằng gỗ và được đẽo theo kiểu trên tròn dưới vông và có đục trạm cánh hoa sen

          Kết cấu của bộ vì gồm: Thượng lương đặt trên một chiếc đấu hình thuyền, đấu ăn vào cột chống bởi mộng ngoàm. Cột chống đặt thẳng lên câu đầu không qua đấu. Hai kèo cheo có khoét lỗ để đỡ hoành mái, một đầu ăn mộng vào đầu cột chống, đầu kia đặt trên câu đầu tại điểm tiếp giáp giữa cột cái và câu đầu. Câu đầu là một thân gỗ lớn đặt trên hai đầu cột cái, qua hai đấu vuông lớn, hệ thống xà nách lối từ thân cột cái sang đấu cột quan và hệ thống rường cuộn được tạo tác với nhiều hình mẫu, kiểu dáng khác nhau làm tăng phần đa dạng của kiến trúc.

          – Toà thượng điện: Thượng điện hay còn gọi là “hậu cung” là toà nhà ba gian và hai dĩ. Hệ thống cột ở đây có 12 cột trong đó có 4 cột gạch và 8 cột gỗ được đặt trên chân đá cũng được đẽo theo kiểu trênn tròn dưới vông và có đục trạm cánh hoa sen. Bộ vì nóc được làm theo kiểu “kèo cầu chống báng” giống như nhà thiêu hương cũng có hệ thống đấu đa dạng và rối mắt. Nối thân cột cái với cột quân là xà nách với những con rường cụt chồng lên nhau để đỡ hoành qua một hệ thống đấu đa dạng về hình thức tạo tác.

          vậy ta có thể thấy với hệ thống kiến trúc của ngôi Tam Bảo chùa Diên Phúc mặc dù là mới được tu bổ xây dựng lại nhưng nó vẫn giữ nguyên được giá trị kiến trúc cổ xưa của cha ông để lại.

          Ngoài ra, nằm ẩn khuất sau Đại điện chùa Diên Phúc, là ngôi Đền Thượng tương đối lớn tạo thành thế “tiền Phật hậu Thánh”, và các hành lang của ngôi đền ôm vay quanh toà Tam Bảo tạo cho chùa có kiến trúc “nội công ngoại quốc” . Đây là một cụm kiến trúc hoàn chỉnh, nguy nga. Hai bên có giải vũ, chính giữa có nhà tiền tế 5 gian 2 chái, phía sau là Chính điện hình chữ đinh, có cung cấm, khám thờ tinh xảo, cổ kính. Những đồ thờ gần đây nhất cũng có niên đại từ đời Thành Thái, Duy Tân, trên 100 năm. Di tượng của đức Thánh được thờ phụng trong khám kính, diện mạo được tạc trông còn rất trẻ, mày ngài mắt phượng, mặt trắng môi son, đầu đội mũ phốc trông có dáng nhà Nho. Đây là một pho tượng Thánh có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ, rất xứng là tượng Thánh ở làng tượng cổ truyền.

          – Điện mẫu: Nhà thờ Mẫu nằm bên phải ngôi chùa chính, cũng quay theo chiều hướng của chùa và được thiết kế theo kiến trúc hình chữ đinh, chia làm hai phần: nhà tiền tế và hậu cung. Mái làm đơn giản và cũng được lợp bằng ngói mũi hài. Trước hiên Điện Mẫu có 6 cột trụ hình vuông, làm bằng bê tông.

          Qua hiên bước qua ba cửa là nhà tiền tế có kết cấu 3 gian và hai gian buồng 2 bên làm ni phòng, có hai cột trụ bằng bê tông ở chíng giữa án gian thờ gian ngoài. Trong hậu cung cũng có 3 gian và bốn cột ở hai bên khán thờ tam Thánh Mẫu và khán thờ Ngũ Vị Tôn Ông. Nhà thờ Mẫu có thành phần kiến trúc rất thanh thoát, rộng rãi, chỗ hai kẻ gặp nhau được trang trí hình cánh bướm cho đỡ thô. Các hoành và quá giang được làm bằng gỗ vuông và nhẹ, khoảng cách giữa các hoành là trên bốn dưới năm, nền nhà được lát bằng gạch hoa trắng, ngoài hiên lát gạch hoa mầu xanh.

          Có thể khẳng định rằng với kiến trúc ở nhà điện Mẫu là sự pha chộn chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới trong kiến trúc nội thất chùa, đình. Đây cũng là kiến trúc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

          – Khách đường – Tổ đường: Nhà khác và Tổ đường là hệ thống triến trúc kép. Nằm quay mặt về hướng Tây, theo quan niệm của là tổ Đạt Ma quẩy dép về Tây. Qua sân nhà mẫu ta đi thẳng vào có 5 bậc được xây bằng gạch lỗ, bước lên là hiên nhà khách đường có 7 cột được đổ tròn bằng bê tông, chiều rộng của hiên là 1m, dài 6m. Qua hiên là hệ thống cửa gỗ là theo kiểu hoa văn thời hiện đại, nhà khách gồm 5 gian 2 dĩ và mỗi gian là một cửa ra vào. Kết cấu kiến trúc của nhà khách cũng rộng thoáng giống với kiến trúc nhà điện Mẫu.

          Qua nhà Khách đường với đường ống máng nước bê tông bước lên ba bậc hiên nữa là nhà thờ tổ với ba gian và một gian nhà ở, đó chính là phong của trụ trì. Và hệ thống kiến trúc nhà Tổ đường cũng giồng như nhà Mẫu.

          – Tháp – lầu Di Đà: Đằng sau vườn chùa có hai ngôi tháp một ngôi là tháp thờ Phật và là một ngôi Tháp thờ Tổ Ni.

          Tháp Thờ Phật hay còn gọi là “Tháp Cửu Phẩm” với chín tầng tháp cao vút, với những mái đao được đắp vẽ bằng các hình rồng uốn cong trên đỉnh tháp có bình cam lồ nhọn. Tháp được xây sáu cạnh mỗi cạnh là một cửa vòm và có đặt một pho tượng. Tháp này mới được xây dựng vào năm 2009.

          Tháp thờ Tổ ni là ngôi tháp được xây năm 1993 sau khi sư Thầy trụ trì (Thích Đàm Quang Thụy) về nhập tự đã xây tháp và rước hài cốt của Ni Sư Thượng Đàm hạ Nhung từ cánh đồng làng về nhập tháp. Tháp này được xây với bốn tầng, đỉnh tháp kết hình bầu nước cam lồ biểu trưng cho sự giải thoát phiền não. Dưới bầu nước cam lồ là hệ thống đính tháp, rồi đến mui huyện và 3 tầng tháp. Ở Tầng Tháp thứ hai được xây thành khung rỗng có cửa cùng vòm là nơi để bát hương và các đồ thờ cúng Tổ, ở tầng dưới là hình các cửa giả.

          Lầu Di Đà được đặt ở ao sau chùa và được xây hai tầng, tầng dưới là nhà tiếp khác nên có một bộ bàn nghế được đắp bằng xi măng. Trên lầu hai là lầu thờ tượng Đức Phật Di Đà, với kiến trúc hai tầng tám mái với các hoạ tiết hoa văn đặt rồng uốn cong làm đao tầng dưới được đỡ bằng bốn cột trụ và trong lầu có đặt một pho tượng Đức Phật Di Đà ngồi kết già, phía trước là một bệ thờ nhỏ và đặt một bát hương bằng sứ và các đồ thờ khác.

          Ngoài những bộ phận kiến trúc nghệ thuật chính như đã được trình ở trên thì chùa còn có các nhà Tứ Ân, nhà tác trù, thư viện, lầu thờ Thiên Thủ Thiên Nhỡn, dục thất, thư viện, giảng đường, khu vườn hoa và khu vườn cây ăn quả nó đã tạo nên cho ngôi chùa có một sự ấm cúng và thanh thoát.

          4. Vấn đề bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị truyền thống chùa Diên Phúc

          Chùa Diên Phúc là một khu di tích nằm ở ngoại thành thủ đô Hà Nội, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng chùa vẫn giữ được các di vật quý giá, có giá trị nghệ thuật. Với các giá trị văn hoá lịch sử nhất định của di tích chùa Diên Phúc, việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy tác dụng của di tích chùa là một công việc quan trọng và cần thiết.

          4.1. Vấn đề bảo vệ – tôn tạo di tích

          – Bảo vệ bằng cơ sở pháp lý: Trong điều kiện văn hoá đã trở thành cốt lõi của quá trình giao lưu và hoà nhập quốc tế như hiện nay thì công tác bảo tồn di tích có tầm quan trọng cao không chỉ là vấn đề đặt ra trong khuôn khổ một nước, một quốc gia mà nó có tính chất toàn cầu. Về vấn đề văn hoá, Lênin đã nhấn mạnh “Văn hoá vô sản không phải bỗng nhiên có… Văn hoá vô sản là sự phát triển hợp quy luật của tổng số những kiến trúc mà loài người đã tích luỹ dược dưới ách thống trị của xã hội tư bản – xã hội của bọn địa chủ và quan liêu”270

          Đối với truyền thống, Lênin cũng vạch ra: “Giai cấp công nhân không giữ gìn di tích như kiểu người lưu giữ văn thư, lưu giữ giấy tờ cũ và không có nghĩa là giữ gìn di sản là bám chặt lấy di sản”271. Trên cơ sở đó, việc bảo vệ di sản văn hoá có tính toàn cầu thể hiện ở một số bản quốc tế và một số nước trên thế giới.

          Chùa Diên Phúc là một ngôi chùa cổ, tiềm ẩn bên trong biết bao giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật. Chùa được bộ văn hoá thông tin ra quyết định số 25VH/QĐ ngày 3/2/1986 (Bính Dần), xếp hạng Di Tích Lịch Sử văn hoá cấp quốc gia. Như vậy, chùa Diên Phúc có đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ di tích.

          Bảo vệ di tích chùa Diên Phúc bằng văn bản pháp lý là công việc quan trọng có tính chất quyết định trong quá trình bảo tồn. Ban quản lý di tích của huyện Hoài Đức và xã Sơn Đồng phải có trách nhiệm tuyên truyền, nâng cao tầm quan trọng của di tích, nêu rõ của việc bảo vệ di tích, làm cho quần chúng nhận thức được giá trị của di tích, để từ đó có ý thức bảo vệ, giữ gìn. Cố vấn Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Lúc nào quần chúng hiểu được và nhận đó là việc của mình thì quần chúng xẽ làm chắc chắn, làm tốt hơn ta tưởng tượng”272. Ban quản lý di tích huyện, xã phải phối hợp cùng với Thầy trụ trì chùa Diên Phúc để kịp thời phát hiện những chỗ hư hỏng để sửa chữa, ngăn chặn hành vi xâm phạm di tích, những hủ tục mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội xẩy ra trong di tích, không cấp giấy phép cho những công trình vành đai bảo vệ di tích. Cần có một cán bộ bảo tồn bảo tàng luôn xuống di tích để khi cần thiết có thể hướng dẫn cho khách thăm quan chùa. Bởi vậy, ngoài việc ban hành những văn bản pháp lý thì còn phải có những hình phạt thích đáng đối với những ai có ý định vi phạm đến di tích.

          Sở văn hoá thông tin thành phố Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với phòng văn hoá huyện Hoài Đức và xã Sơn Đồng để có những biện pháp khen thưởng kịp thời với những ai có tinh thần trách nhiệm tốt chấp hành nội quy bảo vệ di tích, phát hiện những hành vi xấu phá hoại, xâm phạm đến ngôi chùa. Những hình thức khen thưởng này phải tiến hành kịp thời để thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia bảo vệ di tích. Những khu vực đất đai lấn chiếm của nhà chùa cần phải có văn bản pháp lý tiến hành thu hồi lại toàn bộ để trả lại cảnh quan như xưa cho ngôi chùa. Nhân dân Sơn Đồng là lực lượng hùng mạnh góp phần vào việc bảo vệ chùa, bảo vệ các di sản văn hoá và danh lam thắng cảnh khác trong xã nói chung. Nhân dân là những người trực tiếp sáng tạo ra các giá trị văn hoá, bởi vậy phải làm công tác tuyên truyền giáo dục nhân dân hiểu, tham gia bảo vệ là rất qua trọng và cần thiết.

          – Bảo vệ di tích bằng cách áp dụng các giải pháp kỹ thuật: Để có thể đề ra được những giải pháp hợp lý cho di tích thì ta cần phải biết được một số hiện trạng của chùa như:

          So với các chùa trong huyện thì chùa Diên Phúc là một ngôi chùa có hiện trạng rất tốt vì mới được trùng tu và xây dựng lại với các kiến trúc cổ vẫn còn được giữ nguyên, được xây bằng xi măng cát và gỗ sến, táu rất vững chắc. Nhưng quan trọng là tình hình xâm lấn đất trước khuôn viên chùa làm mất lối đi và cảnh quan, cũng như làm mất đi vẻ thiêng liêng vốn có của chùa. Các hệ thống tượng thờ, những đồ vật cổ trong chùa hầu như là mới được tô lý và được làm mới hoàn toàn.

          Bởi vậy, để giữ gìn, bảo tồn được di sản văn hoá thì cần phải tiến hành bảo vệ, tu bổ lại thường xuyên, phòng chống lâu dài và loại các nguyên nhân gây hại cho di tích, đặc biệt là phải lấy được lại khu đất đang bị lấn chiếm để trả lại cảnh quan tôn nghiêm vốn có của ngôi chùa.

          Hơn nữa, cần phải dùng các loại hoá chất để sử lý gỗ kéo dài được tuổi thọ gỗ từ 250 – 300 năm. Những bộ phận bằng gạch thì tuỳ mức độ hư hỏng mà tìm cách phục chế lại như: hỏng nặng thì có thể dỡ bỏ xây lại theo đúng quy cách, nếu hỏng nhẹ thì ta có thể tu bổ lại theo đúng nguyên như cũ. Hàng năm ta nên tiến hành đảo ngói một đến hai lần để tránh việc bị dột ảnh hưởng đến các đồ thờ bên trong. Ngoài ra cần đặt trong danh sách cứu hoá của huyện để phòng khi có sự cố xẩy ra.

          Mặt khác, muốn khai thác tiềm lăng về du lịch của di tích thì cần phải đầu tư thích hợp để bảo vệ tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan kiến trúc, để chùa Diên Phúc xứng đáng là “Di tích cổ của thành phố Hà Nội”. Đồng thời phải đặt ra một phương án khoanh vùng bảo vệ di tích không bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hoá trong tương lai.

          Như vậy, việc bảo vệ và tu tạo di tích lịch sử văn hoá chùa Diên Phúc là công việc hết sức quan trọng, trước hết là sẽ giữ được một di sản văn hoá của dân tộc, một kiến trúc cổ đẹp của Thăng Long nghìn năm văn hiến. Đây là công việc có tính nhân văn lớn thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

          4.2. Vấn đề phát huy giá trị văn hóa của di tích

          Nhiệm vụ của công tác bảo tồn bảo tàng không chỉ đơn thuần là giữ gìn nguyên vẹn di tích mà còn phải biết phát huy tác dụng của những di tích đó để phục vụ cho cuộc sống hiện tại và tương lai.

          Tiến hành đồng thời công tác bảo vệ và phát huy tác dụng của di tích sẽ có ý nghĩa rất lớn: “Công tác bảo tồn bảo tàng không dừng lại ở phạm vi khôi phục sự thật lịch sử, không dừng lại ở phạm vi tuyên truyền và giáo dục mà còn là một công tác khoa học để nghiên cứu, phát triển chân lý mới và tìm ra những đặc điểm quy luật xã hội lịch sử”.273

          Chùa Diên Phúc được xây dựng cách đây hơn nghìn năm lịch sử, vì vậy nó mang giá trị lớn về lịch sử và nghệ thuật của một ngôi chùa cổ ở vùng Bắc Bộ. Đây vừa là nơi đáp ứng được các nhu cầu tâm linh cho người dân bản xứ cũng như mọi tín đồ trong cả nước, vừa là nơi gắn bó và đoàn kết, tô đậm tình làng nghĩa xóm, khiến cho ngôi chùa không những không bị lãng quên theo vòng xoáy của thị trường mà nó còn làn nổi trội mở cửa tiếp nhận sinh lực của sự sống mới.

          Đến nay cụm di tích chùa Diên Phúc và Đền Thượng có thể nói là một cụm di tích được rất nhiều người biết đến, bởi vậy ta cần phải có các hình thức tuyên truyền rộng rãi đến tới mọi người. Những hình thức đó là giới thiệu về lịch sử hình thành chùa và đền, nêu giá trị nghệ thuật kiến trúc cổ trên các trang báo, các trang thư điện tử, trên truyền hình… để thu hút khách tham quan, các nhà nghiên cứu và đông đảo Phật tử đến chùa để ta có thể qua đó truyền tải hay giảng giải thêm những giáo lý của đức Phật, khiến cho con người hướng tới cái Chân – Thiện – Mĩ.

          5. Tạm kết

          Chùa Diên Phúc – Sơn Đồng không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài xã mà ngôi chùa này còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử với hệ thống các hiện vật quý như đồ thờ, hệ thống tượng, cũng như kiến trúc nghệ thuật thời Lý. Với kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc “tiền Phật hậu Thần”, với bộ khung bằng gỗ Sến, Táu chịu lực, được đụng trạm với đề tài tứ quý tứ linh, rất tinh tế chau chuốt, mềm mại thanh thoát, nhằm giảm bớt sự nặng nề của khối gỗ lớn. Hệ thống tượng Phật, hoành phi câu đối, cửa võng hài hoà uy nghiêm cổ kính có giá trị nghệ thuật cao.

          Ngoài ngôi chùa chính với nghệ thuật kiến trúc độc đáo thì chùa còn có các toà nhà thờ Tổ, điện thờ Mẫu, nhà khách đường, nhà Tứ Ân, nhà Bia, non bộ, tháp cửu phẩm. Với vườn hoa cây trái lung linh sắc màu hoà quyện với đất trời, nó càng tô điểm thêm vẻ đẹp mượt mà kỳ vĩ cho cảnh quan thiên nhiên của ngôi chùa. Ngoài ra chùa còn có gác chuông tám mái, góc đao cong cao vút bay bổn, giao hoà với vạn vật thiên nhiên. Để khép lại khuôn viên chặt chẽ gọn gàng, là tường bao lơn thẳng tắp, trên gắn triện tàu cổ kính, dưới đắp sen quy và các điển tích Phật giáo rất khoa học quy mô, được liên hoàn mật thiết từ cổng trong cho tới tận Tam Quan, có đường đi chung quanh cây xanh bao bọc, xen lẫn chùm nụ chùm hoa, lan toả hương thơm. Thật kỳ diệu nhiệm mầu, lại có thêm một kiến trúc môi trường, không khí trong lành, bầu trờ cảnh Phật, hiển hiện giữa không gian, gợi lên niềm tin cho nhân thế. Đó chính là vườn Tứ Động Tâm, tức là bốn điển tích quan trọng của cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rất trang nghiêm sống động đem lại cảm giác thư thái cho con người.

          Như vậy, chùa Diên Phúc – Sơn Đồng quả là một công trình kiến trúc độc đáo, đại diện cho một nền kiến trúc của các ngôi chùa Bắc bộ. Tuy đã trải qua ngàn năm lịch sử với những thăng trầm biến thiên nhưng những người kế thừa luôn hãnh diện là không đánh mất đi những gì mà các vị tiền bối đã để lại từ ngàn xưa và Chùa vẫn được toàn dân chăm sóc bảo tồn và trùng tu tôn tạo lại. Không những chỉ có thế, chùa còn được phát huy hết tiềm năng giá trị lịch sử văn hoá của mình, tạo cho hậu thế những tấm gương bảo quản duy trì và trấn hưng Phật giáo.

          Qua nhiều lần trùng tu tôn tạo chùa vẫn mang dáng dấp của một ngôi chùa cổ và có thể nói việc xây dựng toàn bộ khuôn viên chùa mới năm 2008 là một công sức rất vất vả và khó khăn. Vì vậy chúng ta nên chân trọng giữ gìn nó, đây là tài sản vô giá thiêng liêng của làng Sơn Đồng và của dân tộc Việt Nam. Và ta cũng xin cảm niệm đến ân đức của sư thầy trụ trì: Thích Đàm Quang Thuỵ, đã không quản gian nan, không từ khó nhọc, phải đứng mũi chịu sào lo toan gánh vác để có được ngôi chùa khang trang và cổ kính như ngày hôm nay.

          Và ngày nay, trong không khí của làng quê đổi mới tấp nập sản xuất kinh tế thì tiếng chuông chùa vẫn gợi lên trong lòng người một cảm giác thanh bình yên ả. Sự xô bồ của làng quê thời kinh tế thị trường được thở lấp bởi mạch sống gắn liền với cội nguồn truyền thống. Chùa Diên Phúc vẫn được xem là nới cất chứa phúc ân của người dân Sơn Đồng

          Với công tác bảo tồn bảo tàng đóng vai trò quan trọng và tích cực trong việc truyền bá sự hiểu biết về tự nhiên và xã hội. Bảo tồn di tích lịch sử văn hoá tức là giữ gìn và phát triển những di sản văn hoá của dân tộc, không chỉ cho nhân dân quanh vùng mà còn cho cả toàn thế giới biết đến một nền văn hoá cổ xưa của dân tộc Việt Nam.

          Hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn di tích lịch sử quốc gia như vậy, mỗi người chúng ta cần phải có tinh thần và trách nhiệm, bảo vệ, phát huy tác dụng của di tích nhằm làm cho di tích ngày một phát triển tốt hơn, đáp ứng kịp thời với nhu cầu tìm về cội nguồn lịch sử dân tộc. Qua đó tạo ra mạch văn hoá liên tục từ quá khứ tới hiện tại và tương lai, đáp ứng với chức năng và nhiệm vụ của công tác bảo tồn bảo tàng .

 

 

 

_Chú thích:

268. Xem phụ lục – bia ghi lại lịch sử chùa Diên Phúc.

269. Xem phụ lục – tượng Bồ Tát Quan Thế Âm.

270. Lênin toàn tập – NXB tín bộ Maxcova – 1978

271. Lênin toàn tập – Tập 2 – P.693 – NXB sự thật 1959

272. Phạm Văn Đồng – xây dựng nền văn hoá VN ngang tầm vóc dân tộc, thời đại ta – P93 – NXB sự thật – HN 1975

273. Hà Văn Tấn – Mấy vấn đề về phương pháp luận sử học tập tài liệu