1. Nhập đề
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn của thế giới và có lịch sử hình thành từ lâu đời. Phật giáo du nhập vào nước từ khá sớm, trong đó có huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng và đã để lại những dấu tích lịch sử, văn hoá vật chất… “Văn bia chùa Đót ở Kinh Lương (xã Cấp Tiến) nói về việc tô tượng Phật A Di Đà và tu bổ chùa. Nội dung văn bia cho biết, chùa có từ đời nhà Lương (505-543), trải qua các đời Lý, Trần, con vị Quản lão ở bản xã tên là Lãng, Nhàn, Du, cùng vị sư trụ trì chùa đứng ra hưng công sửa sang mở rộng quy mô chùa to hơn, lộng lẫy hơn. Đây là tấm bia có niên đại sớm nhất ở huyện Tiên Lãng (1491), qua đây có thể biết chùa Đót Sơn muộn nhất cũng được xây dựng vào thế kỷ XV”274.
Thời Mạc (thế kỷ XVI), hàng loạt chùa chiền trên địa bàn huyện Tiên Lãng được trùng tu hoặc xây mới như: Chùa Đông Ninh (Hà Lâu tự), xã Tiên Minh (1589); chùa Minh Thị, xã Toàn Thắng (1574); chùa Hồng Khánh, xã Toàn Thắng (1589); chùa Sùng Ân (Phú Kê), thị trấn Tiên Lãng (1578); chùa Bảo Khánh, xã Kiến Thiết (1589)…
Thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn cùng tiếp bước các thời đại trước trùng tu, sửa chữa và tân tạo nhiều công trình tôn giáo – chùa chiền ở hầu khắp các địa bàn xã, thôn của huyện Tiên Lãng, để hôm nay, các thế hệ con cháu có thể thấy được và đến tham quan, chiếm bái, lễ Phật, tu tâm dưỡng tính.
2. Lịch sử kiến trúc chùa Đông Ninh
Chùa Đông Ninh là công trình tôn giáo cổ kính, trang nghiêm của xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
Chùa toạ lạc trên khuôn viên đất thuộc thôn Đông Ninh, xã Tiên Minh. Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng cho biết: “Đông Ninh là thôn của xã Tiên Minh. Trước năm 1945, là xã Đông Ninh, tổng Duyên Lão, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An. Trước năm 1813, là xã Đông Minh, tổng Duyên Lão, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương. Đời Đồng Khánh đổi thành Đông Ninh”.
Chùa Đông Ninh có tên chữ là Hà Lâu và được hình thành từ lâu đời, muộn nhất có thể vào đầu thời Mạc (thế kỷ XVI). Văn bia Hà Lâu tự bi ký tạo tác ngày 24 tháng 5 niên hiệu Hưng Trị thứ 2 (1589) cho biết: Chùa Hà Lâu là danh lam cổ tích của xã Đông Minh, huyện Tân Minh. Sách Văn bia Tiên Lãng Hải Phòng, trong phần dịch nghĩa bia chùa Hà Lâu (1589) cho biết: “Chùa Hà Lâu, xã Đông Minh, trải qua bao đời đã nhiều lần tu tạo, nhưng quy mô chưa hoàn hảo. Nay các thiện sãi: Mai Thanh Hữu, Phạm Văn Thư, Tạ Duy Nhất, Vũ Biểu đứng ra quyên góp tiền của. Ngày 13 tháng 10 năm Ất Dậu khởi công dựng toà hậu đường, hai bên tả hữu hành lang, nhân đó các Hương lão vui điều thiện mà làm theo. Lại may, nhờ vị thánh hiền Thái hoàng Thái hậu nằm mộng, sai người đến hỏi, và ban tiền đồng để tu bổ Tam quan từ vũ, tô tượng Phật và đúc mới 4 pho. Mọi việc hoàn thành, công đức vẹn toàn, khắc lên bia đá lưu truyền mãi mãi cùng trời đất. Có bài minh rằng275.Vị Thái hoàng Thái hậu họ Vũ. Vị Hoàng thái hậu họ Bùi. Phụ chính ứng vương họ Mạc. Tỳ kheo tăng hiệu Diệu Trí” […].
Từ văn bia Hà Lâu tự bi ký đã khắc hoạ một diện mạo quy mô bề thế của kiến trúc chùa Đông Ninh với các đơn nguyên kiến trúc như: Tam quan, hậu đường, hai bên tả hữu hành lang. Nội dung văn bia không nhắc đến công trình chính là điện Phật. Nhưng dựa trên các nghiên cứu về khảo cổ học và dấu tích về ngôi chùa thời Mạc còn được bảo tồn ở nhiều địa phương trên cả nước thì bước đầu có thể tạm suy luận về bình đồ kiến trúc của chùa Đông Ninh vào thời Mạc theo “nội công ngoại quốc” (?).
Dấu ấn vật chất về đợt trùng tu, sửa chữa chùa Đông Ninh vào thời Mạc còn để lại tại chùa với những viên gạch đất nung và tảng kê chân cột, cùng 03 cặp thành bậc mang đặc trưng của mỹ thuật tạo hình thời Mạc (thế kỷ XVI).
Văn bia Hà Lâu tự bi ký được tạo tácniên hiệu Đức Long thứ 4 (1735) cho biết: “Quan viên, Hương lão, Sắc mục xã Đông Minh, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương, nước Đại Nam cùng mọi người trên dưới. Chùa Hà Lâu vốn là chốn cổ tích danh lam, nay đã bị đổ nát276. Đến năm Quý Sửu bản xã tu sửa thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, hành lang, tam quan, cây cầu gỗ và một gian thờ Phật. Để tỏ lòng công đức của mọi người, đến năm Ất Mão hoàn thành công trình, nên dựng bia khắc đá, khai rõ như sau. Kê […]”277.
Nội dung văn bia cho thấy từ thời Mạc cho đến thời Lê Trung Hưng (nửa đầu thế kỷ XVII), chùa Đông Ninh quả thực là chốn danh lam cổ tích với quy mô tráng lệ, toà ngang dãy dọc, bao gồm các đơn nguyên kiến trúc như: Tam quan, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hành lang, hậu đường. Từ các đơn nguyên kiến trúc này càng cho phép khẳng định về một bố cục kiến trúc “nội công ngoại quốc” của chốn già lam – Hà Lâu tự – chùa Đông Ninh.
Dấu ấn vật chất của đợt trùng tu chùa vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVIII) còn để lại là hệ thống tường bao Phật điện với hệ thống gạch vồ to bản, màu trắng xám.
Từ thời Nguyễn (thế kỷ XIX, XX) đến nay, chùa Đông Ninh luôn được các vị sư trụ trì, cùng nhân dân, thiện tín xa gần góp công của trùng tu, tu bổ để có diện mạo ngày càng khang trang, tố hảo như hiện nay.
3. Kiến trúc chùa Đông Ninh hiện nay
Chùa Đông Ninh được dựng trên một thế đất khá cao. Hướng mặt tiền nhìn về phía Tây Nam. Phía trước toà tiền đường dựng các toà tháp mộ sư, phía sau toà thượng điện trồng cây mít cổ nhiều trăm năm tuổi.
Chùa có bố cục mặt bằng hình chữ Đinh truyền thống, bao gồm toà tiền đường 03 gian 02 chái (hay còn gọi 05 gian) và 03 gian thượng điện. Hệ thống tường bao chùa được xây bằng hệ thống gạch vồ bản to, có niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVIII) mà chúng ta có thể bắt gặp ở nhiều ngôi đình, ngôi chùa cổ kính trên địa bàn thành phố Hải Phòng mang niên đại trùng tu hay tạo dựng vào thế kỷ XVII, XVIII còn bảo lưu được như: Đình Hàng Kênh (quận Lê Chân); miếu Bảo Hà (huyện Vĩnh Bảo); chùa Đông Lâm (huyện Vĩnh Bảo),…
3.1. Kiến trúc toà tiền đường
Toà tiền đường có kiến trúc hình chữ nhật. Phần mái kiểu thức bốn mái (gồm mái trước, mái sau và hai mái hồi), đầu đao cong.
Hệ thống khung chịu lực toà công trình được liên kết bởi các bộ vì, các thanh xà ngang và hệ thống cột chịu lực theo thể thức bốn hàng chân (bao gồm hai hàng cột cái và hai hàng cột quân).
Liên kết hệ khung chịu lực với vì nóc mái và vì nách: Vì nóc mái được liên kết trong khoảng không gian của hai hàng cột cái, vì nách liên kết trong không gian của hai hàng cột quân.
Vì nóc mái được thiết kế kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, các con rường được xếp chồng lên nhau thông qua các đấu kê, các rường được tạo tác ngắn dần theo độ dốc của mái, đồng thời lưng các rường sẽ làm nhiệm vụ đỡ các thanh hoành ở phía trên.
Nối đầu hai cột cái với nhau là một thanh câu đầu. Tại dạ câu đầu có ghi lạc khoản trùng tu chùa vào năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thành Thái (1892).
Vì nách được thiết kế kiểu thức kẻ liền bẩy. Liên kết từ phần đầu cột cái xuống đầu cột quân là thanh kẻ kiểu thức “kẻ ngồi”, trên lưng kẻ đỡ ván dong, lưng ván dong tạo các hốc hình chữ nhật để đỡ các hoành mái. Phần đầu bẩy vườn dài ra phía ngoài để đỡ tàu mái.
3.2. Kiến trúc toà thượng điện
Phần mái có kiến trúc kiểu hai mái. Nối hai mái lại với nhau là bờ nóc được thiết kế từ các khối hoa chanh kép hộp rỗng.
Liên kết khung chịu lực toà thượng điện cũng giống như toà tiền đường bao gồm các bộ vì làm theo thể thức bốn hàng chân cột (bao gồm hai hàng cột cái, hai hàng cột quân).
Liên kết vì nóc mái theo kiểu thức “biến thể giá chiêng”. Thay bằng việc dùng các con rường chồng xếp lên nhau như ở toà tiền đường thì ở toà thượng điện, dùng các ván mê, lưng ván tạo các hốc để đỡ các hoành mái.
Vì nách liên kết kiểu thức “ván mê” đơn giản, nhưng vẫn đáp ứng mục đích chịu lực, đỡ các hoành mái phía trên và toàn bộ sức nặng của hệ mái phía trên dồn xuống.
3.3. Trang trí trên kiến trúc
Trang trí trên kiến trúc chùa Đông Ninh tập trung chủ yếu vào hệ khung chịu lực với các vì nóc mái, vì nách. Tuy nhiên, có vẻ đơn giản, mộc mạc, mang đặc trưng dấu ấn nghệ thuật của đợt trùng tu chùa vào thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX).
Trang trí toà tiền đường được thể hiện trên các cấu kiện như các con rường, đấu kê, câu đầu, kẻ. Trên má các con rường, kẻ và câu đầu chạm nổi lá cách điệu. Các đấu kê chạm hoa sen. “Trong Phật giáo, hoa sen là biểu tượng của sự tinh khiết, thức tỉnh và trung thành, vì loài hoa này mọc lên từ bùn lầy nhưng vẫn giữ được bản thân trong sạch, thanh cao. Bên cạnh đó, hoa sen còn biểu trưng cho giá trị đạo đức, sự thánh thiện và thuần khiết, cũng như sự duy trì và phát triển Phật pháp. Hoa sen hội tụ đầy đủ trong mình ý nghĩa triết học, nhân sinh cao quý và phẩm cách cao đẹp. Theo đó, Phật giáo lấy hoa sen làm Phật đài, biểu tượng tinh thần về 5 điều cơ bản: Tính vô nhiễm; Tính thuần khiết; Tính thanh lọc; Tính thuỳ mị; Tính kiên nhẫn”278.
Trang trí trên vì nóc mái, vì nách toà thượng điện với một đề tài duy nhất là hoa văn “văn triện lá dắt”, lá được cách điệu hoá thành biểu tượng rồng với hình thức lưỡng long cùng chầu vào lòng giá chiêng. Các hệ vì được sơn son thếp bạc với dạng thức hoa văn được thếp bạc trên nền son nâu đỏ.
Trang trí trên hệ mái chùa gồm có bờ nóc đắp, bờ dải và bờ guột được đắp khối hoa chanh kép hộp rỗng. Chính giữa bờ nóc đắp bức đại tự, lòng đại tự nhấn ba chữ Hán tên chữ của ngôi chùa là “Hà Lâu tự”, tuy nhiên chữ “Hà” đã được dùng khác so với chữ “Hà” trong văn bia cổ của chùa con bảo lưu được. Hai diềm bức đại tự đắp hoa văn triện lá dắt; phía trên đắp biểu tượng lá cách điệu cùng chầu vào biểu tượng của nhà Phật là bánh xe pháp luân. “Bánh xe có 8 căm để tượng trưng. Con số 8 là tượng trưng cho Bát chánh đạo. Bát chánh đạo gồm có: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Vì trong Tứ diệu đế, thì Bát chánh đạo thuộc về Đạo đế. Đạo đế gồm có 37 phần hay phẩm, thường gọi là 37 phẩm trợ đạo. 37 phẩm trợ đạo gồm có: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần và Bát chánh đạo phần. Trong 37 phẩm trợ đạo này, thì Bát chánh đạo là quan trọng hơn cả. Vì đó là tám con đường đưa chúng sanh đến chỗ giác ngộ giải thoát. Nói cách khác, đó là 8 phương pháp diệt khổ để đạt được Niết bàn an lạc (Diệt đế). Do đó, để nhắc nhở mọi người luôn nhớ đến tám con đường quan trọng này, nên người ta dùng bánh xe có 8 căm để biểu trưng cho ý nghĩa chuyển pháp luân vậy”279.
Hai đầu kìm tạo trụ đấu vuông thót đáy và đắp hình tượng kìm ngậm bờ nóc. Hình tượng kìm được tạo tác với đầu hình rồng, hai chân chống trên phần mái phía bờ dải, đuôi thon, xoắn nhẹ nhàng và dựa trên lòng đấu vuông phía dưới.
Ở vị trí khúc nguỷnh (vị trí giao nhau giữa bờ dải và bờ guột) đắp linh vật Trào Phong, một trong chín con của rồng. Trào Phong được trang trí trên hệ mái công trình kiến trúc mang lại giá trị trang trí đẹp mắt và uy nghi, đồng thời với ngụ ý chống hoả hoạn và thị uy kẻ xấu. Ngoài ra, hình tượng linh vật này còn tượng trưng cho điều tốt lành, may mắn.
Đầu đao đắp tổ hợp “rồng chầu phượng mớn”. Với cách thức tạo tác hình rồng với thân rồng thanh mảnh, đầu vươn cao rồi chầu vào lòng mái, vị trí có biểu tượng chim phượng đã tạo cho đầu đao cũng như toàn bộ hệ mái toà tiền đường không những có giảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát mà còn bay bổng giữa tầng không vũ trụ.
4. Kết luận
Chùa Đông Ninh (Hà Lâu tự), xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng là chốn danh lam cổ tích của huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Theo tư liệu văn bia, cùng dấu tích vật chất còn bảo tồn, lưu giữ tại chùa thì ngôi chùa có lịch sử hình thành từ lâu đời và được trùng tu lớn vào thời Mạc, thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn và các thời kỳ sau này.
Dưới thời Mạc, chùa được hưng công sửa chữa bởi nhân dân địa phương, bên cạnh đó phải kể đến sự góp sức to lớn của hoàng thân, quốc thích nhà Mạc như Thái hoàng Thái hậu họ Vũ, Hoàng thái hậu họ Bùi, Phụ chính ứng vương họ Mạc và đặc biệt là vị sư trụ trì bản tự.
Tư liệu văn bia cho thấy, cách đây gần 500 năm, chùa Đông Ninh đã nổi tiếng một vùng là chốn già lam bề thế, trang nghiêm với toà ngang, dãy dọc, bình đồ kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Đây là lối bố cục kiến trúc đã bắt gặp ở nhiều ngôi chùa có niên đại sớm ở nước ta, đặc biệt hơn là có sự gắn bó, trợ duyên của các tầng lớp đại quý tộc như hoàng thân quốc thích trong triều đình phong kiến Việt Nam. Một nét đặ biệt nữa là ngôi chùa Đông Ninh nằm ở xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, một vùng đất nằm sát với biển, nơi này, vào thế kỷ XVI, XVII, trao đổi buôn bán trong và ngoài nước rất sầm uất, tấp nập. Đời sống của người dân địa phương khá ổn định, cho nên việc sùng bái đạo Phật, hằng tâm hằng sản công đức trùng tu, sửa chữa chùa chiền được chú trọng. Vì lẽ đó mà hiện nay, tại chùa Đông Ninh chúng ta còn có thể bắt gặp hàng loạt các di vật, tượng thờ mang dấu ấn thời Mạc đặc trưng như 06 thành bậc được chạm hình tượng mây hoá rồng, nghê, hay gạch vồ chạm rồng, đặc biệt hơn, trong Phật điện, chùa còn bảo lưu được pho tượng đá thời Mạc được chạm trổ hoa văn tinh sảo, sống động, những đường nét hoa văn toát lên vẻ quyền quý, sang trọng của nhân vật.
Đến nay, chùa Đông Ninh không còn mang dấu ấn kiến trúc của một đại danh lam với lối kiến trúc “nội công ngoại quốc” đồ sộ, nhưng thay vào đó lại là một công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc và nghệ thuật của thời Nguyễn được trùng tu vào niên hiệu Thành Thái (1892). Xét trong hoàn cảnh lịch sử của huyện Tiên Lãng, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cứu nước. Thực dân Pháp với nhiều cuộc càn quét vào các làng xã, đã đốt cháy và phá huỷ nhiều công trình tôn giáo, tín ngưỡng, tuy nhiên chùa Đông Ninh là số ít công trình tôn giáo còn giữ lại được sau bom đạn chiến tranh. Đến nay, sư trụ trì cùng với Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đã góp công sức to lớn để bảo tồn, tôn tạo ngôi chùa cùng cảnh quan di tích, đồng thời phát triển để chùa trở thành trung tâm hướng thiện, tu rèn tâm tính của con em địa phương, huyện Tiên Lãng.
_Chú thích:
274. Văn bia Tiên Lãng, Hải Phòng, tr11-12
275. Hà Lâu cổ tích/Đất trời ban bài/Người thiện trong xã/Tiến cúng gia tài/Tẩm cung hoà hiệp/Tiền bạc ban rồi/Tô mới tượng Phật/Trang nghiêm lâu dài/Một tấm bia dựng/Vạn phúc đắp bồi
276. Bản dịch “Bi ký chùa Hà Lâu” của Nguyễn Thị Nguyệt, nguyên cán bộ Bảo tàng Hải Phòng. Nội dung: “Chùa Hà Lâu vốn là danh lam cô tích xã Đông Minh, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, xứ Hải Dương. Trải qua nhiều năm tháng nay tường đổ nát, cột xiêu vẹo. Năm Quý Sửu, quan viên hương lão cùng toàn dân trong xã chọn ngày đẹp khởi công tu sửa các toà: Thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, hành lang, tam quan, cầu gỗ trong ấp. Đến năm Ất Mão công trình hoàn thành viên mãn, nhân đó dân làng dựng bia đá kê tính danh người công đức”. Chúng tôi thấy dùng cụm từ “tường đồ, cột xiêu” so với “bị đổ nát” là phù hợp hơn, hơn nữa cũng phù hợp với việc đoạn dưới dùng cụm từ “tu sửa”.
277. Văn bia Tiên Lãng, Hải Phòng, tr696
278. https://thuvienquocgia.vn/y-nghia-hoa-sen/
279. https://phatgiao.org.vn/y-nghia-banh-xe-chuyen-phap-luan-d47263.html
Tài liệu tham khảo:
- Bảo tàng Hải Phòng (2005), Lý lịch di tích miếu – chùa Đông Ninh, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
- Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Nguyệt (dịch), Bi ký chùa Hà Lâu, Nguyên cán bộ Bảo tàng Hải Phòng.
- Hội đồng Lịch sử thành phố Hải Phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội (1998), Từ điển Bách khoa địa danh Hải Phòng, Nxb. Hải Phòng\
- Huyện uỷ – UBND huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng (2009), Văn bia Tiên Lãng Hải Phòng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
- Nguyễn Văn Sơn (1997), Di tích thời Mạc vùng Dương Kinh (Hải Phòng), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Viện Bảo tồn di tích (2017), Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích, tập 1, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
- https://phatgiao.org.vn/y-nghia-banh-xe-chuyen-phap-luan-d47263.html.
- https://thuvienquocgia.vn/y-nghia-hoa-sen/