Kiến trúc cảnh quan chùa Giác Lương một trường hợp điển hình của chùa Làng vùng Thuận Hoá (Nguyễn Thăng Long – Lê Đình Hùng)

TẢI FILE PDF
—————–

          1. Vài nét về chùa làng vùng Thuận Hóa – Huế

          Khi người Việt đến vùng Thuận Hóa canh phá, an cư, cố kết thành cộng đồng đăng tịch, định địa giới, lập xã hiệu thì những thiết chế văn hóa tín ngưỡng mang yếu tố văn hóa Việt dần dần được hoàn bị. Những cơ sở văn hóa tín ngưỡng mang yếu tố Việt được xác lập khi hội đủ điều kiện. Đình là một cơ sở văn hóa tín ngưỡng làng xã được ưu tiên xác lập trên vùng đất mới, sau đó mới đến các cơ sở tín ngưỡng khác như chùa, miếu, đàn,… Chùa làng là một thiết chế văn hóa mang dấu ấn của người Việt khi định cư trên vùng đất mới. Nhìn nhận trên mặt hiện tượng có thể nhận thấy đa số các làng ở vùng Thuận Hóa đều có chùa, mỗi làng thường có một ngôi chùa, một vài trường hợp có làng tồn tại hai ba ngôi chùa được hình thành bởi những mối nhân duyên khác nhau và thời điểm khác nhau. Song, chùa làng vẫn là cơ sở tín ngưỡng được hình thành từ rất sớm, trên vùng Thuận Hoá.

          Thông thường chùa làng do các cộng đồng các làng xã tạo lập hoặc một số cá nhân nào đó tạo lập, sau đó chuyển giao cho làng phụng tự. Chùa làng không chỉ thờ phụng Phật, Bồ Tát, mà còn phối thờ cả những vị Thánh của Đạo giáo, Thần, Linh theo tín ngưỡng dân gian, các vị khai khẩn, khai canh hay thủy tổ các dòng họ, thậm chí những di vật thuộc Ấn Độ giáo của người tiền trú để lại. Mỗi một ngôi chùa của mỗi làng có một sắc thái riêng, đó là nơi còn lưu giữ những yếu tố Phật giáo mang đậm tính dân gian.

          Làng xã vùng Thuận Hóa mỗi làng có điều kiện địa lý tự nhiên đặc thù, sinh cảnh khác biệt và nhân tố lịch sử chi phối dẫn đến điều kiện hình thành một ngôi chùa cũng như vị trí tọa lạc cũng có những nét riêng biệt. Những làng xã ở vùng đồng bằng được phù sa của những con sông lớn bồi tụ, thường là những làng xã được hình thành từ rất sớm của vùng Thuận Hóa. Vị trí xây dựng chùa luôn được các cộng đồng làng xã ưu tiên lựa chọn. Thông thường, chúng thường được bố trí dọc theo triền đất ở hai bờ các con sông lớn, ven các bờ khe, kênh hoặc theo các trục đường trong làng. Thảng hoặc có một số làng chọn các cồn đất cao ráo tránh ngập lụt, nơi là di tích cũ của người tiền trú hay các xứ đất giáp giới với các làng khác ở đầu làng hay cuối làng tùy vào cách người sở tại định vị. Chùa làng xưa, vị trí toạ lạc thường tách ra khỏi nơi cư trú tập trung của người dân trong làng. Các làng xã thường trí Tam Bảo thổ có diện tích tương đối lớn để bớt nhiễm tạp với nơi ở của người dân nhưng cũng không quá xa đối với nơi cư trú của người dân trong làng.

          Nguyên ủy của các ngôi chùa làng thường nhỏ hẹp, đơn giản, vật liệu xây dựng không bền vững nên khó tồn tại lâu dài. Kiến trúc cổ của những ngôi chùa làng còn lại đến ngay nay chủ yếu được kiến tạo vào thời Nguyễn, đó là nhà rường, mái ngói, tường vôi. Trải qua nhiều đợt trùng tu, một số ngôi chùa vẫn còn bảo lưu được diện mạo của kiến trúc cũ và không gian cảnh quan vườn chùa đặc trưng, nhưng số lượng còn lại đến ngày nay cũng không nhiều. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ lấy một trường hợp tiêu biểu là chùa Giác Lương, làng Hiền Lương, thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, làm một dẫn lệ.

          2. Lược sử hình thành làng Hiền Lương và chùa Giác Lương

          2.1. Làng Hiền Lương

          Hiền Lương là một trong những ngôi làng được thành lập sớm ở xứ Thuận Hoá, là vùng đất tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.

          Dưới thời nhà Mạc (1527 – 1595), làng mang tên là Hoa Lang, thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hoá. Sang thời Lê Trung Hưng (1533 – 1788), khi Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hoá, huyện Đan Điền đổi thành huyện Quảng Điền. Sách Ô Châu cận lục viết năm 1553, cho biết, làng Hiền Lương được xếp thứ 18 trong 53 làng xã của huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong. Đầu triều Nguyễn (1802 – 1945), vua Gia Long cho nhập huyện Quảng Điền thuộc vào dinh Quảng Đức, là đất Kinh Kỳ. Đến thời Minh Mạng, cho đổi xứ Thuận Hóa làm phủ Thừa Thiên và phân địa giới thành các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang và Phú Lộc. Dưới thời Minh Mạng, khi toản tu địa bộ và chỉnh lý lại địa giới hành chính, tên làng Hoa Lang ngẫu nhiên trùng với tên húy của vợ vua Minh Mạng là bà Hồ Thị Hoa nên tên làng Hoa Lang được đổi thành làng Hiền Lương288. Dưới thời Đồng Khánh, làng Hiền Lương là đơn vị cấp xã, thuộc Tổng Hiền Lương, huyện Phong Điền, Phủ Thừa Thiên289.

          Sau cách mạng tháng 8/1945, tổng Hiền Lương đổi thành xã Phong Nhiêu, thuộc huyện Phong Điền. Trong chế độ cũ (trước năm 1975), xã Phong Nhiêu được đổi tên thành xã Phong Hiền, thuộc quận Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Sau giải phóng (1975), làng Hiền Lương thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.

          Cũng như bao ngôi làng khác trong vùng, làng Hiền Lương lưu truyền những phong tục lễ nghi thuần phác, coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, tri ơn những người có công, anh hùng liệt nữ, những vị khai canh, khai khẩn, dẫn thủy nhập điền, những người học hành đỗ đạt cao…

          Vì nhiều nguyên do mà tài liệu lưu trữ của làng bị thất lạc, cháy do hỏa hoạn… nên ngày nay không ai biết rõ các vị khai canh, khai khẩn lập nên ngôi làng này. Dù vậy, theo tài liệu của làng làm chay tại chùa Giác Lương vào năm Gia Long thứ 5 cùng với gia phổ các dòng họ còn lưu truyền, làng Hiền Lương được thành lập dưới công đức khai canh bởi các vị thủy tổ của 15 dòng họ290. Là ngôi làng Việt thuần nông, nhưng Hiền Lương còn có thêm nghề thủ công truyền thống là nghề rèn – một sinh kế nổi tiếng nên người dân quanh vùng quen gọi bằng cái tên nôm là làng Rèn.

          Bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội truyền thống tương đồng với những ngôi làng thuần nông trong vùng, làng Hiền Lương còn được biết đến là nơi có ngôi chùa cổ Giác Lương với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc đặc trưng. Đặc biệt, những nét kiến trúc, cảnh quan đặc trưng của chùa làng xứ Thuận Hóa xưa vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.

          2.2. Chùa Giác Lương

          Chùa làng Hiền Lương, tự danh Giác Lương tự, thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trường hợp tiêu biểu về chùa làng vùng Thừa Thiên trên sinh cảnh vùng đồng bằng thuộc lưu vực sông Bồ vẫn còn bảo lưu được nét kiến trúc cảnh quan của một ngôi chùa cổ.

          Theo sách Hiền Lương Chí lược của Huỳnh Hữu Hiến viết vào năm 1962, “vào đầu thời Lê Trung Hưng, có một người đàn bà tên là Hoàng Thị Phiếu cùng với hai người anh em trai từ đất Bắc vào sinh sống tại làng này Hiền Lương. Là người tu tại gia, bà Phiếu đã cùng tất cả các tộc trưởng của các họ trong làng quyên góp công của lập ra chùa Giác Lương để cho con dân nơi quê hương mới có dịp gần gũi đạo thiền. Bà Hoàng Thị Phiếu được thọ giới Ưu-bà-di”291.

          Ban đầu, vốn chùa làng tọa lạc tại xứ cồn Bệ, cách vị trí chùa hiện nay chừng hai kilomet. Sau một thời gian, với nhiều lý do, đặc biệt là vấn đề Địa lý – Phong Thuỷ không phù hợp, nên chùa được dời đến dựng ở khu vực đầu làng như hiện nay. Từ đó nơi đây còn được gọi là xóm Chùa hay xóm Phước Tự. Trước mặt chùa có một con khe tự nhiên, nước bắt nguồn từ Bàu Niên chảy qua trước mặt chùa rồi đổ ra sông Bồ.

          Thông qua những di vật còn lại có thể nhận thấy vào năm Gia Long thứ 18, tuế thứ Kỷ Mão, làng Hiền Lương có xã hiệu là Hoa Lang, thuộc huyện Đan Điền, Phủ Triệu Phong292, xã hiệu này đã được ghi nhận trong “Ô châu cận lục” và được thể hiện trên đại hồng chung, trong chùa đã được thiết trí: Hộ Pháp Long Thiên Phật tượng, đại hồng chung, và một số hoành phi, câu đối.

          Nội dung những chữ Hán được khắc trên đại hồng chung cho biết: “Gia Long thập bát niên, tuế thứ Kỷ Mão, mạnh đông nguyệt cát nhật, chú tạo hồng chung, trọng tứ bách bát thập nhất cân. Đồng niên nguyệt nhật phụng tạo Hộ Pháp Long Thiên Phật tượng”. Cùng niên đại Kỷ Mão (1819) niên hiệu Gia Long còn được thể hiện trên câu đối khắc bằng chữ Hán “Phát Bồ Đề thời tâm vô quái ngại; Sinh Cực Lạc quốc tùy địa đắc viên thông”. Căn cứ vào hoa văn, tự dạng, sơn thiếp của câu đối có lạc khoản đối sánh với một số câu đối khác bị hư hỏng không được thiết trí thì thấy có sự tương đồng.

          Từ những hiện vật hiện còn bảo lưu tại chùa có thể nhận thấy chùa Giác Lương lúc bấy giờ đã thành một ngôi chùa quy mô. Tên chữ của chùa làng Hiền Lương vào thời điểm đó là gì sẽ được chúng tôi bổ cứu khi tiếp cận thêm một số tài liệu. Rõ ràng nhất tên chùa là Giác Lương được thể hiện trên bức biển nghạch đề: Giác Lương tự” và dòng lạc khoản ghi “Thiệu Trị, Quý Mão đông nguyệt nhật tạo”. Qua đó chúng ta có thể xác nhận tên gọi chùa Giác Lương ít nhất đã được xác định vào năm 1843, và tên gọi đó vẫn còn giữ lại đến ngày nay.

          3. Đặc trưng kiến trúc, cảnh quan chùa Giác Lương

          Làng Hiền Lương ở khu vực đồng bằng thuộc tả ngạn sông Bồ được bao bọc bởi con khe xuất phát từ cung Đoài chuyển Càn quy Khảm hồi Cấn nhập Khôn, hợp lưu với Bồ giang tại khu vực cầu Kẽm. Đồng thời con hói này phân tách làng Hiền Lương thành hai khu vực Bắc – Nam. Chùa Giác Lương tọa lạc tại khu vực phía Nam, vị trí đầu làng, trên khu đất rộng hơn 4 ngàn mét vuông, được bao bao bảo bởi lớp tường thành xây phía đông và nam, lũy tre phía tây và bắc. Trong khuôn viên chùa còn có một số cổ thụ, đặc biệt là hai cây hoa sứ lớn ghi nhận dấu ấn thời gian của ngôi chùa tọa lạc tại đây. Trên khu đất này, chùa được bố trí tại vị trí hơi lệch về bên trái, tọa Nhâm hướng Bính kiêm Hợi Tỵ phân kim. Đây là tuyến độ được chúng tôi dùng la kinh trắc định trùng khớp với tuyến độ được khắc trên khung cửa chính của ngôi chùa: “Tự tọa Nhâm sơn Bính hướng kiêm Hợi Tỵ phân kim – Khải Định, Giáp Tý, cửu niên lục nguyệt nhật sùng tu”.

          Những ngôi chùa ở xứ Thuận Hóa thường có dạng cấu trúc theo kiểu chữ “nhất”, chữ “đinh”, chữ “công”, chữ “khẩu” 293… Trong đó, phần lớn các ngôi chùa làng đều có bố cục theo dạng chữ nhất, chùa Giác Lương cũng trong trường hợp như vậy.

          Bố cục của chùa Giác Lương được bố trí theo chiều dọc, đây cũng là một cách bố trí khá đặc thù, tiêu biểu của một số ngôi chùa làng khác trên vùng Thuận Hóa, như chùa Thiện Khánh (Bác Vọng), Từ Quang (Văn Xá)… Trên tuyến độ được định vị Nhâm Bính, hướng ra con hói tả thủy đảo hữu, hoàn bão từ phía sau sang trái quá đường lưu xuất tại Khôn phương. Từ con hói ở phía trước tiến nhập chánh điện là những công trình kiến trúc được xây dựng như: tân độ, xã lộ, trụ biểu, tam quan, kỳ trụ, chánh điện. Bên trái chánh điện lùi về phía sau có nhà tăng, bên phải từ phía sau đến phía trước có các ngôi miếu: Trần công miếu, Dương quý công miếu, Thành Hoàng – Cao Các miếu. Các công trình kiến trúc đó đáng chú ý nhất, chúng còn lưu giữ được kiến trúc xưa là tam quan và chánh điện.

          Chánh điện có bình diện hình chữ nhật dài 14,60m, rộng 11,48m, theo kiểu kiến trúc nhà rường bằng gỗ hai gian bốn chái kép, mở rộng về bốn phía bố trí theo chiều dọc. Bộ khung sườn của chánh điện chùa được làm bằng gỗ, xung quanh xây vách bằng gạch và vôi vữa để chịu lực. Chùa gồm 2 gian ở giữa (một gian chính, một gian phụ) và 4 chái vây quanh. Lối vào chánh điện được mở ba cửa đầu hồi, các lá cửa được làm theo kiểu “thượng song hạ bản”. Chái sau được ngăn cách với hai gian chính và hai chái hai bên là một bức tường bịt kín gian chính và một gian chái, chỉ chừa lối vào phía sau bằng một gian chái không bít. Tường bao xây gạch vữa bao quanh, mở cửa hông nhỏ xuống nhà tăng, và một cửa hậu thường xuyên đóng. Mái chùa lợp ngói âm dương, trùng thiềm, trên các bờ nóc bờ quyết, cổ diêm trang trí đề tài tứ linh: long, lân, quy, phụng; đầu hồi hình cuốn thư đắp phù điêu chủ đề Thích Ca tọa thiền dưới gốc cây Bồ Đề. Ngoài ra, chùa còn được trang trí với nhiều hoa văn dạng dây lá khác. Trên các cấu kiện gỗ kèo, xuyên, trến, đòn tay phía trước, bản cửa… được chạm khắc khá tinh xảo những đồ hình long, lân, phụng và các dạng thức hoa văn dây lá như liên hóa, quy hình, mai, lan, cúc, trúc… với những đường nét mềm mại, tinh xảo.

          Trong chùa thiết trí các án thờ Phật, Quan Công và các vị thủy tổ của các dòng họ trong làng. Gian chính giữa phía sau thờ bộ tượng Tam Thế Phật được đặt trong khám thờ, phía trước thờ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (tượng mới). Gian trước và chái trước là không gian dành cho Phật tử lễ bái, phụng tụng kinh văn. Gian tả thờ pháp tượng Quan Thánh Đế Quân phối thờ Châu Thương, Quan Bình (hai bộ tượng 1 lớn đặt trong khám, 1 đặt tại bàn thờ). Gian hữu là ban thờ mười hai vị thủy tổ của các họ trong làng, có thể có một bài vị chung nhưng chữ viết đã bị mờ không thể xác quyết nội dung. Hai chái bên thiết trí bốn bàn thờ không có pháp tượng nên chưa thể xác định thờ những vị thần linh nào. Chái hậu trước đây cũng là không gian thờ tự, tuy nhiên hiện nay đã trở thành nơi lưu trữ những tài liệu văn bản liên quan đến chùa.

          Điểm tương đồng về đặc điểm cảnh quan của các ngôi chùa làng vùng Thuận Hóa đó là tọa lạc trong một khuôn viên sân vườn rất rộng, chùa Hiền Lương cũng vậy. Chùa có sân vườn rất rộng, xung quanh được bao bọc bởi một vòng la thành xây bằng gạch. Thành hình chữ nhật, dài 79m, rộng 55.20m, cao 1.20m, dày 0.50m. Mặt trước của la thành xây 4 trụ, hai cột cao ở giữa, hai cột thấp ở hai bên. Qua khỏi hàng trụ biểu là một khoảng sân rộng, rồi đến một cổng tam quan đồ sộ được xây hai tầng với mái giả. Cổng tam quan này có kích thước khá lớn, “vì so với tất cả các ngôi chùa khác ở vùng Huế, ngay cả với những ngôi quốc tự lừng lẫy như chùa Thiên Mụ hoặc chùa Diệu Đế, cổng tam quan chùa Giác Lương vẫn to lớn hơn”294.

          Tam quan chùa Giác Lương là một công trình kiến trúc độc đáo, được xây theo dạng cổ lâu, hai tầng lầu, ba tầng mái. Tầng một là ba cửa dẫn vào chùa, hai bên thờ hai vị Hộ Pháp. Tầng hai chính giữa thờ Hộ Pháp hướng vào trong chùa, hai bên là lầu chuông trống. Chính giữa tầng hai nơi thờ Hộ Pháp được nâng cao mái hơn so với hai bên. Tam quan được xây bít ba mặt, mặt ngoài và hai bên. Mặt trước trổ các ô cửa, mặt trong để trống. Tam quan của chùa Giác Lương có nét tương đồng với chùa Từ Quang, chùa làng làng Văn Xá được xây vào thời Tự Đức. Những chi tiết trang trí nóc mái, cổ lâu như long, lân, quy, phụng, hoa sen, cá chép… được khảm sánh sứ, thủy tinh nhiều màu, mang đậm dấu ấn mỹ thuật Huế.

          Cũng như nhiều ngôi chùa làng khác ở xứ Thuận Hóa xưa, xứ Huế ngày nay, đó là kiến trúc chính của chùa Giác Lương hài hòa với không gian vườn chùa rộng rãi, đa dạng các loại cây trồng nặng chất tự nhiên của khu “vườn tạp” trong dân gian…

          Với lịch sử hình thành lâu đời, chùa Giác Lương cũng không tránh khỏi sự xuống cấp, hư hại bởi sự tàn phá của thời gian cộng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bom đạn chiến tranh…, vì vậy, Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo với sự nỗ lực từ nhiều phía, nên mới có được diện mạo như hiện nay.

          Theo Hiền Lương Chí lược, lần trùng tu chùa đầu tiên hoàn thành vào ngày mồng tám tháng sáu năm Gia Long thứ 5 (1806) “toàn thể làng chí thành bạch Phật lời lẽ thống thiết có kể qua cảnh chùa vì chịu đựng lâu ngày hủy hoại, nay gặp hội thanh bình, tháng Thuấn, ngày Nghiêu, xin trùng tu phụng Phật”295. Lần trùng tu thứ hai được thực hiện vào triều vua Khải Định năm thứ 9 (1924). Bằng chứng cho việc trùng tu này còn được lưu lại bằng dòng chữ Hán trên khung cửa chính của chùa: “Khải Định Giáp Tý cửu niên lục nguyệt nhật trùng tu”. (Trùng tu vào ngày tháng 6 năm Khải Định thứ 9, tức là tháng 7/1924).

          Trải qua hai cuộc chiến tranh, loạn lạc, đặc biệt là trong sự kiện Mậu Thân 1968, chùa Giác Lương cũng bị ảnh hưởng bởi bom đạn gây hư hại nặng nề. Ngay sau đó, năm 1969, chùa được dân làng đồng tâm hiệp lực quyên góp tiền của, ngày công tu sửa nhỏ, thay thế ngói vỡ bằng những tấm tôn.

          Năm 1987, người dân Hiền Lương đã lập ra một Ban vận động nhằm huy động nguồn lực của con dân Hiền Lương trong làng cũng như nơi khác để đại trùng tu ngôi chùa. Sau đợt đại trùng tu này, chùa Giác Lương có quy mô, diện mạo, cảnh quan vườn chùa như ngày nay.

          5. Thay lời kết

          Trong đời sống cộng đồng của người Việt xứ Thuận Hóa xưa, Thừa Thiên Huế ngày nay, ngôi chùa làng trở thành tâm điểm của cộng đồng, là nơi sinh hoạt bình đẳng, mọi người đều có thể đến chùa cầu nguyện. Hàng năm vào các dịp lễ, Tết người dân trong làng đến thắp hương cầu nguyện. Ngôi chùa làng đã trở thành một mái ấm tinh thần của Phật tử cũng như toàn thể dân làng.

          Chùa Giác Lương là ngôi chùa được hình thành sớm ở xứ Thuận Hóa dưới thời Hậu Lê, đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ về văn hóa, xã hội của xứ Đàng Trong thời bấy giờ. Sau nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Giác Lương trở thành một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, một công trình kiến trúc, mỹ thuật hiếm có ở vùng nông thôn xứ Huế. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc cảnh quan, chùa Giác Lương đã được được xếp hạng là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 776-QÐ/BT ngày 23/6/1992 của Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch). Mặc dù vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi bước đầu đề cập đến yếu tố lịch sử, văn hóa, đặc biệt tập trung nêu bật những giá trị kiến trúc, mỹ thuật và cảnh quan chứ không tập trung vào khảo sát pháp tượng, pháp khí, văn bản, phỏng vấn… để làm sáng tỏ hơn về ngôi chùa này theo chiều lịch đại.

          Qua những tư liệu thu thập được, có thể thấy Giác Lương là một trong những ngôi chùa làng có lịch sử hình thành sớm trên vùng đất Thuận Hóa với những giá trị kiến trúc, mỹ thuật, cảnh quan mang đậm dấu ấn mỹ thuật truyền thống Huế.

 

 

 

_Chú thích:

288. Huỳnh Hữu Hiền (1962), Hiền Lương chí lược, Bản đánh máy, lưu hành nội bộ, tr. 1

289. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philip Papin (2003), Đồng Khánh địa dư chí, Bản điện tử, tr. 1428.

290. Hoàng Khi Đại lang, Bà Ưu Bà Di Hoàng Thị Phiếu, Trương Hân Đại lang, Dương Đại lang, Đặc Tấn Phụ quốc Thượng tướng quân Bản thổ Trần Vực Quý công Tôn thần, Bản thổ Trương Quý công Tôn thần, Bà Hà Thị Cố Quý nương, Nguyễn Tượng Đại lang, Nguyễn Phước Lễ Đại lang, Hoàng Nhất Đại lang, Trần Yết (Át) Đại lang, Trương Sáng Đại lang, Đổ Nhất Đại lang, Hoàng Kim Cao Đại lang, Trịnh Bá Đại lang [Huỳnh Hữu Hiền (1962), Hiền Lương chí lược, tlđd, tr. 4].

291. Huỳnh Hữu Hiến (1962), Hiền Lương Chí lược, tlđd, tr. 8 – 9.

292. Vô Danh Thị (1961), Ô Châu cận lục, Dương Văn An nhuận sắc tập thành, Bùi Lương phiên dịch, Sài gòn, Văn hóa Á Châu xuất bản, tr. 41.

293 Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế [Tái bản lần thứ 2, có sửa chữa và bổ sung], Nxb Văn hóa Sài gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 684-685.

294 Bảo tàng Thừa Thiên Huế (1992), Bản lược kê lý lịch di tích lịch sử chùa Giác Lương, Phan Thuận An biên soạn, Bản lưu hành nội bộ, tr. 6.

295. Ngày 18 tháng 3 năm Bính Dần, tức là ngày 6/5/1806, làng bắt đầu dựng cột thượng lương (Sái ư tư niên tam nguyệt thập bát nhật đại lợi thời, thụ trụ thượng lương, trùng tu tự vũ). Sau khi thi công trong hơn hai tháng rưỡi, việc tu sửa chùa hoàn thành vào ngày mồng 8 tháng 6 âm lịch cùng năm, tức là ngày 23/7/1806. Trong ngày khánh thành hôm ấy, dân làng có tổ chức trai đàn làm chay tại chùa Huỳnh Hữu Hiến (1962), Hiền Lương Chí lược, tlđd, tr. 9.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế [tái bản lần thứ 2, có sửa chữa và bổ sung], Nxb Văn hóa Sài gòn, Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Bảo tàng Thừa Thiên Huế (1992), Bản lược kê lý lịch di tích lịch sử chùa Giác Lương, Phan Thuận An biên soạn, Bản lưu hành nội bộ.
  3. Nguyễn Phước Bảo Đàn (2010), “Kiến trúc chùa Huế, giá trị của một di sản giữa lòng thành phố di sản (Những khảo sát về kiến trúc chùa Huế xưa và nay)”, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 3(80)-2010.
  4. Huỳnh Hữu Hiến (1962), Hiền Lương Chí lược, Bản đánh máy, lưu hành nội bộ.
  5. Vô Danh Thị (1961), Ô Châu cận lục, Dương Văn An nhuận sắc tập thành, Bùi Lương phiên dịch, Sài gòn, Văn hóa Á Châu xuất bản.
  6. Dương Phước Thu (2007), “Ngôi làng văn hiến Hiền Lương”, Tạp chí Cửa Việt, số 154, tháng 7/2007.
  7. Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông, Lê Văn Sách (1993), Danh lam xứ Huế, Nxb. Hội Nhà văn, Thành phố Hồ Chí Minh