1. Dẫn nhập
Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập. Trong 10 năm tu tập và hành đạo từ năm 1944 đến 1954, Tổ sư đã lập dựng một truyền thống Phật giáo Khất sĩ với hơn 20 ngôi tịnh xá ở Sài Gòn Gia Định, Vĩnh Long, Biên Hòa, Tây Ninh, Vũng Tàu, Long An,… thu nhận hàng trăm Tăng ni và hàng vạn Phật tử.
Các ngôi tịnh xá thuở ban đầu phần lớn đều được thiện nam tín nữ phát tâm ủng hộ cúng dường hoặc mua đất cúng để Đức Tổ sư hoặc các Đức Thầy có chỗ tạm dừng chân hành đạo. Các ngôi tịnh xá đầu tiên hầu hết đều đơn sơ, vách ván, hoặc lều lá am tranh. Trải qua thời gian, các ngôi tịnh xá sau này được mở rộng, trùng tu, xây dựng kiên cố và khang trang hơn.
Cấu trúc của ngôi tịnh xá hầu như nhất quán theo mẫu bát giác, tầng trên là tứ giác, bên trong là 4 cột tứ chúng. Đức Phật tĩnh tọa ngay chính giữa chính điện trên 3 bậc, có tháp gỗ bao bọc bên ngoài mái 13 tầng. Phía sau Đức Phật là bàn thờ Tổ sư. (xem hình 1).
Một số kiến trúc chính điện tiêu biểu thời kỳ đầu như tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long), tịnh xá Ngọc Sơn (Rạch Giá), tịnh xá Ngọc Liên (Bạc Liêu) (xem hình 2), từ chất liệu cây, ván, lá đơn sơ, mộc mạc, tạm bợ buổi ban đầu, chuyển dần sang vật liệu tôn, tường gạch, sườn gỗ mái ngói, như tịnh xá Trung Tâm (Bình Thạnh – 1965), tịnh xá Ngọc Đăng (Bình Thạnh – 1966), tịnh xá Ngọc Tòng (Nha Trang – 1966), tịnh xá Ngọc Hạnh (Hóc Môn-1968),… Trong thời kỳ này, tịnh xá mô hình bát giác kiến trúc lầu, mang tính quy mô, xây dựng bằng vật liệu kiên cố bắt đầu xuất hiện, trong đó có thể kể đến như tịnh xá Ngọc Hưng (Sóc Trăng – 1964), tịnh xá Lộc Uyển (Tp HCM – 1965) … Thời kỳ sau 1975, kiến trúc các ngôi tịnh xá không những đã tạo nên diện mạo hiện đại, tươi mới của các ngôi tịnh xá Khất sĩ, mà còn nâng nghệ thuật kiến trúc xây dựng tịnh xá lên một tầm cao mới cả về qui mô và hình thức.
Cho đến hiện nay sau quá trình hình thành và phát triển hệ phái Khất sĩ đã có trên 500 ngôi tịnh xá có mặt trên hầu khắp các tỉnh thành trên toàn quốc và trên 50 ngôi tịnh xá ở các nước như Mỹ, Úc, Pháp,… Về quy mô xây dựng cũng hiện đại khang trang hơn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thời đại mới.
2. Đề xuất về mô hình kiến trúc chính điện mới của hệ phái Khất Sĩ
Hầu như kiến trúc chính điện các ngôi tịnh xá cho tới hiện nay vẫn được giữ nhất quán theo mẫu bát giác và tầng trên là tứ giác. Tuy nhiên, cũng có một số kiến trúc phát triển thêm hành lang xung quanh như tịnh xá Ngọc Giáng ở Đà nẵng, tăng thêm mái, cổ lầu như ở pháp viện Minh Đăng Quang, xây thêm nhà Cửu huyền phía sau như tịnh xá Trung Tâm,… (xem hình 3).
Tuy nhiên với hình thức chính điện hình bát giác trong thực tế sử dụng có một số hạn chế như: Khi làm lễ, phần diện tích phía trước chính điện không đủ rộng, trong khi diện tích 2 bên và phía sau lại không tận dụng được, hay đối với những khu đất có bề ngang hoặc bề sâu hẹp thì việc xây dựng theo hình bát giác sẽ bị hạn chế về không gian diện tích.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng mà vẫn giữ được nét đặc trưng truyền thống của hệ phái, chúng tôi có một số đề xuất về kiến trúc chính điện như sau:
2.1. Về hình thức
Giữ lại cấu trúc chính theo đặc trưng truyền thống của hệ phái:
– Chính điện hình bát giác và Cổ lầu tứ giác: Chính điện hình bát giác biểu trưng cho Bát Chính Đạo; Cổ lầu tứ giác biểu trưng cho Tứ Diệu Đế;
– Bốn cột tứ chúng, tam cấp: Trong chánh điện có bốn cột tứ chúng, biểu trưng cho bốn chúng đệ tử của đức Phật. Bốn cột tứ chúng ở bốn góc tháp tam cấp. Tam cấp, biểu trưng cho ngôi nhà Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.
– Bảo tháp: Bảo tháp bằng gỗ 13 tầng biểu trưng cho 13 nấc thang tiến hóa của chúng sanh hữu tình từ địa ngục đến Niết bàn là quả vị Phật.
Phần mở rộng: Từ phần khung chính của chính điện, để mở rộng diện tích sử dụng sẽ có các phương án sau:
1. Mở rộng theo hình bát giác tạo không gian hành lang hoặc sử dụng chung với không gian chính điện.(xem hình 4)
2. Mở rộng theo hình vuông hoặc hình chữ nhật tùy theo diện tích khu đất.
3. Phần mở rộng có thể làm mái dốc hoặc mái bẳng (xem hình 5)
4. Về cơ bản chính điện truyền thống là 2 mái (dưới bát giác trên tứ giác), nhưng với những công trình có qui mô lớn, để tạo sự hài hòa và nhẹ nhàng cho công trình nên thiết kế thêm các tầng mái và cổ lầu với số lượng mái và kích thước phù hợp. Số lượng mái nên là 2 mái (truyền thống), 3 mái (thêm mái hành lang xung quanh), 5 mái (3 mái bát giác 2 mái tứ giác), 7 mái (4 mái bát giác 3 mái tứ giác).(xem hình 6)
– Phần mái có thể kết hợp cửa sổ mái để lấy sáng và tăng thêm phần thẩm mỹ,nhẹ nhàng cho hệ mái.
– Kiến trúc chính điện có thể độc lập hoặc nối với nhà Cửu huyền phía sau.
2.2. Về vật liệu
Ưu tiên sử dụng vật liệu địa phương trong xây dựng và hoàn thiện, áp dụng kỹ thuật tiên tiến hiện đại cho các công trình có qui mô lớn.
– Công trình mới ở vùng sâu vùng xa, điều kiện khó khăn có thể dựng mái tranh vách lá sử dụng vật liệu vốn có tại địa phương: cây, ván, lá rất bình dị, mộc mạc đơn sơ gần gũi.
– Điều kiện kinh tế cho phép thì sử dụng kết cấu gỗ, thép mái lợp tôn hoặc ngói bao che bằng vách gỗ hoặc xây tường.
– Đối với công trình có qui mô lớn thì sử dụng kết cấu thép hoặc bê tông cốt thép. Mái bê tông dán ngói. Bao che bằng tường xây gạch hoặc đá tự nhiên, kết hợp gỗ kính, kim loại.
2.3. Về màu sắc
Cơ bản lấy theo màu sắc truyền thống mái ngói nâu đỏ cột gỗ tự nhiên tường vách gỗ, xây gạch hoặc đá
– Mái ngói màu nâu đỏ ,tráng men vàng hoặc màu tự nhiên của vật liệu (đá tự nhiên)
– Cột gỗ tự nhiên hoặc sơn màu nâu tường sơn vàng hoặc trắng, có thể dùng cột màu xám tường trắng hoặc xám nhạt.
– Cửa gỗ tự nhiên hoặc các loại cửa hiện đại có màu sắc phù hợp ( nâu,xám…)
2.4. Về hoa văn trang trí
– Hoa sen và ngọn đèn chân lý: Hoa sen là một loài hoa rất quen thuộc trong Phật giáo. Ý nghĩa của hoa sen cũng rất phong phú và đa dạng. Nhưng ý nghĩa đơn giản và gần gũi nhất của hoa sen là biểu trưng sự trong sạch và thánh thiện. Sen biểu trưng cho mọi người, cho người Khất sĩ, vượt lên ác là bùn, thiện là nước, để đến với đạo giải thoát. Ngọn đèn chân lý: biểu trưng cho ánh sáng chiếu soi, không còn u tối, cho trí huệ, cho chân lý… Hoa sen và ngọn đèn chân lý là một biểu tượng độc đáo, mang tính thiêng liêng của Giáo pháp Khất sĩ.
– Về hoa văn trên nóc mái và phù điêu, hoa văn trang trí sử dụng hoa lá nhẹ nhàng kết hợp biểu tượng Phật giáo như bánh xe Pháp ,chữ Vạn.., không đắp rồng phượng cầu kỳ.
– Khuyến khích áp dụng vật liệu mới thay thế cho hoa văn truyền thống như hoa văn trên kính, kim loại …
3. Kết luận và Kiến nghị
Văn hóa kiến trúc Phật giáo Khất sĩ, cho dù chịu ảnh hưởng văn hóa kiến trúc Nam, Bắc truyền Phật giáo, cũng như ít nhiều mang dáng vẻ văn hóa kiến trúc Nam Bộ, nhưng vẫn có nét đặc thù rất riêng. Chính nét đặc thù riêng biệt này, Phật giáo Khất sĩ đã và đang đóng góp phần làm phong phú và đa dạng cho văn hóa kiến trúc Phật giáo nói riêng và kiến trúc Việt Nam nói chung.
Việc đưa ra một mmô hình chung mang tính định hướng về kiến trúc chính điện của hệ phái Khất sĩ nhằm gìn giữ nét đặc thù, truyền thống vốn có đồng thời đáp ứng được nhu cầu sử dụng, sinh hoạt của Tăng ni, Phật tử trong giai đoạn hiện nay cũng như nhu cầu phát triển trong tương lai.