Kiến trúc Phật giáo người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh (Trường hợp chùa Ngọc Hoàng) (SC. Thích Nữ Minh Từ)

TẢI FILE PDF
——————

         1. Dẫn nhập

         Ở TP. Hồ Chí Minh, nói đến Chùa Ngọc Hoàng hay còn gọi Phước Hải Tự thì hầu như không ai lại không biết. Đặc biệt thế hệ nam nữ thanh niên chưa có gia đình, hoặc đã có gia đình mà chưa có con. Ngôi chùa thuộc Phật giáo người Hoa được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, đã tồn tại trên đất Việt hàng trăm năm, giao thoa hai nền văn hóa Việt Hoa. Chùa vốn là thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, chùa do một người Hoa tên Lưu Minh đứng lên xây dựng từ năm 1900, xây trong 16 năm mới hoàn thành và chùa có dấu ấn lich sử từ đây. Ngôi chùa với vẻ đẹp theo lối cổ xưa, bởi kiến trúc độc đáo có giá trị đặc biệt và màu sắc đặc trưng mang đậm chất người Trung Hoa. Vào năm 1994, chùa Ngọc Hoàng được công nhận là Di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tín ngưỡng thờ phụng khác so với các ngôi chùa Việt. Do tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng tôn giáo da dạng. Người Hoa xem trọng tín ngưỡng dân gian, vì thế, các ngôi chùa Hoa và đặc biệt chùa Ngọc Hoàng việc thờ phụng cũng ảnh hưởng đến tư tưởng, niềm tin tôn giáo của số đông cư dân đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận. Ngôi chùa từ khi mới thành lập, tòa chính điện được thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, cho đến ngày nay mô hình thờ phụng vẫn không thay đổi, các tòa khác thờ ông Tơ bà Nguyệt, các vị thần linh, Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ,… Mỗi vị thần, vị thánh ý nghĩa cầu xin khác nhau, người cầu xin tiền của vật chất thì đến trước vị Thần Tài, cầu tình duyên đến trước tượng ông tơ bà Nguyệt, cầu xin sức khỏe đến Phật Dược Sư,… đức tin của cộng đồng Phật tử đều mong có sự ứng nghiệm, không ai muốn điều mình cầu xin lại không thành.

         Chùa này nổi tiếng linh thiêng, và cũng là ngôi chùa duy nhất tại Việt Nam được Tổng thống Obama chọn làm điểm tham quan khi Ông có chuyến thăm Việt Nam năm 2016.

         2. Lich sử hình thành và phát triển chùa Ngọc Hoàng

         2.1.1. Lịch sử chùa Ngọc Hoàng

         Chùa Ngọc Hoàng hay còn gọi chùa Phước Hải hiện tọa lạc số 73 đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Ngọc Hoàng vốn là một ngôi điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, được tương truyền do một người Quảng Đông tên là Lưu Minh sáng lập khởi công xây dựng trong vòng 6 năm từ năm 1900 đến 1906 hoàn thành. Biển ngạch đề tên “Ngọc Hoàng điện” tạo năm 1900365. Lúc mới thành lập, ông ăn chay trường hàng ngày tu tập nghiêm mật theo đạo Minh Sư366. Cũng từ đây, chùa Minh Sư của người Hoa được thành lập cụ thể là chùa Ngọc Hoàng ngày nay.

         “Năm 1982, một Hoà thượng người Việt Nam là Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản chùa Ngọc Hoàng. Kể từ đó, chùa Ngọc Hoàng thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến năm 1984”367. Sau đó ngôi chùa được đổi tên thành Phước Hải tự, mà ngày nay khách thập phương chỉ gọi với tên khẩu ngữ là chùa Ngọc Hoàng.

         2.1.2. Kiến trúc thờ tự chùa Ngọc Hoàng

         Theo tín ngưỡng dân gian, các ngôi chùa người Hoa có kiến trúc tương đối giống nhau, khác so với chùa Việt về màu sắc cũng như tượng thờ và mô hình thờ tự. Chùa người Hoa nói chung và chùa Ngọc Hoàng tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng về màu sắc có đặc trưng rất riêng là màu đỏ từ cổng tam quan vào đến khuôn viên thờ tự. Trong chùa Ngọc Hoàng, mỗi điện thờ được sơn màu đỏ ngói hay màu hồng cánh sen, nếu bất kỳ một người dân thường nào đi ngang qua ngôi chùa này, mặc dù chưa nhìn thấy bảng hiệu chùa cũng biết ngay đây là ngôi chùa Phật giáo người Hoa. Chùa Ngọc Hoàng có nối kiến trúc rất độc đáo, chùa được xây bằng gạch, bờ góc và các nóc mái chùa được trang trí bằng nhiều tượng gốm màu, các mái lợp ngói xanh, các linh vật trang trí được chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo và rất sống động, chân thực. Trước mặt chánh điện kiến trúc được trang trí bằng các lớp hoa văn nhiều loại, chính giữa cột trụ hai tầng được vẽ hoa văn hình đuôi rồng, hai bên hai mái bốn con rồng xanh bay lượn uốn khúc, các loại hình nhân, phong cảnh thiên nhiên bao gồm trúc, lá cây, hoa, các đầu đao cong vút nhọn.

         Toàn bộ kiến trúc thờ tự của ngôi chùa này được chia làm ba gian. Mỗi gian đều mang một lối kiến trúc độc đáo đậm nét cổ xưa.

         – Gian giữa: Đây là gian lớn nhất gồm tiền điện, trung điện và chánh điện. Tiền điện, hai bên cánh đối diện nhau bên trái thờ thần Thổ Địa, bên phải thờ thần Môn Quan. Trung điện thờ Phật Dược Sư, hai bên là Đại Tướng Thanh Long và Đại tướng Phục Hổ. Chánh điện thờ tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế có thiên binh thiên tướng đứng hầu. Bên trái thờ Huyền Thiên Bắc Đế, bên phải là cung Thủy Nguyệt thờ Phật Chuẩn Đề.

         – Gian bên trái : Gian này gồm ba điện thờ. Điện thứ nhất thờ nhị vị Song Án, Mã tướng quân, Thành Hoàng,Thái Tuế và Lỗ Ban. Điện thứ hai thờ Thập Điện Diêm Vương với 10 bức chạm gỗ tái hiện 10 cửa địa ngục, đặt mỗi bên 5 bức. Điện thứ ba thờ Ông Tơ Bà Nguyệt, Kim Hoa Thánh Mẫu, 12 bà mụ, 13 đức thầy.

         – Gian bên phải: Gian này gồm nhà nghỉ và bài vị những người quá vãng. Trong gian thờ này có cầu thang gỗ dẫn lên điện Quan Âm.

         Đặc biệt, có rất nhiều pho tượng ở đây được tạc bằng giấy bồi, một loại giấy nhập từ Trung Quốc vào cuối thế kỷ XIX. Ngoài ra, khung viên quanh các tòa điện này có rất nhiều các đối liễn, bao lam được viết bằng chữ Hán và có nhiều ý nghĩa khác nhau, hình dạng khác nhau, màu sắc khác nhau. nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc này mới hiểu hết cái hay của chúng. Chùa Ngọc Hoàng có nối kiến trúc và thờ tự rất độc đáo, nên năm 1994 được công nhận là Di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, đây là một dấu mốc lịch sử đáng nhớ. Nối kiến trúc và thờ tự rất độc đáo này do ảnh hưởng văn hóa tín ngưỡng tôn giáo người Hoa và có sự khác biệt nhiều so với những ngôi chùa Việt tại thành phố Hồ Chí Minh.

         2.1.3. Nghi thức tụng niệm của chùa Ngọc Hoàng

         Chùa Ngọc Hoàng trải qua 4 đời trụ trì và nhiều tầng lớp Tăng Ni trong hơn một thế kỷ, nghi thức tụng niệm vẫn không thay đổi, đều thể hiện được đặc trưng văn hóa người Hoa, đáp ứng nhu cầu tâm linh cho tín đồ người Hoa tại thành phố Hồ Chi Minh. Riêng các ngày lễ lớn trong năm nghi thức tụng niệm cũng khá giống các ngôi chùa Việt, để cho cộng đồng Phật tử khắp nơi có thể về đây lễ bái, tu tập, tụng niệm. Lễ hội Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng) là lễ hội thiêng liêng ngày đầu năm ai ai cũng cầu nguyện điều tốt lành trong một năm, chùa thường tổ chức lạy Tam Thiên Phật. Lễ Phật Đản( rằm tháng tư) lễ này từ năm 2000 được quốc tế công nhận là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc với ba sự kiện trọng đại là Đức Phật đản sinh, Đức Phật thành đạo và nhập Niết bàn, chùa đã tổ chức lạy kinh Vạn Phật. Lễ hội Vu Lan (rằm tháng bảy) là ngày lễ báo hiếu, báo ân rất quan trọng đối với cộng đồng Phật giáo người Hoa và người Việt, thông thường tất cả các chùa đều tụng kinh Vu Lan – Báo Hiếu, tháng 10 chùa tổ chức lạy Lương Hoàng Sám. Trong tâm thức mong muốn sám hối để tiêu bạt nghiệp chướng. Các nghi thức này được ấn định và thực hiện theo đúng thời gian quy định. Các thời khóa tụng kinh, lễ Phật, sám hối theo đặc trưng sinh hoạt Phật giáo người Hoa.

         3. Tín ngưỡng thờ phụng tại chùa Ngọc Hoàng

         3.1. Phật Dược Sư

         Phật Dược Sư là vị phật được thờ rất phổ biến ở các chùa trên thế giới từ người Việt đến người Hoa, Lào, Thái…vị Phật dùng trí tuệ và phát mười hai nguyện lớn để giải trừ hết bệnh khổ của chúng sanh, cứu chúng sinh thoát khỏi ba độc tham, sân, si. Mỗi chúng sinh giải trừ được ba căn bệnh này thì hướng đến tiêu trừ tâm bệnh, thân bệnh, kéo dài mạng sống. Trong mười hai nguyện lớn của Phật Dược Sư, điều nguyện thứ sáu “nếu những hữu tình, thân thể hèn kém, mọi căn chẳng đủ , xấu xa ngu ngốc, mù điếc ngọng câm, què quặt còng lưng, lác hủi điên cuồng, bao nhiêu bệnh khổ, nghe tên ta rồi, hết thảy đều được đẹp đẽ sáng suốt, không mọi tật khổ”368. Trong những phước báu mà chúng sinh thọ hưởng thì thọ mạng là quan trọng nhất. Trong cuộc sống hiện nay, quan niệm chung của con người hiện tại không có tiền của vật chất ta sẽ làm ra của cải vật chất, nhưng không có sức khỏe ta không có thể làm được gì, và của cải vật chất có bao nhiêu cũng phải buông bỏ. Vì vậy, không những trong Phật giáo mà cả tín ngưỡng dân gian những ai có thân bệnh, tâm bệnh họ đều hướng về Phật Dược Sư để cầu nguyện, có câu nói “Nguyên tắc số 1 của cuộc sống. Hãy làm những gì khiến bạn hạnh phúc”.369 Tín ngưỡng thờ phụng Phật Dược Sư tại chùa Ngọc Hoàng TP. HCM với ý nghĩa tôn kính Ngài, vị Phật được tôn trí thờ uy nghi ngay trước tòa chánh điện, khách thập phương bá tánh đến chiêm bái, lễ lạy cầu xin, bày tỏ lòng tôn kính và niềm tin nơi Ngài, hướng tâm thiện đến Ngài có khi chỉ đơn giản là tìm sự bình an nơi Ngài.

         3.2. Quán Thế Âm Bồ Tát

         Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Bồ Tát mà tín đồ thập phương theo Phật giáo ở khắp nơi trên thế giới có niềm tin sâu sắc nơi Ngày, trong tâm thức của chúng sinh Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Bồ tát từ bi và trí tuệ gần gũi nhân gian. Quán có nghĩa là là quán chiếu, suy xét, lắng nghe, thấu hiểu, Thế có nghĩa là đời sống nhân gian, Âm là âm thanh của sự thỉnh cầu. Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Bồ Tát có khả năng nghe được các âm thanh của chúng sinh đang đau khổ cầu xin Ngài giúp đỡ. Quán Thế Âm Bồ Tát từ nhiều kiếp trước Ngài Đã thành Phật, nhưng vì lòng từ bi quảng đại, Ngài phát 12 điều nguyện lớn mục đích làm an vui chúng sanh, cứu chúng sinh thoát khỏi đau khổ, cho nên Ngài hiện thân làm Bồ tát và ứng hiện 32 thân mà trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn chép “ thân Phật, Bích Chi (Duyên Giác), Đại Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại, Thiên Đại tướng Quân, Tỳ Sa Môn, Tiểu Vương, Trưởng giả, Cư Sĩ, Tế quan, Bà La Môn, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Phụ Nữ, Đồng nam, Đồng nữ, Thiên, Long, Dạ xoa, Càn-thát-bà, Ca-lâu-la, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân, Thần chấp Kim Cang, Phạm Vương, Đế Thích, Thanh Văn, Thần chấp Kim Cang”370 Quan Thế Âm có thể hóa thân thành nhiều hình tướng, nổi bật nhất của hóa thân Ngài là hình ảnh người phụ nữ, người mẹ hiền.Hạnh nguyện từ bi cứu khổ, cứu nạn rộng lớn của Người, thương chúng sinh như mẹ thương con, nên trong dân gian thường gọi “Mẹ Quan Âm” ai có cầu khẩn, đau khổ, ước mơ gì đều nghĩ đến Ngài với lòng kính ngưỡng.

         Trải qua những sự phát triển về văn hóa tín ngưỡng bản địa. Tượng Quan Âm tại chùa Ngọc Hoàng thành phố Hồ Chí Minh được tôn trí thờ một cung điện riêng trang nghiêm lộng lẫy. Khách thập phương dù người Hoa hay người Việt đã đến ngôi chùa này không thể bỏ xót điện thờ Quan Âm, đa số họ có niềm tin sâu sắc nơi Ngài, cầu mong những điều cầu xin được ứng nghiệm. Và những ứng nghiệm này sẽ chuyển hóa từ con người cá nhân sang những con người tập thể tức là thành một gia đình Phật hóa.

         3.3. Ngọc Hoàng Thượng đế

         Ngọc Hoàng Thượng đế được tôn trí thờ tòa chính giữa tại chùa Ngọc Hoàng, việc thờ Ngọc Hoàng rất phổ biến trong tín ngưỡng tôn giáo người Việt, “Theo tài liệu lưu tại Đền Đậu An (An Viên, Tiên Lữ, Hưng Yên), là đền thờ Ngọc Hoàng đầu tiên và sớm nhất ở Việt Nam, được dựng từ năm 226 trước Công nguyên thì vào thời bấy giờ, tục thờ Ngọc Hoàng đã trở thành tín ngưỡng bản địa của người Việt”371. Hiện nay ở miền Bắc, Ngài được thờ riêng tại Đàn Kính Thiên Tràng An (Ninh Bình), cũng tôn thờ Ngọc Hoàng và một số vị thần khác Nam Tào, Bắc Đẩu; và đặc biệt tín ngưỡng tôn giáo người Hoa đều thờ Ngọc Hoàng Thượng đế. Hình tượng Ngọc Hoàng được các chùa điêu khắc và tạc tượng rất uy nghi, khuôn mặt chữ điền bình thản, hai má cao và rộng, hai tay cầm tịnh liễn, đầu đội mũ bình thiên. Tại chùa Ngọc Hoàng thành phố Hồ Chí Minh cung thờ Ngọc Hoàng Thượng đế được đặt giữa chánh điện, cũng là pho tượng lớn nhất trong chùa, xung quanh tượng Ngọc Hoàng Thượng đế có các văn võ đứng hầu. Ngọc Hoàng Thượng đế là người đứng đầu thiên đình “cai quản các tầng trời, mặt đất, miền rừng, biển cả, âm phủ và lục giới gồm: Nhân, Thần, Tiên, yêu, Ma, Qủy”372 Ngọc Hoàng Thượng đế là đấng tối cao trong vũ trụ vạn vật có quyền uy trong các cõi, xem xét mọi việc đều rất nghiêm minh, thưởng phạt công bằng. Tín đồ phật tử trên cả nước nói chung và tín đồ tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có niềm tin nơi Ngài. Tương truyền rằng, hàng năm vào ngày 9 tháng Giêng Âm lịch là ngày khánh đản, Ngọc Hoàng Thượng đế đi xuống hạ giới để xét tội xử phạt và thực hiện ban phúc ân xá cho khắp sáu cõi mười phương.Vì vậy, khắp nơi trên cả nước chỗ nào có thờ Ngọc Hoàng Thượng đế thì tín đồ không ai bảo ai, sắm sửa lễ nghi chu đáo, theo phong tục chuẩn bị lục lễ là hương, đèn, hoa, trà, quả và phẩm, đến chiêm bái lễ lạy cầu xin một cách thành kính, bày tỏ niềm tin nơi Ngài và trong tâm thức mỗi người ai cũng cầu điều tốt lành cho mình, cho gia đình và cầu nguyện quốc gia thịnh vượng. dân tộc Việt Nam dù là người Việt hay người Hoa đang sinh sống tại Việt Nam đều có chung nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều. vì vậy, cư dân khắp nơi đều bày tở lòng kính ngưỡng cầu xin nơi Ngài, mong được thời tiết thuận lợi. Câu nói của người xưa dạy rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” trong cuộc sống nhiều chuyện khó lý giải, nhưng nó đã hiện hữu rất thật. Ngọc Hoàng Thượng đế có pháp thuật thần thông, quyết định mọi sự thịnh, suy, xấu, tốt của vũ trụ, vạn vật. Vì vậy, ngày 9 tháng Giêng cũng là ngày khởi đầu cho năm mới, tín đồ chuẩn bị lễ nghi cúng kiếng mong ước, Ngọc Hoàng Thượng đế sẽ giúp người dân có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người đi biển được thuận buồm xuôi gió, người buôn bán được buôn may bán đắt và cầu xin mọi điều phúc lành đến với con người.

         3.4. Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ

         Kim Hoa Thánh Mẫu là một trong 13 vị thánh là Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ. Hiện nay đang được tôn thờ tại chùa Ngọc Hoàng, thành phố Hồ Chí Minh. Theo văn hóa bản địa nơi đây khách thập phương rất có niềm tin nơi Ngài trong việc cầu xin con cái. Người dân kể lại rằng “Khách thập phương đến cầu con sẽ được sư Thầy đeo một sợi chỉ màu đỏ vào cổ tay. Nếu cầu con trai thì khấn rồi treo sợi chỉ vào các bức tượng bên phải, cầu con gái thì treo sợi chỉ vào các bức tượng bên trái. Sau đó sẽ hướng dẫn lấy tay xoa vào bụng bà mụ 3 cái rồi xoa vào bụng mình 3 cái. Tiếp đến là xoa vào bụng tượng trẻ con dưới bà mụ 3 cái rồi lại xoa bụng mình 3 cái nữa”373 Kim Hoa Thánh mẫu là vị Thánh nổi tiếng đứng đầu hệ thống trông coi việc sanh nở. Tín ngưỡng 12 bà mụ vốn có nguồn gốc từ dân gian Trung Hoa. có tích nói rằng 12 bà mụ “ được Ngọc Hoàng giao phó kể từ khi ông tạo ra đủ số lượng người ở hạ giới. Về con số 12, người ta cho rằng 12 bà mỗi người chịu trách nhiệm nặn ra một bộ phận trên cơ thể con người hoặc dạy cho trẻ một thứ”374; 12 bà mụ được thờ tại chùa Ngọc Hoàng từ hình tướng, vị trí, chức năng của mỗi vị đều khác nhau, bà thì nắn chân, bà thì nắn tay, bà thì bế em bé.. công lao của 12 bà mụ tạo hình cho các bé chào đời. Vì thế, mà phong tục cư dân bản địa tại thành phố Hồ Chí Minh khi sinh em bé được 3 ngày, đầy tháng(1 tháng) và thôi nôi (1 năm) thì đa phần các gia đình đều bày biện cúng bái 12 phần lễ vật để tạ ơn các bà đã chăm sóc. 12 bà mụ còn được gọi là Thập Nhị Tiên Nương, họ là những vị375. Sự xuất hiện của Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ trong tâm thức, niềm tin của phụ nữ, là nếu một bé nữ từ khi sinh ra cho đến lớn lên mà tính cách và khuôn mặt bé nữ giống một bé nam, thì người thân sẽ nói rằng bà mụ nặn nhầm. Nếu một em bé có khuôn mặt xinh đẹp nói là bà mụ khéo nặn, chính vì thế người mẹ trong thai kì, thường đến điện thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ cầu xin sanh nở mẹ tròn con vuông, và mọi sự như ý.

         3.5. Ông Tơ – bà Nguyệt

         Sự tích ông Tơ bà Nguyệt có nguồn gốc từ Trung Quốc, ông Tơ bà Nguyệt còn được người Trung Hoa gọi Nguyệt Lão có nghĩa Nguyệt là mặt trăng, lão là già được dịch thành “Ông già ngồi dưới trăng”, là nhân vật nổi tiếng thời cổ đại Trung Quốc, xuất hiện rất sớm vào triều đại nhà Đường và được dân chúng nơi đây lưu truyền rộng rãi khắp nhân gian, ông Tơ bà Nguyệt làm công việc mai mối se duyên cho các cặp nam nữ, cho dù hai người họ giàu hay nghèo, xấu hay đẹp, địa vị cao hay thấp, 2 người họ ở bất cứ nơi đâu, khi đã được se duyên, cột sợi chỉ hồng, họ sẽ gắn kết vợ chồng cùng dắt tay nhau đi hết quãng đời còn lại. Miêu tả về hình tượng “ông Tơ bà Nguyệt”, trong “phù sinh lục ký ” có ghi: “Nhất thủ vãn hồng ti, nhất thủ huề trượng huyền hôn nhân bộ, đồng nhan hạc phát.” (Tạm dịch: Ông già tóc bạc trắng, da hồng hào một tay cầm sợi chỉ đỏ, một tay cầm cuốn sổ ghi chép hôn nhân)”376

         Câu chuyện ông Tơ bà Nguyệt vẫn còn được lưu truyền đến nay, một số nhà văn, nhà biên kịch cũng viết câu chuyện này. Trong bộ phim “Nhất Thiền Tiểu Hòa thượng” tập 21377 cũng nói về câu chuyện ông Tơ bà Nguyệt se duyên cho các cặp nam nữ, chứng tỏ trong tâm thức của con người vẫn có niềm tin về duyên đã định từ kiếp trước, sợi chỉ hồng kết hai người lại với nhau, thì dù có hoàn cảnh nào họ cũng không tách rời nhau được. Hiện nay, tại chùa Ngọc Hoàng thành phố Hồ Chí Minh ông Tơ bà Nguyệt được tôn thờ tại một điện trang nghiêm, hai tượng được thờ đối nhau, trên tay đều cầm một sợi dây, tượng trưng cho sợi chỉ hồng mà câu truyện truyền thuyết để lại. Hàng ngày đều có rất nhiều khách thập phương đến lễ bái và tìm vào điện thờ này, mục đích của các cặp nam nữ là xin cho con tìm người vợ hoặc chồng như ý. Một số người trong chùa kể lại rằng “ông Tơ bà Nguyệt ở đây rất linh, bao cặp trai gái trắc trở tình duyên đều đến đây cầu nguyện. Nếu nhờ người đến cầu xin hộ thì không có sự ứng nghiệm”378. Câu truyện về tín ngưỡng dân gian, mặc dù chỉ là câu truyện truyền thuyết không được kiểm chứng, nhưng đã ăn sâu vào tàng thức của con người và khó có thể xóa được chúng ra khỏi tàng thức ấy.

         3.6. Các vị Thần linh

         Chùa Ngọc Hoàng không chỉ có thờ Phật, Bồ Tát, Ngọc Hoàng Thượng đế, mà còn thờ các vị thần linh. Đây là tín ngưỡng thờ phụng của các chùa người Hoa nói chung, chùa Ngọc Hoàng không ngoại lệ. Các vị thần linh mỗi vị có sự tích, năng lực, vị trí khác nhau, làm các công việc đáp ứng nhu cầu của dân chúng trong nhân gian Thần Táo Quân là vị thần canh giữ bếp trong mỗi gia đình, thần bếp có vị trí cao nhất; Thần Môn Quan là vị thần giữ cửa thiên đình, ở các chùa người Hoa chùa nào cũng thờ vị thần này và được thờ ngay cửa ra vào; Lỗ Ban là thầy dạy nghề, một vị đạo tổ ngành thợ mộc, ông là người ghi chép lại rất nhiều các loại sách dạy nghề về xây dựng để lại cho đời sau, vì vậy, sau này những người thợ xây tôn ông lên tổ nghề; Thần Thổ Địa là vị thần cai quản về đất đai và bảo về mảnh đất cho gia chủ không bị bất cứ hình thức nào quấy nhiễu, phá phách; Thần Tài quản lý về tài chính, vị thần này đa số được cư dân khắp nơi trên cả nước và đặc biệt những nơi kinh doanh làm ăn buôn bán tôn thờ. Ngoài ra, còn nhiều các vị thần như Văn Xương và Lã Tổ, Thái Tuế, Đại tướng Thanh Long, Đại tướng Phục Hổ, Thần Nông Tiên Đế…các vị thần này đều được tôn thờ tại chùa Ngọc Hoàng, rất được cư dân bản địa tôn kính, sùng bái. Theo một số những người làm công quả trong chùa kể lại. “Cứ đến ngày vía các vị thần này từ rất sớm chùa đã vô cùng đông khách, cần nhiều người làm công quả hướng dẫn cho họ lễ lạy và dọn dẹp bớt các loại trái cây, nhang, đèn cầy để lấy không gian cho những người đến sau có chỗ trưng bày”379 tín ngưỡng văn hóa bản địa đã đi vào tàng thức của con người, không một thế lực nào có thể ngăn cản và xóa được niềm tin của họ.

         4. Một số khuyến nghị

         Chùa Ngọc Hoàng là ngôi chùa nổi tiếng của người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh đã tồn tại và phát triển hơn một thế kỷ tại đất Việt. Trải qua bốn đời trụ trì với tri thức, văn hóa, tư tưởng, hoằng pháp khác nhau, nhưng đến ngày nay ngôi chùa vẫn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa người Hoa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, góp phần làm cho Phật giáo người Hoa phát triển. Người Hoa, người Việt tại đây đã hòa nhập, tương thân tương ái, chia sẻ những khó khăn, cũng như giúp cho cộng đồng người Hoa tại Việt Nam có cuộc sống ổn định. Ngoài ra, nâng cao tín ngưỡng tôn giáo, phát triển kinh tế giúp dân giàu nước mạnh. Các vị tu sĩ tự thân phải có trách nhiệm làm sống dậy văn hóa tinh thần cho cộng đồng, vì ngôi chùa từ lâu đã trở thành không gian văn hóa cộng đồng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, là nơi liên kết cộng đồng người Hoa, giúp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, không những vậy mà còn làm cho các gia đình người Hoa trở thành gia đình phật hóa và nhân rộng cho nhiều thế hệ con cháu trong tương lai ý thức được nguồn gốc có huyết thống ông cha ta để lại.

         Phật giáo người Hoa đã và đang là một nhân tố ổn định trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam nói riêng, và văn hóa-tín ngưỡng của người Hoa tại TP.HCM trên thực tế là một trong những bộ phận văn hóa quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

         1. Cần một công trình nghiên cứu về kiến trúc ngôi chùa thật sự có hiệu quả

         2. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể

         3. Sau khi hội thảo chủ đề “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng” do Ban Văn hóa Trung ương tổ chức ngày 25/04/2023 được hoàn mãn. Xin kiến nghị chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo Việt Nam và chư tăng ni lưu tâm và phát huy tinh thần kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng.

 

 

 

_Chú thích:

365. Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số 473, tháng 7 năm 2016 15h00 ngày 18/5/2021

366. Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số 473, tháng 7 năm 2016, 15h00 ngày 18/5/2021

367. Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số 473, tháng 7 năm 2016, 16h00 ngày 18/5/2021

368. HT. Thích Tuệ Nhuận (2013), kinh Dược Sư, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.26

369. Khuyết danh

370. HT. Thích Trí Tịnh (2001), Kinh Pháp Hoa – Phẩm Phổ Môn, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 527,528

371. https://tapchinghiencuuphathoc.com/duc-ngoc-hoang-thuong-de.html 20h00 ngày 8/6/2021

372. https://vanhoaphatgiaovietnam.net/thu-vien/sing/truyen-thuyet-ve-duc-ngoc-hoang-thuong-de

373. Cô Kim Dung, Phật tử chùa Ngọc Hoàng, 8h00 ngày 12/4/2021

374. https://hosonhanvat.net/kim-hoa-thanh-mau-va-thap-nhi-tien-nuong/9h00 ngày 28/5/2021

375. “Mụ bà Trần Tứ Nương coi việc sanh đẻ

         Mụ bà Vạn Tứ Nương coi việc thai nghén

         Mụ bà Lâm Cửu Nương coi việc thụ thai

         Mụ bà Lưu Thất Nương coi việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé Mụ bà Lâm Nhất Nương coi việc chăm sóc bào thai

         Mụ bà Lý Đại Nương coi việc chuyển dạ

         Mụ bà Hứa Đại Nương coi việc khai hoa nở nhụy Mụ bà Cao Tứ Nương coi việc ở cữ

         Mụ bà Tăng Ngũ Nương coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh Mụ bà Mã Ngũ Nương coi việc ẵm bồng con trẻ Mụ bà Trúc Ngũ Nương coi việc giữ trẻ

         Mụ bà Nguyễn Tam Nương coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ”

376. https://www.chuabuuchau.com.vn/nghe-thuat-song/truyen-thuyet-ve-ong-to-ba-nguyet-se-duyen-vochong_41783.html20h ngày 6/5

377. Trung Quốc sản xuất năm 2018

378. Cô Kim Dung, Phật tử chùa Ngọc Hoàng, 8h00 ngày 12/4/2021

379. Sư Cô Chấn Trí, chùa Ngọc Hoàng, 9h00 ngày 12/4/2021

 

Tài liệu tham khảo:

  1. HT. Thích Tuệ Nhuận (2013), Kinh Dược Sư, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội
  2. HT. Thích Trí Tịnh (2001), Kinh Pháp Hoa – Phẩm Phổ Môn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội
  3. Tạp chí Xưa và Nay, số 473, tháng 7 năm 2016
  4. https://hosonhanvat.net/kim-hoa-thanh-mau-va-thap-nhi-tien-nuong/
  5. https://tapchinghiencuuphathoc.com/duc-ngoc-hoang-thuong-de.html
  6. https://vanhoaphatgiaovietnam.net/thu-vien/sing/truyen-thuyet-ve-duc-ngoc
  7. https://www.chuabuuchau.com.vn/nghe-thuat-song/truyen-thuyet