1. Mở đầu
Vào khoảng năm 1930, nhiều tăng sĩ đã đến Sài Gòn-Chợ Lớn như Hòa thượng Tăng Đức Bổn, Hòa thượng Thanh Thuyền, Hòa thượng Thống Lương, Hòa thượng Diệu Hoa, Hòa thượng Ninh Hùng. Những ngôi miếu của người Hoa (như Nhị Phủ và Ôn Lăng) là những nơi tạm cư đầu tiên của họ. Theo Nguyễn Thị Hoa Xinh (1997), chùa Nam Phổ Đà (quận 6) được xây dựng năm 1945 là ngôi chùa đặt nền móng cho Phật giáo người Hoa ở vùng đất Sài Gòn Chợ Lớn. Sau đó một loạt ngôi chùa Hoa tông được xây dựng ở những nơi có đông người Hoa cư trú như chùa Quan Âm Trụ Trúc Lâm (1951) và chùa Từ Ân (1955) ở quận 11; chùa Bồ Đề Lan Nhã (1950) ở quận 10; chùa Hoa Nghiêm (1952) ở quận Bình Thạnh; chùa Vạn Phật (1959) ở quận 5, chùa Thảo Đường (1960) ở quận 6. Theo thống kê của một học giả người Pháp thì cuối thế kỷ XIX, Gia Định có 43 ngôi chùa Hoa380. Đa số chùa Hoa thuộc hai tông phái Lâm Tế và Tào Động.
Trước năm 1930, những tu sĩ người Hoa sinh hoạt, tu tập theo từng chùa, từng nhóm thuộc tông phái mà chưa có tổ chức thống nhất. Năm 1972, các tu sĩ người Hoa mà đứng đầu là Hòa thượng Siêu Trần và Hòa thượng Thanh Thuyền đã thành lập một tổ chức có tư cách pháp nhân đầu tiên là Giáo hội Phật giáo Hoa tông Việt Nam. Giáo hội có nội quy, điều lệ và mở đại hội thành lập Ban Chấp hành Trung ương vào ngày 20 tháng 5 năm 1973381. Tháng 11 năm 1981, sau khi Hội nghị thống nhất Phật giáo cả nước được tổ chức tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Hoa tông Việt Nam đã trở thành một thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hiện nay Ban đại diện Phật giáo người Hoa đã trải qua 6 nhiệm kỳ, trụ sở đặt tại chùa Vạn Phật (quận 5). Tu sĩ Hoa tông có số lượng rất ít (khoảng 100 vị) do việc tu hành cần kiên trì, không được hoàn tục và chịu nhiều giới, trong khi đó việc không có con cái nối dòng dõi khó được người Hoa chấp nhận. Về số lượng tín đồ thì khó xác định được con số chính xác vì nhiều gia đình người Hoa có bàn thờ Phật, thờ Quan Âm và những ngày lễ Phật họ đến chùa nhưng chưa chắc họ là tín đồ của Phật giáo .
Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 44 cơ sở thờ tự thuộc Phật giáo người Hoa (cả nước có 60 ngôi). Các chùa, tịnh xá chủ yếu nằm ở khu vực Chợ Lớn gồm quận 11, quận 5 và một phần quận 6. Dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và quá trình trùng tu, các cơ sở thờ tự Phật giáo người Hoa vẫn thể hiện sự độc đáo, mang bản sắc riêng về nghệ thuật kiến trúc, thu hút sự quan tâm tìm hiểu của nhiều nhà nghiên cứu.
2. Kiến trúc chùa, tịnh xá Phật giáo người Hoa
Kiến trúc các cơ sở thờ tự Phật giáo của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh mang những nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống Trung Hoa nhưng cũng thể hiện những đặc điểm hiện đại. Trần Hồng Liên (2005) nhận xét rằng các chùa và tịnh xá người Hoa “thường có khác so với chùa Việt”, “có nét tương tự với các miếu điện thờ Thiên Hậu, Quan Công”382.
2.1. Vị trí và bố cục mặt bằng
Trước hết về vị trí, các cơ sở đều nằm ở mặt phố hoặc mặt ngõ hẻm trong những khu dân cư đông đúc, thuận tiện cho việc sinh hoạt tôn giáo của người Hoa. Ví dụ ở quận 5, chùa Vạn Phật nằm trong khu phố vàng bạc trên đường Nghĩa Thục. Tịnh xá Di Đà nằm ở ngã tư sầm uất. Tịnh xá Quan Âm nằm gần trường học trên phố Bà Triệu. Chùa Từ Đức nằm trên tầng 4 tòa chung cư cũ mặt phố Hùng Vương. Các tịnh xá Phước Điền, Giác Hoa, Từ Đức đều nằm trong hẻm, chung quanh là nhà dân. Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm, Tạng Hà nằm trên các phố gần khu chợ Bình Tây, chợ Thiếc. Ở quận 6, chùa Thảo Đường nằm trên đường Trần Văn Kiểu rộng rãi, sầm uất. Chùa Diệu Pháp nằm trong khu dân cư, chung quanh có nhiều nhà cao tầng. Chùa Nam Phổ Đà nằm trên đường Hồng Bàng trải trên địa bàn các quận 5, quận 6, quận 11…
Do nằm trong không gian đô thị với diện tích chật dẹp nên chỉ có ít chùa có bố cục mặt bằng tuân theo bố cục truyền thống như chữ Đinh (丁), chữ Công (工), chữ Quốc (国), chữ Tam (三). Theo Dương Thụy (2022), những chùa được kết cấu theo bố cục mặt bằng hình chữ Tam có 3 lớp nhà đặt song song nhau theo chiều ngang; gồm thượng điện, trung điện và hạ điện. Ngăn cách mỗi dãy nhà là sân thiên tỉnh. Tại sân thiên tỉnh thường có tháp nhỏ dùng để đốt vãng mã, chậu cây cảnh, hòn non bộ, hồ cá phóng sinh để tạo không gian yên tĩnh. Chánh điện thường đặt ở dãy trung điện, là trung tâm của kiến trúc. Một số chùa (như Hoa Nghiêm, Pháp Quang, Từ Ân) có quần thể tháp hình lục giác hoặc hình vuông. Chùa tháp đi liền với nhau là điểm khác biệt so với kiến trúc miếu người Hoa383.
Tiêu biểu cho bố cục truyền thống này có thể kể đến là Thảo Đường Thiền tự được xây dựng mới vào năm 2016384 theo lối kiến trúc truyền thống văn hóa Trung Hoa kết hợp với văn hóa Việt Nam. Khuôn viên ngôi chùa rộng khoảng 10.000m2; gồm 3 tòa nhà chính (Đại Hùng Bảo Điện, Hậu Tổ, Quan Âm Điện), 2 dãy Tăng xá cao 6 tầng và một tháp lớn (mang tên Cực Lạc Cáp) cao 7 tầng. Ngoài các công trình trên; chùa Thảo Đường còn có Tàng kinh các, lưu trữ các kinh sách mà đa số xuất bản tại Trung Quốc và thuộc phái Tào Động.
Hầu hết chùa, tịnh xá còn lại mà nhất là ở quận 5 đều là dạng nhà nhiều tầng. Như chùa Vạn Phật sau đợt đại trùng tu kéo dài 10 năm (1998-2008) thì có diện mạo như ngày nay với 5 tầng lầu trên diện tích khoảng 200 m2. Tịnh xá Quan Âm (được xây dựng lại ở khu đất mới từ năm 2013-2017) có 5 tầng. Tịnh xá Di Đà có 4 tầng lầu. Các tịnh xá Phước Điên, Giác Hoa, Tạng Hà đều là kiến trúc 2-3 tầng với diện tích nhỏ hẹp. Ở quận 6, chùa Diệu Pháp là một tòa nhà 3 tầng nằm trong khuôn viên gần 500m2. Ở quận 11, chùa Phi Hà Động Nguyệt Canh Đường là tòa nhà có 3 tầng lầu; tịnh xá Giác Quan và tịnh xá Quan Âm Tử Trúc Lâm là tòa nhà có 2 tầng lầu…
Bố trí, công năng các tầng lầu trong chùa, tịnh xá người Hoa tuân theo một triết lý tinh thần riêng; thông thường tầng trệt hoặc tầng 1 sẽ có khu để tro cốt, bài vị của Phật tử quá vãng; chính điện nằm trên tầng cao nhất của tòa nhà. Ví dụ chùa Vạn Phật thì tầng trệt là khu vực có ban thờ Địa tạng Bồ Tát, hai bên là Tôn giả Đạo Minh và Trưởng giả Văn Công; ngoài ra có bộ tượng Tam Bảo (gồm Phật Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát). Tầng 1 là nơi thờ Thiên thủ Thiên nhãn Thập nhất Diện Quán Thế Âm Bồ Tát; phía sau ban thờ này là khu vực gửi tro cốt của người đã khuất. Tầng 2 là nơi thờ Đức Phật Dược Sư, Nhật Quang Biến Chiếu Bồ Tát, Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát. Tầng 4 là chính điện, trung tâm có tượng thờ Phật Thích Ca tọa trên trên tòa sen nghìn cánh, trong mỗi cánh sen có một vị Phật. Chung quanh tòa sen có 4 tượng Tứ đại Thiên vương. Hai bên Phật Thích Ca là Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử và Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi trắng. Toà tháp 5 tầng được xây dựng trên sân thượng vừa là điểm nhấn kiến trúc, vừa để điều hòa ánh sáng tự nhiên cho tầng chính điện bên dưới.
Theo một vị trí thức người Hoa thì “Việc xây dựng chùa của người Hoa tuân theo quan niệm chia thế giới thành 3 tầng là Thiên Địa Nhân. Đa số chùa do thiếu diện tích nên phải xây nhiều tầng. Những tro cốt thuộc về linh hồn; linh hồn thì không thể so với Thần Phật, nên chỗ thờ tro cốt không thể để cao hơn chỗ thờ Thần Phật. Đúng ra thì tro cốt để ở tòa nhà riêng hoặc nếu không có diện tích lớn thì khu tro cốt phải ở dưới”
[Nam, nhóm Triều Châu, sinh năm 1982, chưa kết hôn, trình độ Tiến sĩ, cán bộ].
2.2. Cổng tam quan
Màu đỏ và vàng là hai màu sắc chủ đạo của cổng tam quan chùa nói riêng cũng như của cả công trình nói chung. Mái cổng gồm hai tầng với các đầu cong vút. Trang trí trên đó là hình tượng quen thuộc trung văn hóa Trung Hoa như “tứ linh”, “lưỡng long triều ngọc” (tiêu biểu là chùa Pháp Hoa ở quận 8, chùa Nam Phổ Đà ở quận 6, chùa Từ Ân ở quận 11) hoặc hình tượng của Phật giáo như “chuyển pháp luân tại vườn nai”386 (tiêu biểu là Thảo Đường Thiền tự ở quận 6). Tên gọi của chùa bằng chữ Hán được khắc dưới mái, ở ngay chính giữa cổng; có thể là trên tấm biển (đa số chùa, tịnh xá) hoặc khắc nổi ngay trên cổng (Thảo Đường Thiền tự ở quận 6). Một số chùa có tên tiếng Việt ngay trên dòng tên chữ Hán phồn thể (chùa Nam Phổ Đà ở quận 6, Quan Âm Tử Trúc Lâm ở quận 11) nhưng nhiều chùa, tịnh xá thường để bảng tên chữ Việt “Giáo hội Phật giáo Việt Nam + tên chùa” treo trên tầng cao. Hai trụ cổng có đôi câu đối bằng chữ Hán ca ngợi công đức Đức Phật và các vị Tổ. Một số chùa đặt đôi tượng lân ở hai bên cổng (Thảo Đường Thiền tự ở quận 6, chùa Vạn Phật ở quận 5).
2.3. Kết cấu bộ khung và mái chùa
Chùa người Hoa đa phần xây theo kiểu “vì chống rường-giá chiêng” hoặc “vì chống giường giả thủ”. Đây là kiểu kết cấu không có kèo, tựa như bàn tay năm ngón, vươn lên nắm lấy từng cây kèo, mỗi chân “giả thủ” biến thể như hình quả bí. Kiểu “vì giả thủ” thường làm bằng gỗ có tính chất nhẹ, chắc chắn mà lại đẹp và tiết kiệm thích hợp trang trí. Đặc biệt, hệ thống các “đấu củng” là kết cấu đỡ mái đưa ra xa chân cột; đồng thời là những chi tiết kiến trúc thể hiện nghệ thuật tạo tác và điêu khắc gỗ độc đáo.
Mái chùa thường được dựng thành nhiều lớp chồng lên nhau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc” và đầu đao cong, tạo nên sự thanh thoát cho tổng thể kiến trúc, tiêu biểu như: chùa Diệu Pháp và chùa Nam Phổ Đà (quận 6). Hình thức “vì chồng rường” khiến mái hơi cong với thiết kế tạo hình 2 tầng mái và các đầu đỉnh mái, đầu đao uốn cong. Trên cùng của đỉnh mái là một tháp nhỏ, góp phần tạo tính trang nghiêm. Mái chùa thường được lợp hàng ngói lưu ly màu xanh hoặc vàng và trang trí các hình lưỡng long triều châu, lưỡng long tranh châu, long phụng, cá chép hóa rồng, phong cảnh thiên nhiên…387
2.3. Nghệ thuật trang trí
Các cơ sở thờ tự của người Hoa có nhiều chi tiết chạm khắc đá; chạm khắc gỗ với kỹ thuật chạm lộng và chạm nổi. Chạm lộng được dùng chủ yếu trong trang trí bao lam, điện thờ, bàn thờ với các hình ảnh long-lân-quy-phụng, tùng-cúc-trúc-mai, cá, hạc, hổ… Chúng mang ý nghĩa tốt đẹp như trường thọ, hạnh phúc, quân tử, thanh bạch, phú quý…Chạm nổi thường dùng chủ yếu trong trang trí hoành phi, câu đối. Xung quanh vách tường tại chính điện và hậu điện khắc các bích họa với hình ảnh Tứ Đại Thiên Vương, các vị La Hán hay các điển tích Phật giáo… Tiêu biểu cho phong cách trang trí này là tịnh xá Giác Hoa ở quận 5, Thảo Đường Thiền tự ở quận 6, Quan Âm Tử Trúc Lâm ở quận 11. Chùa Vạn Phật có 10.000 tượng Phật nhỏ được đặt trên tường chính điện.
Trong các chùa, tịnh xá còn treo nhiều hoành phi, câu đối bằng chữ Hán phồn thể; các bức thư họa (về các vị La Hán, Quan Âm, Đạt Ma tổ sư,…) và đèn lồng theo phong cách Trung Hoa.
2.3. Hệ thống tượng thờ
Bài trí tượng Phật cũng là một đặc điểm giúp dễ dàng phân biệt chùa Hoa với ngôi chùa Việt. Các pho tượng thường được đặt trong lồng kính lớn (khánh) để bảo đảm sự tinh khiết, không bụi bặm. Một số lồng kính có mái nhỏ sơn màu nâu hoặc đỏ thẫm hoặc màu trắng có diềm mái màu xanh lục; mái có đầu đao cong vút. Các pho tượng lớn thường làm bằng đồng, gỗ (trầm hương), đá, vải và giấy bồi. Ví dụ chùa Diệu Pháp ở quận 6 có tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát có chất liệu vải và giấy bồi, cốt bên trong bằng nan tre; tượng Phật lớn nhất tại chính điện có chất liệu đá trắng mang từ Myanmar. Chùa Vạn Phật ở quận 5 có tượng Địa Tạng Vương làm bằng composite. Theo Trần Hồng Liên (2005), trước năm 1975, đa phần tượng thờ từ nước ngoài (Hồng Kông, Myanmar) gửi sang nên đường nét nhân chủng trên tượng thường là yếu tố Hoa, tượng được trang sức nhiều ở vòng cổ, vòng tay…389
Tại ban Tam bảo thường đặt bộ tượng Di Đà Tam Tôn (Di Đà, Quan Âm, Thế Chí) hoặc Hoa Nghiêm Tam thánh (Thích Ca, Phổ Hiền, Văn Thù). Một số chùa Hoa có tượng Tam Tôn dạng đứng. Đây là điều hiếm thấy ở các chùa người Việt. Trong các chùa, tịnh xá người Hoa còn có một số tượng khác như Ca Diếp tôn giả và A Nan Đà tôn giả, Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, Thích Ca sơ sinh… Sát cửa chính tầng trệt thường đặt tượng Phật Di Lặc (như chùa Vạn Phật, tịnh xá Di Đà, tịnh xá Giác Hoa, tịnh xá Từ Đức, Quan Âm Tử Trúc Lâm..). Ngoài các tượng Phật và Bồ Tát như chùa Bắc tông của người Việt thì chùa Hoa còn thờ Hộ pháp Vi Đà và Già Lam Bồ Tát (Quan Công), Đại Thừa Khẩn Na La Vương Bồ Tát (thờ tại nhà bếp của chùa). Chùa Nam Phổ Đà ở quận 6 còn có tượng Ngọc Hoàng Đại Đế, tượng Địa Mẫu. Đây là biểu hiện rõ nét nhất cho tính chất “Tam giáo đồng nguyên” của chùa Phật người Hoa tại Nam Bộ nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Theo Dương Thụy (2022), bàn thờ Tổ trong chùa người Hoa được đặt sau lưng chính điện thờ Phật, ở đây an trí tượng Tổ Đạt Ma, thường là tượng trong tư thế đứng nhưng ở chùa Thảo Đường là tượng ngồi theo kiểu thời nhà Đường. Các vị tổ khai sơn được thờ bằng long vị. Ở Diên Sanh đường sẽ đặt long vị các vị cư sĩ có công lao to lớn đối với chùa390, phía trên long vị thờ Đức Phật Dược Sư. Ở Công Đức đường sẽ đặt bài vị của những Phật tử và cư sĩ quá vãng391.
3. Kết luận
Trong quá trình di cư và tạo lập cuộc sống mới của người Hoa trên vùng đất Nam Bộ của Việt Nam, những cơ sở thờ tự Phật giáo đã lần lượt được hình thành vào đầu thế kỷ XX Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh có 44 chùa, tịnh xá của người Hoa; trong đó tập trung chủ yếu ở quận 5, quận 11 và quận 6. Đây là nơi diễn ra các sinh hoạt tôn giáo của Tăng Ni, Phật tử và của cả cộng đồng. Do người Hoa tập trung sinh sống, kinh doanh trên các con phố sầm uất nên các cơ sở thờ tự này cũng phải đặt ở khu vực quanh đó để cho họ thuận tiện đi cúng bái. Mặc dù có những nét hiện đại để thích ứng với không gian đô thị song nhìn chung chùa, tịnh xá của người Hoa vẫn mang đậm phong cách truyền thống trong kiến trúc, điêu khắc, trang trí, hội họa…Một số chi tiết bước đầu thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Hoa-Việt. Bố cục không gian, hệ thống tượng thờ chứa đựng những triết lý, quan niệm, tư tưởng văn hóa có bề dày lịch sử hàng ngàn năm; đồng thời toát lên tâm tư, tình cảm, mong cầu sự phù trợ của các vị Phật, Bồ Tát đối với cuộc sống nơi trần thế của con người. Những điều đó cho thấy các chùa, tịnh xá của Phật giáo người Hoa là những công trình đặc sắc, thể hiện sự đa dạng về phong cách kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
_Chú thích:
380. Dẫn theo: Trần Hồng Liên (1996), Phật giáo Nam bộ từ thế kỷ 17 đến 1975, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 100.
381. Trần Hồng Liên (1996), Phật giáo Nam bộ từ thế kỷ 17 đến 1975, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 100.
382. Trần Hồng Liên (2005), Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ tín ngưỡng & tôn giáo, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 43.
383. Dương Thụy (2022), “Đặc trưng kiến trúc và mỹ thuật chùa người Hoa ở TP.HCM”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 397, tr. 52.
384. Trước đây, chùa Thảo Đường nằm ở 335/42 Hùng Vương, phường 12, quận 6 với diện tích 900m2. Đến năm 2013, thành phố cần mở rộng các công trình giao thông công cộng nên khu vực này bị giải tỏa. Vì thế, ngôi chùa được dời về 184 Trần Văn Kiểu. Ngôi chùa đã được xây dựng khang trang, rộng rãi hơn ở địa chỉ mới nhờ sự chung tay đóng góp của cộng đồng người Hoa và kiều bào mà Thảo Đường Thiền Tự đã được trùng tu khang trang và rộng rãi hơn ở địa chỉ ngày nay.
385. Nguồn: Tác giả chụp ngày 8 tháng 8 năm 2019.
386. Bánh xe pháp luân ở chính giữa, hai bên là con nai và con nghê
387. Xem thêm: Dương Thụy (2022), “Đặc trưng kiến trúc và mỹ thuật chùa người Hoa ở TP.HCM”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 397, tr. 51, 52.
388. Nguồn: Tác giả chụp ngày 27 tháng 6 năm 2020
389. Trần Hồng Liên (2005), Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ tín ngưỡng & tôn giáo, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 43.
390. Diên Sanh đường là nơi chú nguyện phước báu cho các cư sĩ còn sống được khỏe mạnh, trường thọ.
391. Dương Thụy (2022), “Đặc trưng kiến trúc và mỹ thuật chùa người Hoa ở TP.HCM”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 397, tr. 54.
Tài liệu tham khảo:
- Phan An (2005), Người Hoa ở Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Trần Hồng Liên (1996), Phật giáo Nam bộ từ thế kỷ 17 đến 1975, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
- Trần Hồng Liên (2005), Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ tín ngưỡng & tôn giáo, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Trần Hạnh Minh Phương (2017), Tín ngưỡng, nghi lễ, giao lưu văn hóa của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
- Dương Thụy (2022), “Đặc trưng kiến trúc và mỹ thuật chùa người Hoa ở TP.HCM”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 397.