Một số đặc điểm về Kiến trúc và tranh tượng chùa Khmer ở Việt Nam hiện nay từ góc nhìn Tôn giáo học (TS. Phạm Thị Chuyền – Cao Tùng Lâm)

TẢI FILE PDF
——————

          1. Tổng quan về Phật giáo Nam tông Khmer và chùa Nam tông Khmer ở Việt Nam

          Tư liệu sử Tích Lan và một số bi ký ở Đông Nam Á cho thấy “nền tảng văn minh “Khmer” là hai tôn giáo truyền từ Ấn Độ sang, đó là Bà-la-môn giáo và Phật giáo. Trong đó Bà-la-môn giáo có mặt trước khoảng năm 250 TCN, Phật giáo hiện diện sau khoảng 309 TCN392… Tuy chưa có cứ liệu chỉ ra chính xác Phật giáo du nhập vào triều đại vua nào, nhưng muộn nhất Phật giáo đã có mặt trong cộng đồng Khmer từ năm 309 Trước Công Nguyên. Như vậy, có thể Phật giáo là một tôn giáo đến với cộng đồng Khmer khi Bà-la-môn giáo đã gây dựng nền tảng trong cộng đồng này.

          Theo tài liệu thư tịch Hán ở Trung Quốc, vào thời Tùy Nam Đế (thế kỷ thứ V), vua triều đại Kaundinya Jayavarman (lên ngôi năm 478) năm 484 đã phái một vị Sư làm sứ thần đi sứ sang Trung Quốc. Năm 503, ông đã gửi lễ vật là một bức tượng Phật bằng san hô sang cống nạp cho triều đình nhà Tùy. Trước khi quy y theo Phật, vị vua này sở hữu niềm tin Bà-la-môn giáo. Dân chúng trong nước tôn thờ thần Shiva, tuy nhiên vua và nhiều người cũng sùng bái Phật giáo và số lượng Phật tử cũng đông 393. Việc Kaundinya Jayavarman chuyển niềm tin tôn giáo từ Bà-la-môn giáo sang Phật giáo, từ thần phục thần Shiva sang tin theo Phật Gautama chứng tỏ Phật giáo Nam tông đã thể hiện được sự vượt trội so với Bà-la-môn giáo, phát huy được sức mạnh tinh thần trong lòng người Khmer, đặc biệt là giới thượng lưu. Bởi vì, một điều dễ thấy là khi đã có Phật giáo, người dân vẫn tôn thờ thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao, một trong Chúa Ba Ngôi của Bà-la-môn giáo.

          Tình hình tồn tại song song giữa Phật giáo và Bà-la-môn giáo nói chung, trong cộng đồng Khmer nói riêng tiếp tục diễn tiến sang thời kỳ Chân-lạp (thế kỷ VI-IX). Sau đó, Bà-la-môn giáo dần giảm đi và Phật giáo Nam tông dần trở thành quốc giáo từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX394. Vì sao có hiện tượng như vậy? – Có thể có những nhân duyên sau đây. Thứ nhất, uy nghi của các vị Sư Phật giáo Nam tông y vàng, chuyên tâm tu tập, khất thực nghiêm trang đã ngày càng đi vào lòng người Khmer. Cùng với sự thực hành giáo lý giải thoát trong Nikaya, những vị sư đó đã đồng hành với con em người Khmer trong những lớp học chuyển giao tri thức và niềm tin vào sự giải thoát của chính bản thân mình tại cơ sở Phật giáo Nam tông đã dần thu hút tín tưởng của cộng đồng Khmer. Thứ hai, Bà-la-môn giáo là một tôn giáo thờ thần, người tin theo Bà-la-môn giáo có sự phụ thuộc rất lớn và các vị thần trong thế giới thiêng của tôn giáo này (Brahma là người sáng tạo và Vishnu là đấng bảo hộ và Shiva là hiện thân của sự hủy diệt). Phật giáo Nam tông là tôn giáo có tinh thần thoát ly sự phụ thuộc. Bản thân đang ở trong tình trạng phụ thuộc, khi có thêm một lựa chọn “phi phụ thuộc”, có lẽ những người Khmer ưa chuộng tự do, hạnh phúc đích thực của sự giải thoát sẽ chuyển tin theo tôn giáo “phi phụ thuộc” là Phật giáo Nam tông. Nhưng liệu sư chuyển niềm tin tôn giáo này có theo hướng thay thế triệt để hoàn toàn hay là theo cơ chế có tính dung thông hơn? Chúng ta có thể thử tìm lời giải đáp qua kiến trúc và tranh tượng chùa Khmer ở Việt Nam hiện nay.

          Ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer (gọi tắt là chùa Khmer) ở Việt Nam là cơ sở tu học, sinh hoạt và văn hóa của cộng đồng người Khmer theo Phật giáo Nam tông ở Việt Nam. Hiện nay, tại 9 tỉnh miền Tây Nam bộ395, khoảng hơn 1,3 triệu người Khmer đang sinh hoạt tại hơn 450 ngôi chùa Phật giáo Nam tông trong các phum sóc.

          Hiện nay toàn Nam bộ có khoảng hơn 450 ngôi chùa Khmer. Tập trung chủ yếu ở tỉnh Trà Vinh (141), Sóc Trăng (92), Kiên Giang (74), An Giang (65), Bạc Liêu (22), Hậu giang (15), Vĩnh Long (13), Cần Thơ (12), Cà Mau (7), Tây Ninh (6), Bình Phước (3), Tp.Hồ Chí Minh (2), Bà Rịa-Vũng Tàu (1), Đồng Nai (1)396.

          Về niên đại xây dựng, hiện nay trên toàn khu vực Nam bộ có tới 33 chùa có niên đại xây dựng từ năm 1500 trở về trước, 116 chùa có niên đại xây dựng từ năm 1500- 1700, 162 chùa có niên đại xây dựng từ năm 1700-1900, 142 chùa có niên đại xây dựng từ 1900-2010397.

          Về nền móng tiền thân của chùa Khmer, theo kết quả khai quật khảo cổ học, nhiều chùa Khmer có thể đã được xây dựng trên vị trí và nền móng của một đền thờ thần thuộc tín ngưỡng phổ biến của tộc người Khmer vào thời kỳ trước đó, có liên quan tới thờ phụng người chết, thờ đá và với tục hỏa táng từ thời văn hóa Óc Eo, như chùa Trà Kháu, chùa Giữa (Cầu Kè, Trà Vinh), di tích chùa Cây Hẹ (Tiểu Cần, Trà Vinh),…398. Vị trí của chùa thường ở một khu đất rộng rãi, cao ráo nằm trên vị trí trung tâm của phum, sóc trước để người dân thuận tiện trong việc đi lại và cũng được xem xét, chọn lựa rất kỹ lưỡng vì đây là nơi thiêng liêng nhất trong đời sống tinh thần của người Khmer399. Có lẽ khi Bà-la-môn giáo thâm nhập vào Phù Nam thì các đền thờ của tôn giáo này cũng được đặt ngay trên nền móng đó, để rồi sau này cơ sở Phật giáo lại được dựng trên lớp trầm tích ấy.

          Giả định lớp trầm tích tinh thần và vật chất mà người Khmer đã tiếp thu và dung hóa từ khi có tín ngưỡng đầu tiên đến Tam bảo thay thế Ba ngôi thần chủ của Bà-la-môn giáo trên chánh điện chùa Khmer đều là tâm thức Khmer. Từ tư liệu nghiên cứu và những gì quan sát trực tiếp một số ngôi chùa Khmer tại Việt Nam, chúng tôi thấy rằng về mặt kiến trúc và nghệ thuật của ngôi chùa Khmer là kết quả của tiếp hợp giữa tinh thần Phật giáo Nam tông và tâm thức của người Khmer theo một cơ chế không chỉ là cộng gộp hay tập hợp. Bởi vì chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy cả hai thành tố này trong cùng một bức tranh, một tôn cốt tượng Phật trong chánh điện, trên và trong sự bố trí kiến trúc bên trong và bên ngoài chánh điện. Chúng ta cũng có thể thấy nhiều hình tượng thiêng khác (Thần Bốn Mặt, Thần Rắn Naga, Thần Chim Krud, Neak Tà, Reahu .v.v.) bên ngoài đối tượng thiêng của Phật giáo Nam tông (Tam bảo hội tụ nơi hình tượng Phật Gautama) hiện diện trên tranh tượng và kiến trúc chùa Khmer.

          2. Những nét kiến trúc và nội dung tranh tượng mang tinh thần Phật giáo Nam tông trong ngôi chùa của người Khmer ở Việt Nam hiện nay

          Tinh thần Phật giáo Nam tông được hiểu như thế nào? Chúng tôi chưa thấy giới nghiên cứu bàn về khái niệm hay cơ sở lý luận của thuật ngữ này. Tuy nhiên, từ tiếp cận Phật học HT. Viên Minh đã chỉ ra các nội hàm của nó, bao gồm: “Y cứ vào trí tuệ (panna) hơn là đức tin; Tin vào tự tính hơn là tha lực; Giác ngộ chân lý ở ngay nơi thực tại hiện tiền hơn là hướng đến những cõi Phật lý tưởng bên ngoài; Chỉ thẳng sự thật như đang là hơn là thông qua biểu tượng, ẩn ngữ hay pháp môn phương tiện; Tu hành có nghĩa là sống thuận pháp hay tùy pháp hành hơn là cầu nguyện hay áp dụng một chủ trương, quan niệm hoặc hệ thống tư tưởng nào; Không nghiêng về nhập thế hay xuất thế kiểu nhị quyên cực đoan.”400. Tinh thần này có sự khác biệt so với tinh thần của hệ phái Phật giáo khác như Mật tông, Tịnh Độ tông .v.v.

          Như vậy, nếu nhìn từ lý thuyết thực thể tôn giáo401, thì tinh thần Phật giáo Nam tông là tổng hòa của niềm tin, mục đích và thái độ thực hành của cộng đồng Phật giáo Nam tông. Trên cơ sở của trí tuệ, cộng đồng Phật giáo Nam tông tin vào tự tính giác ngộ, đi tới mục đích tự mình trở về giác ngộ hoàn toàn nơi thân và tâm mình ở hiện tại. Về mặt thực hành, trong đời sống cá nhân, hành giả Phật giáo Nam tông bằng con đường tứ niệm xứ (bốn lĩnh vực quán niệm: thân thể, cảm giác, tâm hành và đối tượng nhận thức của tâm), đi thẳng vào sự thật tối hậu (chân đế: vô thường, khổ, vô ngã) không thông qua phương tiện. Trong đời sống cộng đồng, đời sống thế tục, hành giả Phật giáo Nam tông khéo léo tùy điều kiện hoàn cảnh.

          Ngôi chùa Phật giáo Nam tông dù hiện diện ở đâu, dù đã tiếp thu truyền thống văn hóa nào thì trước hết vẫn là nơi tu học của chư Tăng, tất yếu phải thể hiện được tinh thần Phật giáo Nam tông. Cũng như vậy, ngôi chùa Khmer mang trên mình tinh thần đó. Cụ thể, tinh thần đó được thể hiện ở hạng mục, nét nghệ thuật kiến trúc nào của chùa Khmer?

          Trước hết, tinh thần Phật giáo Nam tông thể hiện trong hạng mục chánh điện. Bên trong chánh điện chánh điện chùa Khmer chỉ có một án thờ và trên án thờ đó chỉ có hình tượng Phật Gautama. Có chùa chỉ thờ một tượng Phật Gautama trên án thờ chính, như ở chánh điện: chùa Pôthi Somrôn (ấp Rạch Chùa, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ), chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, Tp. Bạc Liêu), chùa Ghôsitaram (thuộc ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), .v.v. Có nhiều chùa trên án thờ chính của chánh điện thờ nhiều tượng Phật nhưng vẫn là tượng Phật Gautama. Chẳng hạn chánh điện chùa Hòa Bình mới -Serayvongsa (Hòa Bình, Bạc liêu) có ít nhất 7 bức tượng, trong đó có 4 bức tượng trong tư thế ngồi bán già khi đắc đạo, 2 bức trong tư thế trì bình khất thực, 1 bức tượng tư thế nhập Niết-bàn. Chánh điện chùa Ấp Sóc (Thuận Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh) có tới hơn 20 bức tượng Phật Gautama ở các oai nghi khác nhau. Cũng như thế, cở các chùa Chantarangsay (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh), chùa Sêrây Mangkol (chùa Rạch Giồng, ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), chùa Vich Chia Ram Tà Kúch Chắs (chùa Trà Quýt cũ, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) .v.v.  chỉ thờ tượng Phật Gautama với các oai nghi khác nhau. Ngoài tượng Phật Gautama không có tượng Bồ-tát hay các vị thần linh trên án thờ chính.

          Tại sao trên án thờ bên trong chánh điện chùa Khmer ở Việt Nam chỉ có tượng Phật Gautama? Trước hết, tượng Phật Gautama trên án thờ chính không chỉ là hình tượng Phật Gautama (vị Phật hiện tại), mà còn là hình tượng của Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) hội tụ trong một hình hài. Trong phần lễ bái Tam bảo của kinh nhật hành (tụng hàng ngày) của chư Tăng và Phật tử người Khmer, họ vẫn đem hết lòng thành kính đảnh lễ các vị Phật đã thành trong kiếp quá khứ, hiện tại và tương lai; các Pháp đúng theo đạo Bát Chánh mà chư Phật trong các kiếp quá khứ, hiện tại và vị lai đã đi; các vị Thánh Tăng và Phàm Tăng thực hành theo con đường Bát Chánh đã đắc đạo quả trong kiếp quá khứ, đang đắc đạo quả trong kiếp hiện tại, sẽ đắc đạo quả trong kiếp vị lai. Tất cả đều hội tụ trong một hình tượng Phật Gautama – Đức Phật lịch sử402. Điều đó cho thấy rằng về hình tượng thờ của chùa Khmer nhấn mạnh vào tinh thần thực tại hiện tiền (bây giờ và ở đây) hơn là sự tìm về quá khứ, tưởng tới tương lai; nhấn mạnh vào sự thực hành Pháp (thiền, khất thực, .v.v.) hơn là sự tin theo và thờ phụng. Đó chính là tinh thần Phật giáo Nam tông đã nhắc tới ở trên.

          Vì trung tâm là hình tượng Phật Gautama, cho nên tranh tường trong chánh điện có một bộ bích họa về cuộc đời Phật Gautama, bao gồm 39 bức, nội dung từ lúc giáng trần cho tới khi phân phát xá lợi Phật403. Hiện tượng này chúng ta cũng có thể thấy trong chánh điện của các thiền viện Trúc Lâm của Phật giáo Bắc truyền ở Việt Nam, mặc dù số lượng tranh ít hơn và nội dung cũng có sự khác biệt nhất định. Trong 39 bức bích họa trong chánh điện chùa Khmer ở Tây Nam Bộ có nội dung chủ yếu được nhắc tới trong Kinh Nikaya bằng tiếng Pali của Phật giáo Nam truyền. Câu chuyện cuộc đời của Phật Gautama ở đây được kể chi tiết hơn rất nhiều so với thiền viện Trúc Lâm của Phật giáo Bắc truyền. Ngoài sự ra đời của thái tử Siddharta (Tất-đạt-đa) trong khu vườn Lumbini (Lâm-tỳ-ni), lời tiên tri Asita (A-tư-đà), cuộc thi bắn cung, nhà vua xây dựng cung điện cho thái tử, cuộc thi sắc đẹp và kết hôn, thì bộ tranh đặc biệt nhấn mạnh câu chuyện liên quan đến sự tu hành, ý chí dũng mãnh khi tìm đạo, giác ngộ và thuyết pháp của Phật Gautama. Sự nhận thức

          Có thể thấy ý chí tìm đạo dũng mãnh của Thái tử Siddharta thể hiện ở các bức tranh: bốn cuộc chạm trán bất ngờ đưa tới sự thấy biết về sự thật con người ai cũng phải trải qua sinh, già, bệnh và chết; cuộc ra đi vĩ đại thể hiện ý chí dũng mãnh của Thái tử khi vượt qua dòng sông Ni-liên-thiền, ranh giới giữa đời sống thế tục để bước vào cuộc tu hành giải thoát khỏi khổ đau. Tinh thần tu hành của Thái tử và giác ngộ thành Phật được thể hiện qua nhóm tranh: thiền định dưới cây Jambu trong lễ hạ điền; cắt tóc và từ biệt Channa; tu khổ hạnh trong rừng; món quà cỏ; đánh bại Ma Vương; sự giác ngộ,… Hành trình thuyết pháp của Phật Gautama được thể hiện từ bức tranh vượt sông Hằng đến khi nhập Niết-bàn. Toàn bộ sự diễn giải bằng hình ảnh này bổ sung, củng cố cho tinh thần coi trọng trí tuệ và thực hành của tinh thần Phật giáo Nam tông.

          Bên ngoài chánh điện, hình tượng Phật Gautama được bài trí trên tường lối lên vào chánh điện và trong khuôn viên chùa. Trong đó, đặc biệt là bức tranh Đi lên cõi trời Tavatimsa trên bức tường bên ngoài chánh điện, ngay phía sau bức tường mà án thờ chính dựa vào. Chẳng hạn như ở chùa Krang Chai (Tân Thuận, Tân Lợi, Tịnh Biên An Giang), chùa Kran Rot (Tri Tôn, An Giang),…404. Vì sao bức tranh này không nằm trong chánh điện mà lại được bài trí ở bên ngoài, ngay lối lên chánh điện của tu sĩ và Phật tử? Có thể đã có một tinh thần Phật giáo Nam tông tiềm ẩn trong sự bài trí này. Khi đi lên chánh điện, chúng ta chưa bước vào chánh điện nhưng đã được chiêm ngưỡng ngay bức tranh này. Nếu là người tu sĩ và tín đồ Phật giáo, họ sẽ có cảm giác Đức Phật Gautama đang đứng sẵn ở đó chào đón, tiếp độ họ. Niềm tin vào Tam bảo nhờ đó được vun bồi sau mỗi lần lên chánh điện. Chưa hết, phía sau bức tranh chính là án thờ chính của chánh điện. Trên đó có tượng Phật Gautama đang hành thiền, trì bình khất thực,… dựa lưng. Điều đó có nghĩa là người bước vào chánh điện là đang bước vào con đường Bát Chánh Đạo. Trên con đường đó, Phật Gautama đi trước những người đang bước vào chánh điện sẽ là tiếp bước theo ngài, dự vào đoàn thể tu tập trên con đường giải thoát mà Ngài đã đi. Nếu ý tưởng thiết kế đầu tiên có sự trùng hợp với điều này, thì đây lại là một minh chứng thâm sâu hơn cho tinh thần coi trọng thực hành của Phật giáo Nam tông.

          Ngoài hạng mục chánh điện, tinh thần Phật giáo Nam tông còn được thể hiện ở kiến trúc của hạng mục Sala. Trong các chức năng của hạng mục Sala có chức năng của thiền đường, giảng đường. Ngoài bức tượng Phật trong tư thế tọa thiền phía trong Sala thì còn có bức phù điêu hoặc bích họa mô tả hình ảnh Thái tử Siddharta trên thân mình chỉ mặc y đơn giản, đang cưỡi ngựa phóng như bay vượt qua dòng sông Ni-liên-thiền, sang khu rừng nơi tu hành của các vị ẩn tu, phía sau có hình ảnh người hầu Channa. Chúng ta có thể thấy hình tượng này ở Sala của chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, Tp. Bạc Liêu) và nhiều ngôi chùa Khmer ở Việt Nam khác. Tu sĩ hay tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer mỗi khi bước vào Sala đều nhìn thấy bức này, ý chí quyết tâm (ba-lamật quyết định) mạnh mẽ của Phật Gautama sẽ sách tấn tinh thần tu học của họ, khiến họ không dễ duôi trên con đường học Phật, hành Pháp. Đó là điểm đặc biệt của hạng mục Sala – thiền đường của Phật giáo Nam tông Khmer mà chùa Phật giáo Bắc truyền ở Việt Nam không có. Đó cũng là minh chứng sống động cho sự quyết chí thực hành trong tinh thần Phật giáo Nam tông.

          Nhìn chung, tinh thần Phật giáo Nam tông đã thể hiện ở những vị trí trọng yếu nhất của ngôi chùa Khmer. Tinh thần đó chủ yếu nhấn mạnh ở ý chí tu học, sự thực hành bền bỉ và dũng mãnh con đường Bát Chánh Đạo để đi tới giải thoát khỏi phiền não, khổ đau, sinh tử, luân hồi, trên con đường đó mọi người đến chùa đều là tiếp bước theo đoàn thể mà Phật Gautama là người dẫn đường trí tuệ và từ bi nhất.

          3. Những nét kiến trúc và nội dung tranh tượng mang tâm thức Khmer trong ngôi chùa Khmer ở Việt Nam hiện nay

          Tâm thức Khmer là tâm thức cộng đồng của người Khmer. Tâm thức cộng đồng là tâm thức của những người sống cùng nhau trong cùng một không gian và được tích hợp trong suốt chiều dài của thời gian405. Trong đời sống tinh thần, tâm thức này không chỉ thể hiện ở nếp sống, cách ứng xử của con người trong cộng đồng ấy, mà còn thể hiện ở những phương diện nghệ thuật, kiến trúc của cơ sở tôn giáo của họ. Tâm thức Khmer được tìm hiểu trong bài viết này là nền tảng tâm thức góp phần cho các biểu tượng nghệ thuật, kiến trúc của ngôi chùa Nam tông Khmer hình thành.

          Nếu quan sát hết 450 ngôi chùa Khmer ở Nam bộ, ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt rất lớn giữa chùa Phật giáo Nam tông Khmer so với chùa Phật giáo Nam tông Kinh và càng khác xa so với chùa Phật giáo Bắc truyền ở Việt Nam, từ phong cách kiến trúc, màu sắc, nghệ thuật tranh tượng, tượng ngoài chánh điện .v.v. Quan sát kiến trúc và tranh tượng bên trong và bên ngoài chánh điện của ngôi chùa Khmer.

          Về kiến trúc chánh điện chùa Phật giáo nói chung, nếu “mái có độ dốc tương đối ngang bằng là biểu hiện tính hiện thực nhập thế, đầu mái hơi cong nói lên ý hướng thăng hoa giữa cuộc đời. Ngược lại, kiến trúc mái có độ dốc gần như thẳng đứng biểu hiện tính siêu hình xuất thế và đầu mái vút thẳng lên tượng trưng cho ý hướng thoát ly trần tục. Thực ra giải thoát trong giáo lý Nguyên Thủy của Đức Phật không rơi vào hai thái cực nhập thế hay xuất thế.”406. Trong khi đó, chánh điện chùa Khmer được thiết kế một cách đặc biệt: mái dốc vút thẳng lên trời, có bốn cửa ra vào (hai cửa trước, hai cửa sau); xung quanh có các cột cao, được chạm trổ và sơn màu rực rỡ đỡ xung quanh mái.v.v.407. Từ hình dáng tới màu sắc khiến cho ngôi chùa Khmer vượt lên trên mọi khung cảnh xung quanh như vươn tới các tầng trời. Như vậy, phong cách kiến trúc này không thuộc về tinh thần Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Nguyên Thủy, mà thuộc về tâm thức cộng đồng người Khmer. Có thể tâm thức này đã được vun bồi từ trước khi Phật giáo Nam tông du nhập vào cộng đồng này.

          Tại án thờ chính giữa chánh điện của hầu hết các chùa Khmer ở Nam bộ, chúng ta thấy rằng mặc dù tượng chính trên đó là tượng Phật Gautama nhưng Ngài không ngồi trên tòa sen, mà ngồi trên bệ thờ ba tầng được điêu khắc rất tinh xảo uy nghi. Hẳn ý nghĩa của bệ tượng này có sự khác biệt với bệ hoa sen. Nếu hoa sen tượng trưng cho sự giác ngộ, thì hình tượng Phật Gautama trên tòa sen sẽ nhấn mạnh vào sự giác ngộ hoàn toàn của Ngài cùng với những phẩm chất toàn thiện đi kèm sự giác ngộ đó. Nhưng nếu tượng Phật Gautama trên tòa ba tầng với màu sắc rực rỡ của các vùng trời, thì đây có thể là hình tượng nhấn mạnh vào ý nghĩa Ngài là “Thầy của cả trời và người” (thiên nhân sư), hay nói cách khác là vị Thầy của cả ba cõi. Trong tinh thần Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam tông cũng có nói tới ý nghĩa này, nhưng không nhấn mạnh và biểu hiện ở biểu tượng tôn thờ. Như vậy, đây có thể là sự khế hợp giữa tinh thần Phật giáo với tâm thức của cộng đồng người Khmer đã được định hình từ trước.

          Tâm thức Khmer còn được thể hiện ngay trong bộ bích họa trên tường trong chánh điện ở đa số các chùa Khmer Nam bộ. Trong bộ tranh chính gồm 39 bức phác họa về cuộc đời Phật Gautama, chúng ta thấy yếu tố “chư thiên” (các vị sống ở các cõi trời) biểu hiện rất rõ. Chẳng hạn, trong chánh điện chùa Hòa Bình cũ (Hòa Bình, Bạc Liêu) hay chùa Wat Kompong Chapiềng (Bến Cầu, Cầu Kè, Trà Vinh),… bức tranh đầu tiên đã là bức miêu tả các vị thần hội họp để quyết định việc Phật Gautama giáng trần408. Điều này gần như không được nhắc đến trong tinh thần Phật giáo Nam tông. Hoặc các bức họa miêu tả dấu ấn trong suốt cuộc hành trình đi tới giác ngộ của Ngài luôn có hình ảnh chư thiên xuất hiện như: bức cuộc ra đi vĩ đại (chánh điện chùa Thommanimith ở Tịnh Biên, An Giang); bức cắt tóc và từ biệt Channa (chánh điện chùa Serey Kandal ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng; chánh điện chùa Sàmbràyxây (Sàm-rào-xây) ở Cầu Kè, Trà Vinh,…); bức tu khổ hạnh trong rừng (chánh điện chùa Ba Chóp ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng; chánh điện chùa Kop Rum Del ở An Hảo, Tịnh Biên, An Giang,…).

          Trong Nikaya – kinh tạng Pali của Phật giáo Nam tông có nhiều chỗ nói đến chư thiên. Trong nghi thức kinh tụng hàng ngày của Phật giáo Nam tông ở Việt Nam cũng nhắc đến chư thiên như mời chư thiên nghe kinh, hồi hướng phước báu trong sạch do tụng kinh cho chư thiên. Tuy nhiên, tại cơ sở của Phật giáo Nam tông Kinh ở Việt Nam hiếm khi có hình tượng chư thiên ở tranh và tượng, ở cơ sở của Phật giáo Trúc Lâm của Phật giáo Bắc truyền càng không thấy có hình ảnh chư thiên. Vậy vì sao hình ảnh chư thiên lại có nhiều ở tranh tượng của chùa Khmer? Đó là vấn đề cần được xem xét trong tâm thức cộng đồng Khmer hình thành theo chiều dài lịch sử tín ngưỡng và tôn giáo mà họ đã tin theo.

          Một hình tượng dễ nhận thấy ở chùa Khmer Nam bộ là tượng Maha Prum là tượng thần Bốn Mặt. Đây có thể xem là một đối tượng thiêng mang tính phức hợp. Người ta có thể thấy trong hình tượng này là một vị Đại Phạm Thiên khẩn thiết thỉnh mời Phật Gautama ở lại thế gian chỉ dạy cho chư thiên và nhân loại con đường giải thoát ngay khi Phật vừa giác ngộ, điều này đã được ghi lại trong Kinh Nikaya của Phật giáo Nam tông. Người ta cũng thấy đây cũng chính là Brahma – một trong ba vị thần tối cao trong thế giới thiêng của Bà-la-môn giáo. Trong chùa Khmer, hình tượng Maha Prum không ở những vị trí mang tính che chở như rắn Naga hay đỡ mái như chim Krud mà được đặt ở các vị trí đỉnh trụ của tường rào, đỉnh tháp, tháp cốt của các chùa. Nếu toàn thể ngôi chùa Khmer được quan niệm như một trái núi thì ở các vị trí này thần bốn mặt Kabưl Maha Prum có chức năng canh giữ, bảo vệ tất cả mọi thứ bên trong chùa cũng như bảo vệ cả phum, sóc409. Điều này cho thấy, cộng đồng Khmer tôn kính Maha Prum trong sự tích hợp thiêng của một vị thần bảo hộ lãnh thổ và cũng là một vị đệ tử Phật, một vị ân nhân giúp cho chúng sinh có cơ hội học giáo Pháp của Phật Gautama.

          Ngoài ra, tâm thức cộng đồng Khmer còn thể hiện ở các hình tượng linh vật được tạo tác và vài trí ngoài chánh điện. Trước hết là hình tượng Rắn thần Naga trên kiến trúc chùa Khmer. Rắn thần Naga trong tâm thức của người Khmer có chức năng như một vị thần canh giữ chốn linh thiêng, thể hiện sự thịnh vượng, bảo vệ mùa màng, mang nước về cho các dòng sông. Hình tượng Rắn thần trên mái chùa Khmer còn là sự hộ trì Tam Bảo, xua đuổi các thế lực xấu ác và ngăn ngừa hỏa hoạn410. Thực tế, trong bức tranh cuộc đời Phật Gautama, như: rắn thần Naga xuất hiện trong bức Siddhartha và chiếc bát vàng (chánh điện chùa Điệp Thạch ở Châu Thành, Trà Vinh; chánh điện chùa Prochum Sakor ở thành phố Bạc Liêu; chánh điện chùa Phnor Puol ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng,…). Không chỉ trong bích họa, hình tượng Rắn còn được tạo tượng và hiện diện ở các vị trí quan trọng, như trượt trên diềm mái chùa, lượn sóng dọc theo lan can của cầu thang lên chánh điện. Dù ở vị trí nào hoặc bao nhiêu đầu, thì đầu Rắn Naga vẫn vươn lên ở tư thế che chở và bảo vệ. Có giả thuyết cho rằng người Khmer còn tôn thờ rắn Naga như một thủy tổ của tộc người mình411. Nhìn vào Thế giới thiêng Phật giáo Nam tông, hình tượng Rắn Naga có thể được coi là một hiện thân của sức mạnh hộ pháp. Nhìn từ tâm thức Khmer thì Rắn Naga là đối tượng thiêng tích hợp bên trong những ý niệm về nguồn cội, về sự bảo hộ và về che chở trên mặt đất và các cõi trời.

          Tiếp đó tâm thức cộng đồng Khmer còn thể hiện ở sự tôn thờ hình tượng Chim thần Krud. Cũng gần giống với Rắn thần Naga, ở những vị trí quan trọng như đầu cột đỡ mái chánh điện, các hình tượng chim thần Krud được bố trí trong tư thế vươn hai tay lên đỡ mái chùa. Chim cũng là loài linh thú được nhắc tới trong Kinh điển của Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền. Chim Krud xuất hiện trong thế giới thiêng của Bà- la-môn giáo và trong thần thoại của người Khmer. Nếu có khác, thì chim Krud và rắn Naga chỉ khác nhau ở vị trí bảo hộ cho Tam Bảo. Có giả thuyết cho rằng sự bài trí tượng chim thần Krud và rắn thần Naga phác họa lại cuộc chiến giữa hai loài này để thể hiện từ bì và trí tuệ của Phật412. Tuy nhiên, đây cũng có thể phản ánh tâm thức có sự ứng hợp các chức năng khác nhau của các đối tượng thiêng với Tam bảo và với đời sống người Khmer.

          Ngoài ra, hình tượng Reahu và hình tượng Neak Ta (hay Ông Tà) cũng biểu hiện tâm thức Khmer tại cơ sở Phật giáo Nam tông Khmer. Trong đó Neak Ta không chỉ có chức năng trừ khử mọi tai ương, xua đuổi mọi tà ma quỷ dữ, bảo vệ cuộc sống bình yên, no đủ cho người Khmer, mà còn bảo hộ các Sư trong chùa khi gặp phải ốm đau413, như chùa Ông Mẹk (phường 1, thành phố Trà Vinh), chùa Chim (Phường 7, Thành phố Trà Vinh), chùa Phướn (Phường 7, Thành phố Trà Vinh), chùa Xoài Xiêm (Xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú), chùa Bãi Xào Dơi (Xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú) chùa Dơi (phường 3, thành phố Sóc Trăng),…

          Nhìn chung, dù là thể hiện ở bệ tượng nơi chánh điện, trong tranh tường bên trong chánh điện, bên trên mái, đầu cột hay lan can, cho đến tượng bài trí bên ngoài chánh điện, thì những nét kiến trúc và nội dung tranh tượng trên vẫn mang đậm tâm thức của đồng bào Khmer, mang đậm văn hóa đặc trưng của một tộc người trong 54 dân tộc anh em của Việt Nam.

          4. Một số khuyến nghị và đề xuất đối với kiến trúc và tranh tượng của chùa Khmer ở Việt Nam hiện nay

          Một vấn đề đặt ra là với hiện thực kiến trúc và tranh tượng của ngôi chùa Khmer như trên, thì có cần một sự bảo lưu, thay thế hay thay đổi gì để đảm bảo sự hòa hợp giữa đạo với đời, giữa Đạo Pháp và Dân tộc hay không?

          Nếu xét từ góc nhìn Phật học thì khi nói đến kiến trúc, điêu khắc, tranh tượng trong chùa là nói đến tướng, dụng theo tư tưởng Phật giáo. Tướng là biểu hiện của hình dáng, màu sắc. Dụng là khía cạnh tác dụng, sử dụng, ứng dụng. Mà đã nói đến tướng dụng thì phải thích ứng với không gian, thời gian và tâm lý con người414. Tinh thần Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Theravada không nghiêng về nhập thế hay xuất thế. Phần tướng và dụng của ngôi chùa Khmer đã thể hiện được tinh thần Phật giáo Nam tông – đó là khóa cạnh tánh và thể. Nếu đã đạt được sự hài hòa giữa tánh và tướng, thể và dụng thì kiến trúc và tranh tượng của ngôi chùa Khmer hiện nay không cần phải thay đổi gì.

Tuy nhiên, vì không sức mạnh nào chống lại được với thời gian, cho nên nếu cần thiết phải làm gì đó để cho ngôi chùa Khmer được hiện hữu một cách trọn vẹn và bền vững hơn thì có thể có một số đề xuất sau đây:

          Thứ nhất, nếu giữ nguyên bức tranh đầu tiên trong cuộc đời Phật Gautama về các vị thần hội họp để quyết định việc Bồ Tát đản sinh, thì có thể sẽ đưa đến hiểu nhầm về lý nhân duyên và nghiệp quả của Phật giáo Nam tông. Sự tái sinh của một người hay bất cứ một chúng sinh nào không phải bởi sự quyết định của thần linh hay một đấng nào, mà hoàn toàn do nhân duyên và nghiệp lực của họ. Do vậy, nếu cần thiết thì nên thay đổi nội dung hoặc hình thức thể hiện bức tranh này.

          Thứ hai, kiến trúc chùa Khmer truyền thống vốn đã là một di sản văn hóa giàu giá trị, cho nên cần thiết có sự bảo tồn một cách khoa học, và cần có sự giúp sức của các đơn vị chức năng và chính sách của nhà nước415. Đồng thời, cần phải có một sự định hướng đúng đắn cho chuẩn mực trùng tu hoặc làm mới những hạng mục trong chùa Khmer để đảm bảo không làm mai một tinh thần Phật giáo Nam tông cũng như không thỏa mãn được tâm thức của cộng đồng Khmer.

          Thứ ba, bên cạnh sự thực hành Pháp, cộng đồng tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer cần được vun bồi thêm về kiến thức thế học và kỹ năng xã hội khác để có thể truyền thông những thông điệp đích thực và những giá trị rất hữu ích từ kiến trúc và tranh tượng nói riêng, ngôi chùa Khmer nói chung đến với cộng đồng và truyền tiếp cho các thế hệ sau. Đồng thời, đó cũng là một điều kiện cần thiết để các vị Sư có thể duy trì tinh thần của lớp học cho con em Khmer tại chùa, cũng như đảm bảo con em Khmer xuất gia báo hiếu tiếp tục có cơ hội phát triển tri thức xã hội trong thời gian xuất gia.

          Thứ tư, hầu như mỗi ngôi chùa Khmer còn có một lò hỏa táng (gọi là Chêepannăthan) được đặt về hướng Đông Bắc, cách xa vị trí trung tâm của chùa để tránh gây ô nhiễm. Đây vốn là một hạng mục cần thiết đáp ứng tinh thần của đồng bào Khmer. Tuy nhiên, trong điều kiện một số ngôi chùa Khmer ở những vị trí không có quỹ đất lớn, thì lò hỏa táng không cách xa khu dân cư. Một vấn đề đặt ra là lò hỏa thiêu cần phải được thiết kế một cách khoa học và hiện đại để không ảnh hưởng tới môi trường sống của cư dân cư trú gần đó cũng như tới chính đời sống của chư Tăng trong chùa.

          5. Kết luận

          Từ góc nhìn tôn giáo học, kiến trúc và tranh tượng của chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam hiện nay có một số đặc điểm sau: Thứ nhất, kiến trúc và tranh tượng của ngôi chùa Khmer là kết quả của sự thích ứng của Phật giáo Nam tông với không gian Tây Nam Bộ của Việt Nam, với thời gian là Phật giáo vào nơi này khi đã có tín ngưỡng tôn giáo khác tồn tại trước đó và thích ứng với xu hướng tâm lý của người Khmer ở khu vực này.

          Thứ hai, ngôi chùa Khmer vừa duy trì được tinh thần Phật giáo Nam tông, vừa thỏa mãn được tâm thức của cộng đồng Khmer tại Nam bộ hiện nay.

          Thứ ba, tính dân tộc (là điều kiện duyên khởi) của cộng đồng Khmer bao gồm đặc thù của địa dư, khí hậu, phong tục tập quán, ngôn ngữ, tình cảm của tộc người Khmer. Tính dân tộc thay đổi theo thời gian, nhưng độ thay đổi kiến trúc chùa Phật giáo Nam tông Khmer có độ ổn định hơn các kiến trúc chùa khác ở Việt Nam.

          Thứ tư, về mặt hiệu quả tâm lý, sự hiện diện của ngôi chùa Khmer là minh chứng cho thấy Phật giáo Nguyên Thủy đã thâm nhập vào tộc người Khmer một cách rất linh động và uyển chuyển.

          Thứ năm, dù với sự tích hợp về kiến trúc và tranh tượng hài hòa như vậy nhưng một cách tổng quát ngôi chùa Khmer vẫn là ngôi chùa của Ba cõi hơn là ngôi chùa chỉ của cõi người./.

 

 

 

_Chú thích:

392. Chánh Trí-Mai Thọ Truyền (2012), Phật Giáo Sử Đông Nam Á, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, tr.39.

393. Chánh Trí-Mai Thọ Truyền (2012), sđd, tr.41.

394 Chánh Trí-Mai Thọ Truyền (2012), sđd, tr.42.

395. http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/vi-tri-vai-tro-cua-phat-giao-nam-tong-khmer (truy cập ngày 24/03/2023)

396. Phạm Thị Phương Hạnh (chủ biên, 2011), sđd, tr. 95.

397. Phạm Thị Phương Hạnh (chủ biên, 2011), sđd, tr. 96.

398 Võ Sĩ Khải (1995), Văn hóa đồng bằng Nam Bộ, kiến trúc di tích cổ: Kiến trúc trong văn hóa Óc eo, hậu Óc eo ở Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 67.

399. Phạm Thị Phương Hạnh (chủ biên, 2011), sđd, tr. 97 – 98

400. HT.Viên Minh (2006), “Thử tìm hướng đi cho kiến trúc chùa Phật giáo Nam tông Việt Nam”, Nguyệt san Giác Ngộ, số 07 (124), tr.32.

401. Nguyễn Quốc Tuấn (2014), “Triển khai lý thuyết thực thể tôn giáo”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 10(136), tr.3-19.

402. Ven Thubten Chron (Thích Nguyên Hòa dịch, 2008), Tôi tự hỏi vì sao, Nxb.Phương Đông, tr. 44 – 52.

403. Huỳnh Thanh Bình (2020), Tranh tường Khmer Nam bộ, Nxb.Văn hóa – Văn nghệ, tr. 86-144.

404. Huỳnh Thanh Bình (2020), sđd, tr.127.

405. Thích Nhất Hạnh (1996), Giảng luận Duy biểu học, Nxb.Lá Bối, Sài Gòn, tr. 38.

406. HT.Viên Minh (2006), sđd, tr. 28.

407. Lê Bá Thành (2006), “Nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer Nam bộ”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 2 (260), tr.83-84.

408. Huỳnh Thanh Bình (2020), sđd, tr. 87 – 88.

409. Phạm Tiết Khánh (chủ biên, 2021), Văn hóa-văn học dân gian Khmer Nam bộ: những vấn đề nghiên cứu, Nxb.Khoa học Xã hội, tr. 18 – 19.

410. Phạm Tiết Khánh (chủ biên, 2021), sđd, tr. 19 – 21.

411. Nguyễn Đăng Duy (1997), Văn hóa tâm linh Nam bộ, Nxb. Hà Nội, tr. 239.

412. Phạm Tiết Khánh (chủ biên, 2021), sđd, tr. 23 – 25.

413. Nguyễn Đăng Duy (1997), sđd, tr. 245 – 246.

414. HT.Viên Minh (2006), sđd, tr. 30.

415. Lê Quốc Lý (chủ biên, 2017), Chính sách đối với Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào Khmer vùng Tây Nam bộ, Nxb.Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, Hà Nội, tr. 47 – 68.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Phan An (1998), “Ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ trong kiến trúc chùa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Khoa học Xã hội vùng Nam bộ số 38, tr.101 – 103.
  2. Nguyễn Thị Tâm Anh (2014), “Hình tượng Chằn trong nghệ thuật điêu khắc các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 05
  3. Nguyễn Đức Bá (2016), “Tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng trên kiến trúc chùa Nam tông Khmer”, Tạp chí Công tác tôn giáo số 04(116).
  4. Huỳnh Thanh Bình (2020), Tranh tường Khmer Nam bộ, Nxb.Văn hóa – Văn nghệ.
  5. Lê Ngọc Canh (2012), “Hình múa trong kiến trúc chùa tháp Phật giáo Khmer Nam bộ”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2
  6. Nguyễn Đăng Duy (1997), Văn hóa tâm linh Nam bộ, Nxb. Hà Nội
  7. TK.Giới Đức (2021), Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam sử lược, tập 1, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội
  8. Phạm Thị Phương Hạnh (chủ biên, 2011), Văn hóa Khmer Nam bộ – nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam,Nxb. Chính Trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội
  9. Thích Nhất Hạnh (1996), Giảng luận Duy biểu học, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn. 10. Hà Lý (2004), Chùa Khmer Nam Bộ với văn hóa đương đại, Nxb. Văn Hóa Dân Tộc.
  10. Phùng Thị An Na (2015), “Ngôi chùa trong đời sống người Khmer vùng Tây Nam Bộ”, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam số 11(96), tr.102 – 107.
  11. Thạch Đờ Ni (2020), Nét đẹp chùa Khmer, Nxb.Hội Nhà Văn, Hà Nội
  12. Hứa Sa Ni (2019), “Hoa văn và nghệ thuật trang trí chùa Khmer Nam bộ”, Văn hóa nghệ thuật số 426 tháng 12
  13. Dương Thị Minh Ngọc (2016), “Dấu ấn của văn hóa Ấn Độ trong các kiến trúc đền, chùa ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, số 3(2016)
  14. Võ Sĩ Khải (1995), Văn hóa đồng bằng Nam Bộ, kiến trúc di tích cổ: Kiến trúc trong văn hóa Óc eo, hậu Óc eo ở Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  15. Phạm Tiết Khánh (chủ biên, 2021), Văn hóa-văn học dân gian Khmer Nam bộ: những vấn đề nghiên cứu, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội
  16. Cao Xuân Phổ (2003), “Đạo Phật của người Khmer Sóc Trăng”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo số 5
  17. Lê Bá Thành (2006), “Nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer Nam bộ”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 2 (260) năm 2006, tr.82-84.
  18. Trần Minh Thương (2015), “Tìm hiểu ý nghĩa các tượng trong chùa Khmer miền Tây Nam bộ” trong Thông báo Dân tộc học năm 2014, Viện Dân tộc học ấn hành, 1021 – 1032.
  19. Phan Anh Tú (2015), “Ảnh hưởng của việc thờ cúng Phra phrom và Nang kwak ở nam bộ trong bối cảnh giao lưu khu vực”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 07
  20. Thích Nhật Từ (chủ biên, 2021), Phật giáo Nam tông tại vùng Nam bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
  21. Giáo Hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ (2016), Danh tự Cần Thơ, Nxb. Tôn giáo.
  22. Ven Thubten Chron (Thích Nguyên Hòa dịch Việt, 2008), Tôi tự hỏi vì sao, Nxb. Phương Đông,,Hà Nội