1. Khái quát thực trạng kiến trúc Phật giáo các tỉnh Tây Nguyên
Tây Nguyên nằm ở Tây Nam của khu vực miền Nam Trung Bộ, là dải đất nằm dọc theo dãy Trường Sơn Nam kéo dài khoảng 450 km dọc từ Bắc xuống Nam và khoảng 150 km từ Đông sang Tây có tổng diện tích khoảng 65.347 km². Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; và được chia làm 3 cao nguyên chính: Cao Nguyên Kontum-Plây, Cao Nguyên Đắk Lắk và Cao Nguyên Lâm Viên – Di Linh; trong đó cao nguyên Lâm Viên – Di Linh là tổ hợp của ba cao nguyên: Cao Nguyên Langbiang; Cao Nguyên Di Linh (Cao Nguyên Mạ) và Cao Nguyên M’nông. Và Cao Nguyên M’nông.
Trước đây, Tây Nguyên hoàn toàn là vùng đất cư trú của các dân tộc thiểu số, rồi sau đó là sự có mặt của người Chămpa, người Kinh… Hiện nay Tây Nguyên là vùng đất giàu bản sắc văn hóa của 53 dân tộc, trong đó có 52 dân tộc thiểu số, với 2.199.784 người, chiếm 37,65% dân số toàn vùng438. Đáng chú ý là các tộc người bản địa với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với Tây Nguyên và được biểu thị trong kiến trúc và tạo hình. Dễ nhận thấy nhất phải kể tới: Nhà Rông của người Xơ Đăng, Nhà Rông của người Ba Na khu vực Bắc Tây Nguyên; Nhà Dài của người Ê Đê khu vực Trung Tây Nguyên; Nhà sàn, nhà ở của người M’Nông, người Cơ Ho, người Mạ… ở khu vực Nam Tây Nguyên.
Đầu thế kỷ 20, Phật giáo mới có mặt tại Tây Nguyên cùng với người Kinh lên đây để lập nghiệp kinh tế mới. Dù đi tìm cuộc sống nơi vùng kinh tế mới, song những người di dân luôn mang theo tinh thần đạo pháp từ quê hương đến vùng đất này. Đến nay, Phật giáo vùng Tây Nguyên đã xuất hiện những hệ phái Phật giáo trên khắp cả nước như Bắc tông, Nam tông Kinh, Khất Sĩ và dấu tích của Phật giáo Lào (Ban Mê Thuột),… Mỗi hệ phái mang một bản sắc riêng biệt, từ đó các hình thái tự viện cũng khác nhau làm phong phú thêm cho kiến trúc Phật giáo của vùng Tây Nguyên cả về số lượng và cũng dần nâng tầm nghệ thuật Kiến trúc Phật giáo.
So với các vùng khác trong cả nước, Kiến trúc Phật giáo Tây Nguyên thuộc dạng “mật độ thưa” điều này cũng dễ hiểu vì mật độ dân số ở Tây Nguyên rất thấp so với cả nước và là vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên chỉ các cơ sở tự viện từ cấp huyện, hội được đầu tư xây dựng quy củ, còn ở cấp xã, bon, buôn hoặc những vùng sâu, vùng xa là các cơ sở Niệm Phật đường, hoặc những công trình sơ sài, vật liệu tạm…
Tính đến nay, các cơ sở tự viện vùng Tây Nguyên với tổng số khoảng gần 600 tự viện trong đó gần 30 các ngôi tự viện được lập vào danh sách du lịch cấp tỉnh, với các số liệu chính:
– Kon tum: 33 cơ sở tự viện, (27 ngôi chùa, 6 tịnh xá)
– Gia Lai: 71 cơ sở tự viện (62 ngôi chùa, 08 tịnh xá, 01 niệm Phật đường)
– Đắk Lắk: 174 cơ sở tự viện; trong đó: 91 chùa, 18 tịnh xá, 54 niệm Phật đường, 3 thiền viện, 3 tịnh thất, 1 chùa Nam Tông.
– Đắk Nông: 45 cơ sở tự viện (34 chùa, 05 tịnh xá, 02 tu viện, 01 thiền viện).
– Lâm Đồng: khoảng 270 ngôi tự viện lớn nhỏ. (02 thiền viện, 01 tu viện)
Tây Nguyên là mảnh đất cộng cư của nhiều sắc tộc khác nhau, mỗi một sắc tộc mang cho mình một sắc thái văn hóa rõ nét. Chùa Khải Đoan – Tỉnh Đắk Lắk là ngôi chùa đầu tiên mang sắc thái giao thoa kiến trúc bản địa (Nhà dài Ê Đê). Dần dần xuất hiện những công trình giao thoa rõ nét với văn hóa bản địa của vùng như: Chùa Khánh Lâm (Mái nhà rông ở Kontum), chùa Pháp Hoa (thấp thoáng nhà dài – Đăk Nông), chùa Di Đà (Kiến trúc sắc tộc Mạ – M’nông ở Bảo Lâm – Lâm Đồng)…
Bên cạnh đó, các phong cách kiến trúc Phật giáo ngoại nhập cũng đã có mặt tại Tây Nguyên, với các ảnh hưởng của văn hóa kiến trúc Nhật Bản, hay Hàn Quốc… (chùa Minh Thành, chùa Bửu Minh – Gia Lai). Các ngôi chùa này, với những tòa tháp cao kiểu dáng mái cong nhẹ dễ dàng nhận rõ trong các kiến trúc Phật giáo Nhật Bản, Hàn Quốc giúp làm đa dạng thêm các hình thái kiến trúc Phật giáo Tây Nguyên.
Kiến trúc Phật giáo Tây Nguyên hiện nay, chủ yếu thuộc loại công trình văn hóa – tôn giáo, với nhiều loại: chùa, tổ đình, niệm Phật đường, tịnh thất, thiền viện, tu viện tịnh xá, di tích (kỷ lục)…; được phân loại439 theo cả loại hình kiến trúc, quy mô kiến trúc và công năng sử dụng. Trong đó, một số loại hình kiến trúc được quy hoạch khá quy củ phục vụ cho văn hóa du lịch tâm linh; một số công trình nằm trong bản đồ du lịch cấp tỉnh, là nơi hành hương của nhiều Phật tử trong và ngoài nước đến tham quan và chiêm bái. Kiến trúc Phật giáo Tây Nguyên, tùy theo mỗi loại hình440, bao gồm các hạng mục và công năng chính441, có sự tương đồng và có sự khác biệt: Chánh điện, thiền đường, cổng tam quan, lầu chuông – trống, nhà tổ, nhà thờ cửu huyền, nhà tăng, cốc chư tăng, nhà giảng, nhà bếp, nhà ăn, nhà khách thập phương, điện Quan Âm, tượng lộ thiên, sân – vườn, tháp xá lợi, tháp thờ Tổ, tháp thờ tứ ân, các di chỉ lịch sử, các cơ sở dịch vụ công cộng, sản xuất,…
Kiến trúc Phật giáo của mỗi hệ phái có những đặc điểm riêng biệt442 về bố cục tổng mặt bằng, thành phần các công năng, bố trí nội dung các công năng, chi tiết trang trí, tượng thờ, pháp khí…
Biểu tượng đặc trưng trong kiến trúc của các hệ phái Phật giáo tại Tây nguyên có sự tương đồng trong mỗi hệ phái và khác nhau giữa các hệ phái:
– Chùa Bắc tông: Biểu tượng Pháp luân được sử dụng phổ biến trên mái, phía trước, tại vị trí trung tâm của mặt chính ngôi chánh điện. Đặc điểm nhận dạng là các mái cong vút, hệ kết cấu lộ dầm vẫn giữ được nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống Việt Nam.
– Thiền viện Bắc tông: Biểu tượng Pháp luân được sử dụng phổ biến trên mái, phía trước, tại vị trí trung tâm của mặt chính ngôi chánh điện.
– Chùa Nam Tông: Biểu tượng tháp hình chuông (stupa) được sử dụng phổ biến trên đỉnh mái, hoặc tại vị trí nhấn mạnh của chánh điện.
– Tịnh xá: Biểu tượng hoa sen hoặc hoa sen với ngọn đuốc được sử dụng phổ biến trên nóc mái cao nhất của tịnh xá; thường bố cục của hệ phái này là nhà bát giác, được quy ước từ Tổ sư Minh Đăng Quang.
Về biểu tượng đặc trưng chung trong kiến trúc, để nhận diện được cơ sở thờ tự Phật giáo Việt Nam, thì hiện nay, chưa có ý kiến thống nhất chung, các biểu tượng mà các hệ phái hay sử dụng là pháp luân, hoa sen, chữ Vạn…
Hiện nay, nguy cơ trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến kiến trúc Phật giáo. Những vấn đề đã và đang nảy sinh trong việc tu bổ, tôn tạo và xây dựng chùa, tháp là các xu hướng kiến trúc chạy theo hình thức, nệ cổ, du nhập các kiến trúc lai tạp không phù hợp với kiến trúc hiện đại và kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Hơn nữa, kiến trúc Phật giáo tại Tây Nguyên có quá hiếm hoi các công trình khai thác được yếu tố bản địa. Thêm vào đó, việc đánh giá, nhìn nhận các giá trị kiến trúc, pháp khí, tượng pháp,… trong quá trình tu bổ, cải tạo tự viện có nhiều hạn chế.
Hoạt động thực tiễn hiện nay đã tạo ra những vấn đề nảy sinh, những thay đổi trong kiến trúc Phật giáo Tây Nguyên, đó là:
– Giảm tỉ lệ không gian thờ tự và mở rộng không gian cho người đến tu tập (thiền đường, nhà sinh hoạt đa năng…)
– Bổ sung các công trình chức năng phục vụ sinh hoạt cho Phật tử, người trải nghiệm tu tập (nhà khách, nhà hàng ăn uống); bổ sung các công trình chức năng sản xuất, dịch vụ công cộng do các chùa cung ứng (xưởng chế biến, cửa hàng, nhà trẻ, trường học, cơ sở từ thiện xã hội),…
Xu hướng kiến trúc Phật giáo của các hệ phái hiện nay là xây dựng với quy mô bảo đảm phát triển bền vững, lâu dài, định hướng đầy đủ các hạng mục. Hầu hết các công trình đều xây theo bản vẽ thiết kế theo quy hoạch 1/500 đã được duyệt, lấy chính điện làm trung tâm, sử dụng vật liệu mới, vật liệu địa phương, với kỹ thuật xây dựng hiện đại. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình phụ thuộc vào nguồn kinh phí quyên góp của tổ chức, mạnh thường quân dẫn đến việc xây dựng các ngôi tự viện ở Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến quy hoạch chi tiết và thiết kế cảnh quan của tự viện và ảnh hưởng không nhỏ đến việc tu học của Tăng sĩ.
2. Loại hình kiến trúc và những đặc sắc kiến trúc Phật giáo Tây Nguyên
2.1. Các loại hình kiến trúc Phật giáo Tây Nguyên
Ở vùng Tây Nguyên hiện nay, các loại hình kiến trúc Phật giáo đa dạng và có sự khác biệt theo các hệ phái443. Có thể phân loại kiến trúc Phật giáo theo các hệ phái:
– Kiến trúc Phật giáo Bắc Tông (Bắc Tông, Bắc Tông Miền Vĩnh Nghiêm) gồm có: chùa, tổ đình, thiền viện (Trúc Lâm, Tào Động) tu viện, niệm Phật đường, tịnh thất, khu du lịch tâm linh, các cơ sở dịch vụ công cộng.
– Kiến trúc Phật giáo Khất sĩ: tịnh xá
– Kiến trúc Phật giáo Nam Tông (Nam tông Kinh, Phật giáo Lào) gồm có: chùa, thảo am (không còn) – cây bồ đề cổ thụ (kỷ lục).
2.2. Những đặc sắc của kiến trúc Phật giáo Tây Nguyên
Những yếu tố truyền thống về bố cục, không gian, các ngôi tự viện ở Tây Nguyên có những đặc điểm nổi bật được đánh giá nhận dạng riêng của từng hệ phái.
Chùa Bắc tông: Được xây dựng trên những vị trí địa hình có phong cảnh hữu tình, mặt bằng tổng thể thường là tự do, theo hình dáng lô đất và độ dốc địa hình. Tuy nhiên thống nhất ở một số quy cách cũ: Chính điện, thường có hình chữ Tam ( ), chữ Công ( ) là công trình trung tâm. Bố cục tổng thể có tính đối xứng qua trục nối từ cổng Tam quan đến nhà Tổ. Trong đó, Tam quan, chính điện, lầu chuông, lầu trống, nhà Tổ là đối xứng nghiêm ngặt; các hạng mục công trình khác bảo đảm cân bằng qua trục này. Có những ngôi tự viện có trụ biểu hay không có trụ biểu. Biểu tượng Pháp luân được sử dụng phổ biến tại vị trí trang trọng. Tượng thờ trong chính điện phong phú, tượng Đức Bổn Sư tại trung tâm ban thờ chính. Vị trí công trình thường gần khu dân cư, nhiều chùa có điều kiện về đất đai và cảnh quan.
Thiền viện Bắc tông: Được xây dựng trên những vị trí địa hình có phong cảnh hữu tình, mặt bằng tổng thể thường là tự do, theo hình dáng lô đất và độ dốc địa hình. Tuy nhiên, thống nhất ở một số điểm: Chính điện là công trình trung tâm, các mái cong nhẹ thường ít trang trí ở vị trí đầu đao; bố cục tổng thể có tính đối xứng qua trục nối từ Tam quan đến nhà Tổ; trong đó, các kiến trúc cổng tam quan, chánh điện, lầu chuông, lầu trống, nhà tổ là đối xứng nghiêm ngặt qua trục này. Các hạng mục công trình khác thì không cần đối xứng qua trục, tuy nhiên có tính cân bằng qua trục này. Biểu tượng Pháp luân được sử dụng tại vị trí trung tâm của mặt chính ngôi chánh điện; trang trí tinh gọn. Tượng thờ trong chánh điện luôn là tượng Đức Bổn Sư Niêm Hoa Vi Tiếu. Vị trí công trình đa dạng, gần dân cư thì diện tích nhỏ; xa dân cư thì có điều kiện về đất đai và cảnh quan và có thể xây thêm nội viện và ngoại viện.
Tu viện Bắc tông: có bố cục như kiến trúc chùa Bắc tông, tuy nhiên bố cục rõ ràng hơn giữa khu nội viện và ngoại viện. Các tự viện Bắc tông có bố cục tự do theo địa hình, thường ở những vị trí yên tĩnh, xa vùng dân cư, thường ở những khu ngoại ô vắng vẻ.
Chùa Nam Tông: Chính điện là công trình trung tâm. Chùa Nam Tông có bố cục tổng thể có tính đối xứng qua trục nối từ tiền đường – lầu chuông trống đến nhà Tổ. Trong đó, chính điện, lầu chuông, lầu trống, nhà Tổ là đối xứng nghiêm ngặt. Các hạng mục công trình khác thì bảo đảm tính cân bằng với chính điện. Biểu tượng tháp hình chuông (stupa) được sử dụng phổ biến trên đỉnh mái, hoặc tại vị trí nhấn mạnh của chính điện. Tượng thờ trong chính điện luôn là tượng Đức Bổn Sư. Vị trí công trình gần dân cư, có điều kiện về cảnh quan.
Tịnh xá: Được xây dựng trên những vị trí địa hình có phong cảnh hữu tình, mặt bằng tổng thể thường tự do, theo hình dáng lô đất và độ dốc địa hình, tuy nhiên thống nhất ở một số điểm: Chính điện hình bát giác theo đặc trưng của hệ phái là công trình trung tâm; các hạng mục công trình bố trí bảo đảm tính cân bằng qua trục đối xứng của chánh điện. Biểu tượng hoa sen, hoa sen với ngọn đuốc được sử dụng phổ biến trên nóc mái cao nhất của tịnh xá; không trang trí bằng các linh vật. Tượng thờ trong chính điện luôn là tượng Đức Bổn Sư trong tháp 13 tầng. Vị trí công trình gần dân cư, có điều kiện về cảnh quan.
Như vậy, có thể đưa ra một số đặc điểm chung của kiến trúc Phật giáo Tây Nguyên như sau:
1. Về không gian cảnh quan: Các tự viện đều có kết nối giao thông với bên ngoài thuận tiện, bảo đảm cho vận chuyển cơ giới, xe chữa cháy. Có không gian cách ly với các công trình khác.
2. Về bố cục, kết cấu kiến trúc, công năng: Tự viện các hệ phái đều có chánh điện thờ Phật, bố trí tại vị trí trung tâm; trước chánh điện có sân chính nối liền với cổng chính; các công năng khác bố trí hai bên và phía sau chánh điện; tính đối xứng giảm dần từ trung tâm ra bên ngoài. Hình thái kiến trúc thiên về kiến trúc cổ, sử dụng mái có độ dốc lớn trên 40% kết cấu Bê tông cốt thép lộ cấu kiện kết hợp trang trí.
3. Về bài trí tượng pháp, đồ thờ, pháp khí: Các tự viện đều có tượng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, đặt tại ban thờ chính trong chánh điện.
4. Về trang trí kiến trúc, đề tài, biểu tượng…: Thống nhất về các nội dung trang trí kiến trúc, đề tài, biểu tượng xoay quanh Phật (hình ảnh Phật – Bồ Tát – La hán…, pháp hội, tiểu sử, tiền thân…); Pháp (thiền ngữ, kinh, liễn đối, biểu tượng, linh vật, pháp khí, hộ pháp, cây, hoa, lá bồ đề…); Tăng (hình ảnh chư tổ, cao tăng, khuyến tu…)
Tùy theo mỗi hệ phái mà có những trang trí đặc trưng, đầu đao, mái…
3. Một vài nhận xét về thực trạng kiến trúc Phật giáo Tây Nguyên hiện nay
Hội nhập, giao lưu, đời sống kinh tế – xã hội phát triển dẫn đến những tác động, ảnh hưởng tích cực nhưng cũng đem tới những tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhất định đối với việc xây dựng các công trình tự viện tại Tây Nguyên. Xu hướng xa hoa lãng phí, phô trương hình thức như phải xây “chùa to, Phật lớn”, xu hướng du lịch hóa tự viện, thiếu sự kiểm soát, thiếu sự hiểu biết, thẩm thấu, chắt lọc các giá trị, các thông tin,… trước khi tiếp thu, sử dụng trong việc xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo.
Các hình thức kiến trúc Phật giáo Tây Nguyên hiện nay chủ yếu mang ý kiến chủ quan của vị Trụ trì, chưa có định hướng chung, chưa có sự chắt lọc tinh hoa kiến trúc để áp dụng cho Tây Nguyên. Điểm yếu nhất là chưa có công trình tiêu biểu khai thác các yếu tố kiến trúc bản địa xứng tầm với Tây Nguyên – vùng đất có văn hóa – kiến trúc đặc sắc.
Ngoài ra, các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo tại Tây Nguyên thường bị động, việc xây dựng kéo dài nhiều năm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình hội nhập so với các vùng khác.
Ngoài ra, các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo tại Tây Nguyên thường bị động, việc xây dựng kéo dài nhiều năm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình hội nhập so với các vùng khác.
Tuy thế, các ngôi tự viện mới xây dựng gần đây ở Tây Nguyên ít nhiều chịu ảnh hưởng của trào lưu kiến trúc “xanh”, kiến trúc “bền vững”, nên các kiến trúc sư cũng cấy, ghép những yếu tố này trong những công trình kiến trúc. Tuy chưa rõ rệt so với các vùng lân cận nhưng ở một tương lai không xa sẽ mở ra một trào lưu kiến trúc “xanh” trên Tây nguyên với nhiều thuận lợi về vật liệu, địa hình cũng như yếu tố cảnh quan do thiên nhiên mang lại.
4. Một vài đề xuất nhằm bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc Phật giáo Tây Nguyên
1. Nên xây dựng chùa, tịnh xá, tháp có sự kế thừa truyền thống. Riêng các thiền viện, đã tạo nên một phong cách kiến trúc mới, cần giữ gìn, phát triển.
2. Vị trí tự viện cần được xây dựng phù hợp với quy hoạch đô thị, bảo đảm các điều kiện về không gian cách ly theo quy định; giữ mật độ xây dựng. Tự viện cần lập, điều chỉnh và tuân thủ một quy hoạch tổng thể. Trình tự xây dựng cần tuân thủ các quy định của nhà nước; lập và lưu trữ hồ sơ thiết kế do một đơn vị thiết kế chuyên nghiệp đảm nhận. Kiến trúc cần chú trọng tổ chức không gian, không quá chạy theo hình thức, nên đi vào chiều sâu để làm sao chắt lọc, bảo tồn những di sản kiến trúc chùa, tháp có chiều dày lịch sử và giá trị kiến trúc; xây dựng mới các công trình với quy mô phù hợp, sao cho đáp ứng các nhu cầu mới và xây dựng có chất lượng về độ bền và thẩm mỹ. Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình kiến trúc Phật giáo tại Tây Nguyên cần khai thác những đặc trưng kiến trúc bản địa, vận dụng các tiến bộ của kiến trúc hiện đại để tạo ra những ngôi chùa độc đáo đáp ứng bước phát triển của xã hội và nhu cầu hoằng pháp. Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo thì tùy theo giá trị của đối tượng kiến trúc để chọn lựa giải pháp phù hợp; kết hợp khai thác kiến trúc nhà sàn để tạo nét đặc sắc văn hóa Tây Nguyên, thu hút đồng bào Dân tộc bản địa. Nếu sử dụng nguyên bản nhà sàn thì cần nghiên cứu không gian chuyển tiếp giữa kiến trúc tự viện kế thừa truyền thống hoặc kiến trúc mới với nhà sàn, bảo đảm sự hài hòa. Ngoài ra, những câu liễn đối, hoành phi…nên dùng chữ Việt phổ thông để người dân dễ đọc hiểu. Các tự viện xây dựng phải có biểu tượng thống nhất theo quy định.
3. Sự thống nhất của các công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam được thể hiện qua tượng thờ Đức Bổn Sư tại bàn thờ chính trong chính điện (tất cả các tự viện đều có đặc điểm này). Do đó, nếu có thể, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên nghiên cứu, sáng tác một biểu tượng mới và quy định các tự viện thống nhất sử dụng, vì các biểu tượng đang dùng hiện nay không phải là duy nhất của Phật giáo và đặc biệt là không phải mang ý nghĩa đặc trưng riêng có của Phật giáo Việt Nam.
_Chú thích:
438. https://baochinhphu.vn/tao-sin h-ke-ben-vung-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tay-nguyen
439. Xem Phụ lục 1.1 cuối tài liệu
440. Loại hình – được định nghĩa ở mục 2.
441. Xem Phụ lục 1.2 cuối tài liệu
442. Đặc điểm kiến trúc Phật giáo Tây nguyên – xem Phụ lục 1.3 (cuối tài liệu)
443. Các hệ phái theo hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tài liệu tham khảo:
- Lưu Hùng (1996), Văn hóa cổ truyền Tây Nguyên, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
- Thích Giác Toàn (chủ biên, 2004), 64 Tịnh xá của hệ phái Khất sĩ, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
- Nhiều tác giả (2021), Khảo sát kiến trúc 09 chùa (Phổ Minh, Huệ An, Thiên Trúc, Trung Hòa, Kim Quang, Bồ Đề, Hoa Lâm, Hoa Nghiêm, Quảng Trạch) 02 Tịnh xá (Ngọc Bửu, Ngọc Quang) Thiền viện Vạn Đức, NPĐ Pháp Quang, Ban đặc trách Văn hóa Phật giáo Tây Nguyên, Đắk Lắk.
PHỤ LỤC
Phân loại kiến trúc Phật giáo
Kiến trúc Phật giáo trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay, chủ yếu thuộc loại công trình văn hóa – tôn giáo, với nhiều loại: chùa, tổ đình, niệm Phật đường, tịnh thất, thiền viện, tịnh xá, di tích (kỹ lục)…; được phân chia theo cả loại hình kiến trúc, quy mô kiến trúc và công năng sử dụng:
Công năng – hạng mục:
Mỗi loại hình kiến trúc Phật giáo của tỉnh bao gồm các hạng mục và công năng chính:
Đặc điểm kiến trúc Phật giáo của các hệ phái
Kiến trúc Phật giáo của các hệ phái có những điểm riêng biệt về bố cục tổng mặt bằng, thành phần các công năng, bố trí nội dung các công năng, chi tiết trang trí, tượng thờ, pháp khí… có thể khái quát: các hạng mục công trình chính, kết cấu kiến trúc, ý nghĩa và công năng sử dụng của các hạng mục như sau:
Kiến trúc phật giáo Bắc tông: chùa, tổ đình
Các chùa, tổ đình tại Tây Nguyên hiện nay tồn tại với các loại quy mô, xây dựng kiên cố, có tương đối đầy đủ các hạng mục công trình chính sau đây:
– Chính điện là hạng mục công trình chính đầu tiên, mang đặc trưng riêng của hệ phái, thường có hình chữ công ( ), chữ vương ( ); đặt tại trung tâm của bố cục; bố trí công năng theo lối truyền thống: Tiền đường gồm có lầu chuông, lầu trống và thờ hộ pháp – với chánh điện 2-3 tầng thì bố trí cầu thang chính; chính điện bao gồm: chính giữa là ban thờ Phật – hai bên có thể có 2 hoặc 4 ban thờ Bồ Tát – trước ban thờ Phật là nơi công phu của chủ lễ – chư tăng – trước các ban thờ là nơi cầu nguyện, công phu của phật tử (chiếm phần lớn diện tích); hậu Tổ bố trí phía sau chính điện là ban thờ Tổ, cửu huyền và cầu thang phụ (nếu có) tùy theo tự viện; hậu Tổ (thờ Tổ, cửu huyền) có thể là một hạng mục công trình riêng, đặt phía sau chính điện; kiến trúc thường theo lối truyền thống, đối xứng qua trục nối từ trước ra sau. Cấp công trình từ cấp IV đến II – I, tầng cao từ 1-3 tầng; kết cấu gạch đá, BTCT, gỗ nhóm II – I…; mái thường giật cổ lầu, lợp ngói đất nung, tôn giả ngói hoặc tôn thường; sàn tầng 1 láng xi măng hoặc lát gạch men, đá; sàn tầng 2,3 lát gách men, đá hoặc gỗ; hoàn thiện, trang trí vữa xi măng, gỗ, đá, sơn nước;
– Cổng tam quan: thường nằm trên tục đối xưng của chánh điện, hình thức kiến trúc kiểu cổng hoặc kiểu trụ biểu; kết cấu BTCT hoặc BTCT kết hợp gạch – đá, trang trí vữa xi măng với các nội dung hình tượng pháp luân, hoa sen, chữ vạn, hoa văn, diềm trang trí… ghi tên chùa, câu đối mang nội dung kinh điển hoặc giáo lý bằng chữ Việt, chữ Việt cách điệu hoặc chữ Hán; cánh cổng thường bằng thép hình, sơn. Có 3 cửa vào: cửa giữa rộng ô tô và xe chữa cháy có thể vào được, 2 cửa bên cho người đi bộ và xe 2 bánh.
– Nhà giảng: Tùy theo tự viện, nếu gắn liền với chánh điện 1-3 tầng thì nhà giảng thường bố trí ở tầng 1 nối tiếp ngay sau tiền sảnh; có kiến trúc, cấp công trình, kết cấu và trang trí tương đồng với chính điện và thường được sử dụng cho đa chức năng (chùa Hoa Lâm); nếu tách rời với chánh điện thì nhà giảng thường bố trí về một phía (chùa Khải đoan, chùa Phổ Minh) hoặc phía sau (chùa Bửu Thắng) của chính điện; có kiến trúc, cấp công trình, kết cấu và trang trí riêng, có thể kết hợp với các công năng khác. Công năng chính của nhà giảng là giảng đường, hội họp, sinh hoạt chuyên đề, lễ hội, nhà ăn và có thể có một sân khấu nhỏ…
– Nhà tăng: Tùy theo tự viện, thì nhà tăng thường bố trí phía sau (các chùa nhỏ trong thành phố) hoặc một bên chánh điện (chùa Hoa Lâm, chùa Khải Đoan); nếu gắn liền với chánh điện 1-3 tầng thì nhà tăng có kiến trúc, cấp công trình, kết cấu và trang trí ngoại thất tương đồng với chánh điện (nội thất đơn giản hơn) (chùa Hoa Lâm); nếu tách rời với chánh điện thì nhà tăng có kiến trúc, cấp công trình, kết cấu và trang trí riêng. Nhà Tăng bố trí phòng ở và phòng khách để chư tăng có thể kết hợp với các công năng khác. Nhà Tăng có công trình phụ dành riêng cho chư Tăng, cho trụ trì. Nhà Tăng thuộc cấp công trình từ cấp IV đến III, tầng cao từ 1-2 tầng; kết cấu gạch đá, BTCT, gỗ nhóm III – IV…; mái đa dạng, lợp ngói đất nung, tôn giả ngói hoặc tôn thường; sàn tầng 1 láng xi măng hoặc lát gạch men, đá; sàn tầng 2 lát gách men, đá hoặc gỗ; hoàn thiện, trang trí vữa xi măng, gỗ, đá, sơn nước.
– Nhà Bếp và công trình phụ: thường bố trí phía sau hoặc một bên chính điện; xây gạch – đá hoặc BTCT, 1 tầng hoặc bố trí ở tầng 1; mái lợp ngói, tôn; hoàn thiện vữa xi măng – sơn nước.
– Điện Quan Âm (chùa Khải Đoan, chùa Dược Sư…) hoặc tượng Quan Âm kết hợp tiểu cảnh (chùa Hoa Lâm, Phổ Minh)
– Tượng Phật Thích Ca lộ thiên hoặc kết hợp cây Bồ Đề.
– Tháp: 1 tầng kiểu mộ tháp có mái che – stupa (chùa Khải Đoan) – 7 tầng kiểu tháp (chùa Dược Sư), kết cấu BTCT.
– Sân chính: láng xi măng hoặc lát gạch, đá; tượng đá, xi xăng theo chủ đề (vườn Lâm Tỳ Ni, Chuyển Pháp Luân, thập bát La Hán…)
– Các sân cát: láng xi măng hoặc lát gạch, đá kết hợp các khoảng đất trống và chậu cảnh trồng cây; một số không gian lợp tấm che mưa – lấy sáng.
Kiến trúc phật giáo Bắc tông: niệm Phật đường (NPĐ), tịnh thất
Các niệm Phật đường, tịnh thất tại Tây Nguyên hiện nay tồn tại đa dạng, không có kiến trúc, kiểu nhà điển hình. Các công trình từ nhà tạm đến cấp IV, cấp III. các công năng có thể tách biệt theo các hạng mục công trình, cũng có thể tích hợp trong một công trình. Bao gồm các công năng – hạng mục công trìn chính sau đây:
– Chánh điện: công trình trung tâm của bố cục; nhà cấp IV hoặc tạm, 1 tầng; thờ Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni và Di Đà Tam Thánh (NPĐ. Pháp Quang) hoặc thờ đủ các ban như chùa (NPĐ. Mê Linh); là nơi sinh hoạt, tu tập, chiêm bái của Phật tử.
– Nhà ở, nhà bếp: phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho trụ trì và Phật tử.
– Cây Bồ Đề (NPĐ. Pháp Quang)
– Tượng Quan Âm lộ thiên (NPĐ. Mê Linh); Đài Quan Âm (NPĐ. Pháp Quang)
– Sân vườn: láng xi măng hoặc lát gạch, đá; tượng đá, xi xăng theo chủ đề (vườn Lâm Tỳ Ni, Chuyển Pháp Luân, Tổ sư, thập bát La Hán…) có thể kết hợp vườn cây, vườn sản xuất, vườn cảnh quan.
Kiến trúc phật giáo Bắc tông miền Vĩnh Nghiêm
Chùa Phổ Minh (thành phố Buôn Ma Thuột) là ngôi chùa tiêu biểu của hệ phái Bắc Tông Miền Vĩnh Nghiêm tại Đắk Lắk hiện nay. Được xây dựng năm 1955, chùa tọa lạc trên triền đồi thoáng mát hướng Tây – Nam, thuộc khu quần thể hồ sinh thái Ea Tam (đang được nhà nước đầu tư xây dựng) cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 1 km, rất phù hợp cho sinh hoạt văn hóa và tổ chức các sự kiện sau này khi hoàn thiện. Diện tích chùa hiện nay gần 8000 m2. Cấu trúc cơ bản của chùa là ngôi chính điện hình chữ Công ( ) đối xứng qua trục từ trước ra sau, ngôi chính điện cổ được bao quanh bởi cây xanh tạo ra không gian cảnh quan trung tâm của tổng thể chùa; các hạng mục công trình khác được bố trí hài hòa, đáp ứng nhu cầu công năng, và thuận việc lưu thông trong sinh hoạt, đặc biệt vào ngày thời tiết mưa, bám theo hình dáng tự do của lô đất; là một trong những ngôi chùa đầu tiên tại tỉnh Đắk Lắk được xây dựng bằng vật liệu BTCT, có tương đối đầy đủ các hạng mục công trình chính sau:
– Chính điện là hạng mục công trình chính, có giá trị về lịch sử gắn liền với Tổ khai sơn, mang đặc trưng riêng của hệ phái, có hình chữ công ( ); đặt tại trung tâm của bố cục. Chính điện bố trí công năng theo lối truyền thống: Tiền đường gồm có sảnh đón, hai ban thờ hộ pháp ở hai bên, cầu thang lên lầu chuông, lầu trống; chính điện bao gồm: chính giữa là ban thờ Phật – hai bên có 2 ban thờ đặc trưng của hệ phái – trước ban thờ Phật là nơi công phu của chủ lễ – chư tăng- trước khu vực của chư tang có ban thờ Cửu long (đản sanh) – trước các ban thờ là nơi cầu nguyện, công phu của Phật tử (chiếm phần lớn diện tích); hậu cung bố trí phía sau chánh điện; Cấp công trình III – IV, diện tích 275m2; được xây dựng BTCT; mái giật cổ lầu, lợp ngói đất nung; sàn lát gỗ; hoàn thiện, trang trí vữa xi măng, gỗ, đá, sơn nước; hình thức trang trí ngoại thất: tứ linh, tứ quý, nội thất: hoa sen, hoa sen cách điệu, niên vạn, pháp luân, cát tường.
– Cổng tam quan: được các nghệ nhân tai cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình thi công 100% bằng đá xanh được chuyển từ Ninh Bình vào xây dựng vào năm 2008 công trình chào mừng Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc.
– Hội trường diện tích 400m2 xây dựng vật liệu hiện đại hai tầng BTCT mái lợp tôn, tầng trên làm hội trường sinh hoạt đa năng tầng dưới làm phòng ở chúng nội tự, phòng khách lưu trú, nhà trù.
– Nhà sinh hoạt Phật tử diện tích 300m2 xây dựng vật liệu hiện đại hai tầng BTCT mái lợp tôn, tầng trên Phật tử sinh hoạt và đạo tràng Bát quan trai tu học, tầng dưới trai đường và công trình phụ…
– Văn phòng của chùa, phòng làm việc trụ trì có diện tích 150m2 được xây một tầng kiên cố BTCT, mái lợp tôn.
– Tổ đường đang xây dựng dựng hai tầng, mặt sàn đổ bê tông 550m2 trên xây nhà thờ tổ, thờ linh mái đổ bê tông dán ngói.
– Đài Quan Âm kết hợp tiểu cảnh
– Tượng Phật Thích Ca lộ thiên kết hợp cây Bồ Đề.
– Tượng Di Lặc lộ thiên.
– Chòi nghỉ chân
– Nhà cầu nối
– Bia đá ghi lịch sử chùa.
– Sân chính: được xây bằng chất liệu bê tông xi măng kết hợp cây xanh; tượng đá, xi xăng theo chủ đề: vườn Lâm Tỳ Ni, Di Lặc với 12 con giáp.
– Nhà dưỡng lão (xây dựng tại vị trí khác) nhà dưỡng lão cưu mang người neo đơn đã được nhà nước cho chủ trương xây dựng đang chuẩn bị xin cấp phép hoạt động.
– Nghĩa trang (xây dựng tại vị trí khác) nơi an nghỉ cho Phật tử quá cố.
Kiến trúc Phật giáo Bắc tông: Tu viện
Các tu viện tại Tây Nguyên (Liễu Quán, Bát Nhã) có bố cục như kiến trúc chùa Bắc tông, tuy nhiên bố cục rõ ràng hơn giữ khu nội viện và ngoại viện; có thể có bố cục tự do theo địa hình, và thường ở những vị trí yên tĩnh, xa vùng dân cư.
Kiến trúc Phật giáo Bắc tông: Thiền viện
Kiến trúc thiền viện tại Tây Nguyên hiện nay có các thiền viện: Đà Lạt, Vạn Đức, Từ Giác, Đạo Nguyên
– Cấu trúc cơ bản của thiền viện: chính điện, hai bên là lầu chuông, lầu trống là công trình chính ở vị trí trung tâm và chi phối bố cục tổng thể; cổng tam quan hướng ra đường, phía sau là tổ đường… Các hạng mục chính này bố trí đối xứng theo trục chính từ trước ra sau chánh điện. Các hạng mục khác như thiền đường, chánh pháp đường (nhà giảng) tăng đường, trai đường, nhà khách, nhà bếp, điện Quan Âm, tượng lộ thiên… bố trí chung quanh chánh điện, bảo đảm sự cân đối của toàn khu mà không yêu cầu đối xứng tuyệt đối.
– Chính điện là hạng mục công trình chính đầu tiên, mang đặc trưng riêng của hệ phái, tổ chức đối xứng qua trục chính nối từ trước ra sau; đặt tại trung tâm của bố cục. Chính điện gồm có lầu chuông, lầu trống; chính giữa là ban thờ Đức Bổn Sư Niêm Hoa Vi Tiếu (truyền pháp vô tướng, thật tướng cho Ma Ha Ca Diếp) – hai bên có 2 ban thờ Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền (Bồ Tát Văn Thù tiêu biểu căn bản trí, Bồ Tát Phổ Hiền tiêu biểu đức hạnh viên mãn – hành giả tu Phật không thể thiếu trí tuệ và đức hạnh). Chính điện là nơi làm lễ sám hối, cúng tụng theo thời khóa công phu và những ngày lễ lớn trong năm cùng các khóa lễ cần thiết.v.v… Phần lớn diện tích của chánh điện dành cho người đến chiêm bái và tu tập. Kiến trúc theo lối riêng của thiền viện, tinh giản trong trang trí; cấp công trình từ cấp IV đến II – I, tầng cao từ 1-2 tầng; kết cấu gạch đá, BTCT; mái giật cổ lầu, lợp – dán ngói đất nung cong xòe, thể hiện tính uy nghiêm, trầm hùng, Thiền vị; đồng thời cũng có nghĩa uyển chuyển mềm mại tùy thuận chúng sanh… Trên mái: phía trước trang trí phù điêu chuyển pháp luân 8 cạnh tượng trưng cho bát chánh đạo; phía sau có tháp nhỏ, trên đỉnh tháp trang trí hoa sen; mỗi góc mái có trang trí đầu đao cong vút lên biểu trưng trí tuệ bát nhã. Đầu đao phân 3 bậc chỉ cho Phật, Pháp, Tăng, cũng có nghĩa vượt khỏi tam giới, cũng có nghĩa là đơn đao, độc đạo là con đường độc nhất của trí tuệ đưa hành giả trở về hội nhập với chính mình và chân như vũ trụ. Nền, sàn tầng 1 lát gạch men, đá, gỗ; sàn tầng 2 lát gách men, đá, gỗ; hoàn thiện, trang trí vữa xi măng, gỗ, đá, sơn nước.
– Tam quan: nằm trên tục đối xưng của chính điện, hình thức kiến trúc kiểu cổng có mái cong dán ngói, có đầu đao như chánh điện; kết cấu BTCT, trang trí vữa xi măng – gạch đá; có 3 cửa vào: cửa giữa rộng ô tô và xe chữa cháy có thể vào được, 2 cửa bên cho người đi bộ và xe 2 bánh.
– Các hạng mục công trình khác có kiến trúc, kết cấu, cấp công trình tương đồng hoặc thấp hơn so với chánh điện bao gồm: Thiền đường: Tọa thiền, Chánh pháp đường: Giảng pháp, Tổ đường: Thờ Chư Tổ, Trai đường: Thọ trai ăn uống, Tăng đường: Nhà ngủ nghỉ Chư tăng, Thư viện: Lưu trữ kinh luật, sách pháp để nghiên cứu. Nhà tiếp khách và chỗ nghỉ cho khách,…
– Sân, vườn, tượng lộ thiên (điện Quan Âm, tượng Bổn Sư, cây bồ đề…)
Kiến trúc Phật giáo Khất Sĩ: Tịnh xá
– Cấu trúc cơ bản của tịnh xá: chính điện là công trình chính ở vị trí trung tâm và chi phối bố cục tổng thể; các hạng mục công trình khác như cổng tam quan, am cốc, nhà cửu huyền, giảng đường, nhà tăng, nhà khách, nhà bếp, điện Quan Âm, tượng lộ thiên… bố trí chung quanh chánh điện, bảo đảm sự cân đối của toàn khu mà không yêu cầu đối xứng tuyệt đối.
– Chính điện bát giác: là hạng mục công trình chính đầu tiên, đặc trưng riêng của hệ phái, đặt tại trung tâm của bố cục. Một số Tịnh xá xây dựng chánh điện 2 – 3 tầng thì chính điện bát giác được đặt trên tầng cao nhất của ngôi chính điện. Kiến trúc hình bát giác đã trở thành nét đặc trưng vô cùng độc đáo của các tịnh xá đạo tràng, hệ phái Khất Sĩ Phật giáo Việt Nam. Chính điện hình bát giác, tượng trưng cho Bát Chính Đạo; cổ lầu tứ giác tượng trưng cho Tứ Diệu Đế; bốn cột lớn trong lòng chính điện tượng trưng cho Tứ Chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cận sự nam và cận sự nữ cùng nhau nâng đỡ ngôi nhà Phật pháp. Tại trung tâm của chính điện bát giác bố trí tượng Đức Bổn Sư trong tháp nhỏ 13 tầng (vì đức Như Lai là ngôi vị thứ 13 của chúng sinh tiến lên từ nấc), phía sau tượng Đức Bổn Sư là ban thờ Tổ sư Minh Đăng Quang. Chính điện bát giác là nơi tụng giới bố tát, tu tập thiền định của chư tăng. Được xây dựng với cấp công trình cao nhất, tùy theo cơ sở, từ cấp IV- II, I; kết cấu BTCT hoặc xây gạch – đá; tường xây gạch; cửa mở về 3 đến 4 hướng; mái giật cấp 2 tầng, BTCT dán ngói hoặc gỗ, thép lợp tôn, đóng trần; trang trí bằng các hoa văn hoặc phù điêu xi măng trần hoặc sơn màu với các nội dung pháp luân, hoa sen, ngọn đuốc, phật tích, ngọn sóng, hoa lá… đặc biệt là không trang trí bằng các hình ảnh con vật (tứ linh).
– Chính điện sinh hoạt nghi lễ: Tùy theo tịnh xá, khi tín đồ đông, nhu cầu xây dựng một chánh điện, hình chữ nhật, có diện tích lớn để làm nơi tứ chúng tụng kinh hàng đêm, tu thiền mỗi chiều, đạo tràng niệm Phật tu tập vào ngày quy định, cúng hội các ngày mùng 8, Rằm, 23 và 30 hàng tháng, Tu Bát Quan Trai… được xây dựng với cấp công trình, kết cấu, hoàn thiện, trang trí… tương đồng với chính điện bát giác.
– Nhà cửu huyền: thường bố trí tiếp sau chính điện, tuy nhiên cũng có nơi bố trí về một bên (Tịnh xá Ngọc Thành) là nơi thờ cửu huyền thất tổ của Phật tử; thường được xây dựng với cấp công trình, kết cấu, hoàn thiện, trang trí… tương đồng với chính điện.
– Giảng đường: nơi giảng kinh, thuyết pháp, học giáo lý, sinh hoạt Gia đình Phật tử, tổ chức sự kiện, lễ hội… Giảng đường thường được xây dựng với cấp công trình, kết cấu, hoàn thiện, trang trí… tương đồng với chính điện.
– Các am cốc: Nơi dành riêng cho mỗi nhà sư yên tịnh tu tập; được xây dựng theo quy cách cố định: có sàn, vật liệu gỗ, ván, tranh, tre…
– Cổng Tam quan: kiểu cổng hoặc trụ biểu, bố trí ngay trục chính của chính điện (Tịnh xá Ngọc Ban, Tịnh xá Ngọc Nguyên…). Tuy nhiên, một số Tịnh xá bố trí về một phía (Tịnh xá Ngọc Quang, Tịnh xá Ngọc Thành…).
– Điện – tượng Quan Âm, Di Lặc: Nhiều Tịnh xá có Điện – tượng Quan Âm, một vài Tịnh xá có tượng Di Lặc (TX Ngọc Ban)
– Bảo Tháp Xá Lợi: Hiện nay, có hai Tịnh xá xây dựng bảo tháp, đó là: Bảo tháp Xá lợi (Tịnh xá Ngọc Quang 7 tầng – đặt trên mái tầng 3) và Bảo tháp Xá lợi (Tịnh xá Ngọc Thành 9 tầng: Phụng thờ Xá Lợi Phật, Tam Tạng Thánh Điển). Bảo tháp Xá lợi của Tịnh xá Ngọc Quang: Tầng 1 phụng thờ ông bà Cửu Huyền Thất Tổ; tầng 2 phụng thờ Giác linh cố Hòa Thượng; tầng 3 phụng thờ giác linh các đức Thầy của 6 giáo đoàn; tầng 4 phụng thờ Tổ sư Minh Đăng Quang; tầng 5 phụng thờ Thập đại đệ tử của đức Phật; tầng 6 phụng thờ Tam Tạng Thánh Điển Phật Giáo Việt Nam; tầng 7 phụng thờ Xá Lợi Phật.
– Đại hồng chung: một số tịnh xá có đại hồng chung, bố trí trước chính điện.
– Cây bồ đề, sân vườn, …
– Nhà tăng: Với Tịnh xá có tăng chúng đông, nhà tăng là nơi ở của Tăng trụ xứ.
– Nhà khách: Là nơi dừng chân của khách Tăng và khách thập phương.
– Nhà bếp: Phục vụ nhu cầu ăn uống.
– Công trình phụ: Vệ sinh, tắm, giặt…
Kiến trúc Phật giáo Nam Tông: (Chùa Phổ Quang, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk)
– Cấu trúc cơ bản của chùa: chính điện là công trình chính, có hình thức đối xứng qua trục từ trước ra sau, ở vị trí trung tâm và chi phối bố cục tổng thể; các hạng mục công trình khác như cổng, nhà tăng, nhà linh, bếp, khách, tượng lộ thiên, vườn hoa… được bố trí chung quanh chánh điện, bảo đảm sự cân đối của toàn khu mà không yêu cầu đối xứng tuyệt đối.
– Chính điện – lầu chuông – lầu trống: Chính điện có diện tích 20 x 17 m, trục đối xứng từ trước ra sau. Tiền đường có tượng hộ pháp đặt tại lối vào chính giữa, nối với hành lang hai bên. Bên trong chính điện thờ tượng Đức Bổn Sư bằng đồng chiều cao 1m72, xung quanh chính điện được trang trí 4.000 tượng Phật. Phần tiền đường có sàn mái BTCT, trên đó, bố trí 3 ngôi tháp (kiểu stupa). Tháp giữa cao lớn hơn 2 tháp bên, là Bảo Tháp thờ Xá Lợi Phật. Phía trước chính điện, có lầu chuông (bên phải) và lầu trống (bên trái) được xây dựng tách rời với chính điện. Ở phần mái cũng bố trí một ngọn tháp, có hình thức giống 2 tháp nhỏ trên tiền đường của chính điện. Các ngọn tháp này tổ hợp thành 5 ngọn tháp tượng trưng cho 5 vị Phật – một điểm đặc trưng của phật giáo Nam tông. Chính điện – lầu chuông, trống được xây dựng cấp III-II, BTCT, trang trí hoa văn xi măng – sơn nhũ vàng, chữ vạn, hoa sen, pháp luân, lá…
– Cổng: mở về phía đường, không nằm trên trục đối xứng của chính điện, có 1 lối vào, kiểu tháp cổng với 3 tầng mái.
– Các công trình khác: nhà tăng, nhà linh, nhà bếp, nhà khách, vườn hoa viên…
– Bên ngoài tôn trí Phật lộ thiên, Đức Bổn Sư, Bồ Tát Quan Thế Âm, Bồ Tát Địa Tạng.